Ba điểm nổi bật của Khu 9 (Miền Tây Nam bộ) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) | ||
NGUYỄN VĂN LƯU
1- Cuộc nổi dậy trong năm 1959
Tại tỉnh Cà Mau: Đây là vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp, cơ sở cách mạng của ta tương đối mạnh. Từ tháng 3-1958 đến đầu năm 1959, ta diệt ác trừ gian lẻ tẻ.
Từ tháng 6-1959, bắt đầu nổi dậy ở khu thí điểm, từ tháng 7 đến tháng 9- 1959 nhịp độ nổi dậy càng tăng, càng rộng. Đã có nổi dậy ở 18 xã thuộc 3 huyện thí điểm, với hàng trăm ấp liên hoàn (huyện Cái Nước, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển).
Tỉnh Rạch Giá:
Đêm 30-10-1959, ta đánh kỳ tập chi khu Xẻo Rô, chỉ 15 phút, ta chiếm toàn bộ chi khu, diệt 20 tên, bắt sống 50 tên (trong đó có tên quận trưởng), thu 50 súng, một số tiền và vàng, mở trại giam, giải thoát hơn 100 tù nhân. Ta tuyên án xử tử tên quận trưởng ác ôn, cố ý đánh rơi sổ tay có ghi những tên ác ôn ở quận và chi khu là cơ sở của ta. Sau đó địch thanh lọc 18 tên còn lại.
Quần chúng ở 3 xã Đông Yên, Tây Yên và Đông Thái nổi dậy đánh mõ vang trời, giải tán tề, tổ chức thanh niên cộng hòa... rồi kéo về ruộng vườn cũ. Hôm sau 31-10-1959, hàng chục gia đình binh sĩ kéo tới tề xã, chi khu, đòi bồi thường sinh mạng chồng con, kêu gọi số còn sống, bỏ hàng ngũ địch, trở về nhà.
Trận đánh Xẻo Rô có tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Báo “Thế giới” (Le Monde) của Pháp đưa tin và bình luận, cho đây là sự kiện báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
2- Khu 9 (Khu 3 trong kháng chiến chống Mỹ) cương quyết đánh trả địch lấn chiếm, không rút quân về phía sau để vỗ béo con ngựa.
Trong việc thi hành Hiệp định Paris, phái đoàn Trung ương vào phổ biến, có mấy điểm nổi bật:
- Đấu tranh chính trị là chính, thực hiện lòng đỏ vỏ xanh. Nhấn mạnh hòa hợp dân tộc, thi đua hòa bình, xây dựng đất nước giữa 2 miền.
- Rút lực lượng võ trang tập trung về phía sau để luyện quân.
- 5 cấm chỉ: cấm tiến công địch; cấm đánh địch đi càn quét, lấn chiếm; cấm bắn pháo vào đồn địch; cấm bao vây đồn bót địch; cấm xây dựng xã chiến đấu.
Từ vĩ tuyến 17 cho đến Trung ương cục và khu 8 (tức Khu 2 trong kháng chiến chống Mỹ - tức các tỉnh trung Nam Bộ) đều chấp hành nghiêm chỉnh những điểm này.
Ở Khu 3 (Tây Nam Bộ) đúng ngày 28-1-1973 ngày Hiệp định có hiệu lực, đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) đến cơ quan Thành ủy Cần Thơ, hiểu thêm tình hình, rồi qua xã Vĩnh Hòa Hưng (huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá) nơi có một đơn vị trung đoàn chủ lực của khu đóng.
Qua hai ngày, nằm tại đơn vị, chứng kiến địch vi phạm Hiệp định Paris, trở về văn phòng họp Thường vụ Khu ủy bất thường và sau đó mở hội nghị Khu ủy mở rộng (các tỉnh và quân khu dự) nhất trí kiên quyết đánh địch lấn chiếm lấn đất giành dân. Bỏ đất, bỏ dân là mất hết, là có tội với Đảng, với nhân dân.
Khu ủy và Quân khu ủy báo cáo về Trung ương cục và Bộ chỉ huy Miền, xin không rút 2 trung đoàn về phía sau, mà giữ thế đã bố trí trận địa và xin được huấn luyện tại chỗ.
Khu ủy báo cáo với Trung ương cục và Bộ Chính trị Trung ương Đảng, chủ trương của Ban Thường vụ Khu ủy trong đó nói rõ: Nếu không chống bình định lấn chiếm, thì không còn đất để ở, mất đất, mất dân thì không còn gì cả. Đề nghị cho Khu 3 tiếp tục thực hiện chủ trương đã đề ra và xin chịu trách nhiệm trước Đảng bộ Miền Tây, trước Trung ương Cục và Trung ương Đảng.
Trước ngày ký Hiệp định, bọn chỉ huy vùng 4 chiến thuật đã tỏ thái độ hung hăng. Chúng tuyên bố: “Tiếp tục đẩy mạnh bình định, giành chủ động trên khắp lãnh thổ, không cho Cộng sản chiếm một nơi nào”. Trong một tuần lễ, kể từ ngày 11-1-1973, quân đoàn 4 ngụy liên tiếp mở các cuộc càn quét cấp sư đoàn và tiểu khu, chủ yếu đánh vào Chương Thiện.
Trước ngày lệnh ngưng bắn có hiệu lực, Mỹ còn cho 27 lượt máy bay B52 ném bom rải thảm suốt 1 ngày, 1 đêm, hủy diệt ấp Ông Vèo (xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, Rạch Giá).
Khi Hiệp định Paris có hiệu lực (28-01-1973) Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Không thi hành Hiệp định Paris, không hòa binh; chống hòa hợp với Cộng sản”. Thiệu ra lệnh cho quân đội cứ đánh tới, lấn đất giành dân “cắm cờ cùng khắp, tràn ngập lãnh thổ”. Thiệu hò hét: “Nếu Việt Cộng dùng súng lục, thì quốc gia trả lời bằng súng cối, súng đại bác”.
Ngày 28-1-1973, Tỉnh ủy Cần Thơ phối hợp với Thành ủy Cần Thơ huy động 36.000 quần chúng (thành phố có 10.000 người) xuống đường chào mừng Hiệp định Paris, chào mừng hòa bình. Bọn cầm đầu vùng 4 chiến thuật hạ lệnh cho quân lính của chúng thẳng tay đàn áp. Tiếp đó, chúng xua quân “vàng đồng” từ Vòng Cung ra Châu Thành A, xuống Phụng Hiệp “tràn ngập lãnh thổ” cắm cờ lấn đất.
Ngày 30-1-1973, địch cho pháo bắn liên hồi 38.000 quả vào ấp Cái Nai (xã Long Trị, huyện Long Mỹ, Cần Thơ) và cho quân đi đốt mấy chục ngàn giạ lúa của dân xã Lương Phú (Châu Hà).
Ngày 2-2-1973, Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật và quân đoàn 4 triệu tập các sĩ quan chủ chốt và các tỉnh trưởng để phổ biến ý kiến của Nguyễn Văn Thiệu về Hiệp định Paris và tuyên bố “Trên hòa bình, dưới chiến tranh” xử bắn người nào hô hòa bình, xử bắn lính bỏ trốn, bỏ tù người trong gia đình có con bỏ trốn; buộc các nhà dân phải treo cờ 3 sọc trước nhà, trên ghe xuồng, mái nhà cũng phải sơn cờ 3 sọc.
Chúng ra lệnh cho tỉnh, quận và đơn vị trực thuộc thực hiện “3 ngăn” (ngăn quần chúng nổi dậy, ngăn ngụy quyền sụp đổ, ngăn ngụy quân tan rã) và phải giành lại những phần đất đã mất sau ngày 26-1-1973.
Với số quân ồ ạt, tràn ngập lãnh thổ, trong một thời gian ngắn, địch chiếm 78 đồn, 105 chốt dã ngoại, bắt dân treo cờ “3 sọc” rồi mời Ủy ban quốc tế đến xem và xác nhận cho chúng.
Có thể nói, trước, trong và sau Hiệp định Paris được ký kết, địch luôn tìm cách chống và tiến đánh ta. Chúng dùng cả một kế hoạch quy mô bình định, lấn chiếm vùng giải phóng, nội dung như sau:
- Chuẩn bị kế hoạch khôi phục kinh tế dài hạn nhất là nông nghiệp và kêu gọi đầu tư công nghiệp. Củng cố ngụy quân, ngụy quyền, giảm dần quân số thực hiện từng bước hiện đại hóa ngụy quân.
- Kế hoạch chia làm 2 thời kỳ:
+ Từ 1-3-1973 đến 30-8-1973, lấn chiếm xong những vùng quan trọng nhất.
+ Từ 1-9-1973 đến tháng 1-1974, củng cố và phát triển những kết quả đạt được, tiếp tục bình định những nơi năm 1973 chưa làm được. Chuẩn bị cho kế hoạch kinh tế rộng lớn năm 1974.
Để thực hiện kế hoạch này, bọn chỉ huy vùng 4 chiến thuật chia làm 3 bước:
+ Bước 1: Từ tháng 3 đến tháng 5-1973 tập trung lực lượng bình định tái chiếm cho được vùng Chương Thiện.
+ Bước 2: Từ tháng 6 đến tháng 9-1973 thực hiện đánh chiếm U Minh.
+ Bước 3: Từ tháng 10 đến tháng 11-1973 bình định vùng Nam Cà Mau, cố gắng giữ và củng cố những nơi đã chiếm được.
Trước khi Hiệp định Paris được ký kết, từ ngày 23 đến 27-1-1973, Khu ủy đề ra kế hoạch thời cơ. Quân khu giao nhiệm vụ cho tất cả các đơn vị võ trang nổ súng tiến công đều khắp toàn khu bao vây trên 1.000 đồn bót, tiêu diệt khoảng 100 đồn mở rộng thêm vùng giải phóng. Ta mở thêm vùng làm chủ thuộc huyện Giồng Riềng (Rạch Giá) giải phóng 3 xã ở huyện Tịnh Biên (Châu Hà), nơi liên vùng làm chủ tới Bảy Núi (giáp biên giới Campuchia).
Ngày 28-1-1973, lệnh ngừng bắn đều có hiệu lực, ta ngưng tiếng súng và dừng chân tại chỗ.
Trên 400 đồn địch giữ thái độ “trung lập án binh bất động” cấp chỉ huy tiểu đoàn 1 (thuộc Trung đoàn 31, sư đoàn 21) đến gặp chỉ huy một tiểu đoàn chủ lực của ta; ta giải thích cho họ hiểu về Hiệp định và để cho họ về.
Ở Miền Tây, đầu tháng 5-1973 nhiều đoàn cán bộ của Khu: Thanh niên Khu, Binh vận khu, Phòng Chính trị Quân khu 3 đi họp ở Miền về, điện báo cáo với Thường vụ Khu ủy, ngoài “5 cấm chỉ” ý kiến của Trung ương cục là cán bộ trên đường về địa phương, cần ghé lại các tỉnh trên đường đi qua yêu cầu triển khai ngay theo hệ thống dọc, sau đó mới về báo cáo Khu ủy.
Được tin, Khu ủy, một mặt điện cho Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, các đoàn đi dự hội nghị ở Miền về phải báo cáo với Thường vụ Khu ủy để có kế hoạch phát triển các nơi.
Qua báo cáo của Thường vụ Khu ủy T3, Bộ chính trị thấy tình hình diễn biến phức tạp, nên có điện mời đồng chí Võ Văn Kiệt, tìm con đường nhanh nhất để ra kịp dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 21 và phản ảnh thực tế chiến trường (cũng có mời nhiều đoàn ở các chiến trường khác).
Trong khi đó, Thường trực Trung ương cục và Quân ủy Miền cho là Khu ủy T3 chưa thông chủ trương mới, đề nghị cử ngay một đồng chí trong Thường vụ Khu ủy đến gặp Trung ương cục. Thường vụ Khu ủy T3 cử đồng chí Phan Ngọc Sến ( Mười Kỹ) ủy viên Thường vụ, đi báo cáo với Thường trực Trung ương cục.
Trên đường đi gặp đồng chí Phạm Hùng, bí thư Trung ương cục, đồng chí Phan Ngọc Sến sơ bộ báo cáo ý kiến của Khu ủy Miền Tây. Đồng chí Phạm Hùng có ý kiến: Gặp Thường trực Trung ương cục, nếu nhất trí thì về cứ như thế thi hành, nếu không thì đợi đồng chí về.
Đồng chí Phan Ngọc Sến báo cáo tình hình và đề nghị của Khu ủy Khu 3, Phó Bí thư Thường trực Trung ương cục, chẳng những không đồng ý, mà còn nhấn mạnh phải nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến của cấp trên, dùng đấu tranh chính trị làm chính.
Vì vậy, đồng chí Phan Ngọc Sến phải ở lại chờ đồng chí Phạm Hùng trở về. Làm việc tại cơ quan Trung ương cục, đồng chí Phạm Hùng và Thường vụ Trung ương cục chấp nhận đề nghị của Khu ủy T3 .
Được sự chấp thuận của Trung ương cục, lãnh đạo và toàn Đảng bộ Khu Tây Nam bộ vô cùng phấn khởi, càng vững tâm và kiên quyết giáng trả địch vi phạm Hiệp định.
|
Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012
Ba điểm nổi bật của Khu 9 (Miền Tây Nam bộ) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét