Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Hồ Chí Minh và Quốc dân Việt Nam năm 1946

Hồ Chí Minh và Quốc dân Việt Nam năm 1946
Báo Quân đội nhân dân

Trong cuốn sách ảnh Hồ Chí Minh – một chân dung (Ho Chi Minh a portrait), do Lê-đi Bớc-tơn (Lady Borton) biên soạn và Đa-vít Tô-mát (David Thomas) trình bày, có phần viết về nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi chưa đầy một tuổi-năm 1946. Dưới sự chèo lái sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Việt Nam đã phá thế “ngàn cân treo sợi tóc”, bồi dưỡng nhân lực, vật lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc...
Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu đối diện với cảnh nông thôn bị chiến tranh tàn phá, nạn đói. Trên cả nước còn tới 30.000 lính Pháp và 72.000 lính Nhật đóng quân. Ngay trước Cách mạng Tháng Tám, Tru-man, Sta-lin và Sớc-sin đã họp nhau để phân định lại thế giới thời hậu chiến. Các nguyên thủ này quyết định để Anh vào phần phía nam vĩ tuyến 16 của xứ Đông Dương thuộc Pháp tước vũ khí của quân Nhật, còn Trung Hoa dân quốc của Tưởng sẽ giải giáp quân Nhật ở phần bắc vĩ tuyến trên. Tới khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, quân Anh đã đổ bộ vào Sài Gòn.
Sách Hồ Chí Minh-một chân dung.
Chính vào ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, mồng 2 tháng Chín 1945, những toán đi đầu của 20 vạn quân Quốc dân Đảng đói khát đã kéo vào Hà Nội. 23 tháng Chín, chỉ ba tuần sau ngày lễ độc lập, quân Pháp được chở trên tàu chiến của Anh và Mỹ đã đổ quân vào Sài Gòn.
Bất chấp những thách thức ấy, chính quyền mới vẫn tổ chức Tết Trung thu, một cái tết cổ truyền dành riêng cho trẻ em hằng năm vào dịp trăng tròn giữa mùa thu. Các đoàn viên thanh niên đã đưa các em nhỏ tới thăm Cụ Hồ. Sau khi nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện, các em nhỏ chạy ra hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây các anh chị phụ trách thiếu nhi đã làm giả “tàu chiến của Pháp” từ những chiếc thuyền con có mái chèo. Các em nhỏ dùng “lựu đạn” bằng vỏ trái bưởi, ném túi bụi vào “bọn giặc Pháp xâm lược miền Nam” ngồi trên những “chiến hạm địch” này, buộc chúng phải vội vã tháo lui.
Cuộc trận giả này chẳng bao lâu đã trở thành trận chiến thực sự. Chỉ một tháng sau, nhiều anh chị phụ trách, từng đưa trẻ em đến nghe Hồ Chí Minh nói chuyện vào dịp Trung thu, đã gia nhập đoàn quân Việt Minh đi Nam tiến đánh giặc. Sau nữa, nhiều trong số những thiếu niên trên đã làm giao liên, hoạt động bí mật nội thành suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, mà cha mẹ họ không biết. Nhiều người dân Hà Nội, mà nay đã ở tuổi làm ông, làm bà, sẽ còn kể mãi rằng, chính cái Tết Trung thu độc lập đầu tiên ấy đã châm ngòi cho nhận thức cách mạng của họ.
Ngay hôm sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với Chính phủ Lâm thời. Người vạch rõ những thách thức mà Việt Nam đang phải đương đầu, đồng thời đề xuất các giải pháp. Nhằm diệt trừ nạn đói, mọi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, dành số gạo tích cóp được cho người nghèo. Để loại trừ nạn thất học, cần thực hiện chương trình giáo dục bình dân. Để giải quyết tình trạng đất nước không có hiến pháp, cần thành lập một ủy ban bầu cử. Để bài trừ tệ nạn nghiện rượu và thuốc phiện, cần giáo dục đức cần, kiệm, liêm, chính, và cấm hút thuốc phiện. Để chống thu thuế bất hợp lý, cần bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò. Nhằm chống chia rẽ các giáo phái, cần ban bố tự do tín ngưỡng, đoàn kết toàn dân, không phân biệt tôn giáo.
Vào thời điểm 1945, tỷ lệ người biết chữ ở Việt Nam là khoảng từ 5% đến 10%. Pháp chỉ đào tạo các viên chức hành chính người Việt phục vụ cho chế độ thực dân.
Chiến dịch diệt giặc dốt bắt đầu ngay sau đó đã phổ cập giáo trình dạy quốc ngữ được các học giả Việt Nam soạn thảo từ năm 1939, dành cho lớp người đã quá tuổi đến trường. Sáng sủa và chân chất, giáo trình này sử dụng phương pháp đánh vần giúp học viên dễ nhớ mặt chữ, kèm theo một nội dung bài học thích hợp với tâm lý người lớn. Giai đoạn thứ hai là bổ túc các kiến thức cách mạng căn bản. Đã phát động được phong trào bình dân học vụ sâu rộng khắp miền Bắc cũng như ở các vùng do Việt Minh kiểm soát ở Trung và Nam Bộ. Cán bộ địa phương đứng ở cổng chợ làng để kiểm tra, ghi danh những ai còn chưa biết đọc biết viết, rồi yêu cầu họ phải đăng ký đi học.
Một tuần sau ngày Độc lập, Bộ trưởng Bộ giáo dục Vũ Đình Hòe đã trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo quyết sách loại trừ nạn mù chữ trong vòng một năm. “Chú làm được không?” - Hồ Chủ tịch hỏi. “Đây là việc khó” - Bộ trưởng Hòe thưa, “Nhưng nếu Chính phủ quyết tâm và toàn dân đồng lòng, dốc sức thực hiện, thì mục tiêu này sẽ đạt được”.
Tiếc thay, vì Pháp dốc toàn lực nhằm chiếm lại Việt Nam, chương trình Xóa nạn mù chữ đã không thể đạt được kết quả mong đợi. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm, chỉ tính riêng ở Bắc và Trung Bộ đã có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ.
Từ cuối năm 1945, Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư cho Tổng thống Mỹ Tru-man tìm kiếm sự ủng hộ nhằm đẩy đội quân Quốc dân đảng về nước. Các lá thư đều tới đúng địa chỉ ở Oa-sinh-tơn, nhưng không được phúc đáp.
Từ tháng Chín 1945 đến tháng Ba 1946, Hồ Chí Minh chủ động đàm phán với đại diện Pháp Xanh-tơ-ni để tìm giải pháp hòa dịu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp bình dân học vụ năm 1946.
Pháp và Quốc dân đảng Trung Hoa hè nhau xâu xé Việt Nam. Hồ Chí Minh và phía Pháp đều tìm cách tống khứ quân Tưởng, nhưng Pháp chỉ muốn “thế chân quân Tàu”. Để tránh thế cô lập giữa hai kẻ thù, Hồ Chí Minh tìm cách loại Quốc dân đảng bằng cách chấp nhận Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Mồng 6 tháng Ba 1946, Hồ Chí Minh và Xanh-tơ-ni ký một bản modus vivandi (tạm ước trong khi chờ dàn xếp bất đồng), gọi là Hiệp ước về nền độc lập của Việt Nam.
Theo đó, Pháp công nhận Việt Nam là “một quốc gia tự do, có chính phủ và nghị viện, quân đội và nền tài chính riêng, là thành viên của Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp”. Hai bên nhất trí tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về thể chế của Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Việt Nam đồng ý “đón tiếp quân đội Pháp theo thể thức thân thiện…”.
Ngay sau đó, tướng Lơ-cléc và Sư đoàn thiết giáp số 2 khét tiếng thiện chiến của nước Pháp, trang bị vũ khí quân Mỹ từng dùng trong thế chiến hai, ào ạt đổ bộ lên Hải Phòng …
Để làm dịu đi những lời chỉ trích của một số thế lực đối với Hiệp định 6-3, và củng cố lòng dân, Hồ Chí Minh đã nói chuyện với nhân dân  Hà Nội từ trên bậc thềm Nhà hát thành phố. Người nói:
“Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật...
Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.
Theo lời nhà văn Pháp Giăng La-cu-tuya, Người đã được đồng bào Thủ đô “hoan nghênh nhiệt liệt.”
Tháng Năm 1946, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng sang Pháp. Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn đàm phán về các điều khoản chi tiết của bản Tạm ước mồng 6 tháng Ba. Các cuộc thương lượng chính thức tại Phông-ten-nơ-blô đã đổ bể khi Đác-giăng-li-ơ, cao ủy Đông Dương triệu tập hội nghị đơn phương định đoạt vận mệnh của xứ Nam Kỳ. Đô đốc Đác-giăng-li-ơ được Đờ Gôn bổ nhiệm từ cuối tháng Mười 1945 với nhiệm vụ giành lại quyền bính của Pháp ở Đông Dương.
Nhưng Hồ Chí Minh vẫn dàn xếp ký được với Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Ma-ri-út Mu-tê một bản Tạm ước nữa vào 14-9-1946. Theo Xanh-tơ-ni, Hồ Chí Minh tuyên bố một cách nhẫn nại: “Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Nhưng kết cục, các ông chính là kẻ kiệt sức”.
Hồ Chí Minh trở về Hà Nội, tiếp tục thương lượng với Pháp trong khi các xung đột vũ trang ngày càng thêm nghiêm trọng. Giữa tháng Mười Một, quân Pháp và quân Việt đụng độ ở Hải Phòng. Ngày 23 tháng Mười Một, viên phó cao ủy Pháp ở Sài Gòn lệnh cho quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng. Trong vụ này, quân Pháp tàn sát sáu ngàn dân thường ở Hải Phòng.
Thường vụ Trung ương, đứng đầu là Hồ Chí Minh, quyết định giành thế chủ động. Tối ngày 19-12-1946, Việt Minh đánh hỏng bốt điện trung tâm của Nhà máy điện Yên Phụ, Thủ đô và một số tỉnh lân cận chìm vào bóng tối. Hồ Chí Minh đọc trên sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam tối 19-12-1946 bản hiệu triệu nổi tiếng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Lãnh đạo Việt Minh mong muốn Thủ đô trở thành tấm gương kháng chiến cho cả nước. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh hỏi Võ Nguyên Giáp: “Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ được bao lâu”.
“Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng” - Võ Nguyên Giáp thưa.
Trên thực tế, các chiến sĩ Thủ đô đã cầm cự, giam chân địch tại Hà Nội tới hai tháng trời.
Hồ Chí Minh vẫn viết thư tranh thủ nhân dân, binh lính và chính phủ Pháp. Người ra sắc lệnh thành lập ủy ban tản cư ở mọi cấp, mọi ngành. Công nhân tháo dỡ rồi dùng xe bò, xe ngựa chở ra khỏi thành phố 40 ngàn tấn máy móc. Muối là thực phẩm thiết yếu, không thể kiếm được ở miền núi. Theo lời dạy của Hồ Chí Minh, những người nông dân đã xếp 20 ngàn tấn muối lên xe đạp thồ và quang gánh. Trên đôi chân đất, họ đã gồng gánh, gùi thồ ròng rã từ Đồng bằng sông Hồng lên vùng rẻo cao lượng muối đủ cho cuộc kháng chiến dự kiến kéo dài mười năm…
Lê-đi Bớc-tơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét