Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Vì sao “chiến tranh cục bộ” thất bại?


Vì sao “chiến tranh cục bộ” thất bại?
báo Quân đội Nhân dân
QĐND - Năm 2004, Nxb Penguin phát hành cuốn: “Những nhà ái quốc: Cuộc chiến tranh ViệtNam được hồi tưởng từ mọi phía” (Patriots: The Vietnam War Remembered from All Sides). Tác giả Grít-chi-an Áp-py (Christian Appy) đã mất nhiều năm đi lại giữa Mỹ và Việt Nam, để phỏng vấn hàng trăm nhân chứng từ các phía, viết nên cuốn sách lịch sử truyền khẩu (oral history) này.
Ký ức đầu tiên được tác giả Áp-py chọn đăng trong sách là của Trung tướng Mỹ hồi hưu, Béc-na Trây-nơ (Bernard Trainor). Viên tướng này nghỉ hưu đầu những năm 1980 để trở thành phóng viên chiến tranh cho tờ Nữu Ước thời báo (The New York Times), rồi giảng dạy tại Viện Ken-nơ-đi (Kenedy) trực thuộc chính phủ Mỹ (Kennedy School of Government). Tướng Trây-nơ thường xuất hiện trên truyền hình như một nhà phân tích quân sự, nhưng có lẽ ông ta nổi tiếng hơn do từng phục vụ ở Việt Nam hai tua, đều vào giai đoạn cuối, của cả hai loại hình Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ.
Năm 1965, khi số lượng binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam tăng từ 23 nghìn lên gần 200 nghìn người, Trây-nơ được giao chỉ đạo chương trình tối mật gồm các cuộc tiến công bằng biệt kích Sài Gòn lên các vùng duyên hải thuộc miền Bắc Việt Nam. Năm 1970, Trây-nơ quay lại Việt Nam đảm nhiệm một vai trò chiến tranh quy ước hơn, là Tiểu đoàn trưởng Lính thủy đánh bộ (LTĐB) Mỹ.
Từ “tốc chiến”
Hồi ức của Trây-nơ trong sách được đặt tên là “Hóa ra Thị trưởng Đà Nẵng là người của Việt cộng”.
Trây-nơ cho hay trước khi sang tham chiến ở Triều Tiên đầu những năm 1950, ông đã “nghiên cứu” về cách đánh của Pháp ở Đông Dương. Tới đầu Chiến tranh đặc biệt của Mỹ, ông ta làm các đặc vụ như phát triển các chiến thuật do thám chuyên dùng cho vùng Đông Nam Á. Trây-nơ kể:
“Vào năm 1965 tôi được chỉ định sang Nam Việt Nam với chức danh cố vấn thuộc nhóm Nghiên cứu và quan sát. Đây là mật danh của một chiến dịch ngầm khởi động bởi CIA. Chúng tôi hoạt động tại căn cứ bí mật ở núi Khỉ, gần Đà Nẵng. Chúng tôi dùng các tàu phóng ngư lôi do Bắc Âu sản xuất, trang bị động cơ Rôn-xơ Roi-xơ (Rolls Royce) công suất lớn để xâm nhập bờ biển phía Bắc. Thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đều là người Việt. Họ thường xuyên bị phát hiện, do miền Bắc kiểm soát ven biển khá chặt chẽ.
Bìa cuốn sách “Những nhà ái quốc: Cuộc chiến tranh Việt Nam được hồi tưởng từ mọi phía”.
Nhưng người Mỹ không được chính thức giao nhiệm vụ tháp tùng các toán biệt kích – tôi không muốn nói rằng thỉnh thoảng quy tắc này đã không bị vi phạm - bởi vì biệt kích Sài Gòn nếu hoạt động không có cố vấn Mỹ kèm sẽ bị thiếu một bàn tay sắt, đẩy họ vào thế phải hung hãn hơn”.
Trây-nơ kể rằng có lần được lệnh tấn công một mục tiêu được cho là trại an dưỡng của “cán binh Việt cộng”, có chỉ huy biệt kích Sài Gòn đã nói đó là một bệnh viện của dân thường. Tuy nhiên cố vấn Mỹ vẫn phái một toán biệt kích tới đó, bắn giết nhiều người, nhưng hóa ra là dân. Theo Trây-nơ, sự kiện này đã làm cho người Mỹ bị mất tín nhiệm ghê gớm đối với các biệt kích Sài Gòn. “Sau đó, nhiều toán chúng tôi cử ra Bắc đã không bao giờ lên bờ, viện cớ lặt vặt… Các biệt kích đã mất tin tưởng vào chúng ta”, Trây-nơ khẳng định.  
“Bất chấp những đổ bể như trên, tôi cho rằng các chiến dịch của chúng tôi vẫn khá có kết quả. Về căn bản đây là một chiến dịch tâm lý chiến thôi, và có vẻ chúng tôi đã gây được nhiều rối loạn cho đối phương hơn là phía Mỹ tự đánh giá”. Trây-nơ rời Việt Nam năm 1966, mãn nguyện vì đã đóng góp vào “cuộc thánh chiến linh thiêng chống cộng sản vô thần và tạo cho mầm dân chủ ở miền Nam một cơ hội bén rễ”.
… đến “mã hồi”
Trây-nơ viết tiếp: “Khi tôi trở lại làm nhiệm kỳ thứ hai, năm 1970, tôi mất tất cả mọi thứ ấy (cuộc thánh chiến chống cộng, “mầm” dân chủ kiểu Mỹ. ND) bởi vì sau ngần ấy năm can thiệp, chúng ta nhận thấy rằng “nền dân chủ đang chớm nở” của Nam Việt Nam ngập trong đồi bại và tham nhũng. Tôi cũng đã nhận thấy rằng đối phương của chúng ta, ngoài chuyện là cộng sản, còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc (nationalistic) và tư tưởng chống thuộc địa.
Giữa hai nhiệm kỳ (1966 – 1970), tôi dạy trường Cao đẳng Chỉ huy tham mưu. Ở đó anh có thể nhận thấy sự ngán ngẩm và buồn rầu của các sĩ quan Mỹ ở Việt Nam về chiến lược tìm diệt của Oét-mo-len (Westmoreland). Mỹ tìm diệt quân Bắc Việt Nam, nhưng cũng hủy diệt dân thường và chính quân Mỹ cũng bị tiêu diệt.
Các CCB Mỹ từ Việt Nam về dẫn đầu một đoàn tuần hành chống chiến tranh (Oa-sinh-tơn, 1967). Ảnh: ABOUT.COM.
Từ năm 1970 tôi chỉ huy tiểu đoàn 1/5 LTĐB Mỹ. Chúng tôi thực hiện các chiến dịch phản ứng linh hoạt tại đồi 34 gần Đà Nẵng. Chúng tôi lĩnh một cơ số phi vụ trực thăng vận/ngày và dựa trên các báo cáo tình báo, đến lùng sục các khu vực được biết là có, hoặc nghi là có quân đối phương. Tư tưởng chỉ đạo của tôi là nếu không có chạm súng, đơn vị tôi sẽ rút nhanh ra và bay về căn cứ qua một trong nhiều bãi đáp trực thăng không ấn định trước. Tôi không muốn quân của mình bị phục kích trong bụi rậm, mắc vào các cạm bẫy, bãi mìn.
Tôi muốn hoàn thành nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, với thương vong ít nhất. Cơ-lác Giớt-giơ (Clark Judge), chỉ huy Trung đoàn 5 Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo tôi: “Anh biết đấy, chúng ta sang đây không phải để tham chiến, chúng ta sang đây để hành quân thôi”.
Nếu anh tham chiến, anh cần phải làm mọi chuyện để thắng cuộc chiến tranh ấy. Còn ngụ ý “hành quân” của Giớt-giơ là liên tưởng chuyện quân đội thực dân Anh thế kỷ 19 từng ngược mãi lên phía tây bắc của Ấn Độ (1), trong khi cố xoay xở trong thế trận không thể thắng. Theo hướng tư duy này, lính Mỹ chúng tôi chỉ cố nhùng nhằng kéo dài thời gian cho tới khi bị ép phải rút khỏi Việt Nam.
Cuộc thẩm vấn dở dang
Chỉ huy cấp trên không ưa cách đánh đấm của Trây-nơ, cho rằng “không đủ độ hung hãn” (wasn’t being aggressive enough). Sư đoàn trưởng, Tướng Uýt-đếch-cơ (Widdecke), gọi Trây-nơ về hậu cứ, thẩm vấn “Hãy giải thích rõ anh đang làm cái gì?”. Tướng Trây-nơ kể tiếp:
“Rõ ràng là nếu cấp trên không ưa câu trả lời của tôi, tôi sẽ bị đưa về hậu phương và không bao giờ có thể lên tướng. Mọi người sẽ lý giải: “Trây-nơ ngại giao tranh với đối phương. Anh ta vào trận một tý, rồi bỏ chạy”. Đường binh nghiệp của tôi thế là hết.
May quá, đang thẩm vấn thì một vô tuyến điện viên đến, báo cáo: “Trung tá Trây-nơ, đơn vị của ông chạm địch”… Tôi trở lại với đơn vị và tình hình bỗng biến chuyển thành một kết quả đặc biệt, hoàn toàn xóa bỏ mọi nguy cơ làm tôi bị mất chức”.
Lính sư đoàn I Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một trận đánh ở rìa phía nam khu phi quân sự, 1966. Ảnh: Larry Burrows.
Trong cuộc hành quân “tìm diệt” đó, sử dụng các trực thăng chiến đấu Cobra, máy bay A4 thả bom 250 pound (hơn 1 tạ) và bom na-pan, quân của Trây-nơ bỗng phát hiện được một hang dùng làm căn cứ của đối phương và bắt được một danh sách “Việt cộng nằm vùng” giấu trong một cái bình quân dụng cũ của quân Mỹ. Qua đó, Mỹ phát hiện được viên thị trưởng Đà Nẵng là “tay trong” của Mặt trận giải phóng (2). Theo Trây-nơ, “đây là phát hiện về tình báo lớn nhất ở vùng chiến thuật I trong suốt cuộc chiến tranh”…
Lý giải cuộc chiến trên nền… lịch sử Mỹ
Nay nhìn lại, tướng Trây-nơ so sánh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh giành độc lập của Mỹ:
“Nhiều người nói rằng chúng ta phải ném bom để đưa miền Bắc về lại thời kỳ đồ đá. Ở mức độ nhất định, chúng ta đã đạt được hiệu quả này, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Có ném bom nữa cũng không ăn thua gì. Tôi thấy cuộc kháng chiến của Việt Nam có nét tương đồng với cuộc cách mạng của Mỹ. Cũng như các nhà cách mạng Mỹ thời đó, người Việt quyết chiến đến cùng. Những người dân Mỹ hồi đó đã đi tới một quyết định rằng độc lập là thiết yếu. Họ đặt cược tính mạng và của cải của mình vào sự nghiệp giành độc lập. Nhờ ơn trời, họ đã không buông xuôi, không chịu chấp nhận sự bóc lột và thân phận nhục nhã dưới ách đô hộ của Anh.
Trây-nơ tiếp tục so sánh cuộc kháng chiến của Việt Nam với cả cuộc nội chiến ở Mỹ.
“Hy vọng ban đầu của chúng tôi là thu phục trái tim khối óc của người dân, nhưng hy vọng này đã bị tan tành bởi thất bại của chính quyền Sài Gòn trong việc giành tín nhiệm của dân và chiến lược tìm - diệt của Oét-mo-len. Về cơ bản đây là chiến lược tiêu hao sinh lực, vì thế liên tưởng lại dẫn chúng ta về với cuộc nội chiến của Mỹ. Khi đó tướng Iu-lít-xơ Gran-tơ (Ulysses Grant) đã tìm được chìa khóa giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống miền Nam bằng cách dùng tiềm lực to lớn về nhân lực và công nghiệp để đè bẹp quân đội Liên minh (của miền Nam nước Mỹ lúc đó). Chỉ việc chất đống quân lực và vũ khí, rồi bóp vụn quân địch. Đây cũng là cách mà Oét-mo-len xúc tiến ở Việt Nam. Một cách làm võ biền. Có thể nói, Quân Giải phóng đã xoay triết lý chiến tranh tiêu hao chống lại chính Oét-mo-len. Chiến lược của người Việt là nhằm làm sao xói mòn lực của quân Mỹ, cho tới khi công luận Mỹ xoay chuyển, chống lại cuộc chiến tranh. Chiến lược này đã thành công…”.
 -------------
(1) Điển cố “cuộc chơi lớn” (Great Game) nói về sự kình địch của hai đế quốc Nga Anh ở khu vực Trung Á giáp Ẫn Độ (khi đó còn gồm cả đất Pa-ki-xtan hôm nay).
(2) Trên thực tế, các thị trưởng Đà Nẵng là Đại tá Lê Chí Cường (thị trưởng Đà Nẵng từ 1966 đến 1969), Nguyễn Văn Thiện (Đại tá, thị trưởng Đà Nẵng thăng Chuẩn tướng tử trận năm 1970, Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi (thị trưởng Đà Nẵng đến 1972), đều trung thành với chế độ Mỹ - Thiệu. Ở đây chắc Trây-nơ nói đến Trần Ngọc Châu, dân biểu Sài Gòn, chuyên gia về bình định của Mỹ - Thiệu, bị bắt bỏ tù năm 1970 do “liên hệ với Việt Cộng”… Trần Ngọc Châu làm thị trưởng Đà Nẵng thời kỳ 1965, khi Trây-nơ làm cố vấn cho biệt kích quân đội Sài Gòn đóng ở gần Đà Nẵng. Trên thực tế, Châu trước và sau khi bị bắt đều trung thành với lợi ích của Mỹ.
Grít-chi-an Áp-py
Lê Đỗ Huy (lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét