"Đô thành Sài Gòn"
Sau khi loại Bảo Đại khỏi vũ đài chính trị Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143-NV ngày 22-10-1956 đổi "đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn "thành" đô thành Sài Gòn". Sau đó, Diệm ra sắc lệnh số 74-TTP ngày 23-3-1959 ấn định quy chế quản trị Sài Gòn: Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm Đô trưởng và các quận trưởng trong đô thành. Bốn ngày sau, Diệm lại ra nghị định số 110-NV chia lại các quận. Từ sáu quận, Sài Gòn được chia thành tám quận: các quân 1, 2, 3 giữ như cũ, song quận 4 (cũ) chia đôi thành quận 5 và quận 8; quận 5 (cũ) chia thành quận 6 và quận 7; quận 6 (cũ) đổi tên thành quận 4. Toàn đô thành có 41 phường..
Sài Gòn trở thành "thủ đô" của miền Nam nên các công sở trước kia của Pháp được đổi thành trụ sở các cơ quan trung ương của chế độ Diệm: dinh Narodom của Cao ủy Pháp được đổi tên thành dinh Độc Lập - vừa là nơi làm việc vừa là nơi ở của Diệm cùng gia đình, Nhà hát thành phố được sơn phết lại và gắn bản Quốc hội, các Tòa án cũ của thực dân trở thành Tòa thượng thẩm, Tòa phá án, và cả nhà tù nữa v.v... Đó là những cơ quan tượng trưng cho chế độ tam quyền phân lập của Diệm. Các công sở khác được trưng dụng làm văn phòng các bộ, tổng nha, nha..., thường nằm tập trung ở các quận 1, 2, 3.
Mặc dù đã đình chiến, Diệm không những giữ nguyên mà còn tăng thêm số doanh trại quân đội và bót cảnh sát giữa đô thành để dễ bề kiểm soát và trấn áp dân chúng, bảo vệ chế độ Sài Gòn. Và số huấn luyện viên quân sự trong các tổ chức, cố vấn Mỹ ở các lĩnh vực khác như chính trị, hành chính, an ninh, kinh tế... cũng gia tăng một cách mau chóng. Nhiều biệt thự, cao ốc giữa Sài Gòn biến thành nơi ăn ở và làm việc cho đủ loại cố vấn và nhân viên Mỹ, tất cả đều được canh phòng cẩn mật, người dân Sài Gòn không được phép lại gần.
Sau ngày đình chiến, dân số Sài Gòn tăng thêm hai bộ phận cư dân mới.
Trước hết là những người kháng chiến cũ. Năm xưa, họ ra bưng biền "đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến". Sau ngày chiến thắng, họ ở lại miền Nam theo sự phân công của tổ chức, nhận nhiệm vụ đấu tranh chính trị để buộc đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève. Có người quê ở lục tỉnh hay tận miền Trung, nhưng đến Sài Gòn ở, để tránh sự trả thù của ngụy quyền địa phương. Dù lao động chân tay trí óc, họ thường chọn các nghề tự do, không dính dáng gì đến ngụy quân ngụy quyền.
Bộ phận thứ hai di cư từ miền Bắc vào. Số công chức và sĩ quan cao cấp cũng như các nhà công thương giàu có thường mua nhà ở các khu vực trung tâm sầm uất. Các giáo dân Thiên Chúa - chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người di cư - sống theo cộng đồng tôn giáo và địa phương của mình. Ở vùng ven đô thành xuất hiện một loạt giáo xứ: Bùi - Phát (Bùi Chu - Phát Diệm), Tân Sa Châu, Tân Chí Linh, Tân Việt, Tân Phú, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa .v.v... Xa hơn một quãng, mọc lên các giáo cứ ở Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức.
Những khu vực ở xung quanh Sài Gòn trước đây còn thưa dân hay chưa có người ở, thì giờ đây ngày càng trở nên đông đúc. Vấn đề chỉnh trang đô thành được đặt ra. Các khu vực xóm lao động đông dân được chú ý trước hết không chỉ vì những nhà ổ chuột làm mất vẻ mỹ quan của "thủ đô" mà nhất là vì đó là những "lõm" ém quân, nuôi giấu cán bộ Cách mạng, không tài nào kiểm soát được, đã tồn tại từ thời kháng chiến chống Pháp.
Diệm muốn giải tỏa, nhưng dân không chịu đi. Nhiều vụ hỏa hoạn lớn xảy ra giữa đêm khuya, người dân cho là do ngụy quyền cố tình gây ra để buộc dân phải di dời tới những nơi ở mới theo quy hoạch của Mỹ - Diệm. Hai cơ quan lo chuyện nhà cửa là Gia cư liêm giá cuộc và Doanh lý kiến thiết, lập ra một số cư xá và chung cư như cư xá Nguyễn Tri Phương, cư xá Lê Đại Hành, cư xá Lữ Gia, cư xá Kiến Thiết, chung cư Nguyễn Văn Thoại...
Có lúc Diệm có dự án nới rộng Sài Gòn sang vùng Thủ Thiêm còn thưa dân, nhưng thấy nơi đây còn hoang vu quá, cây cối rậm rạp, lại gần Rừng Sác, e an ninh không đảm bảo, nên dự án nói trên bị xếp qua một bên.
Sức nặng của đồng đôla và giá cả điên đảo
Trong những năm đầu sau Hiệp định Genève, từ 1955 đến 1960, Mỹ viện trợ cho Diệm gần 2 tỷ USD. Dưới tác động của viện trợ Mỹ, kinh tế của Sài Gòn phát triển khá nhanh theo chiều hướng kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Nhà máy mọc lên khá nhiều: 70% trong tổng số 12.000 cơ sở công nghiệp của toàn miền Nam tập trung tại vùng Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa. Công cuộc sản xuất ở thành phố sớm bộc lộ nhiều nhược điểm nghiêm trọng, như phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài (Mỹ, Nhật...) về nguyên liệu, phụ tùng, thiết bị và cả về Kỹ thuật; phát triển một cách què quặt (vì thiếu những ngành then chốt như cơ khí chế tạo máy, hóa chất cơ bản, sản xuất nguyên liệu kỹ thuật) và mất cân đối, không những không chú trọng toàn bộ nền kinh tế mà ngày cả trong từng ngành, từng xí nghiệp (như thiếu sợi cho công nghiệp dệt, thiếu bột giấy cho công nghiệp giấy...). Từ khi chiến tranh lan rộng, những ngành nghề trực tiếp hay gián tiếp phục vụ chiến tranh có điều kiện phát triển mạnh, còn nhiều ngành nghề khác bị chựng lại hay suy sụp. Mặt khác, do viện trợ, Mỹ cũng buộc ngụy quyền Sài Gòn phải mua hàng của Mỹ rồi bán hàng đó mà lấy tiền trả lương cho công chức, binh lính... khiến hàng sản xuất trong nước không cân sức với hàng ngoại nhập.
Mười mấy năm sau, các tác giả của Tài liệu mật Lầu Năm Góc kể công: "Không có sự giúp đỡ của Mỹ, gần như chắc chắn là Diệm không thể củng cố được chỗ đứng của mình ở miền Nam trong thời gian 1955 và 1956 (...) Không có viện trợ của Mỹ trong những năm sau đó, chắc chắn là chế độ Diệm (...) không thể sống sót được". Họ kết luận một cách không úp mở: "Về cơ bản, miền Nam Việt Nam là sản phẩm do Mỹ tạo ra".
Được Mỹ cố vấn và tài trợ, chính quyền Diệm đáp lại những nguyện vọng của nhân dân bằng đàn áp, khủng bố. Diệm đề ra "quốc sách tố Cộng" (11-4-1955), dụ số 6 (11-1-1956) thành lập các trại tập trung để an trí những người bị xem là "nguy hại cho quốc phòng và an ninh",luật 10/59 (6-5-1959) lập các tòa án quân sự đặc biệt chỉ xử hai mức án: tử hình và khổ sai chung thân. Tài liệu mật của Lầu Năm Góc ghi: "Trong cái gọi là chiến dịch tố Cộng bắt đầu từ mùa hè 1955, có từ 5 đến 10 vạn người bị bắt vào các trại giam". Đó là những người yêu nước, trước đây đã kháng chiến giành độc lập tự do, nay tiếp tục đấu tranh cho hòa bình thống nhất. Đặc biệt, nhiều cán bộ lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lần lượt bị Mỹ - Diệm bắt giết như Trần Quốc Thảo, Nguyễn Trọng Tuyển, Đoàn Văn Bơ...
Để nắm rõ tình hình và âm mưu của địch, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn quyết định vào Sài Gòn. Từ tháng 6 đến tháng 12-1956, đồng chí sống và làm việc tại nhà số 29 đường Huỳnh Khương Ninh (Đakao, quận 1) giữa sự bao bọc của đồng bào, đồng chí. Chính trong lòng địch, đồng chí đã viết bản Dự thảo đề cương Đường lối cách mạng miền Nam, khẳng định: "Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác". Và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là "đánh đổ chiến quyền độc tài phát xít của Mỹ - Diệm" để "cùng toàn quốc thực hiện hòa bình, thống nhất".
Để thực hiện ý đồ xâm lược Mỹ không tìm đâu ra đất trống giữa đô thành đông dân để lập doanh trại, một mặt Mỹ thuê một số khách sạn ở những khu vực "an ninh" (thường là ở các quận trung tâm của Sài Gòn), mặt khác chi tiền cho các nhà thầu xây dựng mới một số cao ốc. Sau khi ký hợp đồng với Mỹ và nhận trước tiền cho thuê trong hai năm, các chủ thầu tiến hành xây dựng cấp tốc. Vì vậy, hầu hết cao ốc này là những tòa nhà hình hộp với đường nét kiến trúc cực kỳ đơn giản, hoàn toàn không có hoa văn cầu kỳ như các công trình xây dựng dưới thời thuộc Pháp.
Quân Mỹ đổ vào Sài Gòn càng đông thì các cao ốc xây cho Mỹ thuê mọc lên càng nhiều. Chỉ riêng đường Trần Hưng Đạo đã có khoảng mười cao ốc từ 5 đến 10 tần mọc lên bên cạnh những ngôi nhà trệt hay hai, ba tầng xây dựng từ trước.
Luôn luôn sống trong nỗi lo sợ bị tấn công, Mỹ cho canh gác các cư xá này một cách cẩn mật ngày đêm. Bất chấp vẻ thẩm mỹ của cảnh quan đô thị, các cư xá này thường được che chắn bằng hàng rào kẽm gai, tấm lưới chống B.40 và thùng phuy chứa đầy cát và xi-măng để làm ụ chiến đấu khi cần!
Sau vụ Tòa đại sứ Mỹ bị quân giải phóng tấn công hư hại nặng, Mỹ treo bảng cấm người đi bộ và người đi xe dừng lại trước cư xá Mỹ; nếu không, lính gác Mỹ sẽ nổ súng. Đọc bảng cấm đó, người Sài Gòn ai ai cũng phẫn nộ. Có tờ báo viết: "Thành phố này là của người Việt Nam. Lính Mỹ là khách không mời mà đến, có quyền gì mà ra lệnh cấm chủ nhà?". Một hôm, một chiếc xe lam chạy ngang một cư xá Mỹ trên đường Hai Bà Trưng thì hỏng máy. Tài xế vừa bước xuống đất định đẩy xe đi nơi khác thì lính gác Mỹ xả súng vào xe, khiến tài xế và nhiều hành khách chết tại chỗ. Những sự cố tương tự như thế xảy ra như cơm bữa, không tháng nào không có.
Thực hiện chiến lược "hai gọng kìm: tìm - diệt và bình định", Mỹ - Thiệu liên tục mở các cuộc hành quân càn quét ở nông thôn, ném bom bắn phá xóm làng, xua đuổi hàng chục vạn nông dân lìa bỏ ruộng đồng, chạy lên Sài Gòn. Trên tạp chí Xây dựng mới số 5 xuất bản ở Sài Gòn tháng 9 - 1967, tác giải Phạm Hoàng Thanh viết: "Mỗi ngày dân chúng ở quê lũ lượt kéo lên thành phố khiến dân số nơi đây gia tăng một cách kinh khủng, có nơi mật độ lên tới 28.000 người một cây số vuông. Người ta chen lấn giành giựt nhau từng tấc đất để xây cất. Hiện giờ ở Sài Gòn, sau những cao ốc đẹp đẽ, có ai ngờ có hàng ngàn hàng vạn ngôi nhà ván lợp tôn chèn ép nhau, tối tăm bẩn thỉu, bên cạnh những ao tù nước đọng, những đống rác thối tha ghê tởm". Báo cáo của Tổng cục gia cư ngụy quyền cũng thừa nhận: trong những xóm nhà ổ chuột đó, người dân "sống trong cảnh thiếu thốn, không thể tưởng tượng được, chen chúc bên cạnh những ao vũng, rắn rết, thiếu từ không khí, vệ sinh, ánh sáng... thậm chí đến cả lối đi. Mùa mưa thì bị ngập nước, sình lầy nhơ nhớp, mùa nắng thì lo sợ hỏa hoạn".
Những khu ổ chuột đó không chỉ làm mất vẻ mỹ quan của "thủ đô" mà còn khó kiểm soát về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Vì vậy, một số chung cư bắt đầu được xây dựng. Tuy có điện nước, đường sá, cống rãnh... song cuộc sống không lấy gì làm thoải mái lắm trong những căn hộ khá chật hẹp (nhất là đối với những gia đình đông người) chồng chất lên nhau trên những diện tích không rộng lắm (chung cư Âấn Quang gồm 850 căn hộ trên khu đất rộng 2,39ha; chúng cư Bàn Cờ, 1.260 hộ/ 3,62ha; chung cư Nguyễn Văn Thoại và Nguyễn Kim: 2.445 hộ/5,06 ha; chung cư Minh Mạng: 3.150 hộ/10,82 ha). Khu cư xá Thanh Đa được xây dựng trên diện tích khá rộng (36ha) ven bờ sông Sài Gòn, cảnh trí nên thơ, bốn bề gió lộng, nên khắc phục được cảm giác tù túng của những chung cư trong nội thành. Khu cư xá này gồm 31 tòa nhà 5 tầng, chứa được 4.074 hộ, thuộc nhiều loại khác nhau (và giá bán cao, thấp khác nhau): có loại chỉ rộng 53m2, có loại rộng tới 80m2, có loại cầu thang chung cho cả một tầng lầu, có loại cầu thang riêng cho từng hai hộ...
Để giải quyết nạn khan hiếm nhà hết sức trầm trọng ở Sài Gòn lúc đó, theo tính toán của ngụy quyền, thành phố cần xây mới 50.000 căn hộ và giải tỏa 110.000 nhà ổ chuột. Thế nhưng, trong suốt 10 năm trời, chỉ có vẻn vẹn 15.700 căn hộ được xây.
Hai công trình kiến trúc lớn được xây trong những năm 1960 là dinh Độc Lập (mới) và Tòa đại sứ Mỹ (mới).
Ngày 27-2-1962, hai trung úy phi công ngụy Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc (thuộc một tổ chức chống Diệm) đã ném bom dinh Độc Lập trong 10 phút. Cánh bên trái của dinh bị hư hại nặng. Ngô Đình Diệm cho san bằng dinh để xây lại mới hoàn toàn theo bản thiết kế của kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ. Nhưng Diệm không được ở dinh mới: ông ta bị nhóm tướng tá đảo chính giết chết ba năm trước khi dinh mới khánh thành (31-10-1966). Dinh mới cao 4 tầng, gồm 100 phòng, được trang trí lộng lẫy, kinh phí xây dựng lên tới 2,7 triệu đôla Mỹ.
Công trình thứ hai là Tòa đại sứ Mỹ ở góc hai đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn - Mạc Đĩnh Chi), xây xong tháng 9-1967, để thay cho Tòa đại sứ Mỹ cũ (ở số 39 đường Hàm Nghi) bị các chiến sĩ biệt động thuộc đơn vị F.21 tấn công ngày 30-3-1965 làm hư hại nặng.
Sứ quán mới là một tòa nhà lớn hình khối chữ nhật, sơn màu trắng, cao 6 tầng, gồm 140 phòng, được xây dựng hết sức kiên cố như một pháo đào. Báo chí gọi là "Tòa nhà trắng ở phương Đông" vì tại đây các kế hoạch chính trị và quân sự được bàn bạc và quyết định.
Để thu hút thanh niên Mỹ tham gia vào cuộc hiến tranh xâm lược Việt Nam, Chính phủ Mỹ dành cho họ nhiều ưu đãi về vật chất. Lương tháng của một binh nhất Mỹ là 90 đôla (sau tăng lên 95đôla), nghĩa là bằng thu nhập bình quân của một người Sài Gòn trong một năm. Chưa hết, nhờ mua đi bán lại hàng PX (hàng được Chính phủ Mỹ trợ giá), thu nhập của lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam tăng lên gấp nhiều lần lương chính thức. Do đó, họ mặc sức tiêu pha gây đảo lộn trong sinh hoạt kinh tế - xã hội của thành phố.
Trước hết là tình trạng phân hóa ngày càng sâu sắc trong xã hội. Giữa lúc đại đa số nhân dân lao động, trí thức... vật lộn hết sức khó khăn với đời sống hằng ngày do vật giá không ngừng leo thang, thì một bộ phận trong dân cư thành phố trở nên giàu có nhanh chóng. Đó là những người sống bằng những nghề phục vụ cho các nhu cầu ăn ở, đi lại, chơi bời... của lính viễn chinh, từ những chủ thầu cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho lính Mỹ, những người làm sở Mỹ... đến bọn ma cô, gái điếm, gái nhảy, gái tắm hơi, gái bán "bar"... Sự phân hóa về kinh tế đó dẫn tới sự đảo lộn các bậc thang giá trị truyền thống trong xã hội: "thứ nhất là sở Mỹ, thứ nhì là gái đĩ, thứ ba bọn ma cô, thứ tư tướng tá ngụy".
Hàng Mỹ và hàng các nước và lãnh thổ trong phe Mỹ (Nhật, Nam Triều Tiên, Đài Loan...) được nhập tràn lan hoặc được tuồn từ các cửa hàng PX của quân viễn chinh vừa sang, vừa rẻ, đã bóp chết nhiều ngành sản xuất thủ công và nửa cơ giới truyền thống của thành phố. Nhiều nhà sản xuất hàng nội hóa muốn tồn tại phải chấp nhận hạ giá hàng (như 1kg xà bông giá 66,6đ (1965) hạ còn 44,7đ (1966), 1 tạ đường cát giá 2.745đ (1965) hạ còn 2.580,6đ (1966)... Đặc biệt nghề dệt - vốn là một thế mạnh của thành phố với những xóm dệt nổi tiếng ở Tân Bình, Gò Vấp... bị giáng một đòn trí mạng: "Hàng vạn khung cửi phải ngừng hoạt động, hàng tỉ bạc đầu tư trong máy móc bỗng nhiên trở thành vô dụng và hàng chục ngàn thợ phải từ bỏ lãnh vực sản xuất bước sang lãnh vực khác". "Bước sang lãnh vực khác" chẳng qua là một lối nói "tế nhị" nhằm tránh bị kiểm duyệt, trong thực tế, đông đảo những người thợ dệt này đã gia nhập vào đạo quân thất nghiệp của thành phố (đông đến 30 vạn người vào tháng 2-1966).
Chiến tranh càng leo thang, nạn lạm phát càng nghiêm trọng (báo chí gọi là "lạm phát phi mã"): 140 tỷ (1969), 162 tỷ (1970), 187,4 tỷ (1971), tỷ lệ gia tăng bình quân hằng năm là 15%.
Để đối phó, Thiệu - Kỳ không còn biện pháp nào khác hơn là phá giá đồng bạc và tăng thuế.
Ngày 17-6-1966, với tư cách là Chủ tịch Uủy ban hành pháp trung ương, Nguyễn Cao Kỳ ký hai sắc lệnh 001/66 và 002/66 quy định 1 đôla Mỹ ăn 118 đồng (trước đó 1 đôla tương đương 60 đồng). Trên chợ đen, giá 1 đôla Mỹ lên tới 270 đồng và không ngừng tăng đến 360đ (1969), 414đ(1971), 640đ (1974), 700đ (1975).
Hậu quả tức thời của biện pháp phá giá đồng bạc là cả mọi hàng hóa đều tăng vọt. Theo thống kê của Ngân hàng quốc gia ngụy, giá một số thực phẩm vào cuối năm 1965 và cuối năm 1967 như sau:
- 1kg thịt gà tăng từ 96 đồng lên 309 đồng (gấp 3,2 lần).
- 1kg thịt vịt tăng từ 63 đồng lên 203 đồng (gấp 3,2 lần).
- 1kg tôm tươi tăng từ 62 đồng lên 216 đồng (gần 3,5 lần).
Người dân lao động Sài Gòn không dám động đến các món hàng "cao cấp" nói trên, nhưng họ không thể không ăn cơm với rau trong bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng giá cả các thực phẩm thiết yếu này cũng tăng không dưới 3 lần (vẫn theo thống kê của cơ quan ngụy quyền nói trên):
- 1kg gạo sóc nâu từ 9,03đ lên 27,83đ (hơn 3 lần).
- 1 kg rau muống từ 7đ đến 21đ (gấp 3 lần).
Mặt khác, như báo Điện tín ngày 5-12-1973 viết: " với nhu cầu ngân sách gồm những cho phí cực nặng trên lĩnh vực quốc phòng... người dân sẽ phải hứng đỡ gánh nặng thuê khóa bằng tất cả mọi tàn lực của mình". Thật vậy, chính quyền Thiệu không ngừng tăng thuế cũ và đặt thêm thuế mới: thuế nhà hàng (31-3-1966), thuế lương bổng (3-9-1966), thuế lợi tức (3-9-1966)... để ngày càng vơ vét tài lực của người dân: từ 77 tỷ (1969), 97 tỷ (1970) lên 126 tỷ (1973), 240 tỷ (1974)!
Tức nước phải vỡ bờ, công nhân và nhân dân lao động thành phố lập các tổ chức như Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, Uủy ban đấu tranh chống sa thải công nhân, Ủy ban cải thiện đời sống công nhân, v.v... để đòi chính quyền Thiệu và giới chủ phải tăng lương, hạ giá sinh hoạt, chống đuổi thợ dưới bất kỳ hình thức nào và nhất là đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân về nước vì đó là những nguyên nhân của mọi khổ đau về vật chất và tinh thần của dân ta.
Lối sống sa đọa và trụy lạc
Để "giúp vui" cho đạo quân viễn chinh, Mỹ - Thiệu cho phép mở cửa hàng loạt snack bars, phòng tắm hơi, hộp đêm, tiệm nhảy và nhất là nhà chứa, nhan nhản khắp Sài Gòn, đặc biệt là xung quanh các cư xá Mỹ. Thị trường mại dâm - được gọi một cách nôm na là "chợ heo" - được Mỹ - Thiệu công khai hóa và hợp pháp hóa. Năm 1966, từ Sài Gòn về, Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright nhận xét: "Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm". Câu nói đó tuy có xúc phạm đến thể diện và danh tiếng của thành phố, song đã phản ánh một thực tế đau lòng. Một tạp chí xuất bản ở Sài Gòn mô tả: "Tại chợ heo đó, hằng ngày có hai ba trăm người con gái Việt Nam đứng sắp hàng... cho lính Mỹ đến chọn dắt đi. Với một nắm đôla trong tay, lính Mỹ thật là nhiều tự do: tự do phá hoại văn hóa Việt Nam".
Lối sống dâm ô trụy lạc, không chỉ là hậu quả tất nhiên của sự có mặt của hàng ngàn, hàng vạn lính viễn chinh đú đởn và lắm tiền, nó còn nằm trong chủ trương thâm độc của Mỹ - Thiệu muốn sa đọa hóa thanh niên Việt Nam hòng làm cho giới trẻ quên đi hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, quay lưng lại với nghĩa vụ đối với dân tộc.
Từ chủ trương đó xuất hiện ở Sài Gòn một dòng văn học khiêu dâm trong đó các tác giả chuyên khai thác thị hiếu thấp kém của người đọc, đề cao bản năng thú tính, công khai cổ vũ cholối sống hưởng thụ, xem việc thỏa mãn tính dục là mục đích tối thượng của cuộc đời. Bên cạnh những phim "con heo", báo chuyên in hình phụ nữ khỏa thân (như Play-boy, Penthouse, Nude...) bày bán công khai trên vỉa hè các đường Lê Lợi, Công Lý... ở ngay trung tâm thành phố, là những tiểu thuyết Yêu, Sống, Loạn... của Chu Tử, Cậu chó, Chú Tư Cầu, Đêm không cùng... của Lê Xuyên và những truyện ngắn, truyện dài khiêu dâm của các tác giả khác như Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thụy Vũ, Túy Hồng...
Sự có mặt của quân Mỹ cũng như chủ trương nói trên của Mỹ - Thiệu gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của thành phố. "Sự sa đọa, sự trụy lạc trong xã hội... đã gây ra biết bao thảm cảnh gia đình, bao nhiêu đổ vỡ hạnh phúc, bao nhiêu chuyện bi đát thương tâm. Qua các báo hằng ngày, không ngày nào là không có những vụ án mạng vì tình, những vụ tự tử, đâm chém, bắn giết lẫn nhau vì giành nhau một người đẹp..."
Bảo vệ văn hóa dân tộc
Chống lại âm mưu đồi trụy hóa xã hội của Mỹ - Thiệu, nhân dân Sài Gòn nhanh chóng thành lập các tổ chức quần chúng rộng rãi như Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, Hội bảo vệ tinh thần thanh thiếu niên..., xuất bản các tạp chí Tin Văn, Hồn Trẻ, Tiếng Nói Trí Thức..., tổ chức nhiều buổi diễn thuyết, hội thảo, ra tuyên ngôn, nghị quyết vạch rõ: chính chiến tranh xâm lược và sự hiện diện của quân viễn chinh là nguyên nhân dẫn tới những đổ vỡ trong đời sống văn hóa - tinh thần của Sài Gòn nói riêng và toàn miền Nam nói chung: "Hiện tượng văn hóa đồi trụy lúc này thể hiện rõ nhất, tai hại nhất ở khía cạnh khêu gợi bản năng dục tính, khuấy động thú tính. Trong văn chương thì rõ nhất, nhưng không phải chỉ có văn chương bao gồm báo chí, mà cả hội họa, âm nhạc, điện ảnh, ca kịch nữa. Nguyên nhân là chiến tranh và người ngoại quốc (ám chỉ lính Mỹ) quá đông, là sự nhập cảng những tác phẩm văn nghệ, phim ảnh kiểu sexy, cũng là tinh thần vô trách nhiệm của những văn nghệ sĩ vong bản".
Người tiêu biểu nhất cho đám "văn nghệ sĩ vong bản" đó là Chu Tử. Các nhà phê bình văn học như Vũ Hạnh, Lữ Phương,... đã phê phán Chu Tử phục vụ cho chủ trương đồi trụy hóa xã hội của Mỹ - ngụy. Sinh viên tổ chức "phiên tòa" để "xử án" Chu tử và quyết định thiêu hủy các tiểu thuyết độc hại của ông ta. Mỹ - Thiệu ra mặt bênh vực Chu Tử, bắt giam Vũ Hạnh và định bắt Lữ Phương, nên Lữ Phương phải ra bưng tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình.
Trong suy nghĩ của người Sài Gòn, cách tốt nhất để chống lại những tác hại của chủ trương văn hóa đồi trụy, phản động là xây dựng một nền văn hóa dân tộc, tiến bộ và lành mạnh.
Phong trào hát sử ca (những bài hát ca ngợi các sự kiện oanh liệt trong lịch sử dân tộc như Hội nghị Diên Hồng, các chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa...) và kháng chiến ca (những bài hát sáng tác trong thời kỳ chống Pháp) lan nhanh trong các trường phổ thông và đại học, làm sống lại truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta. Sinh viên học sinh phát động phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe phổ biến những bài hát do chính sinh viên sáng tác, phản ánh thực tiễn đấu tranh phong phú của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn (như Người mẹ Bàn Cờ, Tự nguyện, Dậy mà đi, Tổ quốc ơi ta đã nghe...). Sinh viên học sinh còn trình diễn các vở kịch (như Tiếng gọi Lam Sơn, Tiếng trống Hà Hồi, Hàm Tử quan, Diêm Vương xử án Sáu Thẹo (ám chỉ Nguyễn Văn Thiệu)..., các nhạc cảnh (như Tiếng trống hào hùng, thảm cảnh Mỹ Lai, Làm thân cỏ cú, Công trường chiều nay...) rất được quần chúng tán thưởng. Nhà nghiên cứu âm nhạc Tô Vũ nhận xét: "Trong lịch sử âm nhạc cách mạng, hiển nhiên phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe với sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng đô thị, với hàng loạt bài hát xuất sắc, đã chiếm lĩnh một vị trí đẹp đẽ mà giới nghệ thuật nói chung, ngành âm nhạc nói riêng, có thể tự hào".
Phát huy tác dụng của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, sinh viên học sinh Sài Gòn tổ chức những đêm không ngủ bên ánh lửa trại để ca hát và hội thảo về các chủ đề: Hát cho hòa bình Việt Nam, Đốt lửa lên cho rõ mặt kẻ thù...
Bất chấp lưỡi kéo kiểm duyệt của Mỹ- Thiệu, khi Bác Hồ qua đời, nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo đã công khai ca ngợi công đức của vị lãnh tụ kính yêu ( như nói chuyện với người đã khuất của Lý Chánh Trung, chói sáng như mặt trời của Lưu Nghi...) Các bài nghiên cứu của nhà sử học Trương Bá Cần như Từ cách mạng tháng mười đến Cách mạng tháng tám, hai mươi lăm năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc...được dân Sài Gòn hoan nghênh, còn Mỹ- Thiệu thì run sợ, đưa tác giả ra tòa, tịch thu sách báo...
Mặc cho Mỹ- Thiệu đàn áp khủng bố, những nhà báo chân chính vẫn anh dũng phản ánh những suy nghĩ của người Sài Gòn trên mặt báo công khai qua các bài như Lòng dân (của Thanh Giang, báo Thân Dân),Những ngày tàn của cuộc chiến (của Giang Nguyên, báo Tin Lửa), Viễn Cảnh hòa bình mới ở Việt Nam (của Phạm Hồng, báo Tin Lửa)...
Văn hóa trở thành mặt trận
Sài Gòn là nơi tập trung nhiều tờ báo nhất nước. Ngoài những tờ vô thưởng vô phạt nặng về kinh doanh, báo chí Sài Gòn lúc đó có hai lập trường chính trị đối lập hẳn nhau.
Lập trường thứ nhất là chống Cộng, chống hiệp thương tổng tuyển cử, kêu gào "lấp sông Bến Hải" để mở cuộc "Bắc tiến". Những tờ báo có lập trường này đều nhận tiền của Mỹ - Diệm, như các tờ: Cách mạng quốc gia, Tự Do, Dân Tộc, Ngôn Luận, Tin Bắc, Tin Mới, v.v... hô hào chống cộng lớn nhất là số ký giả di cư như Tô Văn, Vũ Bắc Tiến, Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt), Phạm Việt Tuyền...
Sau chín năm khói lửa, người dân Sài Gòn hiểu thế nào là giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất, nên họ ủng hộ những tờ báo chủ trương thực hiện đầy đủ Hiệp định Genève như các báo Công Lý, Điện Báo, Duy Tân, Nhân Loại, Gọi Đàn, Hừng Sáng, Bình Minh, v.v... Tất cả những tờ báo này đều có sự cộng tác - tất nhiên là rất kín đáo - của những cán bộ kháng chiến như Nguyễn Văn Hiếu, Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Lý Văn Sinh, Trường Xuân Thúc, Tô Nguyệt Đình, Thanh Giang, Nguyễn Khắc Công, Văn Phụng Mỹ, Trần Ngọc Sơn, Hương Ngô, v.v...
Báo chí trở thành một mặt trận đấu tranh chính trị quyết liệt. Các nhà báo kháng chiến càng được bạn đọc Sài Gòn mến mộ thì Mỹ Diệm càng "để ý" đến họ. Ái Lan, Hương Nam, Trần Thanh Thế, Nguyễn Văn Mại, Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm... bị bắt; Trần Ngọc Sơn, Anh Hoàng... bị đày ra Côn Đảo và hy sinh ở ngoài đó.
Lúc đầu sau chiến tranh kết thúc, các đoàn cải lương hoạt động rộn rịp hẳn lên. Bên cạnh các đoàn của Sài Gòn, còn có các đoàn ở các tỉnh lên thành phố trình diễn. Ngoài ra, còn mấy đoàn từ ngoài Bắc vào như Kim Chung, Bích Hợp, Phụng Khánh... hát cải lương theo giọng Bắc.
Nhiều đoàn cải lương tiến bộ chuyên dàn dựng các vở về đề tài lịch sử, ca ngợi truyền thống chống xâm lược của dân tộc như Bạch Đằng Giang nổi sóng, Hỏa hồng Nhật Tảo, Ngược sóng Phù Luông, Tiếng sấm Phú Kinh, Cứu lấy non sông... hoặc khoác lên sự kiện cũ một ý nghĩa thời sự (chẳng hạn, vở Lấp sông Gianh không chỉ phê phán cuộc phân tranh của hai dòng họ phong kiến Trịnh - Nguyễn mà chủ yếu là lên án âm mưu của Mỹ - Diệm muốn kéo dài tình trạng chia cắt đất nước, chống hiệp thương tổng tuyển cử tái thống nhất Tổ quốc). Vì vậy, giữa lúc đoàn Kim Thoa đang diễn vở này tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Mỹ - Diệm cho ném lựu đạn lên sân khấu khiến nghệ sĩ Ba Cương và nhiếp ảnh viên Nguyễn Mai chết tại chỗ, nghệ sĩ Duy Lân và hàng chục người khác bị thương nặng.
Sân khấu Đuốc Việt ở Phú Nhuận cũng bị đốt vì diễn vở Bứt xiềng nô lệ.
Diệm ra lệnh cấm diễn các vở có nội dung tiến bộ như Người mặt cháy, Nhụy hoa lan...
Nhiều soạn giả và nghệ sĩ cải lương bị bắt như Phạm Trần (Phi Vân), Năm Châu, Tám Cao... Soạn giả Trần Hữu Trang bị truy lùng, đến 1960 phải rời thành phố ra vùng giải phóng.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, cùng với nguồn viện trợ Mỹ, tư bản nước ngoài cũng đầu tư vào Sài Gòn và vùng phụ cận, lên đến 1,2 tỉ USD trong hai năm 1958 - 1959. Nhiều cơ sở công nghiệp dược và công nghiệp nhẹ được xây dựng khá hiện đại, như Xí nghiệp Dược phẩm Roussel, Vina-Spécia, Hoechst, các xí nghiệp pin-accu, bóng đèn... Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển nhanh. Nhờ vậy, từ 1954 đến 1960, kinh tế miền Nam khá ổn định, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 5%, giá cả ít biến động. Sản lượng gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn hàng năm đạt trên 300.000 tấn. Chất lượng hàng tiêu dùng khá đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, sau năm 1960, kinh tế miền Nam, chủ yếu là Sài Gòn bị sa sút. Xuất khẩu gạo giảm dần và từ năm 1964 trở đi phải nhập khẩu gạo hằng năm trên 500.000 tấn. Đặc biệt từ khi Mỹ và đồng minh của Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam Việt Nam, tình hình kinh tế, xã hội Sài Gòn càng thêm xáo trộn. Đồng tiền Sài Gòn năm 1965 bị sụt giá, từ 60 đồng/USD xuống còn 118 đồng/USD. Từ đó cho đến năm 1970 Sài Gòn và cả miền Nam sống chủ yếu bằng viện trợ Mỹ. Theo số liệu cũ, trong vòng 10 năm, từ 1960 đến 1970, số viện trợ kinh tế cho cả miền Nam lên đến trên 4 tỷ USD, chủ yếu là lương thực, hàng tiêu dùng, xăng dầu, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất... Số viện trợ quân sự lên đến 8 tỷ USD. Đó là chưa kể số chi phí đổ vào để nuôi đội quân thường trực lên đến 500.000 người của Mỹ và đồng minh của Mỹ. Lạm phát ngày càng gia tăng, buộc chính quyền Sài Gòn năm 1966 phải phá giá đồng bạc. Nông nghiệp bị đình đốn, chỉ có các ngành dịch vụ phục vụ chiến tranh và quân đội Mỹ là phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong thời kỳ này nổi lên một bộ phận tư sản mại bản làm giàu bất chính nhờ kinh doanh hàng viện trợ, thầu dịch vụ cho chiến tranh, buôn lậu... Nhiều sĩ quan cao cấp, các chính khách trong chính quyền Sài Gòn... làm giàu nhanh chóng và trở thành tư sản mại bản chỉ trong vòng vài năm.
Thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, từ 1971, song song với chiến dịch bình định, lấn chiếm nông thôn, Mỹ và chính quyền Sài Gòn vạch ra các kế hoạch kinh tế lâu dài, với quy mô lớn, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế thời hậu chiến mới được hình thành tại vùng phụ cận Biên Hòa. Đây là nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp của cả miền Nam Việt Nam, được đầu tư trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại của phe tư bản chủ nghĩa vào thời bấy giờ. Chỉ trong hai năm 1971 - 1972, số vốn đầu tư cho khu công nghiệp Biên Hòa và Sài Gòn đã gấp hơn mười lần tổng số vốn đầu tư 10 năm trước đó. Đa số các xí nghiệp tại khu công nghiệp Biên Hòa đều có trụ sở chính đặt tại thành phố Sài Gòn. Trước khi được giải phóng vào năm 1975, Sài Gòn - Gia Định có khoảng trên 30.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm xí nghiệp cỡ lớn tập trung trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp nhẹ, với số lượng công nhân hàng ngàn người như Vimytex, có 3.200 công nhân, Vinatexco có trên 3.200 công nhân, Sicovina trên 2.000 công nhân... Nhiều xí nghiệp có dây chuyền thiết bị hiện đại, công xuất lớn như xí nghiệp lớn chưa kịp khánh thành thì Sài Gòn đã được giải phóng như sữa Nestlé, Dầu Nhà Bè... Nhiều ngành có năng lực sản xuất lớn như dệt: 240 triệu mét vải/năm, bia, nước ngọt: 250 triệu lít/năm, thuốc lá: 500 bao/năm, sữa: 170 triệu hộp/năm, xà bông và bột giặt: 88.000 tấn/năm, hóa chất cơ bản, xút các loại: trên 50.000 tấn năm.
Cảng Sài Gòn được mở rộng, có khả năng bốc dỡ 7 triệu tấn/năm, với các khâu được cơ giới hóa khá cao. Sân bay Tân Sơn Nhất có khả năng tiếp nhận những loại máy bay hạng nặng, năm cao nhất trước giải phóng có khả năng tiếp nhận hàng năm trên 130 ngàn chuyến bay lên xuống, trên một triệu hành khách. Hệ thống cầu đường được mở rộng, xây dựng theo phương pháp hiện đại, tiêu biểu là xa lộ Sài Gòn, chạy dài từ thành phố Sài Gòn đến Biên Hòa. Trong giai đoạn này, ngành xây dựng phát triển khá nhanh, một phần nhờ vào nguồn viện trợ Mỹ, phần khác, nhờ nguồn hậu cần to lớn mà quân đội Mỹ chuyển sang. Nhiều công trình kiến trúc và nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Hầu hết các công trình xây dựng quan trọng, cầu đường lớn đều do hãng thầu RMK Mỹ đảm trách. Đây là hãng thầu lúc đó thuộc vào loại lớn nhất thế giới. Song song với đà phát triển đó, một đội ngũ công nhân có kỹ thuật, tay nghề giỏi, trí thức khoa học kỹ thuật... cũng tăng nhanh. Năm 1975, Sài Gòn có trên 200.000 lao động trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có hơn 13.000 trí thức khoa học, kỹ thuật, hơn 20.000 cán bộ kỹ thuật sơ, trung cấp.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn lúc bấy giờ bị lệ thuộc nặng về vật tư, nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện... của nước ngoài. Các ngành dệt, nhuộm, hóa chất, thuốc lá, giấy sữa hộp... hàng năm điều phải bỏ ra hàng chục triệu USD để nhập hóa chất, sợi bông, thuốc lá sợi, lúa mạch, bột sữa... để sản xuất. Các ngành công nghiệp cũng phát triển không đồng đều. Hầu hết là công nghiệp nhẹ. Ngành cơ khí chế tạo còn non yếu so với sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp nặng chỉ chiếm khoảng dưới 10% giá trị tổng sản lượng công nghiệp.
Các chiến lược chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài tháng 7/1954 đến tháng 5/1975 qua năm đời tổng thống Mỹ (Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Nichxơn, Pho) điều hành 4 kế hoạch chiến lược thực dân mới và chiến tranh xâm lược của Mỹ. ("Chiến tranh đơn phương", "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", Chiến tranh "Việt Nam hóa"). Chúng đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam tới 676 tỉ đôla (so với 341 tỉ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỉ trong chiến tranh Triều Tiên), và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỉ. Chúng huy động lúc cao nhất là 55 vạn quân viễn chinh, lôi kéo 5 nước ở châu Á - Thái Bình Dương tham chiến với số quân lúc cao nhất là hơn 7 vạn người vào cuộc chiến, trực tiếp chiến đấu và làm nòng cốt cho hơn một triệu quân tay sai ở miền Nam. Chúng đã giội xuống hai miền đất nước ta hơn 7,8 triệu tấn bom đạn, một khối lượng bom đạn lớn hơn lượng bom đạn mà chung đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó.
Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ
Thắng lợi của phong trào "Đồng Khởi" của nhân dân ta ở miền Nam đã đẩy chính quyền Sài Gòn vào thời kỳ khủng hoảng triền miên. Chiến lược "Chiến tranh đơn phương" của Aixenhao được thực thi ở miền Nam đã bị phá sản.
Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang cuồn cuộn dâng lên, làm sụp đổ từng mảng lớn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.
Trước tình hình trên, G. Kennơđi lên làm Tổng thống Mỹ đã phải điều chỉnh lại chủ nghĩa Aixenhao. Kennơđi đề ra chiến lược "phản ứng linh hoạt" thay cho chiến lược "trả đũa ồ ạt" với ba loại chiến tranh: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và chiến tranh tổng lực. Hai kiểu chiến tranh trên được coi là "chiến tranh hạn chế". Mục đích của "Chiến tranh đặc biệt" (còn gọi là "chiến tranh thứ ba", "chiến tranh chống du kích", "chiến tranh lật đổ") là chống lại phong trào giải phóng dân tộc. Công cụ để tiến hành chiến tranh là lực lượng quân sự người bản xứ do Mỹ trang bị và chỉ huy; tiền bạc, vũ khi trang trị của Mỹ là công cụ chủ yếu của chiến tranh đặc biệt. Chúng coi đó là hình thức linh hoạt, kịp thời để đối phó có hiệu quả đối với phong trào giải phóng dân tộc. Cùng ngày nhận chức Tổng thống Mỹ, 20-1-1961 Kennơđi chính thức công bố học thuyết mới và chọn Việt Nam làm nơi thí điểm "chiến tranh đặc biệt". Kennơđi đã chấp nhận viện trợ cứu nguy chế độ Diệm và đưa 19.000 quân chiến đấu, dưới tên gọi cố vấn quân sự, sang Việt Nam. Kennơđi coi Việt Nam là tuyến cuối cùng chống cộng sản ở Đông Nam Á và nếu Mỹ rút khỏi Việt Nam thì sự sụp đổ sẽ diễn ra ở cả khu vực Đông Nam Á! Ngày 8-5-1961, chính sách đối với Việt Nam đã được chính thức phê chuẩn và mang tên NSAM-52 với nội dung chủ yếu: Tăng cường và mở rộng quyền điều hành tác chiến, chỉ huy yểm hộ của phái đoàn cố vấn quân sự MAAG; đưa lực lượng đặc biệt của Mỹ vào miền Nam Việt Nam, giúp Diệm xây dựng lực lượng đặc biệt, chốt chặt biên giới, chống miền Bắc thâm nhập; tăng cường mở rộng, cải tiến trang bị và huấn luyện quân đội, coi đó là công cụ chủ yếu để chống chiến tranh du kích; khẩn trương bình định, lập "ấp chiến lược" hòng dồn hơn 10 triệu người dân miền Nam vào các trại tập trung trá hình để thực hiện "Tác nước bắt cá", cô lập để tiêu diệt cách mạng miền Nam; ra sức củng cố chính quyền các cấp và đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh phá hoại chống lại miền Bắc. Ngày 11-5-1961, Mỹ đưa 400 tên lính đầu tiên thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ vào miền Nam, nâng tổng số quân Mỹ ở miền Nam từ 1077 cố vấn quân sự (1960) lên 10640 (1962) - gồm 2360 cố vấn và 8280 tên thuộc các đơn vị kỹ thuật. Tháng 4-1961, Mỹ tiến hành cải tổ hệ thống tổ chức chiến trường: bỏ các quân khu, lập ba vùng chiến thuật, do các quân đoàn chủ lực đảm nhiệm với đủ các thành phần quân địa phương, binh chủng yểm trợ, chỉ huy; dưới là các tiểu khu (tỉnh) và các chi khu quân sự (huyện hoặc quận). Cố vấn Mỹ có mặt ở các cấp đến tận các tiểu khu, các trung tâm huấn luyện, các cơ quan tác chiến, các cấp tiểu đoàn, các biệt khu - chi khu chủ yếu. Chúng tăng cường trang bị cho quân đội Sài Gòn nhiều máy bay, xe bọc thép, vũ khí hiện đại và đưa dần lực lượng không quân, hậu cần yểm trợ Mỹ vào miền Nam. Diệm đã cử người học hỏi kinh nghiệm chống du kích, dần dân lập "ấp chiến lược" ở Malaixia, Philippin về để đàn áp cách mạng. Mỹ cho mời Tômxơn (Thomson) - chuyên gia quân sự chống du kích của Anh tại Malaixia, sang làm cố vấn "bình định". Năm 1961, quân của Diệm tăng lên 17 vạn người, 5 vạn bảo an dân vệ và 85 đại đội đặc biệt. Đồng thời, Mỹ - ngụy tăng cường bắt lính, tăng thời hạn quân dịch từ 12 đến 18 tháng. Được Mỹ hỗ trợ, quân đội Sài Gòn đã mở 2 vạn cuộc càn quét quy mô (từ tiểu đoàn đến trung đoàn), đánh phá ác liệt phục vụ cho việc gom dân lập ấp chiến lược. Chúng còn dự định tăng quân của Diệm lên 27 vạn người. Tháng 6-1961, Kennơđi cử E.Xtalây sang miền Nam Việt Nam. Xtalây đưa ra một kế hoạch chiến lược gồm ba điểm: 1- Dự kiến trong vòng 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến cuối năm 1962) sẽ lập được 16.000 ấp chiến lược, đánh phá cơ sở cách mạng, cơ bản bình định được miền Nam; 2- Dự kiến trong năm 1963 sẽ khôi phục nền kinh tế, phát triển lực lượng, tiến hành các hoạt động gây rối, phá hoại làm mất ổn định miền Bắc; 3- Chuyển sang phát triển kinh tế và dự kiến đến cuối năm 1965 miền Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh của "thế giới tự do".
Tháng 5-1961, Mỹ quyết định tăng gấp hai lần viện trợ quân sự cho Diệm. Ngày 14-11-1961, Kennơđi chuẩn y kế hoạch Xtalây và những kiến nghị của Taylo (Taylor) (trừ 2 điểm là đưa lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào miền Nam và ném bom miền Bắc). Sau một năm thăm dò thử nghiệm, kế hoạch này được hoàn chỉnh dần. Ngày 8-2-1962, Mỹ thiết lập Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam (gọi tắt là MACV, thay cho phái đoàn MAAG). Bộ tư lệnh lực lượng đặc biệt Mỹ cũng được thành lập. Lực lượng không quân, hậu cần cũng dần dần được đưa vào miền Nam. Đầu năm 1962, kế hoạch Xtalây - Taylo được tiến hành toàn diện. Cuối năm 1962, lực lượng yểm trợ chiến đấu Mỹ đã lên tới 11300 tên, lực lượng quân của Diệm cũng tăng lên 354000 người. Tháng 7-1961, đợt thí điểm lập ấp chiến lược được triển khai ở Vĩnh Long (Nam Bộ) và Quảng Ngãi (Trung Bộ). Đến tháng 8-1961, chúng triển khai kế hoạch này trên toàn miền Nam. Kế hoạch này được chúng coi là "quốc sách", dự định dồn 10 triệu người dân vào 16000 ấp chiến lược, trong tổng số 17000 ấp trên toàn miền Nam. Ở những vùng chúng nắm được quyền kiểm soát, chúng dùng sức mạnh của bộ máy quân sự và chính trị để cưỡng bức, càn quét dồn dân lập "ấp chiến lược". Ở những vùng chúng không kiểm soát được, chúng dùng quân đội đánh phá bao vây, cô lập, càn quét, buộc dân phải chạy vào vùng chúng kiểm soát. Chúng còn tiến hành các cuộc hành quân càn quét dài ngày đánh vào vùng Bến Cát, Tây Ninh, vùng giải phóng Bình Định, Phú Yên, các căn cứ U Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, chiến khu Đ. Chúng dùng xe rải bom đạn chà xát nhiều lần, đánh vào từng khu vực, chia thành từng lô để khống chế, biến những "ấp chiến lược" thành điểm tựa phòng thủ chống cộng. Đối với Campuchia, Mỹ xúi giục và vũ trang cho bọn phản động tiến hành các hoạt động phá rối (kể cả ám sát nhà vua), bạo loạn nhằm thực hiện âm mưu cướp chính quần, lật đổ chính phủ hòa bình trung lập, gạt bỏ ảnh hưởng của Pháp. Ở Lào, Mỹ đưa lực lượng lính thủy đánh bộ vào Thái Lan, sẵn sàng tham chiến ở Lào và thúc ép chính quyền Sài Gòn đưa quân vào Đông Nam Lào để ngăn chặn đường tiếp tế của ta từ Bắc vào Nam. Từ giữa năm 1961, quân đội phái hữu Lào từ 3 vạn tăng lên 5 vạn với 11600 cố vấn Mỹ, chúng thúc đẩy bọn phản động lấn chiếm vùng giải phóng Lào. Trên thực tế từ năm 1961, cùng với việc thực hiện "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, Mỹ còn tiến hành "chiến tranh đặc biệt" cả ở Lào.
Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ
Đầu 1965, cuộc "chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ tiến hành chống lại nhân dân ta ở miền Nam đã phát triển đến đỉnh cao và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
"Chiến tranh cục bộ" là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới, một trong ba hình thức chiến tranh (đặc biệt, cục bộ, tổng lực) được đề ra phù hợp với chiến lược quân sự toàn cầu "phản ứng linh hoạt". "Chiến tranh cục bộ" bắt đầu từ giữa năm 1965, được tiến hành bằng lực lượng của quân viễn chinh Mỹ, quân của một số nước thân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quân của chính quyền Sài Gòn, trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị.
Lính Mỹ có mặt ở miền Nam vào cuối năm 1964 là 26.000 người, đến cuối năm 1965 lên tới 180.000 người và 20.000 lính của các nước thân Mỹ. Đó là chưa kể 70.000 lính hải quân và không quân trên các căn cứ của Mỹ ở Guam, Philippin, Thái Lan và Hạm đội 7 luôn sẵn sàng tham chiến ở miền Nam.
Sau khi đã đưa một đại đội máy bay F.105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa phòng không "Hốc" vào Đà Nẵng, ngày 8-3-1965, Mỹ cho hai tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ Ôkinaoa vào Đà Nẵng, mở đầu việc đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Ngày 26-6-1965, Oétmolen được Chính phủ Mỹ cho phép đưa quân Mỹ ra trận "khi nào thấy cần thiết".
Ngày 17-7-1965, khi Giônxơn thông báo quyết định đưa 44 tiểu đoàn Mỹ vào miền Nam Việt Nam và chấp nhận chiến lược "tìm diệt" của Oétmolen, một quyết định đã "vượt quan ngưỡng cửa bước vào cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á", thì cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới - giai đoạn "chiến tranh cục bộ".
Tiến hành "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, Mỹ nhằm thực hiện âm mưu:
- Nhanh chóng tạo ra ưu thế về binh lực và hỏa lực có thể áp đảo được chủ lực ta bằng chiến lược quân sự mới "tìm diệt", cố giành lại thế chủ động trên chiến trường, đẩy lực lượng vũ trang của ta trở về phòng ngự, buộc ta phải phân tán đánh nhỏ, hoặc rút về biên giới, làm cho chiến tranh cách mạng tàn lụi dần.
- Mở rộng và củng cố hậu phương của chúng, lập đội quân "bình định" kết hợp hoạt động càn quét với các hoạt động chính trị và xã hội lừa bịp; tung tiền, đổ của nhiều hơn nữa, cố thực hiện cho kỳ được "mặt trận thứ hai" nhằm "tranh thủ trái tim của nhân dân", thực chất là giành lại dân (trước hết là nông dân ở vùng được giải phóng), bắt họ trở lại ách kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy.
Ỷ vào ưu thế quân sự với đội quân đông, vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh, cơ động nhanh, Mỹ vừa mới vào miền Nam đã cho quân viễn chinh mở ngay cuộc hành quân "tìm diệt" tiến công đơn vị quân giải phóng ở Vạn Tường - Quảng Ngãi (8-1965). Tiếp đó, Mỹ mở liền hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 bằng hàng loạt cuộc hành quân vào "đất thánh Việt cộng".
Chiến lược "Việt Nam hóa" của Mỹ
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, là đòn bất ngờ góp phần quyết định chiều hướng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ, làm chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới.
Sau đòn bất ngờ Tết Mậu Thân, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi rút hết quân đội về nước của nhân dân dấy lên khắp nước Mỹ. Hạ nghị viện Mỹ cũng ra quyết định đòi rút tất cả quân đội Mỹ ở Việt Nam về nước trong thời hạn ngắn nhất.
Lợi dụng tâm lí chống chiến tranh, mong muốn sớm chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và đổi mới tình hình chính trị - xã hội nước Mỹ, Níchxơn tung ra lời hứa chấm dứt chiến tranh trong vòng 6 tháng và sẽ có những thay đổi trong chính sách đối nội, đối ngoại của nước Mỹ, để mong trúng cử tổng thống trong kỳ bầu cử cuối năm 1968.
Sau khi trúng cử tổng thống, chính thức bước vào Nhà Trắng (đầu năm 1969), Níchxơn đã cho ra đời học thuyết mang tên mình - "Học thuyết Níchxơn" và tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương.
"Học thuyết Níchxơn" với chiến lược quân sự tương ứng "Ngăn đe thực tế" được thay thế cho chiến lược toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của Kennơđi đã bị phá sản. Đề ra học thuyết mới, chiến lược toàn cầu mới, tập đoàn Níchxơn mưu toan khôi phục lại sức mạnh của Mỹ, cố giữ vai trò "sen đầm quốc tế", vai trò lãnh đạo "thế giới tự do", cố bám lấy những lợi ích đế quốc chủ nghĩa trên thế giới.
"Học thuyết Níchxơn" được thực hiện thí điểm ở Việt Nam và Đông Dương, là nơi Mỹ đã từng dùng làm điểm khởi đầu thực hiện chiến lược toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" (1961 - 1968) và cũng đã trở thành điểm kết thúc chiến lược đó. Học thuyết này được vận dụng cụ thể trong những chiến lược chiến tranh ở từng nước. Ở Việt Nam, đó là chiến lược "Việt Nam hóa" chiến tranh; ở Lào - "Lào hóa" chiến tranh; ở Campuchia - "Khơme hóa" chiến tranh và trên toàn Đông Dương là "Đông Dương hóa" chiến tranh.
Chiến lược này được đề ra trên cơ sở điều chỉnh chủ trương "phi Mỹ hóa" chiến tranh của Giônxơn. Chiến lược "Việt Nam hóa" chiến tranh của Níchxơn giống chủ trương "phi Mỹ hóa" chiến tranh của Giônxơn ở chỗ: rút dần quân Mỹ ra khỏi Đông Dương, tránh những tổn thất lớn hơn đối với quân viễn chinh Mỹ, trong lúc vẫn bám giữ miền Nam Việt Nam.
"Việt Nam hóa" chiến tranh hay "phi Mỹ hóa" chiến tranh, như tên gọi của nó, về cơ bản, đó là cuộc chiến tranh giữa những người Việt Nam với nhau. Âm mưu cơ bản của Mỹ vẫn là "dùng người Việt đánh người Việt", "dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương" với bom đạn, đôla Mỹ, do Mỹ chỉ huy và vì lợi ích của Mỹ.
Mỹ rút quân không chỉ ở lời tuyên bố như của Giônxơn (3-1968) mà cả trên thực tế, bắt đầu từ sau trận đòn Tết Mậu Thân (1968). Nhưng không phải vì thế mà cho rằng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương đã "tàn lụi" dần. Trái lại, cuộc chiến tranh của Mỹ dưới thời Níchxơn càng được tăng cường và mở rộng ra toàn Đông Dương. Có điều khác với Giônxơn, là Níchxơn đã tận dụng triệt để xương máu của người bản xứ vào những mục tiêu chiến lược ở Việt Nam và Đông Dương. Với "Việt Nam hóa" chiến tranh, xương máu của người Mỹ có giảm, nhưng vai trò "cố vấn" của Mỹ ngày càng quan trọng, những điều kiện vật chất của Mỹ để thực hiện chương trình "Việt Nam hóa" chiến tranh ngày càng lớn.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu của "Việt Nam hóa" chiến tranh, quân Mỹ vẫn còn giữ vai trò quan trọng, cùng với quân đội Sài Gòn là hai lực lượng chiến lược: quân Mỹ là chỗ dựa của quân đội Sài Gòn và của "Việt Nam hóa" chiến tranh còn quân đội Sài Gòn là công cụ chủ yếu để thực hiện "Việt Nam hóa" chiến tranh.
Để đạt được mục tiêu chiến lược của "Việt Nam hóa" chiến tranh, Níchxơn đưa ra thực hiện cùng lúc ba loại chiến tranh là "chiến tranh giành dân", "chiến tranh hủy diệt", "chiến tranh bóp nghẹt", trên cơ sở huy động sức mạnh tối đa về quân sự của nước Mỹ, kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao xảo quyệt.
Khi triển khai chương trình "Việt Nam hóa" chiến tranh, một yêu cầu trọng tâm được các nhà chiến lược Mỹ nêu lên là bằng mọi cách "bình định", cho được vùng nông thôn rộng lớn miền Nam, thực hiện cái gọi là "chiến tranh giành dân" ("tranh thủ nông dân chống lại Việt Cộng").
Chính sách "bình định" trong tất cả các thời kì của cuộc chiến tranh được nâng lên thành "quốc sách". Tuy nhiên, dưới thời Kennơđi và nhất là thời Giônxơn, vẫn lấy việc tiêu diệt các lực lượng cách mạng làm mục tiêu đầu tiên. Đến thời Níchxơn, "quốc sách bình định" được nâng lên thành lí luận và dùng làm cơ sở cho chiến lược "Việt Nam hóa".
Để thực hiện cái gọi là "quốc sách bình định", chính quyền Níchxơn đã giúp chính quyền Sài Gòn thiết lập một hệ thống chính trị và vũ trang ở cơ sở cho hoàn chỉnh, được huấn luyện theo kiểu thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, tạo cho chính quyền Sài Gòn một cơ sở xã hội kiểu chủ nghĩa thực dân mới. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã thực thi chương trình "cải cách tiền địa", ban hành "Luật người cày có ruộng" (26-3-1970) nhằm xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến, chuyển địa chủ sang kinh doanh tư bản chủ nghĩa, "giúp nông dân có ruộng đất để cày cấy"(!); phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo lập chủ nghĩa tư bản ở nông thôn, xóa bỏ ảnh hưởng sâu rộng của cách mạng đối với nông dân, tăng cường bóc lột nông dân, xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị và xã hội mới của chế độ thực dân mới của Mỹ.
Đi đôi với việc thực hiện chính sách "bình định", Mỹ còn giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng lực lượng quân chủ lực với hơn 1 triệu người, được huấn luyện đầy đủ, trang bị hiện đại để có thể "tự đứng vững", "tự gánh vác chiến tranh" khi quân Mỹ rút hết về nước.
Quân đội Sài Gòn được tăng cường và hiện đại hóa để rồi biến thành "công cụ" của Mỹ trong chiến lược "Việt Nam hóa". Đội quân này được sử dụng vào các cuộc hành quân càn quét chống phá cách mạng, xóa bỏ các căn cứ của quân giải phóng, hòng đẩy chủ lực quân giải phóng ra xa, cắt đứt con đường tiếp tế từ hậu phương lớn miền Bắc. Quân đội Sài Gòn cùng với quân Mỹ, còn bị đẩy vào các cuộc hành quân xâm lược Lào và Campuchia.
Cũng như ở Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt" ở Lào. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Lào dưới hình thức "chiến tranh đặc biệt" bắt đầu từ thời Kennơđi, qua thời Giônxơn, đến thời Níchxơn thì được tăng cường phù hợp với "học thuyết Níchxơn", gọi là "chiến tranh đặc biệt tăng cường" hay "Lào hóa" chiến tranh. Lực lượng tiến hành "chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào là quân phỉ Vàng Pao và quân ngụy Viêng Chăn, ngoài ra có sự tham gia của quân Thái Lan và quân Sài Gòn. Còn Mỹ đóng vai trò cố vấn, trực tiếp chỉ huy và yểm trợ bằng hỏa lực và không quân.
Mở đầu cho hành động tăng cường "chiến tranh đặc biệt" ở Lào là cuộc hành quân lớn mang tên "Cù kiệt" (có nghĩa là gỡ danh dự) của lực lượng lớn quân phỉ Vàng Pao, quân Thái Lan và quân Sài Gòn do Mỹ trực tiếp chỉ huy, đánh chiếm vùng giải phóng Lào ở Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng.
Đồng thời với những hành động đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam và Lào, Mỹ còn mở rộng chiến tranh xâm lược Campuchia.
Ngày 18-3-1970, Mỹ làm cuộc đảo chính quân sự ở Campuchia, lật đổ Chính phủ trung lập Xihanúc, thành lập Chính phủ bù nhìn Lon Non, với hi vọng bằng cách đó sẽ cô lập được cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 30-4-1970, Mỹ đưa hơn 10 vạn - vừa quân Mỹ vừa quân Sài Gòn, mở cuộc hành quân đánh chiếm Campuchia, nhằm cứu bọn ngụy Lon Non đang có nguy cơ sụp đổ, triệt phá cái mà chúng gọi là "đất thánh Việt cộng" trên đất Campuchia, biến nước này thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ, thực hiện ở đây một chiến lược chiến tranh mới phù hợp với "học thuyết Níchxơn" - chiến lược "Khơme hóa chiến tranh".
Đi đôi với việc sử dụng sức mạnh tối đa của nước Mỹ vào những cuộc phiêu lưu quân sự mới ở Đông Dương, Níchxơn còn dùng nhiều thủ đoạn chính trị và ngoại giao nhằm đạt những mục tiêu của cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và mục tiêu của chiến lược toàn cầu phản cách mạng.
Lên nắm quyền, Níchxơn liền cho triển khai chiến dịch "ngoại giao toàn cầu", đóng vai trò "sứ giải hòa bình" đi thương lượng với nhiều nước (trước hết là với các nước lớn) với mưu đồ lôi kéo họ, nhất là các nước đồng minh, vào hùa với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực hiện cái gọi là "cùng chia sẻ trách nhiệm"; chia rẽ các nước xã hội chủ nghĩa với phong trào giải phóng dân tộc; chia rẽ ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung; cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân Đông Dương với các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn gần xa trên thế giới.
(Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 3 - NXB Giáo dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét