Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Đạm Phương nữ sử – Một phụ nữ tiên phong


Đạm Phương nữ sử – Một phụ nữ tiên phong

Thật khó tìm được một danh hiệu bao hàm được tài năng, vị thế và những hoạt động phong phú của bà Đạm Phương. Ngay “chính danh” của bà Đạm Phương nữ sử, không ít sách báo cũng viết lầm thành “Đạm Phương nữ sĩ”. Quả là danh hiệu “nữ sử” đã thành một “từ cổ” chỉ những người đàn bà có học kinh sử. Tuy vậy, với bà Đạm Phương, danh hiệu này là một cột mốc đáng kể: đó là khoảng năm 1901, lúc bà vừa tròn 20 tuổi và cách nay vừa tròn 110 năm, cô Công Nữ Đồng Canh được mời vào cung để dạy các công chúa và cung nữ học tập, và tên Đạm Phương nữ sử ra đời từ đó.  

Đạm Phương nữ sử (1881-1947) là một người nổi tiếng, không phải vì xuất thân từ một gia đình quyền quý – bà là thứ nữ của Hoằng Hóa Quận vương, con trai thứ 66 của vua Minh Mạng, đồng thời là con dâu cụ Nguyễn Khoa Luận (Viên Giác đại sư), từng làm Bố chánh Thanh Hóa (một chức như Phó tỉnh trưởng) nhưng khi kinh đô thất thủ, cụ đã treo ấn từ quan, đi tu, lập nên chùa Ba La Mật ở phía cuối “thôn Vĩ” thơ mộng của Huế. Bà nổi tiếng vì chúng ta có thể gọi bà là nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội… mà không ngại đó là những mỹ từ “ngoại giao”. Cho dù vậy, tôi chú ý đến nét đặc sắc trong tất cả hoạt động của bà là tính chất “tiên phong” – đi đầu làm gương, can đảm vượt thoát khỏi những lề thói lạc hậu, tinh nhạy nắm bắt những tiến bộ của thế giới và tìm mọi cách “phổ cập”, nâng cao văn hóa cho đồng bào mình. Điều đó càng đáng quý chính vì Đạm Phương nữ sử sinh trưởng trong môi trường “cung cấm” bị lễ giáo phong kiến ràng buộc, vốn mang tiếng là bảo thủ và xa cách quần chúng. 


Đạm Phương nữ sử và chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng

Trong làng báo Việt Nam, nữ ký giả kiêm chủ bút đầu tiên là bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921), con gái cụ Đồ Chiểu, nhưng tờ báo Nữ giới chung (Tiếng Chuông nữ giới) của bà phát hành tại Sài Gòn chỉ tồn tại được từ tháng Hai đến tháng 7/1918 thì bị đình bản. Do đó, Đạm Phương nữ sử nổi bật lên như một nữ ký giả tiên phong, tung hoành suốt từ Bắc tới Nam trong cả một thập kỷ, bắt đầu với bài viết đăng trên tạp chí Nam Phong (Hà Nội) tháng 7/1918. Năm 1919, 1920 bà làm trợ bút cho nhật báoTrung Bắc tân văn (Hà Nội), giữ mục “Lời đàn bà” trên tờ Thực Nghiệp dân báo (Hà Nội). Năm 1922, bà làm biên tập viên cho tạp chí Hữu Thanh, giữ mục “Văn đàn bà”. Suốt từ năm 1922 đến năm 1929, bà liên tục viết cho tờ nhật báo lớn ở phía Nam là Lục Tỉnh tân văn. Theo tài liệu mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới sưu tập được, không kể thơ và tiểu thuyết, số lượng bài báo Đạm Phương nữ sử đăng trên Lục Tỉnh tân văn còn nhiều hơn trên Trung Bắc tân văn. Theo Lê Thanh Hiền, người biên soạn cuốn Tuyển tập Đạm Phương nữ sử (NXB Văn học, 2010), chưa kể số bài đăng trên Lục Tỉnh tân văn mới sưu tầm được, Đạm Phương nữ sử đã viết gần hai trăm bài báo, trong đó có 129 bài đăng trên Trung Bắc tân văn.
Điều đáng nói hơn là trong hàng trăm bài báo đó, Đạm Phương nữ sử đã kiên trì mục đích phê phán những quan niệm lạc hậu, những lề thói xấu, gợi mở cách sống tốt đẹp, biết trọng danh dự và giá trị tinh thần hơn là vật chất…, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, đạo đức lành mạnh với đối tượng chính là người phụ nữ và nhi đồng.
“…Nói đến lạc thú, hình như tức là phải có tiền của, lên xe xuống ngựa, ăn sướng mặc sang, hay là quyền cao chức trọng, cửa rộng nhà cao, kẻ đón người đưa, tiệc mừng lễ đón, nhiên hậu mới là lạc thú đặng, nếu nhà tranh vách đất, dậy sớm thức khuya làm gì có lạc thú. Thế mà không! Phàm cái vui cái tẻ, nên nhận cho kỹ, thuộc về tinh thần phần nhiều sung sướng hơn về phần vật chất, vì cái vui thật là vui, hơn cái vui giả bám ngoài da ngoài mắt, vui đó mà thoắt lại buồn vì đó….” (“Cái cảnh lạc thú trong gia đình” – Báo Trung Bắc tân văn, 17/4/1923).
Đạm Phương nữ sử bàn đến những vấn đề gần gũi như thế – và có thể nói đó là mối bận tâm muôn thuở của con người – nên mặc dù gần một thế kỷ đã qua, nhiều tác phẩm của bà đến nay vẫn có ý nghĩa. Chúng ta cũng thấy rõ điều đó khi lướt qua những đề mục bài báo của Đạm Phương nữ sử viết trên Lục Tỉnh tân văn: Đờn bà đối với nghề nghiệp, Có biết dại mới nên khôn, tính thực thà, Phẩm hạnh người đàn bà, Cái tính quen, Đức hạnh, Bàn về thực phẩm nước ta, Cái hại nói láo, Tính ghen tuông của người đàn bà, Đạo làm con…
Cũng từ những tác phẩm báo chí của Đạm Phương nữ sử, chúng ta thấy bà ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và hoạt động xã hội. Bà từng viết Gia đình giáo dục, Phép giáo dục cho trẻ con trong nhà, Xã hội giáo dục… trên các báo và đặc biệt, năm 1942, nhà in Lê Cường (Hà Nội) đã cho phát hành 4.000 bản công trình Giáo dục nhi đồng. Trong “Lời nói đầu” của công trình tâm huyết này, Đạm Phương nữ sử đã viết: “…Quyển sách này lại là công trình kinh nghiệm của cả một gia đình. Vì tôi là mẹ của một gia đình 11 con, và bà của một đại gia đình trên 30 cháu vừa nội vừa ngoại. Sự kinh nghiệm giữa bầy con cháu ấy đã đem đến cho tôi nhiều tài liệu rất thiết thực về giáo dục…” (trong số con cháu của bà có hai nhân vật nổi tiếng là Hải Triều – Nguyễn Khoa Văn và con trai ông là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; nhưng nhiều người chưa biết bà có người con trai trưởng là Nguyễn Khoa Tú, đã bị Pháp bắt, tra khảo đến chết tại Sài Gòn năm 1931).
Sự nghiệp của Đạm Phương nữ sử rất phong phú, khó có thể kể hết trong một bài báo ngắn. Như trong lĩnh vực văn chương, ngoài hai tập thơ chữ Hán bà viết từ thời thiếu nữ và nhiều bài thơ đăng báo, bà còn sáng tác mấy tập tiểu thuyết cùng thời với tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Cũng đáng gọi là “sự kiện” khi một người có xuất thân như Đạm Phương nữ sử mà lại bị mật thám Pháp bắt vì nghi bà quan hệ với đảng Tân Việt và bà từng hăng hái vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp… Chỉ xin kể thêm vai trò tiên phong của bà trong việc thành lập Nữ công học hội vào năm 1926, mở rộng giao lưu với nhân sĩ trí thức và chị em phụ nữ cả ba miền. Bà đã đến Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Mỹ Tho, Gò Công, Thanh Hóa… để bàn bạc về giáo dục phụ nữ, liên kết mở rộng hoạt động nữ công và báo chí, xuất bản… Cũng có thể nói, Đạm Phương nữ sử là thủ lãnh đầu tiên của tổ chức tiền thân Hội Phụ nữ Việt Nam hôm nay.
Chính vì thế, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của bà, một hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế và Viện Văn học Việt Nam sắp  được tổ chức tại Huế…

Theo Nguyễn Khắc Phê 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét