Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Chiến dịch Tây Ninh và những kỷ niệm nhỏ với Tư lệnh Ba Hồng


Chiến dịch Tây Ninh và những kỷ niệm nhỏ với Tư lệnh Ba Hồng

QĐND - Trong đêm tiễn Thiếu tướng Võ Văn Dần (anh Ba Hồng), Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long nghỉ hưu, sau bữa tiệc chia tay nhẹ, cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ tư lệnh kéo lên phòng nghỉ của anh ngồi trò chuyện. Hình như ai cũng không muốn ngủ trong đêm đặc biệt này. Căn phòng làm việc đơn sơ, một chiếc bàn gỗ, phía sau là tấm bản đồ đất nước, tường phải là bản đồ miền Đông, nơi đứng chân của các đơn vị.
Không hiểu sao, trong buổi tối ấy, một cán bộ tham mưu lại hỏi:
- Trong đời quân ngũ, chiến dịch nào để lại cho anh Ba kỷ niệm sâu sắc nhất?
Suy nghĩ một hồi, Thiếu tướng Võ Văn Dần nói:
- Chiến dịch nào, trận đánh nào cũng khắc sâu trong tôi. Vì sao? Trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, trong chiến thắng đều có những người bạn, những đồng chí thân yêu của tôi hy sinh. Tuy vậy, ở phương diện mang tầm vóc thắng lợi chiến lược sâu sắc nhất là chiến dịch Tây Ninh năm 1966 và Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Chiến dịch Mậu Thân chúng tôi đã được nghe ông và cán bộ cao cấp trong Binh đoàn kể nhiều, nhưng chiến dịch Tây Ninh 1966, thì biết chưa nhiều, nên tôi hỏi:
- Thời đó, chắc quân Mỹ-ngụy còn hung dữ lắm.
Ông gật đầu: Địch rất mạnh. Chúng tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn mang tên Át-tơn-bo-rơ (Attleboro). Ở chiến dịch này, chúng huy động những đơn vị thiện chiến nhất như Sư đoàn 1, Lữ đoàn 173 dù, hai lữ đoàn của Sư đoàn 4 và Sư đoàn 25, còn gọi là Tia chớp nhiệt đới. Quân ngụy có Quân đoàn 3 và các đơn vị pháo binh, máy bay tăng cường. Mục tiêu của chúng là đánh vào chiến khu Dương Minh Châu, căn cứ Trung ương cục của ta.
Nhân dân Tây Ninh nắm cơm phục vụ bộ đội trong Chiến dịch Tây Ninh 1966. Ảnh tư liệu.
Về phía ta có Sư đoàn 9 và các đơn vị địa phương. So sánh lực lượng, chênh lệnh rất lớn. Hơn nữa, Sư đoàn 9 của chúng ta vừa trải qua nhiều tháng ngày tác chiến dọc đường 13, chặn đánh nhiều đơn vị địch, bắn rơi 8 máy bay, bắn cháy 40 xe tăng, diệt hàng trăm lính Mỹ, đánh tan tác nhiều tiểu đoàn ngụy, nhưng quân ta cũng tổn thất nhiều, quân số giảm sút. Được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Miền, chúng ta đã nhanh chóng bổ sung quân, chỉnh đội hình để bước vào chiến dịch. Phải nói rằng, Mỹ-ngụy chưa bao giờ huy động đông đảo lực lượng thiện chiến như vậy, trên trời máy bay gầm thét, giội bom, bắn rốc-két, dưới đất pháo binh bắn như đổ đạn, sau đó là xe tăng bộ binh tràn lên.
Tư lệnh ngừng kể, pha trà đặt vào tay chúng tôi mỗi người một ly. Ông là người thương cấp dưới, nhất là chiến sĩ. Bây giờ, trong đêm từ biệt đời quân ngũ, ông nói về kỷ niệm thời chiến tranh với chiến dịch lớn năm 1966, ông nói tiếp:
- Phải nói rằng, về tương quan lực lượng, quân ta ít hơn địch rất nhiều. Nhưng từ Bộ chỉ huy Sư đoàn đến người chiến sĩ cầm súng ở đơn vị cơ sở vẫn tin cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng. Niềm tin là yếu tố quan trọng trong chiến tranh, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Khi địch tiến vào Khe Du, nơi Trung đoàn 1 của sư đoàn đã giăng bẫy phục kích, ngày đầu tiên, quân ta tiêu diệt 150 tên Mỹ, bắn cháy 8 xe M113. Cùng lúc đó, Trung đoàn 2 vận động tập kích quân Mỹ ở khu vực Dầu Tiếng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, bắn cháy 5 máy bay lên thẳng, hai khẩu pháo 105mm. Các đơn vị còn lại của sư đoàn phối hợp với dân quân du kích các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu đẩy mạnh hoạt động diệt ác, phá kìm, đánh địch trên các trục lộ giao thông khiến địch lúng túng đối phó. Trung đoàn 1 tổ chức tập kích bằng hỏa lực quân Mỹ ở Tà Đạt, diệt và làm bị thương hơn 100 tên. Vậy là chúng ta đã đánh bại cuộc hành quân lớn của địch mang tên Át-tơn-bo-rơ.
Trong một đêm sau chiến dịch vài ngày, khi Sư đoàn 9 trú quân ở rừng Tây Ninh, tôi nghe một viên tướng thú nhận trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng, cuộc hành quân ấy đã khiến hơn 143 lính Mỹ thiệt mạng, hơn 1000 lính bị loại khỏi vòng chiến đấu. Cũng trong buổi phát thanh đó, đài ấy còn loan tin, ở Oa-sinh-tơn hàng vạn người đã xuống đường biểu tình đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.
Ngẫm nghĩ một lát, ông tiếp:
- Thắng lợi chiến dịch ấy đã mang tầm vóc chiến lược. Đó là thắng lợi mang ý nghĩa lâu dài, để giành thắng lợi quyết định, nó cao hơn thắng lợi chiến thuật. Có thể nói, đó là bước ngoặt đánh thắng Chiến tranh Cục bộ của Mỹ-ngụy.
Trước khi chia tay, Thiếu tướng Võ Văn Dần cho biết, gần nửa thế kỷ mặc áo lính, bây giờ ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Trở về với đời thường, ông sẽ lên rừng, là nơi chiến khu xưa, làm rẫy, sống với đồng bào dân tộc trước đây cưu mang mình. Có điều kiện, ông sẽ góp phần cùng cán bộ địa phương xây dựng trường học, bệnh xá.
Đúng như lời ông nói, hôm sau, ông đã lên rừng Phước Long trồng cây ăn trái, trồng mì, sống chan hòa giữa bản làng, coi đồng bào S’Tiêng như ruột thịt cho đến lúc từ giã cõi đời.
Nguyễn Quốc Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét