Mùa xuân Đinh Mùi (1967): Quân dân Thủ Dầu Một phá tan cuộc hành quân Xê-đa-phôn, góp phần làm phá sản cuộc phản công mùa khô lần 2 của Mỹ – Ngụy |
* PHƯƠNG NAM (Ban Tuyên giáo) |
Chiến lược chiến tranh đặc biệt bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, Giôn-xơn chấp nhận biện pháp chiến lược ''Tìm diệt'' và kế hoạch ba giai đoạn của tướng Oét-mo-len.
Quân Mỹ ào ạt vào miền Nam Việt Nam. Tính đến tháng 12-1965, trên chiến trường miền Đông Nam bộ đã có mặt Lữ đoàn dù 173 ở Biên Hòa, Sư đoàn 1 bộ binh ''Anh cả đỏ'' Mỹ ở Bình Dương, 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn 25 ''Tia chớp nhiệt đới'' ở Củ Chi, một bộ phận Lữ đoàn Hoàng Gia Úc và Đại đội pháo binh Tân Tây Lan ở Bà Rịa. Trên toàn miền Nam, số quân Mỹ đã lên 184.314 tên chưa kể quân đồng minh gồm 20.500 tên.
Sau khi hoàn thành việc triển khai quân Mỹ trên toàn chiến trường vào cuối năm 1965, Oét-mo-len chuyển sang thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch 3 giai đoạn. Từ tháng 1-1966, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất bắt đầu. Miền Đông Nam bộ là một trong hai hướng chủ yếu của cuộc phản công. Mỹ tập trung lực lượng chủ lực tinh nhuệ đánh vào vùng bắc Củ Chi và các căn cứ lớn của ta, nhằm vào các Sư đoàn 9 và 5 ''bẻ gãy xương sống của Việt cộng”. Nhiệm vụ bình định giao cho 3 sư đoàn chủ lực ngụy cùng lực lượng bảo an, dân vệ cũng tập trung vào 4 tỉnh xung quanh Sài Gòn.
Ngày 8-1-1966, địch mở cuộc hành quân mang tên ''Cái bẫy'' đánh vào Củ Chi (Gia Định), với lực lượng 12.000 quân. Trung tuần tháng 2-1966, chúng đánh vào Đông Bắc Sài Gòn với lực lượng 15.000 quân hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta bằng hai trận càn quét mang tên ''Chó dữ''và ''Đá lăn''. Để chủ động đối phó với âm mưu mới của địch trong mùa khô 1965-1966, thực hiện chỉ thị của trung ương Cục ''Kéo địch ra khỏi hang ổ mà đánh, căng đích ra mà đánh, chen vào giữa đích mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, quân và dân miền Đông Nam bộ liên tục phản công và tiến công cả quân Mỹ, ngụy và quân chư hầu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần cùng với quân và dân miền Nam đánh bại cuộc càn mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) Sau những thất bại nặng nề đế quốc Mỹ tăng cường thêm lực lượng và phương tiện chiến tranh, tập trung lực lượng mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai vào mùa khô 1966-1967, Biện pháp chiến lược 'Tìm diệt'' được thay bằng ''Hai gọng kìm''. Trong cuộc phản công lần thứ hai, địch chọn hướng Tây nguyên và Đông Nam bộ, chủ yếu là miền Đông Nam bộ. Sau nhiều cuộc hành quân dọn bãi, thăm dò từ đầu mùa mưa, ngày 14-9-1966, địch mở màn cuộc phản công với cuộc hành quân Át-ten-bo-ro với 30.000 quân Mỹ, có máy bay chiến lược B.52 làm nhiệm vụ chi viện chiến thuật. Trong cuộc hành quân này, Lữ đoàn 196 Mỹ bị đánh quỵ buộc phải rút khỏi vòng chiến đấu để củng cố. Tướng Mỹ Đờ-sốt-xuya bị cách chức tại trận. Ngày 24-1 1, Oét-mô-len buộc phải ra lệnh kết thúc cuộc hành quân Nhưng ngay sau khi cuộc hành quân này chưa kết thúc, Bộ Tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ (đóng tại Long Bình) đã chuẩn bị cuộc hành quân tiếp theo trên vùng cận Bắc, Tây Bắc Sài Gòn đánh vào khu Tam giác sắt Củ Chi - Bến Cát - Bến Súc mang tên Xê-đa-phôn; đồng thời cũng vạch ra kế hoạch cho cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ đánh lên vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, mang tên Gian-xơn –Xi-ty
Ngày 8-1-1967, địch mở cuộc càn Xê-đa-phôn đánh vào khu ''Tam giác sắt'' Củ Chi - Bến Súc - Bến Cát, trọng điểm là vùng Hố Bò, An Nhơn Tây (Củ Chi) và phía đông Sài Gòn với 30.000 quân gồm 3 Lữ đoàn Mỹ thuộc Sư đoàn 1 bộ binh, Sư đoàn 25 bộ binh, Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 Mỹ) và 3 chiến đoàn ngụy, chưa kể lực lượng yểm trợ như thiết giáp, pháo, tàu thuyền đổ bộ, máy bay cường kích và B.52.
Mục tiêu của Mỹ trong cuộc hành quân này là nhằm thực hiện đánh phá căn cứ, tiêu diệt cơ quan đầu não Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Triệt phá bàn đạp, hành lang dọc sông Sài Gòn, đồng thời tiến hành bình định gom dân, củng cố lại thế phòng thủ ở phía Tây Bắc Sài Gòn. Vùng đất phía Đông sông Sài Gòn trên địa bàn Bến Cát, với chiều dài khoảng 35km, chiều rộng 15km là khu vực được ưu tiên hủy diệt và bình định của địch. Trước khi đổ bộ binh và đưa xe tăng ào ạt càn phá, hàng trăm phi vụ máy bay B.52 và phản lực dội bom rải thảm xuống các xã ven sông Sài Gòn. Pháo từ các căn cứ Đồng Dù, Lai Khê, Bến Cát, Phú Văn bắn như trút đạn vào các xã Thanh An, Thanh Tuyền, An Tây, Kiến An.
Ngay trong những ngày đầu cuộc càn, Mỹ sử dụng lực lượng Sư đoàn 25 bộ binh đánh vào Hố Bò, xóm Thuốc xoan Nhơn tây (Củ Chi), dùng 80 thuyền đánh phá dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, đưa Lữ đoàn 3 Sư đoàn 1 bộ binh đánh vào phía Nam Dầu Tiếng dọc theo đường 14 từ Suối Dứa đến ấp Cỏ Trách, Bàu Nổ, Đất Ưng, xã Thanh An. Dùng Lữ đoàn 1 Sư đoàn 1 bộ binh, đánh dọc đường số 2 (đông đường 13) từ ấp An Hòa đến ấp Chánh Lưu sau đó bốc lực lượng này đổ xuống xã Phú An, An Tây Địch sử dụng Trung đoàn 8 Sư đoàn 5 bộ binh ngụy, mở liên tục 2 cuộc càn vào ấp Kiến Điền, xã an Điền, ấp Long Cầu, Mương Đào xã Long Nguyên (tây và bắc Bến Cát); dùng 1 Chi đoàn bộ binh cơ giới của Lữ đoàn 2 Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, cản dọc hai bên đường 13 vừa giải tỏa bảo vệ đường, vừa ngăn chặn lực lượng ta chi viện cho hướng tấn công chính của chúng Thanh An, Thanh Tuyền; đưa 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn thiết giáp số 11 Mỹ lên Bến Cát, Lữ đoàn 3 Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tập trung tại Dầu Tiếng, đưa Lữ đoàn dù 173 từ đường 15 lên đường 13 hỗ trợ cho ngụy quân thực hiện kế hoạch bình định. Mỗi ngày có hàng trăm xe tiếp tế của địch chạy trên quốc lộ 13, liên tỉnh lộ 14. Xã nào trên địa bàn huyện Bến Cát, Dầu Tiếng cũng có quân Mỹ, quân ngụy rải ra đóng chốt với đủ các đơn vị sừng sỏ nhất.
Chỉ trong 4 ngày đầu cuộc càn, máy bay B.52 đã ném xuống xã thanh An, Thanh tuyền, Long Nguyên, Kiến An, ba xã Tây Nam (Bến Cát) hàng chục ngàn tấn bom. Pháo từ các căn cứ Mỹ từ Lai Khê, Phú Lợi, Dầu Tiếng, Đồng Dù bắn như mưa vào các khu vực đã xác định. Bến Súc là nơi địch cho là có công sự phòng thủ kiên cố của Việt cộng'' được chọn là nơi trọng điểm của cuộc hành quân. Như vậy, so với trước đây cuộc hành quân Xê-đa-phôn là một trận càn cực kỳ ác liệt và tàn bạo.
Trước đó, ngày 4-1-1967, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị cho ngừng tiến công quân sự 7 ngày nhân dịp Tết đinh Mùi. Tuy nhiên, trong thời gian đó, ta phải tăng cường đấu tranh chính trị, binh vận, xây dựng lực lượng với khẩu hiệu: Tết đoàn kê't, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng tinh thần đoàn kết, lòng tin vào thắng lợi của cách mạng, căm thù giặc Mỹ xâm lược và tay sai bán nước, vạch trần những luận điểm bịp bợm của địch.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đã phối hợp với lực lượng vũ trang Miền chủ động tiến công, kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công, đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch, đồng thời đánh bại âm mưu ''bình định'' gom dân của chúng, giữ vững vùng giải phóng.
Ngày 8-1-1967, lính bộ binh và xe tăng Mỹ càn vào xã An Điền, An Tây, Phú An (Bến Cát). Sau một tuần càn phá, nhiều đoạn địa đạo, hầm hào công sự chiến đấu của xã An Điền, An Tây, Phú An, nhiều kho lúa của huyện, đoàn hậu cần 83 của Miền và của nhân dân bị xe tăng, xe ủi của Mỹ ủi phá. Địch dùng cả chó nghiệp vụ để truy tìm địa đạo. Huyện ủy Bến Cát đưa đại đội 61, 1 tiểu đội công binh, trinh sát cùng du kích ba xã Tây Nam chặn đánh địch bảo vệ căn cứ. Bộ đội huyện, du kích xã bình tĩnh bám trụ chiến đấu bảo vệ căn cứ của huyện ở rừng 123 xã An Điền. Bộ đội, du kích được nhân dân giúp đỡ đã lấy xà bông thơm Mỹ thường sử dụng bôi lên miệng hầm đánh lạc hướng chó nghiệp vụ. Ở các đoạn địa đạo bị địch san ủi lộ thiên ra, bộ đội và du kích đã đánh trả địch rất quyết liệt. Dựa vào ô ụ, địa đạo và sử dụng mìn trái, chỉ trong tuần lễ đầu cuộc càn của địch trên địa bàn 3 xã Tây Nam, bộ đội huyện Bến Cát và du kích ba xã đã đánh lui, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của cả bộ binh và xe tăng địch, bắn cháy và phá hỏng 26 xe bọc thép Mi 13, hơn 100 tên Mỹ bị chết và bị thương vì mìn trái, hầm chông, hố đinh và những tay súng bắn tỉa của bộ đội và du kích.
Tại Thanh Tuyền, sau mấy ngày được phi, pháo dọn đường, ngày 8-1-1967, quân Mỹ dùng trực thăng đổ quân xuống Bến Súc, tiếp đó lực lượng trung đoàn 8 Sư đoàn 5 bộ binh ngụy càn vào thực hiện kế hoạch gom dân. Đi đến đâu Mỹ - ngụy cũng đốt nhà, ủi phá vườn tược, hốt lúa, bắt trâu bò, xúc tát dân. Làng Bến Súc cũng như toàn bộ xã Thanh Tuyền được giải phóng từ giữa năm 1965 là cửa khẩu quan trọng của các đoàn hậu cần của Miền, hậu cần của tỉnh Thủ Dầu Một, là căn cứ bàn đạp của Quân khu Sài Gòn - Gia định đã bị giặc san bằng. Những ngày Mỹ - ngụy càn quét, xúc tát đồng bào Bến Súc, Bưng Còng, Rạch Kiến, Chi bộ xã Thanh Tuyền đã chỉ đạo cho cơ sở mật bị địch gom theo tiếp tục vận động quán chúng đấu tranh sau này. Trong khi đó, bộ đội địa phương Bến Cát cùng du kích các xã sử dụng mìn trái, phục kích, tập kích tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch. Đêm 9-1-1967, trung đội cối của huyện Bến Cát pháo kích cụm quân Mỹ đóng dã ngoại tại Bến Súc, loại khỏi vòng chiến đấu 60 tên. Bằng những bãi ''tử địa'', mìn, trái gài tự động... chỉ trong một tuần lễ, du kích Thanh Tuyền đã loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên Mỹ. Trong đó có những trận xuất sắc như trận đồng chí Út Cấp du kích xã, bố trí mìn tự tạo (cối 60 ly) diệt 15 tên Mỹ tại Suối Cát; một bán đội du kích xã do đồng chí Hiển - chính trị viên xã đội chỉ huy kiên cường bám ô ụ, địa đạo Bến Súc, dùng trái 105 ly và mìn ĐH 10 bố trí trận địa phục kích diệt 17 tên, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Tại xã Thanh An, địch đổ 2 tiểu đoàn Mỹ càn quét địa bàn của xã. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, một mặt chi bộ vận động một số gia đình binh sĩ làm ngòi nổ lên trụ sở tề đấu tranh tố cáo tội ác của quân Mỹ ném bom, bắn pháo hư hại hoa màu, nhà cửa của dân. Mặt khác, đội du kích xã do đồng chí Trương Thị Hòa - Xã đội phó chỉ huy, sử dụng mìn trái tự tạo, bám trụ chiến đấu. Suốt trong thời gian địch càn quét, du kích xã, ấp phối hợp với lực lượng của Quân khu Sài Gòn ~ Gia Định, Đoàn hậu cần 83 chống càn liên tục suốt 20 ngày đêm. Dựa vào những đoạn địa đạo, hầm bí mật, tổ chức đánh mìn trái bằng đầu đạn cối 80 ly, đạn pháo 105 ly, mìn ĐH 10... du kích Thanh An đã phá hỏng 20 xe Mi 13, Mi 18, tầm tiêu hao nặng 1 đại đội Mỹ tại Bàu Nổ. Trong trận đánh tại vườn điều ấp Ba, khi rút khỏi trận địa, Trương Thị Hòa vừa cõng thương binh vừa chỉ huy đơn vị vượt vòng vây địch đưa đơn vị và đồng đội của mình về căn cứ an toàn.
Trong khi đó, các xã Thới Hòa, Mỹ Phước, Tân Định, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa... chi bộ các xã bố trí cán bộ mật, cơ sở mật vận động quần chúng đấu tranh quyết liệt chống kế hoạch gom dân; đồng thời tổ chức cho du kích sử dụng mìn trái bố trí gài ''đón lõng'' diệt xe tăng, xe cơ giới, tiêu hao sinh lực địch. Ở xã Thới Hòa, du kích lấy đạn pháo địch làm mìn đánh xe tăng, tự chế bệ phóng bom bi đánh giặc. Ở xã Chánh Phú Hòa, đồng chí Bảy Hoàng – Bí thư chi bộ xã lãnh đạo nhân dân, du kích xã, ấp bám trụ chiến đấu chống càn suốt nửa tháng trời với 2 tiểu đoàn Mỹ, phá hỏng 10 xe tăng, bắn rời 3 máy bay lên thẳng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 70 tên Mỹ.
Cuộc hành quân Xê-đa-phôn (còn gọi là cuộc hành quân vào vùng ''Tam giác sắt'') đã diễn ra ác liệt, tàn bạo. Làng Bến Súc trù phú bên bờ sông Sài Gòn bị giặc Mỹ xóa sạch; 757 ngôi nhà bị đốt và phá hủy hoàn toàn, hàng trăm hầm lúa bị địch ủi phá và đốt cháy, hơn 200 trâu bò bị bắn chết hoặc bị chúng lùa đi, phần lớn đồng bào Bến Súc, Rạch Kiến, Bưng Còng của xã Thanh Tuyền bị địch xúc tát đưa xuống khu tập trung tại phân Lập (TX.TDM) và khu Gò Cát (Tân Thới, Lái Thiêu).
Cuộc hành quân Xê-đa-phôn đã triệt phá vùng tam giác sắt, triệt hạ làng Bến Súc. Tuy nhiên, cuộc hành quân đã không đạt mục tiêu chính của nó là diệt đầu não và các lực lượng kháng chiến của tỉnh Thủ Dầu Một, lực lượng của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, không xóa được vùng căn cứ bàn đạp của ta vào Sài Gòn. Ngày 21-1-1967, cuộc hành quân Xê-đa-phôn kết thúc. Trong những ngày kiên cường chiến đấu, chống càn quân và dân Thủ Dầu Một đã diệt và làm bị thương 1.265 tên Mỹ, 54 lính chư hầu Tân Tây Lan, phá hủy và làm hư hại 72 xe Mi 13, bắn rơi và bắn cháy 12 máy bay các loại.
Khi nói về chiến thắng này, xã luận báo Nhân Dân tháng 1-1967, có viết ''Chiến thắng bẻ gãy cuộc hành quân Xê-đa-phôn của giặc Mỹ là tiếng hát hùng tráng của chiến tranh nhân dân, là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng...''. Với chiến thắng oanh liệt trong cuộc hành quân Xê-đa-phôn những ngày đầu xuân 1967 của quân và dân Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã góp phần làm phá sản cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ - ngụy.
|
Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012
Mùa xuân Đinh Mùi (1967): Quân dân Thủ Dầu Một phá tan cuộc hành quân Xê-đa-phôn, góp phần làm phá sản cuộc phản công mùa khô lần 2 của Mỹ – Ngụy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét