Di tích lịch sử: Đôi bờ Hiền Lương
Sông Hiền Lương dài gần 100km, nơi rộng nhất 200m, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ tây-đông (ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng.
Cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở khắp miền đất nước, song đến khi đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng (1954 - 1975) thì dòng sông Bến Hải và mảnh đất đôi bờ trở nên nổi tiếng, được cả nước và thế giới biết đến. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành "nhân chứng lịch sử" trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Tại đôi bờ Hiền Lương, cụm di tích gồm: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng…
Tượng đài “Khát vọng thống nhất” bên bờ Nam cầu Hiền Lương
Cột cờ bờ Bắc cầu Hiền Lương
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại ki-lô-met 735 trên quốc lộ 1A. Xưa kia, đoạn sông rộng 100m này chỉ có bến phà. Năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động dân làm cầu bằng gỗ, cọc sắt rộng 2m dùng cho khách bộ hành. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bê tông cốt thép dài 162m, rộng 3,6m, tải trọng10 tấn. Năm 1952 Pháp cho xây nâng cấp lần nữa có tải trọng 18 tấn. Cầu này tồn tại 15 năm (1952 - 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập.
Từ năm 1972 đến 1974, để phục vụ chiến trường miền Nam, công trình đã bắc cầu phao dã chiến gần cầu cũ. Đến năm 1979 ta cho xây dựng lại bằng bê tông cốt thép dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho ngưòi đi bộ rộng 1,2m, cầu này vẫn còn, mang trong mình ý nghĩa là chiếc cầu thống nhất đất nước. Năm 1996, Bộ Giao thông - Vận tải đã cho xây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m nằm về phía tây cầu cũ. Cầu mới được thi công bằng công nghệ đúc đẩy, là cây cầu hiện đại nhất Việt Nam. Hiện nay sông Bến Hải có 2 cầu nối đôi bờ Hiền Lương.
Tại khu di tích đã phục chế, trưng bày dàn loa phóng thanh của địch đã từng chịu thua dàn loa phóng thanh của ta, gồm 1 chiếc loa cơ động có công suất 500W (đường kính vành loa rộng đến 1,7m) cùng cộng hưởng với một dàn loa khác gồm 20 chiếc, với tổng công suất 7.000W. Mỗi khi dàn loa của ta phát thanh thì đồng bào ở cách bờ Nam 10km vẫn nghe được chủ trương chính sách của Đảng, Bác Hồ, tính ưu việt của chế độ ta. Nhân dân bờ Nam và anh em binh lính Sài Gòn còn được thưởng thức những chương trình văn nghệ đặc sắc như bài: "Câu hò trên bến Hiền Lương" của Hoàng Hiệp, nghe giọng ca đầy truyền cảm của nghệ sĩ Châu Loan:
"Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông.
Trong đồn anh có nhớ em không
Ngoài này em vẫn chờ mong anh về"
Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông.
Trong đồn anh có nhớ em không
Ngoài này em vẫn chờ mong anh về"
Di tích bến Tùng Luật trên cửa biển của sông Bến Hải
Cầu Hiền Lương cũ và mới
Cũng tại nơi đây, không những đã từng diễn ra "chọi loa" mà còn diễn ra những ngày tháng "chọi cờ". Tính từ năm 1956 đến năm 1967, các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo hết 267 lá cờ các cỡ. Lá cờ to áp đảo, cao lớn nhất vĩ tuyến 17 của ta rộng 134m2, nặng 15kg, cao 38,6m. Những năm tháng ấy, cột cờ và lá cờ là biểu tượng của dân tộc đã đứng vững dưới mưa bom bão đạn, nhằm động viên, cổ vũ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh sinh tử với Mỹ - Ngụy. Chỉ việc bảo vệ cờ, các chiến sĩ công an đã chiến đấu trên 300 trận, ba lần bắt sống và truy đuổi bọn biệt kích thám báo vượt sông đặt mìn định phá hoại cột cờ.
Với lòng dũng cảm, với ý chí son sắt của quân và dân ta đã minh chứng trọn vẹn chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Nhà điện ảnh Thụy Điển Giơ-rit I-ven khi được chứng kiến cũng đã thốt lên : "Vĩ tuyến 17, nơi trưng bày sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam".
Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, song quá khứ hào hùng của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương sẽ mãi mãi đi vào tiềm thức của dân tộc và bè bạn năm châu. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi mãi đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, song quá khứ hào hùng của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương sẽ mãi mãi đi vào tiềm thức của dân tộc và bè bạn năm châu. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi mãi đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
PHẠM HUY TƯỞNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét