Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - KÝ ỨC THỜI HOA LỬA, phần 1


ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - KÝ ỨC THỜI HOA LỬA

Bài 1: Đoàn công tác quân sự đặc biệt

LTS: 50 năm đã trôi qua kể từ ngày đơn vị bộ đội đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ mở đường mòn xuyên Trường Sơn để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đã có nhiều sách báo, tư liệu, phim ảnh nói về con đường huyền thoại này với sự ngưỡng mộ, kính phục. Con đường của lòng tự hào dân tộc, con đường tất thắng ngót 20.000 km gần suốt chiều dài biên giới Việt Nam – Campuchia và Lào… nay đã tròn 50 tuổi.
Kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn và con đường mòn huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ số báo hôm nay, Báo SGGP sẽ khởi đăng loạt bài “Đường Trường Sơn - Ký ức thời hoa lửa” – ghi lại của những con người đã sống và chiến đấu ở Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất…
Người đầu tiên được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn là Thượng tá Võ Bẩm (ảnh) (về sau ông được phong thiếu tướng). Mặc dù sau này, đã có nhiều vị tướng tài ba chỉ huy Binh đoàn Trường Sơn, tuy nhiên, khi nhắc đến đường Trường Sơn, không ai có thể quên tên ông - vị chỉ huy trưởng đầu tiên (1959-1965) của Đoàn 559.
Được sự đồng ý của gia đình cố Thiếu tướng Võ Bẩm, Báo SGGP xin trích đăng hồi ký của ông để mở đầu cho loạt bài hồi ức của một số cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu trên đường Trường Sơn trong những năm tháng ác liệt nhất xây dựng và bảo vệ con đường huyền thoại…
Việc rất lớn và tuyệt mật
… Ngày 5-5-1959, theo điện triệu tập, tôi vào cơ quan gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh. Nhìn cách thủ trưởng ân cần pha trà, từ tốn mời nước, tôi hiểu sẽ có chuyện rất hệ trọng. Quả nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh nói: “Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng. Lực lượng này có thể gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt.”
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gồm:
- 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang- 20.000 km đường ô tô- 3.000 km đường gùi thồ hàng bằng xe đạp, voi, ngựa và người- 500 km đường sông- 1.445 km đường ống xăng dầu
Trường Sơn là một dãy núi trùng điệp, chênh chếch từ Tây Bắc xuống Đông Nam dọc biên giới 3 nước Việt, Lào, Campuchia. Các nhà khoa học phân dãy Trường Sơn làm hai phần. Trường Sơn Bắc từ sông Xê Băng Hiên ngược lên đến vĩ độ 22, Trường Sơn Nam tính từ Lao Bảo ở vĩ tuyến 17 trở xuống cao nguyên Lâm Viên.
Trường Sơn còn được coi là “nóc nhà bán đảo Đông Dương” bởi hệ thống núi kéo dài cao trên 1.000 mét, nhiều đỉnh còn cao trên 2.000 mét nên về mặt quân sự, đó là thế hiểm mà nếu ai ở trên đó, có thể giữ vai trò chiến lược khống chế cả Đông Dương.
Nếu tính theo chiều dọc, dãy Trường Sơn chia làm hai bên Tây và Đông với hai phần khí hậu khác biệt rõ nét. Vì vậy Bộ Chính trị quyết định mở đường dọc theo dãy Trường Sơn là hoàn toàn sáng suốt và hợp lý.
Và dường như sợ tôi không ý thức hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, Thứ trưởng Vịnh nhắc lại: “Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị, là việc lớn rất khó khăn và tuyệt mật. Bộ Chính trị chỉ cho phép chuyển vũ khí, bộ đội từ miền Bắc đến bờ sông Bến Hải nơi vĩ tuyến 17 cắt ngang (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Còn sang đến bờ bên kia sông (Gio Linh, Quảng Trị), các anh tập trung mở đường và tổ chức vận chuyển”.
Anh Vịnh yêu cầu tôi dự kiến lực lượng. Nhẩm tính một lúc, tôi đề xuất: “Chiến sĩ nên lấy từ miền Nam tập kết ra Bắc, tiền bạc nên lấy từ Quỹ Bí mật của Tổng Quân ủy TƯ, vũ khí phải là chiến lợi phẩm của địch… như thế mới bí mật”. Thứ trưởng Vịnh cười vỗ vai tôi: “Thôi, giao anh một mình làm sao cho nên sự nghiệp thì làm. Đừng quên sau lưng các anh là cả hậu phương miền Bắc”.
Sau chừng nửa tháng chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Bộ Quốc Phòng đã chính thức phổ biến nhiệm vụ ban đầu cho tôi: Mở đường Trường Sơn, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp 7.000 súng bộ binh và 500 bộ đội vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên là ngày hôm ấy cũng là sinh nhật Bác Hồ nên Bộ Quốc Phòng thống nhất đặt tên cho đoàn công tác quân sự đặc biệt là Đoàn 559. Và con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá, sau này được gọi là đường Hồ Chí Minh, theo cách gọi của một ký giả người Pháp tên Van Geirt, cũng vì lẽ đó!
Sau 3 ngày bàn bạc với Bí thư đặc khu Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản, tôi quyết định chọn Khe Hó làm điểm “mốc” đầu tiên xuất phát vượt Trường Sơn. Đây là địa điểm nằm ở thượng nguồn sông Rào Thanh phía Tây Nam của Vĩnh Linh, dân cư thưa thớt và đa số là người Pa Kô, Vân Kiều rất nặng lòng với cách mạng.
Nhiệm vụ đầu tiên
Một buổi trưa trước khi lên đường mấy ngày, tôi vào Văn phòng Quân ủy TƯ thì sững người khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện với Thượng tướng Văn Tiến Dũng. Thấy tôi, Bác Hồ bảo: “Chú Bẩm đấy à, nghe nói chú vào Nam ra Bắc như thoi, vậy anh em chiến sĩ miền Nam thế nào, đồng bào dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn hay không, quan hệ giữa ta và nước bạn Lào ra sao?”.
Tôi mở cặp ra dùng bản đồ báo cáo chi tiết tuyến Đông và Tây Trường Sơn, từng trục dùng cho xe đạp thồ, các cung đường giao liên… cho Bác Hồ nghe, Người bảo: “Các chú phải tận dụng “thiên thời địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường Tây Trường Sơn. Sắp tới phải đưa cả ôtô đi vào Nam. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường Đông Trường Sơn phòng khi tình hình ở Lào (Tây Trường Sơn) không thuận lợi”.
Tiếp đó, khi tôi kể về cuộc sống cơ cực của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tuy thiếu cơm, lạt muối, không áo quần nhưng từ cụ già đến cháu bé đều tham gia cảnh giới, khuân vác, bảo vệ bộ đội… Bác xúc động ứa nước mắt.
Tôi thuật lại với Bác câu nói của một già làng, rằng “Tao đói còn đi đào củ mài về ăn, tụi mày làm cách mạng còn phải đi làm mãi. Củ mài, lúa tao dành cho chúng mày ăn”. Nghe đến đấy, Bác ra lệnh: “Chú chuyển ngay cho đồng bào 30 tấn muối, 10 tấn vải”.
Đúng 8 giờ sáng 11-6-1959, tôi thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh truyền đạt lời dặn dò của Bác Hồ đến các chiến sĩ đầu tiên chuẩn bị vượt Trường Sơn: “Bí mật, bí mật và bí mật. Sống để dạ, chết mang theo. Khi nào thống nhất nước nhà, nếu ai còn sống sót thì làm thơ, viết sách nói lại, kể lại cho mọi người biết, cho con cháu đời sau thấy rõ, để chúng tự hào về cha ông”.
Trường Sơn đã vào mùa mưa. Trừ các lực lượng chốt trạm, phần đông anh em đều lùi lại tuyến sau tại Quảng Bình. Khi nghe tôi phổ biến mệnh lệnh của Bác, ai nấy đều xúc động trước tình cảm Bác dành cho đồng bào các dân tộc sống dọc Trường Sơn.
Ngay sau đó, muối và vải đã được phân phát cho đồng bào. Đây cũng là một nhiệm vụ đầu tiên nhằm đánh Mỹ lâu dài: chăm lo đồng bào các dân tộc anh em…
Trích hồi ký của
Thiếu tướng 
Võ Bẩm
Nhóm PV Báo SGGP trao đổi với đồng chí Võ Viết Thanh (thứ 2 bên phải), nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An tại km số 0 đường Hồ Chí Minh. Ảnh: T.V.
Thực hiện đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559- Binh đoàn Trường Sơn và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhóm PV Báo SGGP đã đi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh từ phía Đông sang nhánh phía Tây trên đất bạn Lào; từ km số 0 tại thị trấn Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đến điểm cuối tại Đăk Buk So, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông) để thực hiện loại bài ký sự “Theo dấu chân đường mòn Trường Sơn – Hồ Chí Minh”.
Trên suốt cuộc hành trình, loạt bài ký sự sẽ ghi nhận một cách sống động nhất những di tích còn lại của những binh trạm, trạm giao liên, kho hàng, trạm quân y, cung đường, trọng điểm ác liệt và những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu thời kỳ những năm chống Mỹ ác liệt trên con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại.



Bài 2: Chuyến hàng đầu tiên

Sau khi được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ thành lập đơn vị vận chuyển và mở đường xuyên Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam, Thượng tá Võ Bẩm đã trực tiếp bí mật tuyển dụng 500 chiến sĩ bộ đội gốc miền Nam đang tập kết ra Bắc để thành lập Tiểu đoàn 301, tiểu đoàn đầu tiên trực thuộc Đoàn 559. Sứ mạng đầu tiên của Tiểu đoàn 301 là câu chuyện được Đại tá Nguyễn Danh, nguyên Chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn 301, sau này là Chính ủy E70 rồi Chính ủy Cục Hậu cần Đoàn 559, kể lại với PV Báo SGGP.
Cải trang gùi “hàng”
Đại tá Nguyễn Danh kể cho con gái những kỷ niệm về Trường Sơn. Ảnh: MINH ANH
Sau khi hình thành bộ khung lãnh đạo, tổ chức các ban tham mưu, chính trị, hậu cần và 12 trạm (đại đội), Ban chỉ huy Tiểu đoàn 301 họp phiên đầu tiên quán triệt toàn bộ mệnh lệnh hành quân. Đến ngày 9-6-1959, đơn vị thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trừ những người có việc phải ra ngoài, còn lại tất cả ở trong doanh trại, không được giao tiếp với bất kỳ người nào, kể cả vợ con.

Chiều 10-6-1959, chiếc xe Jeep chở đồng chí Võ Bẩm đến doanh trại. 8 giờ sáng 11-6, đồng chí Võ Bẩm đứng trước toàn đơn vị, tuyên bố: “Hôm nay, tôi thay mặt Đoàn 559 và Bộ Tổng Tư lệnh truyền đạt mệnh lệnh hành quân...”. Đồng chí nhấn mạnh lời dặn dò của Bác: “Bí mật, bí mật, bí mật. Sống để dạ, chết mang theo… Khi nước nhà thống nhất, nếu ai còn sống sót thì làm thơ, viết sách nói lại, kể lại cho mọi người biết, cho con cháu đời sau thấy rõ, để tự hào về đất nước, cha ông…”.

Đúng 9 giờ ngày 12-6, cả đơn vị lên đường hành quân. Ngày 18-6 đến Thuận Lý, Quảng Bình. Sau một đêm nghỉ lại, tối hôm sau, đoàn tiếp tục hành quân nhưng Đại đội 12 tách đoàn đi ngược lêên miền núi Quảng Bình để lập kho tàng, bệnh xá, tạo hậu cứ cho đoàn. Số còn lại hành quân lên khe Hó thuộc huyện Vĩnh Linh – là nơi dừng chân, điểm đóng quân đầu tiên của đoàn để “soi đường vượt tuyến” (vượt sông Bến Hải).
Để xóa mọi dấu vết, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 301 đã chia nhau lên rừng tìm mây rồi tự đan mỗi người một chiếc gùi đi rừng. Khi đi đường, đoàn chỉ được mang quần áo lót, khăn mặt, tăng, võng, ni lông. Tất cả trang phục còn lại đều được giặt sạch, ghi tên, đơn vị rồi… giao nộp vào kho.

Tôi có nhiệm vụ đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhờ may gấp 1.000 bộ áo quần bà ba đen và 600 đôi dép cao su có quai làm bằng ruột, đế làm bằng vỏ ô tô phế thải… Đến Vĩnh Linh, nhờ “giấy giới thiệu đặc biệt” và sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Hồ Sĩ Thản, Bí thư Đặc khu ủy Vĩnh Linh, công việc tiến hành thuận lợi. Sau 3 ngày, anh em chúng tôi đã có đủ trang phục dân chính, hoàn toàn xóa dấu vết bộ đội chính quy.

Đã vào mùa mưa, lũ từ đất Lào đổ xuống không cho phép bộ đội băng qua đất bạn. Lượng mưa ở rừng đạt mức 300 - 400mm/ngày, đã tạo lưu tốc lũ tăng 4m - 6m/giây. Các dòng suối đột ngột phình rộng thành lũ dữ, chia cắt núi rừng Trường Sơn vốn đã bị quá nhiều chia cắt. Vì thế có những lúc chúng tôi phải vượt Đường 9 vì nơi đây khá khô ráo, bằng phẳng.
Nếu như vượt Đường 9 vào ban đêm, những người lính của Tiểu đoàn 301 im lặng đi sát chân đồn Rào Quán của địch từ phía Đông Khe Sanh. Có nhóm lợi dụng cống thoát nước Rào Quán có đường kính 1,2m để bò ngang qua đường. Nếu đi số lượng đông, phải dùng ni lông nối thành tấm rộng 4m, dài 10m trải ngang qua đường. Mỗi khi qua xong, trinh sát đi sau cùng sẽ cuốn ni lông lại và mặt đường sẽ không còn dấu chân người.
Những ngày đầu tiên, Tiểu đoàn 301 tổ chức vận chuyển hàng cho các trạm theo kiểu “sâu đo”, tức là hàng từ trạm gần nhận rồi chuyển dần vào các trạm xa hơn ở phía trong. Được cấp trên bổ sung cho 3 trung đội trinh sát bảo vệ của Đoàn 341, chúng tôi thành lập Đại đội 10 có nhiệm vụ trinh sát và bảo vệ các trạm.
Số anh em này thông thuộc địa hình Tây Quảng Trị nên đã làm rất tốt nhiệm vụ trinh sát mở đường. Cùng với một số cán bộ nằm vùng trong dân xây dựng lực lượng, đã tạo thành mạng lưới bảo vệ đường vận chuyển từ xa…
Trường Sơn lúc ấy, nơi nào cũng hoang vu, khó khăn, hiểm trở, đầy thú dữ. Chúng tôi phổ biến kinh nghiệm cho anh em khi ngủ, bên trên võng buộc phải có tấm tăng ni lông trải lên, cọp sẽ sợ mà không dám vồ ẩu. Anh em kể lại, có lần đi qua bãi đất trống, đụng một bầy heo rừng 7, 8 con chạy nháo nhào, có con đâm sầm vào chân một chiến sĩ. Anh em nhanh tay túm được chân rồi dùng dao găm hạ gục...
Tuy nhiên, ngay lúc đó, một con cọp xộc đến và ngỡ ngàng khi biết con mồi đã bị giật. Trên đường anh em khiêng heo về trạm, con cọp cứ lẽo đẽo theo sau. Đến khi có người có “sáng kiến” chặt cho nó một cái đùi quăng lại bên vệ đường mòn, nó mới thôi không quấy rầy.
“Hàng” gồm những gì?
Sáu ngày đầu gùi hàng, Tiểu đoàn 301 có nhiệm vụ vận chuyển đến các trạm gồm gạo, muối và mỡ heo. Con đường đi hàng ngày rất dài, có ngày anh em phải đi 30 km và cứ 120 phút thì được nghỉ 15 - 20 phút. Trên suốt dọc đường đi, bữa ăn thường là cơm nắm với mắm ruốc. Mỗi khi đến nơi, anh em tự nấu cơm bằng lon gô với tiêu chuẩn mỗi ngày 2 chén gạo.
Để cho có chất rau xanh, chúng tôi thường phân công anh em đi hái lá rừng nấu canh chua, luộc để ăn kèm với cơm. Còn ban đêm, mỗi khi trời lạnh, phải gom lá rừng lại làm đệm rồi trải bạt lên ngủ cho ấm. Thế nhưng đáng sợ hơn là muỗi, vắt, bò cạp, rắn…
Trong quãng thời gian này, chúng tôi khi đi ngang đoạn Chăng Hin - Voi Mẹp, có người đã bị kiệt sức. Một người thuộc Tiểu đoàn 301 đã có sáng kiến chặt cây le đực làm gậy chống cho đỡ mỏi chân khi leo dốc và khỏi trượt chân khi xuống dốc. Riêng lúc tạm nghỉ, cây gậy là vật chống đỡ chiếc gùi phía sau lưng. Và lúc lội qua suối, cây gậy còn có tác dụng dò nước chỗ nông - sâu, dùng để đuổi rắn rết khi xuyên rừng rậm.
Thấy có lợi ích, Trung úy Nguyễn Cửu (trạm 4) cho đơn vị chặt le làm gậy leo núi và phát đại trà, gọi là “cây gậy hành quân” (sau này khi trai làng Hòa Xá, Hà Tây xung phong vào Nam đánh giặc, dân làng đã tặng cho mỗi “bộ đội làng” một cây gậy để hành quân, đấy chính là xuất xứ của bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác vào năm 1967)…
Lương thực vận chuyển xong, bộ đội ta bắt đầu vận chuyển vũ khí từ trạm đầu tiên vào trạm cuối. Mỗi ngày, Tiểu đoàn 301 phải đưa 18 gùi hàng từ trạm 1 vào trạm 2, trong đó có 15 gùi được gói kín, bên ngoài chỉ ghi mật hiệu “Chị Thể”, “Anh Tụ”, “Bác Hòa”, “Chú Loan”… Những ký hiệu này, chỉ có lãnh đạo Đoàn 559 biết, còn ở Tiểu đoàn 301 thì tuyệt đối bí mật. Mãi cho đến khi vào đến A Lưới (Huế), chúng tôi mới biết đã chuyển giao lô vũ khí đầu tiên…

Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển thắng lợi đã tạo không khí phấn khởi thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, chấp nhận hy sinh” trong toàn đơn vị. Anh em thi đua mang vác, có nhiều người luôn mang trên vai 50 - 60 kg như Phan Mùi, Thi Huỳnh ở trạm 4, Nguyễn Sơn ở trạm 6… Riêng Trần Mẹo ở trạm 4, tuy chỉ cao 1,45m, nặng 39 kg, nhưng quyết gùi 50kg hàng…
Tổng kết sau 17 tháng vận chuyển bằng “chân đồng vai sắt”, Tiểu đoàn 301 đã chuyển 355,5 tấn vũ khí và 71,10 tấn quân dụng vào chiến trường. Tính trung bình mỗi ngày, họ đã mang vác 900 kg vũ khí…
Từ 500 cán bộ chiến sĩ buổi sơ khai, sau đó Tiểu đoàn 301 đã được xóa phiên hiệu để làm nòng cốt thành lập Trung đoàn 70, Trung đoàn 71. Đến năm 1961, các trung đoàn trên lại giải thể để thành lập lữ đoàn. Sau này, dù các phiên hiệu trong thời kỳ sơ khai con đường Trường Sơn không còn nữa song đó là những đơn vị đầu tiên của Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn huyền thoại 
Những con đường gùi hàng xuyên Trường Sơn.
Đoàn 559 ngay trong mùa vận chuyển đầu tiên (từ 13-8 đến 31-12-1959), đã vận chuyển trót lọt 1.667 súng trường, 712 tiểu liên, 72 trung liên, 21 súng giảm thanh, 850 súng ngắn, 250.000 viên đạn, 180 kg TNT, 750 dao găm, 340 kìm cắt dây thép, 40 ống nhòm, 65 địa bàn và 83.368 kg vũ khí khác, 10.000kg lương khô. Đồng thời chi viện cho bộ đội Pathet Lào 115 súng, 15.000 viên đạn, 5 tấn muối, 4,5 tấn thuốc. 
Đại tá NGUYỄN DANH kể - MINH ANH ghi

Bài 3: Trở về Nam chiến đấu

Thiếu tướng Phùng Đình Ấm đang kể lại câu chuyện của 50 năm về trước.
Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Đoàn phó B90, nay đã 80 tuổi đời nhưng vẫn rất minh mẫn. Tháng 4 năm nay, tuy đang bị căn bệnh thận hành hạ từng giờ nhưng ông vẫn đi thăm lại Bia kỷ niệm giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang Bắc - Nam trong kháng chiến chống Mỹ ngày 30-10-1960, tại thôn 3 xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Gần 50 năm trước, ông là một trong những cán bộ chiến sĩ miền Nam đầu tiên tập kết, trở về Nam chiến đấu, đi theo đường Trường Sơn.
Ông hồi tưởng: “Thi hành Hiệp định Giơnevơ, chúng tôi ra miền Bắc tập kết và xây dựng XHCN. Trong khi đó, bọn Mỹ - Diệm ngang nhiên phá hoại hiệp định, tàn sát khủng bố nhân dân, trả thù người kháng chiến. Chúng đã gây biết bao đau thương lên khắp miền Nam. Lòng chúng tôi như lửa đốt và chỉ mong ước có đôi cánh để bay thẳng vào Nam chiến đấu. Rồi hạnh phúc như vỡ òa khi chúng tôi nhận lệnh về Nam…”.
Liệt sĩ đầu tiên
Đoàn 559 thành lập xong, Quân ủy TƯ quyết định tổ chức một đoàn độc lập, đặc trách gầy dựng cơ sở, nhanh chóng mở con đường ở cuối dãy núi Trường Sơn, xuyên qua “vùng trắng” chưa có cơ sở cách mạng, nối liền đường Trường Sơn với Tây Nguyên và Đông Nam bộ, để sự chi viện của TƯ về tận chiến trường Nam bộ. Biết rằng vào đây là “vùng trắng” cực kỳ nguy hiểm nên ngoài các tiêu chuẩn lựa chọn về đức và tài, những người được tuyển chọn còn phải có thêm một tiêu chuẩn đặc biệt: “Không có gia đình và người yêu ở miền Bắc”. Mục đích là để giữ tuyệt đối bí mật, không ai vương vấn “hậu phương” để gánh trách nhiệm cực kỳ quan trọng. Đoàn công tác đặc biệt ấy lấy phiên hiệu là B90.
Đoàn B90 được thành lập ngày 25-5-1959, có nhiệm vụ dựa vào cơ sở ở Nam Tây Nguyên để mở đường, bắt liên lạc với Xứ ủy và lực lượng vũ trang Nam bộ, nối liền hành lang xuyên suốt Bắc - Nam trên dãy Trường Sơn vốn bị “đứt đoạn” từ Nam Tây Nguyên. Đoàn B90 có 25 cán bộ chiến sĩ.
Trong đoàn, tôi quý nhất là thượng sĩ y tá Trần Văn Thời, trẻ nhất đoàn. Vì anh em thương nhau nên Thời thổ lộ rằng đã có người yêu trong thời gian đóng quân ở xứ Thanh. Hai người đã hẹn ước sẽ yêu nhau trọn đời và chuẩn bị cưới nhau thì Thời nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Sau nhiều đêm dằn vặt, Thời gạt nước mắt nói dối người yêu để giữ bí mật theo chủ trương của Đảng.
Kể với tôi chuyện tình yêu và người vợ sắp cưới của mình, Thời như nghẹn ngào chực khóc dù trước mặt nàng, anh vẫn phải giữ vẻ bình thản, tươi cười. Anh mong đến ngày đất nước thống nhất, sẽ trở về xứ Thanh tạ tội và thú thật cùng người yêu bởi Thời ra đi là vì sứ mạng cao cả của Tổ quốc. Theo lời Thời kể, tôi mường tượng rằng người thôn nữ mà anh yêu rất đẹp, da trắng, tóc dài và chân thật vô cùng.
Vậy mà trong chuyến vượt sông ĐăkR’Tih (Đồng Nai Thượng) để bắt liên lạc thông suốt đường Trường Sơn, Thời đã anh dũng hy sinh mang theo mối tình đẹp như hoa của mình. Hôm ấy, Thời xung phong cầm một đoạn dây bơi ngang để dùng chính đoạn dây ấy làm tay vịn cho đồng đội băng sông. Đặc thù là lũ ở Trường Sơn rất phức tạp, khi bơi mực nước chỉ ngang bụng nhưng đến giữa dòng, nước có thể đột ngột dâng cao ngang… mái nhà. Thời bơi đến giữa dòng thì lũ về, tôi còn nhớ tiếng Thời hét: “Cứu em” rồi bị nước cuốn trôi mất.
Như vậy, Trần Văn Thời chính là liệt sĩ đầu tiên của Đoàn B90 trong sự nghiệp mở đường cuối dãy Trường Sơn. Nhớ lại vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc của Thời khi kể về người yêu, mà đến giờ, 50 năm sau, tôi còn cảm thấy đau đớn. Có lẽ bây giờ, người thôn nữ xứ Thanh năm nào đã hiểu nỗi lòng của Trần Văn Thời!
Tình nghĩa đồng bào
Tất cả những gì thuộc về miền Bắc như bằng khen, huân huy chương, quân hàm, hình ảnh, quân phục… đều được gửi lại. Cán bộ chiến sĩ Đoàn B90 đội mũ rộng vành, mình khoác áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép lốp theo đúng kiểu du kích miền Nam để giữ bí mật. Vũ khí trang bị cho mỗi người gồm 1 súng Colt 12, 1 tiểu liên giảm thanh và 2 cơ số đạn. Trang bị đi đường gồm võng kaki, tăng nóc, vải nhựa che mưa, gạo, lương khô… có tổng trọng lượng 20kg.
Vậy nhưng tôi vẫn “xé rào” mang theo bức ảnh Bác Hồ bằng lụa, tập thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu và quyển vở học tiếng M’Nông. Trong đoàn có đồng chí Kpă Ngãi, dân tộc H’Roi đi tập kết, rất thạo tiếng M’Nông. Trên đường vượt Trường Sơn, tôi vừa đi vừa học, mỗi ngày quyết tâm học 3 từ, cho nên khi đến Nam Tây Nguyên tôi đã có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ trên với đồng bào M’Nông bản địa.
Có già làng còn bảo: “Mày là con của người M’Nông” nữa. Tuy nhiên, nếu không có đồng bào, có lẽ chưa hẳn Đoàn B90 đã hoàn thành nhiệm vụ. Ấy là khi đến địa phận Quảng Nam, đồng bào Cơ Tu ở làng Lơ Pơ đã ùa ra đón bộ đội và quàng vào cổ chúng tôi những tấm Ru (thổ cẩm) mới tinh tươm; còn khi đến làng Tăng Đam, một cậu bé đã tặng tôi 1 buồng chuối chín vàng để “trả ơn chú bộ đội cho cây kim vá áo”; một ông lão tặng “bộ đội về từ đất Cụ Hồ” mấy ống nước đoác (lấy từ cây đoác) bởi vì “thấy tụi bây là đồng bào vui cái bụng lắm rồi”…
“Đi không dấu”
Sau năm 1965 hệ thống đường Hồ Chí Minh vận chuyển bằng cơ giới đã cơ bản xuyên suốt Trường Sơn.
Không biết từ đâu, do ai đặt ra, phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã trở thành luật bất thành văn mà bất cứ đoàn nào hành quân qua Trường Sơn cũng đều tuân thủ triệt để, nghiêm khắc. Ngay tại vĩ tuyến 17, các lối mòn đều có công an của ta quan sát rất kỹ và đặt nhiều ký hiệu trên đường để theo dõi kẻ thù. Thế mà Đoàn B90 vẫn lặng lẽ đi qua, các chiến sĩ giao liên đã tháo dỡ ký hiệu, mật hiệu gắn trên cây, đường rồi sắp xếp lại y như cũ… khéo đến nỗi công an giới tuyến của ta cũng không biết có cả đoàn người đi qua.
Mấy năm tập kết ra Bắc sống trong hòa bình, một bước đi là mang dép, mang giày. Thế mà nay vượt Trường Sơn, chúng tôi phải tháo dép ra để đi chân trần. Có thể nói đây là cái khổ nhất trong trăm ngàn nỗi khổ của bộ đội Trường Sơn: chân ai nấy phồng rộp, có người bong cả mảng da gót… Khi vượt Đường 9, anh chiến sĩ đi sau cùng của đoàn kéo theo một cành cây tươi đầy lá để xóa toàn bộ dấu chân. Đến Bến Tắt (thượng nguồn sông Bến Hải), chúng tôi vượt sông trên một con đò im lặng đến nao lòng. Chỉ nghe tiếng mái dầm khua nước và hơi thở nhẹ của ông lão chèo đò. Không được phép nói chuyện, tôi lặng lẽ bắt tay ông và biết đó là sự hy sinh thầm lặng mà to lớn của nhân dân, sự hy sinh “vô danh”.
Sau 4 tháng gian khổ xẻ dọc Trường Sơn, Đoàn B90 đã đến Tây Nguyên để cùng với Đảng bộ Đắc Lắc mở đường nối hậu phương miền Bắc đến tận chiến trường Nam bộ.
Tròn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vừa đến địa điểm đóng quân cũ (đỉnh núi Bsa Dariel thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng ngày nay) và vui mừng nhận thấy nơi đây đã có cột bia lịch sử, bằng đá hoa cương, khắc biểu tượng đôi tay siết chặt nhau của người du kích miền Nam và anh bộ đội vừa tập kết từ miền Bắc trở về. Bên dưới cột bia có dòng chữ “Bia kỷ niệm giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang Bắc - Nam trong kháng chiến chống Mỹ ngày 30-10-1960”.
Thiếu tướng Phùng Đình Ấm kểMinh Anh ghi

Bài 4: “Mảnh đất kiên cường đã được thắm máu em”

Bảo vệ tuyến đường 20 Quyết Thắng cho “ngày đêm xe anh qua” thông suốt là nhiệm vụ vô cùng khó khăn của lực lượng TNXP. Những năm tháng chiến đấu giữ đường ấy, họ không có súng, chỉ có cuốc xẻng và đôi tay thiếu nữ mà dám đối chọi, thách thức mưa bom bão đạn xối xả ngày đêm của kẻ thù - muốn đánh phá, cắt đứt tuyến đường vận chuyển huyết mạch từ hậu phương ra tiền tuyến. Họ đã sống và chiến đấu trên tuyến đường 20 khốc liệt ấy như thế nào? Bà Đặng Thị Vân, nguyên chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 TNXP, đơn vị bảo vệ đường 20 từ năm 1965 đến năm 1968, kể lại…
Đôi dép của bố
Năm 1965, tôi vừa tròn 18 tuổi. Giặc Mỹ đã leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, thanh niên trong làng lần lượt đi bộ đội hết. Nhà tôi có 2 chị em cùng sinh hoạt Đoàn thanh niên ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Được tin Đoàn thanh niên xã phát động thanh niên đăng ký gia nhập lực lượng TNXP, tôi ghi tên ngay.
Ghi tên xong, tôi mới về xin phép bố. Không ngờ bố tôi đùng đùng nổi giận, không cho đi với lý do con gái, ra chiến trường biết có làm được gì không hay chỉ làm vướng chân người khác.
Trước ngày lên đường, tôi đánh bạo lên xin bố lần nữa. Ông cụ giận quá, tát cho tôi một cái. Tôi trốn nhà lên huyện tập trung, còn lấy trộm đôi dép của bố.
Ngày đó nhà tôi nghèo lắm. Cả nhà 11 người mà chỉ có mỗi một đôi dép Thái Lan, ưu tiên cho bố mang, còn những người khác chỉ đi chân đất. Lúc đó, tôi nghĩ đi đường rừng, nếu không có dép thì không thể đi nổi. Hơn nữa đem theo đôi dép cũng là mang theo một vật kỷ niệm của bố, của gia đình…
Tháng 7-1965, chúng tôi đi bộ vào Trường Sơn, với nhiệm vụ bảo vệ, giữ thông suốt tuyến đường 20. Máy bay giặc lúc nào cũng quần thảo trên đầu. Từng đoàn người nối đuôi nhau đi mải miết cả ngày lẫn đêm. Người nào mệt cũng không dám dừng lại vì sợ ảnh hưởng đến tốc độ hành quân.
Lúc đơn vị hành quân qua cầu Hàm Rồng, tôi vô ý đánh rơi mất chiếc dép của bố - điều khiến tôi ray rứt trong hơn 40 năm qua.
Những ngày không có đêm
Có một chuyện mà nữ TNXP đường 20 mỗi khi gặp nhau, nhắc lại đều rơi nước mắt. Ngày đó, chúng tôi thường chặt tre, nứa, lá cây để làm thành một chiếc chõng tre, kê cao hơn nền đất hầm để ngủ. Lý do không phải vì sợ hơi đất rừng lạnh lẽo mà là để khắc phục tình trạng… đái dầm ướt chỗ nằm.
Làm việc mệt, giờ giấc thất thường, lại thường xuyên không được ngủ trọn giấc nên mỗi lần đặt lưng xuống, chị em ai cũng mệt lả, chỉ tranh thủ chợp mắt được lúc nào hay lúc ấy, mệt đến mức không kiểm soát được chuyện bài tiết…
Trên suốt tuyến đường 20, đoạn qua ngầm Aki và cua chữ A - cùng với ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích là những trọng điểm địch đánh phá ác liệt ngày đêm. Mùa mưa, ngầm Aki trơn như bôi mỡ; cua chữ A gấp khúc rất nguy hiểm. Bên dưới là vực sâu, bên trên là dốc đứng, trên đầu là máy bay giặc. Đường hẹp, chỉ vừa đủ một làn xe.
Ban đêm, lái xe qua đường này, nếu bật đèn thì bị giặc phát hiện còn không đèn thì dễ lao xuống vực sâu. TNXP chúng tôi vừa phải đứng làm cọc tiêu, vừa làm nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm thông đường.
Cứ chừng 5 - 10 phút, máy bay lại thả bom một lần. Chúng tôi hầu như không dám rời vị trí. Mỗi lần ngớt tiếng bom, biết mình còn sống là mấy chị em lại lao ra đường, tay cuốc, tay xẻng cuốc đất, mở đường.
Đất rừng rất lầy. Mỗi lần ra “cứu” đường, chúng tôi gần như bị “chôn sống” nửa người trong hỗn hợp đất, đá, sình lầy. Có lần, bom vừa dội xong, cả tổ đang cật lực san lấp mặt đường thì máy bay vòng lại, ném bom lần nữa. Mấy chị em bị chôn chân trong đất, không chạy kịp, đành nhắm mắt phó mặc cho số phận.
Cô Đặng Thị Vân và chiếc áo TNXP mà cô đã mặc trong những năm tháng phục vụ chiến đấu, bảo vệ đường 20. Ảnh: Mai Hương
Mỗi lần đến ca trực, mỗi người chúng tôi đều có một mảnh ni lông mang theo, để che mưa và để bọc xác nếu chẳng may mình hy sinh. Những ngày tháng đó, lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh đến nỗi chúng tôi gần như không còn nghĩ đến nữa.
Suốt 3 năm trên tuyến đường 20, hầu như chưa bao giờ chúng tôi được ngủ tròn giấc. Rừng Trường Sơn âm u, rập rạm là thế nhưng suốt 3 năm ở đó, chưa bao giờ tôi được thấy rừng có đêm.
Cứ khoảng 5 giờ chiều là giặc bắt đầu thả pháo sáng, cứ thế kéo dài suốt đêm. Màn đêm bị xé rách bởi những quầng lửa của pháo sáng và tiếng bom dội ầm ì. Đơn vị tôi toàn nữ, thời gian đầu ở rừng bị sốt rét, chị em uống thuốc ký ninh vàng cả da.
“Nước mắt chỉ dành cho người nằm xuống”
Một lần, đơn vị tôi đang làm đường gần ngầm Aki thì có anh Hồ Huyền, cán bộ tiểu đoàn, ra thăm hỏi, động viên từng người. Chúng tôi cười nói rất vui vẻ, còn “ghép đôi” anh ấy với chị Hính trong tổ. Nghe vậy, anh Huyền còn “ứng khẩu” đọc ngay 2 câu thơ trêu chị Hính: “Ba năm củ chuối rau rừng/ Tôi không quên Hính, Hính đừng quên tôi”
Bất kể trong sương mù hay trong mưa bom bão đạn, bất kể ngày hay đêm, hàng vạn TNXP san lấp hố bom, bắc cầu và mở thêm đường mới.
Vừa đọc xong 2 câu thơ, máy bay giặc kéo tới ném bom. Anh Huyền và chúng tôi cùng chạy xuống hầm trú ẩn. Chẳng may bom bi lăn xuống ngay hầm của anh Huyền. Khi máy bay đi hết, đồng đội mới vào khiêng xác anh ra.
Người thủ trưởng cách ít phút vừa tặng thơ cho chị em chúng tôi, giờ được bọc trong mảnh ni lông, nằm bất động... Thời gian này, đồng chí mình hy sinh được bó thi hài bằng ni lông và chôn dọc đường Trường Sơn. Vị trí mộ thường cách đường chừng 300 - 400m.
Trong suốt những năm tháng ở đường 20, chưa bao giờ tôi được tổ chức tang lễ đồng đội. Hàng ngày, mọi người cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhau. Sau mỗi trận bom hay một kíp trực, điểm mặt lại thấy người nào vắng mặt nghĩa là người đó đã hy sinh.
Chiến trường ác liệt khiến mỗi người đều nhìn cái chết một cách bình thản. Nỗi đau, với những người còn sống, được nén lại thành sức chịu đựng gian khổ, thành lòng yêu nước và căm thù giặc. Đó là lý do khiến trong tất cả cuộc trò chuyện, tâm sự giữa chị em với nhau trong những giây phút tĩnh lặng hiếm hoi, chúng tôi ít khi nào nhắc đến gia đình, sự nhớ nhà, nỗi sợ hãi hay cái chết.
Khó khăn đến mấy, chị em cũng bảo nhau không được rơi nước mắt. Nước mắt chỉ dành để tiễn đồng đội đã hy sinh. Còn với những người đang sống, chiến tranh vẫn đang ở phía trước. Ngoài nhiệm vụ với Tổ quốc, tôi còn thấy mình phải sống và chiến đấu cho cả những người đã chết.
Mỗi khi một đồng đội hy sinh, giữa rừng, không có áo quan, không có đám tang, chỉ có những giọt nước mắt và những dòng thơ của đồng đội chuyền tay nhau đọc. Tôi nhớ mãi năm 1966, ngày chị Thắm cùng đơn vị hy sinh, một đồng đội đã sáng tác bài thơ rồi đưa cho tôi ngâm trước toàn đơn vị. Bài thơ đó, anh chỉ đọc cho tôi nghe một lần mà cả đời tôi không bao giờ quên:
“Tổ quốc ghi công em
Lịch sử có tên em
Rừng núi Trường Sơn nghiêng mình mến phục
Dòng suối Aki sóng trào cuộn khúc
Đất Aki mỗi lúc đỏ tươi thêm
Mảnh đất kiên cường đã được thắm máu em
Ôi em gái năm nay mười mấy tuổi
Mà quê hương thầm hẹn một người thân
Đi đánh Mỹ vui như ngày mở hội
Hẹn ngày về là một mùa xuân
Anh nhớ hôm nao nắng vàng rực rỡ
Em đứng xin thề trước cờ Đảng quang vinh
Mà hôm nay sao lòng nức nở
Máu nhuộm thắm đường, em đã hy sinh...
ĐẶNG THỊ VÂN, cựu TNXP Trường Sơn, kể
MAI HƯƠNG ghi

Bài 5: Vượt trọng điểm A-T-P

Trọng điểm A-T-P là tên gọi tắt của cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích nằm trên trục đường 20 Quyết Thắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tất cả bộ đội vận tải (cơ giới) khi vượt Trường Sơn đều e ngại trọng điểm A-T-P có chiều dài 9 km này vì mức độ đánh phá ác liệt của đối phương.

Đại tá Đinh Công Ty (Chính ủy Trung đoàn ô tô vận tải 11 - Đoàn 559) kể lại chuyến vượt trọng điểm này vào mùa khô năm 1967 - 1968, cao điểm đánh phá 24/24 của máy bay Mỹ nhằm vào đây.
  • Đủ loại bom mìn
Ban ngày, máy bay L19, OV10 tập trung đánh phá 24/24 trọng điểm A-T-P và ban đêm, máy bay C47, AC130 có trang bị khí tài điện tử hiện đại săn đuổi đoàn xe chúng tôi. Ngoài những hiểm nguy chực chờ thường trực trên đầu, dưới đất còn là bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm, mìn lá, mìn vướng… mà cứ mỗi sơ suất, chúng tôi đều trả giá bằng nhiều tính mạng.
Đại tá Đinh Công Ty nhớ lại câu chuyện vượt trọng điểm A-T-P. Ảnh: M.A.
Đêm hôm ấy, tôi gửi lại tất cả kỷ vật và dẫn đầu 62 chiếc xe đi vào trọng điểm. Trước khi xe nổ máy, tôi có nhắn với một đồng đội rằng “nếu mình hy sinh, cậu nhớ đưa hết các thứ này cho X nhé”. Vừa qua cua Chữ A, một tốp máy bay thả pháo khói rồi cắt “bom thông minh” điều khiển bằng laser. Thủ đoạn của giặc là dùng máy bay trinh sát bắn pháo khói vào mục tiêu trước, sau đó máy bay cường kích bay thấp cắt bom xuống mục tiêu rồi lủi mất ngay. Sau cùng máy bay điều khiển bom mới kích nổ. Bởi vậy pháo khói đã bắn vào đâu thì y như rằng chúng ta mất xe, mất người ngay điểm đó…
Thấy đám cháy phía sau, chúng tôi biết rằng đã có xe bị dính bom nhưng vẫn phải đưa đoàn xe tiếp tục di chuyển bởi dừng lại là hy sinh tất cả. Sau này tôi mới nghe báo cáo rằng Nguyễn Xuân Hiểu đã hy sinh ngay loạt bom đầu. Hiểu học chung với tôi ở Thái Nguyên, cùng vào bộ đội và hai chúng tôi đều có con gái sinh trùng thời gian. Nghe tin Hiểu hy sinh, lòng tôi xót xa thương chị Dần, cháu Mai (vợ, con Hiểu) vô cùng.

Lực lượng phòng không của ta bắt đầu đánh trả. Cứ thấy bom khói ở đâu, bộ đội được lệnh sơ tán. Các nòng pháo cũng không bắn vào máy bay cường kích cắt bom nữa mà ngắm thẳng vào máy bay điều khiển bom bay tít trên cao. Mặc dù khó có thể trúng đích nhưng khi thấy bị bắn, chúng hoảng hốt bỏ chạy, để mặc bom rơi tự do, trật mục tiêu.
  • Những cọc tiêu sống
Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 1970, đầu năm 1971, đã có 1.488 phi vụ cường kích với 204 chiếc B52 đánh bom. Bình quân mỗi ngày A-T-P chịu 45 lần máy bay đánh phá. Đã có 500 bộ đội và TNXP hy sinh tại trọng điểm A-T-P…
Gạt bỏ nỗi đau đồng đội hy sinh, trong lúc đợi công binh thông đường, chúng tôi đùa vui với các cô thanh niên xung phong (TNXP). Các chiến sĩ lái xe nói: “Tạm biệt các em nhé, đến mùa mưa hãy lấy chồng nhé”. Một giọng TNXP trong trẻo: “Lấy chồng không lấy lái xe, đi ba cây số còn nghe mùi dầu”. Không vừa, một chiến sĩ đáp lại: “Em ơi dầu nghĩa dầu tình, đường thông xe chạy chúng mình yêu nhau”. Vậy mà…

Xe bắt đầu vượt ngầm. Cũng như hàng ngàn con suối trên Trường Sơn, ngầm Ta Lê chỉ khác các ngầm khác ở chỗ nó là một “túi bom”, “tọa độ lửa”, “cửa tử” bởi bom đạn từ các loại máy bay Thần Sấm, Con Ma, B52… đánh phá liên tục. Tôi lệnh: “Nhanh lên, vượt ngầm, “nó” sắp tọa độ (đánh bom) đấy”, rồi gửi ít phong lương khô cho họ.
Lửa cháy rừng rực, một chiến sĩ nữ cổ quấn khăn, mũ tai bèo trễ sau gáy, mặt nhem nhuốc vì khói bụi, đôi mắt long lanh… nhanh nhẹn đi trước xe, cầm cờ đuôi nheo dẫn đường. Miệng cô gái lúc hô “trái”, lúc hét “phải” điều khiển xe xuống ngầm.
Bỗng một tiếng nổ lớn, trong màn khói lửa, tôi nghe quát: “Nhanh lên, cáng cái Thanh vào, cái Hằng ra thay đi, cho xe xuống ngầm”. Trời ơi, cô gái dẫn đường cho tôi đã hy sinh rồi sao? Tôi cắn môi nuốt nước mắt tiếp tục chạy vào con đường ngầm dưới mặt nước, đủ rộng cho 1 xe qua. Cứ mỗi đoạn ngắn, lại có một đồng chí nữ đứng phất cờ để xe không trật khỏi đường. Đi được gần hết đoạn ngầm, một cột nước lại vọt lên, một cọc tiêu bên trái tôi ngã xuống.
Tôi khóc nhiều bởi chỉ một đoàn xe qua ngầm, đã có 2 người hy sinh. Mà trên Trường Sơn, có bao nhiêu ngầm, bao nhiêu triệu lượt xe đi qua? Tôi nhìn về sau lưng, vẫn thấy cờ phất, khẩn trương nhưng quá ư bình thản. Cái chết ở đây nhẹ tợ lông hồng!
  • Vượt đèo
Đội hình xe vào đèo Phu La Nhích. Một loạt bom nổ, một xe xăng bùng cháy. Ngọn lửa như muốn nuốt chửng cả đoàn xe vận tải nhiên liệu cho chiến trường. Tôi lại có cảm giác thắt nghẹn khi nghĩ đến Giáp, lái chiếc xe ấy.
Nhờ các chiến sĩ nữ chỉ đường, bộ đội lái xe yên tâm trên đường vận chuyển khí tài ra tiền tuyến.
Chiếc xe chao đảo, bỗng dưng tôi thấy Giáp bung cửa chính chạy vòng ra sau xe mở cửa hậu. Chưa kịp mừng vì Giáp thoát chết, lại thấy anh chạy vòng lên trước nhảy vào cabin. Chiếc xe đang cháy phừng phừng ở phía đuôi lại lao nhanh về phía trước.
Tôi ôm đầu hét to khi thấy xe húc thẳng vào taluy bên phải đường. Rồi như một bài toán định sẵn, 16 phuy xăng (200 lít/phuy) lăn xuống đường do cửa hậu đã mở sẵn và do lực va chạm vào taluy. Tôi thấy Giáp nhanh nhẹn nhảy xuống đẩy các phuy xăng cháy rơi xuống vực sâu phía đối diện. Một tiếng nổ dữ dội dưới đáy vực... Đường lại thông và đoàn xe chúng tôi qua đèo an toàn sau khi còn bị một trận B52 rải thảm.

Ngày ấy, biết rằng qua trọng điểm A-T-P là rất gần cái chết song lái xe chúng tôi đêm nào cũng chạy, góp phần vận chuyển hàng hóa về Tổng kho Lùm Bùm (Lào) đạt 1 vạn tấn/tháng. Đoàn xe vượt trọng điểm lần ấy mất 1 đại đội trưởng, 1 lái xe; thêm 2 người bị thương, 1 xe cháy và 2 xe hư hỏng hoàn toàn. Mỗi khi lên cabin là một lần tự truy điệu sống nhưng cứ nghĩ đến tội ác của kẻ thù, lòng căm thù của chúng tôi lại tăng lên. Vì vậy chúng tôi đã được Binh đoàn 559 tặng danh hiệu “Tuấn mã Trường Sơn” và “Gan vàng dạ ngọc”. 
Đại tá ĐINH CÔNG TY kể - MINH ANH ghi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét