Chiến công vang dội Cánh đồng Chum- Biểu hiện sinh động của liên minh chiến đấu Việt- Lào | ||
1. Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, một trong những địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương
Trên bản đồ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Cánh đồng Chum – Xiêng khoảng nổi lên là một cao nguyên rộng lớn giữa vùng Đông Bắc. Tỉnh Xiêng Khoảng tiếp giáp tỉnh Nghệ An (Việt Nam) về phía Đông, Sầm Nưa (Hủa Văn - căn cứ địa của Mặt trận Lào Yêu nước trong kháng chiến) và Luông Phabăng về phía Bắc, Viêng Chăn về phía Tây Nam và Bôlykhămxay về phía Nam.
Về mặt địa quân sự, Xiêng Khoảng là nơi hiểm yếu, có rừng rậm nhiều tầng, rừng thông, núi đá trùng điệp, nhưng cũng có cánh đồng cỏ rộng và khá bằng phẳng. Nhiều quả núi có giá trị quan trọng về quân sự, nhất là Phu Kẹt án ngữ cửa ngõ ra vào Mường Sủi, Phu Kụt là vị trí tiền tiêu của Cánh đồng Chum, cùng với Phu Keng, Phu Sũng tạo thành một thế đứng lợi hại, khống chế toàn bộ khu vực[1]…
Về yếu tố nhân hoà, Xiêng Khoảng là mảnh đất có nhân dân các bộ tộc Lào anh hùng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa[2], đoàn kết và thương yêu nhau trong cuộc sống, cần cù trong lao động, kiên cường trong chiến đấu, vẹn tình trọn nghĩa với bạn bè, kiên trì chịu đựng gian khổ hy sinh, hết lòng, hết sức ủng hộ, giúp đỡ bộ đội Giải phóng Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là một trong ba địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương. Từ đây có thể theo đường số 6 đi tới căn cứ cách mạng Lào ở Hủa Phăn, theo đường số 7 về phía Đông sang Việt Nam. Phía Tây có đường 13 nối Luông Phabăng với Viêng Chăn.
Các nhà quân sự cho rằng ai làm chủ được ba địa bàn: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), Tây Nguyên và vùng rừng núi Tây Bắc (Việt Nam), người đó sẽ là chủ toàn bộ chiến trường Đông Dương. Lãnh đạo Neo Lào Hắc Xạt từng đánh giá nước Lào như một con voi trắng, khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là đầu voi, ai cưỡi được trên đầu voi, thì người đó làm chủ nước Lào[3].
Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng còn liên quan tới hành lang vận chuyển chiến lược quan trọng nhất từ miền Bắc Việt Nam đến các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia suốt cuộc trường chinh đánh Mỹ, nơi diễn ra cuộc vật lộn thế kỷ vì độc lập tự do, mà ở đó nhiều thế hệ thanh niên đã hiến trọn tuổi xuân cho hai đất nước. Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại, là sản phẩm của liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết giữa ba dân tộc trong cuộc chiến đấu trên một chiến trường. Đó không chỉ là là tuyến vận tải chiến lược, mà còn là một căn cứ kháng chiến với một hệ thống kho tàng và hệ thống đường huyết mạch nối liền các chiến trường ở cả ba nước Đông Dương, tạo thế liên hoàn vững chắc. Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Lào, mà còn đối với cả cách mạng Việt Nam và toàn Đông Dương.
Để giành thắng lợi trong chiến tranh, bên nào cũng phải chiếm giữ những vị trí chiến lược quan trọng. Cách mạng phải giữ đất, giữ dân, đối phương cũng phải giành đất, giành dân. Do vậy, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng trở thành trung tâm của những trận giao tranh quyết liệt, nơi diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực vô cùng oanh liệt giữa các lực lượng kháng chiến Lào - Việt Nam với quân đội thực dân đế quốc và tay sai.
2. Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nơi tập trung cao độ sự tàn bạo và xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai
Sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết, Mỹ vào thay chân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi các Chính phủ vương quốc Lào và Campuchia gia nhập cái gọi là "Khối phòng thủ Đông Nam Á" và "Khối phòng ngự sông Cửu Long" nhằm cô lập và xâm lược Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết ba dân tộc.
Mỹ coi Đông Dương là một chiến trường, “một đơn vị chiến lược”; áp dụng nhiều chiến lược chiến tranh khác nhau vào những giai đoạn thích hợp; trực tiếp đổ quân vào Việt Nam, can thiệp quân sự vào Lào và Campuchia; lợi dụng những điểm khác biệt về dân tộc, tôn giáo, những quan hệ lịch sử cũ để chia rẽ, cô lập từng nước; dùng lãnh thổ nước này làm bàn đạp để uy hiếp và xâm lược nước khác.
Trên đất nước Lào, Mỹ đã sử dụng nhiều chiến lược chiến tranh, nhất là các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”. Đó là những biểu hiện cụ thể của chiến lược toàn cầu, nằm trong cuộc chiến tranh xâm lược toàn Đông Dương, nhằm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội xuống khu vực Đông Nam Á, biến Đông Dương thành một mắt xích trong cuộc thập tự chinh chống cộng của Mỹ.
Những năm 1961-1965, Mỹ thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt" ở Việt Nam, đồng thời can thiệp và phá hoại sự ổn định của vương quốc Lào, cùng với phái cực hữu phá hoại hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, tiến công vùng giải phóng của Pathét Lào, làm đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của nhân dân Lào.
Thời gian tiến hành “chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào, tuy Mỹ không đưa bộ binh vào chiến trường Lào, nhưng số cố vấn Mỹ không ngừng tăng lên theo những bước leo thang chiến tranh, từ 300 (năm 1959), tăng lên hàng nghìn cố vấn vào những năm 60 của thế kỷ XX, đến năm tài chính 1969-1970, Mỹ đưa thêm 7000 cố vấn quân sự vào Lào. Mỹ xây dựng và sử dụng lực lượng quân đội của phái cực hữu, của chính quyền Viêng Chăn, “lực lượng đặc biệt” Vàng Pao, lính đánh thuê Thái Lan[4] và cả quân đội Sài Gòn, cùng hoả lực phi pháo, đánh phá ác liệt, không kể ngày đêm, gây nhiều tội ác man rợ đối với đồng bào các bộ tộc Lào.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ nước Lào, nhưng tập trung nhất là Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, hòng biến nơi đây thành căn cứ quân sự lớn nhất của chúng ở Lào. Mỹ xây dựng sân bay với đường băng dài 3 km, đảm bảo cho nhiều loại máy bay lên xuống an toàn. Một trong những thủ đoạn thâm độc của Mỹ là chia rẽ các bộ tộc Lào, “dùng người Lào đánh người Lào”. Chúng tổ chức xây dựng “lực lượng đặc biệt” người H’Mông do Vàng Pao cầm đầu, thiết lập căn cứ Long Chẹng ở Tây Nam Xiêng Khoảng, do các cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện, trang bị và chỉ huy, nhằm ngăn chặn sự phát triển của lực lượng kháng chiến. Trong thời gian tiến hành “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, Mỹ tăng thêm viện trợ cho chính quyền và quân đội Viêng Chăn gần 100 triệu USD trong năm 1969-1970, đưa quân số từ 130 lên tới 150 tiểu đoàn, đồng thời cũng đưa “lực lượng đặc biệt” Vàng Pao từ 64 lên 86 tiểu đoàn[5].
Mỹ đã trút xống khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng 50 vạn tấn bom đạn (trong tổng số 3 triệu tấn ném xuống nước Lào), gồm đủ loại: na pan, phốt pho, từ trường…, giết chết 8203 người, trong đó có 37 sư sãi, 120 học sinh; đốt phá 2724 nóc nhà, 761 ngôi chùa, 274 trường học. Riêng vụ vụ ném bom vào nơi sơ tán của các bản Na Nhom, Bản Phải, Na Lỏng và Bản Mơ, giết hại một lúc hơn 400 người[6].
Để đánh chiếm Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Mỹ và tay sai đã tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nổi lên những cuộc hành quân với lực lượng đông, hoả lực mạnh và tập trung, kéo dài từ 3 tới 6 tháng.
Cuộc hành quân tháng 12-1963 có 5 tiểu đoàn quân đội phái hữu và “lực lượng đặc biệt” của Vàng Pao tiến công lấn chiếm Cánh đồng Chum.
Cuộc hành quân Xảm Xon (7-1964) với lực lượng 4 binh đoàn cơ động (GM 11, GM 15, GM 16 và GM 17), 5 tiểu đoàn (BV 12. BV 52, BV 53, BV 55 và BR 160) có không quân và pháo binh Mỹ yểm trợ đánh vào vùng Bắc Viêng Chăn, rồi tiến công Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Cuộc hành quân tháng 12-1964 có tới 5 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 đại đội pháo 155 ly và từ 30 đến 35 lần chiếc máy bay chi viện trong 1 ngày, tiến công Phu Kụt liên tục trong 10 ngày.
Những năm 1966-1968, Mỹ ra sức củng cố lực lượng, nhất là “lực lượng đặc biệt Vàng Pao”, kết hợp với không quân đánh phá với cường độ ngày càng tăng trên toàn bộ tuyến hành lang từ Thượng lào, Trung Lào đến Hạ Lào. Địch tổ chức nhiều cuộc tiến công quy mô vừa và nhỏ vào Phu Kụt. Cuộc tiến công lớn nhất vào Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (4-1966) gồm ba binh đoàn cơ động của quân đội phái hữu và một số đơn vị của Koongle.
Tháng 6-1969, để bảo vệ căn cứ Sảm Thông – Long Chẹng, địch mở cuộc hành quân mang tên “Đoàn kết I”, “Đoàn kết II”, “Đoàn kết III”, đánh Mường Xúi, Phu Xông, Phu Kụt, đồng thời phối hợp với lực lượng phỉ và không quân đánh phá đường số 7.
Nhằm chiếm giữ Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, tạo bàn đạp tiến công vùng giải phóng Lào, uy hiếp căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa, che chở cho căn cứ Long Chẹng của vàng Pao và phòng ngự từ xa cho phòng tuyến sông Mê Kông, Đông Xuân 1969-1970, Mỹ mở cuộc hành quân lớn nhất trên chiến trường Lào kể từ khi tiến hành chiến tranh xâm lược, mang tên Kù Kiệt (cứu vãn danh dự). Lực lượng tham gia cuộc hành quân có tới 12000 quân, bao gồm 10 tiểu đoàn “lực lượng đặc biệt” (từ số 201 đến 201), 4 tiểu đoàn chiếm đóng (số 21, 24, 26, 27), một tiểu đoàn biệt kích số 208, một tiểu đoàn cơ động số 19, ba tiểu đoàn thám kích đặc biệt số 2, 3, 5, nhiều cụm phỉ (mỗi cụm tương đương 1 tiểu đoàn) cùng 5000 quân Thái Lan; huy động 5 đại đội máy bay chiến đấu, 100 máy bay lên thẳng để cơ động lực lượng và vận chuyển tiếp tế, đặt dưới sự chỉ huy của cơ quan tính báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua Bộ Chỉ huy hỗn hợp Mỹ - Thái Lan - Vàng Pao[7]. Trước đó, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8-1972, Mỹ đã mở một chiến dịch không kích lấy tên là “Rửa hận” (Khẹ khèn), ném bom, bắn phá dữ dội khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Với chính sách “ba sạch”, cuộc hành quân Kù Kiệt đã gây nhiều tội ác man rợ đối với nhân dân các bộ tộc Lào. Chúng thẳng tay tàn sát dân thường, đốt nhà, phá ruộng đồng, bắn giết trâu bò, phá trường học, chùa chiền, có nhiều bản làng bị bom đạn Mỹ huỷ diệt. Chúng còn đánh phá đường vận chuyển, tiếp tế của lực lượng kháng chiến, bắt dân vào sống tập trung trong vùng chúng kiểm soát.
Đông Xuân 1971-1972, Mỹ huy động tới 33 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh Thái Lan và lực lượng Vàng Pao, trong đó quân đội Thái Lan là nòng cốt, cùng sự chi viện hoả lực mạnh của không quân, pháo binh, tăng, thiết giáp, nhằm huỷ diệt toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Trong suốt 6 tháng mùa mưa năm 1972, Mỹ sử dụng 40 tiểu đoàn gồm quân đội Thái Lan, quân đội Viêng Chăn và lực lượng Vàng Pao, với hoả lực mạnh của không quân Mỹ liên tục tiến công nhằm chiếm Cánh đồng Chum…
Trong suốt những năm chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, dường như không ngày nào Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng ngớt tiếng bom đạn Mỹ, không ngày nào không có cảnh chết chóc tang thương, thậm chí có những thời gian dài, ở nơi mưa bom, bão đạn này không phân biệt được ngày và đêm nữa. Sự tàn bạo của kẻ thù với tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới là một thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với đồng bào và chiến sĩ các bộ tộc Lào ở nơi đây.
3. Đánh thắng Mỹ bằng trí tuệ cao hơn Mỹ
Nhằm giữ địa bàn chiến lược và bảo vệ vùng giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quân dân Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, với sự phối hợp của quân tình nguyện Việt Nam, đã kiên cường bám trụ, thay đổi linh hoạt hình thức hoạt động khi so sánh lực lượng có sự biến chuyển, thực hiện dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch, gian khó không sờn, hy sinh không sợ, thực nhiện tư tưởng chiến lược tiến công.
Bộ đội Giải phóng Lào sát cánh cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam chung một chiến hào, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau lúc sinh hoạt cũng như lúc chiến đấu; khi đánh nhỏ, phân tán, lúc đánh lớn, tập trung; kết hợp cách đánh du kích với cách đánh chính quy, kết hợp phòng ngự kiên cường với tiến công dũng mãnh, kết hợp tiến công và phản công để giành và giữ thế chủ động trên chiến trường.
Trong những năm đầu sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết, Việt Nam công khai ủng hộ chính sách hoà bình, trung lập, hoà hợp dân tộc của Chính phủ Lào do thủ tướng Phuma đứng đầu, giúp Pathét Lào xây dựng lực lượng để đối trọng với phái cực hữu, tạo cơ sở để nhân dân Lào chống lại sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ. Đầu năm 1961, quân Giải phóng Lào cùng bộ đội Việt Nam tiến công quân đội Viêng Chăn, giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, tạo điều kiện tiếp tục tiến công, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, xây dựng chỗ đứng chân cho lực lượng kháng chiến từ Bắc Lào xuống Trung Lào và Nam Lào.
Năm 1962, Hiệp đinh Giơnevơ về Lào được ký kết, Chính phủ Liên hiệp Lào lần thứ hai được thành lập, nhưng chỉ 9 tháng sau bị tan vỡ. Quân đội Viêng Chăn (quân Phuma Nôxavẳn) chiếm lại Cánh đồng Chum. Thực hiện chủ trương mở chiến dịch mùa khô của Quân uỷ Trung ương Lào và Quân uỷ Trung ương Việt Nam, lấy Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng làm trọng tâm hoạt động, trong chiến dịch tiến công giải phóng Cánh đồng Chum (Hè Thu 1964), quân Giải phóng Nhân dân Lào cùng lực lượng trung lập yêu nước phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam đã giành thắng lợi sau 24 ngày đêm liên tục tác chiến, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn quân địch, làm cho lực lượng Koongle phân hoá, 545 người quay về tham gia lực lượng yêu nước, phá huỷ và tịch thu nhiều vũ khí.
Năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, ồ ạt đổ quân viễn chinh và phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam, phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào, đe doạ nền độc lập lập của Campuchia. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Lào càng trở nên quyết liệt. Hội nghị nhân dân Đông Dương (3-1965) “đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược”[8].
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được đẩy mạnh, vượt qua được trở ngại do phái cực hữu ở Lào gây ra. Quân và dân Lào - Việt Nam phối hợp chiến đấu và giành nhiều thắng lợi. Tại Xiêng Khoảng, lực lượng kháng chiến đã tổ chức trận địa phòng ngự, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch có không quân Mỹ yểm trợ, nổi lên là những trận đánh ở Phu Kụt cuối năm 1965, đầu năm 1966.
Tháng 3-1966 quân Giải phóng cùng lực lượng trung lập yêu nước dựa vào hệ thống công sự, đường hầm xuyên núi và hào giao thông, cơ động, bám trận địa, tổ chức phản công, làm thất bại những cuộc tiến công của “lực lượng đặc biệt” vào cao điểm Phu Kụt. Tháng 4-1966, quân Giải phóng Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh tan 3 binh đoàn cơ động của phái hữu và một số đơn vị của Koongle, vừa giữ vững địa bàn, vừa củng cố được cơ sở…
Những chiến dịch phản công với cách đánh mưu trí, dũng cảm của quân và dân Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đã góp phần quan trọng làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Lào.
Khi Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, huy động thêm quân đội Thái Lan, mở rộng quy mô cuộc chiến ở Lào, đồng thời tiến hành chiến tranh xâm lược Campuchia, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (4-1970) ra Tuyên bố chung, khẳng định: "việc giải phóng và bảo vệ đất nước là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước, các bên cam kết hết lòng ủng hộ lẫn nhau; các bên tuyên bố quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa ba nước, trước mắt ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung và sau này hợp tác lâu dài trong việc xây dựng đất nước theo con đường riêng của mỗi nước"[9]. Thành công của Hội nghị đánh dấu bước phát triển về chất của liên minh chiến đấu Việt - Lào - Campuchia.
Quân và dân Lào - Việt Nam đoàn kết chặt chẽ và anh dũng chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn, nhiều lần giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1969, 1970, 1972). Trong tiếng súng Cánh đồng Chum vẫn nổi lên những trận chiến đấu ác liệt ở Phu Cụt, xứng đáng với danh hiệu “Phu Kụt anh hùng” và tên gọi “Điểm tựa thép”. Phu Kụt là một “điển hình về tình đoàn kết và sự liên minh chiến đấu, kề vai sát cánh cùng chung chiến hào của hai quân đội Việt Nam và Lào chống trả các đợt tiến công ác liệt của địch, các đợt chiến đấu diễn ra ác liệt, đầy mưu trí để ngăn chặn có hiệu quả các đợt tiến công của địch, bảo vệ vững chắc trận địa Phu Kụt”[10].
Đúng như Tổng Bí thu Đảng Nhân dân cách mạng lào từng đánh giá: "Các đồng chí chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam chấp hành chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chủ tịch đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đã đồng cam, cộng khổ, "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" … kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân Lào trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”[11].
Quân và dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân Xiêng Khoảng nói riêng, nhân dân Lào nói chung trong chiến đấu, trong công tác đảm bảo giao thông vận tải, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30-4-1975). Và thắng lợi đó lại cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2-12-1975).
Mỗi tên núi, tên bản ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng đều là một chiến công. Những chiến công vang dội trên mảnh đất này đã góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu mước của nhân dân hai nước láng giềnh, hai nước anh em Lào - Việt Nam.
PGS, TS Vũ Quang Hiển
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Phu Kụt là một quả núi cao cách trung tâm Cánh đồng Chum 15 km, cách đường số 7 (từ Xiêng Khoảng đi Xalaphukhum) khoảng 2 km, gồm ba mỏm nối tiếp nhau, được rừng cây bao bọc, chủ yếu là rừng thông. Đây là nơi đứng chân của Chính phủ Liên hiệp ba phái ở Lào. Phu Keng cách Phu Kụt chừng 6 km về phía Đông Nam. Phu Sũng ở về phía Bắc Phu Kụt.
[2] Khoảng thế kỷ XVIII, vào thời kỳ Thạo Húng, Thạo Chương, đây là nơi sản xuất nhiều chum đá lớn, nay vẫn còn ở trên các cánh đồng, triền núi và nhiều bản làng như Bản Lạt Thậm, Bản Ang, Bản Hốc, Bản Ban…
[3] Xem Thiếu tướng Vi Say Chăn Tha Mạt, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng - vị trí chiến lược quân sự quan trọng, Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009, tr. 93.
[4] Quân đội Thái Lan tham chiến ở Lào từ năm 1969, đến năm 1972, số quân Thái Lan ở Lào lên tới 40 người.
[5] Tài liệu về những thắng lợi về mặt quân sự của Liên quân Lào - Việt (1960-1975), gn, 2008, tr. 78. Dẫn theo TS Đinh Quang Hải, Phu Kụt anh hùng, biểu trưng tình đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân đội hai nước Việt Nam – Lào, Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009, tr. 345.
[6] Xem Trung tá Viêng say Sổm Vi Chít, Quân và dân như cá với nước, Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb Khoa học Xã hội, 2009, tr. 258.
[7] Tạp chí Quân đội Nhân dân, số tháng 5-1970. Dẫn theo PGS, TS Nguyễn Văn Nhật, Chiẽn thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng - biểu hiện sinh động của tình đoàn kết chiến đấu và giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb Khoa học Xã hội, 2009, tr. 180.
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 412.
[9] Xem Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam 1945-1995, Nxb Công an Nhân dân, HN, 2004, tr. 253-254.
[10] Trung tá Khăm Si, Điểm tựa thép Phu Cụt, Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb Khoa học Xã hội, 2009, tr 376.
[11] Cayxỏn Phômvihản: Xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, Nxb ST, HN, 1978, tr. 183 – 184.
|
Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012
Chiến công vang dội Cánh đồng Chum- Biểu hiện sinh động của liên minh chiến đấu Việt- Lào
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét