Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Đời sống lý luận văn chương buổi đầu ở Nam Bộ


Đời sống lý luận văn chương buổi đầu ở Nam Bộ

Người Việt ta quen nghe câu nói: “Miền Nam đi trước về sau”.  Quả đúng vậy! Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 chính thức khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì cùng năm ấy, tháng ấy vào ngày 23, Nam Bộ đã bắt đầu thực hiện cuộc trường chinh chống thực dân Pháp khi chúng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.  Rồi sau năm 1954 cũng thế! Cuộc kháng chiến lần thứ nhất kết thúc vẻ vang, miền Bắc được hưởng quyền độc lập, tự do trong khi miền Nam lại bước vào một cuộc thử thách mới, dai dẳng và quyết liệt hơn nhiều, suốt 21 năm trời, là chiến đấu chống lại sự can thiệp rồi xâm lăng của đế quốc Mỹ cho tới ngày Toàn thắng 1975. Riêng trên lĩnh vực văn hóa, nếu nhìn xa hơn một chút, câu nói quen thuộc trên lại gợi nên những sự liên tưởng khác, không kém phần ý vị. Đúng là, vào nửa sau của thế kỷ XIX, khi cả dân tộc chạm chân vào quá trình hiện đại hóa, từng bước hòa nhập với thế giới, báo chí và văn chương nước nhà cũng được khởi đầu từ Nam Bộ, chập chững và gian khó, nhưng rồi được kết tinh ở đỉnh cao trong những tên tuổi lớn lại ở Bắc Bộ vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX trở đi. Việc tìm hiểu những bước đầu tiên ấy tất mang một ý nghĩa riêng, không thể nào bỏ qua cho được. Mà không chỉ đối với riêng lý luận, phê bình văn chương thôi đâu!
Những tiền đề tạo nên sự vận động của đời sống lý luận, phê bình văn chương Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành và hoàn thiện của văn quốc ngữ, mà trước hết là chữ quốc ngữ. Có thể xem năm 1651 là cột mốc quan trọng. Vào năm đó, Alecxandre de Rhodes (1591 - 1660) đã cho công bố cuốn từ điển đầu tiên về tiếng Việt - Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh, và cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ - Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức chúa Trời. Công chế tác chữ quốc ngữ, như đã được thừa nhận khá rộng rãi, thuộc về nhiều giáo sỹ ở nhiều nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Hà Lan …, nhưng công đầu như vậy rõ ràng thuộc về A. de Rhodes. Để rồi trên cơ sở đó, cố Bá Đa Lộc (1741 - 1799) chỉnh lý, phát triển thêm chữ quốc ngữ qua Từ điển An Nam - Latinh, và cố Tabert kế tục công việc giàu ý nghĩa này bằng Nam Việt Dương Hiệp tự vựng (1838), cho nó một dạng thức ổn định như sau này.
Sự truyền bá chữ quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX bị giới hạn trong việc truyền đạo Thiên chúa. Hơn thế, nó còn chịu sự chống đối của đông đảo quần chúng bởi phong trào bình Tây sát tả. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp chủ trương khuyến khích sử dụng chữ quốc ngữ giản tiện nhằm dễ nô dịch nhân dân ta, đồng thời nhằm chống lại ảnh hưởng lâu đời của văn hóa Trung Hoa. Thư của Giám mục Puginier gửi Tổng trưởng thuộc địa Pháp có đoạn: “Điều thứ hai phải làm là bỏ chữ Nho và trước hết thay thế bằng tiếng An Nam với chữ viết Âu châu gọi là quốc ngữ rồi sau đó bằng tiếng Pháp” (1, tr.21, Chuyển dẫn). Công văn, giấy tờ hành chính quy định phải viết bằng chữ quốc ngữ. Nghị định 22/2/1869 ghi rõ: “Kể từ ngày 1/4/1869 tất cả các giấy tờ chính thức, nghị định, quyết định, ấn lệnh, phán quyết, thông tư…đều sẽ được viết bằng mẫu tự Âu châu với  những chữ ký của người có thẩm quyền” (2, tr.29, Chuyển dẫn)Tuy nhiên, như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, do ưu thế dễ thấy của chữ quốc ngữ so với chữ Nôm, nhiều bậc thức giả ở ta đã chủ động nắm bắt phương tiện sắc bén, hữu hiệu này. Đi tiên phong là phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907), với việc gọi chữ quốc ngữ là “văn tự nước nhà” và xem đó là một trong sáu kế sách để “mở mang dân trí giữa nghìn muôn khó khăn”. Chẳng thể quên những câu thơ thống thiết như: Chữ ta ta đã thuộc lầu/ Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài… Nhờ thế, thứ chữ mới mẻ đã đi bằng gia tốc lịch sử.
Sự tiến triến của chữ quốc ngữ buổi đầu gắn liền với sự mở mang của chế độ giáo dục theo xu hướng Tây học. Trước khi quân Pháp chiếm 6 tỉnh miền Đông và miền Tây, soái phủ Nam Kỳ cũng đã có những bước đi ban đầu về giáo dục phổ thông. Một số cơ sở giáo dục thuộc các dòng tu Công giáo do các giáo sỹ cai quản đã được lập ra. Năm 1860, Nhà Chung thành lập trường Adran, tự đặt chương trình, học cả đạo, gọi là trường Pháp – Việt. Năm 1861, các nữ tu dòng Áo trắng lập trường dành cho trẻ em, đặc biệt là nữ sinh, lấy tên là trường Hài đồng. Rồi một trường đào tạo thông ngôn ra đời vào năm 1862. Vào thời gian này, một số trường sơ cấp cũng do các cha cố thành lập tại các họ đạo khắp Nam Kỳ để dạy chữ quốc ngữ và giáo lý vỡ lòng cho trẻ em. Dạng trường này xuất hiện ngày một nhiều bên cạnh các trường thầy đồ dạy chữ Nho như trước. Chúng song song tồn tại cho đến 17/11/1874, khi chính quyền thực dân ban hành nghị định mới về giáo dục. Chế độ thực dân, do mục đích riêng, trên thực tế có chú trọng tới giáo dục ở bản xứ. Theo Nghị định này, nhiều chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích người học như học sinh tự do đi học và được miễn phí tại các trường thuộc địa, riêng các trường dạy chữ Nho nếu dạy thêm chữ quốc ngữ còn được thưởng mỗi năm 200 franc…Nghị định 16/6/1880 sau đó cho phép “mỗi làng, thị trấn của tổng không có trường Pháp sẽ thiết lập một trường dạy chữ quốc ngữ” và “những làng nhỏ có một trường dạy chữ quốc ngữ sẽ được miễn mọi thuế đóng góp cho trường hàng tổng” (1, tr.41).Nhiều làng thuê người đi học cho đủ số lượng quy định. Sau khi thành lập Sở Học chánh Nam Kỳ vào 17/3/1879, thực dân Pháp ban hành chương trình giáo dục Pháp -  Việt thống nhất cho cả xứ. Chương trình có hai cấp, trong đó cấp tiểu học, ngoài tiếng Pháp, chữ quốc ngữ cũng được dạy chính thức trong môn tập đọc và viết tường thuật.
Cùng với sự thông dụng của chữ quốc ngữ, việc in ấn ngày càng tiến triển cũng góp phần truyền bá văn mới. Ở nước ta, trước khi bị thực dân Pháp thôn tính, chữ Hán và chữ Nôm được sử dụng phổ biến trong học giới và quan giới, in ấn chủ yếu theo các bản khắc gỗ. Vào giữa thế kỷ XIX, một số người Hoa ở Chợ Lớn đã nhập chữ rời từ Trung Hoa về, nhưng chỉ hoạt động dưới dạng thủ công thô sơ. Sau khi bắt đầu xâm chiếm Nam Kỳ, năm 1862, nhà in đầu tiên của chính quyền thuộc địa được lập ở Sài Gòn mang tên Impériale với các phương tiện kỹ thuật hiện đại và cả công nhân nữa đều đưa từ Pháp sang. Năm 1864, Nhà in Nhà Chung thuộc Giáo phận Nam Kỳ (sau đổi thành Nhà in Gia Định) ra đời. Mục đích là in kinh sách Công giáo bằng mẫu tự Latinh  phục vụ cho việc  truyền đạo. Từ 1884, ở Sài Gòn – Gia Định ngày càng có nhiều nhà in, lúc đầu chủ yếu in tài liệu và báo chí, sau in cả truyện dịch Tầu - Tây, rồi truyện Nôm dịch ra chữ quốc ngữ. Nghề in từ đó ngày càng phát đạt. Lúc đầu, các cơ sở in ấn do người Pháp và Công giáo làm chủ. Vào đầu thế kỷ XX, dần dần  người Hoa và người Việt đứng ra làm chủ, nhưng giấy phép cũng phải mua lại của người Pháp. Hoạt động  xuất bản song hành với nghề in, gắn với phát hành rất đa dạng về hình thức: hoặc nhà xuất bản mua bản quyền, thuê in và tự phát hành; hay nhà in kiêm luôn chức năng xuất bản và phát hành; hoặc tác giả tự bỏ tiền lo cả chuyện xuất bản và in ấn. Những nhà in và xuất bản có uy tín ở Nam Kỳ lúc bấy giờ là: Nguyễn Văn Viết, Xưa Nay, Bảo Tồn, Đức Lưu Phương, Tín Đức Thư Xã…
Đặc biệt cần nhấn mạnh tới vai trò của báo chí quốc ngữ – nhân tố quan trọng tạo dựng môi trường tích cực cho sự phát triển của lý luận, nhất là của phê bình văn chương trong thời hiện đại. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, nước ta chưa có hoạt động báo chí. Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ sớm nhất ra đời vào 15/4/1865 là sự mở đầu. Sau đó, lần lượt xuất hiện các tờ báo khác: Nhật Trình Nam Kỳ (1883), Bảo Hộ Nam Dân (1888), Thông Loại Khóa Trình (1888), Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1892), Phan Yên Báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm(1901), Đại Nam Tân Báo (1905), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân Văn (1907), Đăng Cổ Tùng Báo (1907), Nam Kỳ Địa Phận (1908), Đông Dương Tạp chí (1913), Trung Bắc Tân Văn(1915), Tân Đợi Thời Báo (1916), Công Luận Báo (1916), Nam Trung Nhật Báo (1917), Nam Phong Tạp chí (1917)…
Trên báo chí thời này thường có nhiều bài liên quan đến văn chương và phê bình văn chương. Do được coi như là một tỉnh hải ngoại thuộc Cộng hòa Pháp, Nam Kỳ sớm được hưởng Luật tự do báo chí ban hành ngày 29/7/1881. Báo chí là môi trường đào luyện phương pháp, cách thức viết văn quốc ngữ đầu tiên ở nước ta. Như Gia Định Báo. Báo chia làm hai phần: Công vụ (gồm các văn thư, quyết định của nhà cầm quyền..) và Tạp vụ (các bài viết diễn giải những kiến thức sơ đẳng về lịch sử, xã hội, luân lý, văn học, địa lý, thời sự…). Vào thời Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài, phần Tạp vụ là phần ông chủ trương dành để bồi dưỡng kiến thức, và trên thực tế, thành nơi đào luyện kỹ năng viết báo, viết văn bằng chữ quốc ngữ. Một dẫn dụ khác là tờ Thông Loại Khóa Trình, nội dung là những bài học thông thường, đối tượng chính là nhằm tới học sinh. Dù Trương Vĩnh Ký đã cố ý nhắc lại mục đích của tờ báo là “thuật đạo lành lẽ ngay của đấng tiên thánh tiên hiền khuyên răn, truyền thuần phong mỹ tục xưa nay”, coi trọng việc giáo dục đạo đức, dạy chữ quốc ngữ, thì mảng văn chương đăng ở đây cũng góp phần dạy người đọc chữ nghĩa và tập viết văn. Chẳng hạn, các mục giải thích câu chữ trên báo, như Giải những câu chữ Nho, Giải những tiếng tục Nôm, Giải tiếng nói An Nam, Giải tiếng nói trại… Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc sau này cho rằng, có thể xemThông Loại Khóa Trình là “chuyên san văn chương đầu tiên ở nước ta” là vì lẽ đó. Còn trênNông Cổ Mín Đàm thì có mục Quảng văn thí cuộc được lập từ số 39, ra ngày 22/5/1902, với mục đích ban đầu được xác định: “Nay muốn mở một cuộc thông đồng cho văn nhơn tài tử xa gần vui chơi với nhau cho dễ”. Thời gian đầu thuần túy chỉ họa vận, dần dần thành nơi “nhắc nhở nghề văn”, bàn bạc, tranh luận về từ ngữ, học thuật.
Từ đó, quan niệm văn chương dân tộc đã đi những bước dò dẫm đầu tiên trên con đường hiện đại hóa. Lê Hoằng Mưu, trên Lục Tỉnh Tân Văn, số 1941, năm 1925, đã đưa ra cách nhìn về văn chương đương thời qua quan niệm về tiểu thuyết: “Phần nhiều tiểu thuyết trong thiên hạ, lấy tình nghĩa làm đề thì mới hay mà xem trong canh vắng. Nếu muốn, tác giả thêm vài đoạn hiếu trung. Trong bộ tiểu thuyết nào cũng vậy, nếu lấy tình làm đề, thì sau cũng có tình nên hay tình hư, tích lành hay tích dữ, để làm tuồng vay trả. Tự nơi người xem, thấy nên học đòi, thấy hư xa lánh… Có thấy cái xấu mới biết cái kia là tốt”. Cái mới do sự xúc tiếp với phương Tây mang lại dường như chưa thấy xuất hiện. Vẫn là những chủ trương cũ, có từ thời trung đại, vốn lấy mục đích đạo lý làm mục đích của chính văn chương. Chức năng ngôn chí và tải đạo cũng bám trụ trong đầu óc của một tác giả khác là Dương Quang Nhiều. Ông viết lời dẫn giải cho cuốn sách của mình: “Trong quyển tiểu thuyết Thù nhà nợ nước nầy, tác giả sẽ chỉ rõ những sự nào mà đoàn thể ta nên bắt chước, những đoạn nào mà đồng bào ta nên chừa; tác giả viết ra quyển tiểu thuyết nầy là muốn tập rèn cái nết tốt cho đoàn thể quốc dân mình biết cái luân lý Việt Nam là tốt đẹp, cái phong hóa ở nước mình là hoàn hảo, kẻo để bấy lâu nay, hàng nam giới và hàng nữ giới ở nước ta, hễ có chút mùi Tây học thì đem lòng chê bai khinh rẻ nền luân lý và phong hóa nước mình” (Nhà in Xưa Nay, 1928, tr.11-12). Xem ra quan niệm của tác giả này còn cổ hủ và nặng nề hơn cả Lê Hoàng Mưu.
Có khác biệt đôi chút là văn chương thời này đã chú trọng hơn tới khía cạnh giải trí của văn chương. Quy luật cung cầu trong xã hội kim tiền đã bắt đầu phát huy tác dụng. Ngay cả văn trước thuật cũng bị cuốn theo dòng chảy đó. Không phải vô cớ mà Đằng Xuyên lại nói: “Làm một nhà trước thuật ở nước ta cốt trông mong vào sự xuất bản làm sanh kế, nếu sách không bán được thì lấy chi mà trả tiền in, tiền tiêu, vì thế mà phải theo cái ý muốn của phần nhiều người ra những sách bậy bạ” (Lục Tỉnh Tân Văn, số 2164, 1925). Văn sáng tác, cố nhiên, càng nghiêng theo xu trào thời thượng. Phạm Minh Kiên viết trong Tựa Việt Nam Lý Trung Hưng: “Trong truyện nầy tác giả chỉ lượm lặt những sự phong công vĩ tích của tiền nhơn mà phô diễn ra đây ngõ hầu cống hiến cho đồng bào đặng trước là làm một dấu kỷ niệm nơi lòng sau cũng được tiêu nhàn trong giây phút” (Nhà in Đức Lưu Phương, 1929). Quả là người viết có để tâm tới việc “làm một dấu kỷ niệm nơi lòng”, nhưng mục đích “được tiêu nhàn trong giây phút” hình như cũng không hề bị coi nhẹ. Chẳng thế mà Đằng Xuyên trong bàiCách bình phẩm của người mình đã nhận xét: “Phàm truyện gì mà toàn những tình là tình thì mới có người coi và văn viết phải có xen nhiều những giọng “quá ư thông thường…” thì mới có người ưa, nếu có soạn những cuốn sách gì cho uyên súc mà viết công phu thì sách đến phải “chết” mà không ai mua tới” (Lục Tỉnh Tân Văn, số 2164, 1925). Tính phổ cập lấn át tính nâng cao. Xu thế tầm thường, dễ dãi dần dà khuynh loát. Không hề khác với ý kiến của Tùng Lâm: “Xã hội ta bây giờ, phần nhiều là ưa đọc tiểu thuyết tình, bất kỳ chuyện gì, bất kể lối văn gì, miễn là cho có chuyện tình là ưa đọc lắm” (Công Luận Báo, số 45/1925). Từ thái cực này nhảy sang thái cực kia, rốt cuộc, cái đích mà người cầm bút hướng tới vẫn còn cách xa với văn chương hiện đại của thế giới. Vậy nên, chỉ độc một thứ văn chương nôm na, gần với đời thường mới hy vọng có đất sống. Tiểu thuyết “là thể văn bình dị rõ ràng, dễ coi, dễ hiểu” nở rộ ở Nam Kỳ là vì thế. Nhưng cũng chỉ có xu hướng tiểu thuyết viết về cái lạ là được xem trọng. Ngô Tất Tố cho rằng: “Tiểu thuyết nói đặng những việc tai chưa từng nghe, tả đặng những cảnh mắt chưa từng thấy, đánh trúng vào món thèm thuồng của những người mến lạ. Thế cho nên nhiều người thích đọc” (Vấn đề tiểu thuyết - Đông Pháp Thời Báo, kỳ 1, số 654, 1927). Tiếc là các tác giả chỉ mới quan tâm tới cái lạ của đối tượng thể hiện. Cái lạ trong tư tưởng, trong thi pháp dường như còn nằm ngoài quan niệm của các nhà tiểu thuyết thời này. Thật khó có thể đi được xa, nâng được cao là bởi thế.
Không phải không hề xuất hiện cái hay, cái thuận đáng được nghi nhận. Kể cả khi nhìn văn chương từ yêu cầu của tiến trình hiện đại hóa. Trong lời Tựa Truyện Thầy Lazarô Phiền(1887), Nguyễn Trọng Quản viết: “Lấy tiếng thường mọi người hằng nói” để “bày đặt một truyện đời này là sự thường có ở trước mắt ta luôn”, với hy vọng “nhiều người sẽ lấy lòng vui mà đọc, kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây”. Kéo văn chương gần với đời thường, lại dùng chính ngôn ngữ nôm na hàng ngày để thể hiện, cho người đọc vui cái vui nhẹ nhàng từ chữ nghĩa - Nguyễn Trọng Quản sớm đặt dấu mốc đáng nhớ trên con đường hiện đại hóa văn chương dân tộc. Sau bước chân táo bạo của ông, Trần Thiên Trung – Trần Chánh Chiếu có điều kiện xác định dứt khoát: “Nay tôi dụ soạn một bổn nói về một việc trong xứ mình, dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng…”. Rồi: “Lấy trí riêng mình mà đặt riêng ra một truyện tùy theo nhân vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thật vậy…đặt tiếng thường, thanh nhã, dễ hiểu…”. Tuấn Anh lại nhấn thêm khía cạnh sự thật gần gũi của quê hương, xứ sở: “Tôi tưởng đồng bào ta muốn mở mang, muốn thông hiểu việc đời mới mẻ này, phải ráng đọc truyện sách đời nay, nói rõ đường đi nước bước trong xứ ta, nếu ta ở trong nước ta, ta không rõ đường đi nước bước, thì còn mong gì nói  qua các cuộc văn minh tấn bộ” (Nông Cổ Mín Đàn, số 126, 1924). Con đường đã mở, nhưng cái đích cần tới xem ra còn xa ở phía trước.
Phê bình trong buổi sơ khai vì thế cũng không tránh khỏi sơ giản. Một loạt vấn đề văn chương nghệ thuật có được thảo luận sôi nổi nhiều kỳ trên các báo đương thời như Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Công Luận Báo... Hồng Tiêu đưa ra nhận xét: “Đương buổi bây giờ sách quốc ngữ ở nước ta rất phồn thạnh, mỗi ngày mỗi thấy xuất bản, ta cứ trông lên báo chương, tạp chí, bốn chữ “giới thiệu sách” tuần nào cũng có thì đủ biết ngay” (Đông Pháp Thời Báo, số 654, 1927). Tiếc thay, khởi sự chỉ mới là những mục giới thiệu ngắn nghiêng về tiếp thị sản phẩm. Nhưng chớ quên là nhờ đó mà các tác phẩm được nhiều người biết để tìm đọc, vì “coi nhật trình từ khúc từ đoạn như vậy lấy làm ức trong lòng”. Cùng với thời gian, nhiều bài bình phẩm dài hơi xuất hiện, có điều nếu xét kỹ, thì chúng mới thiên về chê trách, phê phán, lại thường lấy sự phê phán trên lập trường đạo lý làm chính. Như các bài viết: Cái hại về tiểu thuyết và Ai biết làm văn (Nông Cổ Mín Đàm, số 64, 1923 và số 121, 1924), Cái tánh ham đọc tiểu thuyết của nữ giới và Tư cách một nhà văn sỹ (Công Luận Báo, số 219, 1925 – số 689, 1927), Tiểu thuyết và Vấn đề tiểu thuyết (Đông Pháp Thời Báo, số 430, 1926 và ba kỳ số 654, 657, 660 - 1927)… Đến nỗi sách của Lê Hoằng Mưu, như người đời đồn đại là “bán chạy như tôm tươi”, “chinh phục xứ Nam Kỳ và cả thế hệ thanh niên thời đó” (Lãng Từ - Mai, 8/1939) cũng bị cuốn vào ám khí buổi đầu. Tiểu thuyết Hà Phương phong nguyệt của ông thật sự gặp phải nhiều nỗi oan trái đến từ công chúng chưa trưởng thành. Cuốn sách bị chỉ trích nặng nề, thiên về cảm tính, ít sự phân tích đến nơi đến chốn về lý lẽ, để cuối cùng bị cấm lưu hành. Ý kiến của Trước Lâm trong bài Cái hại về tiểu thuyết tình tiêu biểu cho thiên hướng thô bạo hồi ấy: “Khiếp nhược thay, ngu lỗ thay cho hạng người dám làm mà không dám chịu. Những hạng người ấy quyết viết càn dần hay dần dở, dầu phải dầu quấy miễn bán cho chạy đặng lấy tiền bỏ túi thì thôi không kể chi là hư phong hóa, là bại luân thường, miễn nói cho êm tai người đọc đặng lấy tiền nuôi miệng thì xong chớ không kể chi hết” (Nông Cổ Mín Đàn, số 64, 1923). Môi trường như thế không thể nói là thuận cho văn chương đích thực nảy nở. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung trong Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiênsau này có cho rằng, Nam Bộ sống văn chương nhiều hơn là làm văn học (3, tr.147). Nhận định của ông càng phản ánh chân xác bức tranh chung của lý luận, phê bình văn chương buổi sơ khai ở Nam Bộ.
Có nhiều nguyên do, cả trong văn chương và ngoài xã hội, đưa tới tình trạng trên. Nguyên nhân đáng chú ý nhất có lẽ đã được Bửu Đình thổ lộ: “Từ xưa đến nay chưa thấy ai học chuyên cần văn chương nước ta bao giờ – PQT lưu ý, chỉ học cho biết mà thôi. Như vậy thì bao giờ nó được sung túc khí lực như văn chương các nước, có ai đem văn chương nước ta ra dạy con cháu như dạy chữ Hán chữ Pháp đâu…bảo sao văn chương ta không thấp thỏi…”. Điều này vô tình sẽ dẫn đến thái độ phủ nhận sự tồn tại của văn chương dân tộc, như chính ông thừa nhận: “Nhiều người hễ ngồi lại là lại bàn luận về văn chương, than vãn về văn chương, gọi rằng nước ta chưa có văn chương” (Công Luận Báo, số 633/1923). Không chuyên sâu, chuyên biệt thì khó nói tới trưởng thành. Mọi quy ước, quy chuẩn chưa được định hình, định dạng thì lấy đâu để cho sáng tác nương theo? Lại nên bắt đầu ngay từ cái cơ bản nhất mà cũng quan thiết nhất là văn pháp. Đằng Xuyên băn khoăn một cách chính đáng: “Nền quốc văn chưa lấy gì làm định chuẩn, chữ quốc ngữ chưa có văn pháp nhứt định, biết lấy đâu làm đích mà cho người này là phải, người kia là quấy” (Lục Tỉnh Tân Văn, số 2164, 1925). Một người cũng nặng lòng với văn chương dân tộc khác là Bửu Đình thì sốt ruột: “Hiện thời ta muốn viết thế nào cũng được, chưa ai chịu rằng mình viết không đúng” (Công Luận Báo, số 633/1923). Tùng Lâm lại nhìn từ góc độ của văn trước thuật: “Nhà soạn thuật thì ai nấy tự mãn lối văn của mình là đúng, là hay không chịu là ai hơn mình” (Công Luận Báo, số 45/1925). Rõ ràng, rất cần ý thức sâu sắc, thường trực về nghề. Ai sớm nhận ra thì sẽ sớm có điều kiện đi nhanh tới thành công. Như nhà văn Phạm Duy Tốn. Ông từng bàn luận khá thấu đáo về vai trò của ngôn từ văn chương mặc dầu còn khá chung chung: “Một lời nói trăm vạn người nghe, một câu văn ngàn thu còn lại” (Lục Tỉnh Tân Văn, số 400, 1915). Bởi thế, ông mau chóng trở thành tác giả của những thiên truyện ngắn hiện đại xuất sắc, sớm được công chúng thừa nhận, tiêu biểu là Sống chết mặc bay. Trong khi không ít cây bút lại xem nhẹ lao động trên từng con chữ. Chẳng hạn Phú Đức. Ông gắng biện hộ cho những sai sót của tác phẩm khi đăng báo rằng: “Tiểu thuyết viết từ đoạn đăng từ ngày lên tờ báo thì sao cũng không tuyệt tác được, vì nhiều đoạn ấn công sắp lộn, lắm câu ấn công lại bỏ sót; ký giả thổn thức trong lòng, nhưng biết đặng lòng quý vị không nệ chấp nên bạo gan đặt tiếp bấy chầy” (Công Luận Báo, số 496, 1926). Chẳng thể thuyết phục được con người hiện đại – những người luôn đòi hỏi cao về chất trong các hoạt động sáng tạo tinh thần linh diệu như văn chương, nghệ thuật.
Rất nhiều, rất nhiều bài học thấm thía có thể rút ra từ cái buổi ban đầu xao xuyến ấy. Cho hôm nay. Và cho cả mai sau nữa. Nhưng quý lắm những tấm lòng. Tất thảy đều dành cho văn chương dân tộc trong buổi chập chững đầu tiên. Bởi, có ai có thể bước qua thời thơ ấu để trưởng thành ngay được đâu! Mà cũng nên nhớ, buổi sơ khai ấy lại được khởi phát từ Đất rừng phương Nam thân yêu của Tổ quốc chúng ta.
Đà Lạt, 5/2009 
 ..............................................................................................................................................................................



  1.Nguyễn Văn Trung – Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Nxb Nam Sơn, SàiGòn, 1974.
          2.Lưu Đức Trung (Chủ biên) – Văn học Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
        3.Nguyễn Kim Anh (Chủ biên) – Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét