Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Núi Thành –Trận đầu đánh Mỹ


Núi Thành –Trận đầu đánh Mỹ
QĐND Online - Đến đầu năm 1965, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta leo thang lên một bước mới, chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", xuất con chủ bài quân viễn chinh xâm lược Mỹ, từng bước phản công hòng giành lại quyền chủ động, giành thắng lợi quyết định về chiến lược. Lúc này, vấn đề nóng bỏng và bức thiết nhất được đặt ra làquân và dân ta liệu có khả năng đánh được quân viễn chinh Mỹ không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào?
Trên chiến trường Quảng Nam, sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh Quân khu V về tình hình chiến sự và dự kiến cửa biển An Hoà là một trong những địa điểm Mỹ có thể đổ quân. Quân khu chỉ thị cho Tỉnh phải chuẩn bị tư tưởng cho các lực lượng vũ trang với tinh thần sẵn sàng cao nhất để đánh Mỹ. Ngày 7 tháng 5 năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam, phải nhanh chóng phát động chuyển tư tưởng bộ đội, du kích từ đánh nguỵ sang đánh cả nguỵ lẫn Mỹ. Tổ chức lực lượng hình thành vành đai bao vây, tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ ở khu vực Kỳ Liên, Kỳ Hà; hạn chế không cho chúng phát triển nhanh ra vùng giải phóng. Trước mắt quyết diệt gọn cho được một đại đội lính Mỹ. Mục tiêu đánh, đơn vị thực hành trận đánh do Tỉnh lựa chọn, quyết định.
Quán triệt nhiệm vụ trên giao, Tỉnh đội Quảng Nam đã chọn đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ chốt giữ núi Thành làm mục tiêu tiến công.
Núi Thành thực chất là một quả đồi dài 1.250 m, rộng 60 m, có hai mỏm chính: mỏm đông cao 50 m, mỏm tây cao 49 m. Hai mỏm đông, tây cách nhau 500m bởi một "yên ngựa". Núi Thành có độ dốc thoai thoải, đất đá, cây cối lúp xúp ngang ngực, xen kẽ nhiều loại dây leo chằng chịt. Sáng ngày 17 tháng 5 năm 1965, quân Mỹ càn quét lên vùng giải phóng của ta ở phía tây xã Kỳ Liên và chiếm giữ núi Thành. Đây là vị trí có tầm quan sát xa, khống chế rộng 3 xã Kỳ Sanh, Kỳ Liên, Kỳ Khương và một số điểm chốt khác trong dãy núi răng cưa làm thành hệ thống chốt tiền tiêu bảo vệ cho sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, kiểm soát quốc lộ Số 1, đoạn từ An Tân đến dốc Sỏi. Đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ chốt giữ núi Thành có 140 tên, chia làm 3 cụm chốt. Cụm chốt điểm cao 50 có ban chỉ huy đại đội và hai trung đội (thiếu 1 tiểu đội), có trận địa súng ĐKZ 75mm, trận địa súng cối 81mm. Cụm chốt điểm cao 49 có một trung đội, một trận địa súng ĐKZ 75 mm. Cụm chốt ở mỏm phụ ở phía bắc đồi 50 có một tiểu đội. Trang bị chủ yếu của quân Mỹ ở đây là súng đại liên M60, phóng lựu 79, súng Gơ - răng M2 và lựu đạn M26. Trận địa chốt của chúng được bố trí theo kiểu hình vòng bậc thang từ thấp lên cao; các cứ điểm, trận địa bên trong có thể chi viện các trận địa vòng ngoài bằng cả lực lượng và hoả lực. Chiến hào của chúng sâu đến thắt lưng, xen kẽ có các công sự. Ban ngày, chúng căng bạt che nắng, ban đêm dỡ ra. Giữa các công sự dọc chiến hào là các hố cá nhân. Cách chiến hào ngoài cùng khoảng 5m, chúng rải một lớp rào kẽm gai bùng nhùng xen kẽ trong những bụi gai tạo nên vật cản khiến quân ta khó tiếp cận. Đóng quân trên núi Thành, quân Mỹ không lùng sục, tuần tra rộng mà chỉ trong phạm vi phía trong rào kẽm gai. Ban ngày, chúng dùng ống nhòm để quan sát, nếu phát hiện được mục tiêu hoặc nghi ngờ thì gọi máy bay, pháo binh bắn phá, hoặc dùng súng ĐKZ, súng cối bắn vào mục tiêu. Ban đêm, chúng ở yên trong các công sự, canh gác tại chỗ, tránh phát ra tiếng động, không bắn pháo sáng nhằm đề phòng trinh sát của ta xác định thế phòng ngự và chi tiết phòng ngự. Mọi sinh hoạt từ cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đến vũ khí, trang bị..., chúng đều dựa vào máy bay trực thăng.
Qua quá trình theo dõi, trinh sát nắm chắc các quy luật hoạt động của quân Mỹ, ta rút ra kết luận:quân Mỹ tuy đông, hoả lực mạnh, chốt giữ trên điểm cao có rào kẽm gai, công sự bố trí nhiều tầng để hỗ trợ nhau, có pháo binh, không quân sẵn sàng chi viện... nhưng điểm yếu vẫn là cơ bản. Đấy là, lính thuỷ đánh bộ Mỹ mới đến chiến trường Việt Nam, còn nhiều bỡ ngỡ. Chúng được huấn luyện tốt về đổ bộ đánh chiếm đầu cầu trong chiến tranh hiện đại, nay bị đẩy lên chốt giữ điểm cao là trái sở trường, lại phải đối phó với chiến tranh nhân dân rộng khắp của ta nên bị động. Công sự, vật cản dã chiến của chúng đã đơn giản lại nằm sâu trong vùng đất giải phóng của ta nên dễ bị cô lập, chia cắt. Nếu ban dêm, ta dùng lực lượng tinh nhuệ, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, bất ngờ tiến công, đánh gần, đánh nhanh thì có thể hạn chế đựơc sức mạnh hoả lực của địch, kể cả pháo binh và không quân, nhất là chúng không thể dùng xe tăng, bộ binh ứng cứu trong đêm tối. Từ phân tích, đánh giá về địch và căn cứ vào khả năng, trình độ tác chiến tập trung của các đơn vị, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam quyết định sử dụng Đại đội 2, tiểu đoàn 70, có tăng cường Phân đội đặc công V.16, làm lực lượng chủ công trong trận đánh Mỹ ở núi Thành. Phương án tác chiến là sử dụng chiến thuật đặc công hoá, bộ đội bí mật tiềm nhập, khắc phục vật cản, áp sát mục tiêu, hình thành thế bao vây, bất ngờ đồng loạt nổ súng; đánh gần bằng lựu đạn, thủ pháo, tiểu liên, kiên quyết thọc sâu vào tung thâm, phát triển chia cắt từng cụm quân địch, từng đoạn chiến hào để tiêu diệt, không cho địch co cụm chống trả.
Sau một thời gian ngắn gấp rút huấn luyện bổ sung và làm công tác chuẩn bị, sáng 25 tháng 5 năm 1965, tại thôn 2, xã Kỳ Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đại đội 2 và Phân đội đặc công V.16 làm lễ xuất quân đánh Mỹ. dồng chí Hoàng Minh Thắng, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam tham dự lễ giao nhiệm vụ đánh Mỹ cho đơn vị và trao lá cờ Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của Đảng bộ Tỉnh cho Đại đội trưởng Võ Thành Nam, để cắm lên núi Thành vào giờ phút chiến thắng.
Đúng 0 giờ 30 ngày 26-5-1965, Đại đội 2 và Phân đội đặc công V16 đã nổ súng tiến công quân Mỹ ở núi Thành. Trận đánh diễn ra trong vòng 30 phút. Với cách đánh thích hợp, tiến công bất ngờ và tinh thần chiến đấu ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ ta đã lập nên chiến công vang dội: tiêu diệt gọn Đại đội 2, thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, thu 14 súng, phá huỷ 2 súng ĐKZ 75mm, 1súng cối 81mm, 3 máy thông tin vô tuyến và nhiều trang thiết bị chiến tranh khác. Đây là đòn phủ đầu choáng váng không những đối với Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đóng ở căn cứ Chu Lai, mà còn là nỗi sợ hãi chung của sĩ quan, binh sĩ Mỹ mới chân ướt, chân ráo nhảy vào tham chiến trên chiến trường miền Nam. 
HÀ THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét