Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Bước ngoặt chiến tranh Việt Nam của một người Mỹ


Bước ngoặt chiến tranh Việt Nam của một người Mỹ

Bà Xu-dân Snôn
QĐND - Lần thứ 3 trở lại Việt Nam, Xu-dân Snôn (Susan Schnall), người phụ nữ Mỹ nổi tiếng với việc rải truyền đơn bằng máy bay ở vùng Vịnh Xan Phran-xi-xcô để phản đối việc Mỹ tham chiến ở dải đất hình chữ S nói rằng, bà luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với các nạn nhân da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam.
Năm 1967, cô gái trẻ Xu-dân Snôn tham gia hải quân Mỹ, làm y tá ở Ca-li-phoóc-ni-a, chữa bệnh cho các thương binh trở về từ chiến trường Việt Nam. Chứng kiến những binh lính trẻ tuổi được huấn luyện để giết người vô tội, dần dần Xu-dân nhận ra mình đang bị sử dụng trong một bộ máy chiến tranh. Và ý nghĩ phản chiến cứ lớn dần trong lòng Xu-dân cho tới khi bà tham gia phong trào phản chiến cùng với những đồng nghiệp trong quân đội có cùng quan điểm. “Tôi biết máy bay B52 Mỹ thả truyền đơn kêu gọi bộ đội Việt Nam đào ngũ. Vì thế tôi muốn dùng cách tương tự, sử dụng máy bay để thể hiện quan điểm của mình trên chính đất Mỹ. Một người bạn của tôi là phi công. Vậy là, vào tháng 10-1968, chúng tôi chất đầy lên máy bay truyền đơn nói về buổi diễu hành hòa bình của các binh lính và cựu chiến binh ở Xan Phran-xi-xcô, sẽ diễn ra hai ngày sau đó. Từ độ cao vài trăm mét, chúng tôi bắt đầu mở cửa máy bay để thả truyền đơn tại các căn cứ quân sự vùng Vịnh Xan Phran-xi-xcô, tàu sân bay USS Enterprise và bệnh viện Hải quân Oak Knoll, nơi tôi làm việc. Sau đó, chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo”.
Khỏi phải nói lúc đó sự kiện này đã gây chấn động như thế nào ở nước Mỹ, nhưng dù vậy, Xu-dân vẫn chưa có ý định dừng lại. Bà tiếp tục phản đối chiến tranh bằng cách tham gia các cuộc biểu tình phản chiến, thậm chí còn mặc nguyên quân phục để biểu tình. “Tại cuộc biểu tình, tôi mặc quân phục tới dự, điều trái với quy định của hải quân là cấm mặc quân phục khi bạn đang bày tỏ những quan điểm tôn giáo, đảng phái hay chính trị. Lúc đó tôi nghĩ, nếu tướng Oét-xmo-len (Westmoreland) có thể mặc quân phục tới Quốc hội để xin cấp tiền cho chiến tranh ở Việt Nam, tôi cũng có thể làm như vậy với tư cách là thành viên của quân đội để thể hiện quan điểm phản chiến”. Và cũng vì thế, tháng 2-1969, Xu-dân bị tòa án binh kết án 6 tháng tù giam và đuổi khỏi quân đội.
Đôi mắt sáng và dáng đi nhanh nhẹn, trông Xu-dân năng động và trẻ hơn nhiều so với tuổi 68. Đến Việt Nam lần này với tư cách trưởng Đoàn cán bộ Hội Khoa học và sức khỏe cộng đồng của Mỹ thuộc Ban vận động cứu trợ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, Xu-dân nói, bà hy vọng thông qua chuyến đi này để thu thập tư liệu, tìm hiểu thực tế nhằm giúp cho việc huy động tiền và các hoạt động hỗ trợ cho các nạn nhân da cam Việt Nam được tốt hơn.
Xu-dân cho biết, bà và các thành viên trong đoàn đã phối hợp với các Hạ nghị sĩ Mỹ viết Dự luật đòi hỏi quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, trong đó kêu gọi bồi thường cho các nạn nhân 1 tỷ USD và tẩy độc ở 28 điểm nóng nhiễm đi-ô-xin tại Việt Nam. Nhưng để dự luật được đưa ra Hạ viện và thảo luận thông qua thì phải có một nghị sĩ Mỹ đứng ra vận động và đồng bảo trợ. “Hiện các tổ chức cựu chiến binh Mỹ và chúng tôi đang tích cực vận động từng nghị sĩ. Có những người thông cảm với dự luật này, nhưng cũng có những người không quan tâm”, Xu-dân cười buồn. Dù là thế, Xu-dân nói bà và bạn bè không nản lòng. “Nhưng cho dù huy động bao nhiêu đi nữa cũng không đáp ứng hết yêu cầu chữa trị và giúp đỡ các nạn nhân Việt Nam. Chính vì thế mà chúng tôi tiếp tục giáo dục để nâng cao nhận thức của người Mỹ về vấn đề này. Cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi cho rằng chưa bao giờ kết thúc”, Xu-dân trầm ngâm.
Xu-dân cũng vui vẻ chia sẻ, lần này các thành viên trong đoàn đã quyên góp 3.250 USD trao tặng Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) để ủng hộ cho các nạn nhân. Ngoài ra, còn một số tiền thu được từ việc bán tranh cổ động phản chiến của Xu-dân cũng sẽ được đoàn trao cho các Hội nạn nhân da cam ở một số tỉnh khác của Việt Nam. Nguồn gốc của số tranh cổ động này cũng là một câu chuyện khá thú vị. Năm 1972, Xu-dân đến Cu-ba dự hội nghị quốc tế về chiến tranh Việt Nam, và được tặng một số tranh cổ động về hậu quả chiến tranh với người dân. Xu-dân đã giữ đến tận bây giờ. Nhưng trước chuyến đi Việt Nam, bà đã quyết định bán nó cho Trung tâm nghiên cứu Cu-ba ở Mỹ. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng việc này là cần thiết. Số tiền thu được không nhiều, nhưng nó vẫn có thể góp phần giúp đỡ những nạn nhân, những con người đã quá khốn khó vì phải chống chọi với bệnh tật”, Xu-dân bộc bạch.
Trưa Hà Nội rừng rực nắng. Gương mặt người bạn Mỹ lấm tấm mồ hôi. Dù vậy, dường như bà không quá để ý. Quàng một chiếc khăn lên đầu che nắng, quệt vài giọt mồ hôi, Xu-dân đùa rằng nếu thời gian cho phép, bà có thể nói từ giờ đến sáng mai về những dự định giúp đỡ các nạn nhân da cam. Vì sao ư? Giúp đỡ và kêu gọi sự giúp đỡ đối với các nạn nhân Việt Nam khiến cho bà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. “Cuộc chiến ở Việt Nam là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Chính phủ Mỹ đã sử dụng danh nghĩa của tôi - với tư cách là công dân Mỹ, làm những việc đáng chê trách ở Việt Nam. Vì thế mà tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với các nạn nhân ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân Việt Nam, tiếp tục vận động pháp lý trong quốc hội Mỹ, và cố gắng quyên góp nhiều hơn để hỗ trợ tài chính giúp đỡ giải quyết hậu quả ở Việt Nam”, Xu-dân đã đặt tay lên nơi có trái tim như một cử chỉ bày tỏ lòng chân thành.
Đoàn cán bộ Hội Khoa học và Sức khỏe cộng đồng của Mỹ thuộc Ban vận động cứu trợ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam do bà Xu-dân Snôn dẫn đầu đã có buổi thăm, làm việc tại VAVA ngày hôm qua (5-6) tại Hà Nội. Đoàn gồm các chuyên gia nghiên cứu y học, hóa học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người tàn tật. Sau buổi làm việc tại Hà Nội, Đoàn các nhà khoa học Mỹ dự kiến sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế, làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét