Quảng Nam và Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp
Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Quảng Nam vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu chống lại sự chiếm đóng, bình định của giặc Pháp ở phía bắc (từ bờ bắc sông Bà Rén trở ra, vừa bảo vệ và xây dựng vùng tự do ở phía nam; đồng thời còn đảm đương một nhiệm vụ quốc tế trọng đại là chi viện sức người, sức của cho chiến trường Hạ Lào suốt từ năm 1948 đến 1954.
Đầu năm 1948, Trung ương Đảng và Bộ tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có chủ trương tăng cường chi viện cho chiến trường Lào. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã lệnh cho Trung đoàn 93 (lúc này đang chiến đấu tại phòng tuyến ở phía nam sông Thu Bồn) cử một tổ công tác do các đồng chí Cao Thượng Thủy, Võ Đắc và Nguyễn Để mang bức thư của đồng chí Phạm Văn Đồng vượt Trường Sơn qua Hạ Lào đến Thái Lan để trao cho Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (lúc này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang Lào). Suốt hơn một tháng vượt núi băng rừng qua vùng kiểm soát của địch ở Hạ Lào, cuối cùng, tổ công tác cũng đặt chân lên đất Thái Lan và trao bức thư tận tay cho hoàng thân.
Ngay sau đó, Hoàng thân Xu-pha-nu- vông đã cử đồng chí Xổm-ma-nô-viêng đưa một trung đội bộ đội Lào do các đồng chí Khăm-xẻn, Thả-von Xỉ-cha-lơn và Keo Luồng-xể-nả chỉ huy; phối hợp cùng với một trung đội Việt kiều do đồng chí Đinh Văn Toàn (cán bộ của Đặc ủy Việt kiều) chỉ huy khẩn cấp từ U-sôn (Thái Lan) hành quân qua các vùng kiểm soát của địch ở Hạ Lào, theo tổ công tác của đồng chí Cao Thượng Thủy vượt Trường Sơn sang Khu V. Trải qua bao khó khăn, vất vả trên đường đi, đến cuối tháng 6-1948, đơn vị liên quân Việt - Lào mới về đến Quảng Nam và tiếp tục hành quân vào Quảng Ngãi. Tại đây, đồng chí Xổm-ma-nô-viêng và đồng chí Đinh Văn Toàn được đồng chí Phạm Văn Đồng cùng Bộ Tư lệnh Khu V tiếp đón và làm việc. Đồng chí Xổm-ma-nô-viêng trình bức thư của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông về việc đề nghị Việt Nam giúp đỡ xây dựng, phát triển phong trào kháng chiến ở Hạ Lào. Tiếp đó, ngày 10-7-1948, đồng chí Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Khu Đặc biệt do đồng chí Trần Công Khanh làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chính Cầu (tức Nguyễn Chính Giao) - Trưởng phòng Chính trị Khu V - làm chính ủy. Lực lượng được cử sang giúp cách mạng Lào đợt này gồm hơn một đại đội được chọn lọc từ cán bộ, chiến sĩ của cơ quan Bộ Tư lệnh Khu V, Trung đoàn 93. Ngoài ra, đồng chí Phạm Văn Đồng còn trực tiếp chọn ra 19 cán bộ chính trị quê các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (Quảng Nam có ba người là: Nguyễn Văn Nghiệp, quê Điện Bàn; Đỗ Ngô, quê Quế Sơn; Ngô Dân Hồng, quê Tiên Phước) trong số 300 cán bộ đang học văn hóa tại trường trung học bình dân Nam Trung Bộ để cử sang Lào phụ trách công tác dân vận.
Sau hơn một tháng chuẩn bị, lực lượng được cử sang giúp nước bạn Lào được đưa về tập kết tại xã Tam Đàn ( Phú Ninh). Ngày 19-8-1948, đơn vị làm lễ xuất quân lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Theo lộ trình, đơn vị xuất phát từ Tam Đàn đến Thăng Bình, qua Quế Sơn rồi lên Phước Sơn, sau đó vượt biên giới qua đất Lào. Suốt chặng đường hành quân, đi đến đâu đoàn quân cũng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và nhân dân đón đưa niềm nở, thắm tình quân dân... Sau hai tuần lễ hành quân dưới trời mưa tầm tã, vượt qua bao suối sâu đèo cao của dãy Trường Sơn, đoàn quân tình nguyện đã đến được Tà-ngô (phía tây Quảng Nam) - nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Khu Đặc biệt, nằm sát biên giới Việt - Lào.
Tháng 2-1949, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhân danh Chính phủ Lào, cử đồng chí Khăm Tày Xi-phăn-don (nay là Chủ tịch Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) cùng với đồng chí Xi-thôn-côm-ma-dăm chỉ huy một trung đội quân Lào đi cùng một trung đội Việt kiều (do đồng chí Nguyễn Đình Hin phụ trách) mang công hàm của Chính phủ Lào sang Việt Nam gặp đồng chí Phạm Văn Đồng. Nội dung bức công hàm đề nghị Chính phủ ta giúp Lào thành lập khu kháng chiến Hạ Lào do đồng chí Xi-thôn-côm-ma-dăm, làm khu trưởng, đồng chí Xổm-ma-nô-viêng làm chủ tịch chính quyền khu và đồng chí Khăm Tày Xi-phăn-don làm đại diện của Chính phủ Lào. Trước yêu cầu của nước bạn, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Thế Lâm (Tư lệnh Khu V) quyết định giải thể Khu Đặc biệt và thành lập Khu căn cứ kháng chiến Hạ Lào. Đồng thời, phía ta cũng thành lập một đoàn cố vấn cho bạn do đồng chí Nguyễn Chính Cầu làm trưởng phái đoàn; đồng chí Trần Huyên làm phó trưởng phái đoàn, phụ trách quân sự; đồng chí Đoàn Kim (Ủy viên Ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam, Trưởng phòng Biên chính) làm ủy viên phụ trách chính quyền. Tỉnh Quảng Nam được đồng chí Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ làm hậu phương, trực tiếp giúp đỡ cho các đơn vị của ta và bạn trên chiến trường Hạ Lào.
Sau một thời gian dài hoạt động ở vùng rừng núi phía Tây Trường Sơn, ta và bạn chủ trương chuyển trọng tâm hoạt động vào các vùng đồng bằng đông dân ở phía Tây sông Xê-kông, để có thể mở rộng địa bàn, phát triển lực lượng, giành thế chủ động. Chủ trương trên được Khu ủy Khu V nhất trí và đã tăng cường thêm hai đại đội (Đại đội 44 và Đại đội 100) cho Hạ Lào; đồng thời thống nhất cho đại bộ phận lực lượng của ta và bạn rút về Quảng Nam để nghỉ ngơi, học tập, luyện quân, tránh mùa mưa lũ ở rừng núi, chuẩn bị mọi mặt để tiến quân vào vùng hậu địch khi mùa khô đến. Từ tháng 5 đến tháng 9-1949, các lực lượng của ta và bạn rút về vùng xã Tam Dân, Tam Thái (Phú Ninh) để chỉnh huấn quân sự, chính trị, học tập tiếng, chữ Lào. Nhân dân các xã Tam Dân, Tam Thái đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hơn 600 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bạn và ta ăn ở, sinh hoạt, học tập. Các mẹ, các chị nhiệt tình chăm sóc anh em ốm đau; gần gũi động viên các chiến sĩ, không phân biệt Việt, Lào. Nhiều gia đình đã nhận các chiến sĩ Việt, Lào làm con em kết nghĩa. Đến giữa năm 1950, hơn 200 tân binh của nước bạn Lào lại được đưa về xã Tam Dân huấn luyện. Bà con ở đây cũng tận tình cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tận tình...
Nói về mối quan hệ giữa Quảng Nam và Hạ Lào, không thể không nhắc đến các hoạt động của Phòng Biên chính, thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ đóng trên đất Quảng Nam và sự đóng góp về nhân tài, vật lực của nhân dân Quảng Nam trong suốt gần 7 năm (từ năm 1948 đến 1954). Phòng Biên chính được thành lập và đóng địa bàn tại tỉnh Quảng Nam) vào đầu năm 1948, đo đồng chí Đoàn Kim (Ủy viên thư ký Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam) làm chủ nhiệm và đồng chí Trần Minh Huấn là chủ sự. Phòng Biên chính lấy bí danh là cơ quan 12, có nhiệm vụ giữ liên lạc, quan hệ giữa Ban cán sự Hạ Lào với Khu ủy V và tỉnh Quảng Nam để giải quyết các yêu cầu của chiến trường; tổ chức việc tiếp tế vận tải cho chiến trường; đón tiếp cán bộ chiến sĩ, thương bệnh binh Việt, Lào qua lại. Về danh nghĩa thì phòng Biên chính thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, nhưng mọi hoạt động cụ thể phải dựa trực tiếp vào sự giúp đỡ và hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Phước Sơn, Giằng. Các địa phương này là hành lang hậu cứ vững chãi với hệ thống trạm, trại, kho tàng... phục vụ tích cực cho chiến trường Hạ Lào. Bệnh viện tỉnh ở Tam Kỳ sẵn sàng đón nhận các thương bệnh binh Việt - Lào từ chiến trường về điều trị, an dưỡng với sự chăm sóc tận tình, chu đáo. Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950 trở đi, Quảng Nam còn chi viện hàng trăm cán bộ huyện, xã có kinh nghiệm về công tác xây dựng cơ sở, công tác dân vận, công tác phát động chiến tranh nhân dân. Nhiều cán bộ, công nhân lành nghề cùng với phương tiện, dụng cụ được cử sang giúp bạn về chăn nuôi, trồng trọt, nấu muối, rèn, dệt thủ công, làm giấy... Hàng chục nghìn lượt dân công Quảng Nam phục vụ việc vận tải tiếp tế cho chiến trường Hạ Lào, chủ yếu là gồng gánh, gùi vác bằng sức người. Trong lực lượng dân công thì ngoài người Kinh, đồng bào dân tộc Cơtu ở huyện Giằng (cũ) cũng tham gia tích cực. Ngoài vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang quân dụng do Khu V cung cấp; còn hầu hết lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết khác cung cấp cho lực lượng của ta và bạn cũng như một phần cho nhân dân Lào đều được huy động từ Quảng Nam. Tất cả các đơn vị khi xuất quân sang chiến trường, đều được các kho hậu cần trên đất Quảng Nam cung cấp cho mỗi người 10kg gạo, 3kg thực phẩm và muối. Đặc biệt, những năm đầu bị địch bao vây kinh tế, bộ đội ta, bạn và hàng vạn nhân dân không có muối ăn phải ăn tro cỏ tranh thay muối, thì Quảng Nam đã cung cấp hàng trăm tấn muối lên biên giới để các đoàn dân công tiếp nhận đem về phân phối lại cho nhân dân Hạ Lào.
Sự chi viện lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam cho Hạ Lào trong kháng chiến chống Pháp không thể nào cụ thể hóa bằng những con số, nhưng điều ý nghĩa nhất còn mãi khắc ghi trong tâm trí nhân dân ta và nước bạn Lào là tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, là tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Trong các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam của Khu V chiến đấu trên chiến trường Hạ Lào, số cán bộ chiến sĩ quê Quảng Nam chiếm số lượng khá đông và hàng trăm chiến sĩ tình nguyện quê Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng hi sinh trên đất bạn mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ tình nguyện quê Quảng Nam đã trở thành những chuyên gia có uy tín với nước bạn và đã gắn bó cả cuộc đời hoạt động của mình với cách mạng Lào cho đến lúc nghỉ hưu; được Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào rất mực tin yêu, tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như các đồng chí Trần Phát, Trần Ngọc Dung, Nguyễn Văn Nghiệp, Nguyễn Việt, Nguyễn Thành Doãn, Nguyễn Xuân Mai, Lê Viết Muồng... Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhiều đồng chí quê Quảng Nam như Ngô Như Bá, Đỗ Xuân Sơn, Nguyễn Chương, Võ Chạy... đã để tóc dài, ở trần, đóng khố, nói tiếng dân tộc, hóa thân thành người địa phương để vận động nhân dân ở Hạ Lào tham gia cách mạng. Một số cán bộ nữ của Quảng Nam như Nguyễn Thị Hưởng, Phan Thị Liêu... cũng tình nguyện sang Hạ Lào công tác và chiến đấu cùng với các đơn vị bạn...
Hiện nay, Quảng Nam còn gần 300 cựu quân tình nguyện, cán bộ và chuyên gia quân sự đã từng tham gia chiến đấu, hoạt động ở chiến trường Hạ Lào trong những năm kháng chiến chống Pháp, đang sinh sống rải rác ở 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành: 65 đồng chí; Thăng Bình: 63 đồng chí; Quế Sơn: 61 đồng chí; Duy Xuyên: 59 đồng chí; Điện Bàn: 61 đồng chí; Hội An: 35 đồng chí, Đại Lộc: 35 đồng chí và Tiên Phước: 16 đồng chí). Hầu hết những đồng chí này tuổi đã cao (từ 70 đến 90 tuổi), sức đã yếu. Và niềm mong mỏi lớn nhất của những cựu quân tình nguyện, cán bộ và chuyên gia quân sự Việt Nam đã từng tham gia chiến đấu, hoạt động ở chiến trường Hạ Lào của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Nam nói riêng là xây dựng một tượng đài truyền thống quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt - Lào trên đất Quảng Nam. (*)
________
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của một số cựu quân tình nguyện Quảng Nam từng chiến đấu, công tác ở Lào cung cấp.
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của một số cựu quân tình nguyện Quảng Nam từng chiến đấu, công tác ở Lào cung cấp.
AN TRƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét