Trong hồi ký Nhìn lại: thảm họa và những bài học VN, cựu bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara thú nhận:
“Chúng tôi đã sai lầm khủng khiếp”
TT - Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara, “công trình sư” của Mỹ trong chiến tranh VN, đã qua đời ở tuổi 93 vào ngày 6-7. Trong giai đoạn 1961-1968, McNamara là người hoạch định chính sách dẫn tới việc tăng quân Mỹ tham chiến ở miền Nam VN, rồi sau đó dần biến cuộc chiến thành một trong những thất bại quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Ông McNamara (trái) gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995 tại Hà Nội, nơi ông được đại tướng giải đáp câu hỏi vì sao Mỹ thua trong chiến tranh VN - Ảnh: Getty Images |
AP dẫn lời vợ ông, bà Diana, nói ông McNamara qua đời lúc 5g30 sáng ở nhà riêng tại Washington vì tình trạng sức khỏe của ông không được tốt trong thời gian gần đây. Hầu hết các hãng tin và tờ báo lớn ở Mỹ đều dành cho McNamara những bài điếu văn trang trọng. Đặc biệt, Forbes nhìn nhận lại ông dưới góc độ một nhà kinh tế tài ba hơn là một bộ trưởng quốc phòng.
Lời trăng trối cuối cùng của ông cho vợ, theo Washington Post, là: “Không lễ tang, không tưởng niệm. Tôi rời thế gian với niềm tin rằng tôi đã được vợ, các con và bạn bè mình, những người đã mang tới cho tôi tình yêu và hạnh phúc khó sánh, ban cho phúc lành”.
“Cuộc chiến tranh của McNamara”
Ông McNamara là bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống J.Kennedy (1961-1963) và tổng thống Johnson (1964-1968) trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN, một cuộc xung đột mà hình bóng của ông đã gắn liền đến mức người ta nói rằng đó là “cuộc chiến tranh của McNamara”.
Là chủ tịch Hãng xe hơi Ford, McNamara đã được tổng thống Kennedy đưa lên đứng đầu Lầu Năm Góc vào năm 1961 và ông nắm giữ vị trí này suốt bảy năm, một kỷ lục mà không một nhân vật nào trước đó làm được kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1947.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ông là người đã cố vấn cho tổng thống Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Còn trong thời kỳ chiến tranh VN, ông là người chủ trương dùng sức mạnh quân sự để giành chiến thắng. Từ 500 quân ban đầu, Mỹ đã đưa số quân Mỹ tham chiến tại VN lên đến nửa triệu vào năm 1968. Ông là tác giả của phòng tuyến quân sự mang tên hàng rào điện tử McNamara tại VN. Ông cũng được xem là “kiến trúc sư” của chiến lược Mỹ hóa chiến tranh VN, còn gọi là chiến lược leo thang can thiệp, chiến lược chiến tranh tiêu hao, chiến tranh lùng diệt mà bản chất là “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động” để đẩy VN vào thời kỳ đồ đá, nếu người VN không đầu hàng. Dưới sự chỉ huy tác chiến của bộ trưởng quốc phòng McNamara, quân Mỹ đã thử tất cả các thứ vũ khí, có lẽ là trừ bom nguyên tử.
Là một nhà doanh nghiệp trước khi trở thành một nhà quân sự, ông McNamara đã đem cái nhìn “kỹ thuật thuần túy” vào cuộc chiến và sớm được lính Mỹ ở VN gọi là “Body Count Bob” (Robert thích đếm xác). Theo cách này, ông McNamara đặt trọng tâm vào các con số như số thương vong của quân địch, số vũ khí thu được, phần trăm dân số thuộc Mỹ và liên quân kiểm soát được. Và khi cần McNamara sẵn sàng dùng hỏa lực áp đảo, chủ yếu là không quân ném bom, để bẻ gãy ý chí chiến đấu của đối phương. Quan điểm này được ông lý giải là để “sớm kết thúc cuộc chiến”. Nhưng như lời thú nhận của ông sau này với nhà báo Mỹ Jon Swain, ông đã không đánh giá được tinh thần chiến đấu của Hà Nội, và càng ném bom nhiều thì chiến sự càng tăng lên, cuộc chiến trở thành “không có chương kết thúc”.
Là một nhân vật diều hâu, ông McNamara đã trở thành mục tiêu cho làn sóng phản chiến ngay trong lòng đất nước mình vốn cứ ngày một lan rộng khắp các thành phố Mỹ.
Rơi vào cuộc suy sụp tinh thần khi không còn tin vào hiệu quả của việc tăng quân ở VN, ông McNamara đã rời bỏ chính trường và tổng thống Johnson để chuyển sang làm tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới và dành phần đời còn lại giúp đỡ những nước đang phát triển.
Lời sám hối
Trong hồi ký Nhìn lại: thảm họa và những bài học VN được xuất bản năm 1995, ông McNamara đã thú nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”.
Trong một bài báo của Jon Swain, đăng trên tờ The Sunday Time Magazine ngày 21-3-2004, ông McNamara (lúc này 87 tuổi), đã như từ một người hiếu chiến nhất của nước Mỹ thời chiến tranh VN, nay trở thành người luôn băn khoăn về số phận hòa bình. Ông lo sợ nước Mỹ có thể phạm sai lầm ghê gớm như trong chiến tranh VN. Ông thú nhận với nhà báo Jon Swain rằng nhiều lúc ông “ghê tởm cách nước Mỹ đối xử với các dân tộc khác” và rằng nước Mỹ dùng sức mạnh, ảnh hưởng to lớn của mình theo cách thường thấy là “sai lầm và sai trái về mặt đạo đức”. Nhưng ông lại đã không dám phê phán đường lối của tổng thống George W. Bush.
Ông McNamara đã dũng cảm thừa nhận cuộc chiến tranh VN là một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc đời ông và của nước Mỹ trong thế kỷ 20. Nhưng ông lại không đủ dũng cảm để nói một lời xin lỗi VN. Mà giờ thì điều này đã muộn!
HẢI MINH - K.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét