Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng chục vạn con em đồng bào các dân tộc sống trên Trường Sơn tự nguyện tham gia vào đội quân gùi hàng vận chuyển đạn dược, lương thực trên tuyến đường Trường Sơn vào chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong số đó, có một người con K’tu anh hùng, mặc dù đôi mắt bị mù, vẫn tham gia gùi vận chuyển hàng trăm tấn đạn dược và lương thực. Đó chính là Alăng Bhuốch (sinh năm 1931, ở thôn Aruung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam).
Chúng tôi tìm về thôn Aruung để “mục sở thị” một người mù mà có thể vượt Trường Sơn gùi thành công hàng ngàn chuyến hàng, như ông Bí thư Huyện ủy Tây Giang Nguyễn Hữu Sáng nói: “Nếu không gặp Alăng Bhuốch thì không thể tin những việc ông làm là việc một người mù có thể làm được!”…
Đứa con của bóng đêm
Sinh ra trong một gia đình K’tu nghèo giữa đại ngàn Trường Sơn khắc nghiệt. Từ thuở lên ba, Alăng Bhuốch đã phải sống trong sự ác liệt chiến tranh và sự khốn cùng của cuộc sống giữa đại ngàn. Cha mất sớm, từ nhỏ, Alăng Bhuốch đã phải tự lăn lộn để kiếm cái ăn từ rừng thẳm.
Năm 10 tuổi, Alăng Bhuốch bị mù đôi mắt sau một cơn đau mắt. Bắt đầu từ đó, Alăng Bhuốch không thể vào rẫy, không thể đi bẫy con thú, trở thành “đứa con của bóng đêm”.
|
Alăng Bhuốch đang chơi đàn Tbre - nhạc cụ cổ truyền của người K’tu.
|
Khi mới bị mù, mọi sinh hoạt hằng ngày Alăng Bhuốch đều phải nhờ bàn tay mẹ. Cảm thấy được sự khổ cực trên đôi vai của mẹ, Alăng Bhuốch tập tành làm một số việc trong nhà. Bắt đầu từ chiếc gậy tầm vông, Alăng Bhuốch tập dò đường đi lại quanh xóm rồi tiếp đến là theo mẹ lên nương rẫy. Đi mãi thành quen, Alăng Bhuốch đã tự đi lên nương rẫy, rồi tự đi bẫy con thú rừng.
Chính đại ngàn Trường Sơn đã tạo nên một Alăng Bhuốch với đôi chân như sóc, đôi tay như khỉ và vóc dáng như một con gấu khỏe mạnh. Cho đến một ngày, Alăng Bhuốch bẫy được một con thú mang về trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Thế rồi, tiếng súng của giặc nổ khắp làng. Củ khoai, củ sắn bị giặc cướp. Nhà bị giặc đốt. Không nhìn thấy mặt giặc ác nhưng Alăng Bhuốch mường tượng được sự tàn bạo của giặc và trong lòng dâng lên lòng thù hận. Giận lắm, muốn dùng cung nỏ để bắn chết những tên giặc nhưng đành bất lực.
Đến khi nghe bộ đội Cụ Hồ kêu gọi đồng bào K’tu tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc, Alăng Bhuốch xung phong đăng ký làm dân công. “Cả bộ đội và người làng bảo Trường Sơn dốc cao, vực sâu người sáng mắt còn chưa làm được huống gì người mù như tôi nhưng tôi kiên quyết bảo tôi làm được và họ đồng ý” - Alăng Bhuốch tâm sự.
Làm được như người sáng mắt
Năm 1958, từ xã A Vương, huyện Hiên (nay là huyện Tây Giang, Quảng Nam - PV), ông bắt đầu tham gia vận chuyển hàng hóa, lương thực và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Gùi trên lưng, gậy trên tay, Alăng Bhuốch cùng hàng ngàn dân công các xã A Vương, A Nông, Bađun, C’ghiêr, Ca Nung và xã Ba, xã Tư... vượt những con dốc cao như Apác, đèo Coong Zờng, qua sông Lăng, dốc Ch’zách, Ch’rếch rồi lên tới dốc núi Tr’hy trên dãy Trường Sơn để vận chuyển lương thực, đạn dược từ kho A Zứt (xã A Vương) lên các xã vùng cao, thuộc các điểm như Aroch, A Bí (xã A Tiêng), Voòng, P’dâm (xã Tr’hy)... Mỗi gùi hàng nặng 50 đến 60 kg, nặng hơn trọng lượng cơ thể mình, nhưng Alăng Bhuốch đã miệt mài gùi từ ngày này qua năm khác để chi viện cho bộ đội.
Từ năm 1963 đến 1966, Alăng Bhuốch bắt đầu gùi vũ khí, súng đạn về các điểm tập kết. Xuất phát từ điểm trực Arót, xã A Nông đi điểm trực Crơvch, xã Tiêng (nay là xã Lăng, huyện Tây Giang) trong vòng 12-13 tháng liên tục. Từ điểm trực Trung Mang, xã Ba (huyện Đông Giang ngày nay-PV) vận chuyển hàng đến Tơ Mơh, trạm Aréec thuộc các xã Canung, A Vương, Cghiên trong khoảng 12 tháng.
Năm 1967, Alăng Bhuốch được điều động về kho 13 gần Rbượp, đây là kho vũ khí được gùi chuyển về trạm trực Kađắp, A Xanh. Tham gia gùi lương thực từ Rbượp qua Kala, Katiếc tới Apăng trong vòng 7 tháng.
Đến năm 1967, Alăng Bhuốch được bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh Đội Quảng Đà, điểm trực là kho 31 tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl - ranh giới giữa Hiên và A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Từ hang Khỉ chia thành nhiều hướng đường vận chuyển: kho 31 đi đến trạm trực Arớt, từ Azớt đến Z’rượt và tiếp theo đến Crơreh; từ kho 31 (A Lưới) đến trạm Tarêêl, đến trạm trực Tacoo rồi đến Azơơl; từ kho 31 đến trạm trực Panonh vận chuyển đến trạm trực Tr’lêê và từ Tr’lêê đến trạm trực Crơreh... Ngần ấy thời gian, chưa một lần Alăng Bhuốch làm mất hoặc ướt lương thực, đạn dược.
Có thời điểm như năm Mậu Thân 1968, năm giặc Mỹ dùng B52 và bom Napan để đốt dãy Trường Sơn, Alăng Bhuốch gùi vũ khí liên tục cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng. Có lúc, Alăng Bhuốch gùi đến 2 đầu đạn A12 với trọng lượng hơn 100kg. Năm ấy, Alăng Bhuốch được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và được đi báo cáo điển hình tại các đơn vị quân đội.
“Ông trời đã lấy của tôi đôi mắt, nhưng bù lại cho thêm tôi đôi tai tinh như con thú rừng. Tôi có thể làm bất cứ gì mà người sáng mắt làm được. Thậm chí, khi tôi được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua và được đi báo cáo điển hình, già làng đã nêu tên mình trong những câu chuyện kể cùng con cháu như một tấm gương làm cái bụng mình vui lắm”- Alăng Bhuốch lơ lớ tiếng Kinh.
Nếu tính bình quân mỗi ngày đêm gùi khoảng 50kg thì trong vòng 14 năm (1958-1972), Alăng Bhuốch gùi khoảng 182.000kg hàng các loại, trong đó vũ khí, súng đạn là 120.000kg, lương thực 62.000kg. Alăng Bhuốch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Một tấm gương sáng
Không những “anh hùng” trong việc vượt Trường Sơn tải đạn, Alăng Bhuốch còn là người anh hùng của dân làng K’tu trong thời bình. Sau giải phóng, Alăng Bhuốch trở về lại với bản. Alăng Bhuốch lại làm việc như mọi người bình thường trong làng, thậm chí làm cả những việc mà không phải ai cũng làm được như cất dựng nhà sàn, chơi đàn Abel, Tbre...
Nói về bố mình, Alăng Núi, con trai Alăng Bhuốch, tâm sự: “Từ nhỏ mình được bố dẫn đi rẫy, dạy cách bẫy thú rừng, chọn cây gỗ tốt… Bố còn dạy mình cách dựng nhà, chơi đàn, đan lát. Thậm chí, bố chỉ cần nghe là biết ở gần có con thú gì, con rắn gì”.
Ông Nguyễn Hữu Sáng – Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết: “Alăng Bhuốch là một người K’tu có tấm lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, có cái đầu thông minh, đôi tai cái mũi thính như thú rừng. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu không chỉ trong kháng chiến mà cả trong thời bình. Ông là người khuyết tật (mắt mù) nhưng đã làm được những việc phi thường. Nhận thấy những cống hiến to lớn của ông với cách mạng, chúng tôi đã làm đơn gửi lên Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông”.
Nguyên Khôi
Bài 7: 365 ngày ở Binh trạm 33 |
|
“Lằn ranh sống - chết dường như mong manh vô cùng. Giấc ngủ luôn phải chập chờn vì bom đạn và máy bay địch quần thảo; những tiếng bước chân hối hả; lời ca, tiếng hát vang lên sau đợt ném bom của địch…”, 365 ngày giữ nhiệm vụ Chính ủy Binh trạm 33 (từ tháng 10-1967 đến tháng 10-1968), với tôi là những ngày tháng không thể quên…”.
Bên tách trà trong căn nhà nhỏ ấm cúng ở đường Phan Văn Trị phường 10 quận Gò Vấp, đại tá Nguyễn Linh Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh 559, nguyên Tư lệnh phó Binh đoàn 12 mở đầu câu chuyện với chúng tôi về 1 năm ở Binh trạm 33 trong quãng thời gian 10 năm ông sống và chiến đấu ở Trường Sơn.
Bám địch, bám trọng điểm, bám xe
|
Đường Tây Trường Sơn. Ảnh: MINH TRƯỜNG
|
Mùa khô 1967 – 1968, chiến tranh ngày càng khốc liệt, sự chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng tăng, cả về binh lực và vũ khí, kỹ thuật.
Binh trạm 33 nằm ở vị trí “yết hầu” trên toàn tuyến. Trên địa bàn binh trạm có những trọng điểm ác liệt như đường số 9 – đèo Tha Mé – Sađi – La Hạp, cung Cù Lục - Khe Sanh…
Như các binh trạm, nhiệm vụ của Binh trạm 33 là tổ chức tốt việc đưa đón bộ đội và binh khí kỹ thuật vào ra an toàn.
Ở Đoàn 559, tổ chức biên chế binh trạm tương đương cấp trung đoàn, nhưng quân số, lực lượng có khi tương đương 1 sư đoàn. Riêng Binh trạm 33, ngoài binh trạm bộ với đủ các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, còn có 1 tiểu đoàn giao liên, 2 tiểu đoàn xe, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội kho, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội cơ giới để dẫn xe với tổng số từ 2.000 – 2.500 sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ.
Trên địa bàn Binh trạm 33 có 2 trục đường chính. Trục thứ nhất, quãng đường 128 từ khu vực kho K1 (đường số 9) qua sông Sê băng hiêng, vượt đèo Tha Mé đi vào ngã ba Sađi – Mường Noọng đến La Hạp của Lào do Tiểu đoàn công binh 35 phụ trách. Trục thứ hai từ kho K1 (đường số 9) chạy theo đường số 9 về hướng Đông, qua Sê Pôn – Thà Khống đến Bản Đông trên đường số 9, do Tiểu đoàn công binh 41 phụ trách.
Các đơn vị công binh nói trên, ngoài nhiệm vụ mở đường, làm đường, sửa đường, giữ đường đảm bảo giao thông cho tuyến đường trên địa bàn, còn là lực lượng tại chỗ đánh máy bay thấp, truy lùng biệt kích, thám báo, cấp cứu người và xe. Hỗ trợ họ chỉ có các đơn vị thanh niên xung phong, phần lớn là nữ…
Đó là công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn gian khổ, bởi ngoài việc hàng ngày, hàng giờ trực tiếp đối mặt với những trận mưa bom của kẻ thù trút xuống, họ còn phải chiến đấu với mưa lũ Trường Sơn và sốt rét rừng… Thế nhưng từ trong gian khó ấy, họ đã lập công và trưởng thành.
Đại đội 4 công binh của binh trạm là nơi sản sinh ra phong trào “ba bám, bốn nhanh” - bám trọng điểm, bám địch, bám xe và trinh sát nhanh, hạ quyết tâm nhanh, cơ động nhanh, khắc phục nhanh - sau này cũng trở thành phong trào thi đua của toàn lực lượng công binh Trường Sơn.
Tọa độ lửa
Chính vì vị trí chiến lược của Binh trạm 33 nên nơi này cũng trở thành mục tiêu trọng điểm bắn phá của kẻ địch. Cuối tháng 2-1968, địch tổ chức một đợt bắn phá dữ dội hơn 10 ngày đêm khu vực của Binh trạm 33, trọng điểm là phía Nam đồi Tha Mé, nơi có sở chỉ huy, xe và kho của binh trạm.
Những ngày ấy, trên đầu luôn có tiếng máy bay địch gầm rú, B52 trút bom từng đợt, từng đợt như vãi trấu. Một đợt ném bom rải thảm của một tốp 3 chiếc B52 có sức tàn phá bằng một trận oanh tạc của 30 đến 40 máy bay phản lực ném bom.
Mỗi ngày có 2 đợt, cao điểm có ngày đến 4 đợt B52 thả bom xuống khu vực quanh binh trạm. Ngay trong đợt ném bom đầu tiên, máy bay địch đã ném trúng vào căn cứ của Đại đội 1 và tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 35 công binh.
Tôi nhớ lúc ấy khoảng 15 giờ, tin dữ liên tục dội về khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Đồng chí tiểu đoàn trưởng và nhiều chiến sĩ Tiểu đoàn 35 bị thương; một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 đang hành quân qua cũng dính bom khiến 4 chiến sĩ hy sinh, 5 chiến sĩ khác bị thương, 2 khẩu pháo bị hỏng. Một khu kho chứa đạn cũng trúng bom, trưởng kho, phó kho hy sinh, một nữ y tá cũng bị thương, còn một nữ chiến sĩ thông tin khác thì hy sinh khi đang làm nhiệm vụ nối đường dây điện thoại…
Suốt gần nửa tháng liền sau đó, chúng tôi huy động lực lượng cả binh trạm vào cứu kho, cấp cứu điều trị cho anh em bị thương, chôn cất những chiếc sĩ hy sinh, di chuyển địa điểm, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của binh trạm… Đó là thời gian mà sự sống và cái chết với chúng tôi là những lằn ranh mong manh vô cùng.
Giữa lằn ranh sống - chết
Mục đích ném bom của địch là phá hoại, cắt đứt các con đường giao thông liên lạc, “mạch máu” vận chuyển quân lực, vũ khí, khí tài, lương thực của ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Do vậy, trên đường Trường Sơn, chúng có thể ném bom bất kỳ lúc nào, bất kỳ loại bom gì chúng có trên chiến trường.
Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ ở binh trạm những ngày tháng đó lúc nào cũng căng như dây đàn. Cả ngày lẫn đêm, tất cả các đơn vị công binh và TNXP đều huy động hết lực lượng ra mặt đường để phá bom, san đường, thông xe, với khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Đường vừa thông thì máy bay địch lại đến trút bom phá hoại, hàng trăm hàng ngàn quả bom các loại, từ bom na-pan, bom hóa học, phát quang, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi… đã ném xuống mặt đường.
Trong đó, bom nổ chậm và bom từ trường vùi sâu trong lòng đất, luôn rình rập gieo tai họa. Không những thế, chúng còn rải đủ các loại mìn: mìn cóc, mìn vướng, mìn lá... để ngăn chặn không cho bộ đội ta sửa đường, phá bom nổ chậm.
Khi địch đánh phá, oanh tạc, các ca kíp trực cả ngày lẫn đêm của các đơn vị đã phát hiện được vị trí và số lượng bom rơi, đánh dấu trên bản đồ… Khói bom chưa tan, từ trong các khe núi, góc rừng, máy ủi máy xúc và trên xe là các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong tiến ra trọng điểm địch vừa bắn phá để sửa đường, thông xe.
Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của công binh và TNXP ngày ấy đáng được ghi vào sử sách. Ở nhiều cua đường hiểm trở, một bên là vách núi một bên là vực sâu mà bị bom đánh đứt đường, không có mìn để phá núi làm đường thì công binh và TNXP dùng gỗ, dùng cây bắc tạm những chiếc cầu nhỏ để xe vừa bám vào cầu vừa tì vào vách núi đi qua.
Để giảm trọng tải xe, nhiều khi TNXP phải bốc dỡ hàng xuống, cho xe lần lượt đi qua rồi lại bốc hàng lên, trong khi trên đầu máy bay địch vẫn quần đảo và có thể dội bom bất kỳ lúc nào. Những chiến sĩ TNXP khoác vải dù trắng đứng bên bờ vực, hoặc hai bên ngầm để làm cọc tiêu cho xe lăn bánh đúng đường… bất chấp máy bay địch bắn rốc-két hoặc ném bom.
Có nhiều người đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ “cọc tiêu sống” như vậy.
Trong những ngày ấy, ở giữa lằn ranh sống chết, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 33 cùng với các đơn vị trên đường Trường Sơn vẫn lạc quan, yêu đời và hết mình vì nhiệm vụ…
Đại tá Nguyễn Linh Anh Nguyên Chính ủy Binh trạm 33 kể Hồng Hiệp ghi
Bài 8: Chuyện ở một đội điều trị |
|
Câu chuyện của đồng chí Lê Văn Đính, Đội trưởng Đội Điều trị 14 và đồng chí Tạ Lưu, Đội phó Đội Điều trị 14 (Binh Trạm 12 thuộc Quân y Bộ Tư lệnh Trường Sơn) sẽ cho thế hệ sau này cái nhìn rõ hơn vì sao đội quân chân đất lại chiến thắng một cường quốc to lớn. Những sự việc mà họ gặp phải trên đường Trường Sơn cho thấy không chỉ có bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mới đối mặt với hiểm nguy mà ngay cả những y bác sĩ chuyên cứu người cũng có thể đổ máu, hy sinh như những người lính chiến...
Nơi cuối cùng cuộc sống
Ở giai đoạn 1968-1970, Bộ tư lệnh 559 lúc này có 4 cục trực thuộc là Cục Công binh, Cục Vận tải, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và Bộ Tham mưu. Có 25 binh trạm và 23 trung đoàn trực thuộc.
Dưới 25 binh trạm và 23 trung đoàn này là các tiểu đoàn và 19 đội điều trị quân y cùng 4 bệnh viện. Trong số các đội điều trị, Đội Điều trị 14 là đơn vị chịu nhiều tổn thất nhất bởi sự ác liệt của chiến trường…
|
Mùa khô 1969. Khu vực Bãi Dinh, Cổng Trời, Mụ Giạ trên đất Việt Nam kéo dài sang Ba Na Phào, Na Tông (Lào) bị pháo đài bay B52 đánh phá ác liệt gây cho ta nhiều tổn thất.
Riêng với các đơn vị thuộc Binh Trạm 12, việc chuyển thi hài liệt sĩ về nghĩa trang thì quá xa, lại trắc trở do cầu đường bị tàn phá. Vì thế rất nhiều cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ trong Đội điều trị 14 chúng tôi đã viết đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ mai táng liệt sĩ ngay tại Bãi Dinh.
Nhận được tâm thư, thủ trưởng Binh Trạm 12 rất xúc động và sau khi đắn đo, đã cử đồng chí Nguyễn Văn Phô, nguyên là lái xe mất sức (đúng ra phải về miền Bắc an dưỡng nhưng đồng chí Phô tình nguyện phục vụ chiến trường) đến lo việc này.
Thế là ngày ngày, Phô tranh thủ đào huyệt, đóng áo quan, làm các bia mộ, lập sổ sách lưu giữ kỷ vật của những người ngã xuống, vẽ sơ đồ mộ chí… Lúc đầu liệt sĩ ít, Phô làm theo quy trình: nhận dạng, lập biên bản, lau rửa, vệ sinh xác, khâm liệm vào áo quan, hạ huyệt, đắp mộ, chôn cột bia…
Tuy nhiên do cuộc chiến ngày càng ác liệt, bom pháo còn làm nghĩa trang bị “vạ lây” nên mỗi khi giặc ngừng đánh phá, Phô lại nhặt nhạnh số thi thể bị xới lên, chôn cất lại theo quy trình. Có những xác bị bốc mùi, Phô cẩn thận sát trùng bằng cồn các phần lượm lặt được rồi mới chôn lại. Gặp những mộ phần bị bom cày nát, anh vẫn đắp “mộ gió” và thắp hương tưởng niệm đều đặn. Hình ảnh Phô ngồi buồn bã bên những ngôi “mộ gió”, mấy ai trong đội có thể quên?
Tiếc thương đồng đội
Mưa ở Tây Trường Sơn (trên đất Lào) làm hầu hết con đường bị ngập sâu, lầy lội. Cộng với việc đánh phá ngày đêm của giặc nên cát, bùn, đá hộc trôi, cây rừng ngã… làm bộ đội ta di chuyển vô cùng khó khăn. Ấy vậy nên đội đã cử những y tá, bác sĩ giỏi di chuyển đến tận nơi có thương binh, bệnh binh để điều trị, nhất là căn bệnh sốt rét ác tính, bệnh đường ruột, tai nạn lao động.
Ở Đội Điều trị 14, ai cũng nhớ đoàn viên - bác sĩ trẻ tên Dũng trong đơn vị. Anh từng xung phong chạy giữa mưa bom để cứu sống một nữ thanh niên xung phong tên Quỳ, Bí thư Đoàn TNCS “Đội Thanh niên xung phong 79”. Sau đó vì mang ơn anh, nể phục lòng can đảm của bác sĩ Dũng, Quỳ đã yêu anh. Chuyện tình của họ đẹp như một bức tranh giữa đại ngàn Trường Sơn, trong vòng vây lửa đạn, giữa lằn ranh-sống chết!
Mùa mưa năm ấy, sau hai mùa mưa bám sát các trọng điểm, kịp thời cứu sống nhiều bộ đội và cả nhân dân địa phương, bác sĩ Dũng và y tá Cư được cử bám sát lực lượng ta vượt đường 12. Vừa lên đến điểm cao, một loạt bom đã giết chết y tá Cư, còn Dũng thì bị thủng tạng.
Không may, cơ sở của nhóm phẫu thuật cũng trúng bom và các y tá còn sống cũng chỉ sơ cứu được vài người bị thương nhẹ. Riêng trường hợp Dũng, họ phải điện gấp về đội xin chi viện. Do đường sá quá khó khăn, khi đội tới nơi thì Dũng vừa trút hơi thở cuối cùng.
Anh hy sinh để lại tiếc thương cho rất nhiều người được anh cứu sống, trong đó có Quỳ!
Hiến cả máu của mình
Một đêm, chúng tôi đang ngủ ngon thì điện thoại reo gấp gáp. Đầu dây bên kia có một giọng xa lạ, hổn hển: “Đề nghị đội mổ gấp ca rách bụng đã bị viêm phúc mạc”. Chúng tôi hỏi lại: “Tại sao các đồng chí không chuyển ra ngoài này?”, đầu kia cho biết: “Rất nặng, chuyển sẽ chết dọc đường. Hơn nữa trời sắp sáng, không thể chuyển thương binh bằng ô tô, địch sẽ phát hiện”. Bỏ ống điện thoại ra, chúng tôi ray rứt phân tích: “Để cứu một người, bảy tám người trong đội có thể hy sinh?” Thế nhưng vì sự sống của đồng đội, vì lương tâm thầy thuốc, chúng tôi nắm chặt tay nhau, cắn răng lên đường. Nghe Đội báo cáo, Binh trạm trưởng Binh trạm 12 lập tức chỉ thị cho pháo ở các trọng điểm sẵn sàng nổ súng bảo vệ đoàn y bác sĩ.
Đến 16 giờ chiều, kíp mổ đến nơi, ai cũng mệt và đói khát nhưng vừa đọc qua bệnh án, chúng tôi quyết định gây mê ngay do bệnh nhân đã vỡ lá lách, chảy máu trong phía sườn trái. Sau khi hút dịch, truyền 600ml máu tươi và thuốc trợ sức, trợ tim, các y bác sĩ đã đưa huyết áp của bệnh nhân lên mức cho phép và đặt nội khí quản, tiến hành mổ. Bàn tay khéo léo của những chiến sĩ quân y vừa gỡ dính, vừa khâu các lỗ thủng, vừa cắt bỏ các bộ phận hư rồi khâu thành bụng cho thương binh tên Khán…
Vậy mà chưa kịp cởi áo mổ và tháo khẩu trang ra, y tá lại hớt hải chạy vào báo có thương binh vỡ bụng. Các y bác sĩ chỉ kịp dùng xà phòng sát khuẩn ngay dụng cụ vừa sử dụng, gây mê rồi khâu gan và mấy lỗ thủng cho bệnh nhân mới.
Những tưởng đã xong, ngờ đâu lại một thương binh bị mảnh bom găm vào ống chân phải. Vậy là kíp mổ lại phải phẫu thuật đục từng mẩu xương để tháo mảnh bom ra và mảnh bom ấy sau này được trao cho anh thương binh để… làm kỷ niệm.
…Trở lại với Khán sau ca mổ, chúng tôi tưởng như tuyệt vọng bởi anh mất quá nhiều máu. Cuối cùng, tất cả những ai có cùng nhóm máu, kể cả bác sĩ, đều hiến để cứu sống Khán. Nhìn Khán mấp máy môi cười, chúng tôi hạnh phúc vô bờ!
Hồi ức của đồng chí Lê Văn Đính và Tạ Lưu, MINH ANH ghi
Bài 9: Người mở đường máu trên sông Bến Hải |
|
Ngày ấy, bom đạn của Mỹ trút xuống dòng Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị) như vãi trấu, nhằm ngăn chặn đường vận chuyển bộ đội vào chiến trường. Bom từ trường, mìn hẹn giờ nằm dưới đáy sông đã gây tổn thất không ít cho lực lượng vận chuyển qua khu vực này. Không thể ngồi nhìn đồng đội thương vong qua mỗi lần vận chuyển bộ đội vượt sông, những dân quân du kích trực chiến ở đây đã có “sáng kiến” lấy thân mình làm mồi dẫn dụ, kích nổ bom từ trường, để mở thông đường vận chuyển an toàn cho bộ đội. Biết họ đang làm nhiệm vụ cảm tử, trước mỗi khi lên đường, đồng đội đều làm lễ truy điệu sống cho họ...
Hai chiến sĩ dân quân được truy điệu sống ấy là Nguyễn Văn Đồng (67 tuổi), hiện ở tại thôn Cát Sơn, xã Trung Giang vàø Lê Văn Trọng (73 tuổi) ở tại thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (cùng ở Gio Linh, Quảng Trị). Họ đã sống cho đến tận hôm nay. Câu chuyện về huyền thoại mở đường máu trên dòng Bến Hải bây giờ mới được kể…
Lấy thân mình... mở đường!
|
Hai “anh hùng” mở đường máu trên sông Bến Hải vui mừng mỗi khi gặp nhau.
|
Năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân, trên toàn chiến trường, quân ta đang giành thế áp đảo. Hàng ngàn chiến sĩ bộ đội ta từ miền Bắc hành quân vào Nam đã tập kết đầy đủ ở bờ Bắc sông Bến Hải. Cấp trên chỉ đạo: Phải nhanh chóng đánh sập hàng rào Macnamara ở căn cứ Cồn Tiên Dốc Miếu để mở đường vào giải phóng Quảng Trị... Nhưng lúc đó, nhiều ngả đường đã bị địch phong tỏa.
Duy chỉ bến đò B (Tùng Luật,Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) là “cửa” duy nhất có thể mở đường đưa bộ đội vượt sông. Tuy nhiên, quãng sông Bến Hải, từ Cửa Tùng đến cầu Hiền Lương đã bị quân Mỹ - ngụy rải dày đặc bom từ trường và mìn hẹn giờ. Và năm 1968 đã có không ít chuyến đò chở bộ đội vượt sông bị tổn thất vì dính bom từ trường trên sông!
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Đồng và Lê Văn Trọng đều là hai chàng trai trẻ nằm trong lực lượng dân quân du kích trực chiến tại bến đò B. Chứng kiến những người bạn là đồng chí, đồng đội của mình ra đi không trở về, lòng hai ông như quặn thắt.
“Mình chết thì chết, nhất định không được để bộ đội thương vong khi qua sông. Bằng mọi giá, phải đưa bộ đội vượt sông an toàn, có đủ lực lượng chi viện cho chiến trường thì mới mong đánh thắng địch; nhân dân hai bờ Nam - Bắc mới mong có ngày được đoàn tụ” - ông Đồng nhủ thầm. Đến tối, khi cuộc họp khẩn của toàn bộ lực lượng dân quân du kích tham gia trực chiến tại bến đò được triệu tập, xã đội trưởng Nguyễn Văn Bân phân tích tình thế…
Hai chiến sĩ trẻ cùng lúc đứng vụt dậy... xung phong mang thân đi “mở đường máu” - phá bom của địch rải trên sông. Ngay đêm đó, tại bến đò B, đồng đội, đồng chí đã tổ chức luôn một lễ truy điệu sống cho hai anh. Nghi thức trong lễ truy điệu này không khác lễ truy điệu những đồng đội đã hy sinh trước đó. Chỉ khác, đằng sau bát nhang nghi ngút khói là nhịp đập của hai trái tim trẻ tuổi đang sôi sục ý chí “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Món quà động viên cuối cùng của đơn vị dành cho hai chiến sĩ trẻ là hai… điếu thuốc lá Điện Biên ướt nhèm. Đêm ấy, trong một căn hầm tại bến đò B, người ta thấy hai đốm lửa lập lòe lóe lên cùng với nụ cười rạng ngời đầy kiêu hãnh của hai người con Bến Hải Cửa Tùng sắp đi vào cửa tử để mở đường vận chuyển an toàn cho con đường giải phóng!
“Cảm tử” cho ngày thống nhất
Điếu thuốc tàn… “Lúc ấy, tui đã vắt lên mình 15 quả mìn chống tăng được bọc trong vỏ sắt nhảy phắt lên chiếc đò. Phía trước, ông Trọng cũng đã sẵn sàng lướt mái chèo. Chúng tôi từ từ chèo thuyền từ bên Bắc sông Bến Hải (bến đò B) lướt sang bờ Nam…”. Sau lưng, hàng trăm đồng chí của họ thấp thỏm dõi theo cúi đầu mặc niệm tiễn đồng đội “đi” - ông Đồng nhớ lại.
“Bọn tui đi chuyến này là coi như mang thân đi… rà bom. Vì như đặc tính của bom từ trường thì chỉ cần “ngửi” thấy hơi kim loại ở gần là nổ ngay. Không có quả bom nào nổ cũng tốt. Mà bom nổ thì càng… tốt hơn vì bộ đội ta sang sông sẽ an toàn” - ông Trọng vô tư kể.
– Lúc đó, hai ông không nghĩ đến vợ con hay người thân của mình sao?
– Có chứ? Đã có lúc, trong tâm trí tui hiện lên cảnh người vợ cùng bốn đứa con nheo nhóc đang đi sơ tán ở tận Hà Tĩnh, nhưng tui gạt ngay đi: “Nếu phải lựa chọn giữa gia đình và Tổ quốc thì mình phải chọn Tổ quốc trước tiên. Tổ quốc trên hết. Tổ quốc còn thì gia đình còn, mà Tổ quốc mất thì gia đình cũng mất” – ông Trọng lại khẳng định.
Hai người lính cảm tử ôm mìn lướt qua lướt lại trên dòng Bến Hải đúng hơn một tiếng đồng hồ. “Cứ mỗi vòng thấy anh em tui quay thuyền lui là ai cũng thở hắt ra nhẹ nhõm. Rồi lại hít vào một hơi thật dài để… nín thở tiếp. Đến chuyến cuối cùng, một trục trặc nhỏ làm tất cả đều thót tim. Quả mìn đeo trên người bỗng nhiên bung dây lăn cả ra sàn thuyền. Mọi người trên bờ đã nhắm mắt lại... Nhưng may thay, quả mìn đã được tui kịp thời khóa chốt trước đó” - ông Đồng kể.
Ngay đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ bộ đội ta cùng nhiều lương thực vũ khí, đạn dược được chuyển an toàn vào trận địa chuẩn bị cho trận đánh căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu. Cũng từ việc mở thông được “cửa tử” ở bến đò B này, mà chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn địa giới tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đôi bờ Bắc Nam giới tuyến đã quy về một mối. Còn hai ông, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lại lặng lẽ tiếp tục tham gia chiến đấu…!
Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có chủ trương làm chế độ chính sách cho các trường hợp có thành tích trong kháng chiến nhưng chưa được công nhận. Hai ông cũng nằm trong số này. Tuy nhiên hơn 11 năm qua, hồ sơ của họ vẫn… đợi ngày giải quyết(?)
Bến đò Tùng Luật, điểm vượt tuyến quan trọng trên sông Hiền Lương. Trong giai đoạn 1968 – 1972, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, lực lượng TNXP 771, dân quân thôn Tùng Luật, dân quân xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang – Vĩnh Linh đã hy sinh không biết bao xương máu để đảm bảo cho sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp thời chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng; đưa hơn 78.000 lượt thuyền qua về, đã vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí hàng hóa. Chiến công oanh liệt của bến đò Tùng Luật cũng như của quân và dân huyện Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được cả nước ghi nhận. Di tích bến đò B đã được Bộ VH-TT xếp hạng Quốc gia vào ngày 27-9-1996.
|
Võ Linh
|
Bài 10: Tôi chụp ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” |
|
Có nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường làm nên tên tuổi bằng tác phẩm của họ. Song với những ai từng “đi B”-vượt Trường Sơn hay hiểu biết ít nhiều về con đường huyền thoại này, bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của một nhà báo chụp vào năm 1966 đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử. Tác giả bức ảnh, nhà báo Lê Minh Trường nhớ lại…
Sau 4 ngày đạp xe từ cơ quan (Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội) vào Trường Sơn, tôi tiếp tục đi bộ đến bờ sông Xê Băng Hiên. Gói máy ảnh, quần áo, giấy tờ, ba lô vào tấm nylon lớn, tôi rẽ dòng nước trong xanh nhưng lạnh cắt da để bơi qua bờ bên kia, tìm đường đến K75.
Ở đó, Chính trị viên Đặng Trung đang chờ tôi vào đón tết. Vừa lập cập lên bờ, một tiếng hét và tiếng lên đạn AK lách cách: “Ai, đứng lại”. Gặp đồng đội, tôi trình giấy tờ cho người con gái mặc áo xanh lá cây, đầu đội mũ tai bèo xem. Đọc qua, gương mặt thanh tú ấy bừng lên nụ cười, khoe hàm răng trắng hạt bắp và vành môi xinh tươi, nói: “Úi, anh nhà báo đi đâu mà không có giao liên, gan thế. Đợi một tí chúng em sẽ đưa anh đi”.
|
Nhà báo Lê Minh Trường và bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của ông. Ảnh: MINH ANH
|
Bỗng một hồi kẻng báo động vang lên phía đầu sông, cô gái ấn đầu tôi xuống hầm rồi thoăn thoắt khoác súng lên vai, trèo lên một ngọn cây cao trụi lá, miệng đếm: “Báo động, có máy bay…. 1 quả, 2 quả, 3 quả bom nổ chậm rơi phía bên kia sông rồi”.
Tôi chui lên móc máy ảnh ra ngắm hình dáng em nổi bật trên nền trời lồng lộng, tóc tung bay trong gió. Thì ra Hà (tên cô gái) đang đếm-xác định vị trí bom rơi để kịp thời rà phá. Lòng tôi trào dâng niềm cảm phục người con gái Hà Nội quả cảm. Hôm ấy đã là 28 Tết, cái tết đầu tiên tôi có mặt trên tuyến lửa trong khi Hà đã qua mấy mùa Trường Sơn.
Mâm cỗ đón giao thừa đã dọn xong dưới ánh đèn bão tù mù. Một chén sành con đựng mấy mẫu gỗ thơm đang đốt cháy thay cho nhang trầm làm không khí càng trang nghiêm. Hà, tôi và nhiều đồng chí chắp tay khấn vái. Cô trung đội trưởng TNXP kiêm chuyên gia phá bom nổ chậm ấy thi thoảng lại lấy tay quệt nước mắt rồi bắt đầu cắm cúi biên thư gửi tôi mang về cho mẹ mình…
Bữa cơm giao thừa kéo dài thật khuya và lời Bác Hồ chúc tết qua chiếc đài bán dẫn càng làm chúng tôi thêm ấm lòng. Ai đó còn ghẹo: “Cái Hà chưa chịu ngủ làm sao mai đưa nhà báo đi thực tế. Hết chiến tranh thì theo… nhà báo về Hà Nội nhé”.
Rồi những ngày được Hà dẫn đường đi sáng tác cũng qua nhanh. Tôi chụp được rất nhiều ảnh TNXP tắm giặt bên suối, ảnh chiến đấu, chụp cảnh vườn rau, cảnh chăn nuôi lợn gà và cả tấm ảnh của Hà bên nhánh lan rừng… Vậy mà sau 1 tuần đi sáng tác ở một đơn vị khác trở về K75, Chính trị viên Đặng Trung, sau khi đợi tôi hút hết một hơi thuốc lào, mới báo tin: “Cái Hà hy sinh sau khi phá được 2 quả bom. Đến quả thứ 3 thì…”. Tôi vật vã hỏi Đặng Trung rằng “Mộ ở đâu?”, anh ấy bảo “Tan nát hết, còn gì nữa đâu…!”.
Cái chết của Hà khiến tôi đau đớn vô cùng. Tôi mang bức thư em gửi cho mẹ trong ba lô và lúc nào cũng nghĩ Hà và nhiều liệt sĩ khác luôn mỉm cười nơi chín suối, bởi họ đã hy sinh cho Tổ quốc và lý tưởng cao cả. Tôi nghĩ là một phóng viên ảnh thì kho ảnh Trường Sơn chính là một đề tài bi hùng vô tận, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Và chúng tôi phải ghi lại cho được hình ảnh về những con người anh hùng như Hà.
Tôi lại ngược đường số 7 lên đồn biên phòng Cha Lo nằm dưới chân đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Tình cờ đồng chí đồn trưởng biên phòng cho biết trong vài ngày nữa sẽ có bộ đội hành quân vào Nam và đi ngang. Thế là tôi bám theo biên phòng để dò đường. Khi trèo qua một ngọn đồi cao, tôi thấy một con đường mới mở len giữa hai vách núi hiểm trở dựng đứng. Ý tưởng cho bức ảnh vụt sáng lên: Một đoàn quân đang leo dốc.
Sáng hôm sau khi trời còn mù sương, tôi leo 2 giờ để đến con đường mòn độc đạo ấy rồi ngồi canh đến… 11 giờ trưa. Đang nản chí thì chiến sĩ biên phòng đi cùng reo: “Kìa, bộ đội đến rồi”. Tôi phóng tầm mắt bao quát cảnh núi rừng hùng vĩ, nắng chiếu rực rỡ vào đoàn quân leo dốc. Nắng xuyên qua những đám mây nên từng tia nắng đậm, nhạt tạo thành vệt chiếu xiên xuống trông như tấm màn vàng ruộm mật ong trên cái nền màu sẫm của vách núi. Tôi bấm máy 4 kiểu liên tục bằng cuộn phim mà cơ quan đã loại bỏ.
Mãi đến năm 1969, tức là 3 năm sau, tôi mới trình làng bức ảnh ấy và được đồng chí Tố Hữu gật gù xem rồi se sẻ ngâm lại câu thơ của ông “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhân đó tôi xin phép Tố Hữu cho lấy câu thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để đặt tên cho bức ảnh của mình!
Hà Nội đã sang xuân. Tôi đạp xe trong mưa bay lất phất đi tìm địa chỉ X, phố Hàng Than. Một bà cụ đi ra chào hỏi tôi và nhận bức thư, bức ảnh người nữ TNXP bên nhánh lan rừng. Tôi gửi tặng thêm bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của mình rồi quày quả chạy trốn ánh mắt của bà cụ. Cuộc đời tôi chưa hề biết run sợ nhưng sáng hôm ấy, tôi không có đủ can đảm để nhìn gương mặt hân hoan của bà cụ khi nhận thư và hình của con gái “đang ở chiến trường xa” gửi về!
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Trường sinh năm 1930 tại Thừa Thiên-Huế. Ông từng là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam các khóa II, III; Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khóa IV.
Các tác phẩm nổi tiếng của Lê Minh Trường như: Đạp lên đồn thù, Đánh chiếm Quảng Trị, Cố thủ, Trận đánh trên đồi không tên, Hoa lửa chiến trường, Em bé học dưới chiến hào, Những bước chân vạn dặm, Qua vùng trọng điểm, Đường ngầm theo lòng suối, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Hiện ông đang sống tại số nhà 120/14 Trần Đình Xu, Q1, TPHCM.
|
Nhà báo LÊ MINH TRƯỜNG kể MINH ANH ghi
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét