Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

50 năm ngày mở đường Trường Sơn


50 năm ngày mở đường Trường Sơn 


Bài 1: Mở đường tiếp viện giữa đại ngàn


Ngã tư Trạ Ang nối hai nhánh Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn và đường 20 quyết thắng, nơi bố trí nhiều kho hàng tiếp vận cho Đoàn 559. Ảnh: P.ĐIỀN

Con đường gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc, con đường của xương máu hy sinh... Đường Trường Sơn 559 chính là con đường đi đến ngày thống nhất.
“Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” là phương châm được quán triệt trong giai đoạn đầu mở đường Trường Sơn, nhằm bảo đảm bí mật.
Tránh địch, lánh dân
Đại tá Nguyễn Linh Anh - thế hệ đầu tiên tham gia mở đường Trường Sơn - nguyên Chính ủy Trung đoàn 71 kể lại: Từ 1959 đến 1964 chủ yếu là đi bộ luồn lách giữa rừng mày mò “xoi” đường. Địch phát hiện chặn đường này thì ta “xoi” đường khác. Về sau do yêu cầu chi viện cao mới dùng các phương tiện cơ giới để vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào các chiến trường”.
Giai đoạn đầu chủ yếu là gùi, thồ và chui luồn trong rừng. Để tránh bị lộ ta phải “tránh địch, lánh dân”. Trang phục của cán bộ, chiến sĩ thì được cải trang theo người dân địa phương nơi hành quân qua. Tư trang, giấy tờ cá nhân liên quan đến miền Bắc hoặc phe XHCN đều phải bỏ lại miền Bắc. Nếu lỡ bị địch bắt thì khai là người địa phương đi rừng bị lạc. Khi gặp địch, buộc phải tự vệ chỉ được dùng súng trường, tình thế nguy hiểm lắm mới dùng súng tiểu liên, không được dùng súng trung liên. “Anh em ức chế lắm nhưng vì nhiệm vụ còn dài ở phía trước nên ai cũng động viên nhau kiềm chế hết mức” - đại tá Linh Anh nói.
Mở đường trên đất bạn
Điểm xuất phát đầu tiên của Đoàn 559 là ở Khe Hó (Vĩnh Linh). Cuối năm 1959 mới dời ra làng Ho (Quảng Bình) để tiện cơ động trên cả hành lang Đông-Tây. Từ năm 1960, “ngửi” thấy mùi quân ta mở đường, địch rải quân càn quét, đổ biệt kích ngăn chặn.
Năm 1961, ta cùng quân giải phóng Lào giải phóng cánh đồng Chum, rồi Khăm Muộn và Savannakhet. Giữa năm 1963, địch phong tỏa nhánh Đông Trường Sơn, Trung đoàn 71 mở ngay hành lang mới từ bắc sông Bến Hải lên thượng nguồn đến điểm giao hàng tại Mường Noòng (Lào). Đại tá Linh Anh bồi hồi: “Trong thời kỳ này Lào giúp ta rất nhiều. Người dân Lào luôn che chở, bảo vệ cán bộ trong các trận càn quét, lùng sục. Họ biết cán bộ ẩn náu ở trong rừng nên thường để mít, rau ở bìa rừng tiếp tế chứ không vào trong căn cứ”.
Đầu năm 1964, Bộ Quốc phòng chỉ thị bàn giao lại hành lang trong nước cho Trị Thiên, chuyển Đoàn 559 sang Tây Trường Sơn. Quân số toàn Đoàn lúc đó lên đến gần sáu ngàn người với các điểm giao hàng cho khu Năm, Nam bộ và Tây Nguyên.
Đaị tá Nguyễn Linh Anh - Nguyên Chính ủy Trung đoàn 71, thế hệ cán bộ đầu tiên trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn. Ảnh: P.ĐIỀN
Những kho hàng giữa đại ngàn
Đại tá Hoàng Trá - nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14 nói rằng: “Việc bố trí hệ thống kho bãi tập kết hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường 20 quyết thắng (dài 125 km nối liền Quảng Bình với tỉnh Savannakhet, Lào) có ý nghĩa rất lớn trong việc phân phối tiếp tế cho Đoàn 559. Có ba cụm tổng kho lớn và hàng trăm kho nhỏ, tất cả bố trí cẩn mật trong rừng sâu nhưng tiện đường ra vào, được ngụy trang, bảo quản rất kỹ lưỡng. Việc chọn địa thế làm kho cũng phải căn cứ theo địa hình để vừa dễ tác chiến vừa dễ bốc xếp hàng hóa.
Binh trạm 14 đã tổ chức thành lập hai tiểu đoàn xe với 250 chiếc, lúc cao điểm có thể lên đến 300 chiếc. Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn TNXP bốc vác để tập kết hàng. Một tổng kho đủ sức chứa cho khoảng 125-145 chiếc xe vào nhập hàng, lấy hàng cùng một lúc. “Để đảm bảo bí mật, các đoàn xe khi vào bằng một đường, khi đi ra thì vòng đường khác. Hàng hóa nhập vào, xuất ra liên tục nên rất ít khi tồn đọng để đỡ thiệt hại khi bị hỏa hoạn hoặc bị ném bom” - đại tá Hoàng Trá phân tích.
Để bảo vệ các kho hàng, các binh trạm còn thành lập một trung đoàn bộ binh thường xuyên đi tiễu trừ thổ phỉ, gián điệp. Cạnh đó còn bố trí một trung đoàn pháo cao xạ, một trung đoàn tên lửa để đánh máy bay địch oanh kích từ xa nhằm hạn chế máy bay ném bom trực diện vào kho. Lực lượng phòng không chỉ được nổ súng khi địch phát hiện kho hàng và tập trung đánh phá. “Nói tóm lại, khâu tổ chức tiếp vận hàng hóa cho chiến trường và tổ chức các kho bãi tập kết hàng là phải tổ chức hợp đồng nhiều binh chủng. Binh trạm 14 có lúc quân số đông tương đương một sư đoàn” - đại tá Hoàng Trá bộc bạch.
Mạng đường chiến lược Trường Sơn (đường bí mật gùi, thồ) năm 1959-1965. Bản đồ do đại tá Dương Đình Hà - nguyên Tham mưu phó Cục Công binh Bộ đội Truờng Sơn, nguyên Tham mưu phó Binh đoàn 12 vẽ.
Rất nhiều lần các kho hàng bị đánh bom nhưng thường thì không bị thiệt hại lớn vì công tác canh phòng, bố trí đánh chặn khá chặt chẽ.
Thời gian đầu các binh trạm bố trí cách nhau khoảng 125 km, về sau cự ly tăng lên 300-400 km; giai đoạn cuối do tốc độ phát triển nhanh của chiến trường nên hàng hóa từ hậu phương được chuyển thẳng ra tận chiến trường với quãng đường dài hơn 1.000 km. Giai đoạn cuối cuộc chiến, cụm kho hàng lớn nhất được đặt tại Quảng Trị để vừa dễ tiếp nhận hàng qua cảng Cửa Việt, vừa thuận tiện chuyển tiếp qua hai nhánh Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn tiếp cận chiến trường Tây Nguyên và tổng kho B2 (Bù Gia Mập, Bình Phước).
16 năm, một con đường
Cả tuyến đường Trường Sơn được thực hiện trong suốt 16 năm (1959-1975). Tháng 5-1959, Tổng quân ủy trung ương thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy phiên hiệu là Đoàn 559. Đồng chí Võ Bẩm được cử làm trưởng đoàn kiêm ban cán sự Đảng. Ngày 19-5-1959, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở đường, tổ chức vận chuyển quân sự vào miền Nam. Đồng thời, tổ chức đón cán bộ, bộ đội chuyển công văn tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Ngày 13-8-1959, chuyến hàng chi viện đầu tiên vượt Trường Sơn, sau tám ngày đêm liên tục đã chi viện cho Khu năm Trị Thiên an toàn. Giao 20 khẩu tiểu liên, 20 súng trường, 10 thùng đạn.
Đường Trường Sơn nằm trên hơn 1.000 km chiều dài và 100 km chiều ngang, trên diện tích 132.000 km2, xuyên qua 28 tỉnh, thành và lãnh thổ ba nước. Đào đắp 28 triệu m3 đất đá, vận tải bằng ôtô gồm năm trục dọc và 21 đường ngang dài 20.000 km, 500 km vận tải đường sông, 3.000 km đường giao liên. Thông qua tuyến đường này đã đưa 1.000 tấn hàng, hơn một 1.349.000 tấn vũ khí vào miền Nam. Đường Trường Sơn được kẻ địch ví như “Trận đồ bát quái xuyên rừng”.
Lực lượng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 lúc đầu có 500 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các sư đoàn miền Nam tập kết, chủ yếu là của Liên khu năm. Năm 1963, Đoàn 559 bổ sung thêm quân, tuy nhiên chỉ tuyển chọn những người ở các tỉnh là người Quảng Bình, Quảng Trị với mục đích để dễ trà trộn với dân địa phương. “Thế hệ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn 559 từ miền Nam ra đi mở đường cứ đi biền biệt, chẳng ai có tin tức gì về gia đình, người thân” - đại tá Linh Anh nói.
Bài 2: Dòng sông “ngầm” vượt núi
Chuyển thiết bị để lắp đặt đường ống xăng dầu (ảnh tư liệu). Sơ đồ tuyến đường ống xăng dầu đường Trường Sơn (màu chì đỏ).
Dưới bão đạn mưa bom, đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài 5.000 km từ miền Bắc vào tận Lộc Ninh được xây dựng.
50 năm ngày mở đường Trường Sơn - Bài 2: Dòng sông “ngầm” vượt núi
Dưới bão đạn mưa bom, đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài 5.000 km từ miền Bắc vào tận Lộc Ninh được xây dựng.
Từ năm 1961 đến 1964, các phương tiện cơ giới đưa lên đường Trường Sơn để đẩy nhanh tốc độ vận chuyển cho Đoàn 559 đã đối mặt với nguy cơ thiếu nhiên liệu vận hành. Địch tăng đánh phá ác liệt nhằm chặt đứt nguồn chi viện vào Nam. Người Mỹ từng tuyên bố: “Tất cả xe Việt cộng đưa lên đường Trường Sơn sẽ trở thành đống phế thải”. Họ đã sai lầm!
Vượt “tam giác lửa”
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền đạt chỉ đạo của Trung ương: Nhất thiết phải có xăng vào chiến trường để cung cấp cho hàng ngàn chiếc xe đang chết gí trên đường Trường Sơn” - đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Chỉ huy trưởng Công trường 18 (đơn vị được Tổng cục Hậu cần giao thiết kế xây lắp đường ống dẫn xăng dầu), kể lại.
Nhưng vấn đề hóc búa là đưa xăng dầu theo cách nào. Ông Trần Sanh - một cán bộ học ở Liên Xô về được giao phụ trách việc đi khảo sát từ tây Quảng Bình sang tận Lùm Bùm (Lào). Sau đó, thiếu úy Hoàng Ngọc Minh được cử đi khảo sát từ Thiệu Dương (Thanh Hóa) vào Hà Tĩnh. Đồng chí Đặng Thế Hải tổ chức huấn luyện cho các kỹ sư trong hơn một tháng về cách thức lắp đặt đường ống. Đại tá Mai Trọng Phước được cử làm chỉ huy trưởng Công trường 18 với nhiệm vụ đầy gai góc là vượt “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm.
Lúc đó, ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có kho N1, còn kho N2 ở Nga Lộc (huyện Can Lộc). Nhiệm vụ trước mắt là phải nối hai kho này lại với tổng chiều dài đường ống 42 km.
Tháng 8-1968, đường ống vượt sông Lam được triển khai. Đây là thử thách khó khăn nhất. Địa điểm vượt sông Lam gần rú Trét (còn gọi là “rú chết” vì bị máy bay đánh phá ác liệt). Do bị đánh khốc liệt nên cấp trên không cho chuyên gia Liên Xô vào hướng dẫn, các kỹ sư Việt Nam phải tự mày mò dù kiến thức về lắp đặt đường ống còn sơ đẳng. Thời điểm ấy nước sông Lam chưa lên cao, nếu không làm xong thì những tháng sau đó sẽ có lũ, khó lòng kéo ống qua sông được.
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện chỉ thị: “Nếu không thực hiện vượt sông Lam được thì ra Hà Nội vượt sông Hồng để chuyên gia Liên Xô truyền đạt kinh nghiệm rồi vào làm”.
Anh em quyết tâm làm bằng được. Lần đầu thả ống xuống sông, do chưa có kinh nghiệm nên ống mắc vào đá, phải lặn xuống để gỡ. Sau đó, rút kinh nghiệm dùng hai chiếc thuyền kèm hai bên để nhấc đầu ống lên. Đến năm giờ sáng thì đường ống vượt sông dài 500 m hoàn thành trong điều kiện bị đánh phá khủng khiếp. Làm xong lấy cát phủ lên trên để ngụy trang.
Tiếp đó, ban ngày bị địch đánh phá nên tập trung làm ban đêm, vì vậy tiến độ thi công chậm. Trong khi đó, người dân mang áo tơi đi làm ban ngày lại ít bị đánh trực diện. Thế là anh em ai nấy đều chuyển sang mang áo tơi y như nông dân đi làm đồng, làm cả ban ngày. Tốc độ thi công đẩy lên rất nhanh. Sau 45 ngày, đường ống dài 42 km được kéo vào gần ngã ba Đồng Lộc. “Kho ở Nga Lộc có xăng ngon ơ!” - ông Phước tự hào.
Sông “ngầm” vượt Cổng Trời
Vượt qua “tam giác lửa”, Công trường 18 tiếp tục thi công lên tuyến đường Khe Ve, trên đường 12, tiếp giáp Quảng Bình-Hà Tĩnh.
Các trọng điểm bị đánh phá khốc liệt. Trên chỉ đạo phải làm đường vòng để tránh bị đánh phá. Đường ống được chuyển lên khu vực Cha Lo, đèo Mụ Giạ, rồi vòng sang Na Tong (Lào) và kết thúc ở Lùm Bùm. Từ đó, các trạm bơm tiếp cận nhanh xuống đường 9 Nam Lào. Các kho bể lớn chứa xăng dầu ở Na Tong có dung tích lên đến 500 m3.
Khó nhất là thi công tuyến ống vượt Cổng Trời sang Lào. Không ngày nào ngớt tiếng bom đạn. Núi bị bóc đi hết lớp này đến lớp khác, đá tơi thành bột tạo thành những thảm bụi dày.
“Đèo cao dựng đứng nên việc dùng máy bơm dầu qua đường ống là bài toán hóc búa. Ở đèo Mụ Giạ, do chưa có kinh nghiệm nên anh em đặt hai máy bơm cạnh nhau, khi vận hành bơm thử nước không đẩy lên được đỉnh đèo. Tuy nhiên, khi anh em nghiên cứu đặt máy bơm xa nhau thì xăng dầu vượt Cổng Trời ngon ơ!” - ông Phước phân tích.
Ngày 3-3-1969, đường ống được nối thông tuyến từ Vinh vào Cổng Trời, vượt Trường Sơn đến Ka Vát với chiều dài 350 km. Xăng dầu được bơm đầy các kho để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1969. Tham mưu trưởng tác chiến Đoàn 559 xúc động: “Dòng sông ngầm đã vượt núi. Từ đây việc cấp phát xăng cho Đoàn 559 đơn giản như mở vòi nước máy ở Hà Nội”.
Mạch máu chiến trường
Đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn bắt đầu thực hiện từ 1968. Trước đó, năm 1966, Liên Xô viện trợ cho ta hai bộ đường ống. Mỗi bộ dài 100 km, ống phi 10. Mỗi ống dài sáu mét. Ngoài hai bộ đường ống, còn có 20 máy bơm PNU 35/70. Mỗi máy nặng bốn tấn. Các bể chứa xăng dầu làm bằng sắt có dung tích 25 m3. Đi kèm với đường ống, còn có loại phụ kiện đi kèm như roăng, co nối, ngoàm, các loại ống nối ngắn, dài, tổng cộng khoảng 50 ngàn tấn. Cùng với hệ thống đường ống là 300 cây xăng, trạm bơm. Trung bình mỗi giờ có thể cấp phát, giải phóng cho hơn một tiểu đoàn xe tại một trạm bơm. Ống được thiết kế chôn sâu từ 30 cm đến 40 cm rồi dùng đất đá lấp lên.
“Về sau số đường ống do Liên Xô viện trợ hết. Trung Quốc đưa một đoàn chuyên gia sang khảo sát và được ta chuyển giao đường ống và máy bơm. Chuyên gia Trung Quốc đưa về nước họ chế tạo lại, sau đó chi viện ngược trở lại cho ta” - đại tá Mai Trọng Phước cho hay.
Đại tá Phước khẳng định: “Không có chuyện như Hoa Kỳ nói rằng đã phát hiện được Việt cộng thi công đường ống dẫn xăng ngay từ ngày đầu để tập trung đánh phá. Vì ngay cả anh em thi công lẫn người dân có biết mô tê gì về đường ống xăng dầu đâu. Ngay cả người dân cũng tưởng là làm đường ống thủy lợi”.
Thực hiện nhiệm vụ lắp đặt hệ thống đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn này là đơn vị Công trường 18, gồm 400 người, chia làm bốn ca thi công liên tục. Ngoài ra còn phải huy động hàng ngàn lượt ngày công của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân. Tổng chiều dài đường ống khoảng 5.000 km, kéo dài từ biên giới Việt-Trung đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Hệ thống đường ống đã vận chuyển hơn 270.000 tấn xăng dầu cho các chiến trường.
Ngày 20-11-1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn gặp nhau tại ngã ba biên giới (Kon Tum-Plây Khốc). Từ đây, xăng được tiểu đoàn xe xitéc chở đi các cụm kho ở Lộc Ninh, chuẩn bị cho các chiến dịch lớn.
Cái khó ló cái khôn
Đại tá Mai Trọng Phước (ảnh) nhớ lại: Sau khi bơm được 200 tấn xăng vào kho Ra Mai cấp phát cho các đơn vị và thả theo sông Sê Băng Hiêng cho Binh trạm 9 thì bị B52 ném bom khiến đường ống ở suối Ra Vơ bị cháy. Trước tình hình đó, Công trường 18 thực hiện phương án hai nối đường ống từ đèo 900 sang đèo 1001. Nhưng do địa thế ở đèo 1001 hết sức hiểm trở nên không thể đưa máy bơm vào được.
Để khắc phục, kỹ sư Hồ Sỹ Hậu với chỉ một cái la bàn đã đi khảo sát và tìm ra phương án vượt đèo. Điểm vượt là ở cao điểm 900, rồi nhờ quán tính để vượt đèo 1001.

Bài 3: Những cô gái chinh phục Cổng Trời
Đó là những nữ lái xe Trường Sơn và thanh niên xung phong trên tuyến đường lên Cổng Trời (Quảng Bình), một trong những nơi bị đánh phá ác liệt nhất.
Rất nhiều người biết bến ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), huyền thoại Hang Tám thanh niên xung phong (Quảng Bình), Truông Bồn (Nghệ An). Đồi Ba Bảy (Quảng Bình) cũng là một địa danh bi tráng như thế. Tên gọi ấy được đặt để nhắc về đêm 3-7-1966.
Huyền thoại đồi Ba Bảy
Tháng 6-1965, Trung đội C759 thanh niên xung phong (TNXP) được giao nhiệm vụ phụ trách bảo vệ cung đường 10 km từ Khe Cấy đi Bãi Dinh, trên đường lên Cổng Trời. Đoạn đường này rất hiểm trở, một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, suốt ngày đêm còn bị đánh bom khốc liệt, trơ trụi không còn một bóng cây, lán trại phải làm sâu trong rừng sâu để tránh bị đánh phá.
Từ tháng 6-1965 đến tháng 5-1966, địch đã đánh xuống đồi Ba Bảy 633 trận với khoảng 6.000 quả bom tạ, bom tấn. Bình quân mỗi đội viên phải hứng chịu 40 quả bom lớn, không kể rocket, bom bi, đạn 12 ly.
C759 đã có khẩu hiệu bất tử: “Máu C759 có thể đổ, đường C759 không bao giờ tắc!”. “Trước lúc đi làm, chúng tôi làm lễ truy điệu sống, mỗi lần đi làm đều mang theo cồn để lỡ có ai hy sinh mà tẩn liệm” - nữ TNXP Trần Thị Huế nhớ lại.
Đêm 3-7-1966, nhiều tốp máy bay dội bom liên tục xuống ngọn đồi nơi hàng trăm TNXP của Trung đội C759 đang thi công đào đắp đường. Hàng ngàn tấn đất đá từ trên đồi đổ sập xuống đường, vùi lấp luôn cả bảy TNXP và 11 bộ đội công binh. Ngoài ra còn 68 người bị thương. Khi địch đánh bom, ba TNXP Hoàng Thị Minh Thú, Trần Thị Thế, Nguyễn Thị Tình vào hầm trú ẩn. Một quả bom tấn rơi trúng hầm khiến cả ba chị hy sinh. Trong túi áo chị Hoàng Thị Minh Thú - tiểu đội trưởng còn một lá thư chưa kịp gửi cho mẹ. Chị viết: “Mẹ ơi! Các con ở đây gian khổ và ác liệt lắm! Cái chết với con từng phút từng giây. Nhưng không may con có hy sinh thì xin mẹ đừng khóc, đừng buồn. Mà hãy tự hào về con!”. Lá thư này sau đó được lưu giữ tại Bảo tàng Trung ương Đoàn.
“Sau ba ngày đêm cật lực đào bới đã tìm kiếm được một số thi thể. Do yêu cầu chi viện từ tuyến trước nên mặc dù một số thi thể chưa tìm thấy vẫn phải san lấp mặt đường để thông xe. Đêm phát lệnh thông xe, anh em trong toàn đơn vị C759 ai nấy rưng rưng nước mắt vì xác đồng đội mình chưa được lấy lên hết. Có người được lấy lên sau tám ngày, lại có người sau năm năm mới tìm thấy” - ông Lại Văn Ly, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nói.
Đại đội C759 được tuyên dương tập thể anh hùng. Nhưng ông Ly nói: “Có lẽ trong đời tôi ngậm ngùi nhất là 18 người hy sinh ở đồi Ba Bảy vẫn chưa có bia tưởng niệm sau ngần ấy năm chiến tranh”. Còn chị Trần Thị Huế thì ngậm ngùi: “Chúng tôi đã nhiều lần lên thắp hương cho đồng đội và lấy đá đắp một nấm mồ nhưng sau đó trở lại thì nấm mồ đá cũng bị cuốn trôi”.

Tay lái nữ vượt mưa bom
Năm 1968, yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, Binh trạm 12 đã tuyển chọn 24 nữ chiến sĩ đào tạo lái xe cấp tốc. Nữ tài xế Nguyễn Thị Kim Quy kể: “Tháng 7-1968, sau khóa học lái xe 45 ngày ở Thanh Hóa, chúng tôi được phân công hai người một xe thẳng tiến vào chiến trường. Nhiệm vụ của Trung đội lái xe nữ C13 là vận chuyển hàng hóa, thuốc men, dụng cụ y tế, quân trang, quân dụng đi từ Nghệ An vào Hà Tĩnh vào các kho của Binh trạm 12. Về sau đơn vị này vừa chở hàng đi vào các binh trạm vừa đón thương binh ra tuyến sau điều trị”.
Cổng trời (Quảng Bình) cao dựng ngược, ngay cả cánh tài xế nam cừ khôi cũng ngán ngại. Đèo cao, vực sâu, đường hẹp chỉ vừa đủ một chiếc xe đi. Máy bay Mỹ ném bom suốt đêm ngày khiến đất đá trên Cổng Trời tan thành những thảm bùn dày. Ấy vậy mà những nữ Trường Sơn lúc đó đã chinh phục Cổng Trời một cách ngoạn mục.
Ở Cổng Trời hy sinh tổn thất không kể xiết. Dưới thì chinh phục địa hình bị bom cày xới, trên thì đạn bom vãi như mưa. Có đồng nghiệp nam vừa dạy hát cho cánh lái xe nữ xong nhận nhiệm vụ “vượt khẩu” nhưng xe chưa kịp lên đỉnh đèo đã bị trúng bom tan tành. Trước sự khốc liệt đó, cấp trên mới lấy tinh thần xung phong “vượt khẩu”. Ngay tức thì các nữ lái xe là Phạm Thị Phàn, Nguyễn Thị Tiếp xung phong lên xe nhấn ga nhắm hướng Cổng Trời thẳng tiến trả hàng bên kia biên giới an toàn trở về. Sau chiến công ngoạn mục ấy, cô Phàn được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ Poljot.
Xe của họ chủ yếu là Zil ba cầu, Gát 51, Gát 63. Phần lớn chị em trong trung đội chỉ mới mười tám, đôi mươi, chẳng nề hà nguy hiểm. Mới ra trường, trong khi đó đường sá đi lại hết sức khó khăn, lạ lẫm, lại thường xuyên bị máy bay truy đuổi nên các nữ chiến sĩ lái xe tiếp tế đã không ít lần lao xuống hố bom. Khi xe sập hố nằm chết gí mới kịp hoàn hồn. Về sau chạy quen chuyện lên đèo xuống dốc, máy bay bám đuổi đánh phá trở thành chuyện như cơm bữa. “Chạy lâu rồi tay lái cũng “lụa””.
“Giàn mướp che đạn thù”
Là thân con gái lại làm việc con trai nên mọi sinh hoạt của chị em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần phải ngủ dưới gầm xe. Chốn sinh hoạt riêng tư đều xoay xở trong cái ca bin chật hẹp.
Nữ tài xế Vũ Thị Đan kể: “Là tài xế nữ nhưng dọc đường xe hỏng, cần thay lốp, làm điện chị em cũng tự làm lấy. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi phải ngụy trang xe theo kiểu làm giàn mướp. Cứ mỗi ngày phải ngụy trang lại một lần để lá khỏi bị héo úa dễ bị phát hiện”. Về sau một đồng nghiệp nam lái xe tặng cô mấy câu thơ: “Ở quê mướp đã xanh hè/ Trường Sơn giàn mướp lại che đạn thù”.
Những ngày lái xe trên chiến trường cô Đan đã kết bạn trăm năm với chiến sĩ Nguyễn Văn Bá ở Binh trạm 12, giờ họ có một mái ấm gia đình ở một hẻm nhỏ giữa thủ đô Hà Nội.
Thật kỳ diệu khi qua những năm tháng ác liệt ấy, cả trung đội tài xế nữ đều bình yên trở về. Nhiều chị may mắn tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Có chị đã hiến hết tuổi xuân ở chiến trường, đến lúc tuổi xế chiều vẫn phòng trống đơn côi. Một số chị khác do bị nhiễm chất độc ở chiến trường nên lập gia đình đằng đẵng mấy chục năm trời vẫn hiếm muộn.
Dù thế nào, tinh thần lăn xả, bất tử của các chị vẫn còn đó.

Bài 4: Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn

HƯNG NGUYỄN

Ông đã ròng rã, miệt mài, tỉ mẩn làm một việc cực kỳ bí mật và tối quan trọng trong suốt những năm chống Mỹ.

Với ông, những ngày tháng làm công việc ít ai biết đó là quãng thời gian đẹp nhất, vinh quang nhất! Tên ông, Nguyễn Lương Cảnh, nay đã 63 tuổi, sống ở tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Từ tấm bia mộ cho đồng đội
Tháng 2-1965, Mỹ ném bom Đồng Hới. Đang là dân quân địa phương, cậu trai trẻ Nguyễn Lương Cảnh xung phong ra trận tuyến - đường 16 (thuộc làng Ho, Quảng Bình). Đơn vị ông phụ trách làm, sửa đường sau khi bị quân địch phá hủy để cho bộ đội hành quân. Một thời gian sau đó, ông chuyển qua đường 20 quyết thắng dài 123 km từ Phong Nha (Quảng Bình) đến Lùm Bùm (Lào).
Ông Cảnh nhớ lại: “Sau một loạt thả bom của giặc Mỹ, đồng chí Lê Văn Dị, đội trưởng đội cầu 4 - Quảng Bình hy sinh. Người đồng đội mà tui rất kính mến đã ngã xuống. Tui sử dụng một tuốc-nơ vít, tìm đá khắc cho bạn một tấm bia liệt sĩ tại Km 39, U Bò, đường 20 quyết thắng để xoa dịu lòng mình”.
Theo ông kể lại thì lúc đó, ở đơn vị ông có chín người đã hy sinh ngay tại địa điểm anh Dị đã hy sinh. Ban chỉ huy thấy ý nghĩa mà ông lại khắc được, đẹp nên điều ông về khắc cho chín ngôi mộ đó, dự định làm xong rồi về lại. Nhưng chiến tranh, đồng đội hy sinh không dừng lại, thế là ông cứ thế tiếp tục khắc bia cho đồng đội. Thậm chí ông khắc không kịp với số đồng đội hy sinh.
Công việc khá vất vả, cực nhọc, bởi ban ngày tìm đá, khắc bia, ban đêm ông đi cắm bia mộ cho đồng đội. Lúc có xe thì đỡ đôi chút chứ không thì ông đi bộ, vác bia mộ trên vai đến địa điểm đồng đội hy sinh đã được báo về. Có lúc ông vác bia đá đi bộ cả 50 km đường trong đạn lửa là chuyện thường. Nhiều ngôi mộ phải cắm đi cắm lại ba lần vì máy bay đánh tan bia, có mộ 10 ngày sau khi hy sinh thì tìm chẳng ra vì đã bị san bằng...
Những điều ấy khiến ông luôn trăn trở, nghĩ suy... “Tình thương vượt lên hàng đầu. Có người tui vừa mới gặp xong chưa đầy 30 phút lại phải cắm bia cho họ thì sao cầm lòng. Những hình ảnh ấy cứ theo mãi trong tui” - ông Cảnh lau dòng nước mắt rồi kể tiếp. Trước khi ông chưa khắc bia, đồng đội hy sinh chỉ cắm tấm gỗ viết sơn đỏ về những thông tin cần thiết, người nào may mắn thì có lọ pexilin đựng mảnh giấy ghi lai lịch, chôn theo.
Công việc ông cứ thế cho đến tháng 2-1967, ban chỉ huy thấy ông khéo tay nên chuyển ông về Bộ tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Giờ đây, trên những nẻo đường Trường Sơn những tấm bia lưu dấu đồng đội đã là “địa chỉ đỏ” cho biết bao đơn vị, gia đình tìm đến đưa người thân về với quê hương, gia đình...
Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ông Cảnh được tuyển vào Phòng Bản đồ. Công việc của ông là vẽ, quản lý toàn bộ bản đồ đường Trường Sơn từ tháng 5-1967. Thời gian đó, chỉ mới khoảng 10 tuyến đường chính như đường 10, 12, 16, 20, ... nhưng đến khi chiến tranh kết thúc, đến tháng 2-1976 toàn bộ đường Trường Sơn có 216 con đường (chưa kể đường sông) dài trên 20.000 km.
Công việc của người vẽ bản đồ đường Trường Sơn không hề đơn giản, phải tuyệt mật. Để vẽ được một cách chuẩn xác phải thu thập, nghiên cứu từ nhiều tài liệu, từ bản đồ thông thường, bản đồ của địch mình thu được và các đơn vị tại chỗ khảo sát gửi lên, trinh sát gửi về... Rừng núi mênh mông, điệp trùng, gập ghềnh... khiến cho người vẽ cực kỳ khó định vị nên phải tinh tế, chuẩn xác, đồng thời phải biết tập hợp vẽ mạng lưới đường hoàn chỉnh cho bộ tư lệnh, báo cáo bộ tham mưu.
Có nhiều tuyến đường chính phải luồn lách dưới lùm cây để vận chuyển ban ngày mà địch không phát hiện, đòi hỏi người vẽ phải dồn hết tâm lực mới chính xác. Thật khó cho người vẽ bản đồ, nhiều đoạn đường chưa làm xong đã bị địch ném bom rồi lại phải chỉnh sửa liên tục.
Người vẽ bản đồ như ông Cảnh không hề được tiếp xúc với ai ngoài những người chỉ huy và không được phép nói với ai về nghề nghiệp mình làm. Xác định được tầm quan trọng đó, trong thời gian ở chiến trường, ông không cho ai biết mình làm nghề gì.
“Vẽ quá đúng!”
Ông kể về kỷ niệm nhớ đời sâu sắc: “Hôm đó, Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên bảo tui vẽ bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân của cấp đại đội đến cấp sư đoàn với đầy đủ trận địa, kho tàng, tỷ lệ 1: 500.000 để đưa báo cáo với tổng tư lệnh. Sau bốn tháng thì tui hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi đưa lên trình tư lệnh trưởng, sau một hồi xem xét, ông bảo “Về làm lại”. Tui sững sờ không biết mình sai chỗ nào, vì hầu như đã đầy đủ các chi tiết. Ai ngờ, “vì bản đồ vẽ đúng quá, cụ thể quá mới phải về làm lại”. Tui phân vân, tư lệnh trưởng cho rằng sợ bị phục kích sẽ rất nguy hiểm cho cuộc chiến. Sau đó tui về chỉnh sửa lại với tỷ lệ sai lệch khoảng 10km”...
Trong căn nhà, lúc trò chuyện với ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ về trí nhớ của ông về những con đường Trường Sơn huyền thoại. Từng chi tiết, ông vẽ và kể vanh vách. Ông cho biết: “Thôi làm trên 40 năm nhưng không sao tui quên được những chi tiết đường Trường Sơn. Nó luôn hiển hiện trong những ngày sống, trong giấc ngủ, bữa ăn...”. Hòa bình, ông trở về làm ăn kinh tế và là một trong những doanh nghiệp mạnh ở TP Đồng Hới.
Những điều trong cuộc chiến được ông răn dạy lại cho thế hệ trẻ, con cháu: “Ở mọi thời đại, cái đức là trên hết cộng với sự quyết tâm, sự vị tha, lòng dũng cảm, trung thực; không vụ lợi, thủ đoạn...”.

Đường Trường Sơn xưa - Đại lộ Hồ Chí Minh nay

Đường Trường Sơn công nghiệp hóa là minh chứng hùng hồn về sự kế thừa truyền thống và sự đổi thay kỳ diệu mà hòa bình mang lại.
Vị đại tá già Nguyễn Linh Anh (thế hệ đầu tiên được giao nhiệm vụ “xoi” đường 559) bồi hồi: “Quên sao được những ngày tháng mày mò “xoi” đường để mang từng bó súng đầu tiên vào tiếp viện chiến trường Bình Trị Thiên. Dẫu Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế chẳng mấy xa nhưng ngặt nỗi dòng Hiền Lương đã được lịch sử lựa chọn để làm giới tuyến ngăn cắt đôi miền. Thành ra gần mà xa”...
Từ đường mòn đến đại lộ
Với vị tư lệnh đường Trường Sơn - trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, con đường là máu thịt trong cơ thể ông. Ông đã gắn bó và theo suốt chiều dài cuộc chiến. Chính vì lẽ đó nên dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn được Trung ương chọn làm đặc phái viên của Thủ tướng chỉ đạo xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa.
Những năm đầu đổi mới, một trong những điều trăn trở lớn nhất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là làm thế nào để đưa dòng điện từ Hòa Bình vào miền Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nêu ý kiến: “Cứ theo đường Trường Sơn mà làm thôi!”. Và đường dây điện 500 kV ra đời. Con đường huyền thoại được đánh thức lần nữa. Cũng từ đó, dự án đường Trường Sơn công nghiệp hóa ra đời. Hai dự án mang tầm quốc gia và thời đại hiện diện song hành trên con đuờng lịch sử. Những dự án ấy đã khép lại những nghi ngờ đường Trường Sơn sẽ nằm im lìm trong bóng rừng già và huyền thoại về nó chỉ nằm trong các trang sách cũng như ký ức của những người từng vào sinh ra tử.
Cách nay 36 năm (1973), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng có ý tưởng mở rộng, kéo đường Trường Sơn nhưng lúc đó tiềm lực đất nước có hạn. Trong tầm mắt của Tổng Bí thư, con đường này sẽ đi suốt chiều dài đất nước và mở chiều rộng ra ba nước Đông Dương. Và hơn 20 năm sau, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa. Thủ tướng cho rằng không có quốc gia nào có một trục đường xuyên quốc gia độc đạo như ở Việt Nam. Vì vậy, đường Trường Sơn công nghiệp hóa là trục đường xuyên quốc gia thứ hai hỗ trợ quốc lộ 1A để giải quyết vấn nạn lũ lụt gây ách tắc giao thông mùa mưa, giúp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng phía Tây tổ quốc.
Tháng 4-2000, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Bác. Ngày 3-2-2004, tại kỳ họp thứ 6 khóa XI, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km). Đường sẽ có quy mô 2-8 làn xe, tùy thuộc địa hình, quy hoạch phát triển từng vùng.
Đánh thức triền Tây đất nước
Nay đi trên đại lộ Hồ Chí Minh rộng, thoáng đãng, trải nhựa, bê-tông băng qua 30 tỉnh, thành phố với biết bao làng mạc, quán xá bám theo ven đường. Nhiều địa phương đã tận dụng cơ hội này để thực hiện kế hoạch di dân chinh phục vùng gò đồi, phát triển kinh tế. Theo đó, khoảng cách đồng bằng-miền núi đang được rút ngắn. Nhiều bản làng xa xôi dần lộ diện khi đường đi qua. Nhiều làng thanh niên lập nghiệp được thành lập dọc theo tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng lao động, đất đai và nâng cao văn hóa, dân trí ở vùng hẻo lánh. Các tỉnh miền Trung đang xây dựng các tour du lịch khám phá kết hợp thăm viếng các địa danh lịch sử trên đường Hồ Chí Minh.
Bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình) xưa là trọng điểm đánh phá khốc liệt, nay đã là bến đỗ bình yên cho các tàu thuyền chở du khách chiêm ngưỡng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Ở nhánh Tây, tuyến đường 20 Quyết Thắng gắn liền với huyền thoại về hang tám TNXP hy sinh khi vào hang tránh bom, chẳng may bị máy bay ném bom lấp miệng hang, nay đã được đầu tư xây dựng nhà lưu niệm, nơi viếng thăm của nhiều du khách. Tuyến đường này từng một thời là tuyến lửa của Binh trạm 14. Trong ký ức của đại tá Hoàng Trá - nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14 là những ngày tháng đầy máu và nước mắt. Ngã tư Trạ Ang nối liền nhánh Đông và Tây Trường Sơn và đường 20 Quyết Thắng nổi tiếng là một tử địa của cánh tài xế khi đi qua đây, nay đã có chiếc cầu vạm vỡ bắc ngang thông suốt đi lại. Đứng ở đây có thể tùy nghi lựa chọn cách di chuyển về hướng Đông hay sang hướng Tây để khám phá những cánh rừng già nguyên sinh trên đỉnh U Bò. Nhiều chiến sĩ biên phòng ở đỉnh U Bò đồ rằng khám phá nhánh Tây mà không lên U Bò thì xem như chưa thực hiện chuyến đi, bởi thiên nhiên ở đây không chỉ hoang sơ mà còn lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử.
Tương tự như vậy, đường 12 khói lửa nay đường sá đã rộng, đẹp, mở rộng lên tận cửa khẩu Cha Lo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho phía Tây. Như vậy về tổng thể, đường Hồ Chí Minh mở rộng không chỉ chạy theo chiều dọc Bắc-Nam mà còn mở rộng sang hướng Tây với các tuyến đường nhánh huyết mạch như đường 7, 8, 9, 12, 14...


Hội ngộ 50 năm
Khi thực hiện loạt bài về 50 năm mở đường Trường Sơn, các nhân vật trong bài đều có niềm mong ước là cùng đi chung trên một chuyến xe để thăm lại những địa danh hằn in dấu chân họ một thời. Đó là đại tá Mai Trọng Phước - người thi công đường ống dẫn xăng xuyên lòng đất, đại tá Hoàng Trá - nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14, đại tá Nguyễn Linh Anh - thế hệ đầu tiên “xoi” đường 559; cô Quy, cô Đan... - trung đội lái xe nữ Trường Sơn
Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Tư lệnh phó Bộ đội Trường Sơn cho biết ngoài việc giao lưu, gặp gỡ đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, các tướng lĩnh và chiến sĩ tham gia mở đường Trường Sơn sẽ có buổi giao lưu, hội ngộ tại nghĩa trang Trường Sơn để tưởng nhớ hơn 10 ngàn cán bộ, chiến sĩ đã yên nghỉ tại đây. “Và xa hơn là để giáo dục thế hệ sau về lòng quả cảm, nỗi đau của một thời kỳ lịch sử dân tộc” - thiếu tướng Phan Khắc Hy nói.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, đường Hồ Chí Minh sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao tốc với tám làn xe. đối với những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch lưới giao thông đường bộ. Như vậy, triển vọng về một đại lộ Hồ Chí Minh to đẹp, đàng hoàng đang được tiếp tục triển khai kéo dài từ cực Bắc (Cao Bằng) đến cực Nam (Mũi Cà Mau) tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét