Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

'Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ công của dân tộc'


'Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ công của dân tộc'

Khẳng định trong chiến tranh đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần quan trọng để giải phóng miền Nam, TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử quân sự VN) cho rằng rất cần có một chuyên đề phát triển kinh tế biển gắn liền với Hải quân nhằm khai thác thế mạnh của biển.
Những trận đấu anh hùng của thủy thủ tàu không số

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng.
- Là người nghiên cứu lâu năm về lịch sử quân sự Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển?
- Nhiều tài liệu cho rằng đường Hồ Chí Minh trên biển là sáng tạo chiến lược của Đảng và Nhà nước, còn tôi thấy rằng đây là một kỳ công chiến lược của dân tộc trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Bởi chúng ta có lãnh đạo, chỉ huy giỏi, cán bộ chiến sĩ sẵn sàng hy sinh, nhân dân bến bãi sẵn sàng giúp đỡ.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển đã trực tiếp và gián tiếp vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí đạn dược, hơn 170.000 lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Vào thời điểm 1959-1972 tuyến chi viện chiến lược trên bộ mới vào được đến chiến trường Trị - Thiên, Trung - Hạ Lào, Tây Nguyên. Việc vận chuyển bằng đường bộ vào các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ rất khó khăn. Đúng lúc này, đường Hồ Chí Minh trên biển hình thành, giải quyết được những khó khăn đó.
Chính hiệu quả vận chuyển của tuyến đường này đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp các vùng chiến lược ở miền Nam, tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời của những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Các loại ngoại tệ mạnh, thiết bị máy móc y tế quý hiếm, hóa chất đặc biệt cũng được chi viện kịp thời cho miền Nam. Đây là những cơ sở, là điều kiện để miền Nam có thể đánh lớn, thắng lớn.
- So với đường mòn Hồ Chí Minh vượt dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển có lợi thế gì?
- Ngoài cung cấp vũ khí cho chiến trường xa, nơi mà đường bộ chưa vươn tới, đường Hồ Chí Minh trên biển còn có ưu thế hơn đường bộ là thời gian nhanh hơn, kịp thời hơn, vũ khí trang bị đồng bộ hơn do không nhầm lẫn, thất lạc. Việc vận chuyển đường bộ phải qua nhiều cung, chặng, qua nhiều lực lượng, phương tiện, phải mất hàng tháng trời mới đến đích. Vận chuyển đường biển tuy gian nan nguy hiểm hơn vì phải đối mặt với sóng gió, bão bùng, và quân địch, nhưng nếu vượt qua được chỉ mất 5-6 ngày là vào đến chiến trường Tây Nam Bộ.
Hiệu quả của con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng rất cao. Như từ tháng 10/1962 đến tháng 2/1965, với 88 chuyến tàu, mỗi tàu 10-20 cán bộ, chiến sĩ chở hàng vào Nam thì 93% đến được đích, đưa vào chiến trường gần 5.000 tấn vũ khí. Nếu khối lượng đó dùng người gùi, mỗi người trung bình gùi 25 kg thì phải huy động tới 196.785 người đi liên tục 6 tháng, mỗi tháng mỗi người tốn 21 kg gạo thì khi đến nơi khối lượng gạo tiêu thụ gấp 5 lần khối lượng hàng gùi được.
Nếu sử dụng ôtô, trung bình mỗi xe chở được 2,5 tấn thì phải huy động 1.968 xe đi trong hai tháng, sử dụng khoảng 4.000 tấn xăng dầu, chưa kể các chi phí bảo đảm khác và tổn thất dọc đường. Chỉ cần một phép tính nhỏ trên, chúng ta cũng đã thấy được lợi thế to lớn của đường Hồ Chí Minh trên biển như thế nào.
- Trong mỗi cuộc chiến thì nhân dân đều có vai trò rất quan trọng, vậy đối với con đường Hồ Chí Minh trên biển, nhân dân đã đóng góp như thế nào?
- Ngoài cán bộ, chiến sĩ, những người trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí thì sự hy sinh, giúp đỡ của nhân dân đã làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Ở vùng bến đi (Đồ Sơn, Hải Phòng), khi Bộ Quốc phòng chuẩn bị lập bến bãi đã thuyết phục người dân di dời. Nơi mở bến là một vạn chài, nơi dân cư sinh sống nghìn đời, nơi thờ cúng tổ tiên, nhưng bà con vẫn sẵn sàng ra đi mà không cần biết nhà mình sẽ được sử dụng làm gì. Điều đó cho thấy người dân tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng.
Còn ở những bến tiếp nhận, khi hàng chục tấn vũ khí được vận chuyển từ Bắc vào, những người dân ở đó lại được huy động để bốc dỡ. Họ cần mẫn làm và tuyệt đối giữ bí mật. Nếu không có người dân, cán bộ, chiến sĩ làm sao có thể bốc dỡ vũ khí xong ngay trong đêm?
Hoặc khi đối mặt với kẻ thù mà không thể thắng, các chiến sĩ tàu không số cho nổ tàu để bảo đảm bí mật và hàng hóa không rơi vào tay địch. Lúc này các chiến sĩ hầu hết đều bị thương, có khi lại gặp sự truy quét của kẻ thù trên cạn, nhân dân đã che chở, cưu mang.
Cựu binh tàu không số dặn dò những thế hệ hải quân hôm nay. Ảnh: Trọng Thiết.
Nhiều lúc dân tìm cách đưa thủy thủ bị thương nhờ bác sĩ của ngụy chăm sóc. Khi tàu mắc cạn thì dân phao tin đó là tàu cá, từ đó đem thuyền con ra chở vũ khí vào bờ. Hay lúc đốt tàu, chính người dân đã phao tin tàu chở dầu mắc cạn, ra ứng cứu rồi vô tình đốt.
Có khoảng hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia đoàn tàu không số, người hy sinh khoảng 100. Trong khi đó số người hy sinh tại các bến nhận lên tới 1.000. Đó là dân quân, du kích, những người vận chuyển vũ khí, bảo vệ tàu... Từ đó ta có thể thấy rằng, chiến sĩ và nhân dân có quan hệ máu thịt với nhau. Nếu không có nhân dân sẽ không có bất kỳ một kỳ tích nào trên biển và trong mọi cuộc chiến.
- Trong chiến tranh, cha ông đã biết khai thác lợi thế của biển. Còn trong thời bình, ông đánh giá thế nào về việc khai thác những thế mạnh của biển trong phát triển kinh tế, bảo vệ quốc phòng an ninh?
- Cha ông ta có truyền thống thông thạo thủy chiến, giỏi du thuyền vào bậc nhất Đông Nam Á, từng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược bằng đường biển với lực lượng thủy quân hùng hậu. Vào thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ, thủy chiến Việt Nam phát triển mạnh nhất châu Á lúc bấy giờ.
Sau khi hòa bình thống nhất đất nước, trong khoảng 20 năm vận tải biển, kinh tế biển thiếu sự quan tâm cần thiết nên bị chững lại, thậm chí kém phát triển. Gần đây, vấn đề này đã được quan tâm hơn. Cùng với việc phát triển kinh tế biển, lực lượng hải quân cũng được tăng cường vì xây dựng phải đi liền với bảo vệ. Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng cần có một chuyên đề phát triển kinh tế biển gắn liền với Hải quân.
- Trước đây do đảm bảo bí mật, đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn tàu không số không được công khai khiến nhân dân và thế hệ trẻ không biết đến hoặc biết rất ít. Ông đề xuất gì để con đường này trở thành bài học giáo dục lòng yêu nước trong thế hệ trẻ?
- Trước đây lịch sử không nói nhiều đến đoàn tàu không số, những tư liệu ban đầu chỉ xuất hiện trong các cuốn sách của nhà văn Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Đình Kính... nên thông tin có một số chưa hoàn toàn chính xác. Tôi cho rằng, Bộ Tư lệnh Hải Quân, Bộ Quốc phòng phát hành tư liệu chính thống về đường Hồ Chí Minh trên biển là việc làm cần thiết.
Hiện nay chúng ta cũng đã chú ý hơn đến việc tuyên truyền về đường Hồ Chí Minh trên biển. Tại các bến nhận đang xây đài tưởng niệm, di tích tham quan để giới thiệu với nhân dân và du khách về những chiến công của đoàn tàu không số. Tôi nghĩ ở bến xuất phát Đồ Sơn cũng cần triển khai công việc này.
Ngoài ra, việc tri ân những người có công, bao gồm cán bộ chiến sĩ tàu không số, những thân nhân của liệt sĩ đã hy sinh tại các bến tiếp nhận cần tiếp tục thực hiện. Rất nhiều cựu binh tàu không số hiện không được hưởng chế độ đi B chỉ vì họ hoạt động bí mật, không có quản lý hành chính. Hay có những người bán cả gia tài đưa tiền cho con mua tàu vận chuyển vũ khí, nhưng vẫn không được đền đáp xứng đáng...
Hoàng Thùy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét