Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tiêu diệt 17 đầu máy xe lửa quân sự giữa Sài Gòn cách đây 45 năm



Tiêu diệt 17 đầu máy xe lửa quân sự giữa Sài Gòn cách đây 45 năm
 
 
(CATP) Đó là chiến công vang dội của Đội 90C, lực lượng Biệt động F10 của Sài Gòn - Gia Định ngày 27-4-1967.

Tháng 3-1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Trung Trung bộ và miền Đông Nam bộ nhằm tiếp sức cho quân ngụy đang bị thua nặng ở khắp nơi. Ở miền Trung Trung bộ, quân và dân ta đánh thiệt hại nặng quân Mỹ ở Plây-me, Đà Nẵng, Vạn Tường... Vì vậy Mỹ chủ trương phải làm cầu nối giữa Sài Gòn và miền Trung để vận chuyển quân đội, vũ khí, lương thực, trong lúc đường hàng không không đủ sức cáng đáng. Từ Hoa Kỳ, chúng chở sang Sài Gòn 20 đầu máy xe lửa quân sự hiện đại để lập đường sắt vận chuyển quân sự từ Sài Gòn ra miền Trung. 20 chiếc đầu máy đã chuyển về đề-pô xe lửa Hòa Hưng, Sài Gòn.

Bộ chỉ huy quân sự Sài Gòn - Gia Định được lệnh phải tiêu diệt ngay các đầu máy này không cho chúng lập đường vận chuyển bằng xe lửa ra miền Trung. Ngày 1-4-1967, đồng chí Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ cho Đội biệt động 90C do Đoàn Quang Xuân làm đội trưởng phải tổ chức tiêu diệt 20 đầu máy xe lửa này. Toàn Đội 90C nhanh chóng triển khai công việc.

Trước hết, đồng chí Nguyễn Đức Thạc, chiến sĩ của đội, xin vào làm thợ trong đề-pô xe lửa để xem xét khu vực để 20 đầu máy và cách bố phòng của địch.

Sau đó, đồng chí Quách Hải dùng xe vận tải nhẹ lên căn cứ bí mật tại Phú Hòa Đông (Củ Chi) chở thuốc nổ. Anh đã xếp 20 khối thuốc nổ mỗi khối nặng 10kg vào xe rồi chất các can nước mắm lên trên để nghi trang. Quách Hải đã đưa 200kg thuốc nổ về nhà số 6/6B Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) giao cho gia đình cơ sở gồm bà Nguyễn Thị Biểu cùng chồng là Nguyễn Văn Hải và con là Nguyễn Thị Phấn cất giữ và bảo quản.

Tối 26-4-1967, các đồng chí Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thanh Quan đến nhà 6/6B Lê Văn Duyệt chở 200kg thuốc nổ đến sát đề-pô xe lửa Hòa Hưng. Ngay trong đêm, hai đồng chí đã gắn kíp nổ hẹn giờ vào 20 khối thuốc nổ rồi giao cho hai đồng chí Nguyễn Đức Thạc và Ngô Vinh trực tiếp đem vào đề-pô và gắn vào từng đầu máy xe lửa. Đồng chí Nguyễn Thanh Quan làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh phía ngoài để việc đặt thuốc nổ giữ được bí mật. Sau đó, cả ba đồng chí rút khỏi đề-pô Hòa Hưng. 

Đồng chí Trương Tấn Sang thăm hỏi kỹ sư Nguyễn Thanh Quan

4 giờ 15 phút ngày 27-4-1967 đề-pô Hòa Hưng rung lên khi 10 khối thuốc đầu tiên bùng nổ. Năm phút sau 10 khối tiếp tục nổ. Tiếng nổ làm rung chuyển cả Sài Gòn vì đề-pô Hòa Hưng nằm giữa trung tâm. 17 chiếc đầu máy xe lửa bị vỡ tung, ba đầu máy khác bị hỏng nặng, một cần cẩu bị ngã gục, xưởng sửa chữa đầu máy bị đánh sụp.

Chiến công của Đội 90C Biệt động Sài Gòn đã làm rung động cả miền Nam, gây xôn xao cả nước Mỹ vì đã phá tan kế hoạch vận chuyển đường sắt mà địch đã rùm beng quảng cáo và trông đợi.

Đồng chí Trần Hải Phụng cho biết: Sau khi được tin trận đánh thành công, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng ta đã điện vào khen chiến thắng đề-pô xe lửa Hòa Hưng ngày 27-4-1967.

*
* *

Các chiến sĩ biệt động Đội 90C trước bia chiến thắng

Sau ngày giải phóng, được sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố, lãnh đạo Xí nghiệp đầu máy xe lửa Sài Gòn và anh em Đội biệt động 90C... đã xây dựng bia chiến thắng đề-pô xe lửa Hòa Hưng trong khuôn viên Xí nghiệp đầu máy xe lửa Sài Gòn tại 450/2 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3. Ngày 29-4-1995 bia chiến thắng được khánh thành và được Sở Văn hóa - Thông tin thành phố công nhận là di tích lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét