Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Cựu binh Mỹ Ráp Xtiu-li: "Xin hãy tha thứ cho tôi"


Cựu binh Mỹ Ráp Xtiu-li: "Xin hãy tha thứ cho tôi"




QĐND - Nhiều năm sau, khi đã hiểu đầy đủ về sức tàn phá của chất độc da cam, Ráp Xtiu-li (Ralph Steele), người từng tham gia chiến dịch rải loại chất độc này xuống Nam Việt Nam, đã phải thốt lên: “Khó có thể hiểu nổi là tại sao chúng ta, những con người, lại có thể cho phép xảy ra một  hành động như vậy”. Nỗi ân hận được người cựu binh Mỹ này gửi gắm vào lời xin lỗi đối với nạn nhân chất độc da cam khi tham dự Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ 2 tại Hà Nội. “Xin hãy tha thứ cho tôi về sự tàn phá vô  tận, xin vui lòng tha thứ cho tôi vì đã phun chất da cam để gây ra thảm họa này…”.
Cựu binh Mỹ Ráp Xtiu-li.
Khi được điều động tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, Ráp mới chỉ 19 tuổi. Lúc đó anh được điều động tham gia chiến dịch rải chất diệt cỏ xuống các cánh rừng Việt Nam với vai trò là một xạ thủ bắn súng ở cửa máy bay. Anh đã không hề biết đây là loại chất kịch độc, có thể gây ra những tổn thương lớn đến thế, lâu dài đến thế đối với con người. “Tôi còn nhớ ngày hôm sau đó là một ngày buồn vô hạn, khi chính mắt tôi được chứng kiến những cánh rừng hôm trước còn xanh mơn mởn đã trở thành héo úa, trụi lá. Tôi không hề ngờ về những hậu quả kinh khủng đối với con người và thiên nhiên mà tôi đã trực tiếp được ra lệnh thực hiện. Tôi còn nhớ trong một cuộc họp giữa các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, khi tôi chia sẻ câu chuyện về nhiệm vụ này, một người bạn của tôi đã nói rằng, nếu như anh ấy được biết trước những gì tôi làm, anh ấy đã tự bắn cho tôi rơi xuống”, Ráp nhớ lại.
20 tuổi, Ráp quay trở lại Mỹ và cố gắng làm lại cuộc đời. Nhưng dường như những ám ảnh về cuộc chiến không buông tha người cựu binh này. Ráp bắt đầu nghiện hê-rô-in và các chất nghiện khác để đối phó với những trải nghiệm đau thương của bản thân. Sau đó, Ráp được giúp đỡ để tìm chuyên gia cho những vấn đề của mình. “Tôi vẫn đang mang trong mình vết sẹo chiến tranh và đã phải thường xuyên đến gặp bác sĩ tâm lý. Tôi là người chịu chứng bệnh khủng hoảng rối loạn hành vi sau chiến tranh. Dẫu sao, tôi đã cố hết sức để tự chữa trị cho mình. Tôi đã từng rời bỏ nước Mỹ đến Thái Lan và Mi-an-ma để trở thành thầy tu với hy vọng có thể từng bước lấy lại những mảnh vỡ tâm hồn của chính mình sau chiến tranh”, Ráp cười buồn.
Năm 2006, Ráp và  một số cựu binh đã được tổ chức thăm lại chiến trường xưa ở Huế, TP Hồ Chí Minh và Củ Chi. Vào thời điểm đó, Ráp đã sụp xuống. Anh cùng những cựu chiến binh khác, những người đầu đã hai màu tóc, sụp xuống và khóc nức nở như trẻ con. “Chúng tôi vô cùng ân hận về những gì đã làm. Về cuộc chiến vô nghĩa tại Việt Nam. Tôi cảm thấy mất mát, thấy nỗi đau trong cơ thể như cuộn lên. Nhưng nó cũng giống như một vụ nổ lớn đối với tâm hồn tôi. Nó giống như tôi đã trở về nhà sau biết bao thập kỷ lang thang. Nó giúp tôi hàn gắn tâm hồn, thông qua nụ cười của người dân Việt Nam-trong đó có cả những nạn nhân chất độc da cam, đón chúng tôi, những cựu binh Mỹ, những người đã gây ra nỗi đau chiến tranh tại đất nước tươi đẹp này. Tôi vô cùng hạnh phúc vì đã trở lại Việt Nam. Trong một lần trò chuyện với các binh sĩ Việt Nam, tôi bỗng có một  nhận xét nếu như chúng ta có thể thấy được Chính phủ Mỹ thừa nhận thì sự hàn gắn đã có thể bắt đầu”, Ráp xúc động nhớ lại. Nhóm cựu binh năm xưa giờ đã mất 2 người do ung thư có liên quan đến chất độc da cam, đó là Gioan Đắp-phi (Joan Duffy) và Đa-vít Clai (David Cline).
Ráp nói anh chắc chắn một điều rằng, lãnh đạo Mỹ đã nói dối về chất diệt cỏ, nhưng là một người lính, Ráp chỉ biết có phục tùng mệnh lệnh. “Tôi không rõ những sĩ quan cấp trên có biết gì về hậu quả của việc rải chất độc này xuống Việt Nam, nhưng chắc chắn những tập đoàn hóa chất nơi chế tạo ra loại chất độc này phải biết rõ về nó. Họ là những người phải chịu trách nhiệm về nỗi đau da cam đã gây ra cho người dân Việt Nam và cả những người đã tham gia vào cuộc chiến. Chính những lãnh đạo tập đoàn hóa chất, những quan chức chính phủ đã ký hợp đồng với các tập đoàn này phải mang gánh nặng trách nhiệm và lỗi lầm suốt đời”. Nhưng nửa thế kỷ đã qua kể từ khi thảm họa da cam được người Mỹ thả xuống Việt Nam, những nạn nhân Việt Nam vẫn chưa được bồi thường. Đối với Ráp, đó là điều khó có thể chấp nhận được.
Cho đến bây giờ Ráp vẫn chưa được bồi thường vì phơi nhiễm chất da cam. Ráp nói rằng vết sẹo chiến tranh của anh nghiêng về những tổn hại tinh thần. Đó là những vết thương bên trong. Đối với những người từng tham gia chiến dịch tồi tệ đó, thật không hề dễ dàng để vượt qua các thách thức, đặc biệt là đối với Ráp, khi anh có mặt tại Hội nghị này để đối mặt với những nạn nhân chất độc da cam, để lắng nghe về hậu quả sau hàng nửa thế kỷ vẫn tồn tại ở Việt Nam, về những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc loại trừ chất độc da cam. Anh đã và đang cố gắng hết sức để vượt qua ám ảnh của chiến tranh.
Đối với chặng đường đòi công lý của các nạn nhân Việt Nam, Ráp nói anh có lòng tin và sẽ gắng hết sức mình để ủng hộ. Những biện pháp mà Việt Nam đang tiến hành, theo Ráp, là rất đúng hướng. Ở Mỹ, chiến tranh đã trở thành quá khứ và nhiều người Mỹ không muốn nhắc tới một câu chuyện không vui. Dù chiến tranh vẫn là ám ảnh với những cựu binh, nhưng thế hệ người Mỹ mới lại không hiểu về cuộc chiến và nỗi đau mà nó gây ra, đặc biệt là nỗi đau da cam. Vì thế, những hội nghị quốc tế như hội nghị đang diễn ra tại Việt Nam sẽ thu hút được dư luận hơn, và giúp người ta có cái nhìn rõ hơn về nỗi đau mà cuộc chiến để lại. “Chúng ta đã có các cuộc vận động hành lang với các dân biểu Mỹ. Chúng ta cũng đã tổ chức các nhóm luật sư để có thể tổ chức vụ kiện một cách chuyên nghiệp. Đó là điều rất tốt. Song, với những hội nghị cụ thể như thế này sẽ giúp thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Đó là điều cần thiết. Một khi mọi người đều biết về nỗi đau da cam, sẽ rất dễ dàng để chúng ta có thể vận động mọi người chung tay ủng hộ vì các nạn nhân. Đặc biệt là với người dân Mỹ”.
Giờ đây, ở tuổi 61, như Ráp nói đùa rằng ở tuổi đang đến gần hơn một chút đoạn cuối đời, anh tự hỏi mình phải làm gì để có thể thúc đẩy công lý hay hàn gắn. “Chúng tôi đang già đi trong lúc nỗi đau cuộc chiến dường như vẫn đang bắt đầu. Sứ mệnh của chúng tôi hiện nay là phải góp phần làm giảm nỗi đau của các nạn nhân da cam trước khi quá muộn. Đời vẫn còn hy vọng. Chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác so với 50 năm trước đây. Và vì vậy, không phải là đến bao giờ, mà là ngay lúc này, chúng ta phải chung tay hành động. Tôi có mặt hôm nay ở đây để thừa nhận những gì đã làm và chuẩn bị cơ sở để tiến về phía trước”. Cùng với nụ cười, cựu binh Mỹ tin rằng ngày mà các nạn nhân da cam tại Việt Nam được đền bù sẽ không còn xa.
Bài và ảnh: Ngọc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét