Ông Lê Viết Trinh - Người vẽ mô phỏng hàng rào điện tử Robert MacNamara. |
Người “giải mã” hàng rào điện tử MacNamara
ICTnews - Với ông Lê Viết Trinh, người đầu tiên vẽ mô phỏng hoàn chỉnh hàng rào điện tử MacNamara trước cả khi nó được dựng lên gần 1 năm, thì câu chuyện chỉ như mới xảy ra hôm qua.
Tổ tình báo nội tuyến B8
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Viết Trinh ở thôn Bạch Lộc, Trung Hải, Gio Linh- Quảng Trị. Thoáng ngạc nhiên về sự xuất hiện đường đột của người lạ, nhưng khi biết chúng tôi tìm đến để biết thêm những chiến công của ông và Tổ tình báo nội tuyến B8 đã làm được trong những ngày đất nước còn chia cắt thì ông vui vẻ tiếp chuyện.
Với giọng đặc sệt miền Trung, ông kể: “Tui tham gia cách mạng từ trong kháng chiến chống Pháp khi mới 13 - 14 tuổi. Vốn là một cán bộ cách mạng cơ sở hoạt động từ thời kháng Pháp nên đến năm 1962, tui được giao nhiệm vụ làm tình báo nội tuyến thuộc Công an Vũ trang Vĩnh Linh. Tổ tình báo của tui gồm có 5 người do tui làm tổ trưởng, được cài cắm vào hàng ngũ của địch gồm có anh trai tui là Lê Minh Định (cảnh sát nguỵ, biệt hiệu H1), Hoàng Văn Hưu (Trưởng ban mật mã của quận Trung Lương, biệt hiệu H10), Trần Chút (biệt hiệu Mai), Hoàng Trọng Viện (bảo vệ cho tên Đồn trưởng quận Trung Lương, biệt hiệu H5) và tui (biệt hiệu K2). Bốn anh em trong tổ hằng ngày nắm bắt, phát hiện những âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, nguỵ sau đó chuyển về cho tui (lúc đó tui đang hoạt động tại cơ sở) tổng hợp, đánh giá và gửi ra cho lực lượng ta ở bờ Bắc sông Bến Hải để có cách đối phó kịp thời”.
Với âm mưu “tát nước bắt cá”, tách dân ra khỏi Đảng, Mỹ ngụy bắt tay vào việc xây dựng hàng rào điện tử MacNamara - “tác phẩm” ngông cuồng của 47 nhà khoa học mà đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert MacNamara, ngốn tới hàng tỷ USD. Để thực hiện âm mưu đó, ngày 19/5/1967 Mỹ - nguỵ đã tiến hành một cuộc càn quét quy mô lớn với 30.000 quân, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, tiến hành đốt sạch 22 thôn của quận Trung Lương và quận Gio Linh, bắt đầu thiết lập vành đai trắng và xây dựng hàng rào điện tử MacNamara.
Âm mưu này của bọn Mỹ, nguỵ đã được phát hiện từ trước nhưng đến đầu năm 1967 chúng ta mới có một bản vẽ phác thảo hoàn chỉnh về hàng rào điện tử MacNamara. Thông tin về hàng rào do các đồng chí trong tổ nắm, báo lại bằng trao đổi trực tiếp hoặc bằng bản vẽ phác thảo những chi tiết nắm được. Trên cơ sở tập hợp thông tin từ các mẫu vẽ, các ý kiến do các đồng chí khác trong đội gửi cùng những chỉ đạo của cấp trên, ông Lê Viết Trinh đã vẽ mô phỏng bản đồ về hàng rào điện tử MacNamara hình chữ T, lấy đường số 1 làm trục trung tâm, Khe Sanh, Cửa Việt là hai điểm mút.
Sơ đồ lớp phòng thủ dự định xây dựng trong kế hoạch thiết lập “Hàng rào điện tử McNamara”. |
“Khó nhất là giải mã các thông tin có được”
Ông Trinh kể: “Vào khoảng cuối năm 1966, tui nhận được thông tin về việc xây dựng hàng rào MacNamara từ anh Hoàng Văn Hưu. Lúc mới biết tin tui mừng lắm nhưng lo cũng nhiều. Mừng vì ta đã phát hiện được âm mưu của địch. Lo vì hàng rào điện tử dựng lên ta sẽ đối phó bằng cách nào đây. Nghe xong tui báo ngay về cơ sở ta ở miền Bắc, để có chỉ đạo kịp thời. Cũng từ đó tui nhận được rất nhiều thông tin về hàng rào từ anh em trong tổ gửi về, như tình hình về các khu định cư mới Mỹ nguỵ sẽ lập lên sau khi thiết lập vành đai trắng khu vực ngoài Cồn Tiên; anh báo về khu vực nào bọn chúng hốt dân, khu vực nào chúng giữ dân lại... mà đặc biệt là những thông tin liên quan tới âm mưu xây dựng hàng rào điện tử của địch. Nắm được thông tin nào tui vẽ lại theo sự miêu tả của các anh, dần dần một bản đồ mô phỏng hàng rào điện tử MacNamara được hình thành. Nhưng khó khăn nhất là vẽ các chi tiết, vị trí nhà quan sát, cao điểm đồi 46, đồi 31, Cồn Tiên, nơi địch đặt rada... Bởi những chi tiết này nếu miêu tả sai lệch sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, không có lợi cho cách mạng sau này”.
Công việc vẽ bản đồ gian nan lắm. Có những bữa ông Trinh ngồi nghĩ nát óc mới giải mã được những chi tiết của anh em, vì mỗi người nắm thông tin ở những đoạn, vùng khác nhau, có những vùng như trên miền núi ông chưa khi nào đặt chân đến nên tui phải tự hình dung, tưởng tượng ra mà vẽ.
Chỉ trong vòng hơn 2 tháng vẽ mô phỏng bản đồ (cuối năm 1966 đầu năm 1967), ông đã phải liên lạc với cơ sở cách mạng ta ở bờ Bắc hàng trăm lần. Ngoài việc liên lạc thông tin bằng hòm thư chết, ông còn phải tự mình vượt sông Bến Hải, có những đêm trời lạnh đến nỗi sang đến bờ ông ngã quỵ xuống, anh em phải đốt lửa sưởi ấm một lúc mới tỉnh.
Mặc dù, về cơ bản những nét vẽ mô phỏng đầu tiên của Tổ tình báo B8 không khớp từng ly, từng tý với những gì mà hàng rào điện tử MacNamara dựng lên, nhưng xét về điều kiện của ta lúc bấy giờ, quả thực ý nghĩa của việc phát hiện này là hết sức quan trọng. Nhất là bản mô phỏng của tổ tình báo đã chỉ ra được điểm mạnh, yếu của hàng rào điện tử MacNamara sau này nên đã giúp cho cách mạng có các biện pháp đối phó kịp thời trước những âm mưu của Mỹ, nguỵ. Chính những nét vẽ đầu tiên của Tổ tình báo là cơ sở cho nhiều bản đồ chi tiết về hàng rào điện tử được hình thành, góp phần giúp quân Giải phóng xé toạc “hệ thống phòng thủ có một không hai của Mỹ- nguỵ” vào tháng 3/1972.
Hàng rào điện tử MacNamara là tên gọi cho hệ thống các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập được quân đội Mỹ sử dụng dọc theo khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của quân đội ta lưu thông qua khu vực này trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, công trình này đã bị phá sản từ sau năm 1968, khi quân dân ta mở cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân và cuộc tấn công căn cứ Khe Sanh (Quảng Trị).
Hàng rào điện tử MacNamara được quyết định xây dựng từ tháng 6/1966 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert MacNamara, bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn...), các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (rada, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn...), được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10–20km, dài khoảng 100km từ cảng Cửa Việt lên đường 9, tới biên giới Việt Nam – Lào, sang Mường Phìn (Lào). Công trình tiêu tốn 2 tỉ USD.
Lê Dương
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 51, 52, 53 ra ngày 28/4/2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét