Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1946


  • Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1946

  • Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập trước quốc dân và thể thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam bắt tay xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ. Một ngày sau đó, ngày 3 - 9, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, một trong sáu vấn đề cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nêu lên là “phải có một hiến pháp dân chủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống
  • Ngày 6 tháng 1 năm 1946, toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã hồ hởi, phấn khởi tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội. Tại kỳ họp thứ hai ngày  9-11-1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Hiến pháp đầu tiên ghi rõ những thắng lợi to lớn của nhân dân ta; quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ công dân; nêu cao ý chí, sức sáng tạo to lớn của toàn thể dân tộc kiên quyết giữ gìn nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, bảo vệ tự do và quyền dân chủ của nhân dân.
    Nếu việc lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta, thì chỉ hơn 4 tháng sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử  bầu ra Quốc hội, và hơn 10 tháng sau khi Quốc hội được bầu, có Hiến pháp đầu tiên, lại là một thắng lợi chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Động lực thành công của cuộc Tổng tuyển cử và bầu Quốc hội chính là khát vọng tự do dân chủ của Hồ Chí Minh và toàn dân tộc.
    Nhiệm vụ của dân tộc ta từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Để thể hiện được tình hình đó, Hiến pháp 1946 đã xây dựng trên những nguyên tắc “đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
    Hiến pháp 1946 là Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới, được xây dựng trong điều kiện đất nước “ngàn cân treo sơi tóc”, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Nhưng có thể nói Hiến pháp đã thể hiện được tinh thần của một chính thể dân chủ rộng rãi.  Hiến pháp 1946 khẳng định “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo” (Điều thứ 1). “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia theo Điều 32 và 70 (Điều thứ 21)”. “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý” (Điều thứ 32). Nghị viện phải  xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức” (Điều thứ 41). Bộ trưởng nào không được Nghị viện tín nhiệm thì phải từ chức” (Điều thứ 54). Trong hạn 24 giờ sau khi Nghị viện biểu quyết không tín nhiệm Nội các  thì Chủ tịch nước Việt Nam có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận lần thứ hai phải cách cuộc thảo luận lần thứ nhất là 24 giờ. Sau cuộc biểu quyết này, Nội các mất tín nhiệm phải từ chức” (Điều thứ 54). “Nhân viên Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính có thể bị bãi miễn. Cách thức bãi miễn sẽ do luật định” (Điều thứ 61). “Những điều thay đổi (sửa đổi Hiến pháp) khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” (Điều thứ 70).
    Nhớ lại ngày 21-1-1946, tức là mười lăm ngày sau bầu cử Quốc hội và mười tháng sau khi có Hiến pháp, Hồ Chí Minh đã công bố cho đồng bào trong nước và nhân sĩ các nước ngoài biết về tinh thần dân chủ của  trong một nước dân chủ. Khẳng định “trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức”, Người khẳng định: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”[1]. Phải chăng hai chữ “đồng bào” Hồ Chí Minh dùng ở đây sau này được thấm vào quan điểm “toàn dân phúc quyết”, thể hiện trí tuệ của toàn dân đối với vận mệnh của đất nước.
    Hiến pháp năm 1946 sau khi được phê chuẩn, cả nước bước vào cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt chống thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, có nhiều điều  trong Hiến Pháp 1946 chưa có điều kiện thi hành.
    Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Quốc hội sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Hiến pháp 1959 khẳng định “Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ”. Tinh thần dân chủ thực sự đó thấm vào mọi chương, mọi điều của Hiến pháp. Chẳng hạn, “Đại biểu Quốc hội  và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ nếu tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” (Điều 5);  “công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình (Điều 25); có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào (Điều 26); có quyền tự do cư trú và đi lại (Điều 28); có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan Nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước có quyền được bồi thường” (Điều 29).
    Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1946, tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp 1959 là sức mạnh động viên nhân dân cả nước phấn khởi tiến lên giành những thắng lợi mới.
    Hiến pháp 1946 cho thấy dân chủ là linh hồn và rường cột của Hiến pháp.
    Bây giờ đọc lại Hiến pháp năm 1946, trong bối cảnh cả nước đang tập trung trí tuệ và dân chủ cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng ta cần nghiên cứu và xem xét nghiêm túc các điều của Hiến pháp 1946 với tinh thần cầu thị. Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1946 phải được thấm sâu trong tư duy sửa đổi Hiến pháp 1992. Bởi vì “ những nội dung dân chủ của Hiến pháp 1946 và 1959 không những đưa nước Việt Nam “tiến bước trên con đường vinh quang, hạnh phúc mà còn cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại” (Lời nói đầu Hiến pháp 1946).
    Sửa đổi Hiến pháp dựa trên nguyên tắc bảo đảm các quyền tự do dân chủ chắc chắn sẽ động viên và phát huy được lực lượng và trí tuệ to lớn của toàn dân tộc, tạo sức mạnh và niềm tin đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


    [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.161.

  • PGS, TS Bùi Đình Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét