Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Chất độc da cam - phát minh tồi tệ nhất thế giới


Chất độc da cam - phát minh tồi tệ nhất thế giới


  • Đoàn Thanh niên trường Đại học Y dược Cần Thơ

    Lịch sử loài người đã chứng kiến vô số phát minh làm thay đổi cả thế giới như xe hơi, điện thoại hoặc gần đây hơn là máy bay, máy tính, điện thoại di động hay internet. Nhưng cũng có những phát minh bị liệt vào dạng không có ích, thậm chí là nguy hiểm đối với cuộc sống.
Chất độc da cam/dioxin bị liệt vào danh sách “50 phát minh tồi tệ nhất” của loài người do Tạp chí Time (Mỹ) vừa đưa ra.

Lịch sử loài người đã chứng kiến vô số phát minh làm thay đổi cả thế giới như xe hơi, điện thoại hoặc gần đây hơn là máy bay, máy tính, điện thoại di động hay internet. Nhưng cũng có những phát minh bị liệt vào dạng không có ích, thậm chí là nguy hiểm đối với cuộc sống.
Hôm 27.5, tạp chí uy tín Time của Mỹ đã đưa ra danh sách “50 phát minh tồi tệ nhất”, bao gồm những phát minh từ ngớ ngẩn, vô dụng cho đến cực kỳ nguy hại trong nhiều lĩnh vực. Time chỉ liệt kê mà không xếp hạng những phát minh này theo một trật tự nhất định nào cả. Tuy nhiên, đối với nhiều người thì phát minh khủng khiếp nhất trong danh sách này chắc chắn là chất độc da cam, loại hóa chất đã gây ra những hậu quả thảm khốc cho hàng triệu nạn nhân tại Việt Nam.
Di chứng khủng khiếp
Chất độc da cam, loại thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, chứa chất tetrachlorodibenzop dioxin, một trong những chất hóa học độc hại nhất mà con người từng tạo ra. Trong giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc da cam xuống hơn 7 triệu ha rừng Việt Nam nhằm hủy diệt nơi ẩn nấp của các chiến sĩ du kích thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, theo số liệu do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) công bố. “Dù cách này đã thành công phần nào, song cái giá phải trả quá đắt”, Time viết.

 
Việc Tạp chí Time chọn chất độc da cam là một trong những phát minh tồi tệ nhất của thế giới là một sự công nhận về những hậu quả kinh hoàng của thứ vũ khí hóa học này đối với môi trường và sức khỏe con người”. Bà Merle Ratner
  
Khi hòa bình lập lại năm 1975, đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam và 400.000 người đã thiệt mạng, theo VAVA. Chất độc này còn để lại hậu quả lâu dài cho hàng triệu người khác với những tác động khủng khiếp như ung thư, tổn hại gien và hàng loạt các di chứng như sinh con dị tật, quái thai. Đó là chưa kể tác hại chưa thể thống kê hết về môi trường. Kể cả cựu binh Mỹ và binh sĩ các nước đồng minh của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cũng phải chịu hậu quả của chất độc da cam.
Cho đến nay, Mỹ đã bồi thường 180 triệu USD cho những cựu binh nước này lãnh hậu quả của chất độc da cam. Tuy nhiên, Washington và các công ty hóa chất như Dow Chemical và Monsanto vẫn rũ bỏ trách nhiệm đối với các nạn nhân tại Việt Nam. Từ năm 2004, những vụ kiện đòi công lý của phía Việt Nam đều đã bị tòa án Mỹ bác bỏ. Một trong những luận điệu thường được sử dụng là chưa có bằng chứng khoa học xác thực về mối liên hệ giữa dioxin và những hậu quả ghê gớm tại Việt Nam.

 
Ông Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam:
“Dioxin có thể gây hậu quả lâu dài” 

Có thể nói, dioxin được coi là hóa chất nguy hiểm nhất của loài người. Nên nhớ, chỉ cần 70 phần tỷ gam dioxin đã có thể gây chết người. Tại Việt Nam, những nạn nhân của dioxin là các cựu chiến binh, dân thường, phụ nữ và trẻ em. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Mỹ, chất độc ghê gớm này cũng gây ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3. Nhưng chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học nhận định rằng, chất này còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ sau nữa.

Việt Nam đang có hoạt động mang tên "Hành trình vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin", với thành viên đoàn là nạn nhân của chất độc này. Từ ngày 14.4 - 16.5, đoàn đã đến 7 thành phố của Mỹ, tiếp xúc với sinh viên, cựu chiến binh, người dân và trả lời phỏng vấn báo chí, nhằm kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ về những khó khăn, mất mát của các nạn nhân. Chuyến đi đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Hành trình này sẽ tiếp tục được diễn ra trong thời gian tới.
Liên Châu (ghi)
 
Bằng chứng để đòi công lý
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thanh Niên, bà Merle Ratner - đồng điều phối viên của Chiến dịch giảm nhẹ hậu quả và kêu gọi trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ - nói: “Việc Tạp chí Time chọn chất độc da cam là một trong những phát minh tồi tệ nhất của thế giới là một sự công nhận về những hậu quả kinh hoàng của thứ vũ khí hóa học này đối với môi trường và sức khỏe con người”. Theo bà Ratner, chất độc da cam “vừa là một chất độc vừa là một loại vũ khí vì nó được dùng với mục đích hủy diệt đất đai và lương thực”. “Thuật ngữ “vũ khí hủy diệt hàng loạt” thường được dùng để chỉ các loại vũ khí tàn phá trên diện rộng như bom hạt nhân, nhưng tôi tin rằng các loại vũ khí hóa học có khả năng hủy diệt từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng phải bị xem là vũ khí hủy diệt hàng loạt”, bà nói.
Tiến sĩ người Canada Wayne Dwernychuk, một nhà khoa học về môi trường từng nhiều năm làm việc cho công ty nghiên cứu và tư vấn môi trường nổi tiếng Hatfield Consutlants, thì bảo: “Tôi không rõ Time dựa trên tiêu chí nào để đánh giá, nhưng xét về mặt tác hại lâu dài thì đương nhiên dioxin phải có mặt trong một danh sách như vậy”.
Đến nay, Mỹ chỉ mới chi 6 triệu USD, một con số quá ít ỏi, nhằm hỗ trợ dọn sạch chất độc da cam còn sót lại ở Việt Nam và hỗ trợ các nạn nhân. Trong một bài báo của hãng tin AP đăng hôm 24.5, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn nói: “6 triệu USD không là gì cả so với hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam. Thử hỏi một tên lửa Tomahawk của Mỹ đã đáng giá bao nhiêu rồi?”.
Việc chất độc da cam lọt vào danh sách “50 phát minh tồi tệ nhất” của Time sẽ tạo thêm một luận điểm và bằng chứng vững chắc cho Việt Nam trong quá trình vận động sự ủng hộ, chia sẻ của quốc tế nhằm tìm công lý cho các nạn nhân đang ngày ngày phải gánh chịu hậu quả của chất độc này.



Tác giả bài viết: Trọng Kha - An Điền(TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét