Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc với cuộc phản công mùa khô 1967


Nhà Trắng và Lầu Năm Góc với cuộc phản công mùa khô 1967
QĐND - Chủ Nhật, 17/04/2011, 16:25 (GMT+7)
QĐND - Năm 1967 đi vào quân sử Mỹ với hàng loạt chiến dịch quy mô lớn, nổi bật là Gian-xơn Xi-ti (Junction City) - cuộc hành binh lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng 1967 cũng lại là năm chấm dứt “cuộc chiến tranh của Oét-mo-len (Westmoreland)”  (chiến tranh tổng lực bằng các binh đoàn lớn/ Large-unit war).
Trong sách “Việt Nam và sự đổi thay cách sống Mỹ” (Vietnam and The Transformation of American life), tác giả Bút-dan-cô (R. Buzzanco) đã dẫn dắt người đọc vào các “thâm cung bí sử” ở Nhà Trắng-Lầu Năm Góc để luận giải những nỗ lực bất thành của Mỹ hòng “thắp ánh sáng cuối đường hầm” ở miền Nam Việt Nam, trong năm cầm quyền cuối cùng của Giôn-xơn (Johnson).
Bất chấp cả sự kiên cường đã được thử thách của “Việt cộng” (VC), lẫn cái hố chất thải là chính trường của Việt Nam Cộng hòa, người Mỹ tiếp tục tiến hành cuộc chiến trên khắp Việt Nam, đánh phá miền Bắc bằng đường không, tiến công ở miền Nam Việt Nam bằng cả quân lực trên không lẫn trên bộ.
Kế hoạch Gian-xơn Xi-ti, chiến dịch “hoành tráng” nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Những cú đấm trượt
Trên cương vị Tổng chỉ huy, Oét-mo-len theo đuổi kiểu chiến tranh tiêu hao (attrition), sử dụng ưu thế khổng lồ về vũ khí của Mỹ nhằm làm xói mòn đối phương đến mức tuyển quân ở miền Nam và bổ sung quân từ miền Bắc không đủ bù đắp, dẫn đến VC không thể duy trì được sức chiến đấu.
Thắng lợi của Mỹ sẽ cận kề, khi quân lực Mỹ xoay xở được sao cho tổn thất của VC nhiều hơn là số tân binh miền Nam và quân số tăng cường từ miền Bắc. Oét-mo-len, kể cả trong chiến tranh và hậu chiến, đã bị phê phán kịch liệt về chiến lược “xói mòn” này, một chiến lược được áp dụng tốt bởi chính kẻ thù của ông ta. Vì quân VC ở miền Nam và quân đội chính quy của Tướng Giáp ở miền Bắc - Quân đội nhân dân Việt Nam có khả năng khắc phục các tổn thất về người, thay quân, và tiếp tục chiến đấu.
Người Mỹ đã không thể hiểu, hoặc chấp nhận thực tế này. Bộ trưởng quốc phòng Mắc Na-ma-ra (McNamara), kiến trúc sư của cuộc chiến tranh, quá tin vào công nghệ, máy tính, và phân tích hệ thống, nên không thể tưởng tượng được rằng đối phương lại kiên trì tranh đấu, bất chấp những số liệu khổng lồ do “đếm xác”, có được nhờ quân Mỹ sử dụng một cách vô tội vạ hỏa lực pháo binh và không quân. Trả lời một trợ lý thường tỏ ra bi quan về Việt Nam, Mắc Na-ma-ra la lên: “Cơ sở dữ liệu của ông đâu? Hãy đưa cho tôi những gì có thể đưa được vào máy tính. Đừng ngâm thơ, tôi không nghe đâu”.
Dựa trên tư tưởng chỉ đạo như thế, quân Mỹ ở Việt Nam bắt đầu những chiến dịch tìm-diệt. Trong các chiến dịch này, rừng bị tàn phá bởi hóa chất diệt cỏ, các làng bị bom san phẳng, dân chúng bị dồn khỏi quê hương bản quán.
Những chiến dịch như thế có thể hủy hoại đối phương khá nặng nề, gây tổn thất rất lớn về người cho VC, nhưng không đem lại thắng lợi cho Mỹ. VC luôn tìm được cách trụ vững trước những đòn tấn công của phe Mỹ, và luôn bù đắp được những thiệt hại.
...Tướng Giáp đã rút được những bài học cần thiết từ những trận đánh như Ia Đrăng, quân của ông luôn tránh những trận đụng độ giữa các đơn vị lớn của hai bên, trừ phi xuất hiện những điều kiện thuận lợi cho cách đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Oét-mo-len lại rút ra bài học khác, nên vẫn cứ dấn vào cuộc chiến tranh tiêu hao theo cách của mình... Trong chiến dịch Xê-đa Phôn (Cedar Falls) chẳng hạn, bộ binh, thiết giáp, và quân đổ bộ đường không của Hoa Kỳ muốn “phát quang” vùng Tam giác sắt, chiến khu của “VC” ở ngoại vi Sài Gòn. Quân Mỹ sử dụng chiến thuật “trên đe dưới búa”: một số đơn vị quân Mỹ sẽ chặn một đầu của vùng chiến khu này, rồi tìm cách “lùa” đối phương vào trận địa của một số đơn vị Mỹ khác triển khai ở phía bên kia của chiến trường ...
Trước trận đánh, quân Mỹ đã phải dồn dân ra khỏi khu Tam giác sắt này sao cho họ (quân Mỹ) có thể lập nên một khu vực quyết chiến điểm (free fire zone-vùng được xạ kích không hạn chế), trong đó mọi người Việt đều được coi là Việt Cộng, và đều trở thành mục tiêu cho mọi hỏa khí của quân Mỹ. Bằng cách dồn dân và tiến công vào dân thường như thế, sự “trợ giúp của quân đội Hoa Kỳ” đã trở thành nhân tố làm người dân căm giận.
Mất đà...
Rồi 6 tháng sau chiến dịch Xê-đa Phôn, toàn bộ lực lượng VC đã quay trở lại vùng Tam giác sắt này và được người dân ủng hộ mạnh mẽ hơn trước. Ngay cả cấp phó “diều hâu” của Oét-mo-len (Westmoreland) là tướng Uy-li-an Đi-puy (William DePuy) phải thừa nhận rằng, trong những chiến dịch như Xê-đa Phôn hay Gian-xơn Xi-ti, “VC ẩn nấp và chờ đợi... Rất khó nắm bắt được VC. Họ kiểm soát trận đánh tốt hơn. VC chính là người quyết định cho trận đánh xảy ra hay không”.
Đối phương đã duy trì được lực lượng và quyết định tính chất của cuộc chiến trong cả hai năm: 1966 và 1967. Chỉ huy tình báo của quân Mỹ, tướng Mắc Cơ-rít-chi-an (McChristian) cho hay, đối phương đã bổ sung được tới 65 nghìn quân trong năm 1967. Khi lực lượng đối phương hùng hậu đến như thế, cộng thêm với sự ì ạch của quân đội Việt Nam cộng hòa-vốn chỉ trụ lại đối mặt với VC được khoảng 40% các cuộc giao tranh, Oét-mo-len đã phải liên tục xin tăng viện.
Với 470 nghìn quân Mỹ đã hiện diện ở Nam Việt Nam năm 1967, tư lệnh Oét-mo-len vẫn “đòi” thêm 200 nghìn quân nữa, nhưng Giôn-xơn chỉ đáp ứng được một phần, bằng 40 nghìn lính. Với số quân tăng viện này, Westy chỉ chống đỡ được với đối phương là cùng. Từ tháng 9-1966 đến tháng 1-1967, VC đã chủ động đánh tới 87 trận, trong khi con số dự báo của phía Mỹ chỉ là 5.
Trên đe dưới búa
Con số trận đánh trên thực tế này đã gây sốc cho Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Ơ-lơ Uy-lơ (Earle Wheeler). Ông ta đã cảnh cáo Oét-mo-len hôm 9-3-1967 như sau: “Tôi không thể đi gặp tổng thống và nói những điều trái ngược với các báo cáo của chính mình trước đó... Chúng ta không phát biểu chắc chắn được ai đang nắm quyền chủ động ở Nam Việt Nam”.
Hoảng hốt thực sự (duly alarmed), Uy-lơ lệnh cho Oét-mo-len chưa công bố con số này, bởi vì nếu chúng xuất hiện trên truyền thông, “chúng sẽ, nói trắng ra, sẽ bóc trần bộ mặt thật của Oa-sinh-tơn (Washington)”.
Oét-mo-len không công bố những con số thống kê, nhưng cũng chẳng xem xét lại chiến lược (tìm-diệt) của mình. Với cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã khởi nguồn, viên tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam hiểu rằng Giôn-xơn muốn có những tiến bộ ở Việt Nam, để cuộc chiến tranh này không làm mắc cạn chuyến tàu về lại đích Nhà Trắng thêm lần nữa của ông.
Vì thế, với quyền lựa chọn eo hẹp và sức sáng tạo có chừng mực, Westy chỉ còn cách nằng nặc đòi thêm quân. Cùng kỳ, ông ta nhận thấy quân tiếp viện cũng chỉ có giá trị mức nào thôi. “Đánh nhau với du kích cũng như diệt mối bằng cái tuốc-nơ-vít”, ông giải thích cho tổng thống Mỹ (trong chuyến Giôn-xơn sang Gu-am hạ tuần tháng 3-1967), “khi anh diệt từng con một, mối sinh sôi nảy nở bằng chính tốc độ diệt mối của anh”.
Tiếp tục cuộc chiến với 470 nghìn quân trong hình thái “cối xay thịt”, nhưng Oét-mo-len và Uy-lơ vẫn không thể bảo đảm thắng lợi, kể cả nếu được tăng viện thêm 200 nghìn quân nữa.
Nói trước, bước qua?
Oét-mo-len nhận thức được những khó khăn chồng chất đang chờ ông ta phía trước, biết rằng tổng thống đang chờ nghe những tin vui. Vì thế, ông ta tuyên bố rằng, vào mùa xuân ấy quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa “bắt nhịp” được với nhau. Trong chuyến đi khuếch trương thắng lợi tháng 11-1967 tại Oa-sinh-tơn, ông thông báo đầy lạc quan rằng, cuộc chiến tranh của Mỹ đang được vận hành tốt, rằng ông có thể thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Tham mưu trưởng liên quân Ha-rôn Giôn-xơn (Harold Johnson) hân hạnh khi nghe loan báo một triển vọng sáng sủa như vậy, nhưng vẫn thấy nỗi lo canh cánh. Trong thư gửi sang Nam Việt Nam cho tướng Crây-tơn A-bram (Creighton Abrams) ngày 22-11-1967, Ha-rôn Giôn-xơn hy vọng Westy “đã không đào hố cho chính mình bằng những lời nói trước. Diễn đàn của các nhà tiên tri rởm (false prophets) đang ngày một đông đảo hơn”.
“Ánh sáng cuối đường hầm”, mà những người phê phán Oét-mo-len về sau đem ra làm trò cười, đã quả báo thành những ánh chớp giáng vào ông. Cuối tháng 1-1968, sấm chớp giội khắp miền Nam... Trong vòng 60 ngày Tết Mậu Thân đã hạ bệ Tổng thống Mỹ, buộc lãnh đạo cao cấp nhất phải xem xét lại cuộc chiến tranh, đem lại đỉnh điểm cho một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của nước Mỹ thời hiện đại. Tết Mậu Thân chính là bản cáo phó dành cho Mỹ ở Việt Nam.
Sau đường hầm là... đường hầm
Tết Mậu Thân 1968 chính là lúc cả giới quân sự ở Oa-sinh-tơn và Sài Gòn, cùng với các chính khách Mỹ nhìn nhận rằng Việt Nam quả là một nghiệp chướng tiến thoái lưỡng nan cho Mỹ. Vài ngày sau khi cuộc Tổng tiến công bắt đầu, Oét-mo-len báo cáo với Uy-lơ rằng, “với góc nhìn thực tiễn, phải chấp nhận rằng đối phương vừa giáng (vào phe Hoa Kỳ và đồng minh ở Nam Việt Nam) một đòn khốc liệt”...
Một tuần sau, Oét-mo-len tiếp tục diễn giải tình hình một cách thật thà: “Chúng ta hiện đang nhập vào một cuộc chơi mới, nơi ta phải đương đầu với một kẻ thù kiên quyết, có kỷ luật cao, được động viên cao độ để nhanh chóng giành thắng lợi”...
Cuối tháng 3-1968, Tổng thống than vãn rằng “mọi người đều khuyên nên đầu hàng”. Nhưng chính Giôn-xơn mới là người đầu hàng, khi ông ta công bố quyết định rút khỏi chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Tới năm 1968, thắng lợi trở thành một đại lượng vô cùng nhỏ, nên các vị tư lệnh Mỹ, sợ bị đổ lỗi cho thất bại, đã trực diện tìm mọi phương cách buộc Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Họ cố làm sáng tỏ rằng, chính Giôn-xơn đã đẩy họ vào tình thế luôn thiếu nguồn nhân lực (để tiến hành chiến tranh).
Bằng cách bác bỏ đề nghị tăng quân, Tổng thống Mỹ đã tạo cho các lãnh đạo quân sự Mỹ một bằng chứng ngoại phạm, giúp họ thoát khỏi trách nhiệm về cuộc chiến bại ở Việt Nam ...
Lê Đỗ (lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét