Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Người anh hùng với những trận đánh huyền thoại


Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) là người chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn, F.100 – Một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, xuất quỉ nhập thần, một thời, làm cho Mỹ, nguỵ hoang mang lo sợ. Nhiều trận đánh quyết định của Biệt động Sài Gòn thực sự đã làm choáng váng các cơ quan đầu não của guồng máy chiến tranh Mỹ, tạo ra mối hoài nghi ngày càng lớn về tương quan lực lượng trên chiến trường và buộc quan chức, binh lính Mỹ phải rơi vào trang thái liên tục bị động, liên tục bất ngờ và tâm trang hoang mang, hoảng loạn mà hệ thống tâm lý chiến và kỷ luật quân đội của chúng không thể ngăn chặn. 
 
Được quân khu giao nhiệm vụ tổ chức một số trận đánh mẫu có giá trị để rút kinh nghiệm, hầu hết các trận đánh của Biệt động Sài Gòn do ông chỉ huy đã gây tổn thất lớn cho địch, tạo tiếng vang trong dư luận, điền hình như các trận đánh:
Tháng 1-1964, đồng chí Tư Chu đã trực tiếp lên phương án chiến đấu và giao nhiệm vụ cho đồng chí Bảy Bê (Nguyễn Thanh Xuân) và đồng chí Minh Nguyệt. Ngày 24-10-1964 bằng 37 kg thuốc nổ đánh vào khách sạn Caravell 10 tầng làm sập và hư hại 43 phòng, gần 70 tên sĩ quan Mỹ và Úc chết và bị thương. Tháng 12-1964, đồng chí tiếp tục nghiên cứu và trực tiếp xây dựng phương án đánh địch ở cư xá Brink: vào ngày 24-12-1964, trận đánh vào cư xá Brink bằng 200 kg thuốc nổ đã làm sấp và hư hại toàn bộ khách sạn Brink. Sau vụ nổ, chính đại tướng Westmoreland phải thú nhận: “Đây là một vụ nổ kinh hoàng”. Phía Mỹ xác nhận có hơn 100 sĩ quan chết và bị thương. Westmoreland vội đưa vợ con về Honululu và lệnh cho các sĩ quan khác phải đưa gia đình về Mỹ.
Nổi bật là trận đánh: Ngày 30-3-1965, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng biệt động, tiến hành trận đánh bất ngờ, tập kích huỷ diệt vào Toà Đại sứ Mỹ bằng 150 kg thuốc nổ đã làm hư hại toàn bộ Toà Đại sứ Mỹ, 100 nhân viên Mỹ chết và bị thương. Sau trận đánh này, niềm tin của nhân dân vào cách mạng và phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ lên cao. Lực lượng biệt động trưởng thành và tự tin hơn, từ nay ta có thể đánh vào bất cứ mục tiêu nào.
Ngày 14-8-1965, lực lượng biệt động do ông chỉ huy đánh vào Tổng nha cảnh sát nguỵ làm chết và bị thương gần 100 tên; ngày 4-12-1965, đánh vào bọn giặc lái và nhân viên kỹ thuật không quân của Mỹ ở cư xá Metropole với 450kg chất nổ C4, làm sập 4 tầng lầu, bọn Mỹ chất và bị thương là 137 tên; ngày 1-4-1966 đánh vào nơi ở của sĩ quan hỗn hợp tại khách sạn Victoria, làm sập 20 căn phòng, làm chết và bị thương 90 tên, trong đó có 60 tên Mỹ; ngày 1-11-1966, ta đã tổ chức pháo kích DKZ vào “lễ quốc khánh” nguỵ tại Sài Gòn; ngày 4-12-1966, lực lượng Biệt động F.100 cùng Tiểu đoàn 6 Bình Tân tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ nhiều máy bay địch và diệt nhiều giặc lái…
Đánh giá về lực lượng biệt động, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhận định: “Đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức LLVT của Đảng, gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hoà vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Khác với lực lượng tình báo, trinh sát, biệt động là lực lượng chiến đấu, thường đánh đòn hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng ở các đô thị. Lực lượng biệt động ra đời từ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là ở Sài Gòn – Gia Định. Sự ra đời và phương thức hoạt động của lực lượng biệt động đánh dấu bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân, là nét đặc sắc của của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, bằng tinh thần vô song “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn và các đô thị, gây chấn động lớn, có thể nói đã lập công đầu”.
Trong hai cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) đã lập nhiều chiến công hiển hách, có thành tích đặc biệt xuất sắc, các đơn vị do đồng chí chỉ huy, lãnh đạo đều được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân và bản thân đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí, trong đó có danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng.
Xuân Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét