Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đường Trường Sơn trong 16 năm kháng chiến


Đường Trường Sơn trong 16 năm kháng chiến
Năm 1959, đúng vào sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 559 thành lập, đánh dấu sự khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn.VnExpress.net xin giới thiệu một số hình ảnh đang được trưng bày tại Hà Nội nhân ngày kỷ niệm 50 năm ngày khai sinh tuyến đường huyền thoại này.
Những người mở đường năm xưa trở lại Trường Sơn
Được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, triển lãm "Huyền thoại đường Trường Sơn" trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh ảnh trong 16 năm chiến tranh giải phóng đến thắng lợi năm 1975.
Đến triển lãm, người xem sẽ được tận mắt chứng kiến chiếc xe cút kít do bộ đội Trường Sơn chế tạo, bộ sưu tập các loại bi đông; bức ảnh về tiểu đội trưởng thanh niên xung phong La Thị Tám đã đánh dấu hơn 1.000 trái bom chưa nổ trong 7 tháng, chỉ dẫn cho xe qua an toàn...
Sự phát triển của tuyến đường trong cuộc chiến tranh giải phóng đã trở thành nỗi khiếp sợ của Mỹ, Ngụy, đến nỗi các chuyên gia quân sự Mỹ đã phải gọi đây là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".
Từ phương thức đi bộ, gùi thồ sơ khai những năm đầu, việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường chuyển sang cơ giới. Đến năm 1967, vận tải cơ giới kết hợp với hợp đồng binh chủng, hình thành thế trận chi viện chủ động, vừa chi viện vừa đánh lui địch. Với chiến thắng đường 9 Nam Lào 1971 và "Điện Biên Phủ trên không" 1972, bộ đội ta hoàn toàn giành được thế chủ động trên tuyến đường - chiến trường Trường Sơn. Đường Trường Sơn từ đây phát triển hoàn thiện, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, góp phần đẩy nhanh việc thống nhất nước nhà.
Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ sau này bình luận, sở dĩ Mỹ thất bại ở Việt Nam là do không ngăn chặn được tuyến chi viện từ miền Bắc.
Sau 16 năm xây dựng, tổng kết lại tuyến đường có 5 trục dọc, 21 trục ngang như một trận đồ phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây. Tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000 km, xuyên Bắc - Nam, xuyên 3 nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường. Hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật...
Dưới đây là một số hình ảnh trên tuyến đường huyền thoại này:
Vào những năm đầu, việc vận chuyển hàng chi viện được thực hiện bằng hình thức đi bộ, gùi thồ.
Tuy giữ được bí mật nhưng hiệu quả không đáng kể do quãng đường vận tải dài tới 2.000 km
Sau 2 năm như vậy, chúng ta bắt đầu thực hiện vận tải cơ giới. Hiệu quả vận chuyển tăng lên rõ rệt nhưng nhiều cung đường đã trở thành mục tiêu không kích của quân đội Mỹ.
Kẻ địch liên tục dùng máy bay, bộ binh, chất độc hóa học... ngăn chặn khiến việc chi viện trở nên vô cùng nan giải. Đến năm 1967, với bước phát triển mới của hợp đồng binh chủng bảo vệ các đoàn xe, xây dựng các tuyến đường tránh, đường nghi binh, vấn đề này mới được giải quyết. Tuyến đường từ đây hoạt động ngày càng thông suốt, hiệu quả.
Trong thời gian này, vai trò của lực lượng thanh niên xung phong thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Trong ảnh là chị La Thị Tám, tiểu đội trưởng TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc. Trong 7 tháng chị đánh dấu được 1.039 quả bom chưa nổ, chỉ dẫn cho người và xe qua tọa độ lửa này an toàn.
Xuyên dãy Trường Sơn, bộ đội ta được đồng bào các dân tộc thiểu số dốc lòng giúp đỡ. Trong ảnh là đồng bào Vân Kiều (Quảng Bình) cung cấp lương thực dọc đường.
Trọng điểm Tha Mé tan hoang vì bom đạn. Trên toàn tuyến đường có tới 2.500 trọng điểm đánh phá của địch. Suốt 16 năm, chiến trường Trường Sơn hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom mìn đủ loại.
Tuy nhiên, với sự phát triển của thế trận phòng ngự chủ động, ta ngày càng làm chủ chiến trường. Với tổng chiều dài hàng chục ngàn km trải dài trên 5 trục dọc, 21 trục ngang... các đoàn xe vận tải có thể dễ dàng xuyên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Trong ảnh là một xưởng sửa chữa xe quy mô ngay dưới tán rừng.
Năm 1968, Mỹ phát hiện ta có tuyến đường ống dẫn xăng dầu ở Tây Nam thành phố Vinh (Nghệ An). Đến 1969, hệ thống này đã vượt qua biên giới với Lào, 1970 vươn tới thung lũng A Sầu (Thừa Thiên Huế)...
Mặc dù ra sức đánh phá, nhưng đến cuối cuộc chiến, hệ thống này đã được nối dài tới 2.000 km, đến tận cụm cuối tuyến đường tại Lộc Ninh (Bình Phước), tiếp "máu" cho các đoàn xe vận tải.
Thông tin liên lạc trên toàn tuyến lúc phát triển cao nhất lên tới 1.600 km đường dây, giúp nối thông giữa tổng hành dinh chỉ huy tới các chiến dịch.
Dũng sĩ diệt máy bay Mỹ cấp ưu tú Khơth (người cầm súng) đã bắn rơi 3 trực thăng Mỹ khi mới 15 tuổi (1969). Chiến trường đường Trường Sơn ghi dấu vô số tấm gương anh hùng song cũng để lại những mất mát khó có thể bù đắp, 22.000 chiến sĩ đã ngã xuống tại đây, 30.000 người nhiễm chất độc da cam...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) và trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải) trong chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971 - chiến dịch đem lại quyền kiểm soát hoàn toàn trên mặt đất cho bộ đội ta trên chiến trường Trường Sơn.
Đội tuyên truyền văn hóa xung kích E515 công binh phục vụ bộ đội mở đường Đông Trường Sơn, mùa khô 1973-1974. Đây là thời kỳ ta hoàn toàn làm chủ chiến trường Trường Sơn cả trên không lẫn mặt đất.
Đoàn xe vận tải hùng hậu và quân đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn - chiến dịch cuối cùng thống nhất hai miền Nam, Bắc. Sau 16 năm xây dựng và phát triển, đường Trường Sơn thực sự đã trở thành tuyến đường huyền thoại.
Nguyễn Hưng
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét