Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Dấu ấn văn học kháng chiến Liên khu V


Dấu ấn văn học kháng chiến Liên khu V

Trong giai đoạn 1945-1954, văn học Liên khu V gặt hái không ít thành tựu. Đáng chú ý là không ít dấu mốc của văn học Liên khu V lại gắn với mảnh đất Bình Định - vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ kháng chiến Nam Trung Bộ”.

Một tiết mục văn nghệ của Đoàn văn công giải phóng Liên khu V. Ảnh: T.L

* Những dấu mốc lịch sử
Sau một thời gian chuẩn bị, mùa thu năm 1948, Đại hội thành lập Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Liên khu V tổ chức tại Tam Quan (Hoài Nhơn). Nhà thơ Phạm Hổ nhớ lại: “Chúng tôi đến, thị trấn vẫn còn nhà cháy, ga xe lửa đổ nát, đường sắt oằn cong, rừng dừa xơ xác”. Tại Đại hội này, đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ tại Nam Trung Bộ, đã đến dự và căn dặn anh chị em làm văn nghệ phải bám sát đời sống của nhân dân, phục vụ cho thắng cuộc cuộc kháng chiến. Đại hội đã bầu họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Chủ tịch.
Sau đó, đầu năm 1949, Đại hội Văn nghệ kháng chiến miền Nam Trung Bộ lại họp tại Bồng Sơn, với sự tham gia của đông đủ các anh chị em làm văn nghệ thuộc các ngành và các bộ môn ở các tỉnh tham dự. Đại hội bầu ra BCH Đại diện Văn hóa Kháng chiến Liên khu V do nhà thơ Nam Trân làm Chủ tịch, nhà văn Phan Thao làm Tổng Thư ký. Các ngành giáo dục, khoa học đều thành lập tổ chức của ngành mình, riêng ngành văn nghệ thành lập Chi hội Văn nghệ Liên khu V do nhà văn Phan Thao làm Chi hội trưởng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng là Chi hội phó và nhà thơ Tế Hanh làm Ủy viên Thường trực.
Buổi chiều, khi các văn nghệ sĩ đang thảo luận về phương hướng ra báo Văn nghệ thì máy bay giặc Pháp đến ném bom. May mà chỉ có nhà thơ Yến Lan bị thương nhẹ vào gót chân.
* Sôi nổi hoạt động
Chi hội Văn nghệ Liên khu V có một nhà xuất bản, do nhà văn Nguyễn Thành Long phụ trách, lần lượt in các tác phẩm: “Hồ Chí Minh - hình ảnh dân tộc” của Phạm Văn Đồng, “Văn nghệ lãng mạn Việt Nam” của Phan Xuân Hoàng, “Ca dao kháng chiến” của Nhật Tỉnh, “Lúa non” của Phạm Hổ, “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng; “Đây! Miền Nam” của Nguyễn Thành Long… Chi hội còn có một nhà xuất bản tư nhân do nhà thơ Nam Trân đứng đầu, ra sách về anh hùng, chiến sĩ thi đua và có hẳn một tủ sách dành riêng cho thiếu nhi.
Văn nghệ sĩ từng chiến đấu ở chiến trường khu V bên Đài tưởng niệm văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường khu V tại Đà Nẵng. Ảnh: T.L
Chi hội cũng có tạp chí “Miền Nam” dày khoảng 100 trang, ra được 12 số. Tiếp đó, khi nhận được tuần báo Văn nghệ từ Việt Bắc gửi vào, Chi hội cũng đã thống nhất ra một tờ báo Văn nghệ Liên khu V, do nhà văn Nguyễn Văn Bổng phụ trách chính. Báo dày 12 trang, số đặc biệt ra 18 trang và “tòa soạn lưu động theo cơ quan Chi hội, chủ yếu đóng ở nhà dân, có khi nằm trong túi dết của các anh Nguyễn Văn Bổng và Phạm Hổ” (hồi ức của nhà văn Nguyễn Thành Long)”. Chi hội còn mở một lớp viết văn kéo dài hơn một tháng, do nhà văn Phan Thao phụ trách.
Giải thưởng Phạm Văn Đồng, được hình thành từ số tiền nhuận bút cuốn “Hồ Chí Minh, hình ảnh dân tộc” của đồng chí Phạm Văn Đồng, công bố năm 1952 và đến năm 1954 phát giải. Về văn xuôi, tiểu thuyết “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng, tập truyện ký “Bát cơm Cụ Hồ”của Nguyễn Thành Long, một tập truyện ký của Nguyên Ngọc; về thơ có “Nhân dân một lòng” của Tế Hanh, “Ca dao kháng chiến” của Nguyên Hồ, “Tập thơ người lính” của Lưu Trùng Dương, đoạt giải.
Ngoài chi hội liên khu, các tỉnh Nam Trung Bộ đều hình thành Phân hội Văn nghệ Kháng chiến tỉnh. Phụ trách Phân hội kháng chiến Bình Định là nhà văn Vương Linh. Theo hồi ức của Vương Linh, Phân hội Bình Định đóng ở vùng Phù Ly (Phù Mỹ), Chợ Gồm (Phù Cát), Tam Quan, Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Phân hội có tập san đánh máy, nội dung là những bài thơ, ca, hò, vè, những mẩu chuyện rất ngắn, tuyên truyền cho các phong trào kháng chiến. Sôi nổi nhất là sáng tác kịch và ca dao. Sau này, theo hồi ức của nhà văn Nguyễn Viết Lãm, khi cơ quan Chi hội Văn nghệ Liên khu V dời vào Bình Định, Phân hội Bình Định được sự giúp đỡ của Chi hội Liên khu, nên phong trào sáng tác bắt đầu lên, nhất là về hội họa và âm nhạc.
* Và dấu ấn trên hành trình văn học
Sự xuất hiện của Chi hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu V và các phân hội địa phương đã góp phần cổ vũ, rèn luyện nên một đội ngũ tác giả mới như Nguyễn Văn Bổng, Lưu Trùng Dương, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long … bên cạnh các nhà văn đã có sáng tác từ trước cách mạng như Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm…. Nhà thơ Phạm Hổ nhớ lại: “Do phải quần nhau với địch nên cơ quan chúng tôi không ở nhất định một nơi nào. Khi ở Phù Mỹ, rồi Bồng Sơn (Bình Định), khi thì Lam Điền rồi Chợ Chùa (Quảng Ngãi), rồi ra Thiết Đính, rồi lại đến Hoài Sơn, Hoài Châu (Bình Định). Những năm 1948-1951 là những năm Liên khu V phải tự túc tự cấp về vải vóc, áo quần, lương thực, giấy mực… Có khi mỗi bữa ăn chỉ lưng bát, mỗi viên ký ninh hòa nước cho ba, bốn người uống. Gian khổ là vậy, nhưng nói chung chúng tôi sống rất hồn nhiên và rất vui”.
Văn học Liên khu V giai đoạn này cần được ghi nhận, không chỉ ở những câu thơ, câu văn ứng chiến kịp thời, là vũ khí đánh giặc, mà còn ở việc góp phần đặt nền móng ban đầu cho chủ nghĩa hiện thực mới. Sự bộn bề danh mục, ở cả các thể loại từ thơ, tiểu thuyết đến ký, truyện ngắn rồi văn học kịch…; sự trưởng thành của đội ngũ cầm bút, chính là dấu ấn quan trọng của văn học Liên khu V trong văn học cách mạng.
  • K.N
(Theo tư liệu của Phạm Phú Phong trong “Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu V (1945-1954)”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét