Nhớ về một thời hào hùng ở chiến trường khu VI
Chiến trường cực Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên (khu VI) được Bộ Chính trị quyết định thành lập từ tháng 7/1961, trực thuộc Trung ương Cục Miền Nam, chỉ đạo các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức (Đà Lạt), Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận (lúc đầu có cả Khánh Hòa, Đắk Lắk sau tách 2 tỉnh này về khu V thì lại có thêm: Quảng Đức, tức Đắk Nông hiện nay và Phước Long) với trên 110.000 dân.
háng 5/1962, Ban An ninh khu VI được thành lập, khởi đầu từ 53 anh em được Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an chi viện chiến trường. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Thường vụ Khu ủy, phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, anh em vừa chân ướt chân ráo đến chiến trường đặt ba lô xuống là san nền làm nơi ở, nơi làm việc, vác rựa, xà gạc lên rừng phát rẫy trồng mì (sắn), bắp (ngô), xuống bám dân, bám buôn làng, phát động quần chúng nâng cao cảnh giác cách mạng, bảo vệ buôn làng, bảo vệ căn cứ, hành lang chiến lược, bố phòng chống địch càn quét, xúc tác dân, đồng thời xây dựng bộ máy an ninh tỉnh, triển khai phát triển thực lực an ninh cơ sở.
Trải qua hàng trăm cuộc càn của địch, vào sâu căn cứ, không còn bắp, mì, phải ăn măng le, bột xà bu, lá bép, trái gấm, củ rừng đói ăn "đói" muối, thiếu thuốc chữa bệnh, anh em vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, trụ vững ở chiến trường khu VI.
Từ cuối năm 1963, tình thế ở chiến trường đã chuyển biến rõ rệt theo sự phát triển chung của toàn miền, lại được sự chi viện kịp thời, có hiệu quả của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng An ninh khu VI đã triển khai trên khắp ba vùng chiến lược, xây dựng và phát triển lực lượng An ninh người dân tộc, tại chỗ, xây dựng cơ sở ở vùng nông thôn tranh chấp và đô thị, triển khai tấn công diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, góp phần vào việc giải phóng 256/723 ấp chiến lược (có 203.000 dân) tạo ra bước phát triển nhảy vọt, toàn diện của chiến trường cực Nam Trung Bộ - Nam Tây Nguyên, góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an dự gặp mặt truyền thống cán bộ An ninh khu VI.
Bước vào cuộc chiến tranh cục bộ, năm 1965, lực lượng An ninh khu VI được Bộ chi viện 178 cán bộ (gấp 2 lần số cán bộ nghiệp vụ chi viện trong 3 năm 1962 - 1964) đã kịp thời củng cố bộ máy từ An ninh Khu, tỉnh xuống đến các huyện và đội vũ trang, nâng cao được chất lượng công tác điệp báo (xây dựng được cơ sở điệp báo trong Tòa tỉnh trưởng, bình định, Ty Cảnh sát, Phòng 2 tiểu khu). Công tác phản gián phá được nhiều màng lưới của bọn biệt đội sưu tầm, đẩy mạnh công tác trinh sát vũ trang, diệt ác phá kềm.
Bước vào Xuân 1968, Ban An ninh khu đã huy động đại bộ phận lực lượng ra tiền phương, tham gia tổng tiến công nổi dậy, cùng các cánh quân, đánh vào hầu hết các mục tiêu của địch, đánh sâu vào nội thành Đà Lạt, đánh vào trung tâm thẩm vấn ở Phan Thiết, giải thoát hơn 300 đồng bào, đồng chí bị địch bắt giam, diệt hàng trăm tên ác ôn, thám báo, cảnh sát, bình định và phát triển được trên 200 cơ sở an ninh mật, góp phần cùng quân dân khu VI và toàn miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ - ngụy dùng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, đánh ta liên tục trên khắp 3 vùng chiến lược, kết hợp bình định cấp tốc, bình định đặc biệt ở từng thôn, xã, với càn quét dài ngày vào vùng căn cứ, đánh phá các bàn đạp vùng ven làm cho lực lượng An ninh bị tiêu hao nặng.
Cơ sở trong nhiều ấp chiến lược bị bể vỡ, bị đứt liên lạc, gây khó khăn đối với chiến trường khu VI, nhất là trong hai năm 1969 - 1970. Tuy vậy, lực lượng An ninh được các cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ, vẫn đứng vững ở bàn đạp vùng ven, dần dần chắp nối lại được cơ sở mật, vừa diệt bọn ác ôn kèm dân trong cảnh sát, bình định, Phượng Hoàng, thám báo, vừa tấn công chính trị, cải tạo tề ngụy ở cơ sở, làm lỏng rã hàng chục ban tề xã, ấp, thu hồi vũ khí và giải tán hàng chục trung đội phòng vệ dân sự.
Ban An ninh khu còn hết sức chú trọng phát triển lực lượng An ninh cơ sở, hình thành hệ thống an ninh xã, ấp gồm 717 người và 746 cơ sở mật các loại (gấp 5, 6 lần cán bộ chi viện). Nhờ đó đã tạo thế, tạo lực cho ta "chồm lên" khi thi hành Hiệp định Pari và nhất là khi thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 "con đường Cách mạng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực", lực lượng An ninh đã tích cực triển khai mọi biện pháp nghiệp vụ tiến hành diệt ác, phá kềm, cải tạo tề ngụy, xây dựng thực lực, mở rộng vùng giải phóng.
Từ sau ngày 10/3/1975, giải phóng Buôn Ma Thuột, được Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an điện chỉ đạo hàng ngày, lực lượng An ninh đã chủ động chuẩn bị phương án, kế hoạch và tham gia cùng đội quân chiếm lĩnh các mục tiêu của an ninh ở thị xã Gia Nghĩa (Quảng Đức) 23/3, Bảo Lộc (Lâm Đồng), 23/3, Đà Lạt (Tuyên Đức), 3/4, Phan Rang (Ninh Thuận) 16/4, Phan Thiết (Bình Thuận) 18/4, La Gi (Bình Tuy), 22/4 và tiến hành các biện pháp quản lý vùng mới giải phóng, bảo vệ an toàn các hành lang chiến lược của các cánh quân chủ lực tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng ta không thể nào quên trên 300 đồng chí vì sự nghiệp giải phóng khu VI, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất gian khổ, kiên trung này; có người đã được đồng chí, đồng đội quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ Bình Thuận, Ninh Thuận, Di Linh, Đà Lạt và cũng còn không ít liệt sĩ Công an hàng chục năm qua vẫn nằm giữa rừng già, là nỗi khắc khoải, thương nhớ của gia đình, người thân và đồng đội.
Xin gửi tới các đồng chí mấy dòng tâm sự của đồng chí Trần Lê, Bí thư Khu ủy (1961 - 1975) kiêm Trưởng ban An ninh khu (1962 - 1968):
Một thời rau sắn cùng nhau
Mưa bom, lửa đạn cùng chia nhau cùng
Cực Nam mảnh đất Anh hùng
Thủy chung giữ vẹn kiên trung một lòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét