Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy mở đường Trường Sơn


Thiếu tướng Võ Bẩm, người chỉ huy mở đường Trường Sơn


Dưới đây là hồi ức của Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008), người được Bộ Quốc phòng và Bộ Chính trị giao nhiệm vụ đặc biệt: tổ chức đường dây 559.

Thực hiện nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội chính quy trên miền Bắc, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh tích cực chuẩn bị lực lượng, vật chất để chi viện cho chiến trường và tôi là một trong những người đầu tiên vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức chuyên giao liên vận tải quân sự chi viện cho miền Nam.

Ngày 5 tháng 5 năm 1959, theo điện triệu tập, buổi sáng, tôi vào cơ quan trực tiếp gặp anh Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Anh Vịnh đưa tôi vào phòng làm việc, tự tay pha nước mời. Từng cử chỉ, ánh mắt của anh muốn nói một điều gì đó rất hệ trọng. Rồi như để tránh một sự đường đột không cần thiết, anh nhỏ nhẹ hỏi tôi về tình hình bên Cục Nông trường, về tinh thần, tư tưởng của số cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, có đề đạt nguyện vọng về miền Nam chiến đấu như thời gian vừa rồi nữa không?

Tôi trả lời để anh nắm được tình hình. Anh phấn khởi nói:

- Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng theo tinh thần của Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là Đoàn công tác quân sự đặc biệt.

Dường như sợ tôi không ý thức được hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, anh Vịnh nhắc đi nhắc lại:

- Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Là một công việc lớn, rất khó và tuyệt mật. Bởi vậy, anh làm việc gì và quan hệ với ai đều phải lập danh sách để báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị.

…Trụ sở làm việc của Đoàn khi mới thành lập là các nhà 63, 83 phố Lý Nam Đế - Hà Nội. Những căn nhà này náu mình trong khu dân cư, nhưng gần cơ quan Bộ QP, tiện cho quan hệ công tác, cũng như bình thường hóa việc đi lại của cán bộ trong đoàn. Những ngày đầu thành lập, mấy anh em quây quần như một gia đình nhỏ, công việc hối hả nhưng không vì thế mà ồn ào. Khi cần, căn hộ ở 25 A Phan Đình Phùng cũng là nơi làm việc và chứa hàng.

Sau chừng nửa tháng chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc, sinh hoạt, ngày 19/5/1959, tôi, anh Thạnh, anh Chương có buổi làm việc với anh Nguyễn Văn Vịnh. Anh Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của Đoàn chúng tôi là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam.Trong năm 1959, tổ chức thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của chiến trường Khu 5: Khoảng 7000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung – sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường…
Đường Hồ Chí Minh trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. (Ảnh tư liệu)

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa: Ngày Đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ cũng là Kỷ niệm lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yê Bác và sự nhạy cảm đặc biệt, chúng tôi thống nhất đề nghị được lấy ngày 19/5/1959 làm Ngày Truyền thống của Đoàn và Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559. Và rồi, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá, sau này được đồng bào và chiến sĩ cả nước, bạn bè quốc tế gọi là Đường Hồ Chí Minh. Đó chính là con đường giải phóng, con đường huyền thoại.

Cùng với học tập chính trị, bộ đội được rèn luyện thể lực, tập mang vác nặng, hành quân xa, vượt đồi, leo dốc trong đêm tối, trong nắng lửa và mưa rào, trên vai lúc nào cũng hơn 30 cân nặng. Tất cả đề ý thức được những gì đang đến với họ: Những chịu đựng, thử thách, hy sinh sẽ vượt quá sức chịu đựng của con người…  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét