Người đi mở đường Trường Sơn trên biển
QĐND Online - Đó là một ông già ở làng chài Nam Ô, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, người duy nhất còn sống kể cho chúng tôi nghe về chuyến vượt biển chở vũ khí, lương thực, thuốc men đầu tiên của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vào miền Nam. Ngoài người vợ hiền tần tảo, không một ai biết được quá khứ huyền thoại của ông, cho đến một ngày Thượng tướng Nguyễn Chơn về đây tìm ông, một con người mà vị tướng này đã đón đợi và đi tìm ròng rã non nửa thế kỷ, khi đó người dân làng chài mới được hay và thán phục về một người từng đi mở đường Trường Sơn trên biển.
Lần tìm non nửa thế kỷ
Chúng tôi cũng chỉ tình cờ biết ông, một Bí thư Chi bộ của chiếc thuyền chở 5 tấn vũ khí, thuốc men, quần áo, nilon cho bộ đội và du kích Khu V, mở đường Trường Sơn trên biển ra đi đúng đêm 30 Tết Canh Tý-1960, khi xem bộ phim tài liệu “Đường mòn trên biển Đông” phát trên truyền hình một ngày gần đây (tập phim “Khởi đầu huyền thoại”). Đồng chí Võ Bẩm - Thiếu tướng, Nguyên Phó tổng thanh tra Quân đội, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tổng tham mưu, Đoàn trưởng Đoàn 559, người gắn bó với con đường xẻ dọc Trường Sơn của thuở ban đầu “đi không dấu, nấu không khói” mở tháng 5-1959 và cũng là người tham gia mở con đường Bắc–Nam xẻ dọc biển Đông, nhớ lại: “Nhận chỉ thị của Bác, tháng 7-1959 ta quyết định mở cả con đường Bắc - Nam xuyên biển Đông. Đi trên biển tuy nguy hiểm nhưng lại nhanh hơn. Cuối năm 1959, ta thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 ẩn dưới cái tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Nhưng sau khi khởi hành, số phận chiếc thuyền và 6 con người cùng đi mở đường đều không một ai biết đến. Khi hỏi tên của 6 người đi trên chuyến thuyền mở đường ấy, đồng chí Võ Bẩm nhíu mày, đăm chiêu hồi lâu rồi lắc đầu: “Lâu quá rồi… tôi không nhớ…”.
Một con tàu không số của Lữ đoàn 125 đang trên đường vận chuyển hàng vào Nam. Ảnh tư liệu. |
Thượng tướng Nguyễn Chơn -Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kể lại: “Cuối năm 1959, anh Võ Toàn (tức đồng chí Võ Chí Công) giao nhiệm vụ cho tôi dẫn một bộ phận đi xuống Hố Chuối–phía đông đèo Hải Vân, nhận một số vũ khí, thuốc men từ miền Bắc chuyển vào để đưa lên căn cứ”. Hải Vân là ngọn đèo cao nhất, đẹp nhất và cũng hiểm trở nhất trên con đường số 1 và đường xe lửa xuyên Việt, người xưa thường gọi là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Hải Vân được chọn làm bến bí mật đầu tiên tiếp nhận vũ khí của con đường biển Đông. Đồng chí Nguyễn Chơn được lệnh ra đi từ núi Chúa, đường đi đèo dốc, rừng rậm, đói rét, quân địch lùng sục. Ngày trong hang đá, đêm chong mắt nhìn ra biển đen chờ đợi bóng dáng một con thuyền. Một đêm, hai đêm, một tháng ròng, thuyền không đến. Còn người, họ là ai? Đồng chí Nguyễn Chơn quả quyết: “Tôi không rõ, nhưng phải có anh em ở Nam Ô mình đây!...”.
Cho đến một ngày, vị tướng từng chỉ huy “trăm trận trăm thắng” Nguyễn Chơn về làng chài Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân tìm một người anh em mà ông đã ngóng đợi và đi tìm ròng rã non nửa thế kỷ, cả làng chài mới hay một người có tên là Huỳnh Ba, từng đi mở đường Trường Sơn trên biển. Tất cả đều bất ngờ, vì người mà vị tướng ấy cần tìm hoá ra cũng chẳng đâu xa lạ gì, cũng là một ngư dân ngày ngày vẫn cùng với họ đi đánh cá, vá lưới trên bãi biển.
Bí mật chuyến thuyền đầu tiên, bí mật một con đường…
Vừa đi vừa dò hỏi trong quanh co, nhiều lối ngang lối dọc đặc trưng của làng chài ven biển, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông. Không phải chờ đợi lâu, ông Huỳnh Ba đã kể ngay bí mật về chuyến thuyền chở 5 tấn vũ khí và thuốc men đầu tiên của hậu phương lớn miền Bắc gửi cho đồng bào Khu 5 đánh Mỹ hướng vào bến Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân năm ấy…
“Sau khi Đài tiếng nói Việt Nam thông báo có đợt gió mùa đông bắc lớn sẽ tràn về, Tiểu đoàn 603 (Tập đoàn đánh cá sông Gianh) quyết định cho thuyền nhổ neo vào đêm 27-1-1960, tức 30 tết Canh Tý để tạo thế bất ngờ, bí mật. Đó là chiếc thuyền của đại đội 1, đi trên thuyền có 6 người đã từng tham gia vận chuyển từ Khu 5 vào Khu 6 bằng đường biển trong kháng chiến chống Pháp, gồm: đồng chí Nguyễn Bất (quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam) – Đại đội trưởng đại đội 1 làm thuyền trưởng; Trần Mức (quê ở Quảng Ngãi) làm thuyền phó; Huỳnh Ba làm Bí thư Chi bộ; Nguyễn Sanh (quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam); Huỳnh Sơn (quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) và Nguyễn Nữ (quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam, nay họ đều đã hi sinh và mất, chỉ còn lại mỗi mình ông Huỳnh Ba). Bên bờ sông Gianh, Quảng Bình, cuộc chia tay lặng lẽ mà cảm động, đồng chí Lưu Đức và Hà Văn Xá – lãnh đạo tiểu đoàn và anh em đưa tiễn ôm chặt từng người trong đội thuyền. 18 giờ, con thuyền rời bến, đi về hướng đông nam. Cùng lúc đó, một bức điện tín được bí mật truyền vào: “Nhận hàng ở bến Hố Chuối từ đêm Mồng 1 Tết âm lịch”.
Ông Huỳnh Ba và chắt ngoại. |
- Thuyền đi như thế nào thưa ông?
- Đêm đầu, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế, với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân cập bến Hố Chuối. Trong trường hợp, nếu thuyền không cập bến Chuối được sẽ cập bến Mà Đa cách Hố Chuối vài cây số. Ngày hôm sau, gió từ cấp 5-6 tăng lên cấp 7-8, sóng lớn, 6 người cố chèo chống nhưng thuyền cứ dạt mãi về phía Nam. Đã vậy lại gãy mất một lái, với đà này chưa biết thuyền sẽ trôi về đâu. Hồi kháng chiến 9 năm (chống Pháp), đã có thuyền vận chuyển theo phương thức này trôi dạt sang Philippin. Đến ngày thứ 3, thuyền lạc vào Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đêm Mồng 1 Tết, thả lái phụ xuống thì cũng gãy nốt, sửa mấy lần không được, đành thả trôi. Sáng Mồng 4 Tết, chúng tôi nhận ra đảo Lý Sơn, biển đã lặng, ngư dân đổ ra đánh cá nhiều, thuyền bọn địch cũng ra, có nguy cơ bị bắt. Chúng tôi quyết định thủ tiêu 5 tấn hàng hóa, vứt hết vải, nilông đi mưa, thuốc men (chủ yếu là thuốc chống sốt rét) và súng đạn xuống biển, quyết giữ bí mật tuyệt đối ý đồ chiến lược mở con đường vận chuyển trên biển.
"Chuyến đi đầu tiên không thành công, nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm, chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển có rất nhiều khó khăn và không an toàn, Quân ủy Trung ương quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi trên tìm phương án mới, Tiểu đoàn 603 giải thể, các đại đội chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn." (Trích Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển).
|
- Địch có “đánh hơi” thấy con đường chiến lược này không?
- Chiều hôm đó chúng tôi bị địch bắt, tất cả đều khai là dân đánh cá, bị bão trôi dạt về đây. Bọn địch không tin, chúng tôi bị giam ở đảo Lý Sơn một thời gian, sau đó đưa vào đất liền để tra khảo, không khai thác được gì, chúng đưa ra Huế giam ở trại Toà Khâm và nhà lao Chín Hầm. Tháng 4-1960, chúng tôi bị đưa về Đà Nẵng để đưa vào thẩm vấn ở Sài Gòn, hết giam ở Chí Hòa, qua nhà lao Gia Định… Tôi với tư cách là Bí thư Chi bộ đã khai nhận hết về mình: “Tôi là chủ một thuyền của Tập đoàn đánh cá, những anh em trên thuyền do tôi kêu làm công đánh cá”, nên chúng chỉ giam các anh em 3 năm rồi trả tự do về hoạt động tiếp, còn tôi bị đày ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo, lâu lâu địch lại đưa về Sài Gòn tra khảo, đi lại tới 12 lần, chúng vẫn không khai thác được gì liên quan đến bí mật con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Mãi đến năm 1974 tôi mới được thả ra. Ốm yếu, bệnh tật, xác xơ, tôi lần tìm về được đến quê hương Nam Ô để nối lại liên lạc thì cũng là lúc miền Nam được giải phóng.
Một thời nhảy tàu, vượt biển
Thế rồi như được mở lòng, những quá khứ hào sảng hơn nửa thế kỷ bị cất giữ được ông kể rất say mê:
- Trong kháng chiến 9 năm, tôi nhiều lần dong thuyền chở vũ khí từ Khu IV vào cập bến Cửa Lở - An Hòa, Tam Kỳ (Quảng Nam). Một lần bị địch phát hiện, tôi đã kịp phi tang vũ khí, quân trang xuống đáy sông, chúng không tìm ra bằng cớ gì, chỉ kết án tù treo vì tội buôn lậu. Tù treo, nhưng tôi vẫn trốn ra Khu IV đóng thuyền chở hàng hóa, vũ khí vào… Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi được Đảng phân công làm cán bộ nằm vùng tại Nam Ô, ở trong nhà một cơ sở cách mạng. Anh Đào Ngọc Chua – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang lúc đó đã mai mối tôi với cô con gái lớn tên là Nguyễn Thị Nghĩa ở nhà cơ sở cách mạng này, tạo vỏ bọc hợp pháp để hoạt động, địch khỏi nghi. Năm 1955, chúng tôi được tổ chức kết hôn và sinh được 2 người con gái. Hoạt động của tôi chủ yếu là làm giao liên đưa, nhận tài liệu, hàng hóa từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn, Nha Trang,… và ngược lại bằng tàu hỏa. Nhưng sau đó đường dây giao liên vận chuyển bằng tàu hỏa bị lộ, tôi phải lên căn cứ và cũng làm giao liên đưa cán bộ từ miền Bắc vào. Đến tháng 8-1959, tôi đi bộ ra Ban thống nhất Trung ương và nhận nhiệm vụ về Tập đoàn đánh cá sông Gianh tổ chức đưa thuyền chở vũ khí, thuốc men vào miền Nam.
Vợ ông – bà Nguyễn Thị Nghĩa năm nay đã 83 tuổi, từng là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Giờ cả hai ông bà tóc đã bạc phơ, vui thú tuổi già với việc trông nom, chăm sóc 3 chắt ngoại cho ba mẹ các bé đi làm công nhân dưới khu công nghiệp. Được nhà nước trợ cấp chế độ thương binh 2/4 hàng tháng (của ông Ba), tuy chưa đủ chi tiêu, ăn uống, an dưỡng tuổi già, nhưng hai ông bà cũng không đòi hỏi gì thêm bởi… “Mình đã làm được gì nhiều đâu so với máu xương bao đồng đội đã ngã xuống!”.
Bài, ảnh: HOÀNG HIỆP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét