Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

VÀI NÉT VỀ PHAN KẾ BÍNH

VÀI NÉT VỀ PHAN KẾ BÍNH


Nguyễn Ngọc Thiện
Phan Kế Bính - Nhà văn biên khảo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc. Hiệu là Bưu Văn, sinh năm 1875. Quê quán: làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. 
 

Phan Kế Bính (ảnh: Internet)
Xuất thân trong một gia đình khoa cử, năm 1906 thi Hương, đỗ cử nhân, nhưng ông không ra làm quan. Hưởng ứng phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, chuyên tâm làm báo chữ quốc ngữ. Từ năm 1907 đến khi mất (30/5/1921) ông là biên tập viên chính, bỉnh bút các báo ở miền Bắc, miền Nam: Đăng cổ tùng báo (1907), Lục tỉnh tân vănĐông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1915), Học báo (1919)...
Với vốn Hán học uyên thâm, sử dụng thành thạo, điêu luyện chữ quốc ngữ, ông phụ trách phần Hán văn trên các báo cộng tác, viết hàng trăm bài khảo cứu văn học, lịch sử và văn hóa dân tộc, đồng thời là người dịch thuật cần mẫn những tác phẩm văn học, sử học Việt Nam bằng chữ Hán hoặc của Trung Quốc ra tiếng Việt.
Ông cũng là dịch giả xuất sắc chuyển ngữ các tiểu thuyết, truyện thuộc văn học cổ điển Trung Hoa: Tam Quốc diễn nghĩa, Kim cổ kỳ quan. Các bản dịch này được nhiều thế hệ bạn đọc hâm mộ, đến nay vẫn được tái bản và truyền tụng. Những bản dịch khác của ông về lịch sử Việt Nam (Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam điển lệ trích yếu) hoặc tiểu  thuyết cổ điển chương hồi (Việt Nam khai quốc chí truyện) đều là những dịch phẩm công phu, có giá trị học thuật và văn chương cao, được tin cậy trong sử dụng.
Với tấm lòng yêu nước thầm kín và tinh thần tự hào dân tộc, các bài báo và công trình biên khảo của ông tập trung nghiên cứu bản sắc tinh hoa di sản, tinh thần văn hóa, văn học cùng các tấm gương anh hùng rạng rỡ của lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến cận kim. Là một người xuất thân Hán học, từ khoa cử, nhưng ông hướng về cái mới, nhanh chóng làm quen và làm chủ chữ quốc ngữ, tìm tòi sử dụng phát huy các khả năng phong phú của nó. Văn ông viết lưu loát, trong sáng “giản dị và hùng tráng”, “thật đáng lưu truyền”, như nhận xét sau này của Vũ Ngọc Phan.
Việt - Hán văn khảo thể hiện vốn tri thức Hán học uyên bác của ông, đó là một công trình nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật có giá trị khai mở cho khoa nghiên cứu văn chương theo hướng hiện đại (gồm: lý luận văn học, phê bình văn học và lịch sử văn học). Công trình đưa ra một cái nhìn khái quát về các quan niệm lý thuyết văn chương lưu hành ở ta và Trung Quốc từ bao đời; quy phạm của 18 thể cách văn chương cổ, các phép làm văn chương thông dụng; đại cương các thời kỳ lớn của lịch sử văn chương Việt Nam và Trung Quốc, ít nhiều được đặt trong mối quan hệ ảnh hưởng qua lại.
Công trình có ý nghĩa tổng kết về thi pháp văn chương trung đại ở ta và Trung Quốc, mở ra thời kỳ mới để Thiếu Sơn, 14 năm sau, với Phê bình và cảo luận ghi dấu ấn vững chắc cho sự ra đời của khoa phê bình văn học Việt Nam thời hiện đại.
Phan Kế Bính đặc biệt nổi tiếng với Việt Nam và phong tục. Qua 47 mục thuộc 3 thiên, ông nghiên cứu một cách công phu, tỉ mỉ những phong tục, tập quán hàng nghìn năm của người Việt, tồn tại bảo lưu trong các quan hệ gia đình, nơi làng xã nông thôn và trong cộng đồng xã hội. Ở góc độ nghiên cứu mà ngày nay gọi là xã hội học, văn hóa học, ông diễn giải tỉ mỉ các phong tục tập quán đã hình thành, trở thành lễ nghi, thói quen, quy ước và điều chỉnh hành vi mỗi người dân trong gia đình, họ  hàng làng xóm, và đời sống cộng đồng. Ông đề cao những điều lành mạnh, tốt đẹp mang cốt cách, bản sắc tiêu biểu cần bảo lưu, giữ gìn và phê phán nhẹ nhàng những quan niệm bảo thủ, hủ tục kìm hãm sự phát triển của cá nhân, xã hội trên đường đi đến văn minh, hội nhập. Ông tỏ ra là một người cấp tiến hướng tới đổi mới, canh tân.
Phan Kế Bính là một trong những cây đại bút viết bằng chữ quốc ngữ, nhà văn khảo cứu, thuộc thế hệ giao thời cũ/mới, đi tiên phong và có những đóng góp quan trọng trong buổi đầu của tiến trình hiện đại hóa nền văn chương dân tộc ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét