|
Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu V chụp hình với gia đình cụ Nguyễn Trọng Phủ vào năm 1949 (ảnh tư liệu gia đình cụ Nguyễn Trọng Phu).
|
Hoài Ân là huyện trung du với 3/4 diện tích là rừng, địa hình cao về phía Tây, thấp dần về phía Đông bởi một hệ thống gò đồi; phía Tây Bắc có đường đến các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai và Kon Tum, phía Bắc có đường liên huyện với Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, nhiều nhánh núi chạy hình vòng cung ôm cả một vùng rộng lớn của dải đất miền Trung.
Bốn bề là núi, ngăn cách bởi hệ thống truông, đèo - với vị trí ấy trở thành những bức tường tự nhiên, bảo vệ an toàn cho Hoài Ân. Bởi vậy, xưa đến nay, Hoài Ân có một vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế, quốc phòng. Bên cạnh đó, Hoài Ân là điểm tiếp giáp giữa đồng bằng, trung du, miền núi và Tây Nguyên. Hoài Ân cũng là vùng tự do của Khu V nên thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển lương thực, thực phẩm cùng các phương tiện chiến đấu từ miền Bắc vào để phục vụ cho chiến trường miền Trung, miền Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia.
Với tầm quan trọng ấy, sau khi được Đảng, Chính phủ cử làm đại diện tại Liên khu V, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy đã họp bàn và thống nhất xây dựng căn cứ Khu ủy tại huyện Hoài Ân. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ và Khu ủy Khu V chủ yếu đóng tại Hoài Ân gồm: Liên Khu ủy Liên khu V, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, cơ quan Thông tin tuyên truyền, Tòa án, Tư pháp, Mặt trận Liên Việt, Nhà xuất bản Sự Thật, Nhà in Sao Vàng, Cơ quan in bạc Tín phiếu…
Ông Phạm Liêu, 78 tuổi, ở xóm 3, thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, sống từ nhỏ đến lớn tại đây, nhớ lại: Thời điểm năm 1945, cả vùng này là rừng dừa xanh bao phủ nên địch không thể phát hiện. Do vậy, các cơ quan của Khu ủy Khu V chọn nơi này để đóng cơ quan. Lúc nhỏ, do gần nhà nên tôi hay đến chơi tại trụ sở Ủy ban Kháng chiến Liên khu V đóng tại đình Thế Thạnh (sau năm 1975, đình trở thành trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Ân Thạnh), Nhà in Sự Thật, Trường Tây Nguyên (địch vận), Trạm xá Ái Hữu, Trường học…
Để đảm bảo bí mật, đồng chí Nguyễn Duy Trinh (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) khi ấy là Bí thư Khu ủy Khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Trung bộ, đã chuyển cả vợ con từ Nghệ An vào sống tại thôn Du Tự, xã Ân Phong.
Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ từ năm 1946-1949 đặt tại nhà ông Nguyễn Trọng Phủ, ở xóm 3, thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh. Nơi đây từng diễn ra các cuộc họp quan trọng và phát đi những chủ trương của Đảng và Chính phủ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Đảng, Chính phủ ở Liên Khu V cũng từng sống và làm việc ở đây.
|
Trụ sở Ủy ban kháng chiến Liên khu V hiện nay là trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ân Thạnh. Ảnh: VĂN LƯU
|
Lúc bây giờ, các cơ quan, các cán bộ của Đảng và Ủy ban hành chính kháng chiến của Liên khu V đều ở trong nhà dân. Mọi gia đình có khả năng đều nhường nhà trên, chỗ tốt nhất cho các cán bộ cách mạng ở và làm việc.
Trong kháng chiến chống Pháp, Ân Thạnh được hợp nhất từ xã An Thường và Ái Hữu, là xã có nhiều đường giao thông quan trọng như đường bộ, đường sông nối liền các huyện đồng bằng và các tỉnh Tây Nguyên, là nơi giao lưu, buôn bán thuận lợi giữa cư dân trong vùng và các nơi khác.
Để giữ vững vùng tự do sau Cách mạng tháng 8.1945 cũng như chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, sau khi đi thị sát tình hình ở các chiến trường của Khu V, đại diện Khu ủy chọn xây dựng căn cứ tại nhà ông Nguyễn Trọng Phủ (còn gọi là xã Sáu) - người tham gia cách mạng trong những năm tiền khởi nghĩa, ở thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh. Căn cứ Khu ủy Khu V tọa lạc trên thửa đất rộng 3.000 m2. Tại đây, lãnh đạo Khu ủy cũng như đại diện Đảng và Chính phủ tại Nam Trung bộ đã có những cuộc họp quyết định những vấn đề quan trọng lãnh đạo nhân dân, Liên khu V kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cụ Nguyễn Trọng Phu, sinh năm 1920 (con trai cụ Nguyễn Trọng Phủ), hiện sống ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, tuy tuổi cao nhưng còn khá minh mẫn. Chính ngôi nhà của gia đình cụ Phu được chọn để cơ quan Khu ủy Khu V đóng và làm việc. Cụ Phu nhớ lại, vào thời điểm đó, tôi đang làm việc ở Ủy ban Tổ chức của Ủy ban kháng chiến tỉnh, thỉnh thoảng từ Quy Nhơn về thăm nhà. Người tôi hay gặp nhất lúc này là cụ Nguyễn Duy Trinh, đang ở và làm việc tại ngôi nhà của gia đình tôi.
Cũng tại ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Trọng Phủ, tháng 4 và tháng 7 năm 1948, đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ, triệu tập Hội nghị quân-dân-chính-đảng và Hội nghị Quân sự Nam Trung bộ, vạch ra những chủ trương và biện pháp cụ thể cho cuộc kháng chiến toàn khu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Liên khu ủy Khu V, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Ân Thạnh cũng như toàn huyện Hoài Ân đạt được những thành quả đáng tự hào như: phòng chống đói, cứu đói; tăng gia sản xuất đảm bảo lương thực, thực phẩm; xóa nạn mù chữ; xây dựng hậu phương vững chắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho căn cứ Khu ủy và các cơ quan của Khu V, góp phần giữ vững vùng tự do trong thời kỳ gay go ác liệt; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, huy động và đóng góp nhân tài vật lực cho công cuộc kháng chiến, vừa làm nhiệm vụ hậu phương đối với cả chiến trường Khu V, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của cả nước.
Cụ Nguyễn Trọng Phu: Mong ước lớn nhất của tôi cũng như mọi người dân khác ở Hoài Ân là làm sao tỉnh, huyện sớm xây dựng Khu lưu niệm Khu ủy Khu V tại thôn Thế Thạnh để ghi lại dấu ấn hào hùng của cha ông một thời xây dựng, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh; đồng thời, cũng là để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét