Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

An ninh Khu 9 với đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển


An ninh Khu 9 với đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển


Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Nam Bộ không chỉ là chiến trường nóng bỏng mà còn là địa bàn chủ yếu cho các chuyến tàu không số cập bến; là cung đường cuối cùng của tuyến đường 1C. Suốt thời gian gần 15 năm, Khu 9 là nơi tiếp nhận và vận chuyển trót lọt hàng chục ngàn tấn vũ khí và hàng ngàn lượt cán bộ, Bộ đội, Công an do TW chi viện tới các chiến trường Nam Bộ... Đóng góp vào những kết quả đó, có vai trò không nhỏ của lực lượng An ninh Khu 9.
Trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, đầu năm 1961, Trung ương điện gửi TW Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam, chỉ đạo: "Các tỉnh tổ chức bí mật cho thuyền vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển, rồi trực tiếp dẫn tàu vào…". Cuối tháng 1/1961, Khu ủy Khu 9 tổ chức Hội nghị mở rộng tại ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá; một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là quán triệt nhiệm vụ mở đường biển, lập bến bãi, kho tàng sẵn sàng tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện cho miền Nam.
Khu ủy giao cho mỗi tỉnh chuẩn bị một đội tàu vượt vòng vây quân thù ra Bắc vừa để "mở đường", vừa nhận vũ khí. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân sự địa phương, An ninh Khu 9 đã chỉ đạo An ninh các tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị nên chỉ sau 3 tháng mỗi tỉnh đều đã có 1 đội thuyền lên đường ra Bắc, nối liền tuyến đường trên biển huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Những chuyến đi mở đường này đã giúp cho bản thân các thủy thủ hiểu được tình hình trên biển, quan trọng hơn nữa là giúp Trung ương kiểm nghiệm được các tình huống để tìm ra giải pháp.
Từ những chuyến tàu đầu tiên ra Bắc thành công, Khu ủy Khu 9 quyết định thành lập một đơn vị chuyên trách "chỉ đạo công tác vận tải chiến lược đường biển lấy phiên hiệu là HN75, có nhiệm vụ khảo sát toàn bộ vùng biển khu vực Cà Mau, xác định bến bãi tiếp nhận hàng, báo cáo kết quả cho Khu ủy".
Ngày 14/9/1962, chiếc tàu mang tên Phương Đông 1, xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí đạn dược cập bến Vàm Lũng an toàn; sau đó các tàu Phương Đông 2, 3, 4, 5, 6… lần lượt chở vũ khí và cán bộ chi viện cho các chiến trường Nam Bộ thông qua các tuyến kênh rạch miền Tây. Để đáp ứng yêu cầu tuyệt đối bí mật, An ninh Khu và An ninh các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Rạch Giá… đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị HN75, mở bến, xây dựng kho tàng; thẩm tra, tuyển chọn hàng ngàn người tham gia vào công tác vận chuyển.
Theo đề xuất của Tổ trinh sát HN75 và An ninh Khu, Khu ủy quyết định chọn các điểm ven biển Cà Mau làm bến tiếp nhận, trong đó sông Vàm Lũng, Kiến Vàng làm 2 bến chính và một số bến phụ khác. Tại các điểm này lực lượng An ninh đã tổ chức di dân xa 5 đến 10km để đảm bảo bí mật; bóc gỡ mạng lưới gián điệp, thám báo của địch, xây dựng vành đai bảo vệ nghiêm ngặt. Tại các bến và tổng kho từ Rạch Gốc đến đất Mũi cuối chốt Năm Căn đã thực sự là khu cấm địa nghiêm ngặt, là bến đón và khu kho tàng bí mật lớn nhất miền Nam. Đến cuối năm 1963, đã tiếp nhận 23 lượt tàu với khối lượng 1.318 tấn vũ khí, trang thiết bị.
Phương thức mới, cách làm mới (vận chuyển công khai).
Từ năm 1964, lưu lượng vận chuyển càng tăng, mỗi năm hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài được cập bến miền Tây. Lực lượng An ninh không chỉ làm trong sạch địa bàn khu vực mở bến, bốc dỡ và bảo quản hàng hóa, mà còn đảm bảo tuyệt đối an toàn tuyến đường vận chuyển vũ khí, khí tài cho các chiến trường, kể cả vận chuyển lên chiến trường T4. An ninh Khu đã lần lượt cử những đồng chí lãnh đạo cốt cán, giàu kinh nghiệm đến các bến Rạch Gốc, Kiến Vàng, Bồ Đề, Cái Bằng (Cà Mau), Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu… phối hợp chặt chẽ với Đơn vị 962 chỉ đạo mở bến và xây dựng kho tàng. Riêng Bến Rạch Gốc rộng hàng trăm kilômét vuông trong rừng đước đã được bảo vệ tuyệt đối an toàn và là tổng kho cung cấp cho hầu khắp chiến trường miền Tây, miền Đông Nam Bộ và một phần chiến trường Khu V.
Trước kỳ tích đó, người dân miền Tây đã cảm khái viết nên vần thơ ân tình trĩu nặng: "Nhớ xưa trên mảnh đất này/ Rạch thành bến cảng, rừng xây kho tàng/ Tàu ra Bắc, tàu vào Nam/ Trăm tàu cập bến, bốc hàng lên đây…".
Sau sự kiện tàu vào bến Trà Vinh mắc cạn và bị địch phát hiện, thu toàn bộ vũ khí (tháng 2/1965); tiếp đó là vụ chiếc tàu sắt số 143 của Đoàn 125 chở vũ khí bị phát hiện tại Vũng Rô (khu vực ngay dưới chân Đèo Cả, ranh giới của 2 tỉnh Phú Yên và Nha Trang); địch tăng cường kiểm soát, tuần tra ven biển Nam Bộ, nhất là ở miền Tây. Trong tình thế đó, Trung ương quyết định tạm ngưng việc chi viện vũ khí bằng đường biển. Song trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, Khu 9 đã áp dụng biện pháp vận chuyển công khai bằng những con tàu đánh cá hoặc tàu buôn bán hợp pháp nhưng có những đáy bí mật để cất giấu vũ khí.
Cách vận chuyển này làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, không thể lường tới. Vì thế vũ khí đạn dược lại tiếp tục được đưa từ kho trung chuyển về các chiến trường ngày càng nhiều hơn. Con đường vận chuyển vẫn thông suốt. Bí quyết thành công của phương thức vận chuyển này là ở chỗ An ninh Khu đã xây dựng "căn cứ lòng dân", vận động ngư dân, lựa chọn người đủ điều kiện tham gia vận chuyển, cảnh giác đề phòng địch cài cắm tay chân vào phá hoại. Phối hợp làm các loại giấy tờ "hợp pháp" cho tàu và người; tổ chức luyện tập cho số cán bộ, chiến sĩ tham gia vận chuyển đóng giả ngư dân, thông thạo cách đánh cá, cách lái tàu, thậm chí phải phơi nắng cho da đen sạm đi như những ngư dân miền Tây thực thụ.
Các đồng chí lão thành nguyên là cán bộ An ninh Khu 9 - những người đã từng vật lộn dưới cảnh “bom chồng bom, đạn cày đạn” của quân thù, giữ cho các tuyến đường huyền thoại được thông suốt, giữ liền mạch máu chi viện cho các chiến trường Nam Bộ. (Ảnh tại buổi họp mặt truyền thống An ninh khu 9 lần thứ nhất - 1997).
Ông Đặng Văn Quảng, nguyên Phó phòng Cơ yếu của Khu ủy kể lại: "Tôi phụ trách một đội quân khoảng 300 người, lo toan rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nguyên tắc nhân sự của chúng tôi là tuyệt đối trung thành. Những người được chọn vào bộ phận này phải được kiểm tra rất kỹ về mặt lý lịch và phẩm chất cách mạng, tuyệt đối không khai báo, tuyệt đối không nói với bộ phận khác, kể cả gia đình về những công việc của mình… Chúng ta thắng, một trong những lý do là chúng ta đã giữ bí mật. Đó là một thành tích rất lớn đóng góp đáng kể cho thắng lợi chung".
Sau một thời gian vận chuyển trót lọt, phương án vận chuyển công khai bị lộ, địch tăng cường kiểm soát gắt gao, TW Cục quyết định chuyển hướng sang vận chuyển quá cảnh qua cảng Sihanoukvile của Campuchia, rồi từ đó qua nhiều tuyến vận tải khác nhau vào Nam Bộ. Tháng 9/1966, Khu ủy Khu 9 ra nghị quyết thành lập Đoàn thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến vận tải 1C.
Từ đây, An ninh Khu vừa làm nhiệm vụ thẩm tra, xác minh lý lịch, tuyển chọn hàng trăm thanh niên nam, nữ ở độ tuổi 17, 18 vào đội quân bí mật; vừa trực tiếp phối hợp vận chuyển vũ khí đạn dược, đưa đón cán bộ chi viện cho các chiến trường qua tuyến đường này... Trong gần 15 năm, Khu 9 là nơi tiếp nhận và vận chuyển an toàn hàng chục ngàn tấn vũ khí và hàng ngàn lượt cán bộ, Bộ đội, Công an từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện tiền tuyến lớn miền Nam; góp phần to lớn vào ngày toàn thắng mùa xuân 1975

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét