Bài 1: Ở cột mốc Km số 0
Cho đến bây giờ, khi nhắc đến điểm khởi đầu của con đường Trường Sơn huyền thoại, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, phải bắt đầu từ Kim Bôi, Hòa Bình – nơi xuất phát những chiến binh đầu tiên của Đoàn 559. Lại có ý kiến cho rằng phải lấy khe Hó, tỉnh Quảng Trị – căn cứ đầu tiên của Tiểu đoàn 301 và là điểm xuất phát của những chiến sĩ gùi hàng và “xoi đường lập tuyến”…
Tuy nhiên, ở TP Vinh, thủ phủ của tỉnh Nghệ An, người ta nói thị trấn Lạt thuộc huyện Tân Kỳ mới là điểm khởi đầu – cột mốc số 0 – của tuyến đường 559. “Ở đó còn có cả một bia kỷ niệm rành rành, không tin, các chú đến thử coi” - một cựu chiến binh già vốn là lính vận tải 559 nói với chúng tôi như vậy…
Tuy nhiên, ở TP Vinh, thủ phủ của tỉnh Nghệ An, người ta nói thị trấn Lạt thuộc huyện Tân Kỳ mới là điểm khởi đầu – cột mốc số 0 – của tuyến đường 559. “Ở đó còn có cả một bia kỷ niệm rành rành, không tin, các chú đến thử coi” - một cựu chiến binh già vốn là lính vận tải 559 nói với chúng tôi như vậy…
Nơi bắt đầu đường vận tải Trường Sơn
Từ TP Vinh đến Tân Kỳ khoảng trên dưới 100km, có thể đi theo 2 đường. Theo quốc lộ 1 ra Diễn Châu rồi rẽ trái sang đường 7, đến thị trấn Đô Lương, gặp và đi theo đường 15A khoảng 18km nữa thì đến Lạt – huyện lỵ huyện Tân Kỳ.
Đường thứ 2 thì đi lên Nam Đàn quê Bác, bắt gặp và đi theo đường 15A qua Truông Bồn – nơi có nhà, bia tưởng niệm 13 cô gái TNXP đã hóa thành bất tử – rồi đến thị trấn Đô Lương… Từ Đô Lương, đường 18 vào Tân Kỳ vẫn đang giai đoạn sửa chữa nâng cấp nên nhiều ổ gà, ổ voi mấp mô…
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Võ Viết Thanh (bìa trái) đang trao đổi với PV Báo SGGP về cột mốc Km số 0. Ảnh: M.ANH
|
Chúng tôi đi Tân Kỳ là vì để “thử coi cho biết” chứ không hy vọng lấy được thông tin chính thức bởi hôm đó là chủ nhật – các cơ quan hành chính ở những TP lớn còn nghỉ nữa là huyện miền núi Tân Kỳ.
Thế nhưng, ngẫu nhiên mà như có sắp đặt, khi chúng tôi đã lúi húi chụp hình, ghi chép những dòng chữ khắc trên mặt đá hoa cương của đài bia “Mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh-Đông Trường Sơn”, thì có người đến hỏi thăm. Trò chuyện qua lại, mới hay ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng tỉnh Nghệ An, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ, tranh thủ chủ nhật về thăm nhà.
Biết mục đích chuyến đi của chúng tôi, ông điện thoại mời phó chủ tịch phụ trách văn xã, rồi PCT mời trưởng ban quản lý di tích, trưởng ban quản lý di tích mời phụ trách phòng truyền thống… Cứ thế, chưa kịp uống hết một ly rượu mời tại nhà ông Thanh, chúng tôi đã có đủ ban bệ làm việc.
Câu chuyện với nguyên Bí thư Huyện ủy Võ Viết Thanh đưa chúng tôi trở về Tân Kỳ của 40-50 năm trước. Hồi đó, xung quanh Lạt vẫn còn rậm rạp rừng nguyên sinh, là nơi lý tưởng cho bộ đội đóng quân, tập kết hậu cần, từ phân đội đến cấp sư đoàn. Đã có nhiều đơn vị như sư đoàn 316, 324, 304, 321… trú quân ở đây, trước khi vào chiến trường.
Ông Thanh cho biết: “Ngày 9-9-1964, quân dân Tân Kỳ và TNXP, công binh Đoàn 559 bắt tay xây dựng tuyến đường vận tải này…”. Có phải vì vậy mà Tân Kỳ và Nghệ An cho rằng đây là điểm bắt đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh? – chúng tôi đặt câu hỏi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Đinh Quốc Khánh trả lời ngay: “Việc quyết định vị trí cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh không thể là việc làm tùy tiện, của riêng địa phương hay cá nhân nào. Đây là nhìn nhận lịch sử. Bộ Tư lệnh Trường Sơn mà trực tiếp là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã về đây, khẳng định và góp phần chọn vị trí xây dựng đài bia kỷ niệm này”.
Ông Thanh cho biết: “Ngày 9-9-1964, quân dân Tân Kỳ và TNXP, công binh Đoàn 559 bắt tay xây dựng tuyến đường vận tải này…”. Có phải vì vậy mà Tân Kỳ và Nghệ An cho rằng đây là điểm bắt đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh? – chúng tôi đặt câu hỏi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Đinh Quốc Khánh trả lời ngay: “Việc quyết định vị trí cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh không thể là việc làm tùy tiện, của riêng địa phương hay cá nhân nào. Đây là nhìn nhận lịch sử. Bộ Tư lệnh Trường Sơn mà trực tiếp là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã về đây, khẳng định và góp phần chọn vị trí xây dựng đài bia kỷ niệm này”.
Trong gian trưng bày di tích thuộc Phòng truyền thống huyện nằm gần đài bia kỷ niệm, huyện Tân Kỳ còn lưu giữ một cột hình dáng cột cây số nhưng không có tiêu đề, được đúc bằng sỏi trộn vôi, không cốt thép.
Theo giám đốc phòng truyền thống huyện, đó là “Cột mốc không số” do Đoàn 559 làm và định vị vào năm 1972 – thời điểm nâng cấp tuyến đường này thành đường vận tải cơ giới Trường Sơn. Thì ra những người xây dựng đường Trường Sơn hồi ấy đã ý thức được việc định dấu mốc tuyến đường cho hậu thế.
Bên cạnh, cũng trong phòng trưng bày, còn có một cột mốc hình dáng tương tự nhưng bằng gỗ, đề rõ “Đường Trường Sơn, Km 0”, được làm vào năm 1990, để thay thế cột mốc vôi sỏi đã bị bong tróc…
Bên cạnh, cũng trong phòng trưng bày, còn có một cột mốc hình dáng tương tự nhưng bằng gỗ, đề rõ “Đường Trường Sơn, Km 0”, được làm vào năm 1990, để thay thế cột mốc vôi sỏi đã bị bong tróc…
Năm 2003, cùng với việc thi công tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, Bộ GTVT đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng đài bia kỷ niệm “Mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh-Đông Trường Sơn; Tân Kỳ - Lộc Ninh…” tại thị trấn này. Công trình do Binh đoàn Trường Sơn thi công.
Sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 và tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, nơi đây sẽ là một trong những điểm được chọn để tổ chức mít tinh trọng thể, sẽ có truyền hình trực tiếp cho cả nước cùng chứng kiến… Đó cũng là nhìn nhận lịch sử.
Và như vậy, cho dù tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh công nghiệp hóa được thi công từ Lạng Sơn đến Cà Mau, thì vị trí cột mốc số 0 – điểm xuất phát của tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mỹ – vẫn nằm ở… Tân Kỳ.
Vùng đất anh hùng
Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn trước giờ ra trận. Ảnh: HOÀNG KIM ĐÁNG
|
Bây giờ thì có cột mốc số 0 của tuyến đường Trường Sơn lịch sử trên quê mình, là một vinh dự lớn. Nhưng thời ấy, giả dụ, nếu đổi bằng số lượng bom đạn trút xuống và sự hy sinh, mất mát về sức người, sức của như Tân Kỳ đã gánh chịu, thì chẳng ai muốn. Những cánh rừng quanh thị trấn Lạt đã bị bom đạn cày xới trơ trụi.
Trung tá Đoàn Quang Trung, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, Trưởng ban Liên lạc CCB Trường Sơn huyện Tân Kỳ, kể rằng, hồi đó (những năm từ 1965 đến cuối 1972), trừ những ngày ngừng bắn, còn lại thì không ngày nào là Tân Kỳ không có bom rơi, đạn (rốc-két) nổ.
Thị trấn Lạt tan hoang như chốn không người. Nhiều xã nằm trên tuyến đường 15 và những nơi bị chúng nghi có bộ đội, kho tàng tập kết cũng bị đánh phá ác liệt. Đã có 1.081 con em ưu tú của Tân Kỳ hy sinh, 1.486 người mang thương tật… Tuy nhiên, Tân Kỳ vẫn vững vàng với vai trò “hậu phương lớn” của “tiền tuyến lớn”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, Tân Kỳ còn huy động hơn 20.000 lượt người tham gia bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến. Thanh niên ở các xã trong huyện cùng với dân công, TNXP ngày đêm đào hầm, chặt lá rừng ngụy trang, bảo vệ cho các đoàn xe vận tải Trường Sơn, kể cả xe kéo tên lửa Zin 131 có bề ngang 2,8m, chiều dài tới 20m… Đó là “sức của”, còn “sức người”, CCB Đoàn Quang Trung đưa cho chúng tôi xem danh sách, có tới gần 1.000 CCB vừa được nhận kỷ niệm chương chiến sĩ Trường Sơn. So với khoảng 1.100 CCB Trường Sơn của TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, mới thấy sự cống hiến cho tuyến đường Trường Sơn của huyện nghèo này…
Cũng trong những năm tháng đánh Mỹ, nhân dân Tân Kỳ còn đón tiếp, đùm bọc, giúp đỡ hàng ngàn hộ gia đình (hơn 31.000 người) sơ tán từ Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) ra. Chúng tôi nghe kể lại nhiều câu chuyện cảm động “lá lành đùm lá rách” của đồng bào địa phương với bà con sơ tán đến. Trên trời máy bay quần đảo, ném bom, dưới đất bà con vẫn vừa chiến đấu vừa sản xuất, “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” - nhường đất, nhường ruộng, giúp cây con giống… cho đồng bào sơ tán sớm hòa nhập, ổn định chỗ ở, ổn định sản xuất.
Chính nhờ vậy, chỉ sau 5 năm (1968-1973), ở những “làng tản cư” Tân Kỳ đã có hơn 2.600 trẻ em ra đời, hơn 350 đảng viên mới được kết nạp; gần 1.800 ha ruộng đất được khai hoang phục hóa, trở thành đất sản xuất ổn định… Ghi nhận thành tích của vùng đất khởi đầu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại này, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ, 7/21 xã của huyện cũng được phong tặng danh hiệu cao quý ấy.
Thành phố tương lai
Chúng tôi đã có lý khi chọn Tân Kỳ, nơi có cột mốc số 0 của tuyến đường Trường Sơn lịch sử, làm điểm xuất phát của hành trình “trở lại Trường Sơn”. Ngồi nghe lãnh đạo huyện kể chuyện và chúng tôi nghĩ tới một viễn cảnh - Tân Kỳ - TP tương lai trên đường Trường Sơn.
Tân Kỳ không chỉ có điểm khởi đầu của một tuyến đường huyền thoại. Tân Kỳ còn là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi. Sử sách còn ghi rõ, vào năm 1423, chủ soái Lê Lợi cùng quân sư Nguyễn Trãi kéo quân từ Thanh Hóa theo đường thượng đạo qua Thọ Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa) vào Bãi Chành, Thái Hòa (Nghệ An) và đến đóng quân ở Tân Kỳ.
Do vậy, trên đất Tân Kỳ vẫn còn những địa danh di tích như Bãi Tập (nơi Lê Lợi luyện kỵ binh), Bãi Quyền (nơi luyện võ), Đồng Voi (nơi tập kết tượng binh), Núi Đồn, bãi Lơi Lơi (có lẽ từ Lê Lợi đọc chệch)… Tân Kỳ còn có “làng sơ tán Gio-Cam”, còn có những căn cứ tập kết và huấn luyện của các sư đoàn chính quy Quân đội Nhân dân VN…
Tân Kỳ xứng đáng được đầu tư nâng cấp nhiều hơn, không những trong quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An, trong quy hoạch phục hồi di tích lịch sử trên toàn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà còn cả trong quy hoạch đầu tư xây dựng điểm tuyến du lịch “về nguồn” của ngành du lịch VN.
Chỉ cách TP Vinh 100km, du khách đến quê Bác hoàn toàn có thể đặt chân lên tuyến đường Trường Sơn đánh Mỹ, bắt đầu từ Tân Kỳ. Và đến lúc ấy, làm sao để Tân Kỳ giữ chân du khách không chỉ bằng một đài bia kỷ niệm cột mốc Km số 0?
Bài 2: Binh trạm trong lòng dân
Làng Cự Nẫm thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT với thành tích rào làng chiến đấu, biến quê hương thành pháo đài trong kháng chiến chống Pháp. Tại phòng truyền thống của làng, sau này đã lên xã, có nhiều hiện vật, hình ảnh của thời hào hùng ấy… Tuy nhiên, chúng tôi đến Cự Nẫm trong hành trình “trở lại Trường Sơn” bởi đó là một hệ thống trạm giao liên của đường dây 559 - Trường Sơn. Theo tài liệu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, từ năm 1969 đến năm 1973 – trước khi hiệp định Paris có hiệu lực – Cự Nẫm vừa là căn cứ của Binh trạm 26, vừa là khu kho hậu cần của binh trạm lại vừa là trạm dừng chân một đêm của những đoàn quân vào chiến trường. Trong đoàn cán bộ phóng viên Báo SGGP “trở lại Trường Sơn”, có một CCB đã từng có một đêm dừng chân ở Cự Nẫm…
Hồi ức...
Ngày 3-5-1971, chúng tôi lên đường đi B trong phiên hiệu Đoàn 2289. Sau 3 ngày, ngày nghỉ đêm đi, qua các trạm Hưng Lộc (Nghệ An), Đức Lạc (Hà Tĩnh), Quảng Liên (Quảng Trạch, Quảng Bình), chúng tôi vào đến Cự Nẫm. Đó là tuyến đường mà bất kỳ người lính nào vào chiến trường trong những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 đều trải qua.
Lúc đó, chúng tôi còn rất trẻ, chưa hiểu được ý nghĩa của hành trình cũng như lịch sử của mỗi vùng đất, bởi hành quân vào chạng vạng, đến vào đêm và sáng hôm sau quanh quẩn trong căn nhà tiểu đội đóng quân chờ đến chiều lại hành quân tiếp. Cự Nẫm cũng vậy. Tuy nhiên, Cự Nẫm là trạm cuối cùng mà chúng tôi được ở trong nhà dân, được tiếp xúc với dân. Để rồi sau đó là một chuỗi gần 3 tháng trời đi bộ vượt Trường Sơn, chỉ có rừng núi, đèo dốc, sên vắt và những cơn mưa rừng tầm tã. Chặng đến
Cự Nẫm cũng rất ấn tượng bởi được đi thuyền trên sông Gianh rồi vào sông Son. Hôm ấy, trời vừa mưa xong, ráng chiều đỏ rực hắt bóng xuống dòng sông, từng đàn sứa lội như những bông hoa trắng thả trôi trong làn nước xanh ngắt…
Vận chuyển khí tài ra mặt trận. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH
|
Ở Cự Nẫm, chúng tôi được cấp phát bổ sung thịt hộp, ruốc bông mặn, sữa hộp, muối, hai gói lương khô 701 (loại dùng cho lính ít chất bổ dưỡng hơn lương khô 702 cấp cho sĩ quan), một túi thuốc cá nhân trong đó có gói thuốc lọc nước mà nghe nói, lấy nước suối vào bình toong, bỏ vào 1 viên là uống được như nước đun sôi (nhưng sau mấy ngày leo trường Sơn, do cái mùi hóa chất hôi hôi nên chúng tôi lén… vất sạch). Ngoài ra, những ai còn thiếu quân trang như khăn mặt, mũ, bình toong, giày dép… cũng đều được trang bị.
Cho đến buổi chiều, trước khi lên xe tải hành quân theo đường 20 đến trạm 5 biên giới Việt Lào, hành trang của chúng tôi giàu hẳn lên, nặng hẳn ra. Đó cũng là đợt bổ sung trang thiết bị, nhu yếu phẩm cuối cùng… Tôi muốn nhắc lại khái niệm “cuối cùng” ấy bởi sau đó là rừng núi, là chiến trường bom đạn, là sốt rét rừng, là những trận đánh và những đồng đội của chúng tôi “ra đi, đi mãi không về…”.
Bình yên trong lòng dân
Từ TP Quảng Bình đến Cự Nẫm khoảng 30 km. Nếu từ khu di tích Phong Nha-Kẻ Bàng đến thì còn gần hơn, chỉ khoảng 9 km. Chúng tôi vào nhà truyền thống xã, chỉ thấy hiện vật, hình ảnh của làng Cự Nẫm anh hùng thời chống Pháp. Không có một dấu tích nào của thời chống Mỹ. Ngay cả ông phụ trách nhà truyền thống, khi chúng tôi hỏi về trạm giao liên của đường dây 559 nằm ở thôn nào, hiện còn lưu giữ được gì, cũng chỉ biết láng máng. Những năm tháng ấy, ông cũng thoát ly, nên sau ngày hòa bình về thì “…có nghe nói vậy”. Tuy nhiên, ông cũng đã chỉ cho chúng tôi tìm đến ông Hoàng Tiến Dũng, nguyên là xã đội trưởng Cự Nẫm hồi đó.
Gặp nhóm PV Báo SGGP muốn tìm hiểu về trạm giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, cựu xã đội trưởng Cự Nẫm Hoàng Tiến Dũng mừng ra mặt, nói: “Báo cáo các đồng chí, rứa là các đồng chí đã tìm đúng địa chỉ rồi. Hồi nớ, Binh trạm 26 đóng ngay trong thôn ni, cả Ban chỉ huy Binh trạm, các kho chứa vũ khí, quân trang, quân nhu, bệnh xá 52 và trạm giao liên…”.
Ông kể, từ năm 1969 đến đầu năm 1973 (sau Hiệp định Paris, bộ đội hành quân hoàn toàn bằng cơ giới nên bỏ qua trạm Cự Nẫm - PV) mỗi ngày có 1-2 đoàn bộ đội hành quân vào chiến trường, và từ chiến trường ra. Họ đến vào ban đêm và ra đi vào chiều hôm sau…
Những điều ông kể như là sự bổ sung cho hồi ức của người cựu binh trong đoàn. “Hồi đó, thanh niên nam cũng như nữ ở đây, ngày thì đi làm, đêm về thì hướng dẫn bộ đội vô từng nhà; rồi còn tham gia bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa của bộ đội vào kho… đến 1-2 giờ sáng. Chao ôi, đêm mô cũng như đêm mô…”.
- Nhà tranh nhỏ chật như vậy, gia đình ở rồi thì bộ đội ngủ ở đâu? – chúng tôi hỏi.
- Nhà lớn nhường cho bộ đội. Vợ chồng con cái đưa nhau xuống quây ổ rơm ngủ dưới nhà bếp.
- Một hai bữa còn được, triền miên thế chịu sao nổi?
- Răng không. Đánh Mỹ mà. Nhà lớn dỡ ra lót đường cho xe đi còn được nữa là để cho bộ đội ngủ…
Rồi ông kể, hồi đó, mùa màng mất do thiên tai và máy bay địch đánh phá, cả làng đói, bà con phải ăn độn, có nhà đứt bữa nhưng tuyệt nhiên kho lương thực, thực phẩm của bộ đội không mất một hột.
Đưa chúng tôi ra khu vườn nhà, ông Dũng chỉ xuống một góc vườn đang trồng thuốc lào, nói: “Đây là kho gạo của binh Trạm…”. Cứ thế, qua một số nhà trong xóm, ông cũng chỉ những nơi đã từng là nhà kho chứa thịt hộp, ruốc bông, mũ cối, dép râu…
Bà Trịnh Thị Tất, một người hàng xóm, hồi đó là “gái một con”, xác nhận: “Ở làng ni, nhà ai không chứa bộ đội thì cũng làm kho hậu cần. Nhà tui là kho chứa đồ hộp. Thấy tui có con nhỏ, phải ăn khoai, có bữa bộ đội còn cho gạo nấu cơm…”.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, cả làng có khoảng gần 30 nhà kho, một bệnh xá, một ban chỉ huy binh trạm và một trạm giao liên. Chỉ như vậy, làng nhỏ Cự Nẫm đã là một doanh trại quy mô lớn, một mục tiêu hủy diệt nếu bị kẻ thù phát hiện. Thật kỳ diệu, suốt 3-4 năm trời, trước một kẻ thù có đủ phương tiện trinh sát, thám báo, tình báo… hiện đại, mà cả Binh trạm 26 của Binh đoàn Trường Sơn vẫn tồn tại bình yên trong lòng Cự Nẫm…
Làm gì cho Cự Nẫm?
Cũng may, nếu không có một CCB trong đoàn, có lẽ chúng tôi cũng chỉ biết Cự Nẫm là… làng anh hùng thời chống Pháp! Cũng may, dù đã qua 40 năm, những người đương thời vẫn còn sống và minh mẫn để kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ngày làm ruộng, tối giao liên; để chỉ cho chúng tôi những mảnh đất vườn đã từng được nhường làm kho, những căn nhà nhà lớn đã nhường cho bộ đội ở…
Làng Cự Nẫm thực sự là một bộ phận không thể tách rời của tuyến đường Trường Sơn, của đường dây 559, của Binh đoàn Trường Sơn thời ấy. Cự Nẫm xứng đáng được chọn là một trong những điểm di tích cần được đầu tư tôn tạo, phục dựng trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đánh Mỹ.
Làm điều đó, không chỉ là đánh giá, ghi nhận đúng đắn công lao “thà hy sinh tất cả” của quân và dân Cự Nẫm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ mà còn có thể tạo ra một sản phẩm du lịch “một đêm dừng chân” theo bước hành quân của bộ đội Trường Sơn, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chỉ có như vậy, tiềm năng phát triển kinh tế của vùng quê nghèo Cự Nẫm mới được đánh thức, đời sống của người dân Cự Nẫm anh hùng mới có cơ hội được cải thiện. Đó cũng cách thiết thực để “trả ơn” đồng bào Cự Nẫm… “rằng có đắng cay, bây chừ mới có ngọt bùi”.
Cự Nẫm là 1 trong hơn 90 trạm giao liên - tính cho đến trạm cuối cùng mang ký hiệu T94 – của đường dây 559 đi B2-470 thời kỳ 1969-1972.
Trong “binh chủng hợp thành” bộ đội Trường Sơn thì trạm giao liên hành quân bộ là một mảng không thể thiếu. Hơn 2 triệu lượt bộ đội vào ra chiến trường an toàn đều nhờ vào sự dẫn đường, bảo vệ và bảo đảm hậu cần của hệ thống trạm giao liên này. Do vậy, trong việc xem xét và phục dựng di tích lịch sử đường Trường Sơn, cần có 1 trạm giao liên, và theo chúng tôi, Cự Nẫm xứng đáng là một “địa chỉ đỏ”…
|
Một số hình ảnh của đoàn cán bộ phóng viên Báo SGGP đến Cự Nẫm.
NGUYỄN ĐỨC – MINH ANH – HOÀI NAM
Bài 3: Di tích lịch sử bị bỏ quên | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
23 hang động ở hai xã Hóa Tiến, Hóa Thanh thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nằm giữa lưng chừng trùng điệp núi đá vôi, chỉ cách đường Hồ Chí Minh hiện tại có 2km. Từ đây chỉ đi thêm 6 km là có thể đến điểm đầu đường hành quân qua Lào, cũng có thể dễ dàng đến ngã ba Khe Ve - điểm đầu đường ống xăng dầu, điểm đầu đường dây thông tin liên lạc của bộ đội Trường Sơn...
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559 cần một nơi đóng quân an toàn, đó là cụm 23 hang động tại hai xã Hóa Tiến, Hóa Thanh thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tập trung trong bán kính 5km2, cụm hang trên là nơi lý tưởng cho việc trú ẩn, di chuyển, chỉ huy của Bộ tư lệnh tới các cơ quan tham mưu, tác chiến, hậu cần bảo đảm và các binh trạm…
Bà Đinh Thị Y, ngoài 70 tuổi, người đã từng phục vụ trong hang y tá những năm tháng ấy, vẫn còn nhớ như in: “Sở chỉ huy tiền phương đặt ở cụm hang Hóa Tiến, Hóa Thanh từ năm 1965-1966. Hang nằm giữa lưng chừng núi, bom đạn đánh bật cây cối, mọi người phải dùng cây rừng kết từng cái thang dài để vào hang trú ẩn, hội họp, chữa bệnh, sinh hoạt, nghỉ ngơi, rất an toàn”. Tại đây, cụm hang Hóa Tiến là nơi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trú đóng, là nơi làm việc của nhiều tướng lĩnh chỉ huy.
Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Bình cho biết: “Trong hồ sơ đệ trình công nhận di tích lịch sử quốc gia cụm hang Hóa Tiến năm 1986 còn ghi rõ, đây là nơi Bộ Tư lệnh 559 quyết định một số chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng nhằm mở rộng thế trận Trường Sơn, trong đó có việc đẩy mạnh vận tải cơ giới sang tuyến phía Tây qua Lào…”.
Cụm hang Hóa Thanh (xã Hóa Thanh) là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của cơ quan hậu cần Đoàn 559 và kho chứa xăng. Một số hang khác là nơi chứa quân trang, quân khí. Dọc bìa rừng và núi đá từ km 474 - 475 là nơi giấu quân, điểm tập kết của các tiểu đoàn xe 51, 52, 53, 54… và các đơn vị TNXP mở đường…
Sau chiến tranh, cụm hang Hóa Tiến, Hóa Thanh được công nhận di tích lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đường đến “di tích lịch sử quốc gia” này thì thông tin duy nhất là một tấm bia tại km 473 đường Hồ Chí Minh với dòng chữ “Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh. Cụm hang Hóa Tiến Hóa Thanh. Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 từ năm 1965-1966”.
Phải dừng lại hỏi đường vài lần, chúng tôi mới vào được đến xã Hóa Tiến, một làng nông thôn nghèo cả về kiến trúc nhà cửa, hạ tầng và sức khỏe dân số. Biết chúng tôi có ý định vào hang, chị Đinh Thị Liên và một số thanh thiếu niên ở thôn Yên Phong vui vẻ nhận lời làm người dẫn đường.
Có lẽ lâu lắm mới được thấy xe hơi và khách lạ đến tham quan, cư dân Yên Phong như vui hẳn ra. Họ cầm dao đi trước mở đường, chúng tôi lom khom lần theo lối đi vừa được khai phá. Cành cây, thân cây còn ứa nhựa, cào quấn cả vào quần áo, da thịt. Đường vào hang cứ thế lên cao dần, len lỏi giữa những mũi đá tai mèo. Cửa hang dần hiện ra, trong khi chúng tôi đã có người phải dừng lại thở lấy sức…
Đặt chân vào hang, nhóm phóng viên chúng tôi ngỡ ngàng trước không gian rộng mát của hang – theo người dân trong vùng gọi là hang Văn Công.
Có thể như vậy, bởi trong hang, còn hình dáng bục sân khấu bằng đất nện và chỗ ngồi dành cho khán giả… mặc dù ít nhiều đã bị cày xới bởi những người tìm kiếm phế liệu. Một số tảng thạch nhũ trong hang đã bị chặt bẻ, mà theo người dân “họ lấy về để bán cho người ta làm hòn non bộ…”. Trời đã chạng vạng, chúng tôi ngỏ ý muốn đi thêm một vài hang nữa nhưng chị Liên – người dẫn đường tự nguyện – lắc đầu: “Có đường sá mô mà đi. Trời tối như ri, dân làng tui còn đi không được nữa là mấy chú…”. Chúng tôi trở ra mà lòng nặng trĩu.
Hệ thống hang đá một thời là Sở chỉ huy của Binh đoàn Trường Sơn - nơi đã từng ra đời những chỉ thị, quyết định quan trọng góp phần làm nên Trường Sơn huyền thoại; hệ thống hang đá đã được công nhận là “di tích quốc gia”, vậy mà bây giờ bị… bỏ hoang, trở thành phế tích đến dân bản địa cũng không vào được, như thế sao?!
Hai xã Hóa Tiến, Hóa Thanh là địa bàn bán sơn địa nằm trọn trong lòng huyện miền núi Minh Cầm. Trên đường vào xã, vào hang, chúng tôi nhìn thấy đất đai hầu hết là đồng đất cát pha, cây trồng chủ yếu là ngô (bắp), khoai, đậu phộng; không thấy hệ thống thủy lợi… Dân số của hai xã này gần 10.000 người nhưng có tới 40% thuộc diện nghèo. Thôn Yên Phong có khoảng 50 liếp nhà, có lẽ là thôn mới hình thành sau ngày hòa bình bởi xung quanh nhà, trong xóm không có bóng dáng cây trồng cổ thụ.
Nhân chứng cuối cùng sống ở hang Y Tá hồi ấy, bà Đinh Thị Y, tiếp chuyện chúng tôi, than thở: “Chiến tranh hết rồi, người ta bỏ căn cứ, quên luôn cả bầy tui…”. Hỏi bà có mong ước gì cho mình ở tuổi già này, bà nói: “Tui ở đây từ nhỏ tới giờ, thấy hồi có Đoàn 559 ở đây, chiến tranh ác liệt vậy nhưng là… vui nhất. Từ hồi hòa bình, coi truyền hình thấy đất nước đổi mới nhiều nơi nhưng ở đây thì vẫn vậy. Tui già rồi, mong chi cho mình, chỉ mong Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng cụm hang này thành điểm tham quan du lịch để cả nước ra vô tham quan. Nhờ đó, dân làng này có dịp được đổi đời…”.
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, ông Đinh Minh Chất, cũng trăn trở: “Huyện đang tìm lối thoát nghèo cho người dân hai xã trên. Trong chiến tranh, bà con một lòng theo bộ đội, bây giờ… Chúng tôi cũng suy nghĩ và quyết tâm huy động nội lực, xây dựng cách làm ăn mới… nhưng nghiệt nỗi huyện cũng nghèo, đầu tư chẳng được bao nhiêu”.
Thời gian cho chúng tôi ở lại cụm hang động Sở chỉ huy Đoàn 559 và đồng bào Hóa Tiến, Hóa Thanh chỉ có một buổi chiều, nhưng cũng đủ để cảm nhận, xót xa cho một di tích lịch sử, một địa chỉ đỏ, một điểm du lịch quý giá… đã bị con người bỏ quên. Đất nước có thể còn khó khăn, GDP (thu nhập đầu người) của địa phương Quảng Bình có thể thấp hơn một số tỉnh, thành phố công nghiệp khác, nhưng điều đáng nói, đó là sự vô tình và thiếu trách nhiệm…
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập bộ đội Trường Sơn, bên cạnh hoạt động kỷ niệm, nên chăng có chương trình vận động toàn xã hội chung tay chăm lo, phục hồi những địa chỉ, di tích đã góp phần làm nên Trường Sơn huyền thoại? Thiển nghĩ, Bộ Quốc Phòng, Tổng cục Du lịch và tỉnh Quảng Bình nên sớm bắt tay vào cuộc, để ước nguyện của người dân Hóa Tiến: “cả nước ra vô tham quan, nhờ đó, dân làng có dịp đổi đời…” sớm thành hiện thực!
Bài 6: Chúng tôi đi tìm Khe Hó
Trong bài “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, cố Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, có viết: “Sau 3 ngày bàn bạc với Bí thư Đặc khu Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản, tôi quyết định chọn khe Hó làm điểm “mốc” đầu tiên xuất phát vượt Trường Sơn. Đây là địa điểm nằm ở thượng nguồn sông Rào Thanh phía Tây Nam của Vĩnh Linh, dân cư thưa thớt và đa số là người Pa Kô, Vân Kiều rất nặng lòng với cách mạng”.
Đại tá Nguyễn Danh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 301, trong hồi ức “Chuyến hàng đầu tiên”, cũng viết: “Đúng 9 giờ ngày 12-6, cả đơn vị lên đường hành quân. Ngày 18-6 đến Thuận Lý, Quảng Bình. Sau một đêm nghỉ lại, tối hôm sau, đoàn tiếp tục hành quân nhưng Đại đội 12 tách đoàn đi ngược lên miền núi Quảng Bình... Số còn lại hành quân lên khe Hó thuộc huyện Vĩnh Linh – là nơi dừng chân, điểm đóng quân đầu tiên của đoàn để “soi đường vượt tuyến”. 50 năm sau, chúng tôi đi tìm khe Hó…
Anh bạn đồng nghiệp ở Đồng Hới cam đoan với chúng tôi là đường lên khe Hó… không đi được, không có đường xe, chỉ có đường đi bộ lội rừng, đồng bào đi khoảng 4 tiếng, còn anh em mình thì… gấp rưỡi. Thế nhưng, trở lại Trường Sơn mà không đến khe Hó thì thật thiếu sót. Chúng tôi quyết tâm: còn đường còn đi. Và thế là… lên đường!
Từ thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) nằm trên tuyến đường Đông Trường Sơn, chúng tôi hỏi đường vào khe Hó. Không ai biết! Mãi sau, chúng tôi phải điện thoại cho đồng nghiệp ở địa phương nhờ chỉ dẫn.
Anh bạn bảo: Các anh cứ hỏi đường vô xã Vĩnh Hà. Ra thế! Con đường vào xã Vĩnh Hà không dễ dàng chút nào, đường chỉ trải nhựa được một đoạn, còn lại thì đá cấp phối pha… đất, phải qua một con suối, may là mùa cạn, xe gầm cao còn lội được, nếu vào mùa mưa thì chịu chết. Người dân Vĩnh Hà vẫn nhiệt tình như hồi kháng chiến. Thấy chúng tôi hỏi đường vào UBND xã, một thanh niên Vân Kiều, tên Hồ Dũng, cưỡi xe máy đuổi theo xe chúng tôi chỉ để… dẫn đường.
Chiếc xe hai cầu ì ạch vượt ngầm rồi leo dốc. Chúng tôi xuống xe đi bộ cho… chắc ăn. Được Dũng dẫn đường, chúng tôi vào đến Văn phòng UBND xã Vĩnh Hà không mấy khó khăn. Bí thư Đảng ủy Hồ Văn Thủy, người Vân Kiều, tiếp chúng tôi rất nhiệt tình.
Nhưng khi hỏi bản khe Hó trong kháng chiến chống Mỹ thì anh vò đầu: Xa lắm, không đi được! Hỏi vì sao không đi được? Không có đường, phải đi vô đường rừng – Anh trả lời! Chúng tôi ngỏ ý xin một nhân viên UB xã đưa đường, khó cũng đi, anh lắc đầu: “Nỏ ai biết mô”. Vậy thì anh vẽ sơ đồ chỉ cho chúng tôi? – “Tui cũng nỏ biết”! Chúng tôi ngỡ ngàng. Vậy anh chưa bao giờ đi vào đến đó? – “Chưa!”, Hồ Thủy cười như có lỗi.
Như sực nhớ ra, Hồ Thủy bảo ở bản khe Hó và cả xã Vĩnh Hà hiện nay chỉ có cha anh biết. Ông có thể đưa đường được, nhưng phải sáng mai, ăn no và đi từ tinh mơ, chiều mới ra kịp, nếu không là phải ngủ lại rừng.
Sực nhớ anh bạn đồng nghiệp ở Đồng Hới nói cả Vĩnh Hà chỉ có già làng tên Thanh là biết đường vô khe Hó, chúng tôi hỏi lại Hồ Thủy. Anh gật đầu xác nhận: “Cha tui đó!”. Như vậy, không còn cách nào khác, muốn vô khe Hó, chúng tôi phải tìm gặp và thuyết phục ông Thanh, già làng, cha ruột của Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hà Hồ Thủy.
Hóa ra, già làng Hồ Thanh, trưởng bản khe Hó mới cũng đang có mặt ngay trụ sở UB. Ông đang “làm việc” với cán bộ xã về thống kê dân số. Hồ Thủy đưa chúng tôi đến gặp. Họ nói với nhau bằng một tràng ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông nhìn chúng tôi, chậm rãi đứng dậy. Hồ Thủy đưa chúng tôi vào một phòng họp bỏ trống để “các nhà báo nói chuyện cho thoải mái”...
Già làng Hồ Thanh tuổi gần 70, tóc đã bạc, hút thuốc như khói tàu, tác phong có vẻ chậm chạp của người già nhưng nói chuyện với chúng tôi, ông tỏ ra còn rất minh mẫn và… nhớ dai. Gợi chuyện xưa, ông kể: Bản khe Hó lúc đó có chừng 30 hộ, ở tít trong rừng sâu, cách xa các bản khác. Khi bộ đội vô, ông mới 17 tuổi, cùng với thanh niên trong bản tham gia gùi hàng cho bộ đội, mỗi lần gùi từ 18kg-20kg, đi 5km đường rừng, hàng gùi là gạo, có khi có cả súng đạn…
- Có nhiều bản tham gia gùi hàng cho bộ đội không? Chúng tôi hỏi.
- Không có đâu, chỉ có bản khe Hó thôi. Bản khác không được biết.
- Mỗi lần gùi hàng như vậy, bộ đội trả công bằng gì?
- Bộ đội thường cho gạo, muối… Dân bản lúc ấy đói lắm, chỉ ăn sắn, ăn khoai thôi. Gùi hàng cho bộ đội, có gạo ăn…
- Từ đây vào đến bản cũ đi bộ khoảng mấy giờ?
- 4-5 tiếng.
- Có đi xe được không?
- Không được, chỉ có xe kéo gỗ của lâm tặc đi được thôi. Nhưng mấy ngày nay mưa, cũng không đi được.
- Hồi nào thì dân bản khe Hó dời ra ngoài này?
- Năm 1973 - sau khi có hiệp định hòa bình. Cách mạng cho dân ra ngoài này lập bản mới để trẻ con có trường học, người già có bệnh xá chữa bệnh.
- Từ đó đến nay, bản khe Hó có ai ở?
- Xa quá, không có ai, chỉ có lâm tặc vào thôi!
Như vậy, bản khe Hó – căn cứ đầu tiên của Đoàn 559, điểm xuất phát “soi đường lập tuyến” đầu tiên, để sau này hình thành nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đã bị “xóa sổ”. Nói dại, nếu già làng Hồ Thanh trăm tuổi, cả bản khe Hó hiện nay không ai có thể dẫn đường định vị chính xác địa điểm lịch sử ấy – kể cả Bí thư Đảng ủy Hồ Thủy vốn sinh ra (năm 1971) ở đó.
Già làng Hồ Thanh cũng trả lời với chúng tôi là không thể đi vào bản khe Hó trong một buổi được. Muốn đi phải mất trọn một ngày, nếu trời không mưa. Nhưng ông bảo: “Mấy chú vô đó cũng chẳng còn dấu tích chi, chỉ có rừng, như mọi nơi…”. Chúng tôi đành phải gác lại chuyện tìm khe Hó.
Bởi như già làng Hồ Thanh nói, đường đi khó lắm, mất trọn một ngày, mà “vô đó cũng chẳng còn dấu tích chi”. Đành phải hỏi chuyện ông về bản khe Hó hôm nay. Hồ Thanh vui vẻ kể: “Bản khe Hó chừ có 167 khẩu, 41 hộ đồng bào Vân Kiều, nhưng cả bản chỉ có 2ha lúa, nghèo lắm…”.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hà Hồ Thủy nhẩm tính, cả xã hiện còn 28,1% hộ nghèo (103 hộ); thu nhập bình quân đầu người của toàn xã mới đạt 500.000 đồng/tháng. “Xã còn phấn đấu nhiều lắm. Trong năm nay, cố gắng kéo giảm thêm vài chục hộ thoát nghèo”.
Kéo giảm bằng cách nào? Hồ Thủy chưa kịp trả lời đã đề xuất: “Cần làm lại con đường từ thị trấn Bến Quan vào Vĩnh Hà. Mấy hôm rày có mấy đoàn vào thăm lại bản khe Hó nhưng đường sá khó khăn quá nên nỏ ai vô được”. Có lẽ anh muốn nói đến việc làm đường từ thị trấn Bến Quan vào đến trung tâm xã Vĩnh Hà và kéo tiếp vào đến tận bản khe Hó thời chống Mỹ. Đó là một đề xuất đúng.
Bản khe Hó cũ là địa danh lịch sử – điểm tập kết đầu tiên, là “cột mốc số 0” của đường dây 559 - phải được phục dựng đúng vị trí và có đường vào thuận tiện, để các CCB, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có thể “hành hương”. Đó cũng là con đường cải thiện điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo tốt nhất cho bà con đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở bản khe Hó – nơi 100% cư dân mang họ Hồ và treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà...
|
Bài 9: Đi tìm “Trường Sơn trong lòng đất”
Cuối tháng 3-1968, giặc Mỹ tăng cường ném bom nhằm chặt đứt đường Trường Sơn, chặn đường vận chuyển của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Lúc này ở Trường Sơn, gần nửa tháng trời Đoàn 559 cạn xăng. Có lúc cả ngàn xe vận tải phải nằm chờ. Đạn, lương thực, quân nhu không vào được chiến trường. Thiếu gạo, thiếu muối, khẩu phần ăn của chiến sĩ chỉ còn 2 lạng/ngày. Lệnh của trên truyền xuống: Bằng mọi giá phải đưa nốt số xăng dầu vượt Trường Sơn để giao cho Đoàn 559. Thực hiện chỉ thị đó, một đường ống dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam hay còn gọi là “đường Trường Sơn trong lòng đất” hình thành…
Thêm một “đường Trường Sơn” huyền thoại
Theo lời kể của các CCB bộ đội xăng dầu Trường Sơn, việc thi công đường ống xăng dầu bắt đầu vào tháng 6-1968 và đoạn đầu tiên là vượt qua “tam giác lửa” Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm, nối kho N1 (Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An) vào kho N2 (Nga Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) có chiều dài đường ống tổng cộng 42km. Trong đó, đoạn đường ống qua sông Lam là thi công vất vả nhất. Kỹ thuật không rành, kinh nghiệm cũng không, chỉ bằng ý chí và quyết tâm, những cán bộ chiến sĩ bộ đội, công nhân xăng dầu cùng với nhân dân trong vùng làm việc liên tục bất kể ngày đêm, bất chấp bom đạn, để hoàn thành hơn 500m vượt sông trong chưa đầy 3 ngày, góp phần hoàn thành 42km vượt “tam giác lửa” trong vòng 2 tháng.
Một đoạn ống xăng dầu trước kia - nay được cán bộ - chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) làm đường dẫn nước từ trên núi cao xuống. Ảnh: M.A.
|
Phát huy kết quả đã đạt được, một bộ phận của bộ đội xăng dầu Trường Sơn hành quân vào Quảng Bình để đảm nhiệm việc thi công tuyến đường ống vượt Trường Sơn sang Lào. Đến ngày 3-3-1969, tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350km đã nối thông từ Vinh - Cổng Trời - Na Tông tới kho Kavat (Lào), vận hành thông suốt dòng xăng từ miền Bắc đến Kavát, đảm bảo xăng dầu kịp thời cho 5.000 xe của Đoàn 559 tiếp tục đợt vận tải đột kích mùa khô 1968 - 1969. Đến cuối tháng 12-1969, dòng xăng dầu từ hậu phương lớn miền Bắc tuôn chảy đến tiền tuyến lớn miền Nam.
Dự kiến khả năng chiến tranh đánh phá của giặc Mỹ có thể mở rộng, ác liệt hơn, việc chuyển xăng dầu vào Nghệ An bằng các phương tiện cơ giới sẽ khó khăn, Trung ương quyết định xây dựng đường ống Hà Nội - Vinh.
Chỉ sau hơn 13 tháng thi công, ngày 13-12-1971, tuyến đường ống Hà Nội – Vinh dài 338km đã hoàn thành, nối vào tuyến đường ống của tiền tuyến lớn, tạo thế liên hoàn.
Tiếp sau đó, giữa năm 1972, giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt, tuyến đường ống lại tiếp tục được kéo tới biên giới Việt - Trung. Đến cuối năm 1972, đường “Trường Sơn xuyên lòng đất” đã kéo dài từ biên giới Việt Trung tới Cam Lộ, Quảng Trị, qua phía Nam Đường 9, có chiều dài 3.287km, với hơn 81.000 tấn nhiên liệu dự trữ.
Ở phía Nam, đầu năm 1973, bộ đội Trường Sơn cũng ra quân xây dựng tuyến đường ống phía Đông Trường Sơn qua các tỉnh Tây Nguyên, tuyến đường ống song song ở phía Tây (trên nước bạn Lào) và các tuyến đường ngang.
Đến ngày 20-11-1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã hội tụ tại Plây Khốc, Kon Tum… Hệ thống “đường Trường Sơn trong lòng đất” đã hoàn thành và, như nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, đánh giá: “Chỉ có đường ống mới phục vụ kịp xăng dầu cho hành quân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975...”.
Mỏi mắt tìm... đường ống
40 năm sau ngày con đường ống kỳ diệu được hoàn thành, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm lại dấu tích của con đường với tham vọng được tận mắt chứng kiến tuyến đường ống từng vượt núi, băng sông vận chuyển những dòng xăng dầu quý giá trước họng súng quân thù.
Già làng Điểu Toi (phải) xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông) chỉ cho PV vị trí trước kia có đường ống xăng dầu từ Bắc vào Nam.
|
Từ Km số 0 của đường vận tải chiến lược Trường Sơn năm xưa ở Tân Kỳ (Nghệ An), chúng tôi di chuyển theo đường Trường Sơn Đông đến đoạn Đồng Lộc - Bến Thủy - Nam Đàn (Nghệ An). Khi được hỏi về tuyến đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn, ông Đoàn Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Kỳ, Nghệ An, nói: “Năm 1968 tôi còn là đoàn viên phục vụ mở đường, có nghe các cô, các chú TNXP kháo nhau về một đội quân kéo ống từ Nghệ An sang Lào để tránh tọa độ lửa. Sau này đọc sách mới biết có khoảng 400 công nhân rời Hà Nội bí mật hành quân vào Nghệ An, vượt sông Lam để kéo ống…”.
Chúng tôi cũng đi hết khu vực sông Lam, nơi đặt những mét đường ống đầu tiên, chỉ nghe những người cao tuổi kể chuyện “ngày ấy” nhưng hỏi bây giờ đường ống ở đâu thì… “người ta tháo lấy hết rồi…”.
Ngay cả nơi từng đặt kho N1 cũng vậy. Rất nhiều người không biết trên quê mình có di tích lịch sử Trường Sơn như thế... Nghệ An, Hà Tĩnh, và cả Quảng Bình – trung tâm của đường ống xăng dầu Trường Sơn – cũng chỉ còn trong ký ức của những người già. Tất cả những gì có thể gọi là chứng tích đều đã được đem… bán sắt vụn.
Ở Bến Quan, trên đường vào xã Vĩnh Hà, bất chợt chúng tôi nhìn thấy một đoạn đường ống phi 10, dừng lại hỏi, bà chủ nhà xác nhận là “có lẽ của bộ đội ngày xưa…”, bây giờ dùng làm ống nước. Bến Quan trước đây, nghe nói cũng là điểm tập kết xăng dầu lớn, nay thì hỏi ai cũng “nỏ biết”…
Ở Lào, chúng tôi cũng đã đến Khăm Muộn, nơi có kho xăng Na Tông. Thế nhưng, người duy nhất có nghe, có biết đến hệ thống đường ống lại là một Việt kiều chủ quán cơm, một thời là dân… buôn lậu. Anh chủ quán nói: “Hồi nớ tui có đi buôn đường rừng từ Việt Nam sang nên có gặp đường ống. Nhưng đã hơn 20 năm rồi, chắc chi bây giờ còn nữa”.
Suốt hành trình từ Khăm Muộn về A Tô Pư, chúng tôi cố gắng tìm kiếm dấu tích đường ống xăng dầu một thời được mệnh danh là “đường Trường Sơn trong lòng đất”. Thế nhưng, cũng như ở Việt Nam, ở những nơi đã được đánh dấu trên bản đồ, đều không còn chút dấu vết gì, hoặc nếu có, chỉ là lời kể mơ hồ “có đường ống chui dưới đất, treo lên cây nhưng dân bản tháo hết rồi”; “xa lắm, 6 - 7 chục cây số đường rừng, xe ni không đi được…”. Thế thôi!
Ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, trong khi đang làm việc, tình cờ Bí thư Đảng ủy xã Điểu NhRanh cho biết: “Khu vực này có nhiều đường ống chạy nổi, chui chìm xuống đất. Người dân lượm được nhiều lắm, bây giờ vẫn còn”. Chúng tôi mừng rỡ, năn nỉ anh dẫn đi. Thế nhưng, sau chừng 15 phút từ thôn Bu Prăng 1 đi xe theo đường 14C, đến một vạt rừng sát đường, chỉ cách đất Campuchia chừng 50m, Điểu NhRanh cùng Điểu Toi - Trưởng thôn cũng chỉ cho chúng tôi một… hố đất “họ lại đào mất rồi” – Điểu NhRanh nói như thanh minh...
Còn lại gì cho mai sau?
Của đáng tội, trong suốt hành trình, chúng tôi cũng có một lần bắt gặp dấu tích “đường Trường Sơn trong lòng đất”, trong Đồn Biên phòng Bờ Y. Đó là khoảng 300m ống dẫn dầu bằng gang, loại phi 10, đang được dùng làm ống dẫn nước từ ngọn núi cao phía sau đồn về bể nước của đơn vị.
Thượng tá Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, kể: “Hồi ấy khó khăn vô cùng, anh em công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) sau khi lập đồn đã nhặt nhạnh đủ thứ vật liệu về sử dụng, trong đó những đoạn ống này, làm thành ống dẫn nước “tuyệt hảo”, hoặc làm cột căng lưới bóng chuyền cũng tốt.
Trung tá Nguyễn Văn Yên, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lính cựu trào của Đồn Bờ Y cũng xác nhận: “Năm 1984, chúng tôi theo chân đồng bào tìm đến kho hàng B3 của Đoàn 559 nằm trên địa phận thôn Sa Đen, huyện Phu Vông, tỉnh A Tô Pư, Lào cách đây 17km để vác ống về cho đơn vị…”.
Đường Trường Sơn trong lòng đất đang biến mất. Mưa nắng, thời gian, sự vô tình của những người, những cơ quan có trách nhiệm; cuộc sống vất vả, phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền của cư dân nơi đường ống đi qua đã “chung tay” xóa sổ con đường huyền thoại…
Nhớ lại ngày khánh thành tuyến đường ống xuyên Bắc-Nam này, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từng tâm sự: “Tôi như thấy qua dòng xăng tuôn chảy bóng dáng hàng trăm chiến sĩ vượt núi, băng sông, gùi cõng những ba lô xăng. Chỉ những người trong cuộc hoặc đã chứng kiến những ngày tháng đắng cay, cơ cực, khi mà một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả bát mồ hôi, thậm chí bằng máu, mới ý thức được ý nghĩa lớn lao của sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành”.
Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, chúng tôi tự nhận mình vẫn còn là người may mắn khi đã tìm lại được chút ít dấu vết, một vài nhân chứng, vật chứng để tin rằng tuyến đường ống xăng dầu là có thật. Thế nhưng, liệu 20, 50 hay 100 năm nữa, lớp trẻ sẽ tìm thấy được gì khi tất cả đã thành tro bụi của thời gian, tất cả chỉ còn được tưởng tượng qua lời kể, qua hình vẽ trên bản đồ?
Trước khi tất cả chưa trở thành quá muộn, chúng tôi tha thiết mong những cơ quan có chức năng cần đánh dấu địa điểm, dựng cột mốc giới thiệu những địa danh mà đường ống xăng dầu đã đi qua. Mặt khác, cần phục dựng lại những đoạn tiêu biểu nhất trên toàn tuyến, bao gồm cả đường ống trạm bơm và kho xăng, làm một chứng tích lịch sử. Để chí ít, nhân dân trong nước và cả du khách nước ngoài khi đến với Trường Sơn, tìm hiểu Trường Sơn, tham quan du lịch Trường Sơn, có thể biết được “đường Trường Sơn trong lòng đất” là gì?
Bài 10: Theo dấu Trường Sơn Tây | |||
Năm 1961, nhằm phá thế “độc tuyến” phía Đông Trường Sơn, Đoàn 559 nhận nhiệm vụ “lật cánh” sang phía Tây, qua biên giới nước bạn Lào, mở thêm một tuyến đường chi viện mới cho chiến trường. Đường Trường Sơn Tây - trong những năm giặc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá ác liệt (1965 - 1973) - ngày càng phát triển mở rộng, với nhiều loại đường khác nhau, trở thành tuyến đường vận chuyển trọng yếu nhất.
Đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình có 2 nhánh – Đông và Tây, và người ta cũng gọi nhánh Tây ấy là đường Trường Sơn Tây.
Theo tài liệu của Đoàn 559, đường Trường Sơn Tây xuất phát từ Quảng Bình, theo Đường 12A hoặc Đường 20 qua Lào và đi dọc chiều dài biên giới đến ngã ba Đông Dương (Kon Tum), hoặc qua Ratana Kiri của Campuchia.
Không thể có đường trở lại những trọng điểm ác liệt như đèo Mụ Giạ, Cổng Trời hay A-T-P…, chúng tôi đành chọn Đường 9 – qua cửa khẩu Lao Bảo – để vào đất Lào. Đi dọc chiều dài các tỉnh Savanakhet, Khăm Muộn, Salavan, Champasak, Xê Kông, Atôpư và sang đến Ratana Kiri của Campuchia, chúng tôi mong muốn tìm lại chút gì gọi là dấu tích con đường và hệ thống hậu cần phục vụ tuyến Trường Sơn Tây thời ấy.
Ở Xêpôn – bản Đông, nơi đã nổi danh với chiến thắng lịch sử Đường 9 - Nam Lào mùa xuân năm 1971, Hêa Xay - cán bộ kiểm lâm tỉnh Savanakhet - đưa chúng tôi đi theo Đường 9 về phía biên giới Việt Nam.
Qua khỏi cầu Pa Xo Quan thuộc bản Tha Long, gặp một con đường mòn bên trái, anh bảo, đây chính là đoạn đường Trường Sơn Tây từ Lệ Thủy (Quảng Bình, Việt Nam) qua. Hêa Xay nói: Từ đây (đầu Đường 9) đến biên giới khoảng 70km, phải qua 7 chiếc ngầm. Kiểm lâm Lào vẫn thường đi tuần rừng theo đường này nhưng hiện tại chỉ đi được khoảng 40km, còn lại thì lâu ngày mưa lũ xói lở, bị cây rừng gãy đổ che kín, không đi được…
Tại bản Đông cũng có con đường chỉ rải nhựa chừng 100m, có nhà cửa dân ở hai bên, vào sâu hơn là đường cấp phối hoang vắng. Hêa Xay và Đăm – người phiên dịch tự nguyện cho chúng tôi - đều nói đó cũng là đường Trường Sơn Tây, có thể theo đi tới tận cao nguyên Bôlôven, Atôpư rồi sang biên giới Việt Nam hoặc Campuchia. Nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi theo tuyến đường này xuống Hạ Lào thay vì đi Quốc lộ 18 thì cả hai đều bảo “không đi được. Cây rừng bít hết lối đi rồi”…
Ở Salavan, Champasak, Atôpư – những địa danh mà chúng tôi đi qua - hỏi thăm tìm dấu tích đường Trường Sơn, cũng chỉ nhận được những cái… lắc đầu. Có một vài người lớn tuổi nhớ mang máng về một con đường bộ đội Việt Nam hồi xưa với những binh trạm, trạm xá, trạm giao liên… Nhưng khi chúng tôi ngỏ ý nhờ dẫn đường tìm lại những dấu tích đó thì ai cũng bảo “làm gì còn” hoặc “đường rừng, mấy chục cây số, không vô được!”…
Không có bàn tay chăm sóc của con người, hệ thống giao thông lịch sử ấy đã hoang phế; chỉ có một số đoạn thành đường mòn cho người dân địa phương vô rừng kiếm sống...
Tại bản Noọng My Xay, huyện La Man, tỉnh Xê Kông (Nam Lào), chúng tôi tình cờ gặp một “nhân chứng lịch sử” - ông Bơ Nhơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Xê Kông.
Ngoài 80 tuổi, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông kể: Khoảng năm 1962, theo chỉ đạo từ Đảng Nhân dân cách mạng Lào, ông đã vận động bà con Lào Thơng, Lào Lum… (các bộ tộc Lào - PV) chặt cây, đào đất, đá để mở ra con đường gùi thồ. Sau đó, bà con lại tiếp tục khai phá mở rộng thành đường xe vận tải. Ông gọi đó là “con đường của Bác”...
Ông cùng con rể nhiệt tình đưa chúng tôi đi theo đường 18B về phía Nam khoảng 1 km thì quẹo trái theo đường Tha Bạc qua sông Xê Kông đi tìm “con đường của Bác”. Xuống phà qua bên kia sông, ông Bơ Nhơn bảo: “Đường Trường Sơn Tây kéo dài từ Tà Ôi (Salavan) ngang K’Lưng rồi rẽ vào Đắc Chưng (Xê Kông) do Binh trạm 38 quản lý. Trên cung đường này có các trạm giao liên đường sông và Trạm Bạc (gần nhất) cách 70 km về phía hạ lưu. Còn phía bên phải hướng lên thượng lưu là Trạm Phu Con Cho. Đó là 2 địa điểm Đoàn 559 tập kết lương thực, hàng hóa, nhiên liệu cho các chiến trường miền Nam và Campuchia.
Qua sông Xê Kông, đi một quãng, ông Bơ Nhơn chỉ cho chúng tôi một nhánh của con đường Trường Sơn Tây xuyên thẳng vào cánh rừng rậm hoang sơ. Ông bảo trong chiến tranh, con đường nhỏ bé ấy đã đưa hàng triệu lượt người, hàng ngàn tấn vũ khí - xăng dầu từ Việt Nam chi viện cho các chiến trường…
Điều thú vị là sau đó ông cho chúng tôi biết, ông là người gốc Việt, tên Lê Việt Muông, quê Hội An, Quảng Nam. Năm 1948, ông cùng với một số đồng chí, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ sang Lào làm “nghĩa vụ quốc tế”.
Ông đến Lào, tham gia bộ đội Pathet Lào, nhập quốc tịch Lào, lấy vợ người Lào và trở thành một cán bộ cao cấp của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Ông có 3 người con đều qua Việt Nam học tập và trở lại làm việc, cống hiến cho đất nước Lào…
Tuyến đường Trường Sơn Tây đang “mất tích”. Tuy nhiên điều đáng buồn hơn là không ai còn nghĩ đến đến việc lưu giữ Trường Sơn Tây như một chứng tích. Có 1001 lý do để chối bỏ trách nhiệm. Nước Lào xa xôi quá! Vốn đầu tư lớn quá! Mà đầu tư làm gì khi… không có giá trị sử dụng! Trước khi vào cuộc tìm kiếm chứng tích Trường Sơn Tây, chúng tôi tìm tài liệu trên mạng và rất tiếc, những thông tin từ các mạng chính thức như của Chính phủ, quân đội… lại rất khiêm tốn.
Nên chăng, nhân kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn và Binh đoàn Trường Sơn, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT có thể tổ chức những cuộc hội thảo hiến kế phục hồi di tích Trường Sơn, trong đó có tuyến Trường Sơn Tây trên đất nước bạn Lào? Làm sao để các thế hệ mai sau hình dung được Trường Sơn Tây không chỉ là một con đường. Đó là căn cứ địa liên hoàn với các binh trạm, hệ thống kho tàng, công binh, trạm giao liên, bệnh viện, trạm xá… tồn tại bên cạnh tuyến đường.
Hàng chục vạn người đã sống và chiến đấu như vậy nhiều năm liền để phục vụ, bảo đảm cho hàng triệu tấn hàng hóa và vũ khí đến kịp mặt trận, cả triệu lượt bộ đội hành quân vào chiến trường và trở về hậu phương. Và đã có rất nhiều hy sinh mất mát để tuyến đường này luôn thông suốt. Do vậy, cùng với việc phục dựng di tích, cũng cần tính đến việc xây dựng các đền đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Tây ngay trên đất Lào.
Mai này, khi việc qua lại biên giới không còn trạm kiểm soát (như một số nước châu Âu hiện nay), đừng để các thế hệ công dân Việt Nam muốn đến tham quan, tìm hiểu Trường Sơn Tây và thắp một nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống cho Trường Sơn trở thành huyền thoại, lại chỉ biết đến… Quảng Bình?!
Bài 11: “Đông - Tây hội ngộ” – Lẽ nào chỉ có vậy?
Nguyễn Đức - Hoài Nam - Minh Anh
|
Bài 11: “Đông - Tây hội ngộ” - Lẽ nào chỉ có vậy? | ||
Trong những tài liệu về đường Trường Sơn cũng như hồi ức của các cựu chiến binh Trường Sơn, Kon Tum không chỉ là nơi hội tụ của hai hệ thống đường ống xăng dầu Đông và Tây Trường Sơn (tại Plây Khốc) như chúng tôi đã nêu trong bài trước. Kon Tum còn là nơi gặp gỡ của hai tuyến đường vận tải Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Nhờ sự chỉ dẫn của Biên phòng tỉnh Kon Tum, chúng tôi đến và chụp hình được một tấm bia đề “Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” tại một bãi tập kết gỗ, nghe nói trước đây vốn là sân bay Bến Hét, thuộc xã Sa Loong huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum…
Nơi hội ngộ của hai tuyến đường huyền thoại lẽ nào chỉ có vậy?
Tấm bia ở Bến Hét còn ghi “128a+128h”, và phía dưới có dòng chữ “Plây Cần” nhỏ và mờ hơn, khiến chúng tôi không thể không đặt dấu hỏi: Đông-Tây hội ngộ thực chất ở đâu? Khu vực Bến Hét nằm hoàn toàn phía Việt Nam, là vùng tự do oanh kích và rải chất độc hóa học của Mỹ nên rừng núi trơ trụi, mặt đất thì hố bom, hố đạn chi chít, đường Trường Sơn Đông và Tây làm sao và vào thời kỳ nào có thể hội ngộ được ở cái điểm trống hơ trống hoác, bất kỳ lúc nào cũng có thể trở thành tọa độ chết của máy bay và pháo kích, chưa nói đến binh lính đồn trú trong khu vực? Hơn nữa, tại sao điểm “hội ngộ” lại là một sân bay dã chiến?
Được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, chúng tôi vào Đồn biên phòng Sa Looong, theo thông tin ban đầu là nơi “nhặt được nhiều hiện vật của bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ”. Từ thị trấn huyện Ngọc Hồi, theo đường 14C vào xã Sa Loong rồi bắt vào con đường tuần tra biên giới lổn nhổn đá củ đậu, xe biên phòng đưa chúng tôi vào đồn Sa Loong.
Từ đồn biên biên phòng qua đến biên giới chỉ mấy trăm mét. So với những đồn biên phòng chúng tôi đã ghé ở Đắc Nông, Gia Lai thì đồn Sa Loong của Kon Tum ở vào địa thế khắc nghiệt hơn. Đất đai thì rộng nhưng cây cỏ trong vùng quá cằn cỗi. Hỏi ra mới biết, đây là vùng bị ảnh hưởng bởi bom đạn và chất độc hóa học nặng nề nhất trong chiến tranh.
Những người lính biên phòng kể lại, hồi mới đến lập đồn, cây cỏ xung quanh xơ xác, phải mấy năm trời trồng cây, chăm sóc tưới tắm mới được như bây giờ. Thỉnh thoảng anh em đi tuần vẫn gặp những thùng phuy đựng loại bột màu vàng mà đứng gần là cay mắt, khó thở. Có con suối ở gần đơn vị, nước trong vắt nhưng không có con cá nào, lính đi tuần lội qua hoặc rửa tay chân lần nào là y như rằng mấy hôm sau da ửng đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu… Hơn 30 năm sau chiến tranh mà còn vậy, làm sao hồi đó bộ đội giải phóng có thể lập căn cứ?
Chúng tôi hỏi những người lính biên phòng về những dấu tích đường Trường Sơn hay bộ đội thời chống Mỹ còn sót lại. Chắp nối qua lời kể của nhiều người, qua nhiều thời kỳ, có thể hình dung: Ở vị trí ngã ba biên giới này, sau ngày hòa bình, bộ đội biên phòng ta và bạn đi tuần thường bắt gặp những căn cứ, kho tàng, bệnh viện vì có cả những dụng cụ y tế bỏ lại; thậm chí cả nghĩa địa… ngay trên đất bạn.
Hầu hết căn cứ đều là nhà gỗ lợp lá nên chỉ mấy năm là mục, đồ đạc cũng không có gì ngoài những thứ phế phẩm mà người sử dụng cố tình bỏ lại. Vật dụng đáng giá nhất có thể tái sử dụng được là đường ống xăng dầu. Dân biên giới thì tháo về bán phế liệu, Bộ đội biên phòng Sa Loong, Bờ Y cũng tranh thủ lấy về làm ống dẫn nước và cột căng lưới bóng chuyền…
Chúng tôi ngỏ ý muốn được đến những nơi “còn sót lại” như mô tả nhưng những người lính đồn nói là… đi không được. “Từ đồn đến đó chỉ mấy cây số đường rừng, vào mùa khô, xe U Oát may ra có thể đi được vài đoạn. Mùa mưa này thì chịu. Hơn nữa, muốn đi phải liên hệ trước với biên phòng bạn”.
Thông tin chưa đầy đủ. Chúng tôi muốn tìm những nhân chứng của thời đánh Mỹ để hỏi thêm. Phó Chủ nhiệm chính trị bộ đội Biên phòng Kon Tum, Thượng tá Nguyễn Văn Tưởng - người bạn đồng hành của chúng tôi trong chặng tìm kiếm - vốn là sĩ quan trinh sát biên phòng vùng này mười mấy năm trước. Như chợt nhớ ra điều gì, anh trao đổi với đồn trưởng rồi đưa chúng tôi vào làng Đắc Vang (xã Sa Loong) để gặp… già làng.
“Ông già này hay lắm: Là bộ đội chiến đấu ở vùng này từ trước giải phóng, về hưu với cấp thiếu tá. Từ khi về hưu, ông vẫn tham gia công tác Đảng và chính quyền địa phương, mới nghỉ hẳn vài năm nay. Bây giờ ở thôn Đắc Vang, ông là người… số 1” – Thượng tá Tưởng giới thiệu với chúng tôi như vậy. Quả thực, già làng Thao Bun Thon là “số 1” đối với cả bộ đội biên phòng và chúng tôi. Ông là người địa phương “gốc”, người dân tộc Ca Dong, tham gia bộ đội đánh Mỹ ngay từ những năm 16-17 tuổi nên những thông tin về chiến trường, chiến tranh, về địa bàn và bộ đội ta… cứ ngồn ngộn.
Ông kể: “Hồi đó, ở vùng này, máy bay chúng nó ném bom, rải chất độc hóa học “tự do”. Pháo từ các căn cứ quân sự trong vùng cũng “kích” tự do. Bộ đội ta trú quân bên đất Campuchia và Lào, nhiều nhất là ở khu vực Ngã ba 88 trên đất Campuchia. Trên đó có trạm giao liên T6, nhiều nhà kho và có cả một bệnh viện. Bộ đội miền Bắc hành quân theo đường Trường Sơn qua Lào, tập kết ở đó trước khi về chiến trường Tây Nguyên hoặc đi tiếp. Đơn vị này đến vài ngày rồi đi, sau đó đơn vị khác lại đến...”.
Từ đây đến đó bao xa? – Tụi mình đi bộ mất 2 ngày. – Có đường đi vào đó không? - Có chớ! Xe tải đi được. Nhưng lâu ngày không đi, cây cối đổ che lấp hết rồi, bây giờ chắc không đi được nữa… - Hồi đó, ở khu vực này có bộ đội đóng quân không? – Chỉ có đi lại trinh sát thôi, không ở được đâu. - Vậy dân bản ở đâu? - Cũng ở trong rừng, sát biên giới. Sau giải phóng mới chuyển về đây…
Già làng Thao Bun Thon không khẳng định được căn cứ Ngã ba 88 có phải là điểm gặp nhau của hai tuyến đường Trường Sơn Đông và Tây hay không, bởi lúc ấy, ông cũng chỉ là lính. Nhưng ông biết chắc, ở căn cứ Ngã ba 88, bộ đội “đông như hội”. Đó chính là điểm cuối của đường Trường Sơn Tây trên đất Lào và là điểm đầu tiên trên đất Campuchia… Ở Trạm kiểm soát Biên phòng 18 (ngay ngã ba Đông Dương, giáp Lào), Trung tá Nguyễn Văn Yên, Đồn phó Đồn Biên phòng Bờ Y, cũng cho biết: “Năm 1984, khi đồn mới thành lập, điều kiện sống của anh em ngày ấy rất khó khăn, thiếu thốn. Bởi thế chúng tôi thường theo dân bản địa vào các kho hàng thuộc Trạm T6 bỏ lại để lấy các vật dụng cũ của Đoàn 559 về sử dụng. Muốn qua Trạm T6, chúng tôi phải đi tắt qua đất Lào, đường gần và dễ đi hơn…”. Như vậy thông tin của già làng, thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam Thao Bun Thon - rằng có một căn cứ tập kết của bộ đội Trường Sơn trong khu vực nhưng ở trên đất bạn Campuchia - càng được kiểm chứng.
Thực ra, để xác định chính xác điểm gặp của hai tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn - căn cứ tập kết của đường giao liên Trường Sơn trước khi vào chiến trường Tây Nguyên, hoàn toàn không phải là việc quá sức. Những cựu chiến binh, nhân chứng sống của Trường Sơn cũng như những cán bộ chủ chốt của địa phương thời kỳ đánh Mỹ vẫn còn đó. Tài liệu về việc tổ chức các binh trạm chắc chắn còn lưu giữ ít nhiều. Nhưng việc đặt bia kỷ niệm “Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” tại vị trí sân bay Bến Hét thuộc xã Sa Loong huyện Ngọc Hồi chắc chắn là thiếu cơ sở, chưa nói đến sự nhếch nhác, hoang phế của cái gọi là “bia di tích”.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Binh đoàn Trường Sơn và đường Trường Sơn huyền thoại, chúng tôi mong muốn di tích điểm hội ngộ giữa hai tuyến đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây phải được chọn đặt lại đúng vị trí và được đầu tư phục dựng đúng tầm vóc, cho dù địa điểm đó ở sát biên giới hay ngay trên đất Lào hoặc Campuchia.
Tỉnh Kon Tum đang triển khai xây dựng Khu kinh tế Bờ Y với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD ngay gần cửa khẩu Bờ Y. Khoảng cách từ khu kinh tế Bờ Y đến căn cứ tập kết Ngã ba 88 trên đất Campuchia cũng chưa đầy 20 km. Do vậy, nếu di tích lịch sử “Đông-Tây hội ngộ” được đầu tư phục dựng sẽ tạo thành “điểm nhấn” cho du khách đến Kon Tum, khu kinh tế Bờ Y và qua cửa khẩu Bờ Y sang nước bạn Campuchia hoặc Lào…
Đứng ở Đồn Biên phòng Sa Loong, chúng tôi miên man nghĩ về viễn cảnh vùng kinh tế biên giới phát triển cùng với khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y. Những núi đồi trọc bởi hóa chất khai quang sẽ được phủ cây xanh và ngói đỏ. Những di tích lịch sử Trường Sơn “Đông-Tây hội ngộ” được phục dựng hoành tráng lúc nào cũng nườm nượp du khách… Đồng bào Ka Dong, Stiêng, Khmer… lúc ấy, sẽ bảo nhau rằng “nhờ có đường Trường Sơn, nhờ có đường của Bác…” |
Bài 12: Dòng Pô Cô chảy mãi... | ||||
Trung tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 721, cho biết: “Trong những chuyến phối hợp tuần tra với Đồn Biên phòng 623 của Campuchia, hai bên đã gặp và xác định đúng là có con đường mòn và trạm dừng chân của bộ đội Trường Sơn ngay vị trí giáp ranh giữa cột mốc 271 (đất Campuchia) và 272 (đất Việt Nam), cạnh suối Đôi chảy ra sông Pô Cô. Chúng tôi xác định như vậy là bởi lẽ do khi tìm ra con đường, vẫn thấy xích xe tăng, ống dẫn xăng dầu, bếp ăn và cả khung nhà có thể là của trạm giao liên nào đó thuộc Đoàn 559”.
Chúng tôi đi theo con đường 14C dọc sông Pô Cô đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh để vào đất Campuchia. Từ đây đến địa danh Làng Nú chỉ mươi kilômét và hai bến đò nhỏ bắc ngang sông Pô Cô thuộc làng vẫn còn đó. Từ bên này sông Pô Cô (địa phận Ia Khai, tỉnh Gia Lai) nhìn sang bờ bên kia, vẫn thấy rõ “Dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm…” (lời một bài hát). Nhưng người lái đò trên sông Pô Cô tên A Sanh thì không còn nữa…
Bên bờ sông, chúng tôi nhớ lời căn dặn của Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 - rằng: “Báo SGGP phải đặc biệt lưu ý chi tiết bộ đội Trường Sơn đưa Quốc trưởng Xihanuc và vợ là bà hoàng Monique về thăm lại vùng giải phóng Campuchia vì chi tiết này chứng tỏ tình đoàn kết giữa cách mạng 3 nước Việt-Lào-Campuchia. Nó còn cho thấy cách sống nhân nghĩa, có hậu của bộ đội Trường Sơn, của cách mạng Việt Nam…”.
Chúng tôi tìm đường vào Campuchia theo một lộ trình không có trong dự kiến của hành trình “trở lại Trường Sơn huyền thoại” để tìm dấu vết đường Trường Sơn Tây từ Lào vào Campuchia – tuyến đường bộ đội Trường Sơn đã từng bảo vệ Quốc trưởng Xihanuc và bà hoàng Monique về thăm lại tổ quốc sau cuộc đảo chính của Lon Non do Mỹ giật dây…
Theo tư liệu lịch sử của Đoàn 559, trước tháng 3-1970, một số lượng hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đều được đưa từ miền Bắc vào bằng “đường Hồ Chí Minh trên biển”, sau đó cập cảng Xihanuc Vin. Tuy nhiên sau khi Mỹ và Lon Non đảo chính lật đổ chính quyền Xihanuc, con đường chi viện trên bị cắt đứt. Trường Sơn gánh vai trò là đường vận chuyển chủ yếu. Đường Trường Sơn Tây được kéo dài từ Hạ Lào qua một số tỉnh Đông Bắc Campuchia như Ratana Kiri, Mundu Kiri, Stung Treng, Krachiê… vừa được giải phóng để vào Lộc Ninh. Và Quốc trưởng Xihanuc, với sự bảo vệ của Đoàn 559, đã trở về tổ quốc trên vùng giải phóng ấy.
Nhìn trên bản đồ “Hệ thống đường chiến lược Trường Sơn 1959-1975” mới phát hành tháng 5-2009 và có cả chữ ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng tôi mới biết mình đã đi trên một đoạn đường Trường Sơn Tây dọc theo sông Pô Cô rồi qua huyện Ô Ya Đao, tỉnh Ratana Kiri… Có thể đây cũng là con đường năm xưa Quốc trưởng Xihanuc đã từng “hành quân”.
Cũng trên con đường này, theo anh Đinh Đy, một cựu chiến binh đang sinh sống ngay quốc lộ 78, từ năm 2000-2005, các đội tìm kiếm liệt sĩ của Tỉnh đội Gia Lai, Tỉnh đội Kon Tum đã tìm được trên 100 hài cốt liệt sĩ bộ đội Việt Nam. Cũng ngay tại khuôn viên nhà mình, Đinh Đy còn đào được đạn B40, đạn cối 60 ly, bình toong nước, dép râu của bộ đội Trường Sơn…
Chúng tôi tiếp tục đi dọc sông Pô Cô trên đất Campuchia. Hoa dã quỳ đã nở vàng cả sườn Tây của Trường Sơn, đẹp dịu dàng và lung linh trong cái nắng chiều xuyên qua tán rừng khộp.
Vùng đất lịch sử này chỉ cách biên giới Việt Nam 10km, cách trung tâm tỉnh Ratana Kiri (Bản Lang) chỉ 74km. Ấy vậy mà bao nhiêu năm trời, nơi đây không chỉ có tuyến đường mà còn là căn cứ an toàn của bộ đội Trường Sơn.
Trong đoàn PV Báo SGGP có một cựu chiến binh đã từng hành quân vào chiến trường B2 theo tuyến Trường Sơn Tây. Anh chỉ trên bản đồ con đường gần 40 năm trước đã đi qua - vượt sông Khon Pha Phênh (giáp ranh Lào - Campuchia) vào Ratana Kiri, Mundu Kiri, Stung Treng, Krachiê, trước khi vào chiến trường B2… Cảnh vật sau mấy mươi năm đã thay đổi, nhiều cánh rừng đã thành ruộng rẫy nhưng những bà con đồng bào Khmer từng sát cánh cùng bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ thì vẫn nhớ. Già làng Seo Gờ ở phum Pó Lớn thuộc xã Pó Nhầy, huyện Ô Ya Đao, là một người như vậy.
Trung úy Hoàng Văn Sỹ, người được Đồn Biên phòng 721 giao nhiệm vụ phiên dịch khi chúng tôi “xuất cảnh”, đưa chúng tôi vào một căn nhà sàn bằng gỗ nằm giữa cụm dân cư phum Pó Lớn. Leo lên mấy bậc thang bằng gỗ quý nhìn ra sau nhà, chúng tôi thấy phía ấy chi chít hố bom. Trung úy Sỹ sau khi trao đổi với Seo Gờ, phiên dịch rằng: “Ông Seo Gờ năm nay 65 tuổi và hồi thập niên 70, ông là trưởng phum Pó Lớn. Vị trí đóng quân của bộ đội ở trong rừng, cách Pó Lớn chừng 1km về phía Đông. Hồi đó bộ đội giải phóng ra vẫn thường vô phum, ghé nhà bà con, thỉnh thoảng còn giúp bà con lương thực, dọn vệ sinh trong phum sóc”.
Seo Gờ còn cho biết: “Có một bệnh viện của bộ đội Trường Sơn ở Lâm Cho, cách Pó Lớn chừng 2 ngày đi bộ…”.
Để xác định chính xác hơn nữa vị trí đóng quân của bộ đội Trường Sơn tại Ô Ya Đao (Ratana Kiri), chúng tôi đối chiếu thông tin từ ký ức của già làng Pó Lớn Seo Gờ với thông tin hiện tại của Trung tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 721.
Trung tá Thành cho biết: “Năm 1984, trong một chuyến phối hợp tuần tra giữa Đồn Biên phòng 721 của ta với Đồn Biên phòng 623 của Campuchia, hai bên đã gặp con đường mòn và trạm dừng chân của bộ đội Trường Sơn ngay vị trí giáp ranh giữa cột mốc 271 (đất Campuchia) và cột mốc 272 (đất Việt Nam), cạnh dòng suối Đôi chảy ra sông Pô Cô. Sở dĩ chúng tôi xác định như vậy là do khi tìm ra con đường, vẫn thấy xích xe tăng, ống dẫn xăng dầu, bếp ăn và cả khung sườn có thể là của trạm giao liên nào đó thuộc Đoàn 559”.
Cũng như sông Pô Cô chảy ngược sang Campuchia trước khi hòa vào sông Mê Công rồi đổ vào Việt Nam, con đường Trường Sơn Tây cũng phát xuất trên đất Việt, vòng sang Lào, Campuchia rồi mới trở lại Nam bộ. Tại Ô Ya Đao, chúng tôi đã tìm ra dấu tích của con đường, có cả vị trí của một trạm giao liên bên dòng Pô Cô…
Đường 19 (phía Việt Nam) hay đường 78 (phía Campuchia) rồi đây sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Quãng đường từ thị trấn Đức Cơ đến thị xã Bản Lang, Ratana Kiri, Campuchia sẽ được kéo gần lại, sẽ trở thành một cung đường du lịch nếu ngay bên dòng sông Pô Cô có đài bia tưởng niệm người lái đò hay những chiến sĩ bộ đội vượt sông Pô Cô về giải phóng miền Nam.
Trên tuyến đường Trường Sơn Tây sát biên giới này, đã có nhiều người ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất bạn. Công tác quy tập liệt sĩ vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên, cũng rất cần có một nghĩa trang tưởng niệm để người dân 3 nước Việt – Lào - Campuchia, khi có dịp trở lại đường Trường Sơn, còn có nơi để thắp môt nén nhang thay lời tạ ơn đối với những liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho thắng lợi chung của dân tộc!
Chỉ một ngày làm việc bên dòng sông Pô Cô ở cả đất Việt Nam và đất Campuchia, chúng tôi đã tìm được vị trí của một đoạn đường Trường Sơn Tây, một trạm giao liên của Đoàn 559 trên đất Campuchia. Không biết trong số hàng triệu con người từng đi B đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, có ai đã trở lại thăm tuyến đường hành quân xưa trên đất nước Chùa Tháp? Nhưng nhìn tâm trạng của người cựu chiến binh trong đoàn, chúng tôi biết anh đang rất xúc động. Không một địa chỉ, hình hài cụ thể, nhưng cái cảm giác tình cờ, bất chợt, không hẹn mà gặp “người xưa cảnh cũ”… thể hiện trong anh rất rõ. Những người lính luôn nặng tình. Và quyết định “xé rào” sang đất Campuchia trong chuyến đi của chúng tôi là một quyết định… không uổng phí!
Dãy Trường Sơn – mái nhà Đông Dương vẫn uy nghi, dòng sông Pô Cô vẫn chảy mãi. Nhưng lịch sử tuyến đường Trường Sơn đánh Mỹ nếu không được viết lại đầy đủ hơn; những di tích, dấu tích lịch sử trên tuyến đường không sớm được phục dựng đúng tầm vóc, thì “Trường Sơn huyền thoại” sẽ chỉ còn lại… Trường Sơn!
Bài 13: Ở đoạn cuối Trường Sơn
|
Ai cũng biết điểm đầu tiên mà Tiểu đoàn 301 - Đoàn 559 xuất phát thuở sơ khai bắt đầu từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Tuy nhiên điểm mốc cuối cùng của con đường huyền thoại hiện ở đâu - Lộc Ninh, Bù Gia Mập (Bình Phước); Đắc Búc So, Bu Prăng (Đắc Nông) - thì đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng. Qua lời kể của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (nguyên Đoàn trưởng Đoàn B90), đơn vị đầu tiên được Quân ủy Trung ương cử vào Nam theo tuyến đường huyền thoại để bắt liên lạc với lực lượng võ trang cách mạng các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ, chúng tôi đi tìm...
- Nơi giao liên hai miền gặp nhau
Qua khỏi đèo B40 (thôn 3, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), con đường đất dốc nhỏ hẹp và trơn trượt, xe hơi không thể đi, chúng tôi đành mang nhang, đèn, máy ảnh… đi bộ 4km, luồn sâu trong một bản của đồng bào dân tộc Châu Mạ. Ngay đầu bản, chúng tôi phát hiện ra bóng cây kơnia mà trước khi đi, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm đã hướng dẫn. Tuy nhiên, cây kơnia đã chết đứng bởi thân đã bị cưa mất 1/3 và gốc thì bị đốt cháy nham nhở.
Vào sâu thêm 50m là rẫy cà phê của đồng bào, chúng tôi phát hiện tấm bia bằng đá hoa cương có biểu tượng hai bàn tay bắt chặt nhau, nội dung trên đó ghi: “16 giờ ngày 30-10-1960 - Tại đây: giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Phải nói rằng, nếu không có sự hướng dẫn nhiệt tình của UBND huyện Bảo Lâm và Công ty cổ phần Cao su Bảo Lâm thì dù có sự hướng dẫn trước, chúng tôi cũng không thể nào vào được di tích này.
Chào cột mốc giáp ranh giữa Đắc Nông và Mudul Kiri ở đoạn cuối đường Trường Sơn. Ảnh: M.A.
|
Trước khi đi, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm có căn dặn: “Vào đấy rừng thiêng nước độc, phải thắp nhang cho anh linh các liệt sĩ. Đã có biết bao máu xương của bộ đội đổ xuống Trường Sơn để nối thông hành lang này”. Thế nhưng dấu tích mà tướng Ấm kể, nay đã không còn.
Ngay cả những cánh rừng già bạt ngàn xếp thành từng tầng, từng lớp như mái nhà che bóng những đoàn quân ra vào Bắc-Nam năm xưa, cũng bị xóa sạch. Chỉ có những rẫy cà phê, rẫy điều mới trồng được mấy năm. Phía ngoài, nhiều vạt rừng bị đốt cháy nham nhở, cây cối đổ rạp che lấp con đường nhỏ dẫn vào điểm di tích…
Rời bia tưởng niệm mà trong trí nhớ của tướng Ấm là “vị trí nằm giữa rừng nguyên sinh”, chúng tôi mang theo hình ảnh những cánh rừng bị đốn hạ để dành đất phát triển cao su. Tuy nhiên, một Trường Sơn nếu không còn rừng sẽ không là một Trường Sơn huyền thoại “rừng che bộ đội - rừng vây quân thù” nữa. Và trước mắt chúng tôi hình ảnh tấm bia di tích nối thông hành lang Nam-Bắc của tuyến Trường Sơn, đang lọt thỏm giữa rẫy cà phê. Còn trong máy ảnh chúng tôi là một gốc cây kơnia trơ trọi, bị cưa gần 1/3 gốc, đã chết đứng! Và chúng tôi hiểu rằng vị trí này, còn lâu lắm mới xuất hiện trên bản đồ “Hệ thống đường chiến lược Trường Sơn”…
- Ở Đắc Búc So
Rời Lộc Bảo trong buổi trưa mát dịu, chúng tôi men theo tuyến đường mới mở dọc thượng nguồn sông Đồng Nai để đến xã Đắc Búc So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông). Trong cơn mưa chiều biên giới, giữa bạt ngàn rừng thẳm, để khỏi đi nhầm sang đất Campuchia, chúng tôi phải nhờ Đồn biên phòng Tuy Đức hỗ trợ.
Đại uý Quảng Văn Tuyển, Đồn phó, đưa chúng tôi ra Bia tưởng niệm Tù trưởng N’Trang Lơn nằm sát vách đồn. Cuối năm 1911, N’Trang Lơn kêu gọi dân làng nổi dậy chống lại cuộc hành quân của Pháp do Henri Maitre chỉ huy và nghi binh tiêu diệt Henri Maitre. Cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơn đã thu được nhiều thành công. Tuy nhiên từ năm 1933-1935, quân Pháp đã tổ chức phản công. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu...
Và cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chúng tôi phát hiện ra một di tích còn khá nguyên vẹn của Đoàn 559 ở cách nơi tưởng niệm tù trưởng N’Trang Lơn chỉ 11,5km. Hỏi thăm Trung tá Bùi Văn Lợi, Chính ủy Đồn Biên phòng Đắc Đang (đơn vị quản lý, sử dụng di tích nêu trên), chúng tôi được biết di tích có tên là Trương Tấn Bửu, vốn là nơi đóng quân của bộ đội Đoàn 559. Hỏi vì sao lại mang tên như thế thì không ai biết ý nghĩa của nó.
Trung tá Lợi chỉ nắm rõ là xã Quảng Trực, nơi đồn trú đóng, có 12 bon (buôn) và 6.300 người, trong đó 70% là đồng bào M’Nông, hậu duệ của tù trưởng N’Trang Lơn. Như vậy đồng bào M’Nông đã sát cánh cùng bộ đội Viêt Minh mà ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để đánh đuổi thực dân.
Rừng biên giới sụp tối quá nhanh. Đi dọc theo con đường tuần tra biên phòng cách đất Mudul Kiri (Campuchia) vài mét, chúng tôi dùng đèn pin để dò tìm dấu tích xưa. Tấm bia quá mờ và nhạt nhòa trước gió mưa và thời gian nhưng cũng hiện rõ dòng chữ: “Bu Prăng. Nhánh đường Hồ Chí Minh Bu Prăng-Lộc Ninh (1974) / Khu vực tập kết lực lượng từ miền Bắc vào (1965-1975) / Cụm kho Dự trữ chiến lược cho B2”.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lần tìm và phát hiện thêm một bia bê tông ngay ngã ba đường 14C. Trên bia có ghi dòng chữ: “Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh. Đông Trường Sơn đi Lộc Ninh-Chơn Thành”. Bên phải của tấm bia là lối đi vốn là đường xe vận tải, đã bị hoang phế. Không có điều kiện đến Lộc Ninh, vả lại nghe bảo rằng “cũng chỉ có mấy tấm bia cũ nát thôi”, chúng tôi đành chụp ảnh lưu niệm và tổ chức chào cột mốc cùng với lực lượng biên phòng!
- Chỉ còn thế thôi sao?
Theo lịch sử Đoàn 559, giai đoạn 1973-1975, đoạn cuối của đường Trường Sơn nơi chúng tôi đang lưu lại, nay là đường 14C, đã được nâng cấp rải sỏi và đá vôi, rộng hai làn xe nối Tây Nguyên đến tận Tây Ninh ở phía Bắc Sài Gòn. Một tuyến ống dẫn dầu có đường kính 200mm, cũng được kéo dài tới tận Lộc Ninh - điểm tập kết cuối cùng của dòng hàng hóa, vũ khí quân dụng từ Bắc vào Nam.
Để bảo vệ cung đường huyết mạch này, bộ đội ta đã tổ chức đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Song, Đắc Sắc, tạo thành hành lang mở rộng chiến trường và phát triển lực lượng chuẩn bị điều kiện để giải phóng Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975.
Một trong những bia di tích trên đoạn cuối của đường Trường Sơn. Con đường huyền thoại chỉ được nhận dạng như thế này thôi sao?
|
Thế nhưng cho đến hiện nay, dấu tích còn lại chỉ là những tấm bia mờ mà nếu không để ý, sẽ chẳng ai nhận diện được. Ngay cả khi chúng tôi lưu lại trong đồn biên phòng suốt một ngày một đêm, cũng chẳng thấy bóng dáng một du khách nào dừng lại bên bia đá. Hỏi thêm một số gia đình di cư vào Đắc Nông, họ cũng lắc đầu chẳng biết đường Trường Sơn là ở đâu, và nơi nào là điểm cuối của con đường!
Chúng tôi đưa nhau vào đoạn đường Trường Sơn năm xưa (từ Quảng Bình sang Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia rồi rẽ vào Việt Nam) ở Km 168, ngay Cửa khẩu Bu Prăng, giáp Campuchia. Cửa khẩu vắng lạnh người được nhận diện bởi con đường đất đỏ độc đạo và rừng Nam Trường Sơn bạt ngàn.
Được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông, chúng tôi qua cửa khẩu và di chuyển đến địa phận giáp ranh giữa hai đất nước, đó là một chiếc cầu gỗ bắc ngang con suối nhỏ. Chúng tôi cùng anh em biên phòng đứng trên đất Việt Nam để… chụp ảnh lưu niệm. Đáng ra, vị trí này phải được ghi dấu đậm nét hơn trong lịch sử tuyến đường Trường Sơn
Bài cuối: Núi rừng ở lại… | ||||
Thứ sáu, 08/05/2009, 23:19 (GMT+7) | ||||
Hành trình “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” kết thúc! Thời gian có hạn, còn nhiều nơi chúng tôi chưa đến được và cả những nơi đã đến cũng chưa làm được việc gì cho tới nơi tới chốn. Do vậy, trong những bài báo đã đăng, có bạn đọc phản ứng cho rằng cột mốc số 0 của đường Trường Sơn không phải ở Tân Kỳ. Có CCB đã đi được đến trọng điểm A-T-P và cho rằng chúng tôi nói “không đi được” là không đúng. Có người còn thắc mắc tại sao chúng tôi không nói “đường Trường Sơn huyền thoại” mà lại chỉ nói “Trường Sơn”… Xin cảm ơn tất cả bạn đọc đã quan tâm theo dõi, đồng cảm và phản hồi loạt bài viết này…
Tuy nhiên chúng tôi không có tham vọng (và không thể) vẽ lại bản đồ Trường Sơn hay định vị điểm di tích lịch sử Trường Sơn. Đó là một công trình quốc gia, phải do Nhà nước chủ trì, có sự tham gia của các bộ ngành, các nhà khoa học, sử học và các tướng lĩnh CCB – những người đã quyết định việc vạch đường, mở tuyến xây dựng Trường Sơn huyền thoại – hiện còn sống. Nửa tháng đi hơn 6.000 cây số, chúng tôi đã cố gắng hết mình để ghi chép trung thực, phản ánh trung thực, nhưng chắc chắn không tránh khỏi sơ sót bởi góc nhìn chủ quan và điều kiện hạn hẹp…
1- Nếu ai đã là CCB đi Trường Sơn và ở Trường Sơn chắc đều có ý muốn được trở lại Trường Sơn một lần trong đời. Mặc dù bây giờ, đi Trường Sơn không khó, nhưng đó không phải là Trường Sơn của lính - Trường Sơn của những tuyến đường mà mình đã đi qua, những địa điểm mà mình đã sống và chiến đấu bằng những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.
Tôi đã trở lại Trường Sơn khi tuyến đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa vừa hoàn thành cơ bản – năm 2003. Lúc đó, hai bên đường vẫn còn hoang sơ hơn bây giờ, ngồi trên xe hơi ngắm cảnh thì thích thật, nhưng vẫn cứ thấy thiêu thiếu một cái gì. Lần này, chúng tôi đã ít nhiều nhận ra Trường Sơn của mình – một Trường Sơn hoang vu như thuở ấy…
Những người lính Trường Sơn, những người lính đi Trường Sơn vào chiến trường mà bình yên trở về sau cuộc chiến, đều là người may mắn. Chiến tranh, bom đạn không trừ một ai, khó khăn gian khổ không trừ một ai. Thế mà… Tôi đi Trường Sơn vào mùa mưa năm 1971. Mưa liên miên. Có ngày cả đơn vị phải dầm mưa, lội suối từ sáng tới tối. Không có chỗ khô ráo để đặt ba lô nghỉ lưng mà ăn cơm, cả đơn vị phải chống gậy ăn đứng. Nắm cơm chan nước mưa và nước mắt.
Tôi nhớ, sau cái ngày dầm mưa lội suối ấy, đến trạm nghỉ, Hùng, quê Yên Thành, Nghệ An, chiến sĩ cùng trung đội với tôi, đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn sau một cơn sốt rét ác tính và suy kiệt. Anh sốt từ mấy ngày trước, đồng đội phải chia nhau mang giùm ba lô cho anh. Thế mà… Sáng hôm sau, đơn vị tiếp tục hành quân, không kịp làm lễ đưa tiễn anh và cũng không ai biết anh nằm ở đâu, đã được đưa về quê hay vẫn còn ở lại Trường Sơn.
Trên đường hành quân, đơn vị tôi cũng đụng B52. Đó là lần đầu tiên tôi biết B52. Tiếng máy bay đang nghe ở rất xa thì tiếng bom đã nổ gần, hàng tràng dài như tiếng pháo dây… Chúng tôi tấp vào hai bên đường, dựa vào những tảng đá, gốc cây che đỡ, nghe trên đầu miểng bom bay rào rào.
Chỉ khoảng 5 phút sau, lệnh từ tiểu đoàn truyền xuống: “Địch ném bom, phía trước có thương vong, toàn đơn vị cơ động nhanh vượt đường tuyến (đường dành cho xe tải), không được dừng lại…”. Thế là chạy. Mùi đạn bom khét lẹt, mùi cây, mùi đất hăng nồng xộc vào mũi. Chạy! Có người chết, người bị thương nằm bên đường, trên mặt đường. Vẫn chạy!...
Hôm ấy, đến phiên tôi mang nồi nấu cơm. Cái xoong quân dụng to đùng trùm kín ba lô, được ràng buộc cẩn thận, vậy mà chạy một hồi nó bung ra đằng trước lúc nào không biết… Sau khi về đến bãi khách (nơi dừng chân nghỉ ngơi cho bộ đội ở trạm giao liên), mới nhận được thông tin, nếu giao liên đến sớm và cho xuất phát đúng giờ thì cả đơn vị tôi sẽ dính trọn trận B52 ấy. May rủi chỉ trong gang tấc…
2- Tôi chỉ có 3 tháng “tạm trú” Trường Sơn. So với hàng vạn đồng đội “thường trú” Trường Sơn ở những trọng điểm ác liệt nhất, trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến thì những điều tôi chứng kiến chưa thấm tháp gì. Những người lính bám trụ trên những trọng điểm của đường 20 như A-T-P, Cà Roòng… đã nhiều lần chứng kiến đồng đội tắt thở trên tay mình hay tự tay đi nhặt từng mảnh thịt da đồng đội dính vào đất đá, cỏ cây.
Những người lính xăng dầu còn chứng kiến đồng đội thành “đuốc sống” trước mặt, thấy máu đồng đội nhuộm đỏ dòng sông Bạc… mà chỉ biết nuốt nước mắt đứng nhìn. Dù có cả ngàn trang viết bây giờ cũng không thể nào diễn tả hết nỗi đau, tâm trạng của những người lính chiến trường thời ấy.
Chết là điều sợ hãi nhất trong đời con người, nhưng ở Trường Sơn, ở chiến trường, thấy đồng đội chết mà… hận mình sao không được chết thay cho bạn! Chỉ có ở Trường Sơn, ở chiến trường, câu “biến căm thù thành sức mạnh” mới là câu nói thực, không phải khẩu hiệu. Khi phải chứng kiến những đồng đội gục xuống trước mắt mình, nỗi đau và căm thù uất kết, lúc ấy, dù có phải nhảy vào lửa, lao xuống vực hay một mình đối diện với cả sư đoàn địch, người lính chúng tôi vẫn ưỡn ngực… “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”!
Trở lại Trường Sơn, những người lính còn sót lại sau cuộc chiến tranh bi hùng này, nay là CCB như tôi, không chỉ có tâm trạng muốn trở về thăm chốn cũ - cái “chốn cũ” không phải ai cũng có thể đến được - mà muốn được đến tận nơi đồng đội đã ngã xuống năm ấy, để được thắp một nén nhang tạ lỗi…
Hơn 30 năm hòa bình, mặc dù bận rộn với nhiệm vụ mới, với cuộc mưu sinh, nhưng có người lính nào mà trong lòng không canh cánh một nỗi niềm - như một món nợ - với những người đã vĩnh viễn nằm lại, cho mình được sống, cho đất nước đứng lên!
Nghĩa trang Trường Sơn có hơn 10.000 ngôi mộ. Quá nhiều so với một nghĩa trang. Nhưng còn ít so với số lượng liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sơn. Có nhiều người đã về quê. Nhưng còn rất nhiều người chưa được quy tập hoặc không thể quy tập. Thân xác họ lẫn vào đất đá, sông suối, linh hồn họ hòa cùng chim muông, cây cỏ…
Xin những ai đến Trường Sơn, sẽ đến Trường Sơn, hãy nhớ mang theo thật nhiều nhang. Hãy thắp nhang ở bất kỳ chỗ nào dừng chân, không cần chờ đến nghĩa trang, bởi có thể nơi đó đã từng có những chiến sĩ công binh, lái xe, TNXP Trường Sơn ngã xuống…
3- Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào khoảng 1 tháng, đơn vị tôi hành quân qua đường 9 đoạn Xêpôn, bản Đông vào lúc chạng vạng. Giao liên thông báo chặng đường đi qua vùng vừa xảy ra chiến sự nên phải tuyệt đối bí mật, cơ động nhanh…
Lần này đến Xêpôn, tôi muốn tìm lại con đường giao liên mình đã đi, nhưng… Gần 40 năm rồi, một lần đi qua, làm sao nhớ được! Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào hay Cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, tôi cũng chỉ biết trên tài liệu. Vậy mà đêm ngủ lại Xêpôn, tôi tỉnh giấc quãng 2 giờ sáng và không thể nào ngủ lại được vì giấc mơ đồng đội.
Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, chúng ta chiến thắng vang dội, kẻ địch đã tháo chạy thục mạng, bỏ lại rất nhiều vũ khí, trang bị và… tử sĩ. Nhưng chiến tranh đã kết thúc 34 năm, người thắng kẻ thua cũng đều là đồng bào. Liệt sĩ hay tử trận cũng đều là những linh hồn Việt.
Chính quyền nước bạn, được sự góp sức của Binh đoàn Trường Sơn, đang xây dựng Nhà truyền thống Hữu nghị Việt-Lào trên một khuôn viên khá rộng ở ngay thị trấn bản Đông. Có thể mai này, đó sẽ là nhà bảo tàng. Một công trình thiết thực, nhưng chưa đủ. Ở đó cần có tượng đài kỷ niệm, một nghĩa trang hay một nơi cho những du khách Việt có thể đến thắp hương bái vọng hương hồn liệt sĩ, binh sĩ trận vong…
4- Nếu không có dịp kỷ niệm 50 năm hình thành đường Trường Sơn và Binh đoàn Trường Sơn thì có lẽ chúng tôi không có chuyến “Trở lại Trường Sơn” để góp phần nhắc nhở, để nói lời tri ân. Một CCB Trường Sơn có bài viết gửi Báo SGGP với lời tâm sự “nếu không viết ra được là có tội với bạn bè, với đồng đội và gia đình họ…”. Chúng tôi đến Trường Sơn để được viết, được thắp những nén nhang và được khóc trước vong linh bạn bè, đồng đội như thế…
Từ nay đến 19-5, sẽ còn rất nhiều lễ hội, mít tinh kỷ niệm trọng thể trên khắp cả nước. Đây là dịp để cả nước nhớ đến và tri ân với Trường Sơn. Nhưng rồi, sau ngày 19-5 sẽ còn lại gì? Trường Sơn không chỉ là một con đường. Trường Sơn là một xã hội thời chiến sống động. Trường Sơn muôn đời sẽ là đất thiêng!
Rời Trường Sơn trên đường trở về, bất chợt nghe lời bài hát của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: “… Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi sông còn ở lại. Con tim yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người…” mà giật mình. Lẽ nào “lễ hội ra đi, núi rừng ở lại…”?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét