Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Khu trưởng khu 7 Nguyễn Bình và vụ án Ba Nhỏ cuối năm 1945

Khu trưởng khu 7 Nguyễn Bình và vụ án Ba Nhỏ cuối năm 1945



Xin được tự xử, Ba Nhỏ từ từ đưa họng súng lên ngực rồi khẽ bóp cò nhưng đạn không nổ. Ném súng xuống đất, hỏi mượn Khu trưởng khu 7 Nguyễn Bình khẩu súng ngắn khiến mọi người đều lo lắng sợ Ba Nhỏ sinh lòng phản trắc. Lạnh lùng, Nguyễn Bình móc súng ngắn đưa cho Ba Nhỏ. Một tiếng tách vang lên, Ba Nhỏ gục xuống tắt thở.
Nguyễn Bình (1908-1951) tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh tại làng Yên Phú, xã Tịnh Tiến, huyện Mỹ Hào (nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ) tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám và đã đảm nhiệm nhiều  chức vụ quan trọng. Năm 1948, Nguyễn Bình là người được phong hàm Trung tướng đầu tiên của quân đội. Ngay từ năm 1945, ông đã là nhà quân sự tài năng, quả cảm, nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, không chỉ nhân dân, bộ đội mà cả... giới giang hồ Nam Bộ cũng phải nể trọng.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, gây hấn ở Sài Gòn - Gia Định (23/9/1945), tình hình Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Lực lượng vũ trang ở đây lúc này đang còn trứng nước chỉ có vũ khí thô sơ, lại bị phân tán trong khi phải đối phó với đội quân xâm lược nhà nghề, được trang bị hiện đại của thực dân Pháp. Trước tình hình đó, tháng 10/1945, Nguyễn Bình lúc đó đang là Khu trưởng Khu Duyên Hải, Bắc Bộ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm nhiệm vụ phái viên của Trung ương ở Nam Bộ, sau đó giữ chức Khu trưởng Khu 7.
Trên cương vị Khu trưởng Khu 7 những ngày đầu kháng chiến, với uy tín và tài trí của mình, ông đã cùng Khu ủy và Xứ ủy Nam Bộ có những quyết định đúng đắn, giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản, phức tạp của tình hình lúc bấy giờ, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị quân sự Nam Bộ tại An Phú Xã, thống nhất các lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một trong những việc làm nổi tiếng của ông thời gian này là bắt và tiến hành xử tử Ba Nhỏ, một tay anh chị khét tiếng, mượn danh bộ đội cách mạng, phạm nhiều tội ác.
Trong những ngày đầu kháng chiến, lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có “bộ đội Bình Xuyên”. Lực lượng này được ra đời từ trước Cách mạng Tháng Tám, bao gồm chủ yếu là các tay anh chị cùng đông đảo đàn em giang hồ, vì mưu sinh và tự vệ mà kết lại với nhau thành từng nhóm, lấy nghĩa huynh đệ, luật giang hồ làm căn cứ ứng xử. Ngoài lực lượng của Dương Văn Dương, còn có lực lượng của Nguyễn Văn Mạnh (ở Bình Xuyên, Chánh Hưng, Cần Giuộc) và nhiều nhóm anh chị khác tự coi là “bộ đội Bình Xuyên”. Trước cách mạng, Bình Xuyên đã làm cho bọn thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn phải khiếp sợ. Trong bối cảnh bị thực dân Pháp đô hộ, họ chống Pháp và tay sai theo cách riêng của giới giang hồ.
Phát huy tính tích cực vốn có của những người Bình Xuyên, một số người cộng sản đã thâm nhập vào Bình Xuyên với chân tình bằng hữu, tuyên truyền và vun đắp cho họ lòng yêu nước, giúp họ hiểu được mục đích cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, các thủ lĩnh Ba Dương và Tám Mạnh cùng nhiều đàn em thân tín đi theo cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các nhóm vũ trang, từng bước phát triển thành các chi đội, tích cực học tập, rèn luyện, tham gia vào cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc.
Trong lúc đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ Bình Xuyên nỗ lực tham gia con đường kháng chiến thì một bộ phận lực lượng như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn... diễn ra sự phân hóa sâu sắc. Một số bộ phận không vượt qua được bản chất lưu manh, cơ hội, đã quay lại phản bội cách mạng, làm tay sai cho Pháp hoặc chuyển thành các nhóm thổ phỉ trên con đường tan rã.
Ba Nhỏ là một trong những trường hợp như vậy.
Ba Nhỏ tên thật là Lê Văn Khôi, trước Cách mạng Tháng Tám, Nhỏ đứng đầu một băng nhóm chuyên nghề đâm thuê chém mướn ở nam, bắc cầu Xóm Củi. Khi chuyển địa bàn hoạt động sang vùng Cầu Bông - Tân Định - Đa Kao - Thị Nghè, y nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của nhiều băng nhóm. Trong cuộc biểu tình ngày 25/8 và míttinh ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn, Ba Nhỏ nổi tiếng trong giới anh chị vì đã nghênh ngang cưỡi ngựa mang gươm kiểu Lương Sơn Bạc đi giữa thành phố.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, trong dòng thác cách mạng, cũng như nhiều băng nhóm, Ba Nhỏ đưa lực lượng của mình nhập với các nhóm vũ trang khác, cùng tiến công Nha Khí tượng, Đài Phát thanh trong nội đô Sài Gòn rồi tham gia mặt trận Thị Nghè - Bà Chiểu - Cầu Bông (Mặt trận số 1). Dưới danh xưng “bộ đội cách mạng”, nhóm Ba Nhỏ tham gia tấn công khu Tân Định đã thảm sát gần 70 người mang quốc tịch Pháp, làm phức tạp thêm tình hình vốn rất phức tạp lúc bấy giờ.
Khi lực lượng cách mạng đang bao vây Sài Gòn, Ba Nhỏ đã không ngần ngại rút gươm hạ sát một bà mẹ vô tội ở Cầu Bông, chỉ vì trong giỏ của bà có 1kg thịt định đem cho con gái và cháu ngoại đang bị kẹt trong thành phố. Mặt trận số 1 bị vỡ, Ba Nhỏ chỉ huy bọn đàn em gồm 3 tiểu đội với 15 khẩu súng, rút vào Bưng Sáu Xã, không gia nhập bộ đội Thái Văn Lung ở đây mà liên kết với Tư Cò Đá - một phần tử lưu manh với lực lượng vài chục đàn em và hơn chục khẩu súng chuyên bắt cóc con tin đòi tiền chuộc.
Tại đây, nhóm Ba Nhỏ và Tư Cò Đá tiếp tục nhũng nhiễu nhân dân, đe dọa chính quyền và các đoàn thể cách mạng địa phương. Bộ đội Thái Văn Lung buộc phải đến lập lại an ninh trật tự. Khi giặc Pháp lấn chiếm và kiểm soát vùng cao của huyện Thủ Đức, Ba Nhỏ và Tư Cò Đá kéo về Long Thành, ra tận miền nam Phan Thiết rồi trở lại Bà Rịa. Đi đến đâu, chúng gieo rắc tai họa đến đó. Hành vi của chúng làm cho quần chúng bất bình, nhiều người hiểu sai về quân đội cách mạng.
Để giữ vững kỷ luật quân đội, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, Nguyễn Bình quyết định bắt Ba Nhỏ và mở phiên tòa xét xử để làm gương cho ba quân. Long Thành được quyết định là nơi xét xử, bộ đội Liên chi 2 và 3 sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ chỉ huy Liên chi 2 và 3 họp bàn phương án bố trí lực lượng bảo vệ. Lực lượng bảo vệ sẽ gồm hai lớp. Lớp ngoài có 4 bộ phận: Một trung đội được tăng cường trọng liên 13,2 ly của bộ đội Phú Xuân sẽ chốt chặn ở ngã ba Phước Long, cách nơi xử án 1,5 km về hướng đông nam; một trung đội thuộc bộ đội Tư Huỳnh có tăng cường trọng liên 13,2 ly triển khai bố trí đội hình dọc hai bên tỉnh lộ 19, đoạn chạy qua làng Phước Mỹ, cách khu vực mở phiên tòa 1,5km về phía bắc; một trung đội thuộc bộ đội Chín Hiệp sẽ triển khai lực lượng tại Bàu Chai, cách khu vực xử án 1km về phía tây; một tiểu đội thuộc ban trinh sát sẽ tiến hành kiểm soát chặt con kinh Bà Ký, đoạn từ Phước Thiên (phía tây bắc) đến đồn điền Butier (phía đông nam dài 4 km).
Ở vòng trong, lực lượng bảo vệ được bố trí gồm một trung đội vệ binh, có nhiệm vụ tổ chức kiểm soát, tuần tra chặt khu vực xung quanh đình thần xã Phước Lai - nơi mở phiên tòa. Một số cán bộ chỉ huy Ban trinh sát và Ban tình báo tập trung theo dõi và kịp thời có biện pháp ứng phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét