Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Trận Vạn Tường - Battle of Chu Lai, 18/08/1965


Bối cảnh:

Ngày 15/08/1965, 1 quân nhân thuộc trung đoàn 1 chủ lực QK5 ra hàng, cung cấp cho phía Mỹ - VNCH thông tin trung đoàn 1 (thiếu) đã tập kết ở khu vực Vạn Tường, Bình Sơn, Quảng Ngãi, (đông nam Chu Lai 17km), chuẩn bị tấn công căn cứ Chu Lai. BCH TQLC Mỹ quyết định mở chiến dịch Starlite nhằm bao vây tiêu diệt trung đoàn 1 QGP ở Vạn Tường. Trận đánh được phía Mỹ gọi là Battle of Chu Lai, là cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa chủ lực các bên trên chiến trường Khu 5 cũng như trong toàn KCCM.


Diễn biến:

Lực lượng quân Mỹ được huy động chiến dịch gồm 3 tiểu đoàn TQLC 2/4, 3/3, 3/7 do trung đoàn 7 TQLC chỉ huy cùng các đơn vị trực thăng, xe tăng, xe lội nước; 1 đại đội pháo 155mm thuộc tiểu đoàn 2/12 pháo binh TQLC và 1 đại đội cối 106,7mm thuộc tiểu đoàn 3/12 pháo binh TQLC; liên đoàn 1 không quân TQLC. Hải quân Mỹ có 8 tàu đổ bộ, 1 khu trục hạm (USS Orleck) và 1 tuần dương hạm (USS Galveston) với tổng cộng 12 pháo 127mm và 6 pháo 138mm. Ngoài ra còn có các đơn vị trực thăng vũ trang UH-1B của lục quân và trinh sát, vận tải của không quân tham gia phối hợp.

10h00 ngày 17/08/1965, chiến dịch Starlite bắt đầu. Đại đội M tiểu đoàn 3/3 TQLC Mỹ từ căn cứ Chu Lai tiến xuống phía nam bằng xe lội nước và đóng chốt lại, cắt đường rút lui của QGP về phía bắc. 

17h00, phần còn lại của tiểu đoàn 3/3 được triển khai trên 3 tàu đổ bộ, di chuyển theo đường biển xuống tập kết ở phía nam Vạn Tường.

06h15 ngày 18/08/1965, mở màn trận đánh Vạn Tường, không quân TQLC xuất kích 20 lần chiếc F-4 và A-4, ném 18 tấn bom thường và bom napan, phối hợp với pháo binh TQLC ở căn cứ Chu Lai và tàu hải quân bắn phá các bãi đổ quân nằm sâu trong đất liền, dọn đường cho tiểu đoàn 2/4 TQLC sẽ đổ bộ bằng trực thăng.

06h30, đại đội I và K tiểu đoàn 3/3 TQLC được tăng cường 5 xe tăng M-48, 3 xe tăng phun lửa M-67 đổ bộ đường biển lên bãi biển An Cường mang mật danh Green Beach, bao vây Vạn Tường từ phía nam. Sau khi chiếm thôn An Cường 1 và càn quét khu vực, cánh quân này tiến về phía tây để hội quân với tiểu đoàn 2/4 TQLC.

06h45, đại đội G tiểu đoàn 2/4 TQLC được trực thăng không vận đổ bộ xuống bãi đáp Red. Đến 07h30, đại đội E và H tiểu đoàn 2/4 lần lượt đổ bộ xuống bãi đáp White và Blue, bao vây Vạn Tường từ phía tây. 
bản đồ Vạn Tường trước trận đánh
 


Tại bãi đáp Red và White, quân Mỹ chỉ gặp sức kháng cự yếu nên phát triển thuận lợi. Sau khi đổ bộ, đại đội G và E tiến về phía đông bắc tới tuyến BANANA. Tại đây đại đội G hội quân với đại đội M tiểu đoàn 3/3 đánh xuống từ phía bắc. 

Trên hướng của cánh quân đổ bộ đường biển, đại đội K tiểu đoàn 3/3 phát triển về tuyến BANANA bị chặn lại bởi QGP phòng ngự trên điểm cao. Tiểu đoàn 3/3 đưa thêm đại đội L vào tăng cường. Đến chiều, đại đội K và L tiểu đoàn 3/3 chiếm được điểm cao và tổ chức phòng ngự. Đại đội I tiểu đoàn 3/3 được pháo binh và không quân yểm trợ chiếm thôn An Cường 2 sau một trận đánh quyết liệt, sau đó phát triển tới hội quân với đại đội K.

Giao tranh căng thẳng nhất diễn ra ở phía nam ở khu vực bãi đáp Blue. Đại đội H tiểu đoàn 2/4 đã gần như đổ bộ xuống giữa tiểu đoàn 60 QGP và vấp phải sức kháng cự mạnh ở thôn Nam Yên 3 và đồi 43. QGP chủ động đợi những trực thăng đầu tiên hạ cánh xong mới tập trung hỏa lực vào những chiếc tiếp theo. Đại đội H phải ngừng tấn công vào Nam Yên 3 và gọi trực thăng vũ trang chi viện. Được trực thăng và 1 phân đội xe tăng từ bờ biển tới tăng cường, đại đội H tổ chức lại cuộc tấn công và chiếm được đồi 43.

11h00, đại đội H tiểu đoàn 2/4 với 5 xe tăng và 3 xe chống tăng Ontos rời đồi 43 tiến về phía đông bắc. Tưởng rằng thôn Nam Yên 3 đã được đại đội I tiểu đoàn 3/3 kiểm soát, quân Mỹ bỏ qua nó và lập tức bị hỏa lực của QGP ở thôn Nam Yên 3 và đồi 30 bắn dữ dội. Mặc dù được không quân chi viện, các đợt tấn công vào Nam Yên 3 đều bị đẩy lùi. Đến 14h00, đại đội H phải tổ chức rút về bãi đáp Blue. Dọc đường rút quân, đại đội H tiếp tục bị QGP chặn đánh quyết liệt, 1 trung đội bị chia tách. Đến 16h30, 2 trung đội còn lại của đại đội H mới rút được về bãi đáp Blue và tổ chức phòng ngự. 

Cùng thời gian đó, tiểu đoàn 3/3 TQLC tổ chức 1 đoàn xe gồm 5 xe lội nước và 3 xe tăng phun lửa đi tiếp tế cho đại đội I. Trên đường giữa thôn Nam Yên 3 và An Cường 2, đoàn xe bị lạc và bị QGP bao vây tấn công. 13h00, đại đội I tiểu đoàn 3/3 quay trở lại để tìm cứu đoàn tiếp tế và bị QGP chặn đánh quyết liệt ở khu vực xung quanh thôn An Cường 2. Đến 17h30, quân Mỹ phải dùng trực thăng đưa tiếp đại đội L tiểu đoàn 3/7 TQLC vào hỗ trợ cho đại đội I.

Đến chiều tối ngày 18/08, giao tranh trong khu vực tạm ngưng. Quân Mỹ đưa tiếp bộ phận còn lại của tiểu đoàn 3/7 vào tăng cường và cho các đơn vị triển khai phòng ngự, tạo thành thế bao vây Vạn Tường. Đêm 18/08, trung đoàn 1 QGP tổ chức vượt vòng vây. Đến đây trận đánh Vạn Tường chấm dứt. 


Kết quả:

Trong chiến dịch Starlite (chủ yếu là trận Vạn Tường), quân Mỹ có 52 chết và 222 bị thương, một số xe tăng, xe lội nước, trực thăng bị phá hỏng và phá hủy.Theo phía Mỹ, QGP có hơn 600 chết và 6 bị bắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét