Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Những chuyện kể ở Đông Trường Sơn


Những chuyện kể ở Đông Trường Sơn

Nhịp sống của những lính lái xe Trường Sơn năm xưa chia theo hai nửa, khi phía Tây mưa thì chuyển hoạt động sang phía Đông và ngược lại. Sáng 11/5, đoàn cựu chiến sĩ Trường Sơn trở lại chiến trường xưa bắt đầu hành trình từ Đà Nẵng sang thị trấn A Lưới (Thừa Thiên-  Huế). Hướng dẫn viên thông báo, đây là đoạn đường khó đi nhất trong toàn bộ chuyến đi. Đổi sang xe số 5, đi dọc theo tuyến đường Trường Sơn Đông, chúng tôi đã ghi nhận những câu chuyện không thể nào quên.
Ôn lại chuyện xưa, tay bắt mặt mừng.
Những người “lấn giờ, lấn ngày, lấn sáng và lấn tối”
Cung đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Giang (Quảng Nam) đến A Lưới (Thừa Thiên - Huế) quả thật khó đi. Đường đèo quanh co gấp khúc, vách núi cao dựng đứng, vực càng lúc càng sâu thăm thẳm. Khi đến dốc Giằng, xe không qua được nữa do đêm trước, một góc đường vừa sạt lở. Mọi người xuống đi bộ để các công nhân đang làm đường trên tuyến đèo ấy ra “bang” đường cho xe tạm chạy qua.
Trên con dốc Giằng, ông Trần Đức Minh, từng là chiến sĩ lái xe thuộc Trung đoàn 536 của Sư đoàn 471 hồi tưởng: “Ngày xưa, đến dốc này là mệt lắm. Dốc cao, xe rất dễ bị ‘ngất’, tôi phải liên tục hứng nước từ những khe, vách bên đường để dội vào máy. Tới chỗ này mà trời mưa thì buộc phải dừng vì đường trơn trượt, nguyên tắc là không được phanh vì xe sẽ trôi đi ngay lập tức”. Sáu năm lái xe tiếp vận ở chiến trường là 6 năm mà nhịp sống của ông và đồng đội chia theo hai nửa Đông và Tây Trường Sơn. Nếu phía Tây mưa thì những người lính lái xe chuyển hoạt động sang cánh phía Đông và ngược lại. Ngày ấy, khi rừng Trường Sơn vừa sập tối là xe chở hàng bắt đầu hoạt động. “Mỗi xe chỉ được trang bị một chiếc đèn gắn dưới gầm. Do không thể chạy vào ban ngày nên cánh lái xe đều cố gắng ‘lấn giờ, lấn ngày, lấn sáng và lấn tối’ để chở càng nhiều hàng ra hỏa tuyến càng tốt. Càng gần đến trọng điểm địch đánh phá, xe dịch chuyển càng chậm. Nguyên tắc là chạy 20-30 phút thì dừng để nghe ngóng tín hiệu máy bay địch”, ông Minh kể.
Những người lính năm nào giờ lại có dịp tay trong tay.
Không chỉ có đường mòn cho xe cơ giới chạy, đường gùi thồ, đường ống xăng dầu, ở Trường Sơn còn có hệ thống vận chuyển bằng các nhánh sông khác nhau chảy trong rừng. Ước tính có tới trên 500 km đường sông được sử dụng để vận chuyển hàng hóa đến các trạm giao liên khác nhau trên đường mòn. Chỉ vào con sông Bung trên địa phận Nam Giang, ông Nguyễn Văn Sơn, năm xưa cùng chung đơn vị với ông Minh kể: “Gạo, xăng được bọc trong bốn lớp nylon để thả trôi theo dòng sông”.
“Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”
Bên triền núi cao, bà Nguyễn Thị Hồng đang chăm chú nhìn lên đỉnh núi trước mặt. Khi được hỏi đang tìm cái gì, bà cười đáp: “Đường Hồ Chí Minh mới làm sau này khác quá nên phải nhìn ngọn núi để định hướng. Đoạn đường ni là năm xưa đơn vị tôi làm đấy”. Chưa một lần về thăm chiến trường xưa nên hôm nay, xe đi đến đâu, bà lại tìm chỗ đơn vị mình từng hành quân và làm đường thời đó. “Thi công theo tốc độ của chiến dịch, khi vào cao điểm thì làm ngày, làm đêm. Không sợ cực, chỉ sợ sốt rét rừng vì sau vài trận là người sút ghê lắm, ảnh hưởng đến công việc chung”, bà Hồng cho biết.
Họ cùng ngân vang tiếng hát về Trường Sơn anh hùng.
Cũng theo bà Hồng, đơn vị công binh nữ, khổ nhất là khi trời mưa. Mưa ở Trường Sơn có khi cả tuần liền, quần áo giặt không kịp khô, phải đem đi sấy mới có cái mặc. Nghe kể chuyện, chồng bà là ông Nguyễn Trọng Kỷ đứng kế bên nghẹn ngào rơi nước mắt. Ngày đó, trên con đường huyết mạch, ông là chiến sĩ của Trung đoàn 32 vận tải, binh trạm 39, bà là bộ đội công binh của Trung đoàn 115. Họ gặp nhau khi ông đang từ Tây Trường Sơn chở hàng về Đông Trường Sơn. Tình yêu bắt đầu từ những lần lấy nước bên sông Ba Lòng (Khe Sanh, Quảng Trị). Rồi họ tạm chia tay. Ông tiếp tục lái xe tải đạn, bà đào đường, xẻ núi cho từng đoàn quân ra trận. Bao năm trôi qua, cứ mỗi lần ngâm lại câu thơ “Từ nơi em đưa sang bên nơi anh/Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến/Như tình yêu nối lời vô tận/Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn”, lại có hai người rưng rưng nước mắt. Hơn ai hết, họ thấu hiểu sâu sắc nỗi nhớ thương, đợi chờ bị chia cắt giữa hai dãy Trường Sơn và niềm vui ngày đoàn tụ khi nước non thống nhất một nhà.
Còn nhiều, nhiều lắm… Làm sao kể hết chuyện của những người từng vào sinh ra tử trên tuyến đường này, chỉ trong một buổi trưa ngắn ngủi. Những câu chuyện của họ tuy giản dị nhưng thể hiện chất anh hùng của bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ, một thời đại anh hùng mãi mãi được ghi nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét