Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Hàm Rồng - nỗi kinh hoàng của không lực Hoa Kỳ


Hàm Rồng - nỗi kinh hoàng của không lực Hoa Kỳ


Ham Rong noi kinh hoang cua khong luc Hoa Ky
"Ký ức Hàm Rồng" là chủ đề chính của chương trình tường thuật trực tiếp do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện diễn ra tối 3/4 ngay trên địa danh Hàm Rồng lịch sử. "Ký ức Hàm Rồng" sẽ tái hiện sinh động một phần trận chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đầy kỳ tích có một không hai của quân dân ta ngay trong những ngày đầu giặc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.
Cách đây vừa tròn 40 năm, chỉ trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, lưới lửa phòng không của quân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, lập nên chiến công vô cùng hiển hách. 40 năm đã qua, cầu Hàm Rồng, cây cầu thép biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giờ đây vẫn duyên dáng nối đôi bờ sông Mã cho những chuyến tàu ra Bắc vào Nam.
Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, giới quân sự Mỹ đã coi cầu Hàm Rồng là "điểm tấn công lý tưởng" nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vì vậy chỉ trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1 km2 này. Và, trận đánh trả máy bay Mỹ diễn ra trong 2 ngày ấy trở thành dấu son chói lọi trong hành trình hàng nghìn ngày chống trả không lực Hoa Kỳ của cả dân tộc Việt Nam.
Sáng 3/4/1965, bầu trời Hàm Rồng trong xanh dưới cái nắng đầu hè vàng rực. Từng đoàn xe quân sự được ngụy trang hối hả nối đuôi nhau qua cầu nhằm hướng chiến trường thẳng tiến. Đúng 13 giờ, còi báo động vang lên dồn dập, bầu trời và mặt đất trong phút chốc bỗng rung chuyển bởi hàng trăm máy bay phản lực Hoa Kỳ kéo vào oanh tạc cầu Hàm Rồng. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Mỹ đã huy động một số lượng lớn máy bay hiện đại và bom đạn có sức công phá lớn nhất vào một mục tiêu nhỏ hẹp đến như vậy. Trước đó chỉ mấy giờ đồng hồ, máy bay Mỹ đã mở cuộc tấn công ồ ạt vào cầu Đò Lèn (Hà Trung) cũng trên Quốc lộ 1A cách cầu Hàm Rồng không xa, hy vọng cắt đứt đường tiếp tế của ta trước khi đánh Hàm Rồng, thực hiện ý đồ phân tán lực lượng và cô lập Hàm Rồng để tấn công dứt điểm. Địch tưởng rằng với vũ khí hiện đại, trận phủ đầu này có thể đè bẹp sự phản kháng của chúng ta, nhưng chúng đã nhầm, những "con ma thần sấm" đã bị lưới lửa phòng không nhiều tầng nhiều lớp của quân dân vùng Đò Lèn đánh trả quyết liệt, tiêu diệt ngay 5 máy bay.
Do biết trước được âm mưu của địch, quân và dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã chủ động sẵn sàng đánh địch và bảo vệ cầu. Với thế trận hiệp đồng giữa bộ đội phòng không, dân quân tự vệ Nam Ngạn, Yên Vực, Nhà máy điện Hàm Rồng... lũ giặc trời dù bay ở tầm cao hay tầm thấp, đều không tránh được hỏa lực phòng không của ta bủa vây từ nhiều phía. Ngay ngày chiến đấu đầu tiên, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 17 máy bay phản lực của Mỹ, trong đó có cả máy bay "thần sấm" F105 lần đầu tiên xuất trận trên bầu trời miền Bắc. Cả nước hướng về Hàm Rồng mừng vui, động viên Hàm Rồng thắng lớn... Đêm đó, cả thị xã Thanh Hóa, cùng với quân dân dọc Quốc lộ 1A ở huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Quảng Xương, Tĩnh Gia đã thức trắng đêm để đào hầm hào, đắp công sự cùng với bộ đội chủ động chuẩn bị cho một ngày chiến đấu được dự báo là ác liệt hơn rất nhiều, với tinh thần tất cả để đánh thắng giặc Mỹ.
Bị thất bại nặng nề, ngày hôm sau (4/4), Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ, điên cuồng trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và vùng phụ cận. Cùng tham gia đánh máy bay Mỹ trong trận này còn có hai tàu chiến của bộ đội hải quân và các biên đội MIC 17 của không quân ta. Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các lực lượng chiến đấu đã tạo nên "trận đồ bát quái" vây chặt lũ giặc trời. Đến 17 giờ, trận chiến đấu vô cùng ác liệt đã kết thúc. Quân dân Nam Ngạn- Hàm Rồng đã bắn rơi 30 máy bay giặc Mỹ. Tổng cộng trong 2 ngày, 47 máy bay của Mỹ bị bắn hạ làm nức lòng quân dân cả nước và bè bạn trên thế giới. Nhiều đài phát thanh phương Tây bình luận: "Đây là ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ". Cầu Hàm Rồng vẫn vững vàng, hiên ngang như thách thức sức mạnh bạo tàn của giặc Mỹ. Mạch máu giao thông Bắc - Nam vẫn được giữ vững cho những đoàn quân cùng vũ khí, đạn dược hướng vào miền Nam ruột thịt.
Trong chiến thắng vang dội ngày 3 -4/4/1965 và chiến công bắn rơi 117 máy bay Mỹ sau hàng nghìn ngày đêm chiến đấu bảo vệ cầu của quân dân Nam Ngạn, Hàm Rồng, Yên Vực, có sự đóng góp to lớn của lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân địa phương. Tiêu biểu như tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của trung đội trưởng trung đội dân quân xếp dỡ Hàm Rồng Đỗ Khắc Cảu. Mặc vết thương máu loang đỏ áo, anh vẫn chỉ huy đồng đội chuyển đạn cho các chiến sĩ pháo cao xạ bắn máy bay. Nữ đội viên tự vệ Ngô Thị Dung, bất chấp máy bay giặc bổ nhào cắt bom vẫn xông lên ụ pháo, hy sinh trong tư thế đang tiếp đạn cho đồng đội. Nữ dân quân Ngô Thị Sáu, ba lần bị thương vẫn không rời trận địa cho đến lúc hy sinh... Ngoài ra, còn có nhiều người con quê hương Nam Ngạn - Hàm Rồng đã trực tiếp chiến đấu, lập công như nữ dân quân Ngô Thị Tuyển, đã vác mỗi lần hai hòm đạn pháo nặng 98 kg, băng mình trong lửa đạn để tiếp đạn cho bộ đội; Đội trưởng dân quân Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng xông pha bom đạn chỉ huy đơn vị, vừa trực tiếp chiến đấu vừa chi viện lực lượng kịp thời cho các khẩu đội phòng không và bộ đội hải quân... Góp phần vào chiến thắng Nam Ngạn - Hàm Rồng còn có hàng nghìn người dân, các cụ ông, cụ bà cao tuổi sẵn sàng làm tất cả để giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng chiến đấu. Nhà sư Đàm Xuân đã biến nhà chùa thành trạm xá cứu chữa thương binh, cùng bà con lo cơm ăn, nước uống tiếp tế cho bộ đội... Điều tuyệt vời và trở thành biểu tượng cho ý chí quyết chiến quyết thắng là trong bom đạn ác liệt nhất, quân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn vừa chiến đấu vừa tranh thủ vận chuyển hàng ngàn mét khối đá lên đồi Quyết Thắng, tạc vào vách núi 2 chữ "quyết thắng" mà cách xa hàng chục km vẫn có thể nhìn thấy...
Chiến tranh đã lùi xa, những cánh đồng dày đặc hố bom, đạn năm xưa nay đã biếc xanh một màu no đủ. Những ngôi nhà cháy đen, đổ sập được dựng lại, những nhà máy, công xưởng được dựng xây, cuộc sống đã hồi sinh từ bàn tay lao động cần cù của người dân nơi đây. Và cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã như một minh chứng hùng hồn cho ý chí quật cường của người dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung. Đến Hàm Rồng - Nam Ngạn hôm nay, du khách không chỉ tận mắt chứng kiến những chiến công hiển hách của quá khứ mà còn tận hưởng những giá trị văn hóa được tích tụ từ ngàn đời với nét văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Cao Ngọ - Ngọc Minh
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét