Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn thời chống Mỹ |
Sài Gòn giải phóng |
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã qua 32 năm. Những khúc ca hùng tráng về một thời oanh liệt vẫn vang vọng. Đường Trường Sơn (ĐTS), cái tên đã đi vào lòng dân tộc như sự trường tồn, hùng vĩ, ngoan cường của thời lửa đạn. Nơi lưu giấu của muôn vàn ký ức về những con người hy sinh tất cả cho Tổ quốc quyết sinh. Ngược dòng thời gian, lúc đó có một con người đã ròng rã, miệt mài, tỉ mẩn làm một việc cực kỳ bí mật, tối trọng cho quốc gia... đó là vẽ bản đồ ĐTS. Để có ngày hòa bình hôm nay, ông đã góp phần không nhỏ. Tuy ngày nay, có người nhớ, người quên nhưng với ông, những ngày tháng làm công việc “ít ai biết” là quãng thời gian đẹp nhất, vinh quang nhất! Tên ông là Nguyễn Lương Cảnh, sinh năm 1946, ở Tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Tháng 2-1965, Mỹ ném bom Đồng Hới, đang là dân quân địa phương, cậu trai trẻ Nguyễn Lương Cảnh xung phong ra trận tuyến- Đường 16 (thuộc làng Ho - Quảng Bình) từ ngày 15-7-1965! Đơn vị ông phụ trách làm đường, sửa đường sau khi bị quân địch phá hủy để cho bộ đội hành quân.
Sau đó được ít lâu, ông chuyển qua Đường 20 quyết thắng, dài 123km từ Phong Nha - Quảng Bình đến Lùm Bùm (Lào). “Chiến tranh ác liệt, sống- chết trong tấc gang”, ông Cảnh rơm rớm giọt lệ trên gương mặt sạm đen, nhớ lại: “Sau một loạt bom của giặc Mỹ, đồng chí Lê Văn Dị, Đội trưởng Đội cầu 4- Quảng Bình hy sinh. Người đồng đội mà tui thầm kính mến đã ngã xuống. Tui sử dụng một tua vít, tìm đá khắc cho bạn một tấm bia liệt sĩ tại Km39- U Bò- Đường 20 quyết thắng để làm dịu lòng mình”. Theo ông kể lại thì lúc đó, ở đơn vị ông có 9 người đã hy sinh ngay tại địa điểm anh Dị hy sinh.
Ban chỉ huy thấy đây là việc có ý nghĩa, nên điều ông về khắc bia cho 9 ngôi mộ đó. Nhưng, chiến tranh, đồng đội hy sinh không dừng lại, thế là ông cứ thế tiếp tục khắc bia cho đồng đội. Thậm chí anh khắc bia không kịp với số đồng đội hy sinh.
Ban ngày tìm đá để khắc bia, ban đêm ông “hành quân” đi cắm bia mộ cho đồng đội. Lúc có xe thì ông đỡ đôi chút chứ không thì thường đi bộ, vác bia mộ trên vai đến địa điểm đồng đội hy sinh đã được báo về. Có lúc vác bia đá đi bộ cả 50km đường là chuyện bình thường trong lửa đạn.
Nhiều ngôi mộ phải cắm 3 lần vì máy bay đánh tan bia, có mộ 10 ngày sau khi hy sinh thì tìm chẳng ra, vì đã bị san bằng... Những điều ấy khiến ông luôn trăn trở, nghĩ suy... “Tình thương đồng chí vượt lên hàng đầu. Có người, tui vừa mới gặp xong chưa đầy 30 phút lại phải cắm bia cho họ thì sao cầm lòng? Những hình ảnh ấy cứ theo mãi trong tui”- ông Cảnh lau dòng nước mắt rồi kể tiếp. Trước đây, khi ông chưa khắc bia, đồng đội hy sinh, thường chỉ cắm tấm gỗ viết sơn đỏ về những thông tin cần thiết, người nào may mắn thì những thông tin đó được ghi lại và bỏ vào lọ penixilin để chôn theo người….
Công việc ông cứ thế cho đến tháng 2-1967, Ban chỉ huy thấy ông “khéo tay” nên chuyển ông về Bộ Tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Không được làm công việc chăm sóc đồng đội ngã xuống, ông rất buồn nhưng phải theo lệnh của chỉ huy. Giờ đây, trên những nẻo ĐTS, những tấm bia lưu dấu nơi an nghỉ của đồng đội đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho biết bao đơn vị, gia đình liệt sĩ tìm đến đưa người thân về với quê hương, gia đình.
Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ông Cảnh được tuyển vào Phòng Bản đồ. Công việc của ông là vẽ, quản lý toàn bộ bản đồ ĐTS từ tháng 5-1967.
Thời gian đó, chỉ mới khoảng 10 tuyến đường chính như: Đường 16, 20, 10, 12... nhưng đến khi chiến tranh kết thúc, đến tháng 2-1976, toàn bộ ĐTS có 216 con đường (chưa kể đường sông) dài trên 20.000km. Công việc của người vẽ bản đồ ĐTS thời đó không hề đơn giản và tuyệt mật. Để vẽ được một cách chuẩn xác, phải thu thập, nghiên cứu từ nhiều tài liệu như: từ bản đồ thông thường, bản đồ của địch mình thu được và các đơn vị tại chỗ khảo sát gửi lên, trinh sát gửi về... Rừng núi mênh mông, điệp trùng, gập ghềnh... khiến cho người vẽ rất khó định vị, nên phải tinh tế, chuẩn xác đồng thời phải biết tập hợp vẽ mạng lưới đường hoàn chỉnh cho Bộ Tư lệnh, báo cáo Bộ Tham mưu. Có nhiều tuyến đường chính phải luồn lách dưới lùm cây để vận chuyển ban ngày mà địch không phát hiện, đòi hỏi người vẽ phải dồn hết tâm lực mới chính xác. Thật khó cho người vẽ bản đồ, khi nhiều đoạn đường chưa làm xong đã bị địch ném bom, rồi lại phải chỉnh, sửa liên tục. Người vẽ bản đồ như ông Cảnh, không hề được tiếp xúc với ai ngoài những người chỉ huy. Và không được phép nói với ai về nghề nghiệp mình làm. Xác định được tầm quan trọng đó, trong thời gian ở chiến trường, ông không cho ai biết mình làm nghề gì. Nếu không cẩn thận để sơ suất một chút, dễ lộ bí mật quốc gia, có thể làm ảnh hưởng đến cuộc chiến. Bởi thế, tuyệt đối trong người ông không bao giờ được bỏ chút tài liệu gì liên quan đến bản đồ. Trọng trách thật vinh dự và tự hào nhưng cũng đòi hỏi bản lĩnh cao độ của người lính. Trong khoảng thời gian ấy, không thể kể hết những kỷ niệm mà ông đã không thể quên trong chiến tranh chống xâm lược. Sau một phút ngẫm nghĩ, ông kể về một kỷ niệm sâu sắc nhớ đời: “Hôm đó Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên bảo tui vẽ bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân của cấp đại đội đến cấp sư đoàn với đầy đủ trận địa, kho tàng, tỷ lệ 1:500.000 để báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh. Sau 4 tháng thì tui hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi đưa lên trình với Tư lệnh trưởng, sau một hồi xem xét, ông bảo “về làm lại”. Tui sững sờ, không biết vì sao, vì hầu như đã đầy đủ các chi tiết. Ai ngờ, “vì bản đồ vẽ đúng quá, cụ thể quá, mới phải về làm lại”. Tui phân vân, thì Tư lệnh trưởng giải thích rằng, sợ bị phục kích sẽ rất nguy hiểm. Sau đó, tui về chỉnh sửa lại với tỷ lệ sai lệch khoảng 10km”...
Trong căn nhà, lúc tiếp chuyện với ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ về trí nhớ của ông về những con ĐTS. Từng chi tiết, ông vẽ và kể vanh vách. Ông cho biết: “Thôi làm trên 40 năm nhưng tui không sao quên được những chi tiết trên ĐTS. Nó để lại quá nhiều kỷ niệm, quá hằn sâu trong tâm trí của tui. Luôn hiển hiện trong những ngày sống, trong giấc ngủ, bữa ăn”. Làm công việc thật tự hào, với trọng trách cao cả, còn thời bình, những điều học được trong cuộc chiến được ông răn dạy lại cho thế hệ trẻ, lớp con cháu: “Ở mọi thời đại, cái đức là trên hết, cộng với sự quyết tâm, lòng vị tha, tính dũng cảm, trung thực, không vụ lợi, thủ đoạn... dẫn đến thành công”.
Bước ra khỏi cuộc chiến, thời bình, ông là người gầy dựng một trong những doanh nghiệp mạnh ở TP Đồng Hới. Với cơ sở sản xuất nhôm kính, ông đã dạy nghề cho hàng trăm con em quê hương, con của đồng đội; tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục người. Không những thế, quán cà phê nổi tiếng nhất nhì TP Đồng Hới là “nguồn thu nhập” không nhỏ, làm tăng hiệu suất kinh doanh của ông. Vì vậy, từ nhiều năm nay, ông là một trong những cựu chiến binh tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình kinh doanh giỏi. Mỗi năm doanh thu của doanh nghiệp ông lên đến trên 5 tỷ đồng. Là “địa chỉ” cho những đứa trẻ thiếu công ăn việc làm tìm đến và đều được ông tận tình giúp đỡ...
Tôi xin khép lại bài viết với lời đánh giá của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về ông Cảnh: “Khi ở chiến trường tôi làm việc chủ yếu trên bản đồ. Chú Cảnh là người tôi chọn để làm việc đó. Chú Cảnh lúc bấy giờ là một chàng trai khỏe đẹp về dáng vóc, trong sáng về tâm hồn, dũng cảm trong chiến đấu; thành thạo, cẩn trọng và đáng tin cậy trong nghề nghiệp. Đó là một người tôi rất quý, rất mến. Tôi đã dự kiến được trước, con người đó nhất định thành đạt. Chữ TÂM đối với con người đó bao phủ tất cả!”.
Nguyễn Xuân Hưng
|
Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012
Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn thời chống Mỹ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét