Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh


Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh


Trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị hàng loạt di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia trong đó có cụm di tích Nhà đày Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh.
Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh
Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh

Nằm trên tuyến Đường 9, Di tích nhà đày Lao Bảo cách Cửa khẩu Lao Bảo khỏang 3 km về phía Đông Nam trên địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo. Nơi đây nguyên là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, thường biết đến là chốn “rừng thiêng, nước độc”. Khi đặt được ách thống trị lên xứ Trung Kỳ, thực dân Pháp chọn Lao Bảo Nhà đày Lao Bảo được chính quyền thực dân Pháp bắt tay vào xây dựng từ năm 1908. Lúc mới lập, nhà đày Lao Bảo mới chỉ có 2 dãy nhà gian bằng gỗ, lợp ngói, tường cốt tre trét toóc xi ( vôi cát trộn rơm) để  giam giữ tù thường phạm và những người yêu nước chống Pháp theo các phong trào Cần Vương, Văn Thân.
Sau năm 1930, phong trào cách mạng chống Pháp ngày càng lan rộng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nổ ra khắp nơi. Thực dân Pháp thực hiện các cuộc đàn áp, khủng bố trắng ở Trung Kỳ đã bắt giam nhiều người yêu nước và chiến sĩ cộng sản. Giữa năm 1934, thực dân Pháp đã cho xây thêm 3 dãy nhà giam kiên cố bằng bê tông cốt thép với đầy đủ hệ thống hầm ngầm, cổng sắt, cửa sắt. Ngoài ra trong khu vực nhà đày Lao Bảo còn có nhà hành xác, nhà tra trấn, hỏi cung (nằm ở góc Đông - Nam), nhà cai ngục, trại lính (ở  góc Tây - Bắc) nhà dây thép (Bưu Điện), xưởng mộc, xưởng thêu, xưởng rèn.
Chế độ lao dịch khổ sai áp dụng cho tù nhân nơi đây rất khắc nghiệt. Người tù bị bắt làm đủ thứ việc từ đập đá mở đường 9, làm cầu cống, chặt cây, đắn gỗ đến làm vườn trồng rau, làm thợ mộc, làm đồ mây tre, đồ thêu… cốt để thu nhiều lợi nhuận cho bọn chủ ngục, đã thế tù nhân còn bị đánh đập,. tra tấn tàn bạo trong các lần hỏi cung.
Để chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, nơi đây đã từng nổ ra những cuộc đấu tranh quyết liệt dưới mọi hình thức của tù nhân với bọn cai ngục nhằm bảo vệ quyền sống tối thiểu của con người và nêu cao nghĩa khí của những người yêu nước, khí tiết của người Cộng sản.
Tồn tại trong vòng 63 năm nhưng có thể nói Nhà đày Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn ở Đông Dương. Tại đây thực dân Pháp đã dùng những hình phạt dã man thời Trung cổ như gông, cùm, xiềng xích cùng với chế độ cai trị hà khắc tàn bạo nhất để đàn áp và giết hại các chiến sĩ yêu nước và cộng sản.
Theo số liệu thống kê chưa được đầy đủ từ khi lập nhà tù Lao Bảo cho đến tháng 3/1945, đã có hàng ngàn tù nhân bị thực dân Pháp giam giữ tại đây, trong đó có trên 350 là tù  nhân chính trị bị lưu đày, nhiều đảng viên Cộng sản đã anh dũng hy sinh trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Đồng chí Tố Hữu đã từng viết : “Cùng với Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo… nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng núi heo hút, đầy muỗi sốt rét ác tính, ở miền Tây Quảng Trị, thực tế đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất. Song với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhà đày Lao Bảo đã trở thành nơi nung nấu lòng yêu nước thiết tha, rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ Cộng sản”.
Đến với Di tích Nhà đày Lao Bảo, qua những chứng tích còn lưu giữ và tôn tạo lại cho ta thấy rõ tội ác mà chính quyền thực dân Pháp đã từng gieo rắc lên đất nước ta; Càng thấy rõ hơn phẩm chất và khí tiết của những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản đã một lòng, một dạ trung kiên bất khuất đấu tranh anh dũng, chịu đựng tất cả để vượt qua và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc.
Trải qua hai cuộc chiến tranh , nhất là trong thời kỳ chống Mỹ, nhà tù đã bị hư hại nặng nề. Năm 1995, ngành Văn hóa – Thông tin đã cho mở đường, dựng một đài chứng tích nằm cạnh lao C, một đàn âm hồn để tưởng niệm những người đã hy sinh, nhà bia tưởng niệm Hồ Bá Kiện - người chỉ huy cuộc bạo động năm 1915. Đến năm 2000, trong chương trình tôn tạo di tích, một cụm tượng đài tương đối quy mô đã được đầu tư xây dựng cùng với việc quy hoạch lại khuôn viên, xây nhà đón tiếp, tổ chức trưng bày bổ sung. Hiện nay di tích đang ngày càng phát huy tác dụng tốt trong việc góp phần giáo dục truyền thống và đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Rời Lao Bảo theo Quốc lộ 9 về hướng Đông khoảng 20 km du khách đến cụm di tích sân bay Tà Cơn – Khe Sanh.
Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968, nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Địa danh này từng gắn với nhiều sự tích liên quan đến chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Hiện nay di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách huyện lỵ Hướng Hóa khoảng 3 km về hướng Đông - Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12/12/1986.
Ở vào vị trí gần biên giới lại án ngự quốc lộ 9 nối từ Đông Hà (Việt Nam) đến Savannakhẹt (Lào), Khe Sanh có một vị thế chiến lược khá lợi hại về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả miền Nam và cả khu vực Đông Dương.
Tướng Oét môlen tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam coi việc thiếp lập ở Khe Sanh một tập đoàn cứ điểm quân sự như là một cái “ chốt cứng” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây - Bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở Nam Khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn đối phương từ Lào sang và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm “quấy nhiễu đối phương” dọc biên giới Việt – Lào; đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ điểm cho các họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.
Cùng một loạt căn cứ được xây dựng theo trục đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh, cụm cứ điểm sân bay Tà Cơn được coi là một trong những khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2 km, rộng 1 km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ trang.  Bên cạnh đó một loạt căn cứ quân sự được xây dựng trên các hướng, các điểm cao xung quanh như: Căn cứ biệt kích ở Làng Vây, điểm cao 689, 682, 845, 832, 1009 (Động Tri ) với khoảng 6.000 quân.
Với cách bố trí như vậy, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được Mỹ - Ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
Thế nhưng trước sức mạnh tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tà Cơn đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân Mỹ - Ngụy.  Ngày 26/6/1968, quân Mỹ buộc phải mở đường máu rút khỏi Khe Sanh.
Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, đánh dấu sự bế tắc của Mỹ - Ngụy trong thế phòng ngự chiến lược đồng thời thể hiện rõ trình độ phát triển cao của quân giải phóng về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và tiến hành các chiến dịch tiến công quy mô lớn, dài ngày, hợp đồng binh chủng chặt chẽ có hiệu quả. Tà Cơn - Đường 9 – Khe Sanh thực sự trở thành những địa danh gắn liền với những chiến công đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với thắng lợi ở mặt trận Đường 9 Khe Sanh, quân và dân ta đã làm nên một sự tích phi thường là đánh bại một lực lượng đồn trú tinh nhuệ, hiện đại đông hơn mình gấp nhiều lần, điều đó chứng tỏ sức mạnh, tài nghệ và ý chí của quân và dân ta là vô địch trong đó thể hiện nổi bật trí tuệ, tài thao lược Việt Nam đã vượt lên trên đối phương. Đồng thời thấy rõ sự bế tắc trong chiến thuật, chiến lược của một đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại nhưng phi nghĩa của kẻ thù xâm lược. Thắng lợi này còn chứng minh lòng quả cảm, trí thông minh, dám chấp nhận hy sinh, gian khổ; sự  cống hiến đáng tự hào cho cuộc kháng chiến vĩ đại của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị nói chung, của quân và dân Hướng Hóa nói riêng, đánh dấu một bước phát triển mới trong phong trào cách mạng giải phóng quê hương.
Sau chiến tranh, căn cứ Tà Cơn dần dần bị phá hoại trước thời gian và con người. Từ năm 1998, công cuộc trùng tu, tôn tạo được bắt đầu. Hiện nay trong khuôn viên di tích đã có một nhà bảo tàng về Đường 9 – Khe Sanh; một số hầm hào, công sự được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay lên thẳng, đại bác, xác xe tăng, máy bay, bom đạn các loại… được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước.
Cùng với di tích nhà đày Lao Bảo, sân bay Tà Cơn Khe Sanh đang trở thành một điểm di tích thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan trong tuyến du lịch DMZ; là những địa chỉ  không thể bỏ qua cho những quý khách xa gần đến với lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ hai sẽ được tổ chức trong tháng bảy năm nay và trong các dịp tổ chức lễ  hội định kỳ về sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét