Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bình Định là tỉnh nằm trong vùng tự do, hậu phương kháng chiến của chiến trường Liên khu V và Tây Nguyên, là địa phương được các cơ quan Đảng, nhà nước, các ngành, các đơn vị bộ đội chủ lực của Liên khu V chọn làm nơi đóng quân. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định vừa ra sức xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương kháng chiến, vừa chăm lo bồi dưỡng sức dân, đem lại quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân. Công tác xây dựng và củng cố Đảng được chú trọng, tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh. Đến giữa năm 1954, Đảng bộ tỉnh có 35.503 đảng viên (chiếm gần 5% dân số toàn tỉnh). Bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh; lực lượng vũ trang được tăng cường. Các đoàn thể cách mạng đã tập hợp đại bộ phận nhân dân vào tổ chức, là lực lượng cơ bản, nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ trên địa bàn.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, theo điều khoản của Hiệp định, Bình Định và Quảng Ngãi thuộc khu vực 300 ngày chuyển quân tập kết, Quy Nhơn - đô thị tỉnh lỵ của Bình Định là khu vực chuyển quân tập kết cuối cùng ở miền Nam (ngày 16/5/1955). Trong khi lực lượng ta đang gấp rút chuẩn bị công tác chuyển quân tập kết, bọn phản động đã ngấm ngầm tổ chức các hoạt động chống đối, gây không ít khó khăn cho công tác ổn định tình hình của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Nhận rõ âm mưu địch, Trung ương Đảng và Liên khu ủy V đã kịp thời có những chủ trương chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Bình Định giữ ổn định tình hình, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển quân tập kết và chuẩn bị lực lượng đấu tranh cách mạng lâu dài. Trong hai ngày 27 và 28/7/1954, Liên khu ủy V họp hội nghị mở rộng đến các Bí thư Tỉnh ủy để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ươnglần thứ 6(khóa II). Qua phân tích những khó khăn và thuận lợi của Liên khu, hội nghị đã đề ra 3công việc cấp bách phải làm ngay:
- Mở đợt tuyên truyền và giáo dục sâu rộng cho tất cả cán bộ, đảng viênvàquần chúng về tình hình,nhiệm vụ mới, về phương châm đấu tranh, về các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ để có cơ sở pháp lý đấu tranh với địch.
- Khẩn trương tổ chức lại bộ máy lãnh đạo của Đảng và các tổ chức quần chúng để nhanh chóng bắt kịp với tình hình mới của phong trào cách mạng.
- Biên chế lại và tổ chức lực lượng vũ trang thành các sư đoàn, trung đoàn để biểu dương chiến thắng và chuyển quân theo đúng kế hoạch.
Tháng 9/1954, Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Duy Trinh vào Khu V truyền đạt nghị quyết của Bộ Chính trị, cùng Khu ủy sắp xếp tổ chức cán bộ của liên khu và các tỉnh. Năm 1955, các đồng chí Trần Lương, Võ Chí Công cũng được Trung ương cử vào Liên khu Vđể tăng cường công tác chỉ đạo ổn định tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, chỉ đạo bố trí lực lượng chuyển quân tập kết và công tác chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình mới.
Tiếp đó, ngày 18/10/1954, Hội nghị Liên khu ủy V họp, đánh giá tình hình, đề ra những công tác cấp bách trước mắt nhằm lãnh đạo quân và dân toàn liên khu đấu tranh chống lại mọi hành động phá hoại của kẻ thù, giữ gìn lực lượng cách mạng, củng cố tổ chức, cơ sở. Khu ủy khu V đã tăng cường đồng chí Mai Dương vào Tỉnh ủy Bình Định; đồng thời Liên khu ủy V còn đưa 2 đoàn cán bộ do đồng chí Võ Chí Công, Thường vụ Liên khu ủy và đồng chí Huỳnh Lắm, Khu ủy viên về giúp Đảng bộ Bình Định trong công tác chuyển hướng tổ chức và đấu tranh. Sau khi sắp xếp lực lượng chuyển quân tập kết, xây dựng hệ thống tổ chức bí mật của tỉnh và các huyện, đầu tháng 5/1955, Liên khu ủy V chính thức công nhận Tỉnh ủy Bình Định gồm 11 đồng chí do đồng chí Hồng Châu (Năm Phổ), Khu ủy viên làm Bí thư, đồng chí Mai Dương làm Phó Bí thư.
Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy V và của Tỉnh ủy, hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo bí mật từ tỉnh đến huyện, xã được thành lập và được tổ chức gọn nhẹ, gồm 223 cán bộ hoạt động bất hợp pháp; 1.112 đảng viên và 3.129 cốt cán quần chúng hoạt động hợp pháp. Tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, hội đoàn viên ngừng hoạt động công khai, hòa vào quần chúng dưới các hình thức tổ chức công khai hợp pháp. Những cán bộ, đảng viên được bố trí bất hợp pháp và hợp pháp là những đồng chí trung kiên, lập trường tư tưởng vững vàng, chấp nhận gian khổ hy sinh và thật sự tự nguyện. Các huyện ủy, thị ủy và các chi bộ khu vực bí mật cũng được thành lập.
Để tăng cường công tác giáo dục, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương, duy trì và phát triển lực lượng cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã mở các khóa huấn luyện cấp tốc nhằm trang bị những hiểu biết cần thiết cho số cán bộ, đảng viên được phân công ở lại hoạt động bất hợp pháp về phương pháp hoạt động trong vùng địch, phương thức bám đất, bám dân, phát động tư tưởng, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng đấu tranh với địch; bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và khí tiết cộng sản...
Ngày 10/5/1955, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức Hội nghị quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Khu ủy V và đề ra chủ trương trước mắt của Đảng bộ tỉnh là: Tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, củng cố hòa bình, thực hiện tự do, dân sinh, dân chủ, thực hiện thống nhất nước nhà. Lãnh đạo nhân dân chống địch khủng bố, trả thù những người tham gia kháng chiến chống Pháp; vận động nhân dân kiên quyết đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng đã đem lại. Tỉnh ủy nhấn mạnh: lấy công tác không hợp pháp là chính, hết sức tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tuyên truyền, giáo dục và tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh: “có lý, có lợi, có chừng” nhằm tạo thế hợp pháp cho quần chúng, giữ vững phong trào. Thực hiện đoàn kết, tranh thủ mọi tầng lớp nhân dân, kể cả một số người trước đây chống ta nay tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ để mở rộng mặt trận đấu tranh chống Mỹ - Diệm.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, địch vào tiếp quản địa bàn Bình Định, cũng như các tỉnh khác trong khu vực, khi vừa đặt chân đến Bình Định, địch đã ra đòn đánh phủ đầu hòng đè bẹp lực lượng cách mạng. Trước sự đàn áp của kẻ thù, cán bộ bất hợp pháp, cơ sở cách mạng ở Quy Nhơn và các huyện đồng bằng trong tỉnh bị tổn thất nặng nề. Sự liên lạc giữa Tỉnh ủy với cấp trên, giữa tỉnh với huyện và cơ sở bị gián đoạn. Nhiều cán bộ, đảng viên, cơ sở không hoạt động được, nhiều người phải lánh đi nơi khác để chờ thời cơ. Trong không khí chính trị nghẹt thở đó, đã nổ ra một số cuộc đấu tranh của quần chúng nhưng đều bị dập tắt. Một số thanh niên giác ngộ cách mạng đã bí mật lên núi tìm gặp cán bộ xin phép vũ trang tự vệ để bảo vệ quần chúng, bảo vệ phong trào. Nhưng vì lúc này Trung ương Đảng và khu ủy V chưa có chủ trương chỉ đạo đấu tranh vũ trang cho nên cán bộ cốt cán phải động viên anh em trở về tiếp tục đấu tranh hợp pháp.
Tháng 10/1956, Liên khu ủy chủ trương chuyển hệ thống chỉ đạo các cấp bám sát dân, sát phong trào dưới ba hình thức, chủ yếu là hợp pháp và nửa hợp pháp có kết hợp với bất hợp pháp; đồng thời tích cực phát triển nguồn cán bộ bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương trên của Liên khu ủy trên địa bàn tỉnh Bình Định và một số tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, toàn tỉnh có 155/223 cán bộ bất hợp pháp bị địch bắt, trong đó có 13 đồng chí Tỉnh ủy viên, 61 cán bộ huyện, 81 cán bộ xã. Trước tình hình đó, Liên khu ủy đã chỉ đạo chuyển hướng tập trung củng cố lực lượng. Theo đó, để củng cố tổ chức và phong trào, Tỉnh ủy Bình Định đã điều một số cán bộ bổ sung cho các huyện, nối lại liên lạc giữa tỉnh với huyện và các xã; phân công tỉnh ủy viên, cán bộ bất hợp pháp bám sát địa bàn, xây dựng lại cơ sở; phát động phong trào quần chúng đấu tranh chính trị công khai hợp pháp, với phương châm “có lợi, có lý, có chừng”.
Đầu năm 1957, đặc phái viên của Liên khu ủy V phổ biến chủ trương mới của Liên khu ủy tới Tỉnh ủy Bình Định, trong đó xác định nội dung đấu tranh tập trung vào các yêu cầu: đòi dân sinh, dân chủ, đòi hiệp thương giữa hai miền, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, chống đàn áp khủng bố, chống trả thù những người kháng chiến cũ, chống “tố cộng, diệt cộng”. Thực hiện chủ trương của Liên khu ủy, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến bước đầu với nhiều hình thức, mức độ và quy mô khác nhau. Điển hình như cuộc đấu tranh của nhân dân các xã của huyện Hoài Nhơn tổ chức đánh trống, mõ, rước đuốc cổ động lấy hàng trăm chữ ký để đấu tranh đòi hiệp thương, đòi chấm dứt “tố cộng”, quần chúng đã cử nhiều đoàn đại biểu (có cả đồng bào các tôn giáo) kéo lên quận, lên tỉnh đưa kiến nghị. Nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng được sự đồng tình ủng hộ của một số nhân viên ngụy quyền và binh sĩ địch.
Đầu năm 1958, Tỉnh ủy Bình Định được nghe phổ biến “Đề cương cách mạng miền Nam” và quán triệt chủ trương mới của Liên khu ủy về việc gấp rút xây dựng miền tây các tỉnh đồng bằng và Tây Nguyên thành căn cứ địa cách mạng; bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang để bảo vệ căn cứ và cán bộ. Kết hợp vũ trang bộ phận với đấu tranh chính trị để gây uy thế phong trào, mở rộng cơ sở và lực lượng chính trị[1].
Thực hiện chủ trương trên, xuất phát từ thực tiễn phong trào cách mạng của địa phương, Tỉnh ủy Bình Định xác định: Đối với các huyện miền núi, lấy vùng cao Vĩnh Thạnh và vùng cao An Lão làm căn cứ trung tâm của tỉnh. Phát động phong trào “làm rẫy cách mạng”; xây dựng các tổ chức quần chúng, phát triển đoàn viên thanh niên để tạo nguồn kết nạp đảng viên mới và lập chi bộ Đảng cơ sở, xây dựng các tổ tự vệ mật để bố phòng chống địch[2], chống dồn dân, chuẩn bị về mọi mặt cho chiến đấu lâu dài, nhất là đẩy mạnh sản xuất tự túc, dự trữ muối, vải, nông cụ, thuốc chữa bệnh.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh chống kế hoạch “định canh, định cư đồng bào thượng” của địch, chống lập khu dồn ở vùng Hà Riêu, Định Trị (huyện Vĩnh Thạnh), Đất Dài (huyện An Lão) và vùng thấp huyện Vân Canh diễn ra đều khắp và đạt được những thắng lợi bước đầu. Địch không lập được khu dồn, chúng chuyển sang thủ đoạn kẹp dân tại chỗ, sử dụng lực lượng quân sự để khống chế, trấn áp, cưỡng bức nhưng cũng không thành. Các cuộc đấu tranh chính trị trực diện của quần chúng với ngụy quyền địa phương có kết hợp với vũ trang tự vệ đã diễn ra trên diện rộng, điển hình là cuộc đấu tranh của nhân dân 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, tháng 5/1958), và 5 xã An Bình, An Phú, An Quý, An Bửu, An Trường (huyện An Lão, tháng 7/1958) đã làm cho địch lúng túng; cùng với đấu tranh chính trị, các huyện xúc tiến xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu bí mật, tổ chức biên chế theo tiểu đội, trung đội, đại đội[3] và đã triển khai các họat động diệt ác, chống địch càn quét ở Vân Canh.
Phong trào đấu tranh bất hợp tác với địch của quần chúng cũng diễn ra sôi nổi ở các huyện vùng cao, đồng bào tổ chức “rấp chông, trâm đường”, “rào làng”, ngăn cản các cuộc càn quét của địch; tổ chức rấp đường nhỏ, cài chông các lối đi chính vào làng. Lực lượng tự vệ được trang bị tên, ná và vũ khí thô sơ, mỗi người 30 tên thuốc độc, từ 500 đến 1.000 chông, chuẩn bị sẵn một số bẫy đá để chống địch càn quét vào buôn làng.
Ngày 06/02/1959, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh từ đấu tranh bảo vệ buôn làng, nổi dậy chống dồn, tiến lên phát động phong trào du kích cục bộ kết hợp với bạo lực chính trị, giành và giữ quyền làm chủ 60 làng, với 5.000 dân thuộc 9/10 xã của huyện. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở Bình Định, cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở khu V và miền Nam[4]. Nó không chỉ chứng minh cho sự năng động, sáng tạo, nhạy bén của Đảng bộ địa phương trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh mới mà còn đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh tiến kịp cao trào đồng khởi toàn miền Nam 1959 - 1960.
Tháng 7/1959, sau khi được quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 và sự chỉ đạo sâu sát của Liên khu ủy, phong trào cách mạng ở Bình Định có những chuyển biến rõ nét: vùng giải phóng các huyện miền núi được giữ vững và mở rộng; phong trào sản xuất tự túc được đẩy mạnh, công tác bố phòng toàn dân được tổ chức chu đáo; các tổ chức đoàn thể quần chúng phát triển mạnh; chính quyền tự quản được thành lập, lực lượng vũ trang địa phương được củng cố và phát triển. Cuối năm 1959, ta giải phóng 3 xã Canh Lồ, Canh Phong và Canh Thông (vùng cao huyện Vân Canh), đầu năm 1960, ta giải phóng 6 xã: An Đông, An Tân, An Ninh, An Cư, An Dân, An Mỹ (huyện An Lão).
Thắng lợi của phong trào chống dồn dân ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định năm 1959, mà ngọn cờ đầu là huyện Vĩnh Thạnh không những góp phần đánh bại âm mưu và biện pháp chiến lược của địch đối với miền núi, mà còn trực tiếp bảo vệ tuyến hành lang chiến lược của Liên khu V, cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào các huyện đồng bằng trong tỉnh.
Ở đồng bằng, ta đã tích cực khôi phục và phát triển phong trào, chú ý vùng sâu và vùng yếu. Trong xây dựng cơ sở, chú ý lực lượng thanh niên, học sinh. Cán bộ bất hợp pháp được vũ trang tự vệ trong những trường hợp cần thiết, nhờ đó phong trào đấu tranh hợp pháp, các hình thức đấu tranh bất hợp pháp ngày càng lan rộng như rải truyền đơn, chống địch cướp bóc tài sản của nhân dân, chặn xe địch không cho chúng bắt dân đưa đi dinh điền, bắt thanh niên đi lính, bí mật thủ tiêu một số tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân; phát động quần chúng chống cuộc bầu cử Quốc hội của địch, phát triển cơ sở, tiếp tục rút thanh niên để lập các đội vũ trang công tác và lực lượng vũ trang của huyện, rút hàng chục thanh niên các huyện Hoài Nhơn, Bình Khê,.. lên căn cứ. Cùng với công tác xây dựng lực lượng tại chỗ, cuối năm 1959, các đoàn cán bộ quân sự, chính trị được Trung ương tăng cường đã về Bình Định, số cán bộ này được Tỉnh ủy phân công bổ sung cho các ngành và các huyện để cùng với các đồng chí bám trụ từ trước ra sức xây dựng phong trào.
Tháng 6/1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ V (lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ) đã phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc phong trào trong tỉnh, nhất là 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và các chủ trương của Liên khu ủy. Đại hội đề ra những nhiệm vụ trước mắt của tỉnh: Ở miền núi, đẩy mạnh chiến tranh du kích cục bộ, tiến lên giải phóng toàn bộ các huyện miền núi, đồng thời ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt làm căn cứ địa cho phong trào toàn tỉnh. Các huyện đồng bằng, tích cực tiến hành vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, phát triển cơ sở, vận động thanh niên thoát ly lên căn cứ lập các đội vũ trang công tác, đồng thời khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện.
Thực hiện chủ trương của Liên Khu ủy và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, ngày 02/9/1960, trung đội vũ trang tập trung của tỉnh được thành lập. Các huyện đồng bằng lần lượt lập đội vũ trang công tác huyện; 3 huyện miền núi mỗi nơi lập 1 tiểu đội vũ trang tập trung.
Vừa mới thành lập, các đội vũ trang đã triển khai công tác tuyên truyền, vũ trang diệt ác ôn,.. Nổi lên là: Đội vũ trang công tác huyện Phù Cát đột nhập Chi công an ngụy (tháng 6/1960); đội vũ trang công tác huyện Hoài Ân tiến công trụ sở ngụy quyền xã Ân Hữu; rải truyền đơn và căng biểu ngữ chống Mỹ ở đèo Nhông (Phù Mỹ) (18/7/1960); treo cờ Tổ quốc và rải truyền đơn ở Bình Giang (Bình Khê, nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) ngày 21/7/1960; khống chế 2 tiểu đội thanh niên cộng hòa và nhân dân tự vệ trên đường 19 để vũ trang tuyên truyền, phát truyền đơn cho hành khách và binh sĩ đêm 25/8/1960…
Thực hiện Chỉ thị ngày 10/9/1960 của Ban Thường vụ Liên khu ủy, cùng với các tỉnh trong khu vực, Bình Định mở đợt hoạt động quân sự trong toàn tỉnh. Đơn vị 2/9 được chọn đánh mở màn ở đồng bằng: đêm 23/9/1960, tiến công san bằng đồn dân vệ, trụ sở ngụy quyền xã Ân Nghĩa (Hoài Ân). Cùng đêm, tập kích trụ sở ngụy quyền xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn), tóm gọn đơn vị dân vệ, thu 24 súng và 600 viên đạn. Đây là hai trận đánh có tiếng vang lớn, gây rúng động mạnh trong ngụy quyền, ngụy quân huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân và các vùng lân cận. Các hoạt động vũ trang tuyên truyền, rải truyền đơn, treo cờ Tổ quốc, tổ chức tập kích vào các đồn bót của địch cũng diễn ra ở nhiều huyện trong tỉnh như Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ,..
Ở miền núi, ta tổ chức vũ trang tuyên truyền tại Vĩnh Phúc, Bình Quang (huyện Vĩnh Thạnh). Lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Thạnh đánh tiểu đội bảo an tại quận lỵ. Lực lượng vũ trang huyện Vân Canh đánh bọn bảo an lùng sục ở Canh Sơn. Tại An Lão, cuối tháng 12/1960, đơn vị 2/9 phục kích diệt 1 tiểu đội lính H’re đi càn quét ở Đất Dài, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá khu tập trung Gò Nỉ - Đất Dài, bung về làng cũ…
Đến cuối năm 1960, ta giải phóng hầu hết huyện Vĩnh Thạnh, toàn bộ vùng cao huyện An Lão và 3 xã vùng cao huyện Vân Canh. Đây là vùng giải phóng đầu tiên, là căn cứ địa của phong trào cách mạng toàn tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng với giải phóng và mở rộng căn cứ miền núi, ta đã khôi phục và phát triển hàng trăm cơ sở ở 7 huyện đồng bằng, quan trọng nhất là đã hình thành được một số hành lang gồm các thôn vùng giáp ranh một số huyện, làm bàn đạp cho những đợt tiến công của ta ở đồng bằng sau này. Các huyện đồng bằng đều có đội vũ trang công tác, một số nơi tổ chức đội công tác xã. Tỉnh có đơn vị 2/9 và 1 đại đội đặc công, 3 huyện miền núi đều có tiểu đội vũ trang tập trung, xuất quân những trận đầu đều lập công xuất sắc. Toàn Đảng bộ có hơn 200 đảng viên (các huyện miền núi và căn cứ chiếm hơn 150 đồng chí), đồng bằng hơn 30 đảng viên tại chỗ. Đó là những chiến sĩ được tôi luyện, thử thách trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, đội ngũ này tiếp tục lãnh đạo quần chúng đánh Mỹ, diệt ngụy giải phóng quê hương.
Những thành tích của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Định đạt được trong những năm 1954 - 1960 là do đường lối đúng đắn của Đảng, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 15; sự chỉ đạo sâu sát với tình hình Bình Định của Khu ủy V; sự vận dụng sáng tạo, kịp thời của Tỉnh ủy Bình Định trước những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, đã lãnh đạo đấu tranh góp phần làm phá sản “chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ, đó cũng là tiền đề quan trọng để Đảng bộ Bình Định từng bước trưởng thành, lập công xuất sắc và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định 31/3/1975, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975.
[1]Theo Nam Trung bộ kháng chiến 1945 - 1975, Hà Nội 1992 và Khu V 30 năm chiến tranh giải phóng, tập II, Bộ Tư lệnh Quân khu V, 1989.
[2]Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ở Vĩnh Thạnh, dựa vào tục “kiêng ma”, đồng bào không chỉ làm thất bại thủ đoạn bắt dân chụp ảnh làm thẻ kiểm tra, lập danh sách những người trong gia đình, mà còn hạn chế sự lùng sục của địch vào làng, rẫy. Tại An Lão, đồng bào vùng cao tổ chức “ăn thề” lập tự vệ mật, bố phòng làng, rẫy đề phòng địch càn quét, bắt người. Một số nơi giáp Quảng Ngãi, đồng bào dời làng lên núi cao, không hợp tác với địch. Địch đưa gián điệp giả danh thương lái lên vùng cao An Lão dò xét thì 2 tên bị diệt tại An Toàn và An Trường. Ở Vân Canh, không những vùng cao, mà một số xã vùng thấp đều có cán bộ bám hoạt động.
[3]Huyện Vĩnh Thạnh, phát triển lực lượng tự vệ chiến đấu ở hầu khắp 27 làng, với 118 chiến sĩ; huyện Vân Canh, ở 22 làng với 73 chiến sĩ.; huyện An Lão, hầu hết các làng đều có tiểu đội tự vệ, được huấn luyện kỹ thuật chiến đấu, biết chỉ huy, được trang bị vũ khí thô sơ.
[4]Cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) phá khu dồn Bờ Râu vào đêm 07/02/1959, tức sau Vĩnh Thạnh 1 ngày. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận (1930 - 1975), 6/1995, trang 201, tuy nói đêm 30 Tết (tức đêm 07/02/1959) mà lại ghi là ngày 04/02/1959 (?)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét