Thượng tướng Đinh Đức Thiện: Từ Tư lệnh xăng dầu đến Bộ trưởng Dầu khí
(Petrotimes) - Thượng tướng Đinh Đức Thiện là một vị tướng tài năng nổi tiếng quyết đoán, mạnh mẽ. Vì trọng tài năng, đức độ và yêu quý ông bởi cá tính độc đáo mà trong quân đội đã có rất nhiều giai thoại hay về ông. Ông thực sự trở thành con người của nhiều huyền thoại.
Huyền thoại có thật
Đầu năm 1965 Mỹ mở rộng chiến tranh, ông được điều động trở lại quân đội làm chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Ủy viên Quân ủy Trung ương với nhiệm vụ vận tải tiếp tế cho cách mạng miềm Nam. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, địch dùng chiến thuật không quân rải thảm bom trên tất cả các tuyến đường, đặc biệt khu Bốn và dọc tuyến đường Trường Sơn để ngăn chặn từ xa nguồn tiếp viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Khi nhận nhiệm vụ tướng Thiện đã ngoài 50 tuổi, con người ông dường như thách đố thời gian bởi tuổi càng cao ông càng dẻo dai trong công việc, càng phát huy cao nhất trí tuệ và tài thao lược của mình. Hình ảnh một vị tướng với bộ quần áo bà ba màu cỏ úa thét ra lửa, nhưng thấm đẫm tình người đã quen thuộc đối với lính hậu cần ở mọi cung đường, đặc biệt là những cung đường máu lửa: Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh, đường 9, Nam Lào…
Trong việc dùng không quân đánh phá giao thông các tuyến đường khu Bốn và Trường Sơn đế quốc Mỹ đã thể hiện rõ quyết tâm tìm mọi cách để phá vỡ hệ thống vận chuyển cơ giới của ta vào miềm Nam. Máy bay địch quần đảo rải bom suốt ngày đêm, nhưng chúng thấy đoàn xe cơ giới của ta không những không giảm mà ngày càng tăng, vì đường Trường Sơn chằng chịt, dọc ngang như gân trên mặt lá, phá đường này xe chạy đường khác. Chúng liền nghĩ ra một chiến lược mới là ngăn chặn nguồn tiếp tế nhiên liệu từ miềm Bắc vào, không để chiếc xe chở dầu qua được các bến phà. Thế là một vùng tam giác lửa được hình thành mà đỉnh của nó là bến phà Vinh, Nam Đàn, Linh Cảm. Nhận được tin báo, tướng Thiện lập tức vào vùng tam giác lửa. Ông trực tiếp chứng kiến máy bay địch rải thảm bom suốt ngày đêm. Có đoàn xe téc chở xăng bị cháy, cháy lan sang các xe, ngọn lửa hung dữ liếm sạch những gì xung quanh nó, nhà cửa, cây cối, loang xuống cả mặt nước. Chứng kiến lửa thiêu đốt xe và các chiến sĩ lái xe, mặt ông đanh lại, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của vị tướng già, trái tim ông quặn đau nhưng lý chí của ông không chịu khuất phục. Đêm không ngủ, bên ấm trà tự tay pha, ông mở bản đồ chỉ cho trợ lý của mình: Địch đánh phá ác liệt ta không thể chở xăng bằng téc qua phà thì dùng đường ống mà bơm xăng qua sông Lam, sông La vào Hà Tĩnh rồi vào sâu hơn nữa.
Ý tưởng lập đường ống xăng dầu của ông vào thời điểm đó thật táo bạo, vượt sự hình dung của nhiều người, ngay cả địch cũng không thể ngờ tới. Vì làm thế nào để thực hiện ý tưởng giữa một vùng rừng núi hiểm trở, sự hiểu biết của ta về lắp đặt đường ống còn hạn chế, thiết bị lắp đặt phụ thuộc vào nguồn viện trợ, nhưng tất cả khó khăn trên gộp lại không bằng làm thế nào lắp đặt hàng nghìn kilômét đường ống trong bom rơi đạn lạc, trong sự bí mật đến tuyệt đối. Được sự đồng ý của Trung ương tướng Thiện cùng tướng Đồng Sỹ Nguyên, Phan Tử Quang, Trần Đại Nghĩa… và đội ngũ cốt cán của ngành Xăng dầu Quân đội đã tìm các phương án tối ưu nhất để thực hiện với quyết tâm: Dù phải dát vàng cũng phải làm bằng được đường ống xăng dầu qua khu tam giác vàng và tiến sâu vào Nam. Trải qua 7 năm (1968-1975), dưới sự chỉ huy của tướng Đinh đức Thiện, Đồng Sỹ Nguyên… bộ đội xăng dầu đã vượt qua những muôn vàn gian khổ và hy sinh đã xây dựng và quản lý vận hành được một tuyến đường ống chiến lược từ biên giới phía Bắc đến miềm Đông Nam Bộ với chiều dài hơn 5.000km, cùng hơn 100 khu kho có sức chứa trên 300.000m3. Đường ống xăng dầu là một kỳ tích của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, biểu hiện sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Viện trưởng Viện Dầu khí Pháp cùng chung nhận định với hai tướng không quân Hoa Kỳ HarryAderholt và Richard Serd: Đường ống xăng dầu của các ông là huyền thoại có thật.
Người đặt nền móng cho ngành Dầu khí
Năm 1975 ông được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở vật chất và tài liệu của các công ty dầu khí tại miền Nam, đồng thời thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt; Bộ trưởng phụ trách Dầu khí. Là người có tầm nhìn xa trông rộng, ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của dầu khí đối với sự phát triển kinh tế nước nhà. Ông cùng cộng sự của mình là cựu Cục trưởng Cục Dầu khí đầu tiên, nhà khoa học Nguyễn văn Biên tham gia việc khởi thảo, hiện thực hóa Hiệp định hợp tác Việt Nam và Liên Xô về thăm dò, khai thác dầu khí tại lục địa Nam Việt Nam. Càng đi sâu tìm hiểu ngành Dầu khí ông càng đam mê. Ông là người thích mạo hiểm, thích khám phá cái mới, ông hiểu ngành Dầu khí là ngành đặc thù, dòi hỏi công nghệ cao, tri thức tổng hợp: địa chất, vật lý, hóa học, kinh tế học, cơ khí, dịch vụ kỹ thuật ở tầm cao. Vì thế đích thân ông đi hầu hết các tỉnh thành trong cả nước để tìm địa điểm xây dựng cơ sở kỹ thuật cho ngành Dầu khí, cuối cùng xác định lấy Vũng Tàu làm nơi xây dựng hạ tầng ban đầu, đặc biệt làm cảng dầu khí cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Sự quyết đoán sáng suốt này tạo tiền đề quan trọng cho những kế hoạch tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí sau này.
Với tầm nhìn của nhà chiến lược, ông ấp ủ dự định thành lập Ngân hàng Dầu khí, theo ông đồng tiền do dầu khí làm ra đảm bảo là đồng tiền có giá trị và bền vững. Ông cho rằng, ngành Dầu khí muốn phát triển thì việc đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết vì vậy cần có trường đào tạo chuyên ngành dầu khí… Các công trình thăm dò và khai thác dầu khí phần lớn ở các thềm lục địa ven sông Hồng, đặc biệt vùng biển Vũng Tàu. Chiến tranh mới kết thúc, bom đạn còn nằm rải rác tại các khu vực muốn xây dựng cơ sở hạ tầng cần một lực lượng nhân lực dám chấp nhận khó khăn, kể cả sự hy sinh cho sự nghiệp. Bằng uy tín và quyền hạn của mình ông đã xin điều chuyển cả Binh đoàn 318 sang Tổng cục Dầu khí. Chính lực lượng này là tiền thân của Công ty Xây lắp và Thiết kế Dầu khí hiện nay. Ngoài việc thu hút các lực lượng quân đội, tìm trụ sở và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, ông tìm đặt trụ sở cho ngành tại Hà Nội, ông đã lựa chọn thuê kiến trúc sư hàng đầu thiết kế trụ sở ngành Dầu khí là tòa tháp đôi, thể hiện tầm vóc của ngành tại mảnh đất vàng, lúc đó còn là bãi rác nay là khách sạn Deawoo. Chỉ tiếc rằng người đứng đầu ngành sau này đã không thực hiện ý tưởng của ông. Mặt khác ông tìm kiếm, xây dựng một đội ngũ chuyên gia hàng đầu cho ngành Dầu khí. Họ được mời gọi từ khắp mọi nơi trong cả nước. Ông còn tìm cách đưa từ quân đội sang những sĩ quan năng động nhất. Những cán bộ nhiều kinh nghiệm trong khoa học kỹ thuật cũng như thực tiễn cuộc sống này đã đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ khó khăn nhất của ngành Dầu khí.
Nhờ những quyết định mang tính chiến lược thể tính thực tiễn và bao quát toàn cục của ông, ngành Dầu khí đã nhanh chóng có một vị thế để bắt tay vào tìm kiếm, thăm dò. Ông trực tiếp chỉ đạo phải hướng mạnh vào thềm lục địa phía Nam. Những việc ông làm về bề nổi mọi người dễ nhận ra, nhìn thấy. Nhưng còn những việc ông làm đôi khi mang yếu tố quyết định cả một cục diện thì chỉ có nhữõng người gần gũi ông nhất mới được chứng kiến. Anh Nguyễn Hữu Lợi thư ký cho ông kể: Năm 1979, Bộ trưởng Bộ Địa chất Tiến sĩ khoa học Liên Xô KaglolMuu làm Trưởng đoàn chuyên gia bác học Liên Xô sang Việt Nam để đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam và mang thông điệp từ Chính phủ Liên Xô. Cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng phụ trách Dầu khí Việt Nam và đoàn diễn ra từ 19 giờ đến 0 giờ với nội dung: Kiểm điểm tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trong những năm qua và định hướng dầu khí Việt Nam trong những năm kế tiếp. Ngài Bộ trưởng Địa chất Liên Xô cho rằng: Qua nhiều tài liệu nghiên cứu triển vọng dầu khí Việt Nam ở vùng Đồng bằng sông Hồng và các nơi khác trữ lượng dầu gần như không. Hiện Liên Xô còn nghèo, không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư vào Việt Nam. Sau khi nghe đối tác nhận định, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện phân tích và khẳng định việc đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam sẽ tiến triển tốt, đem lại nguồn lợi cho cả hai bên.
Cuộc đấu trí giữa một bên không đầu tư vào lĩnh vực dầu khí với vô số lý do, một bên bằng lý lẽ mang tính thực tiễn, khẳng định đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí là đúng đắn, có lợi cho cả hai bên đến 0 giờ chưa ngã ngũ. Sau cuộc gặp mặt, đêm về ông không ngủ được, bao câu hỏi, tình huống đặt ra cho lão tướng, ông phải tìm ra câu trả lời tốt nhất cho ngành. Theo thói quen từ khi còn trẻ, ông thường thức dậy từ 4 giờ, tự pha trà, rang cơm ăn và làm việc. Đây là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất để ông suy nghĩ và có quyết định kịp thời chuẩn xác cho công việc mà ông sẽ thể hiện bằng hành động. Hôm đó phá lệ, 4 giờ ông ra sân bay vào Sài Gòn, chỉ thị anh em dầu khí Việt Nam cung cấp toàn bộ tài liệu cho các chuyên gia bác học Liên Xô, đưa họ ra vùng biển Vũng Tàu và đảo Phú Quốc để họ đánh giá đúng tiềm năng dầu khí của Việt Nam và báo cáo lại với Chính phủ Liên Xô. Đồng thời ông chủ động gặp toàn bộ cán bộ chủ chốt của đoàn thuyết phục họ. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp, sau một tuần nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tế, đoàn đã thống nhất bằng văn bản: Tiềm năng khai thác dầu khí tại Việt Nam là rất khả quan. Họ sẽ về báo cáo với Chính phủ Liên Xô để tiếp tục thực hiện đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Bằng nỗ lực, quyết tâm thép của vị tướng mặc thường phục ông đã xoay chuyển được một thế cờ. Nếu khoảng thời gian mang tính quyết định, vị thủ lĩnh nản lòng có lẽ Liên doanh Vietsovpetro chưa chắc đã thành công như ngày hôm nay.
Khi phụ trách ngành Dầu khí ông đã ngoài 60, ông chỉ có nguyện vọng mãnh liệt nhất nơi đây sẽ là nơi cuối cùng ông dừng chân cho sự nghiệp của mình, để xây dựng và phát triển ngành lớn mạnh. Ông yêu dầu khí, một tình yêu đến độ đam mê, chỉ tiếc rằng vì yêu cầu của đất nước ông phải xa rời ước muốn của mình, mặc dù ở cương vị mới ông vẫn dõi theo từng bước đi của ngành. Giờ đây ở nơi xa thẳm ông có thể tự hào và chia sẻ niềm vui với ngành, một Tập đoàn lớn mạnh của đất nước như ông hằng mong muốn.
Viết về tướng Đinh Đức Thiện phải là những bộ sách, vì cuộc đời của ông không thể vài trang giấy có thể nói hết được. Tôi chỉ có thể trích dẫn một vài nhận xét, đánh giá về ông của những tướng lĩnh, cán bộ đã hiểu về ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Anh Đinh Đức Thiện là người trung kiên của Đảng, giác ngộ sớm, hoàn thành mọi nhiệm vụ dù khó khăn gian khổ, khi bị địch bắt cũng như khi hoạt động; một người chiến sĩ cộng sản gương mẫu; một cán bộ có đức có tài.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Đây là con người của tốc độ, con người của sự phát triển.
Nhà thơ Tố Hữu: Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của ta không thể thiếu các tướng “đánh” bằng lòng dũng cảm và trí thông minh đã làm nên nhiều kỳ tích mà đến địch cũng phải nể trọng, đó là anh Đinh Đức Thiện, anh Đồng Sỹ Nguyên.
Tướng Tô Ký được biệt danh “hùm xám Nam Bộ”: Anh Đinh Đức Thiện, đối với Đảng, hết lòng trung thành; đối với quân đội, tận tâm phục vụ, đối với nhân dân thì kính trọng tin dân và lo cho dân.
Đặng Văn Thông (Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ): Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đối với người, có cái tâm, trong cái tâm có chân, thiện; đối với việc có cái tâm, trong cái tâm làm cho được, làm thật tốt; trong đối nhân xử thế có 4 cái ghét: xu nịnh, khoe khoang, lười nhác, chạy dài; có 4 cái yêu: thẳng thắn, tự trọng, tương trợ, dám chịu trách nhiệm.
Anh hùng Lao động – Tiến sĩ Nguyễn Giao – nguyên Tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro: Bộ trưởng Đinh Đức Thiện là tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ Dầu khí.
Tên thật là Phan Đình Dinh.
Quê quán: Nam Vân, Nam Ninh, Nam Định
Trình độ chuyên môn: Thợ máy nổ
Trình độ chính trị: Cao cấp
Từng tham gia các chức vụ:
- Hoạt động cách mạng từ năm 1930, vào Đảng năm 1939.
- Hoạt động trong Hội Ái hữu cơ khí Hà Nội.
- Tham gia Ban Cán sự tỉnh Vĩnh Yên trước Cách mạng Tháng Tám.
- Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bắc Giang.
- Trưởng ban Cán sự, Ban Kinh tế Khu ủy Việt Bắc.
- Cục trưởng Cục Vận tải, Tổng cục Cung cấp.
- Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần.
- Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng.
- Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Khu Gang thép Thái Nguyên.
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần.
- Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
- Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.
- Đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.
- Đại diện của Đảng và Chính phủ tại miền Nam.
- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Bộ trưởng phụ trách Dầu khí kiêm Bí thư Tổng cục Dầu khí Việt Nam.
- Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khen thưởng:
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Nhiều huân chương, huy chương khác…
|
Trịnh Thanh Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét