Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tìm lời giải cho cuộc chiến


Tìm lời giải cho cuộc chiến

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã là một di sản quan trọng mang âm hưởng buồn trong lịch sử nước Mỹ. Hơn 1/3 thế kỷ đã qua nhưng cuộc chiến này vẫn hiện diện trong nhiều trang hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh, những cuộc hội thảo, những công trình chuyên khảo của giới nghiên cứu... Thực tế đó nói lên những tác động hết sức sâu rộng trong lòng nước Mỹ.
Mắc nợ thế hệ tương lai
Để lý giải về nguyên nhân thất bại của cuộc chiến Việt Nam, từ rất sớm, gần như ngay sau ngày chế độ Việt Nam cộng hòa sụp đổ (tháng 4-1975), tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Việt Nam, trong cuốn hồi ký “Tường trình của một quân nhân” (A soldier reports) đã tập trung mô tả những tình huống của cuộc chiến tranh. Lý giải nguyên nhân thất bại, một mặt, Westmoreland cho rằng “đã không được phép hành động một cách thỏa đáng”, mặt khác ông ta cũng liệt kê những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Mỹ. Một trong những sai lầm đó là quân Mỹ và Sài Gòn đã không được phép đánh chiếm Bắc Việt Nam (nhằm phá tận gốc nguồn chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu của Việt cộng ở miền Nam); chính phủ và tổng thống không nói hết được với nhân dân Mỹ về quy mô và tính chất của sự hy sinh phải có, để đến nỗi “tạo ra một lỗ hổng về niềm tin để rồi phát triển thành một vực sâu không thể nào vượt qua được”.
Còn người được cho là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh Việt Nam - McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời hai tổng thống lại quan niệm sự dính líu của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam như là một “tấn thảm kịch”.
Trong cuốn hồi ký với nhan đề “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học Việt Nam”, ra mắt công chúng vào thời điểm tròn hai mươi năm sau cuộc chiến tranh (tháng 4-1995), McNamara viết: “Tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì chúng tôi coi là nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này. Chúng tôi đã ra các quyết định dưới ánh sáng của các giá trị đó. Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.
Những tư liệu lịch sử lên tiếng
Nói đến tư liệu lịch sử là nói đến tính xác thực của những thông tin mà những tư liệu đó chứa đựng. Các văn kiện của Lầu Năm góc về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam hình thành từ giữa năm 1967, khi McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm quyết định: “Cho tiến hành một công trình nghiên cứu lớn để biết lý do và cách thức Mỹ đã dính quá sâu... ở Việt Nam”. Một điều đáng nói là, những tài liệu này, vào ngày 13-6-1971, đã bắt đầu được đăng tải trên báo New York Times. Sau 3 số báo đầu tiên, Tòa án Liên bang phụ trách quận Nam New York ra lệnh tạm thời không cho Báo New York Times đăng tiếp, với lập luận là “nếu tiếp tục công khai phổ biến câu chuyện này thì lợi ích quốc phòng của nước Mỹ và nền an ninh của nước Mỹ sẽ gặp tai hại tức thời và không sao sửa chữa được”.
Tuy nhiên, giới báo chí của Mỹ (nổi bật là hai tờ New York Times và Washington Post) đã đấu tranh thông qua các tòa án trong 15 ngày, với lập luận rằng, các văn kiện của Lầu Năm góc là “thuộc về lĩnh vực của công chúng và không gây nguy hiểm gì đến an ninh quốc gia”. Cuối cùng, Tòa án tối cao Mỹ đã cho phép tiếp tục đăng tải những tài liệu của Lầu Năm góc.
Vẫn trên con đường tìm lời giải cho những thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1999, McNamara cùng nhóm tác giả James G.Blight, Robert Brigham, Thomas Biersteker và Col.Herbert Schandler cho ra mắt cuốn “Cuộc tranh luận không dứt”. McNamara đã dẫn ra trong cuốn sách cuộc gặp gỡ và trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, ngày 9-11-1995. Khi McNamara nêu quan điểm: “Chúng ta cần xem xét lại những hiểu nhầm nhau - vì hai lý do - một là chúng ta cần xác định những cơ hội bị bỏ lỡ và hai là chúng ta cần rút ra bài học, những bài học sẽ cho phép chúng ta tránh những thảm kịch tương lai”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Ngài nhầm khi gọi cuộc chiến tranh là một “thảm kịch” - tức là nói rằng nó phát sinh từ những cơ hội bị bỏ lỡ. Có thể đó là thảm kịch đối với các ngài vì cuộc chiến tranh của các ngài là chiến tranh xâm lược “theo kiểu thực dân mới”... Các ngài muốn thế chân Pháp; các ngài đã thất bại, binh lính đã bỏ xác, như vậy đúng là thảm kịch vì họ đã chết cho một sự nghiệp xấu. Nhưng đối với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Mỹ là một sự hy sinh cao cả… Tôi nhất trí là các ngài đã bỏ lỡ cơ hội và các ngài cần rút bài học. Còn chúng tôi ư? Theo tôi, chúng tôi không thể làm gì khác trong những hoàn cảnh như vậy”.
...Hơn ba thập niên qua, các học giả Mỹ đã cho ra đời hàng ngàn cuốn sách và hàng vạn bài báo viết về cuộc chiến tranh Việt Nam. Một thống kê đã chỉ ra rằng, cho đến đầu thế kỷ 21, “có khoảng 3 vạn cuốn sách và bài báo về chủ đề chiến tranh ở Việt Nam đã được xuất bản tại Mỹ, trong đó có khoảng gần 1.500 cuốn sách của các nhà khoa học”. Những con số vừa đề cập nói rõ hơn sức hút lớn của chủ đề lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam đối với giới nghiên cứu ở Mỹ, đặc biệt khi mà Mỹ là nước bại trận.
Với bốn nhiệm kỳ làm phóng viên thường trú tại Hà Nội, nhà báo Trung Quốc Trương Gia Tường (Tân Hoa xã) còn nhớ như in ngày mà cả Việt Nam vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Ông kể: “Khắp các đường phố Hà Nội, người dân tưng bừng đốt pháo ăn mừng. Nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng. Dòng người kéo về quanh hồ Hoàn Kiếm và Nhà hát lớn giơ cao ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫy cờ hân hoan đón mừng thắng lợi vĩ đại”.
Ông viết tiếp: “Tinh thần chiến đấu không sợ gian khổ, không sợ hy sinh và hành động anh hùng của quân, dân Việt Nam làm tôi rất xúc động, tôi vui chung với chiến công hiển hách của họ. 36 năm đã trôi qua nhưng vô vàn những hình ảnh anh hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn khắc sâu trong trái tim tôi, in đậm trong trí óc tôi. Trong số họ có rất nhiều người dân bình thường, có thể họ không phải là những nhân vật anh hùng và cũng chưa từng được khen ngợi, tuyên dương, nhưng hành động và tư tưởng của họ vẫn như vầng hào quang lấp lánh làm rung động lòng người”.
KIM THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét