Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Một góc nhìn mới về sự tàn bạo và sai lầm của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Một góc nhìn mới về sự tàn bạo và sai lầm của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Không chỉ độc đáo bởi phương pháp giảng dạy lịch sử Việt Nam rất thực tế bằng cách phối hợp với Trung tâm Việt Nam, nơi lưu giữ bản gốc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tổ chức đưa sinh viên tham quan, nghiên cứu tại Việt Nam hằng năm, Giáo sư sử học Ron Milam - Đại học Công nghệ Texas còn là người có những kiến giải mới lạ về sự tàn bạo và thất bại của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam...
Tác phẩm “NOT A GENTLEMAN'S WAR: AN INSIDE VIEW OF JUNIOR OFFICERS IN THE VIETNAM WAR" (tạm dịch: Cuộc chiến tranh không phải của các quý ông: Một cái nhìn trong cuộc của chỉ huy cấp úy trong chiến tranh Việt Nam") của ông là một trong số ít công trình nghiên cứu đầu tiên về chiến tranh Việt Nam từ những góc nhìn của "tầng lớp dưới đáy", bao gồm các chỉ huy trung đội, mang quân hàm thiếu úy, trung úy tham chiến ở Việt Nam. Từng là một cựu binh ở chiến trường Pleiku từ 1971-1972, Ron Milam đã chỉ ra những nguyên nhân không chỉ làm cho người Mỹ bị thất bại cay đắng ở Việt Nam mà còn tạo ra những hành động bạo tàn như cuộc thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ năm 1968. Nói như Larry Berman, tác giả của "Điệp viên hoàn hảo", người đọc sẽ biết được rất nhiều điều mới mẻ qua từng trang sách tuyệt vời của Giáo sư Ron Milam. ANTG CT xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Văn Cầm Hải (VCH) với Giáo sư Ron Milam và một trích đoạn từ tác phẩm của ông.
VCH: Hơn 30 năm trước, Giáo sư là một sỹ quan cấp úy của quân đội Hoa Kỳ phục vụ ở chiến trường Nam Việt Nam, và bây giờ là một học giả về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Dựa vào sự trải nghiệm bản thân và việc nghiên cứu, Giáo sư nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào và Giáo sư giảng dạy về nó như thế nào?
Ron Milam: Cuộc chiến tranh Việt Nam là một bi kịch cho người Mỹ. Người Mỹ đã vạch ra một "đường giới tuyến trên cát" để chống lại chủ nghĩa cộng sản bởi vì chúng tôi sợ hệ tư tưởng cộng sản sẽ thống trị thế giới. Chiến tranh lạnh đã làm nên một căn bệnh đa nghi. Tôi dạy cho sinh viên Mỹ hiểu rằng, sự thiếu sót trong việc hiểu biết lịch sử văn hóa của đất nước Việt Nam đã làm cho chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này với một nỗ lực tối thiểu mà thôi. Điều đó đã tạo nên một sự gắng sức mà người Mỹ sẽ không phải chịu đựng để thành công.
VCH: Tại sao Giáo sư lại gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là không phải cuộc chiến của quý ông. Sự khác nhau giữa cuộc chiến của những quý ông và cuộc chiến không dành cho quý ông là gì?
Ron Milam: Cuộc chiến này đã chọn phương thức chiến đấu theo kiểu "chiến tranh hao mòn", trọng tâm là tiêu diệt lực lượng hơn là kiểm soát địa lý. Vì vậy có rất nhiều thảm kịch thương vong cho cả hai bên, thường là do bom đạn và pháo kích. Nước Mỹ không công bằng khi tuyển quân, vì thế hầu hết những người thuộc tầng lớp nghèo hoặc lao động đã tham gia chiến trận. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ những người lính thực sự tham gia chiến trường, đó là những người không sống trong cảnh xa hoa ở những căn cứ sư đoàn. Vì những nguyên nhân này nên chiến tranh Việt Nam này không phải là cuộc chiến tranh của những quý ông như chiến tranh thế giới thứ II.
VCH: Trong tác phẩm của mình, Giáo sư phân tích rằng trận đánh Ya Drang để lại nhiều bài học cho cả quân đội Mỹ và đối phương. Tại sao nước Mỹ không áp dụng chiến lược "chiến thắng con tim và khối óc" thay cho “lùng và diệt", "vùng bắn phá tự do" và "đếm xác tại trận?"
Ron Milam: Các nhà lãnh đạo quân đội và cả dân sự đều không nhận thấy rằng chiến thắng của họ tại trận Ya Drang là vì sự gắn kết các đơn vị được huấn luyện hơn là vì ưu thế của kỹ thuật. Họ cho rằng, pháo binh, bom đạn và sức mạnh hỏa lực có thể chiếm thế thượng phong hơn là yếu tố chỉ huy và chiến thuật. Những chỉ huy Mỹ trực tiếp tham gia chiến trường Ya Drang đã cho thấy rằng kỹ thuật không phải là nguyên nhân khiến họ trở thành những người thành công. Các nhà lãnh đạo nước Mỹ từ chối chiến lược "chiến thắng con tim và khối óc" bởi vì họ không nhận thấy được rằng để đánh bại phong trào nổi dậy được dẫn dắt bởi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, họ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa của họ phải chứng minh với những người dân rằng họ tốt hơn những người cộng sản(?!)…
VCH: Và điều đó họ không thể làm được vì sự thực không phải là như thế… Cuốn sách của Giáo sư tập trung vào vai trò và trách nhiệm của những trung đội trưởng, những chỉ huy cấp thấp với quân hàm thiếu úy, trung úy. Phải chăng ý Giáo sư muốn nói rằng những người chỉ huy cấp úy này có trách nhiệm hơn cả những sỹ quan cao cấp?
Ron Milam: Những chỉ huy cấp úy là những người chịu trách nhiệm lớn nhất trên chiến trường, bởi vì họ thường là những người tham chiến trực tiếp. Họ là những người làm nên thành công hay chịu trách nhiệm trước thất bại, thực thi những hành vi đạo đức hay bạo tàn. Họ thực sự là nhân vật chủ chốt trong chiến tranh. Vì họ chia sẻ mọi hậu quả, vinh quang và cả nỗi ô nhục như Trung úy Calley nếu họ không hành động có trách nhiệm. Vâng, họ là những người lính được huấn luyện tạo nên cái sống và cái chết trong từng phút giây trên chiến trường. Vì vậy bất cứ điều gì xảy ra, họ đều phải gánh lấy lỗi lầm hoặc tạo nên uy tín cho họ. Hầu hết các học giả sử học về chiến tranh Việt Nam đều xem họ như là những người chiến đấu không có lý tưởng. Họ chỉ là những người chăm lo mạng sống cho mình hơn là lao vào hoàn thành nhiệm vụ. Thái độ này được chứng minh từ hành động tội ác của Trung úy Calley ở Mỹ Lai.
VCH: Bằng việc tổ chức các đoàn sinh viên có những chuyến đi nghiên cứu và giao lưu văn hóa hằng năm tại Việt Nam, Giáo sư muốn chuyển tải thông điệp gì đến sinh viên - những nhà sử học tương lai của nước Mỹ?
Ron Milam: Tôi muốn sinh viên của tôi biết rằng, những người lính Việt Nam đã chiến đấu vì đất nước của mình. Và người lính thường chiến đấu rất giỏi để phụng sự dân tộc của mình một cách xứng đáng. Tôi muốn sinh viên của tôi biết về một đất nước Việt Nam tươi đẹp và hiểu rõ giá trị con người và văn hóa của Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc khi ngày hôm nay hai dân tộc chúng ta đã trở thành bạn bè chứ không còn là kẻ thù.

Người khai sinh ra thuật ngữ  "Lùng và diệt" (search-and-destroy)  là tướng William DePuy, Phó tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV), nhằm mô tả nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị bộ binh là: tìm kiếm và tiêu diệt đối phương ngay tại chỗ. Tuy nhiên, ít nhất là trong dư luận nói chung, thuật ngữ này đồng nghĩa với thiêu hủy làng xóm và gây ra thương vong cho thường dân. Tướng Westmoreland xem nó như một trong 3 chiến thuật làm nên chiến lược tổng thể của quân đội: "Dọn sạch": tiêu diệt hoặc nhổ hết lực lượng du kích và các lực lượng quân sự khác ra khỏi vùng đất mà họ từng kiểm soát để cho các cơ quan dân sự có thể bắt đầu thực thi sứ mạng của mình; "An ninh", bao gồm giữ vững những vùng đã được "dọn sạch" bằng cách tuần tra và xóa bỏ các cơ sở hoạt động chính trị bí mật. Và cuối cùng chính là "Lùng và diệt" đối phương.
Sau khi chiến thuật thứ hai được thừa nhận như là một sự thất bại, nhiệm vụ "lùng và diệt" càng được chỉ đạo một cách có hiệu quả hơn trong các vùng bắn phá tự do (free-fire zones) bởi vì hỏa lực của pháo binh và không quân rất dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, sự tranh cãi xoay quanh chiến thuật "lùng và diệt" đã gia tăng khi sự đánh giá mức độ thành công thường được khẳng định bằng một hoạt động tàn bạo: đếm xác tại trận (body count).

Khái niệm này bắt nguồn từ đâu? Không phải từ chiến tranh Triều Tiên, cũng không phải ra đời từ chiến tranh thế giới thứ II như là một kiểu đo lường sự chiến thắng bằng cách đếm quân số đối phương bị tiêu diệt. Đối với hàng ngũ sỹ quan cấp trung đội, những người chỉ huy chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc báo cáo số lượng người chết của binh sỹ đối phương và cả đồng đội trên chiến trường, sự nhấn mạnh vào nhiệm vụ này đã ảnh hưởng đến những cách thức mà họ thực hiện các hoạt động hành quân của mình.
Tướng Westmoreland không tín nhiệm cũng như không đổ lỗi cho cái gọi là "đếm xác tại trận" nhưng ông ta biết việc chúi mũi vào những con số thống kê không ngừng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara sẽ làm cho các cấp chỉ huy quân đội tận tâm hoàn toàn vào nhiệm vụ không ngừng tiêu diệt quân địch. Do vậy, tại hội nghị ở Honolulu vào tháng 2/1966, bản thuyết trình những mục tiêu thống kê 1966-1967 của Alain Enthoven, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phân tích hệ thống đã được các nhân vật chủ chốt trong nội các của chính quyền Johnson chấp thuận, bao gồm cả tướng Westmoreland. Ông ta tuyên bố: "Quân lực của chúng ta phải tiêu diệt đối phương ở mức độ ít nhất cũng phải cao bằng với khả năng mà quân địch đưa thêm người của họ ra chiến trường".
Chính quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố mục tiêu của cuộc chiến tranh hao mòn: Hoa Kỳ sẽ chiến thắng khi số quân bị tiêu diệt và bị thương nặng vượt trội số quân chính quy miền Bắc Việt Nam và Việt Cộng (VC). Westmoreland, mặc dù dễ dàng đổ lỗi cho văn phòng của Enthoven về việc quá tập trung vào điều tra quân số tử vong của đối phương nhưng chính ông ta là người thúc đẩy ý niệm về một chiến tranh hao mòn. (A war of attrition).
Mục tiêu tiêu diệt đối phương càng nhiều càng tốt đã vi phạm đến điều mà nhà quân sự Tôn Tử cấm kỵ trong Binh pháp Tôn Tử, rằng "Trong mọi cuộc chiến, chính sách giữ nguyên vẹn là tốt nhất, làm hỏng mọi thứ là hạ sách. Đừng quá chú trọng vào việc tiêu diệt. Bắt được quân địch tốt hơn là giết họ". Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chấp thuận việc tiêu diệt quân địch là mục tiêu tiên quyết. Cá nhân người lính rốt cuộc chấp nhận ý niệm này một cách tự nhiên, vì thế cho nên đã tạo ra những thách thức đối với các sỹ quan cấp úy bộ binh. Với hỏa lực sẵn có ở các cấp độ nên nó thường bị lạm dụng  trong quá trình thực hiện. Cho dù Westmoreland cuối cùng cũng tuyên bố rằng, ông ta ghê tởm thuật ngữ  "đếm xác tại trận" nhưng rồi nó đã trở thành một thành ngữ để giải thích tại sao những người lính chiến có mặt ở miền đất Việt Nam
Tác động của việc "đếm xác tại trận" đã trở thành một sức ép then chốt đánh giá khả năng hành động chiến đấu của người lính. Khi cấp trên hỏi về số quân bị tiêu diệt của đối phương, các chỉ huy trung đội thường trả lời mà không chứng thực số lượng người bị giết. Khi các sở chỉ huy bắt đầu yêu cầu số liệu chính xác, một số người lính đã cắt tai người chết để chứng minh cho cái chết của kẻ thù hoặc chụp những bức ảnh để minh chứng cho sự chiến thắng. Cuối cùng, việc đếm xác được thổi phồng ở mức độ cao nhất sau những trận chiến lớn, nơi có những số lượng thương vong được kiểm kê dễ dàng.
Là một người chỉ huy từng đếm số lượng thương vong rất chi tiết tại vòng vây chiến trường Phú Nhơn, trong ngày 15 và 16/3/1971, nhóm cố vấn cơ động của tôi đã đếm được hơn 100 lính đối phương bị thương vong. Tuy nhiên, một đơn vị pháo binh Mỹ - khẩu đội 92, Tiểu đoàn 1 pháo binh đóng ở gần đấy đã báo cáo có 387 quân địch bị chết, trong đó có 178 người bị chết bởi hỏa lực của trọng pháo! Báo cáo đó dĩ nhiên được chuyển qua nhiều kênh để đến với Lầu Năm Góc nơi nó sẽ trở thành một phần trong tổng thể con số thống kê quân lính đối phương bị thương vong ở chiến trường Việt Nam. Những con số này là sự bịa đặt hoàn toàn về một trong những trận chiến dữ dội nhất vào thời điểm cuối của cuộc chiến. Tôi biết chính xác rằng có bao nhiêu xác người được tìm và thậm chí có một số được thừa nhận bị chết bởi súng máy cobra, naplam, và hỏa lực pháo binh đã được gọi đến trong vùng vị trí của chính chúng tôi. 387 kẻ thù bị chết chỉ là một "sự suy luận".



Sự phản ứng của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) đối với tính mạng của thường dân là xây dựng những luật lệ giao chiến được thiết kế để bảo vệ người dân ở trong vùng đang được tìm kiếm kẻ thù trước khi phá hủy nó. Điều này được chỉ dẫn rõ trong "Sổ tay hướng dẫn về việc hỗ trợ quân sự đối với công cuộc bình định" của MACV, việc bảo dưỡng phải được thực thi khi đưa những vùng đó trở lại với trật tự quản lý bình thường của nhà nước và tu sửa nó như là một nơi không có bằng chứng hiện hữu của kẻ thù đã được tìm thấy. Tuy nhiên, các trung đội trưởng đã gặp những khó khăn khi chỉ huy những người lính hoảng sợ và phấn khích đi vào những làng bị nghi là VC hoặc cảm tình với VC.
Cách thức tốt nhất để tránh gây thương vong cho dân thường, MACV khuyến cáo, là tránh để thường dân chạm mặt với quân Mỹ bất kỳ nơi đâu có thể. Sự đáp trả của các vị chỉ huy quân sự đối với trường hợp này là tạo ra một vùng bắn phá tự do. Nếu như thường dân đang mắc kẹt trong vùng chiến sự, họ sẽ được thông báo phải dời đi. Quân đội Mỹ thậm chí di chuyển cả súc vật và những đồ đạc nghèo nàn của người dân. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ sẽ giúp họ xây dựng nhà mới trên vùng đất an ninh hơn được xác định bởi MACV mà không hề quan tâm đến việc chỗ ở mới có xa rời nơi chôn nhau cắt rốn và mồ mả tổ tiên của dân làng hay không.
Mỗi lần người dân di chuyển chỗ ở, quân Mỹ có thể mặc sức bắn phá với hỏa lực ồ ạt bất chấp tính mạng của cư dân- những người từng được khuyến cáo là phải di chuyển nhưng vẫn còn ở lại thì họ mặc nhiên bị xem là VC. Khi một vùng bắn phá tự do được tạo ra là các cấp chỉ huy ở tiền phương lại phớt lờ những luật lệ bắt buộc của MACV. Westmoreland thậm chí tin rằng, khi điều luật rất quan trọng nhưng không thể bắt các chỉ huy gắn liền với nó, sự buông lỏng như vậy có thể làm tăng thêm hiệu quả hỏa lực của người Mỹ.
Bằng việc chỉ định ra những vùng bắn phá tự do, bất kỳ người dân nào được tìm thấy trong vùng đều bị cho là VC hay ít nhất cũng bị tra vấn.
"Một nhóm tuần tra tập trung xung quanh túp lều giữa vườn chuối. Đại đội thận trọng tiếp cận vào nơi chốn hôi hám mục nát này. Khi chúng tôi đến gần, một người đàn ông ốm yếu đã bị phát hiện là đang cố gắng thoát lên đồi phía sau túp lều của ông ta. Không mặc áo quần gì cả ngoài cái khố, đi chân trần. Vài người lính nhặt lấy người đàn ông. Ông ta không có khả năng làm tổn thương ai cả. Da bọc xương. Đây là kẻ thù của người Mỹ ư? Giả sử người đàn ông được mang về Pleiku, nơi đó ông ta sẽ được nhận sự quan tâm y tế.  Nhưng luật là luật. Chúng tôi đốt nhà ông ta, phá hủy ngôi vườn của ông ta. Một tiếng đồng hồ sau, người đàn ông dân tộc này bị chết. Trái tim của ông ta không chịu nổi những sức ép" .
Những cuộc chạm trán như thế này diễn ra rất thường xuyên khi nhiều người dân từ chối rời khỏi làng, đặc biệt là người Jarai, Hmong, Bahnar, và bộ lạc Rhade là những người Thượng có đời sống gắn liền với vùng cao nguyên trung phần miền Nam Việt Nam. Để giành chiến thắng "trái tim và khối óc" của người dân, như là mục tiêu bề ngoài của quân đội, là rất khó khăn nếu những dân làng liên tục bị tra xét, lùa lên trực thăng hung tợn, mang họ đến những thành phố rộng lớn phục vụ cho khai thác tin tức tình báo.
Các đơn vị quân đội tiếp tục mở ra các cuộc hành quân kiên định với cái kiểu thổi phồng đếm xác tại trận để đạt được những điều bỉ ổi đỉnh điểm. Khi việc đếm xác tăng lên, luật lệ giao chiến cũng đổi thay phù hợp với việc sử dụng nhiều hơn hỏa lực chết chóc. Những đơn vị bộ binh được gửi đến đến "dọn sạch" và đếm xác sau khi pháo đài bay B-52 rải thảm. Các cấp chỉ huy cố gắng kiềm chế trật tự quân sự trong phạm vi trung đội của họ vốn đã chán ngấy và mệt mỏi với cái chết và sự tàn phá. Đã có những tình trạng căng thẳng gia tăng đối với các chỉ huy trung đội, họ trở thành những con người như chính người lính mà họ chỉ huy: chán nản và giận dữ.
Họ không phát minh ra việc đếm xác tại trận như để đo lường sự thành công, họ không tạo ra luật giao chiến cũng như sự chém giết tàn bạo ở một vùng đất xa xôi Việt Nam. Nhưng họ là những người lính mà Westmoreland và các cấp chỉ huy khác dựa vào, ngõ hầu mong giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến ngày càng tàn khốc hơn từ sau năm 1966. Vào ngày 15/3-/968, tại thôn Mỹ Lai, Sơn Mỹ, sự tàn bạo đã lên đỉnh điểm, và những hành động của một chỉ huy trung đội trẻ tuổi đã trở thành hình ảnh mẫu mực chưa bao giờ có về cuộc chiến tranh này- cuộc chiến không phải của những quý ông!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét