Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Phá tan chiến lược “Chiến tranh cục bộ”


Phá tan chiến lược “Chiến tranh cục bộ”
báo Quân đội Nhân dân
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” hòng đè bẹp cách mạng miền Nam bằng chính quân xâm lược Mỹ. Kế hoạch chiến lược này có thể khái quát gồm một mục tiêu, hai biện pháp, ba bước.
Một mục tiêu: Đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (giữa năm 1965 đến năm 1967).
Hai biện pháp: Tăng nhiều quân Mỹ và quân ngụy, mở các cuộc tiến công “tìm diệt” chủ lực ta ở miền Nam; đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc để cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam.
Ba bước: Bước 1, triển khai lực lượng cứu ngụy quân ngụy quyền, chặn đứng chiều hướng thua; Bước 2, tiêu diệt chủ lực ta giành lại thế chủ động trên chiến trường; Bước 3, tiêu diệt cộng sản, tăng cường ngụy quân, ngụy quyền để biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Để thực hiện kế hoạch trên, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Chúng đã huy động: 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân trực tiếp tham gia, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất nước Mỹ trực tiếp phục vụ. Đồng thời tăng cường quân ngụy, đưa hai lực lượng chiến lược này lên 100 vạn rồi đến 120 vạn, cùng với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, kể cả máy bay B52. Với lực lượng trên, đế quốc Mỹ đã liên tục mở các cuộc phản công chiến lược vào hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, vận dụng các thủ đoạn tác chiến như: Hỏa lực mạnh; Cơ động cao; Nhảy cóc sâu; Quây vùng rộng… để tìm diệt chủ lực ta với tham vọng “bẻ gãy xương sống Việt cộng” và chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở miền Nam. Đồng thời dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, với ảo tưởng đưa miền Bắc “trở lại thời kỳ đồ đá” nhằm chặt đứt sự chi viện cho miền Nam, bao vây cô lập cách mạng miền Nam.
Khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất nhằm “tìm diệt” chủ lực ta, nhưng chúng không ngờ lực lượng chủ lực ta trên các chiến trường đã bố trí đúng hướng và với thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện phương châm: Căng địch ra mà đánh, chen vào giữa địch mà đánh, luồn sâu vào hậu phương địch mà đánh, quân và dân miền Nam đã liên tục phản công tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Vì thế, mục tiêu tìm diệt chủ lực ta và ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam của đế quốc Mỹ đã không đạt kết quả mà phải chịu những thất bại ngay từ những trận đầu ở Núi Thành, Vạn Tường (khu 5), Plây-me (Tây Nguyên), Đất Cuốc, Bầu Bàng (miền Đông Nam Bộ) và nhiều máy bay đã bị bắn rơi ở miền Bắc.
Đến mùa khô 1966-1967, đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc phản công chiến lược lần thứ hai. Lần này chúng tăng cường lực lượng mạnh hơn lần phản công thứ nhất, không phân tán đánh trên nhiều hướng mà tập trung đánh vào miền Đông Nam Bộ, mở cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ti, cuộc hành quân lớn nhất với 45.000 quân viễn chinh tinh nhuệ và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại đánh vào căn cứ Dương Minh Châu nhằm mục đích tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của ta, phá căn cứ kháng chiến. Quân và dân ta không những tiến công địch trên các chiến trường cũ mà còn mở ra mặt trận Trị Thiên (4-1966) và sau đó, măt trận Đường số 9 (6-1966), để thu hút một bộ phận quân Mỹ ra chiến trường bất lợi, phân tán ý định của địch mở rộng chiến tranh bằng bộ binh ra phía bắc giới tuyến và đưa quân Mỹ vào đồng bằng sông Cửu Long; Đồng thời tạo điều kiện cho miền Đông Nam Bộ đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ti của Mỹ.
Trên chiến trường địch đã thất bại trên cả phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Tuy vậy, chúng vẫn ngoan cố, tiếp tục tăng quân, tăng viện trợ cho bù nhìn và chuẩn bị mở cuộc phản công lần thứ ba. Về ta, tuy đã thắng lớn nhưng vẫn chưa làm được chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Để tạo ra một bước chuyển lớn giữa lúc địch đang dao động, chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, ta không thể tiến từng bước, không thể đánh theo cách đánh cũ, mà phải tạo ra một bước nhảy vọt bằng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Quân và dân ta đã mở cuộc tiến công chiến lược Tết Mậu Thân năm 1968, vận dụng cách đánh chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ-ngụy không thể nghĩ tới. Yêu cầu hàng đầu của cuộc tiến công chiến lược này vẫn là tiêu diệt địch nhưng có nhiều nét đặc sắc mang tính nghệ thuật cao, đó là:
Hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn như trong các mùa khô trước mà nhằm vào đô thị, trước hết là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng... nơi tập trung nhiều sinh lực cao cấp, là “trung ương thần kinh” của địch, là nơi hiểm yếu, đồng thời là nơi địch có nhiều sơ hở, dễ bị rung động nhất. Để tiến công vào các thành phố, thị xã, ta đã thực hiện nhiều hoạt động nghi binh chiến lược, chiến dịch, đặc biệt là mở chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (ngày 20-1-1968), kéo và giam chân một bộ phận khá lớn quân Mỹ ra chiến trường rừng núi, đánh lạc hướng sự chú ý của những người cầm quyền và giới quân sự Mỹ, tăng thêm yếu tố bất ngờ cho cuộc tiến công lớn, bất ngờ vào các đô thị.
Mục tiêu tiến công chủ yếu không phải là các lữ đoàn, sư đoàn quân Mỹ-ngụy mà là các cơ quan đầu não chiến tranh; Đây là những mục tiêu hiểm yếu nhất, nhạy cảm nhất, khi bị tiến công sẽ gây chấn động lớn trên chiến trường, đối với nước Mỹ và trên thế giới.
Không gian tiến công không phải chỉ là một số địa bàn chiến lược mà tiến công rộng khắp, gồm cả chiến trường rừng núi (Đường 9 - Khe Sanh) và hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy (4 thành phố, 37 thị xã, hơn 100 thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân khu, quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu ngụy, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ...).
Thời gian tiến công không vào thời điểm thông thường mà tiến công đồng loạt vào đêm giao thừa và đêm mồng 1 Tết (30 và 31-1-1968), vào lúc địch sơ hở nhất, làm cho kẻ địch bị bất ngờ nhất.
Phương châm tác chiến kết hợp tiến công quân sự đồng loạt với nổi dậy của quần chúng tại chỗ trên cả ba vùng chiến lược, trước hết là các đô thị.
Cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt đã giành được thắng lợi to lớn: Tiêu diệt và làm tan rã 150.000 tên địch, phá hủy 30% vật tư chiến tranh, phá hơn 600 “ấp chiến lược”, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1 triệu dân. Làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, mở đầu quá trình xuống dốc về chiến lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến.
Đây là lần đầu tiên ta thực hiện một cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, đánh vào hệ thống mục tiêu sâu trong lòng địch, kết hợp với quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Những bài học về chuẩn bị lực lượng, về nghệ thuật quân sự trong cuộc tiến công và nổi dậy với quy mô lớn vẫn là những hành trang vô cùng quý báu của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
LÊ VĂN BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét