Tuổi 20 trên con đường Trường Sơn huyền thoại
(Dân trí) - Mỗi lần đặt chân lên con đường thiêng 20 - Quyết Thắng, sau Hang Tám Cô, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi lại vào dốc Ba Thang, km 18, nơi có một người con gái đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ…
Câu chuyện xảy ra cách đây 40 năm. Ngày ấy 20/6/1972, cô gái TNXP mang tên Nguyễn Thị Sặng, quê ở phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa nhận lệnh của cấp trên đưa thương binh từ tuyến trong theo đoàn xe cơ giới đến phà Xuân Sơn để ra Bắc điều trị. Nơi đường 20 đầy bom đạn, cứ vài ngày lại có chuyến xe ngược ra nhận tiếp tế vũ khí, lương thực, thương binh gửi trên những chuyến xe này. Nhiệm vụ của chị Sặng là theo xe chăm sóc thương binh và chuyển giao danh sách cho nơi tiếp nhận mới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị quay trở về nơi đóng chốt của mình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng ban liên lạc TNXP C211- N75- B31 tỉnh Thanh Hóa, nguyên là Phó Bí thư chi bộ, tiểu đội trưởng TNXP C31, trực tiếp chiến đấu trên đường 20 và là đồng đội của chị Sặng. Trong chuyến thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, gặp tôi tại hang Y tá (dốc Ba Thang), ông bồi hồi nhớ lại: “Thực ra chị Sặng không phải là y tá. Nhưng theo yêu cầu của chiến trường, TNXP sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào. Buổi chiều định mệnh đó, sau khi bàn giao thương binh xong, chị Sặng quay trở vào, bất ngờ B52 địch xuất hiện cắt bom, cả đoạn đường từ km 16 đến km 18 chìm trong khói bom. Dứt tiếng bom, đồng đội khản tiếng gọi nhau xem người nào còn, người nào mất, chị Sặng bị mảnh bom găm vào đầu, nằm gục bên đường. Tôi và đồng đội không cứu được!”.
Tôi vốn nghe nhiều chuyện lạ trên đường 20 - Quyết Thắng, nhưng vẫn băn khoăn khi nơi chị Nguyễn Thị Sặng hy sinh, đồng đội và người dân địa phương suốt mấy chục năm trời lập cho chị một cái miếu thờ nho nhỏ và gọi đó là miếu Y tá. Những già làng người Ma Cong, A Rem ở sâu hun hút giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn tâm niệm: “Cái o y tá đó không ra với đồng đội tại Đền tưởng niệm sát hang Tám Cô mô? Vẫn ở lại ven đường 20”. Bà con dân bản mỗi lần có việc về xuôi lại ghé hang Y tá, thắp cho chị mấy nén hương.
Bia di tích lịch sử hang Y tá tại Km 18, đường 20 - Quyết Thắng
Thầy giáo Lê Văn Trương, Hiệu trưởng Trường TH và THCS xã Tân Trạch tâm sự: “Chúng tôi từ miền xuôi gánh cái chữ lên với đồng bào A Rem. Hành trình đến với bản làng rất gian nan, vất vả, đường 20 - Quyết Thắng càng vào sâu giữa rừng Trường Sơn càng hiển trở, bên núi cao, bên vực sâu. Mỗi lần qua hang Tám Cô, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và hang Y tá, thầy cô giáo đều dừng lại hái hoa rừng, thắp hương viếng các hương hồn liệt sĩ. Qua dốc Y tá, chúng tôi thường ở lâu hơn...”.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2009), Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể 8 TNXP hy sinh tại Hang Tám Cô và tập thể 7 TNXP C759 hy sinh tại đồi Cha Quang.
|
Lại có câu chuyện rằng, cuối năm 2011, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cùng đoàn cứu trợ đưa hàng lên cho đồng bào A Rem xã Tân Trạch. Vào thời gian này mưa rét kéo dài làm cho đường 20 lầy lội, ngập bùn đất. Khi xe vượt qua một con ngầm thì bị chết máy, mắc lầy, bánh ngập sâu dưới bùn. Tình hình tiến thoái lưỡng nan. Nếu hàng cứu trợ lên muộn, tội cho bà con A Rem đang chờ tại trung tâm xã. Các thành viên trong đoàn đã tìm hái một bó hoa rừng quay lại miếu Y tá “xin” chị Sặng giúp đoàn đi đến nơi, về đến chốn. Sau lời khấn nguyện, xe nổ máy, trườn qua ngầm một cánh nhẹ nhàng.
Bây giờ tại dốc Y tá đã có một ngôi đền khang trang thờ phụng chị Nguyễn Thị Sặng thay cho miếu cũ. Trên tấm bia đặt tại đền ghi dòng chữ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang Y tá- Km 18 là một trong những tọa độ lửa trên đường 20 - Quyết Thắng. Nơi đây, từ năm 1966 đến năm 1973, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt. Đại đội 211- TNXP đã kiên cường bám trụ, chiến đấu hy sinh quên mình, đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông, chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường, đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Tại hang này, ngày 20/6/1972 đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng”.
Bia được hoàn thành vào năm 2011 và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1732/QĐ- BVHTTDL.
Tháng 5 này tôi lại lên với đường 20 - Quyết Thắng. Quanh ngôi đền Y tá có những loài hoa rừng đang đua nhau nở; trong đền không lúc nào ngớt khói hương.
Ngày ngày mọi người vẫn hương khói cho liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng
Em gái út liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng là chị Nguyễn Thị Kiện năm nào cũng lặn lội vào thăm đường 20 - Quyết Thắng, dốc Y tá, nơi chị gái mình hy sinh; thắp hương lên phần mộ liệt sĩ an nghỉ tại Nghĩa trang TNXP Thọ Lộc (xã Vạn Trạch, Bố Trạch). Ông Hiếu nói: “Ước mong của gia đình là đưa chị về với quê hương, nhưng tôi biết liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng vẫn muốn mãi mãi ở lại với đồng đội, với con đường mang tuổi 20- Quyết Thắng”.
Cũng trong câu chuyện kể về liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng gần 4 năm về trước, ông Nguyễn Văn Hiếu ngậm ngùi: Chị Nguyễn Thị Sặng là con gái đầu của bà Nguyễn Thị Vinh, trong gia đình có ba chị em gái. Bố chị là liệt sĩ chống Pháp, hy sinh năm 1953, lúc đó chị mới lên 9 tuổi. Năm 1972, lúc vừa tròn 20, chị Sặng viết đơn tình nguyện đi TNXP và từ đó nằm lại trên đất lửa Quảng Bình.
Hải Lăng - Đặng Tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét