Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

VAI TRÒ CỦA HỒ CHÍ MINH VỚI HIẾN PHÁP 1946

VAI TRÒ CỦA HỒ CHÍ MINH VỚI HIẾN PHÁP 1946



Nguyễn Thị Hoài An - Gv. Khoa Nhà nước & Pháp luật
File đính kèm: Không có

Hiến pháp 1946 của nước ta đã được giới học thuật về luật pháp trong vào ngoài nước ngày nay khẳng định là bản Hiến pháp tiến bộ nhất so với các bản khác, được Quốc hội nước nhà ban hành vào các năm 1959, 1980 và 1992 và cả bản hiến pháp 1992 đã tu chính vào năm 2001. Trong bản Hiến pháp này, nhiều vấn đề khoa học pháp lý đang được thực tiễn kiểm chứng giá trị lâu bền của nó cho đến ngày nay. Theo lời của GS.TS.Chu Hảo, nếu Hiến pháp Hoa Kỳ 1787 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nhân loại (vẫn đang thực thi liên tục trong hơn 200 năm qua và được coi là bản Hiến pháp có giá trị bền vững nhất trong lịch sử lập pháp thế giới đã được xây dựng một cách hết sức công phu bởi 55 nhà lập pháp kiệt xuất mà Thomas Jefferson (1743-1826, tác giả Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776) gọi là “những người con của thánh thần” thì Hiến pháp 1946 của nước ta, thực sự đã được làm ra chủ yếu bởi chỉ một người, mà vào thời điểm lịch sử đó, cũng xứng đáng là “người con của thánh thần”, ấy là Hồ Chí Minh. Một ngày, sau khi đọc tuyên ngôn độc lập, ngày 03 tháng 9 năm 1946, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong đó, một trong sáu nhiệm vụ là: “ Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Trên tinh thần ấy, ngày 20 tháng 9 năm 1945, dù Quốc Hội (Nghị viện nhân dân) chưa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp theo sắc lệnh số 34/SL. Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thuỵ ( Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), trong đó Người làm trưởng ban. Ban dự thảo Hiến pháp được thành lập trong thời điểm đất nước đang bộn bề công việc, tình thế hết sức nguy nan. Một đất sau mấy nghìn năm sống trong chiến tranh mới hưởng yên bình được 21 ngày và vẫn đang ở trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Chính phủ mà Hồ Chí Minh tiếp quản có ngân khố quốc gia gần như trống trơn với hơn 400 đồng bạc Đông Dương nhưng hơn một nửa đã rách nát hết và không tiêu dùng được. Chính phủ mới đang phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, nạn đói hoành hành và giặc giốt đang làm cho 90% dân số mù chữ. Trong bộn bề khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn chủ trì Ban dự thảo Hiến pháp tiến hành nhiều phiên họp, dự thảo, bổ sung và sửa đổi Hiếp pháp. Ngày 10 tháng 11 năm 1945, bản Dự thảo Hiến Pháp đã được đăng trên báo Cứu Quốc kèm theo thông báo của Chính phủ là : “ Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà nên Chính phủ thông báo bản Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và tự do bàn bạc, phê bình…Uỷ ban dự thaỏ hiến pháp sẽ tập trung đề nghị sửa đổi theo ý kiến của nhân dân rồi trình Quốc dân đại hội bàn luận.” Ngày 06 tháng 01 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ cộng hoà đã diễn ra như một ngày hội đặc biệt của toàn dân. Nhân dân mọi miền đất nước nô nức đi bầu cử. Với một trách nhiệm và niềm tin như Hồ chí Minh đã hứa: “ Ngày mai, mồng sáu tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu được hưởng quyền dân chủ của mình.” . Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu ra Quốc hội khoá I với 242 đại biểu, trong đó có 70 ghế là đại biểu của các đảng Việt Quốc, Việt Cách… được Hồ Chí Minh quyết định đặc cách không bầu mà mời vào Quốc Hội. Thế mà, bản Hiến pháp ngày 09/11/1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được thông qua với 240 trên tổng số 242 đại biểu tán thành. Với bối cảnh ra đời như vậy, hẳn chúng ta phải thấy được trí tuệ lập pháp tài tình của Hồ Chí Minh và bản Hiến pháp ấy phải thực sự dân chủ mới ghi nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của nhân dân, trong đó có cả các thế lực thù địch, phản cách mạng lúc bấy giờ. Bản Hiến pháp ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ấp ủ hàng mấy chục năm trước đó, có lẽ trước cả khi Người thay mặt cho nhân dân An Nam đưa ra yêu sách: “ Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Hiến pháp 1946, với những lời lẽ cô động, súc tích, chính xác, rất dễ hiểu cho cả từ bậc trí thức, chuyên gia pháp lý cho đến cả những người dân với trình độ “i tờ” lúc bấy giờ. Đọc lại hiến pháp 1946, người ta thấy được cái thần thái, cái linh hồn của một tác phẩm pháp lý có tính dẫn đường cho hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam mới, xứng đáng là “Gốc”, là “Mẹ” của các công trình pháp lý khác. Nói như vậy, tác giả không có ý so sánh hay nhận định các bản Hiến pháp sau này không có cái thần thái ấy. Tuy nhiên, dưới cái nhìn mang tính chất riêng tư, với mong muốn góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp (nếu có), chúng tôi nhận thấy rằng, bản Hiến pháp hiện hành vẫn còn một số vấn đề cần suy nghĩ thêm. Xin đơn cử một ví dụ, điều 16 Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung ngày 25/12/2001 liệt kê 6 thành phần kinh tế gồm “kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Quy định này giờ đã lỗi thời khi các văn kiện của Đảng hiện nay xác định 5 thành phần kinh tế, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO năm 2006 và khi thực tiễn của các quan hệ kinh tế hiện nay không còn chú trọng chủ thể của nó bắt nguồn từ thành phần kinh tế nào. Thiết nghĩ, Hiến pháp không cần quá chi tiết, không nên định lượng cụ thể, không quá dài dòng. Hiến pháp phải cô đọng, chính xác, thay việc định định tính cho định lượng. Việc giải thích Hiến pháp phải dành cho các văn bản khác, nếu không Hiến pháp 1992 có thể bị phai mờ tính chất “dẫn đường” tự nhiên. Trong luật hiện hành người ta hay đếm. Các văn bản luật điếm các hành vi, liệt kê các quy định. Và khi không liệt kê đủ (mà chắc chắn sẽ không đủ) khi thực tiễn sinh động thay đổi hằng ngày mà khả năng dự liệu không xa, các nhà làm luật thường khoá câu cuối cùng là “Và các hành vi khác” hoặc “Và các trường hợp khác”….. trong các quy phạm. Điều này đã và sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất pháp luật. Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu và 70 điều, chia thành 7 chương. Bản Hiến pháp đã xác định Hình thức chính thể nhà nước ta là nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân, Chế độ chính trị của Nhà nước ta là chế độ dân chủ, Hình thức cấu trúc của nhà nước là Nhà nước đơn nhất. Chế độ chính trị của nhà nước ta phản ánh bản chất dân chủ của nhà nước; cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà; chính quyền địa phuơng có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, Cơ quan tư pháp gồm có Toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà đệ nhị cấp và các toà sơ cấp, các viên thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm. Mô hình và cấu trúc của nhà nước trong Hiến pháp 1946 rất khoa học. Chúng ta đã biết rõ điều này sau những thay đổi trong Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980. Hiến pháp 1946 đã thể hiện sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh. Theo đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Với trí tuệ uyên bác, với quan điểm lấy dân làm gốc, Bác đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến thế giới lúc bấy giờ và nhiều điều vẫn còn giá trị nóng hổi tính thời sự cho đến tận hôm nay.” Hiến pháp 1946 thể hiện tư duy pháp lý khoa học cũng như kỹ thuật lập pháp tài tình của Hồ Chí Minh. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhật xét bản Hiến pháp 1946 là “một vết tích lịch sử Hiến pháp trong toàn cõi Á Đông này. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hành với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của công dân. Hiến pháp đó đã nêu lên một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp.” Lịch sử đã ghi nhận Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng ta, sáng lập ra Quốc hội ta, là tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của Hồ Chí Minh, trong đó có việc Người đã đặt nền móng và dẫn đường cho nền lập hiến và lập pháp của Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét