Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Những kỳ tích của tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại


Những kỳ tích của tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại

Đường Trường Sơn năm xưa (Ảnh tư liệu)
Trong lời tuyên dương công trạng bộ đội Trường Sơn có đoạn viết: “Suốt 16 năm qua, bộ đội Trường Sơn đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công, vượt qua mưa bom, bão đạn, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, anh dũng mở đường thắng lợi, hoàn thành thắng lợi một cách đặc biệt xuất sắc, lập nên kỳ công trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta”.
Qua 16 năm, bộ đội Trường Sơn đã đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá, xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với chiều dài gần 2 vạn km, một tuyến đường kín dài 3140 km, hệ thống đường sông dài gần 500 km. Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1400 km vào tới Đông Nam Bộ, san lấp 78.000 hố bom, phá 12.600 quả bom từ trường, 8000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại. Bộ đội Trường Sơn tham gia đánh 2500 trận bộ binh, diệt 18.740 tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng, bắn rơi 2.455 máy bay các loại. Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển, tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân, chính, đảng vào ra qua Trường Sơn. Mỗi năm bình quân chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng chi viện cho chiến trường, riêng năm 1974 có lượng hàng gấp 22 lần năm 1966.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã đảm bảo giao thông toàn bộ tuyến đường quốc lộ 1 và 7 tuyến đường khác có tổng chiều dài lên tới 2577 km, bắc lại 88 cây cầu, sử dụng trên 1000 xe ô tô chở các quân đoàn chủ lực và chở bổ sung gần 20 vạn quân cho các chiến trường để giải phóng miền Nam.
Với những chiến công ấy, tập thể bộ đội tuyến đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng; 81 tập thể đơn vị (có 4 đơn vị cấp sư đoàn, 17 đơn vị cấp trung đoàn, 32 tiểu đoàn, 25 đại đội, 1 Đội điều trị quân y, 1 trạm sửa chữa ô tô, 1 trạm giao liên, trong đó có 3 đơn vị được tuyên dương Đơn vị anh hùng lần thứ hai); 48 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 32.000 người bị thương.
Chế tạo máy phát điện và xe ô tô chạy bằng than củi
Giữa rừng già Trường Sơn, khi không còn xăng, bộ đội Trường Sơn đã chế tạo thành công máy phát điện và ô tô chạy bằng than củi- nguồn nguyên liệu dồi dào từ những cánh rừng. Người sáng tạo ra hai thiết bị độc đáo đó là Anh hùng Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trạm trưởng trạm sửa chữa ô tô của tiểu đoàn 56, binh trạm 44. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng ngăn chặn và bắn phá tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Các đoạn tuyến phía trong của tuyến chi viện thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng. Khẩu phần ăn của mỗi người giảm xuống còn 0,3 kg gạo mỗi ngày. Nguy hại hơn, xăng thiếu đã làm tê liệt tuyến vận chuyển cơ giới. Lúc đó trạm sửa chữa ô tô thuộc tiểu đoàn 56, binh trạm 44 do Nguyễn Ngọc Quỳnh làm trạm trưởng đóng quân trong rừng già Trường Sơn. Không có xăng, máy phát điện bỏ xó, trong khi hàng loạt xe hỏng chờ sửa chữa để chuẩn bị cho chiến dịch vận chuyển mùa khô. Chỉ cần có điện, hàn vài mối hoặc tiện thêm vài chi tiết là xe có thể lên đường. Lúc đó, Nguyễn Ngọc Quỳnh đã nhớ lại việc nhà máy cơ khí Long Biên, nơi anh từng làm việc đã chế tạo ra ô tô chạy bằng than. Một câu hỏi lóe lên: Tại sao không dùng than củi cho máy phát điện? Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, chiếc máy phát điện chạy bằng than củi đã được chạy thử với kết quả trên cả sự mong đợi. Sau đó, Nguyễn Ngọc Quỳnh cùng trạm sửa chữa ô tô thuộc tiểu đoàn 56 lại chế tạo ra ô tô chạy bằng than củi để vận chuyển hàng, bởi xăng dự trữ của đơn vị đã cạn. Nhờ việc chế tạo thành công máy phát điện và ô tô chạy bằng than củi, trạm sửa chữa ô tô thuộc tiểu đoàn 56 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được công nhận là đơn vị quyết thắng 4 năm liền. Riêng trạm trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973.
“Tiền Trường Sơn”
Trong danh mục tiền tệ qua các thời kỳ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhắc đến một loại tiền khá lạ và coi đây là một hiện tượng tiền tệ độc đáo trong lịch sử, đó là “Tiền Trường Sơn”. Trong bối cảnh bộ đội Trường Sơn ngày một đông, địa bàn hoạt động lại trải dài trên 21 tỉnh của Việt Nam, Lào và Campuchia thì việc bảo đảm các chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ là một thách thức không nhỏ. Thêm nữa, đồng tiền Ngân hàng không được phép đưa vào sử dụng ở nam giới tuyến. Theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Cục tài vụ- Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Ngân hàng tổ chức in và đưa vào lưu thông trong lực lượng bộ đội Trường Sơn ở phía nam sông Bến Hải loại “Tiền Trường Sơn” còn được gọi là “phiếu bách hóa”. Tiền có 4 mệnh giá: 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và 10 đồng. Việc đưa vào sử dụng “Tiền Trường Sơn” đã giải quyết tốt các nhu cầu thanh, quyết toán, đảm bảo chế độ tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Thay vì bộ đội hậu cần phải chuyển nhu yếu phẩm đến từng đơn vị đóng quân dọc Trường Sơn, người ta chỉ cần chuyển hàng đến từng binh trạm cố định. Việc phân phối, cấp phát sau đó được thực hiện bằng hình thức “mua hàng”. Việc đưa “Tiền Trường Sơn” vào lưu thông như một hình thức thanh toán đã tạo ra rất nhiều tiện lợi, giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian, đơn giản hóa các thủ tục chứng từ, tem phiếu, sổ theo dõi của cả hai bên xuất và nhập hàng. Đặc biệt, các đơn vị, bộ phận hậu cần đã tiết kiệm được nguồn nhân lực đáng kể, giảm chi phí kho lán ở từng đơn vị, do đó hạn chế thương vong cho cán bộ, chiến sĩ trên đường đi phân phối nhu yếu phẩm. Khi cán bộ, chiến sĩ được luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác hoặc chuyển công tác ra khỏi chiến trường, “Tiền Trường Sơn” sẽ được sử dụng để thanh toán chế độ, tiêu chuẩn tại 2 địa điểm chính (Cự Nẫm (Quảng Bình) và Hà Nội). “Tiền Trường Sơn” hết sức thân thuộc với bộ đội Trường Sơn.
AP (Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét