3.4. Vai trò của cộng đồng người Việt trong phát triển văn hoá.
3.4.1. Văn hóa vật chất.
Thiên nhiên trở thành một chất kích thích những hành trang văn hóa truyền thống mà người Việt mang theo trong mình trong cuộc hành trình tới những vùng sinh tụ mới để sáng tạo ra những dạng thức văn hóa mới trong sinh họat, sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long những người Việt đi khai hoang đã chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của mình. Cũng tại đây, sinh hoạt vật chất của người Việt có sắc thái riêng độc đáo. Nó được thể hiện rõ trong đặc điểm cấu trúc các vùng dân cư, trong phương tiện đi lại, kiến trúc nhà ở, và cả trong cái ăn, mặc, ở của nhân dân tại đây.
Tuy bị quy định bởi một thiên nhiên đầy những khó khăn thách thức, thậm chí nguy hiểm luôn thường trực nhưng người Việt khi vào Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực lao động để sáng tạo nên những cá tính và đặc điểm văn hóa đặc sắc, cũng như nhiều sản phẩm vật chất phong phú. Điều đó tạo nên một phức hợp văn hóa độc đáo ở vùng sông nước, Đồng bằng sông Cửu Long đã nổi tiếng với nhiều sản phẩm như cam Cái Bè, thuốc Cao Lãnh, mắm Châu Đốc, dừa Bến Tre…Hay những kĩ thuật như dùng phảng phát cỏ, kĩ thuật làm vườn Mỹ Tho, Tiền Giang, Cao Lãnh với các loại cây trái đặc sản có giá trị cao như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…
Để thích nghi với từng điều kiện thiên nhiên cụ thể, người dân Đồng bằng đã lập nên những vùng định cư với tính chất đặc trưng được gọi bằng những cái tên rất dân gian mà cũng rất khoa học. Đó vừa là những hình thái cư trú, sản xuất, vừa là những nét văn hóa độc đáo. Là những miệt giồng, miệt vườn, miệt cú lào, miệt kênh, miệt thứ, miệt dưới, miệt trên. Mỗi miệt đều có những đặc điểm địa hình, kinh tế, dân cư riêng. Nếu như miệt giồng là vùng đất ở về mạn đông của châu thổ sông Cửu Long. Nơi có nhiều giồng đất nổi tiếng chạy dài theo đường bờ biển từ Long An đến tận Sóc Trăng là khu định cư thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo kiểu ruộng vườn và cho cuộc sống của nhân dân thì miệt vườn là vùng đất phù sa màu mỡ nằm ven và giữa sông Tiền, sông Hậu, quanh năm có nước ngọt. Tại đây nghề trồng lúa và làm vườn đều có thể phát triển mạnh điều kiện giao thương buôn bán lại dễ dàng, đây là vùng đất trù phú nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Miệt Cù Lao là vùng đất cư trú trên các cù lao nằm giữa các dòng sông Tiền và Hậu, trải từ Tân Châu xuống Bến Tre, Mỹ Tho với hoạt động kinh tnế của nhân dân đa dạng, rộng rãi. Còn các loại miệt khác cũng mang những nét riêng biệt của mình như miệt kênh là miền đất ở mạn bắc sông Tiền thuộc Đồng Tháp Mười, miệt thứ là vùng tứ giác Long Xuyên, miệt U Minh là vùng rừng sác ngập mặn ở ven biển tây nam…
Miệt vườn: làm vườn trở thành một nghề, hình thành những vườn như những vùng chuyên canh kiểu Chợ Lách (Bến Tre), Chợ Gạo, Gò Công (Tiền Giang) thì không gian kinh tế cả vùng thay đổi, kéo theo đó là văn hóa thay đổi. Miệt vườn Nam Bộ, rõ ràng sẽ có những nét khác biệt về văn hóa so với những làng Việt ở Bắc, Trung chỉ thuần túy có nghề trồng lúa nước
Ở Đồng bằng sông Cửu Long làng được hình thành theo sông rạch, trải dài theo các bờ sông, không có lũy tre bao quanh, nhà cửa thì nằm ở giữa vườn cây ăn trái, đằng trước nhà là dòng nước, nơi ghe thuyền qua lại liên tục, còn phía sau là đồng ruộng.
Ngoài các miệt lớn nói trên, người dân Đồng bằng sông Cửu Long có đặt tên cho nhiều miệt có những biểu hiện nổi bật. Ví dụ như Miệt Bảy Núi, Miệt Mỹ (Mỹ Tho), Miệt Vãng (Vĩnh Long), Miệt Cao Lãnh, Miệt Chợ Thủ, Miệt Ông Chưởng, Miệt Hai Huyện…Mỗi miệt cho biết cụ thể về một trung tâm dân cư, hay chốn đô thị phát triển.
Nhà cửa khá đa dạng, nhiều loại nhưng đơn sơ. Có những kiểu nhà như nhà chữ đinh, nhà sóc dọi, nhà thảo bạt, nhà bát dân. Trong đó, một trong những kiểu nhà tiêu biểu là nhà thảo bạt (có từ đầu thế kỉ XIX). Đó là nhà ba gian có hàng hiên trước được nối rộng, có mái riêng, nhà được dựng theo kiểu nhà nửa sàn, nửa đất hoặc nhà sàn hoàn toàn, phù hợp với dạng cư trú ven sông hoặc rạch và ở vùng có nước ngập định kì hay thường xuyên. Mặt trước quay ra đường lộ, phía sau thường cất thêm cầu mát ở bờ sông để tắm giặt, sinh hoạt. Các kiến trúc phụ cũng dựng gần sát nhà. Nhà cầu làm ngay trên ao cá trong vườn nhà hoặc trên sông lạch.
Vật liệu làm nhà phần lớn là các loại cây, lá sẵn có ở Đồng bằng. Ở vùng Đồng Tháp Mười người dân dùng “dưng” để lợp, ở vùng Bảy Núi lại lợp bằng tranh. Ở các vùng khác người dân quen dùng là cây dừa nước để lợp nhà dựng vạch. Cụm từ “Dừa nước - mái dừa” đã nói lên môi trường cũng như phương cách sinh sống của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Loại nhà lợp bằng dừa nước vừa sạch, mát lại bền. Đây là loại nhà thông dụng, phổ biến nhất trong các loại nhà cửa ở Đồng bằng sông Cửu Long, là loại nhà đặc trưng nhất ở vùng này.
“Nhà cửa bám vào bờ sông bờ rạch, nếu trước nhà là bãi bùn khá dài với dừa nước và rặng bần thì luôn luôn có đào mương nhỏ, xẻ ngang bãi để xuồng vào đậu sát bên nhà. Rửa chén, vo gạo ở mương sau hè, bắc sàn để ngồi, gọi sàn nước; mương tù đọng, gọi là hà lảng. Dưới bến, bắc cầu thang với nhiều bực để buộc ghe xuồng, lên xuống giặt quần áo, tắm rửa tùy nước lớn, nước ròng”225.
Kiến trúc công cộng có đình (thờ thành hoàng, nhiều thần khác), chùa, miếu (thờ Quan Công, Bà Thiên Hậu, Cô hồn). Hầu như mỗi làng đều có đình và miếu, đình như trung tâm của mọi sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng của dân làng.
Về y phục, đặc sắc nhất là chiếc áo bà ba, được dùng cho cả nam và nữ với kiểu dáng có đôi chỗ khác nhau. Đây là một sự cải tiến mạnh mẽ trong trang phục của người Việt Đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc khăn rằn vốn là của người Khơmer nhưng người Việt dùng nó như một vật tùy thân, nếu người Khơmer chỉ dùng khăn để tắm giặc (khổ lớn) thì người Việt dùng với nhiều công dụng. Họ có thể quàng khăn vào cổ, hoặc đội trên đầu, thắt ở lưng, làm bao đựng lương thực khi đi đường...
Bộ quần áo bà ba và chiếc khăn rằn là bộ trang phục tiện dụng nhất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nó gắn bó nật thiết với cuộc sống của cư dân nơi đây, trở thành một bộ trang phục đặc trưng của vùng.
Phương tiện đi lại chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long là thuyền, ghe. Đó là những phương tiện tốt nhất để giao thông trong điều kiện kênh rạch chằng chịt. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long xem ghe thuyền như đôi chân của mình, họ có rất nhiều loại ghe thuyền khác nhau để sử dụng trong từng trường hợp, mục đích hay từng khu vực địa hình. Như để vận chuyển hàng hóa sử dụng ghe bầu, ghe cửa, ghe lồng, ghe giàn, ghe be, ghe chài, ghe hàng bố, ghe cá, ghe rổi, ghe bè. Trong trường hợp cần di chuyển nhanh khi chuyên chở nhẹ thì có ghe lưới, ghe cào tôm. Trường hợ đi lại trong mương rạch, trên đầm lầy, đồng ruộng người ta sử dụng những loại thuyền, xuồng nhỏ, gọn nhẹ như thuyền thúng, xuồng ba lá, tham bản, tác ráng và vỏ lãi. Nếu đi công chuyện ở ngoài, nếu qua sông thì có đó ngang, đò dọc, và còn nhiều loại ghe thuyền khác phục vụ cho nhu cầu chuyên chở lớn, quân sự và cho nhà giàu.
Ghe thuyền Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều loại làm thành một khía cạnh văn hóa độc đáo của người dân ở đây.
Về công cụ lao động người Việt cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc cải tạo các công cụ có sẵn của dân tộc mình và các dân tộc khác để hình thành nên những công cụ lao động đặc sắc, hiệu quả. Như chiếc “Phảng” là của người Khơmer sáng tạo ra, nhưng đối với họ, đó là một nông cụ thứ yếu. Còn người Việt trong quá trình khai hoang lập làng đã đưa cây phảng lên địa vị chính yếu trong việc canh tác, sản xuất.
Cuộc sống sông nước, việc đi lại sinh hoạt bằng thuyền đã tạo nên nhiều gia đình lênh đênh trên mặt sông. Họ là những người không có ruộng đất, sống chủ yếu dựa vào khai thác, buôn bán nguồn lợi từ sông. Họ sống trên những chiếc thuyền lớn, đôi khi có hẳn một gia đình nhiều thế hệ trên một chiếc thuyền. Nhiều nóc gia định thuyền hợp lại thành nên những khu dân cư trên thuyền, trên mảng. Dù rằng, với cuộc sống này, đời sống con người rất bấp bênh nhưng đây cũng là một nét văn hóa khá đặc sắc ở vùng sông nước mênh mông. Cũng tương tự như vậy là hình thức chợ nổi ở nhiều nơi trên các con sông lớn của vùng. Người dân dùng thuyền để tập trung lại, kẻ bán người mua, trao đổi hàng hóa, chất hàng, chuyển hàng đến những trung tâm đô thị lớn hay đến các nước…tất cả các công việc đó đều diễn ra giữa các thuyền với nhau. Những nơi như thế dần hình thành những nơi được gọi là chợ nổi như Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Cần Thơ), Sa Đéc (Đồng Tháp)…Đó là những nét văn hóa cần phải được phát huy những mặt tích cực để làm cho văn hóa ngày càng phong phú, đặc sắc. Ở đây, hầu như từ trẻ đến già, nam cũng như nữ đều biết bơi thuyền, chống xuồng, có nhiều gia đình đời đời lập nghiệp bằng con thuyền, làm giàu từ con thuyền. Những tên như Cái Bè, Chợ Nổi trên thực tế là những tụ điểm sinh sống của cư dân tại chỗ trên sông nước.
Ở khía cạnh văn hoá ẩm thực ta có thể thấy miền sông nước Nam Bộ đã sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo. Chúng ta có thể kể nhiều loại nước mắn như mắm Thái Châu Đốc, mắm ruột cá ở Đồng Tháp, mắm ruốc ở Kiên Giang, mắm còng, mắm tôm chà ở Gò Công…Thậm chí đến Nam Bộ ta còn có thể thưởng thức hàng loạt món ăn bổ dưỡng mà nhiều người thoạt nghe không khỏi e ngại, lo sợ như ăn thịt đuông, chuột đồng, dơi, cóc, rùa, lươn, rắn…Đó là những món ăn lạ với nhiều người từ Bắc, Trung vào, song lại là kết quả của một quá trình tiếp xúc, thích nghi và chọn lọc khôn ngoan của người Việt ở vùng sông nước Cửu Long này - như kiểu người Nam Bộ uống trà đá thay vì trà đậm, nóng như ở Bắc, Trung để thích nghi với thời tiết khô nóng ở đây - là kết quả của quá trình khai thác, tận dụng nguồn thực phẩm hầu như vô tận của thiên nhiên ưu đãi và còn là kết quả của một sự hiểu biết về sinh vật học và tự nhiên học, do kinh nghiệm trong cuộc sống thực tiễn đưa lại. Như khi người ta ăn chuột đồng, họ biết rằng chúng chỉ sinh sống ở những môi trường thiên nhiên trong sạch, ăn lúa chín, uống nước ao ngọt và nước dừa xiêm nên thịt của chúng rất ngọt và thơm…Hay họ ăn thịt dơi, cóc…vì những loại này có tính chất rất mát, có lợi cho cơ thể của người dân, ngay cả con đuông cũng không chỉ là một con sâu mà nó được sinh trưởng trong một môi trường bổ béo nhất đó là trên ngọn cây dừa hay cây chà là…
4.4.2. Văn hóa tinh thần
Trước hết, người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng nên một hình thái văn hóa làng vừa có tính truyền thống của văn hóa làng Bắc Bộ vừa có những nét văn hóa sáng tạo đặt thù phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thôn ấp nào ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tập tục riêng, lễ hội riêng, cách thức ứng xử riêng. Thôn ấp nào cũng có một ngôi đình - trung tâm văn hóa của làng, thôn xóm. Đó là nơi thờ phượng và cũng là nơi bàn bạc những công việc chung của làng, là nơi thự hiện những nghi lễ, những sinh hoạt văn hóa, tổ chức hội hè, hát xướng…Bên cạnh đình, thôn ấp còn có chùa, đền…là những mặt biểu hiện đời sống tinh thần phong phú của người Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người Việt Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Tuy nhiên, trong đình ở Đồng bằng sông Cửu Long, người ta trước hết thờ những người có công khai canh lập ấp, hay một người có công với đất nước. Đó là Thành Hoàng cụ thể của làng chứ không phải là thành hoàng chung chung, là những con người có thật chứ không phải những nhân vật được tạo nên. Thành Hoàng ở đây là một vị tài đức vẹn toàn, không phải là những Thành Hoàng có nguồn gốc từ dâm thần, là trẻ con hay ăn mày chết vào giờ thiêng như một số nơi ở miền Bắc.
Trong bất cứ một ngôi làng nào của Đồng bằng sông Cửu Long cũng có một ngôi đình để thờ Thành hoàng riêng của làng đó, gọi là Thành hoàng bổn cảnh.
Ngoài Thành hoàng bổn cảnh, người miền Nam nói chung và người Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn sáng tạo ra một vị thần đặc biệt là Ông Địa. ông Địa này không phải là Thổ thần của Trung Quốc. Người Trung Quốc thờ Thổ thần không có tượng, không cất đền. Họ thờ ở bên ngoài nhà dưới một gốc cây, sau đó chuyển thành thờ bằng bài vị rồi đặt trong một bàn thờ nhỏ như cái hộp, đặt trên nền nhà. Ông Địa của những người đi khai hoang có hình, có tượng được đặt trang trọng lên bàn, lên trang, ông Địa luôn mang nhiều màu sắc vì dân gian thích màu sắc sặc sỡ. Điều đặc biệt là ông Địa không phải là vị thần đất đai như Thổ Địa mà ông là vị thần bảo vệ mọi mặt cho đời sống của người nông dân.
Hình tượng ông Địa là một hình tượng đậm chất Nam Bộ, ông mặc quần đùi, chân không giày dép, áo bà ba để nút phơi ra trước ngực, bụng để trần, đầu chít một cái khăn xéo - một loại khăn đặc biệt của người nông dân Nam Bộ thuở xưa. Miệng ông Địa luôn cười toe toét thể hiện tính cách người Nam Bộ yêu đời và dễ tính, phóng khoáng. “Ông Địa chính là biểu hiện niềm tin tinh thần của người nông dân miền Nam chiến thắng thiên nhiên hoang dại, thú dữ, đất đai khô cằn và thiên tai, cũng như mọi kẻ thù”226.
Về đời sống xã hội, chúng ta có thể thấy bạn bè trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của cuộc sống con người nơi đây. Những người tha hương gặp nhau dù với vị trí nào cũng đễ đem lòn thông cảm, tâm lí cởi mở chân tình trên cơ sở tình cảm sâu sắc. Họ sẵn sàng kết bạn và đùm bọc lẫn nhau.
“Nước trong xanh, sao nước chảy hoài
Thương người xa xứ, lạc loài đến đây”.
Điều đó cũng tạo ra tâm lí hiếu khách ở người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Lòng hiếu khách đến mức mà khi khách đến nhà được chủ mới dùng cơm chung mà từ chối thì rất đễ làm cho chủ nhà giận…“có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó là dâng cơm bánh, tiếp đĩa trọng hậu, không kể người thân sơ quen lạ, tông tích ở đâu ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo, mà lại có nhiều người lậu xâu trốn thuế đến xứ này ẩn úp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy”227.
Chinh phục và cải tạo thiên nhiên để xây dựng cuộc sống mới không phải là chuyện dễ dàng, họ phải chiến đấu với thú dữ, phải chống chọi với thiên nhiên, mưa gió, thiên tai, dịch bệnh, sâu bọ phá hoại mùa màng…Trong cuộc đấu đó, mỗi người phải có được sức mạnh ủng hộ, sẻ chia của cảc cộng đồng mới có thể chiến thắng. Do đó, đòi hỏi phải có một sự liên kết rộng rãi để tạo ra sức mạnh cộng đồng và một tình cảm gắn bó với nhau…
Lối sống nương tựa vào nhau, thích làm việc nghĩa, giúp đỡ người khác. Ai cũng từng trải qua giai đoạn lưu lạc, hiếm người có người thân thích…lắm chuyện trong cuộc sống cần sự giúp đỡ mà không phải có tiền là có người giúp. Cho nên đứng trước khó khăn, rừng thiêng nước độc, phải chống chọi với thú dữ, cá sấu và nhiều thứ bệnh tật, thiên tai đe dọa. Thường thường người Việt đến vùng Đồng bằng kết nghĩa với nhau, và một khi đã kết nghĩa rồi thì họ sống chết có nhau, thương yêu nha một cách lạ lùng.
Việc đi tìm vùng đất mới, sinh sống trên những nơi xa lạ và đầy nguy hiểm đã rèn giũa nên tính cách của người lưu dân Việt. Họ đã mang đến cho vùng đất này tinh thần không bao giờ lùi bước trước sức mạnh thiên nhiên, cũng như không bao giờ luồn cúi trước sức mạnh cường hào phi nghĩa.
“trời xanh cây cứng lá dai
Gió lay mặc gió chiều ai không chiều”.
Và cũng vì thế, cư dân Đồng bằng sông Cửu Long sống vì nghĩa, mến nghĩa, trọng nghĩa khinh tài và rất cởi mở, bộc trực, chân thật dễ tin người, hào hiệp và mến khách, năng động và dám làm ăn lớn.
Về phong tục, nghi lễ truyền thống cũng có nhiều biến đổi so với cộng đồng người Việt ở miền Bắc hay miền Trung. Khuôn khổ chật hẹp của làng xóm càng về sau, càng đi vào miền Nam càng bị phá vỡ từng phần. Hơn nữa, trong điều kiện những đoàn người đi khai hoang chủ yếu là người nông dân, muốn tổ chức đám cưới, tang ma, cất đình chùa theo đúng phong tục của dân tộc thì phương tiện lại thiếu thốn, việc tìm người hiểu rành về quy cách cũng không phải là điều dễ dàng. Món ăn, món uống thì được chế biến linh hoạt tuỳ theo cá tôm bắt được trong ngày. Việc giải trí, các nghi thức xã giao, tôn ti trật tự sau dần cũng thay đổi theo thời gian. Con người dần dần bình đẳng với nhau hơn, ít phân biệt cao thấp, xuề xoà, dễ dãi. Người miền Nam đến với vùng đất mới là bắt đầu làm lại cuộc đời, sự giàu sang, sung túc phụ thuộc vào khả năng của từng người…
Sự di dân của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng góp phần mang đến nơi đây nền giáo dục dân tộc, lúc bấy giờ là Nho giáo. Trường học được mở ra ở Đồng bằng sông Cửu Long và cũng nhanh chóng thu hút được một số lượng người theo học khá đông. Hệ thống trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng ngày càng nhiều hơn. Các cuộc thi được tổ chức thường xuyên và cũng nhiều người giỏi thể hiện tài năng của mình hơn.
Dù những người khai hoang chủ yếu là nông dân, những người không có học, song trong đoàn người đó tất nhiên cũng sẽ có một ít thầy đồ, tuy không nhiều lắm nhưng họ là những người biết đọc, biết viết chữ Nho, đôi khi cũng xuất hiện vài người từng đỗ đạt, làm quan lại ở các cấp…bị sa cơ lỡ vận phải xuôi vào vùng trong. Do đó dần dần sự học ở Nam Bộ nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng kể từ cuối thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX có nhiều khởi sắc.
Từ năm 1802 đến 1819, nhà Nguyễn tổ chức hai khoa thi Hương ở Nam Bộ, lấy đỗ tổng cộng 20 Cử nhân.
Triều Minh Mạng, Vua cho mở nhiều trường học ở Nam Bộ, trong đó Tiền Giang có các trường như: Định Tường, Kiến An, Kiến Hoà, Kiến Tường, Kiến Đăng.
Năm Thiệu Trị thứ 7, trường học huyện Long Xuyên tỉnh Hà Tiên được dựng ở phía Đông huyện lị.
Trong các trường học ở vùng Đồng bằng, có nhiều trường nổi tiếng, đào tạo nhiều nhân tài cho vùng Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Trường học tỉnh Vĩnh Long: trường tỉnh được xây dựng ở địa phận huyện Vĩnh Bình, phía Tây tỉnh thành, đến năm Minh Mạng thứ 7 dựng lại ở phía Đông, năm thứ 14 lại tiếp tục dời. Ngoài ra còn cón các trường huyện như trường học huyện Vĩnh Trị: đặt năm Tự Đức thứ 15, trường phủ Hoằng Trị: lập năm Minh Mạng thứ 18, trường huyện Bảo An: lập năm Tự Đức thứ 13, trường huyện Tân Minh: lập năm Tự Đức thứ 4, trường huyện Duy Minh: lập năm Tự Đức thứ 15.
Trường học ở An Giang: trường tỉnh ở thôn Chu Phú về phía Tây tỉnh thành, dựng năm Thiệu Trị thứ 2, trường phù Tân Thành: dựng năm Minh Mạng thứ 3, trường huyện Đông Xuyên: dựng năm Minh Mạng thứ 18, trường huyện An Xuyên: dựng năm Minh Mạng thứ 20.
Sự ra đời và phát triển của Nho học, sự lớn mạnh của đội ngũ Nho sĩ trên đất Nam bộ đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều trung tâm Nho học mang đặc trưng của vùng đất mới, góp phần làm phong phú diện mạo văn hóa của vùng đất mới. Tiêu biểu cho nền Nho học Nam bộ thế kỷ XIX là Bình Dương thi xã và Bạch Mai thi xã.
BÌNH DƯƠNG THI XÃ
Bình Dương Thi xã là thi đàn hội tụ khá đông văn nhân tài tử mà trong đó nổi bậc hơn cả là Gia Định Tam gia: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh. Họ đều là những học trò nổi tiếng của thầy Võ Trường Toản và thầy Đặng Đức Thuật với tư tưởng giáo dục lấy lối học nghĩa lý để giáo hoá, lấy mục đích của sự học không phải để đỗ đạt làm quan mà để biết chữ, học để làm người. Nguồn gốc của Nho sĩ ở Nam Bộ khá phong phú bao gồm những người ở tại chỗ, là người Nam Bộ, những người từ các nơi khác đến đây vì các lý do chính trị, vì chiến tranh … những hoàn cảnh sống và kinh nghiệm sống khác nhau hội tụ lại đây, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của Nho giáo ở Gia Định nói chung và Nam Bộ nói riêng, đồng thời tạo ra một sắc thái mới cho Nho giáo ở Nam Bộ. Thơ văn của Bình Dương Thi xã không phải là những câu sáo về phong hoa tuế nguyệt nói chung mà mô tả cảnh vật, con người, sự việc cụ thể của địa phương. Các thông chí của họ thật quý giá, làm cho dân ta biết thêm về xứ sở quê hương mình. Qua thơ văn của Bình Dương Thi xã, cảnh vật con người trên đất Gia Định cũng trở nên tươi đẹp hơn. Một đặc điểm đáng lưu ý trong sáng tác của Gia định tam gia là học thuật và trước thuật của họ. Họ rất thành thạo môn Dư địa chí. (Trịnh Hoài Đức có Gia Định thành công chí; Lê Quang Định làm Đại Việt thống nhất dư địa chí, khảo đủ đồ tịch trong nước, từ kinh sư vào Nam tới Hà Tiên, ra Bắc tới Lạng Sơn; Ngô Nhân Tĩnh đưa sáng kiến cho Đốc học Nghệ An Nguyễn Vinh viết Phong Châu phong thổ hoại và có phụ chép một bộ sách Nghệ An ký). Họ là những người đi nhiều, hiểu nhiều, phát xuất từ thực tiễn phong phú của cuộc sống và tâm hồn thơ phóng khoáng, các thi nhân của Bình Dương thường cảm tác trên những đề tài cụ thể, và sử dụng những ngôn ngữ mộc mạc của nhân dân, khiến cho cảnh vật trong thơ văn họ được tái tạo một cách sinh động, chân thật và gần gũi với đời thường. Trịnh Hoài Đức đã để lại những bài thơ hay như: Vịnh cây liễu nước, Vịnh cảnh thôn quê Long Tịch, phiên chợ núi bến cá, Mưa đêm ở Mỹ Tho, Mưa thu với người làm ruộng, Xã Quất ươm tơ tằm, Chim mòng ngủ ao sen; Lê Quang Định với các bài thơ Đi thuyền trên sông Tiêu Tương; Ngô Nhân Tĩnh với những bài cảm hứng về trấn Hà Tiên: Ở nơi trọ thành Hà Tiên, Từ biệt các bạn ở thành Hà Tiên...
Hiện vẫn chưa xác định được thời gian tồn tại của Bình Dương Thi xã, song, tiếng vang của Bình Dương Thi xã không phải là nhỏ, thi nhân của Bình Dương thi xã từng được các danh sĩ Bắc Hà như: Bùi Dương Lịch, Nguyễn Du đánh giá rất cao. Chính Bình Dương Thi xã đã góp phần tạo ra một không khí sinh hoạt văn học sôi nổi trên đất Gia Định, và là cơ sở cho sự ra đời của Bạch Mai Thi xã sau này.
BẠCH MAI THI XÃ
Bạch Mai Thi xã ra đời và gây tiếng vang mạnh mẽ nhất vào khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ XIX. Trong Gia Định thành công chí, Trịnh Hoài Đức đã mô tả địa điểm ra đời của Bạch Mai Thi xã như sau: “Gò CâyMai ở phía nam trấn ba chục dặm rưỡi, nơi đây, gò đất nổi cao, có nhiều nam mai, cành chi chít hoa, không có tuyết, chỉ có giá đỡ, mùi rất thơm. Hoa này tự linh khí mà sinh ra, không thể đem đi trồng nơi khác được. Trên gò có chùa An Tôn, đêm vang tiếng đọc kinh, chuông sáng, trống chiều rền trong mây khói. Lại có suối chảy quanh chân gò. Các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen. Gặp ngày trời đẹp, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu theo từng bậc cấp, ngâm vịnh ở đầu gò. Dưới gốc mai, hoa cùng văn tự nồng nực hương thơm, thật là thắng cảnh cho mọi người du lãm (Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí - quyển 1, tờ 19b và 20a). Như vậy thời điểm Bạch Mai ra đời, lúc ấy sáu tỉnh miền Nam còn đang trong cảnh trí thái bình, có lẽ vậy mà đã cuốn hút sĩ tử bốn phương đi lại tụ họp ngày càng đông, đa số họ là những văn nhân trứ danh của đất Đồng Nai Bến Nghé như: Trương Hảo Hiệp, Phan Hiển Đạo, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt… Trong đó có Tôn Thọ Tường, người nổi tiếng với văn tài lỗi lạc, là một trong những cây bút chủ lực của Bạch Mai Thi xã, tiếc thay lại cũng chính ông - người bạn thơ tâm đắc của những nhà thơ Bạch Mai - đã sớm trở thành một trong những người đầu tiên ra làm việc cho bọn “Bạch quỷ” (thực dân Pháp), để rồi phải ngậm ngùi đối chất với các bạn thơ về hành động sai lầm của mình, để rồi phải ân hận, tiếc nuối đến suốt đời.
Theo tục truyền thì Bạch Mai Thi xã, mỗi tháng một lần vào tuần trăng sáng có cuộc hội họp để các thi nhân cùng nhau uống rượu ngâm thơ. Bạch Mai Thi xã đã ra đời như một sản phẩm tự nhiên của những cuộc tiêu dao, vì vậy mà nó cũng hoạt động một cách tự nhiên, không có tổ chức hay điều lệ bắt buộc. Mỗi người đi lại với Bạch Mai Thi xã thường mang theo bầu rượu, túi thơ của mình, tất nhiên là cả những thực phẩm của địa phương mình, rồi cùng tụ họp trên đồi cây mai để ngâm vịnh hoặc cùng thả hồn trên sóng nước Đồng Nai.
Thơ của Bạch Mai chủ yếu là ca ngợi thiên nhiên, đề cao thú vui kẻ sĩ, để thù tạc, thể hiện tinh thần nhàn hạ, phóng khoáng của tầng lớp tri thức trong xã hội. Vì là để thù tạc nên các tác phẩm của Bạch Mai cũng như của Bình Dương thi xã tiếc thay đã không được in khắc lại, trải qua bao biến cố thăng trầm đã bị thất lạc rất nhiều, chỉ còn sót lại ít bài như: Chiêu Quân xuất tái của Tú Tuyển, Vịnh làng Hoà Khánh của Cử Thạnh…
Bạch Mai Thi xã chưa hoạt động được bao lâu thì thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều Nguyễn bị tư tưởng bạc nhược lũng đoạn, đã không đảm đương được vai trò lịch sử của mình, nhân dân Nam Bộ đã tự động tổ chức lực lượng để chống xâm lược. Cảnh nhà tan nước mất xảy ra, gò Cây mai bị giặc chiếm đóng, Bạch Mai Thi xã tan rã trong ngơ ngác, bàng hoàng.
Ở nửa sau thế kỷ XIX, Nam bộ còn xuất hiện những cây bút lỗi lạc với tư tưởng “ Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm máy thằng gian bút chẳng tà”.
Đó là Nguyễn Đình Chiểu, là Phan Văn Trị mà sự nghiệp thơ văn của họ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Nam bộ ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp.
Công cuộc khẩn hoang của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long là tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước, lần hồi tạo thêm nét đa dạng trong tính thống nhất về văn hoá dân tộc. Do vậy, trong dòng văn học ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tích hợp tinh hoa của Nho học đã được người Việt tiếp nhận và đúc kết từ ngàn năm trước, đồng thời vẫn phản ánh được nét khoáng đạt tiêu biểu cho tình cảm và tư tưởng của nhân dân trong thời kì mở cõi.
Một điều đặc biệt trong văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long so với văn hóa của cư dân Việt miền Bắc là tính mở của làng dẫn đến tính mở của văn hóa…Thật vậy, chúng ta thấy rằng, bản thân những người Việt đi khai phá là những người đã dám từ bỏ quê cha đất tổ, từ bỏ những định chế làng xã (vì sự khắc nghiệt của chế độ, của cuộc sống) nên trong họ không còn giữ nguyên những nét văn hóa khép kín của cộng đồng đó nữa. Mặt khác, sự hình thành làng của Đồng bằng sông Cửu Long không phải từ dòng họ, cũng không phải từ một sự định cư cùng lúc của các thành viên mà làng ở đây được hình thành lâu dài qua các thời kì kế tiếp nhau. Kẻ trước người sau cứ đến, mưu sinh và trở thành thành viên của cộng đồng. Đến một lúc nào đó khu vực tụ cư đó mới trở thành làng, thôn ấp và dần trở thành một đơn vị hành chính. Vì lẽ đó mà văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long có những nét đặc sắc, nó hết sức mở, sẵn sàng đón nhận nhiều người, nhiều nhóm và nhiều văn hóa khác nhau…
Chúng ta cũng thật khó xác định đâu là yếu tố văn hóa của người Việt mang theo trong quá trình từ Bắc, Trung vào Nam, đâu là những yếu tố người Việt tiếp thu trực tiếp của người Hoa, Khơmer, Chăm…tại đây diễn ra một sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ, trong đó người Việt và văn hóa của mình là yếu tố chủ đạo để kết nối các tộc người khác như Hoa, Khơmer thành một khối thống nhất, trước hết là trên lĩnh vực văn hóa.
Người Việt ngay từ buổi đầu khi tới Đồng bằng sông Cửu Long khai phá, tạo dựng văn hóa của mình chắc chắn phải tìm ra một sự thích ứng hợp lí với vùng sông nước Đồng bằng. thế ứng xử trước thiên nhiên đó, khiến cho văn hóa miền Nam, đặc biệt là văn hóa dân gian có những nét khu biệt khi đặt trong diện mạo văn hóa dân gian của người Việt trên địa bàn cả nước.
Một trong những dấu ấn văn hóa cho quá trình di dân - gắn liền với quá trình khai phá vùng đất của người Việt là sự tiến triển của truyện dân gian của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình khai phá, đặt tên những nơi đã đi qua, những tên làng, tên con sông, cù lao, vùng bưng, con giồng, cây cầu…luôn gắn liền với những câu chuyện thật về sự đương đầu giữa con người với thiên nhiên hoang dã, với những hiểm nguy đe doa, hay những tình nghĩa giữa những con người tiên phong đi mở đất. Do đó mà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã sớm hình thành kho tàng truyện dân gian rất phong phú, đặc sắc. Nó vẫn nằm trong hệ thống truyện dân gian Việt Nam nhưng có những nét riêng biệt về hình thức và nội dung, đặc biệt là những sáng tạo trong hình ảnh, chi tiết của truyện. Hoang đường, phóng đại nhưng rất thực, rất thẳng…
Trong quá trình thích ứng với thiên nhiên Đồng bằng sông Cửu Long, những người Việt đã tạo nên một sắc thái văn hoá có tính tiêu biểu. Một hệ thống chi chít những cửa biển, sông, ao hồ, mương, rạch…trên địa bàn cư trú của người Đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp cho họ nguồn động vật hải sản dồi dào, đa dạng. Lối cư trú trải dài theo kênh rạch khiến con người luôn thấy lẻ bạn, muốn tìm đến nhau…. Từ đó làm nên chất liệu của những câu ca, câu hò, cao dao miền sông nước đặc sắc…
Với ca dao, chúng ta thấy thiên nhiên Đồng bằng sông Cửu Long vừa là nguồn cảm xúc của con người, vừa là nơi để giải bày tâm sự. Tàng ẩn trong những bài ca dao đó là nỗi niềm tâm sự, là niềm tin, sự tự hào của con người có thể làm chủ được thiên nhiên hoang vu, hẻo lánh đó, là nói về đặc sản của từng vùng đất, của cả vùng Đồng bằng.
Với cuộc sống sông nước người Việt đã sáng tạo nên những từ ngữ đặc sắc để chỉ những sự vật vừa mang sắc thái địa phương, vừa thể hiện chiều sâu của nhận thức về thiên nhiên và con người trên vùng đất lắm sông nhiều kênh rạch, nào ghe ngo, vỏ lãi, tắc ráng, tam bản, xuồng ba lá, ghe lườn, ghe nhỏ, vạch, ghe cui, ghe cửa, ghe hầu, ghe giàn, ghe bầu, ghe bản lồng…Những từ liên quan đến sông nước là những từ mang rõ sắc thái, trạng thái cảnh quan thiên nhiên, đó là một hệ thống từ vừa chân xác lại vừa gợi cảm, đa dạng như nước lớn, nước ròng, nước rong, nước rặc, nước kém, nước ươn, nước chứng, nước sình, nước xét, nước đứng, nước bè, nước chảy, nước nằm, nước giựt, nước sụt, nước đổ, nước dềnh, nước trồi, nước quay, nước nhửng…Hệ thống từ ngữ phong phú ấy cho thấy xuy hướng thẩm mỹ, khả năng quan sát của con người và sự ùa vào của thiên nhiên, khiến thiên nhiên nghệ thuật của thiên nhiên trở nên sinh động.
Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt vẫn gắn bó chặt chẽ với người Việt trong quá trình di dân. Và từ miền ngoài vào lập làng, lập ấp, người Việt đã sáng tạo ra các Bà chúa xứ, Dinh cô. Đó là nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt ở Nam Bộ nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Hệ thống miếu bà hầu như có khắp các nơi trong các tỉnh Đồng bằng, được đặt ở trong rừng, nơi cửa biển, vàm, cửa rạch, bên gốc cây to trong làng…
Với tín ngưỡng thờ mẫu, về cơ bản, người Việt vẫn mang trong mình một tín ngưỡng tiềm ẩn trong tiềm thức. Bởi ở nơi đây, họ vẫn là những người nông dân trồng lúa nước. Nhưng trong hành trình đi về phương Nam, do sự tiếp biến văn hóa với các cộng đồng khác, do hoàn cảnh và cuộc sống trên vùng đất mới, tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt được bổ sung phong phú thêm, nhất là ở các điện thờ. Đặc biệt hiện tượng tên các bà được đặt cho các làng, các xóm, các cây cầu là một hiện tượng phổ biến của tín ngưỡng thờ mẫu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Lễ hội Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất phong phú. Chúng vừa thể hiện nét văn hóa đặc sắc của cư dân Việt vừa thể hiện sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các tộc người như Khơmer, Hoa. Vừa thể hiện nét đặc trưng của vùng miền vừa thể hiện tính truyền thống dân tộc.
Tiếp thu tết truyền thống của dân tộc song người Việt Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự bổ sung cho phù hơp với cuộc sống nghề nghiệp của mình. Điều đó ta có thể thấy qua ngày lễ “Tết vườn” trong những ngày đầu năm. Đây là một đặc sản của người dân vùng sông nước, “Tết vườn” được tổ chức vào mồng 4 tết nhằm cầu cho công việc làm vườn phát đạt, trong năm thời tiết thích hợp, không bị sâu bệnh phá…
Ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre có hình thức “cúng việc lề”. Đó là ngày lễ của những người con cháu ở Đồng bằng sông Cửu Long có ông bà tổ tiên gốc gác ở miền Trung. Món cúng chủ yếu là món “cá nấu ám” vốn là một món ăn cổ tuyền, phổ biến của các tỉnh miền Trung. Cá dùng để nấu món này thường phải làm bằng dao tre, để nguyên cả kì, vi, đuôi và nấu trong nồi gốm. Chén bát dùng trong bữa cúng bằng gáo dừa hay đồ sành thô, đặt lên chiếu trải trên đất để cúng. Cư dân địa phương giải thích việc cúng này là nhằm cho con cháu tưởng nhớ đến quá khứ phiêu tán, cơ cực của tổ tiên khi đi khai hoang ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
KẾT LUẬN
Cho đến đầu thế kỷ XVII, cũng như toàn vùng Đồng Nai - Gia Định, tức Nam Bộ nói chung, vùng đất ngày nay là đồng bằng sông Cửu Long về cơ bản vẫn còn là một vùng đất hoang vu chưa được khai phá, khắp nơi là rừng rậm, đầm lầy. Mãi đến những thập niên cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn còn nhận xét rằng "ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm". Rải rác trên đất đồng bằng sông Cửu Long khi ây chỉ mới xuất hiện một số điểm quần cư của người Khmer tập trung chủ yếu trên các giồng đất cao khai thác những sản vật sẵn có từ thiên nhiên. Việc khai thác hầu như chưa diễn ra. Những vùng đất thấp khác hầu như đều là rừng rậm hoang vu, như tác giả Gia Định thành thông chí đã mô tả: “Phía Nam trấn (Định Tường) một dặm, trước kia là rừng hoang làm hang cho hùm beo ở".
Kể từ thế kỷ XVII trở đi, bộ mặt vùng đất đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu biến đổi mạnh mẽ khi có sự xuất hiện một lớp dân cư mới - lưu dân người Việt. Đến và định cư trên vùng đất mới từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song, các thế hệ lưu dân người Việt khi đã quyết định dừng chân trên mảnh đất này đêu gắn bó máu thịt với đất đai và với cộng đồng vì một mục tiêu duy nhất là mưu sinh. Với tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó; với kinh nghiệm chinh phục đầm lầy, trồng lúa nước; với quyết tâm bám trụ đất mới để thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận, chính bộ phận người Việt đã làm thay đổi diện mạo hoang vu, sình lầy, đầy thú dữ của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, biến đồng bằng này thành những xóm làng trù mật, dân cư đông đúc, sinh hoạt tấp nập, nhộn nhịp không chỉ nội vùng mà còn mở mang rộng ra với khu vực bên ngoài. Khi các chúa Nguyễn lần lượt sáp nhập những vùng đất đồng bằng sông Cửu Long vào lãnh thổ Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, nhưng lưu dân người Việt đã đến đây ở từ trước đó khá lâu. Có thể coi đó là một đặc điểm chung ở nhiều vùng đất khác ở Nam bộ, Jules Sien đã nhận xét rất đúng rằng: “Trước khi Nam Kỳ trở thành một bộ phận của Việt Nam, người Việt đã lập ở đó những tổ chức. Những nhóm người di cư đã xây dựng làng xóm, hay tới ở chung với người Cao Miên".
Những lưu dân người Việt đến vùng đất đồng bằng sông Cửu Long trong những năm cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII hầu hết là những người từ các tỉnh miền Trung. Họ gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng đông đảo nhất vẫn là những nông dân nghèo khổ lại phải gánh chịu nạn chiến tranh phong kiến liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến họ Trịnh ở Đàng Ngoài và họ Nguyễn ở Đàng Trong. Họ buộc phải rời bỏ quê hương đi tìm đất sống. Thành phần đông đảo thứ hai là những người trốn lính và lính trốn, những tù nhân bị lưu đày viễn xứ. Ngoài những thành phần đông đảo kể trên, còn có một số người có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm sản xuất, những người có óc phiêu lưu mạo hiểm ở miền Thuận Quảng - những người mà Lê Quý Đôn gọi là "dân có vật lực" - theo lời kêu gọi của chúa Nguyễn, họ muốn thử thời vận, làm giàu, vào đây để mở rộng việc kinh doanh tạo nên sản nghiệp mới.
Trong những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung đến đất đồng bằng sông Cửu Long, có một số lớn đi thẳng từ quê hương của họ đến đây theo đường biển bằng phương tiện ghe bầu. Trong các thế kỷ XVII, XVIII, đường bộ từ miền Thuận Quảng vào đất Nam Kỳ còn rất khó khăn, nguy hiểm. Một số khác đã vào vùng Biên Hòa, Bến Nghé, Vũng Gù trước đó, nhưng vì chưa tìm được những điều kiện thuận lợi để bám trụ, nên phải tiếp tục đi tới và hội tụ về đất đất đồng bằng sông Cửu Long. Số người này có thể đã tới đây bằng cả hai cách, hoặc di chuyển theo đường bộ, hoặc theo đường thủy.
Cũng như các vùng đất khác trên đất Đồng Nai - Gia Định, những lưu dân người Việt đến đất đồng bằng sông Cửu Long theo cách thức: hoặc lẻ tẻ từng cá nhân, từng gia đình, hoặc họp lại thành nhóm gồm những người bà con thân thuộc hay làng xóm láng giềng, hoặc một số người đi trước tìm chỗ cư trú, làm ăn rồi quay về đưa gia đình, bà con thân thuộc, hàng xóm láng giềng vào tiếp. Nếu như các cuộc di chuyển bằng đường thủy có thể đi một mạch, thì những cuộc di chuyển bằng đường bộ thường diễn ra từng chặng.
Những người đến bằng đường biển đã theo cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông vào định cư trước tiên ở những vùng đất cao dọc theo các con sông lớn.
Ngoài các dải đất ven sông, những người mới đến cũng đã chọn các khu đất giồng để định cư và khai phá như Ba Vát, Thom, Giồng Luông, Đa Phước (ở cù lao Minh), Tiên Long, Tiên Thủy, An Hội, Mỹ Lồng, Cái Bông (ở cù lao Bảo), giồng cai Yên, cù lao ông Chưởng, cù lao Giêng… vì môi trường tự nhiên ở đây tương đối thuận lợi so với nơi khác, đất tốt, không bị lầy lội.
Sự hiện diện và khai phá đất hoang của các bộ phận cư dân Việt diễn ra liên tục, bền bỉ trong suốt gần hai thế kỷ đã mang lại những thành quả hết sức to lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bằng sông Cửu long:
Trước hết, là sự khai phá đất hoang, mở rộng diện tích trồng trọt. Đến vùng đất mới, những lưu dân phải bắt tay vào việc mưu tìm cách sống. Nhưng ngoài sức lao động của đôi bàn tay, họ thiếu thốn mọi thứ: phương tiện, vốn liếng, giống má, trâu bò... Cho nên ban đầu, họ chỉ có khả năng khai phá, trồng trọt trên những diện tích nhỏ bé, hoặc đi khai thác những nguồn lợi thiên nhiên sẵn có, như vào rừng lấy gỗ, mây, dầu rái, mật và sáp ong, than củi, săn bắt thú để lấy thịt, sừng, da, đánh bắt tôm cá ở sông rạch... nhằm giải quyết nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Tất nhiên cũng không loại trừ việc cày thuê cuốc mướn cho những gia đình khá giả. Nhưng dù sao ở nơi đất mới - như Trịnh Hoài Đức nhận xét: “Gia Định đất rộng, thực vật nhiều, không lo đói rét" - cuộc sống của họ chắc chắn có nhiều phần dễ dàng hơn nơi đất hẹp người đông, người khôn của khó ở quê hương cũ. Việc khai phá trong buổi đầu này thường diễn ra dưới hình thức tập thể, từng nhóm, từng cụm, có thể gồm những gia đình có họ hàng thân thuộc, hoặc đồng hương đồng xứ, hoặc cùng chung tín ngưỡng, cùng trong họ đạo. Vùng đất mới lúc này còn rất hoang vu, xa lạ, đầy thú dữ, rắn rết, đến nỗi "con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh" như người ta thường nhắc, cho nên chỉ có dựa vào nhau, cố kết lại với nhau, thì mới tạo được một sức mạnh để đối phó với những nguy hiểm, những biến cố bất kỳ có thể xảy ra.
Trong khi đó, “những dân có vật lực” bao gồm địa chủ, phú nông, nhà nông, những người có đầu óc kinh doanh, muốn làm ăn lớn, số này chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng họ sẵn vốn liếng, phương tiện, có kinh nghiệm tổ chức, lại được chính quyền chúa Nguyễn khuyến khích, đứng ra chiêu mộ dân nghèo ở địa phương, tập hợp lại thành nhóm, thành đoàn đưa vào vùng đất mới để khai hoang, sản xuất nông nghiệp.
Với bàn tay, khối óc và sự lao động cần mẫn, sáng tạo của những lớp lưu dân, bản đồ khai phá trên đất Bến Tre được mở rộng dần trong các thế kỷ XVII, XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Khu vực khai phá sớm nhất là vùng ven biển dọc theo các địa bàn từ Bà Rịa - Vũng Tàu - Cần Giờ - Cửa Tiểu - Cửa Đại - Cửa Cổ Chiên - Cửa Hàm Luông… vì những nơi này là điểm dừng chân đầu tiên của các lưu dân từ miền Trung đi vào theo đường biển. Lợi thế cửa các điểm dừng chân ban đầu này là có nhiều giồng đất cao hình cánh cung, xen kẽ những cánh đồng trũng. Ở chân giồng, việc canh tác lúa vào mùa mưa khá thuận lợi, còn trên mặt đất giồng thì có thể trồng các thứ hoa màu như sắn, khoai, đậu, bắp, dưa, bí và một số loại cây cần thiết cho các nghề thủ công như bông, vải, gai, dâu tằm…
Từ đầu thế kỷ XVIII, vùng khai phá dần mở rộng vào sâu nội địa theo các kênh rạch và theo tiến trình xác lập chủ quyền của các chúa Nguyễn. Hệ thống chính quyền lần lượt ra đời, các đồn lũy bảo vệ đất đai, dân cư của chúa nguyễn mọc lên; hệ thống kênh rạch được nạo vét, đào mới phục vụ cho việc trị an, quốc phòng; chính sách khuyến khích khẩn hoang, lập làng của chính quyền… là những đảm bảo chắc chắn để lưu dân người Việt ngày càng vững tâm tiến vào khai phá lập nghiệp. Từ đó, khu vực miền trung Nam bộ ( bao gồm vùng bắc sông Tiền và vùng nằm giữa sông Tiền và sông Hậu) về cơ bản đã được khai khẩn xong; vùng Hà Tiên với vai trò bảo hộ của chính quyền và khả năng tổ chức khai phá hiệu quả của dòng họ Mạc cũng đã cơ bản hoàn tất công cuộc tạo dựng và trở nên phát triển.
Ở nửa đầu thế kỷ XIX, bối cảnh lịch sử mới với nhiều thuận lợi ( Hệ thống chính quyền thống nhất, nội chiến đã hoàn toàn chấm dứt, nhà nước đẩy mạnh khẩn hoang Nam bộ với nhiều ưu đãi, chính sách quan tâm của chính quyền đối với đất Nam bộ - đất dấy nghiệp của nhà Nguyễn…) đã tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình mở rộng diện tích khai phá, ổn định dân cư, phát triển kinh tế trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long cả về phía chính quyền lẫn lưu dân người Việt. Đii đôi với việc tự khai phá của nhân dân, chính quyền nhà Nguyễn cũng đứng ra tổ chức việc khai hoang, trồng trọt dưới hình thức đồn điền hoặc khai hoang, lập ấp.
Tư liệu lịch sử cho biết, trên những đất đai đã khai phá được, người nông dân - lưu dân đồng bằng sông Cửu Long đã trồng nhiều loại cây khác nhau tùy theo điều kiện đất đai mỗi nơi, trong đó cây lúa là loại cây trồng chính. Thoạt tiên, họ làm ruộng lúa ở chân các giồng nơi cư trú, rồi về sau theo đà gia tăng dân số, họ mở rộng diện tích canh tác lúa đến cả những cánh đồng thấp trũng, sình lầy. Ruộng ở nơi cao như ven các giồng thường được gọi là "sơn điền" (ruộng núi), còn ruộng ở nơi trũng thấp, ngập nước vào mùa mưa thì được gọi là "thảo điền" (ruộng cỏ). Trên hai loại chủ yếu đó người nông dân - lưu dân đồng bằng sông Cửu Long, cũng giống như lưu dân ở nhiều vùng khác thuộc Đồng Nai - Gia Định, đã áp dụng những kỹ thuật canh tác khác nhau. Ngoài lúa, Trịnh Hoài Đức đã từng nhắc đến: “Có những vườn cau đứng rậm như rừng, quả lớn lại sai" ở Mỹ Lồng. Trong khi đó, vùng Cái Bè, Cái Mơn, Vĩnh Kim …lại tập trung nhiều vườn cây ăn quả. Ngoài các giống trái cây bản địa, các nhà truyền giáo đã đưa vào đây nhiều giống cây ăn trái mới lạ, gốc ở một số nước Đông Nam Á như chà là, dừa lùn, sabôchê, chôm chôm...
Cùng với việc khai phá đất đai lập thành ruộng vườn, lưu dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng phát triển nhiều nghề thủ công như đan lát, dệt chiếu, đóng ghe thuyền, đan lưới, làm muối nhằm đáp ứng một số nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Trong số các ngành nghề thủ công ở đây, ngành dệt vải, dệt lụa, dệt chiếu, chế biến thực phẩm phát triển nhất. Từ đầu thế kỷ XIX, nhiều nơi như Tân Châu, Ba Tri đã là nơi nổi tiếng về nghề dệt lụa. Một số địa phương khác như Mỹ Lồng, Sơn Đốc, Châu Bình thì nổi danh với nghề chế biến thực phẩm: "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, mắm còng Châu Bình...", nghề đóng ghe thuyền thì không đâu tốt cho bằng các làng nghề ở Tân An, Gò công….
Sự phát triển mạnh mẽ việc khai hoang sản xuất nông nghiệp và một số ngành nghề thủ công đã đưa tới sự ra đời một mạng lưới chợ búa khá sầm uất làm nơi trao đổi lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thủ công, hàng tiêu dùng giữa các cư dân trong vùng. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, đến giữa thế kỷ XIX, mỗi trấn ( từ 1832 là tỉnh) ở đồng bằng sông Cửu Long đã có trên dưới 10 chợ lớn, khá sầm uất, trong đó phải kể đến các chợ đầu mối như chợ Mỹ Tho, chợ Bãi xàu, chợ Ngã bảy Phụng Hiệp, chợ nổi Cái bè, chợ nổi Cái Răng, chợ Long Xuyên, …
Như vậy là từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, trong khoảng hai thế kỷ rưỡi - một thời gian lịch sử không dài lắm - mà bộ mặt vùng đất đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi hẳn: từ một vùng đất hoang vu, xứ sở của rừng rậm, sình lầy, thú dữ, rắn rết, cá sấu... đã trở thành một vùng ruộng vườn tươi tốt. Đó là kết quả của bao mồ hôi, công sức, cả máu và nước mắt của những lưu dân buổi đầu và các thế hệ con cháu tiếp sau của họ. Chính những thế hệ người Việt chứ không ai khác đã đóng vai trò là người chủ thực sự đã kiến tạo nên vùng đất trù phú này.
Từ thành quả của công cuộc khai phá, mở rộng diện tích, quá trình khai hoang của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long cũng chính là quá trình mà người Việt từng bước khẳng định chủ quyền của mình trên vùng đất mới này cả trên mọi phương diện, trong đó có vấn đề lãnh thổ.
Công cuộc khẩn hoang, mở mang bờ cõi của người Việt tại miền đất đồng bằng sông Cửu Long là một sự phát triền một cách tự nhiên chứ không hề mang tính chất bành trướng xâm lược. Thực tế đã cho thấy, ngay từ khi những cư dân người Việt vào khai khẩn thì đây chỉ là một xứ toàn rừng, giồng đất, đất mặn, và những miền hoang vu như Biên Hoà, Bà Rịa… dân Việt tràn vào mà không có ai ngăn cản, nếu không nói là vùng đất này gần như vô chủ. Bởi vì, tại đây chỉ có thưa thớt một ít người Khmer sinh sống tại đây. Khi người Việt vào đây, lập cửa, lập nhà, thành làng mạc, rồi bằng những biện pháp canh tác của mình đã mở mang ruộng nương làm cho vùng đất này trở nên trù phú. Trong quá trình sống, lưu dân ngườc Việt đã tỏ rõ tư tưởng đoàn kết khối cộng đồng tộc người, bằng chứng là mặc dù sống chung đụng với người dân bản xứ nhưng, những cư dân người Việt không hề có những hành động cướp ruộng của họ hay gây hấn… tuy nhiên lần lần, những cư dân bản địa này cũng ít đi trong mỗi ngôi làng. sở dĩ như vậy là do một phần người Khmer bỏ đi chỗ khác làm ăn, một phần thì theo phong tục, y phục, tiếng nói của người Việt mà lâu dần hoá thành người Việt. Sau này, việc thành lập các tổ chức hành chính cũng như sự hiện diện của quan lại nhà Nguyễn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thực chất cũng chỉ là “để xác lập một tình thế có sẵn, chứ không phải để cướp những quyền lợi chưa hề có”.
Xác lập chủ quyền bằng đường biên giới, khu vực chịu ảnh hưởng của chính quyền chỉ là bước đầu. Vấn đề sống còn đối với chủ quyền quốc gia phải là sự ổn định lâu dài dựa vào “biên giới mềm”. Do vậy, việc đưa dân tới sinh sống, biến vùng đất thành nơi cư trú, sinh sống, sản xuất ổn định lâu dài mới là yếu tố quyết định chủ quyền đối với vùng đất đó. Vì thế sự xuất hiện, định cư và thành quả khai thác trên mọi lĩnh vực của các thế hệ người Việt ở hầu hết các vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long trong các thế kỷ XVII - XIX là một việc làm vô cùng có ý nghĩa. Nó là bằng chứng xác thực nhất để khẳng định vai trò cũng như chủ quyền của người Việt tại đây.
Cùng với quá trình di dân định cư sinh sống để giữ đất, khẳng định chủ quyền. Người Việt còn góp phần to lớn vào việc giải quyết các cuộc tranh chấp nhằm bảo vệ quyển lãnh thổ quốc gia. Họ luôn ý thức được vai trò của mình trên những vùng đất mới của dân tộc. Họ vừa là những người nhạy cảm nhất đối với nguy cơ xâm lăng từ phía ngoài, cũng là lực lượng quan trọng nhất trong việc giữ vững chủ quyền của dân tộc.
Quá trình khai phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là quá trình cộng cư và giao lưu văn hoá trong vùng này của các thành phần dân cư, dân tộc với nguồn gốc địa phương, phong tục tập quán, tín ngưỡng có nhiều khác biệt làm nên sự đa dạng phong phú của Đồng bằng. Đó là một sắc thái độc đáo so với các vùng khác.
Có một điều không khó để nhận ra là vai trò hết sức quan trọng của văn hóa Việt trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói văn hóa người Việt tại đây vừa là yếu tố chủ đạo, vừa là yếu tố gắn kết văn hóa của các tộc người như Khơmer, Hoa… Khi các khu vực cư trú và sản xuất của cộng đồng người Việt hình thành, ngôn ngữ chính dần được sử dụng là tiếng Việt. Ngôn ngữ này được các tộc người như Khơmer, Hoa … học để giao tiếp và giao lưu kinh tế. Điều này làm tăng sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa những con người mưu sinh trên vùng đất mới, giữa những tộc người trên cùng một lãnh thổ… Bên cạnh đó, những yếu tố văn hóa của người Việt là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa khác. Vì vậy nên chính những sự gắn kết về kinh tế, lãnh thổ cư trú và đặc biệt là sự hiểu biết, gần gũi nhau về văn hóa đã làm cho các tộc người ở Đồng bằng sông Cửu Long tạo thành một khối thống nhất.
Sự giao tiếp về văn hoá đa đạng đã hình thành nên sắc thái văn hoá miền đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú, nó vừa thể hiện sự tiếp biến nhiều văn hoá vừa thể hiện đặc thù văn hoá của một vùng đất mới để thích ứng với môi trường và tâm lí dân tộc. Những nét văn hoá đó trở thành những nét văn hoá tiêu biểu cho văn hoá Đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên, một điều nghịch lý đã xảy ra là không phải những người khai phá được tận hưởng toàn bộ thành quả lao động ấy. Ngay những mảnh đất nhỏ nhoi mà họ khai phá được bằng sức đôi bàn tay của mình cũng không phải vĩnh viễn thuộc về họ. Bởi vì như trên đã nói, để mở rộng nhanh chóng công cuộc khẩn hoang ở vùng đất mới, nhằm tạo ra tiềm lực kinh tế vững mạnh đủ sức đối chọi với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã khuyến khích những người "dân có vật lực" miền Thuận Quảng vào Nam mở mang công việc làm ăn. Những người "dân có vật lực" này sẵn vốn liếng và kinh nghiệm tổ chức, đã đứng ra chiêu mộ dân nghèo ở địa phương, lập thành lực lượng lao động lớn.
Không những thế, theo Lê Quý Đôn, họ còn "thu cả con trai, con gái người Mọi (Thượng) ở các đầu nguồn, đem về làm nô tì, người đen tóc quăn là người Mọi thực giá tiền 20 quan, hơi trắng giá chỉ 10 quan, cho tự lấy nhau, sinh đẻ nuôi nấng thành người cày ruộng, làm nghề nghiệp". Nhờ lực lượng đông đảo ấy, những người “dân có vật lực" đã nhanh chóng khai phá được những diện tích đất đai rộng lớn, trở thành những điền chủ nhiều thế lực. Trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn cho biết: "Người giàu ở các địa phương hoặc 40, 50 nhà, hoặc 20, 30 nhà, mỗi nhà điền nô hoặc đến 50, 60 người, trâu bò hoặc đến 300, 400 con, cày bừa, cấy gặt rộn ràng không rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng 12, thường giã thành gạo, bán lầy tiền để ăn tết chạp... Bình thường chỉ bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc, lụa tĩnh, trừu đoạn, áo quần tốt đẹp”. Số điền chủ giàu có này trở thành chỗ dựa xã hội của chế độ phong kiến họ Nguyễn. Họ không chỉ giữ vai trò quan trọng về kinh tế, mà còn nắm giữ cả quyền lực chính trị ở địa phương. Chính sách của nhà Nguyễn lại tạo thêm những thuận lợi cho tầng lớp điền chủ nói trên cùng với bọn chức việc làng, xã, tổng, huyện kiêm tính ruộng đất công và ruộng đất của nông dân nghèo, mở rộng điền sản, phát triển thêm một bước chế độ sở hữu lớn về ruộng đất ở Nam Kỳ.
Các vua nhà Nguyễn từ Gia long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã ban hành chỉ dụ cho phép số phú hào mộ dân khẩn đất và được quyền ưu tiên chiếm giữ những ruộng đất tốt nhất, lại còn ban thưởng tiền bạc, chức tước: "Ai mộ được 5 xuất đinh, khẩn được 50 mẫu trở lên được thưởng 20 quan, mộ được 10 suất đinh, khẩn được 100 mẫu, được thưởng 40 quan... Ngoài ra còn được thưởng hàm tòng cửu phẩm và cho làm lý trưởng. Tùy vào số ruộng và số đinh, việc tặng thưởng có thể nâng lên đến hàm chánh bát phẩm và bổ thụ chánh tổng".
Được sự khuyến khích nâng đỡ của chính quyền họ Nguyễn, tầng lớp điền chủ ở Đồng Nai - Gia Định nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, tha hồ cấu kết với bọn quan lại địa phương, dùng mọi thủ đoạn để cướp đoạt ruộng vườn của những người nông dân nghèo khổ, cô thế. Nhận xét của Trương Đăng Quế khi ông được vua Minh Mạng biệt phái vào Nam tiến hành việc đo đạc ruộng đất để lập địa bạ (năm 1836) đã nói lên mức độ nghiêm trọng của tình hình này: "Nam Kỳ chứa chất tệ hại đã lâu, cường hào cậy mạnh bá chiếm, người nghèo không đất cắm dùi. Có kẻ ở xã này chiếm ruộng đất ở xã khác, mà người xã sở tại lại phải tá ngụ để cày cấy".
Thủ đoạn kiêm tính của điền chủ và cường hào ở đây không chỉ đụng tới những mảnh đất nhỏ bé của nông dân nghèo, mà còn bao chiếm cả ruộng công làng xã - loại ruộng đất dùng để tạm cấp cho dân làng theo chính sách "quân điền" dù rằng ở Đồng Nai - Gia Định, trong đó bao gồm đồng bằng sông Cửu Long, số lượng đất này chiếm tỉ lệ ít ỏi. Như đã đề cập ở nội dung chương 3, theo báo cáo của tỉnh thành Gia Định gửi về triều năm Minh Mạng thứ 21 (1840) ghi rõ: "Trong hạt không có ruộng công, các nhà giàu bao chiếm ruộng đất từ hàng trăm năm, hàng ngàn mẫu, dân nghèo không được nhờ cậy".
Còn về phía người nông dân nghèo, thì ngoài việc bị bọn điền chủ cướp đoạt ruộng đất, sau đó với thân phận tá điền, họ cày thuê cuốc mướn để kiếm sống, lại còn bị Nhà nước phong kiến bòn rút thông qua thuế khóa hà khắc. Chính quyền phong kiến đặt ra hàng loạt thứ thuế khác nhau: thuế ruộng, thuế đinh, thuế tàu thuyền, thuế sản vật... Chỉ riêng thuế sản vật, người dân Đồng Nai - Gia Định trong đó đồng bằng sông Cửu Long, thường phải nộp từ thuế vườn dừa, vườn cau đến thuế các loại lâm sản khai thác được như gỗ, sáp ong, trầm hương... Riêng khoản đóng góp này đã khá nặng như Lê Quý Đôn nhận xét: “Hết thảy các sản vật đều lấy ở xã, thôn, phường, khi thì nộp thuế, khi thì trưng mua. Những phiền phí về sự đốc thúc, lao động, vận tải làm cho dân địa phương không thể nào kham nổi". Thêm vào đó, người nông dân còn bị bọn quan lại các cấp nhũng nhiễu đủ cách, nào là phụ thu lạm bổ, nào là đòi hối lộ hoặc bắt phục dịch việc riêng. Ngoài thuế khóa hà khắc, chính quyền phong kiến họ Nguyễn đôi khi còn cướp đoạt trắng trợn ruộng đất của dân - trước hết là của nông dân nghèo, những người không chút thế lực - để ban cấp cho những kẻ có công trạng trong việc khôi phục và củng cố quyền thống trị của họ.
Chính sách áp bức, bóc lột của chính quyền phong kiến và tầng lớp điền chủ đã làm cho cuộc sống của người nông dân lao động ở đồng bằng sông Cửu Long, nhanh chóng bị bần cùng hóa, bị phá sản, khiến ở một nơi nổi tiếng màu mỡ và trù phú, số "cùng dân" lại ngày càng tăng lên. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi năm Gia Long thứ 18 (1819), đám quan lại ở Gia Định đã phải đề nghị lên triều đình khi lập "Sổ cùng dân" (tức là sổ thống kê số dân nghèo khổ nhất), không nên theo lệ "thập đinh nhất cùng" - tức là tính bình quân cứ 10 người dân có một người cùng khổ - mà phải cho kê khai cụ thể thì mới nắm được số liệu chính xác. Kết quả là trong vòng 1 năm trên toàn vùng Đồng Nai - Gia Định đã bổ sung thêm được 16.155 người. Nếu so sánh với con số "cùng dân" này với tổng số dân đinh ở Gia Định vào thời điểm đó (khoảng 80.000 người) ta sẽ thấy rõ tình trạng phân hóa giai cấp ở đây diễn ra nghiêm trọng đến mức nào. Đây chính là nghịch lý nội tại của vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngay từ buổi đầu khai phá cho đến suốt thời kỳ thống trị của các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn.
* *
*
Từ những nội dung nghiên cứu của đề tài “ Vai trò của cộng đồng người Việt trong khai phá vùng đất đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ XVII - XIX”, nhóm đề tài với mục đích “ ôn cố, tri tân” xin mạnh dạn đưa ra một vài suy nghĩ về vấn đề bảo tồn và phát triển những thành quả của những thế hệ tiền nhân - những thế hệ đã góp nhiều công sức để tạo dựng nên mảnh đất phương Nam của Tổ quốc.
Chúng ta hiện vẫn chưa có một thống kê đầy đủ về các di sản văn hóa vật chất và tinh thần ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng sự giàu có của các loại hình di sản ở đây thì ai cũng nhận thức được.
Về di sản vật chất: tại đồng bằng đang lưu giữ nhiều dấu Hình thành và phát triển trong hơn 300 năm quá, đồng bằng sông Cửu Long là nơi hội tụ những đặc trưng chung của văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là nơi dung hợp và hình thành những đặc điểm rất riêng của vùng đất mới. Những giá trị văn hóa vừa phản ánh cái chung, vừa khẳng định tính riêng của vùng được tích hợp qua thời gian và đã trở thành di sản, truyền thống, rồi tiếp tục được kế thừa, phát huy và phát triển để trở thành bản sắc văn hóa vùng châu thổ sông Cửu Long. Những di sản văn hóa đó là:
Thứ nhất: Vốn văn hóa tích hợp từ vùng châu thổ Bắc bộ, được làm giàu thêm trên dải đất “ khu năm rằng rặc khúc ruột miền Trung”, đã được lưu dân mang vào châu thổ sông Cửu Long. Có mặt cách đây hơn 300 năm, những lớp người Việt ra đi từ miền Bắc, miền Trung hội tụ lại trên vùng đồng bằng sông Cửu Long khai phá đất đai, lập làng, lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống mới Tuy họ đã rời xa vùng đất cội nguồn về cả không gian và thời gian, nhưng trong tầm thức sâu thẳm, họ vẫn đau đáu hoài niệm chốn cũ:
Từ độ mang gươm đi mở cõi,
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
(Huỳnh Văn Nghệ - Nhớ Bắc)
Đến với vùng đất mới, họ mang theo hành trang là những tên đết, tên làng, là “ cây đa, bến nước, sân đình” là mô thức tổ chức làng xã, là kinh nghiệm trồng lúa nước và những phong tục, tập quán…
Hợp lực cùng người Việt để mưu sinh trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long là các cộng đồng Khmer, Hoa, Chăm… Những cộng đồng này khác nhau về nguồn gốc tộc người, nhưng đều có điểm chung giống nhau, đó là, họ đều là những nông dân nghèo bị phá sản ở những dạng thức khác nhau và đều phải rời xa cội nguồn của mình, tìm đến đất đồng bằng châu thổ sông Cửu Long để tìm kế sinh nhai. Do vậy, trong quá trình phát triển lịch sử, vùng đất đồng bằng sông Cửu Long đã sớm là nơi hội tụ thuận hòa của một nền văn hóa thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa các tộc người. Có thể nhận ra và phân biệt rõ cấu trúc làng xã, những mái đình làng Việt, những ngôi chùa cổ Khơ-me, những miếu thờ bà Thiên Hậu, những trò chơi dân gian, làn điệu dân ca… vẫn chứa đựng hồn Việt, hồn Khmer, Hoa nhưng cũng lại khác xa nhiều về mô típ, kiến trúc, nghệ thuật biểu đạt cũng như nghi lễ thờ cúng và lễ hội so với văn hóa cội nguồn của các cộng đồng cư dân ấy.
Thứ hai: Giao lưu văn hóa diễn ra với tốc độ nhanh là một trong những đặc trưng điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều nhân tố tạo nên đặc tính này của văn hóa vùng, như: tính mở về không gian địa lý, đất mới, giàu tài nguyên, con người năng động… đặc biệt là tác động của quá trình giao lưu văn hóa tự nhiên giữa những tộc người cùng sinh sống trên một địa bàn. Ở thời khẩn hoang và tiếp tục về sau, sự giao lưu, tiếp biến lẫn nhau giữa ba nền văn hóa Việt- Hoa- Khmer thể hiện sinh động trong kinh nghiệm sản xuất, sinh hoạt, trong ẩm thực, trong văn hóa, văn nghệ dân gian và đặc biệt là trong ngôn ngữ. … Những sáng tạo văn hóa từ quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa sớm và tích cực này là những di sản quy báu không chỉ với người dân đồng bằng mà còn đối với cả nước.
Thứ ba: Xuất phát từ điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều đặc thù, đồng bằng sông Cửu Long là nơi đan xen, tồn tại nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Nói cách khác là diện mạo tôn giáo- tín ngưỡng nơi đây khá đa dạng và phức tạp.Ngoài các tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào như: Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Islam giáo… Và tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Trung đưa vào như: tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng thờ Mẫu. Đồng bằng sông Cửu Long còn là nơi xuất hiện những phong trào tôn giáo cứu thế, những nhà tiên tri, những ông đạo, như: Bửu Sơn Kì Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa … Kết quả của sự đa dạng phức tạp này là một đời sống tinh thần- xã hội phong phú, đan xen lẫn lộn những yếu tố văn hóa tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu đã hình thành, phát triển và tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động.
Thứ tư: Sinh hoạt và sản xuất trên một vùng thiên nhiên sông nước rộng lớn, nhiều thuận lợi, ngay từ buổi đầu khai phá, cộng đồng cư dân Việt đã chọn cho mình thế ứng xử hài hòa với môi trường thiên nhiên. Lối cư trú trải dài theo kênh rạch, trồng lúa theo chế độ thủy triều mà không cần đắp đê ngăn lũ, lên liếp làm vườn, lập chợ nổi trên sông… Tóm lại là một đời sống “trên bến, dưới thuyền” vô cùng độc đáo. Từ nếp sinh hoạt và sản xuất đó mà hình thành một nền “văn minh sông nước”, “văn minh miệt vườn” đặc trưng, không lẫn vào đâu được.
Thứ năm: Về mặt con người, người dân đồng bằng sông Cửu Long có nguồn gốc lịch sử là những lưu dân khai phá. Từ nhiều nơi hội tụ về một vùng thiên nhiên rộng rãi, nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, buộc những con người tiên phong mở đất phải cố kết cùng nhau, trọng nghĩa, khinh tài, dám xả thân vì bạn bè, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Bài học về đoàn kết từ những ngày đầu khai phá đã tạo cho người dân nơi đây tâm lý cởi mở, phóng khoáng, thích giao du, giao tiếp, không phân biệt chính cư, ngụ cư, không phân biệt tôn giáo, tính ngưỡng. Nhờ vậy người dân đồng bằng sông Cửu Long bộc trực, thắng thắng, dám nghĩ, dám làm. Đây là vốn quý cần được bảo tồn, phát huy những thế mạnh của cư dân đồng bằng.
Trong quá khứ, bằng những nỗ lực vượt bậc, cộng đồng cư dân Việt đã là trung tâm quy tụ, phát tán và hội tụ văn hóa trên vùng đất mới; là lực lượng trụ cột trong phát triển kinh tế, trong xác lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh - quốc phòng; trong giao lưu và hội nhập với các dân tộc láng giềng và ngoại vực. Trong hiện tại, người dân đồng bằng đang tiếp tục sát cánh cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nông dân, nông nghiệp vì mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Do vậy, rất cần sự nỗ lực từ trí tuệ của chính quyền và toàn dân để có một chính sách hợp lý để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của người dân đồng bằng sông Cửu Long vào sự nghiệp cách mạng mới của đất nước, làm cho đồng bằng sông Cửu Long cất cánh cùng cả nước, vì cả nước
TÀI LIỆU THAM KHẢO
SÁCH
- Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hoà, 1958, Địa phương chí tỉnh Kiên Giang, Toà tỉnh trưởng Kiên Giang xuất bản.
- Bùi Văn Quế (sưu tầm), Muôn vẻ Sài Gòn xưa qua sách báo, Trích trong bộ sưu tập của Bùi Văn Quế - Tập 3 + 4 + 5.
- Bùi Văn Quế (sưu tầm), Những bài báo viết về Sài Gòn xưa, Trích trong bộ sưu tập của Bùi Văn Quế - tập 2.
- Chu Đạt Quan (Hà Văn Tấn - dịch), 2006, Chân Lạp Phong thổ ký, NXB. Thế Giới, Hà Nội.
- Christophoro Borri, 1998, Xứ Đàng Trong 1621, NXB. Tp. Hồ Chí Minh.
- Đại Nam thực lục tiền biên, 1962, Bản dịch của Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.
- Đại Nam thực lục tiền biên, 1963, Quyển IV, Bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, Tập 1.
- Đại Nam thực lục chính biên,1963, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tập 2.
- Đặng Thu (chủ biên), 1994, Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển, Hà Nội.
- Đào Trinh Nhất, 1924, Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ, Nhà in Thụy Ký, Hà Nội.
- Địa chí Long An, 1989, Nxb. Long An và Nxb. Khoa học xã hội.
- Địa chí Bến Tre, 1991, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Địa chí tỉnh Kiến Tường, 1973, Tài liệu lấy ở thư viện khoa học xã hội Tp. Hồ Chí Minh.
- Hồ Bá Thâm, 2003, Văn hoá Nam bộ - vấn đề và phát triển, nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
- Hoàng Thái Xuyên, 1910, Gương sử Nam, In tại nhà in Dufour & Nguyễn Văn Vĩnh, Hà Nội.
- Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, 2005, Nam Bộ đất và người,Tập 3, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, 2004, Đồng Tháp 300 năm, NXB. Trẻ.
- Hội nghiên cứu Đông Dương (biên soạn), 1997, Chuyên khảo và tỉnh Gia Định (ấn bản 1902 - Monographie de la province de Gia Dinh), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
- Hội nghiên cứu Đông Dương (biên soạn), 1997, Chuyên khảo về tỉnh Gia Định (ấn bản 1902), NXB. Trẻ xuất bản.
- Huỳnh Lứa, 1987, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII - XVIII - XIX, Nxb. Khoa học xã hội.
- Lâm Hoài Nam, 1959, Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân, Nhà in Thủ Đô, Sài Gòn.
- Lê Hương, 1969, người Việt gốc Miên, Tài liệu lấy ở thư viện khoa học xã hội Tp. Hồ Chí Minh.
- Lê Minh, 1984, Đồng bằng sông Cửu Long, NXB. Tp. Hồ Chí Minh.
- Lê Nguyễn, 2004, Xã hội Đại Việt qua bút ký của người nước ngoài, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ CHí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Lê Quý Đôn, 2007, Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
- Lương Ninh, 2006, Nước Phù Nam, Nxb. Đại Học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Mạc Đường, 1991, Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, NXB. Khoa học xã hội.
- Ngọc Dương, 1950, Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, NXB. Ngày Nay, Sài Gòn.
- Nguyễn Chí Bền, 2003, Văn hoá dân gian Việt Nam - Những phác thảo, NXB. Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Đình Đầu, 1999, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh,NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Hữu Hiếu, 2002, Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Phan Khoang, 1997, Góp thêm sử liệu Sài Gòn - Gia Định từ 1859 - 1945, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Phong Nam (chủ biên), 1997, Những Vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Thế Anh, 1968, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, NXB. Trình Bày, Sài Gòn.
- Nguyễn Thế Nghĩa - Nguyễn Chiến Thắng (đồng chủ biên), 2001, Vĩnh Long, lịch sử và phát triển (kỷ yếu hội thảo khoa học - Tập 1), NXB. Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thế Nghĩa (chủ biên), 2004, Tuyển tập tạp chí Khoa học xã hội, NXB. Khoa Học Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thừa Hỷ - Đỗ Bang - Nguyễn Văn Đăng, 2000, Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn, Nxb. Thuận Hoá, Huế.
- Nhiều tác giả, 2007, Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, Tạp chí Xưa & Nay - Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
- Phạm Văn Sơn, 1959, Việt sử tân biên - Quyển 3, Tác giả giữ bản quyền, Sài Gòn.
- Phạm Văn Sơn, 1961, Việt sử tân biên - Quyển 4, Tác giả giữ bản quyền, Sài Gòn.
- Phan Khoang, 2001, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, Tp. Hồ Chí Minh.
- Phan Quang, 1981, Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn Hoá, Hà Nội.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 2006, Đại Nam nhất thống chí - Tập 5 (Viện Sử Học phiên dịch và chú giải), Nxb. Thuận Hoá, Huế.
- Sơn Nam, 1994, Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
- Sơn Nam, 1997, Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
- Thái Văn Kiểm, 1960, Đất Việt trời Nam, NXB. Nguồn Sống, Sài Gòn.
- Trần Văn Giàu (chủ biên), 1987, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh - Tập 1 (lịch sử), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Trịnh Tri Tấn - Nguyễn Minh Nhựt - Phạm Tuấn, 1998, Sài Gòn từ khi thành lập đến giữa thế kể XIX, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Trương Ngọc Tường, “Làng xã cổ truyền ở Nam Bộ qua Minh điều hương ước”, Xưa và nay, Số 58B, 1998, Tr. 26.
- Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu - dịch), 1997, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, NXB. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
- Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1971, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Viện khoa học xã hội Tp. Hồ Chí Minh, 1982, Một số vấn đề khoa học xã hội về đồng bằng sông Cửu Long, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Viện Văn hoá, 1987, Mấy đặc điểm văn hoá đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang.
- Việt Nam Cộng Hoà, 1971, Tỉnh Gia Định - Địa phương chí, Tài liệu lấy ở thư viện Khoa học xã hội Tp. Hồ Chí Minh.
- Việt Nam Cộng Hoà, 1973, Thị xã Rạch Giá - Địa phương chí, Tài liệu lấy ở thư viện Khoa học xã hội Tp. Hồ Chí Minh.
- Võ Trần Nhã, (chủ biên), 1993, Lịch sử Đồng Tháp Mười, NXB. Tp. Hồ Chí Minh.
- Vương Hồng Sển, 1991, Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
TẠP CHÍ
- Đặng Văn Chương, 2002, “về cuộc tấn công của Xiêm vào Hà Tiên và Châu Đốc cuối năm 1833 đầu năm 1834”, NCLS - Số 3, Tr. 71 - 78.
- Đặng Vũ Thị Thảo, 1981, “Sân khấu của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, Số 6.
- Đỗ Bang - Đỗ Quỳnh Nga, 2002, “Ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614 - 1635)”, NCLS - Số 6, Tr. 30 - 34.
- Đông Hồ, 1963, “Lịch sử Hà Tiên và một bài sấm truyền”, Văn Hoá Nguyệt San - Số 80,Tr. 513 - 522.
- Hãn Nguyên, 1970, “Hà Tiên, chìa khoá Nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông Cửu Long”, Sử Địa - Số 19+20, Tr. 259 - 283.
- Lê Hương, 1970, “Những người Việt tiên phong trên bước đường Nam tiến tại Cao Lãnh - Kiến Phong”, Sử Địa - Số 19+20, Tr. 209 - 231.
- Lê Văn Năm, 1988, “Sản xuất hàng hoá và thương nghiệp ở Nam Bộ thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XIX”, NCLS - Số 3+4, Tr. 54 - 60.
- Lê Văn Siêu, 1966, “Dõi theo cuộc Nam tiến của dân tộc ta”, Tạp chí Vạn Hạnh - Số 17,Tr. 80 - 88.
- Lê Văn Siêu, 1966, “Dõi theo cuộc Nam tiến của dân tộc ta”, Tạp chí Vạn Hạnh - Số 18,Tr. 106 - 114.
- Lê Văn Siêu, 1967, “Dõi theo cuộc Nam tiến của dân tộc ta”, Tạp chí Vạn Hạnh - Số 19,Tr. 80 - 86.
- Lý Văn Hùng, 1971, “Nguồn động lực Nam tiến với vùng đất Tây Sơn”, Sử Địa - Số 21,Tr. 129 - 133.
- Mạc Đường, 1982, “Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX”, NCLS - Số 3, Tr. 34 - 43.
- Nguyễn Cảnh Minh - Dương Văn Huề, 1994, “Chính sách chiêu dân khai hoang lập ấp ở Nam Kỳ của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX”, NCLS - Số 3, Tr. 13 - 19.
- Nguyễn Đăng Thục, 1970, “Hai trào lưu di dân Nam tiến”, Việt Nam Khảo Cổ Tập san - Số 6, Tr. 162 - 183.
- Nguyễn Khắc Đạm, 1962, “Vai trò của nhà nước về vấn đề khai hoang trong lịch sử Việt Nam”, NCLS - Số 39, Tr. 5 - 14.
- Nguyễn Phan Quang, 1991, ““Hồi ký về xứ Cochinchine” năm 1744”, NCLS - Số 1, Tr. 75 - 79.
- Nguyễn Phúc Nghiệp, 1997, “Vài nét về tình hình giáo dục ở Tiền Giang từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX”, NCLS - Số 1, Tr. 28 - 36.
- Nguyễn Phúc Nghiệp, 2000, “Quá trình khai hoang lập làng ở Tiền Giang thế kỷ XVII - XVIII”, NCLS - Số 1, Tr. 42 - 50.
- Nguyễn Phúc Nghiệp, 2002, “Tác dụng của hệ thống sông rạch ở Tiền Giang trong nửa đầu thế kỷ XIX”, NCLS - Số 2, Tr. 66 - 69.
- Nguyễn Phúc Nghiệp, 2003, “Giao lưu nông sản hàng hoá giữa Tiền Giang với các nơi khác hồi thế kỷ XVII và XVIII”, NCLS - Số 4, Tr. 23 - 29.
- Nguyễn Phước Tương, 2002, “Mạc Cảnh Huống - Một khai quốc công thần nhà Nguyễn”,NCLS - Số 2, Tr. 59 - 65.
- Nguyễn Thiệu Lâu, 1958, “mấy sử liệu về sự khẩn hoang đồng bằng Nam Việt vào năm kỷ dậu 1789”, Bách Khoa - Số 33, Tr. 21 - 23.
- Nguyễn Thiệu Lâu, 1960, “Nhận xát về sự khẩn hoang đồng bằng Nam Việt năm 1789”,Văn Hoá Á Châu - Số 1, Tr. 55 - 57.
- Nguyễn Thiệu Lâu, 1960, “Thông thương và chiến tranh giữa người Hoà Lan và xứ ta (Thế kỷ thứ XII và XVIII)”, Bách Khoa - số 88, Tr. 41 - 44.
- Nguyễn Văn Đúng, 2001, “Nhìn lại lịch sử khai phá đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Khoa Học Xã Hội - Số 2(48), Tr. 92 - 96.
- Nguyễn Văn Hầu, 1970, “Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long”, Sử Địa - Số 19+20, Tr. 3 - 24.
- Nguyễn Văn Kiệm (sưu tầm, dịch và chú thích), 1995, “Vài nét về tình hình giao thương giữa Việt Nam và vài nước lân cận với các nước phương Tây những năm 30 thế kỷ XVIII (qua bài ghi chép của một giáo sĩ thừa sai Pháp), NCLS - Số 5, Tr. 41 - 47.
- Nguyễn Văn Kim, 2002, “Hệ thống buôn bán ở biển Đông thế kỷ XVI - XVII và vị tr1i của một số thương cảng Việt Nam”, NCLS - Số 1, Tr. 45 - 52.
- Phạm Ái Phương, 1985, “Tìm hiểu nghề trồng trọt Việt Nam thế kỷ XVIII, nửa đầu XIX”,NCLS - Số 5, Tr. 48 - 54.
- Phan Khoang, 1968, “Những trương đầu của lịch sử hai xứ Thuận - Quảng”, Sử Địa - Số 11, Tr. 55 - 80.
- Phan Khoang, 1969, “Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở nước Chân Lạp giữa Tiêm La và các Chúa Nguyễn”, Sử Địa - Số 14 & 15, Tr. 72 - 83.
- Phan Khoang, 1969, “Cuộc tranh giành ảnh hưởng ở nước Chân Lạp giữa Tiêm La và các Chúa Nguyễn”, Sử Địa - Số 16, Tr. 196 - 202.
- Phan Lạc Tuyên, 1957, “Cuộc khẩn hoang miền lục tỉnh của binh sĩ Việt Nam thời xưa”,Bách Khoa - Số 12, Tr. 14 - 18.
- Phù Lang Trương Bá Phát, 1970, “Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam”, Sử Địa - Số 19+20, Tr. 45 - 141.
- Quách Thanh Tâm, 1967, “Khung cảnh thiên nhiên và ảnh hưởng của nó đến đời sống nông thôn ở châu thổ Nam phần”, Sử Địa - Số 7+8, Tr. 124 - 134.
- Sơn Nam, 1958, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, Văn Hoá Á Châu - Số 6, Tr. 50 - 57.
- Sơn Nam, 1958, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, Văn Hoá Á Châu - Số 7, Tr. 59 - 69.
- Sơn Nam, 1959, “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, Văn Hoá Á Châu - Số 10, Tr. 86 - 94.
- Sơn Nam, 1970, “Việc khẩn hoang vùng Rạch Giá”, Sử Địa - Số 19+20, Tr. 169 - 190.
- Song Jeong Nam, 2002, “Từ lịch sử đấu tranh bảo vệ và mở mang bờ cõi của Việt Nam suy nghĩ về tính cộng đồng của người Việt”, NCLS - Số 2, Tr. 39 - 49.
- Tân Phong, 1961, “Vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Cam Bốt”, Quê Hương - Số 29,Tr. 35 - 53.
- Tân Việt Điểu, 1958, “Sông núi Miền Nam”, Văn Hoá Nguyệt San - Số 33, Tr. 784 - 803.
- Tân Việt Điểu, 1959, “An Giang xưa và nay”, Văn Hoá Nguyệt San - Số 39, Tr. 178 - 193.
- Thái Văn Kiểm, 1960, “Nhà Bè nước chảy chia hai”, Tạp chí Lành Mạnh - Số 40, Tr. 6.
- Thái Văn Kiểm, 1960, “Tìm hiểu vài địa danh Nam Việt”, Bách khoa - Số 89, Tr. 61 - 68.
- Thái Văn Kiểm, 1961, “Bản đồ tỉnh Gia Định 1815 của Trần Văn Học”, Tạp chí Luận Đàm - Số 6, Tr. 65 - 76.
- Thương Tân Thị, 1943, “Gia Định - Đồng Nai”, Đại Việt Tạp Chí - Số 19, Tr. 22 - 27.
- Thương Tân Thị, 1943, “Long Xuyên - Đông Xuyên - Cà Mau”, Đại Việt Tạp chí - Số 19,Tr. 7 - 11.
- Trần Anh Tuấn, 1970, “Thư tịch về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam”, Sử Địa - Số 19+20, Tr. 290 - 300.
- Trần Bích Ngọc, 1985, “Vị trí chính trị - kinh tế của Sài Gòn - Gia Định đối với Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới ở thế kỷ XVII - XIX”, NCLS - Số 6, Tr. 56 - 59.
- Trần Thị Mỹ Hạnh, 2003, “ Vùng đất Vĩnh Long trong các thế kỷ XVII - XIX”, NCLS - Số 5, Tr. 28 - 37.
- Trần Thị Vinh, 2004, “Thể chế chính quyền ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVI - XVIII), NCLS - Số 10, Tr. 3 - 10.
- Trương Minh Đạt, 2001, “Họ Mạc trong thời kỳ đầu khai sáng đất Hà Tiên”, NCLS - Số 2,Tr. 8 - 15.
- Trương Ngọc Tường, 1985, “Vài nét về vùng Tiền Giang thế kỷ XVIII”, NCLS - Số 1, Tr. 31 - 35.
- Trương Ngọc Tường, 1998, “Làng xã cổ truyền ở Nam Bộ qua Minh điều hương ước”,Xưa và nay, Số 58B.
- Trương Thị Minh Sâm, 2001, “Kiên Giang - Lịch sử, hiện tại và tương lai”, Tạp chí Khoa Học Xã Hội - Số 4(50), Tr. 95 - 100.
- Từ Ngọc, 1941, “Cuộc giao thiệp giữa người Nam và mấy nước láng giềng từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19”, Tri Tân Tạp chí - Số 22, Tr. 5 - 8.
- Văn Đình Hy, 1991, “Đình làng ở bến tre”, Văn Hoá Nghệ Thuật - Số 5, Tr. 10 - 14.
INTERNET
- Bến Tre dưới thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XVII đến 1867), http://www.bentre.gov.vn
- Công cuộc khai hoang ở Nam Bộ vào thời các chúa Nguyễn, http://www.hochiminhcity.gov.vn
- Đặc điểm tự nhiên - xã hội và lịch sử tỉnh Cà Mau, http://tinhcamau.googlepages.com
- Địa chí Tiền Giang, http://www.tiengiang.gov.vn
- Ðinh văn Hạnh, Mấy vấn đề về nghiên cứu lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,http://www.vannghesongcuulong.org
- Ðinh văn Hạnh, Một vài yếu tố văn hoá đặc trưng của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu có thể khai thác du lịch và tổ chức lễ hội, http://www.vannghesongcuulong.org
- http://diendan.songhuong.com.vn
- http://www.cadaotucngu.com
- http://www.lichsuvn.info
- http://www.newvietart.com.
- Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường, Nam bộ thời khẩn hoang, Phảng, cù nèo và ruộng cỏ,http://vietbao.vn
- Lịch sử Đồng Nai, http://dongnaionline.com
- Lịch sử hình thành thành phố Cần Thơ, http://www.canthoonline.com
- Lò Giàng Páo, Đồng bằng Nam Bộ - Nơi hội tụ văn hoá của nhiều dân tộc cần được quan tâm nghiên cứu, http://www.cema.gov.vn
- Lược sử vùng đất Nam bộ - giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, http://www.cpv.org.vn
- Nguyễn Ðức Hiệp, Một thoáng Đông Nam bộ - Địa chí và lịch sử, http://www.vannghesongcuulong.org
- Nguyễn Hữu Hiệp, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - nhân vật lịch sử có nhiều ngộ nhận đáng tiếc, http://www.vannghesongcuulong.org
- Nguyễn Thanh Liêm, Những biến đổi trong văn hóa Việt Nam, http://www.take2tango.com
- Nguyễn Thanh Liêm, Rạch Giá - Hà Tiên, http://songmanh.net
- Nguyễn Thị Diệp Mai, Làng Vĩnh Hòa Đông, http://www.vannghesongcuulong.org
- Nguyễn Thị Hậu,Đất và người Bến Tre, http://www.vannghesongcuulong.org
- Nguyễn Trọng Tín, Phế đô của vương quốc Phù Nam, http://www.vannghesongcuulong.org
- Phả ký, http://nguyenphuoctoc.net
- Tăng Tấn Lộc, Vĩnh Long xưa - một địa chí văn hóa thu nhỏ của đất Nam bộ,http://www.vannghesongcuulong.org
- Trần Dũng,Thị xã Trà Vinh, xưa và nay http://www.vannghesongcuulong.org
- Trần Nguơn Phiêu, Biên khảo Cù Lao Phố, http://luyenchuong.net
- Trần Thị Thu Lương, Chế độ sở hữu ruộng đất ở Nam bộ từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX,http://www.vnulib.edu.vn
- Trần Trọng Trí, Đình làng Nam bộ: Dấu ấn về nguồn http://www.binhduongnews.com
- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí - Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), www.vanhoahoc.edu.vn.
- Vương quốc Phù Nam, http://edu.net.vn
- www.baocantho.com.vn
PHỤ LỤC
THẾ PHỔ CÁC CHÚA NGUYỄN
Tôn Thất Tiền Hệ
1- Nguyễn Kim (1468 - 1545) Đức Triệu Tổ Hoàng Đế
|
2- Chúa Nguyễn Hoàng, tức Chúa Tiên (1558 - 1613)
Đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế
|
3- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tức Chúa Sãi (1613 - 1635)
Đức Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng Đế
|
4- Chúa Nguyễn Phúc Lan, tức Chúa Thượng (1635 - 1648)
Đức Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng Đế
|
5- Chúa Nguyễn Phúc Tần, tức Chúa Hiền (1648 - 1687)
Đức Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế
|
6- Chúa Nguyễn Phúc Trăn, tức Chúa Nghĩa (1687 - 1691
Đức Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng Đế
|
7- Chúa Nguyễn Phúc Chu, tức Chúa Minh (1691 - 1725)
Đức Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế
|
8- Chúa Nguyễn Phúc Thụ, tức Chúa Ninh (1725 - 1738)
Túc Hiếu Ninh Hoàng Đế
|
9- Chúa Nguyễn Phúc Khoát, tức Võ Vương (1738 - 1765)
Đức Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Đế
|
Thế Tử
Nguyễn Phúc Hiệu
|
Ngài Nguyễn Phúc Luân
Đức Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng Đế
|
10- Chúa Nguyễn Phúc Thuần
tức Định Vương (1765 - 1776)
Đức Duệ Tôn Hiếu Định Hoàng Đế
|
Đông Cung
Nguyễn Phúc Dương
|
Ngài Nguyễn Phúc Ánh
(Vua Gia Long)
|
Tôn Thất Chánh Hệ
1- Vua Gia Long (1802 - 1820)
Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Ánh
|
2- Vua Minh Mạng (1820 - 1840)
Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Đàm
|
3- Vua Thiệu Trị (1841 - 1847)
Đức Hiến Tổ Chương Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Miên Tông
|
4- Vua Tự Đức
(1847 - 1883)
Đức Dực Anh Tôn Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm
|
Ngài Thoại Thái Vương
Huý: Nguyễn Phúc Hồng Y
|
Ngài Kiên Thái Vương
Huý: Nguyễn Phúc Hồng Cai
|
6- Vua Hiệp Hoà
(30/7 - 29/11/1883)
Huý: Nguyễn Phúc Hồng Dật
|
5- Vua Dục Đức
(20/7 - 23/7/1883)
Đức Cung Tôn Huệ Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Ưng Chân
|
9- Vua Đồng Khánh
(1885 - 1889)
Đức Cảnh Tôn Thuần Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Ưng Kỷ
|
7- Vua Kiến Phước
(1883 - 1884)
Đức Giản Tôn Nghị Hoàng Đế
Huý: Nguyễn Phúc Ưng Đăng
|
8- Vua Hàm Nghi
(1884 - 1885)
Huý: Nguyễn Phúc Ưng Lịch
|
10- Vua Thành Thái
(1889 - 1907)
Huý: Nguyễn Phúc Bửu Lân
|
12- Vua Khải Định
(1916 - 1925)
Huý: Nguyễn Phúc Bửu Đảo
|
11- Vua Duy Tân
(1907 - 1916)
Huý: Nguyễn Phúc Vĩnh San
|
13- Vua Bảo Đại
(1926 - 1945)
Huý: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy
|
Việt Nam thế kỷ XVIII
(Nguồn: Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam - Tập 1, 1971)
Đại Nam nhất thống toàn đồ của Phan Huy Chú - 1834
(Nguồn: Thái Văn Kiểm)
BẢN ĐỒ NAM KỲ XƯA
Các loại Nọc cấy và Phảng cấy
Cuộc khai phá của người Việt xuống đồng bằng sông Cửu Long và sông Đồng Nai
Nguồn: Tập san Sử Địa số 19-20, Sài Gón, 1970
Nguồn: Tập san Sử Địa số 19-20
1 http://www.mpi.gov.vn.
2 http://www.mpi.gov.vn.
3 Huỳnh Lứa (Chủ biên), Sđd, Trang 22.
4 Dẫn từ http://www.cpv.org.vn
5 Dẫn từ http://www.mpi.gov.vn.
6 Huỳnh Lứa (chủ biên), Sđd, Trang 35.
7 Nguyễn Hữu Tâm, 2007, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, Trích trong văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, NXB. Thế giới, Hà Nội, Trang 256-257.
8 Tân Đường thư, Quyển 222 hạ, Liệt truyện 147 hạ, Trích từ “ Nhị thập lục sử”, Trang 4538.
9 Nguyễn Đức Nhuệ, 2007, Vùng đất Nam Bộ từ sau diệt vong của vương quốc Phù Nam đến cuối thế kỷ XVII, Trích trong văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, NXB. Thế giới, Hà Nội, Trang 355.
10 Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), 2003, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Trang 54.
11 Huỳnh Lứa (chủ biên), Sđd, Trang 37.
12 Ngô Văn Lệ, 2007, Về mối quan hệ cội nguồn của cư dân Nam Bộ thời cổ đại với một số tộc người bản địa ở Tây Nguyên, Trích trong văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, NXB. Thế giới, Hà Nội, Trang 320.
13 Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Sđd, Trang 53.
15 Lê Xuân Diệm, 1982, “ Vài nét về con đưòng phát triển kinh tế - văn hoá trong buổi đầu lịch sử của vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Một số vấn đề khoa học xã hội về đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Tr. 45
19 Trần Văn Giàu (chủ biên), 1987, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tr. 109
31 Lương Ninh, 1995, “Văn hoá Óc Eo và văn hoá Phù Nam”, 90 năm nghiên cứu về văn hoá và lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 59
68 Thích Đại Sán, 1963, Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, Tr. 43. Dẫn theo Huỳnh Lứa (chủ biên), 1987, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tr. 39.
71 Dẫn lại, Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 15.
76 Lê Quý Đôn, Sđd, Tr. 186 – 187.
77 Lê Quý Đôn, Sđd, Tr. 171.
79 Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, 1963, Tr. 43, 105, Dẫn theo Đặng Thu (chủ biên), 1994, Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển, Hà Nội, Tr. 96.
83 Dẫn lại, Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Sđd, Tr. 13.
84 Xem, Trần Văn Giàu (chủ biên), 1987, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh – Tập 1 (Lịch sử), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tr. 425.
85 Dẫn lại, Đặng Thu (chủ biên), 1994, Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển, Hà Nội, Tr. 100.
86 Nguyễn Phúc Nghiệp, 2000, “Quá trình khai hoang lập làng ở Tiền Giang thế kỷ XVII – XVIII”, Nghiên cứu lịch sử, Số 1, Tr. 42.
87 Nguyễn Văn Bổng, Sau một quyển sách, Dẫn theo Phan Quang, 1981, Đồng bằng Sông Cửu Long, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, Tr. 218.
90 Đặng Thu (chủ biên), Sđd, Tr. 121.
95 Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1971, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 295.
97 Thích Đại Sán, 1963, Hải ngoại ký sự, Bản dịch của Viện Đại học Huế, Tr. 132, Dẫn theo Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Sđd, Tr. 23.
98Huỳnh Lứa (chủ biên), 1987, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tr. 42 – 43.
99 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 4 – Quyển VI – Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.3.
104 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 3 – Quyển III, Tlđd, www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.1.
106 Nguyễn Văn Đúng, 2001, “Nhìn lại lịch sử khai phá đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Khoa học xã hội, Số 2, Tr. 92.
111 Mạc Đường, (1982), “Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX”, Nghiên cứu lịch sử, Số 3, Tr. 37.
112 Đặng Thu (chủ biên), 1994, Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển, Hà Nội, Tr. 98.
113 Dẫn theo Đặng Thu (Chủ biên), 1994, Sđd, Tr. 98.
114 Đặng Thu (Chủ biên), 1994, Sđd, Tr. 99.
115 Đặng Thu (Chủ biên), 1994, Sđd, Tr. 99.
116 Nguyễn Đình Đầu, 1999, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, Tr. 43.
119 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 3 – Quyển III, Tlđd, www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.1.
121 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 3 – Quyển III, Tlđd, www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.3.
122 Balencia, Monographie de Gia Định, P. 273, Dẫn theo Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Sđd, Tr. 32.
123 Trương Ngọc Tường, 1998, “Làng xã cổ truyền ở Nam Bộ qua Minh điều hương ước”, Xưa và nay, Số 58B, Tr. 26.
125 Trương Ngọc Tường, 1985, “Vài nét về xã hội vùng Tiền Giang thế kỷ XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 1, Tr. 34.
127 Nguyễn Đình Đầu, 1999, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, Tr. 45.
128 Chu Đạt Quan, 2006, Chân Lạp phong thổ ký - Bản dịch của Hà Văn Tấn, Nxb. Thế giới, Hà Nội,Tr. 45 – 46.
129 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 4 – Quyển V – Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.2.
130 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 4 – Quyển V – Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.2.
131 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 4 – Quyển V – Lý Việt Dũng (dịch và chú giải), www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.2.
133 Có ba loại phảng : phảng Giò Nai; phảng Cổ Cò; phảng Gai (xem phần phụ lục).
139 Dẫn lại, Lê Văn Năm, 1988, “Sản xuất hàng hoá và thương nghiệp ở Nam bộ thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 3+4, Tr. 54.
142 Mạc Đường, 1982, “Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX”, Nghiên cứu lịch sử, Số 3, Tr. 39.
143 Viện Văn hoá, 1987, Mấy đặc điểm văn hoá đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, Tr. 68.
144 Đặng Vũ Thị Thảo, 1981, “Sân khấu của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, Số 6, Tr. 37.
146 Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, 2005, Nam Bộ đất và người,Tập 3, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, Tr. 29.
82Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí – Phần 3 – Quyển III, Tlđd, www.vanhoahoc.edu.vn, Tr.1.
152 Đỗ Bang, 1998, Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy Nhà nước triều Nguyễn những vấn đề đặt ra hiện nay, NXB Thuận Hoá, Huế, trang 25.
153 Võ Huy Phúc, 1979, Tìm hiểu chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, NXB KHXH, Hà Nội, trang 211.
154 Trần Thị Thu Lương, 1994, Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XIX, NXB TP.HCM, trang 47.
155 Chu Thiên, 1963, Chính sách khẩn hoang của triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 56/1963, trang 48.
156 Vũ Văn Quân, 1991, Chế độ ruộng đất – kinh tế nông nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, Luận án PTS Sử học, Hà Nôi, tr.133.
157 Nguyễn Phan Quang, 2004, Theo dòng lịch sử dân tộc (sự kiện và tư liệu), NXB THTP.HCM, trang 101
158 Theo Bùi Thị Tân, 2007, Triều Nguyễn và công cuộc khai hoang lập làng ở Nam Bộ, Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, Tạp chí Xưa và nay – NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản, TP.HCM, trang 101.
160 Huỳnh Lứa, 1987, Sđd, trang 107.
161 Lê Văn Năm, 2002, Tình hình định cư, khai phá vùng Châu Đốc – Hà Tiên hồi thế kỉ XIX, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2/2002, trang 51.
162 Lê Văn Năm, 2002, Sđd, trang 52.
163 Lê Văn Năm, 2002, Sđd, trang 53.
164 Lê Văn Năm, 2002, sđd, trang 51.
165 Nguyễn Khắc Đạm, 1962, Vai trò của Nhà nước về vấn đề khai hoang trong lịch sử Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 39/1962, trang 9, 10.
166 Chu Thiên, 1963, Chính sách khẩn hoang của triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 56/1963, trang 58, 59.
167 Lê Văn Năm, 1995, Vài nét về chính sách thành lập đồn điền của triều Nguyễn, Viện KHXH tại TP.HCM-Bảo tàng lịch sử TP.HCM, Những vấn đễ văn hoá – xã hội thời Nguyễn, NXB KHXH, trang 61.
168 Tủ sách lịch sử và văn hoá, 2000, Tạp chí Tri Tân 1941 – 1946 các bài viết về lịch sử và văn hoá Việt Nam, Trung tâm UNESCO-thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá xuất bản, Hà Nội, trang 296
170 Thái Hồng, 2001, sđd, trang 67
171 Theo Nguyễn Thế Anh, 1968, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, NXB Trình bày, Sài Gòn, trang 92.
172 Tiêu Đàm, 1941, Việc khẩn hoang ở Nam Kì dưới triều Nguyễn, Tạp chí Tri tân, số 21, 31/10/1941, trang 496.
173 Dẫn lại Lê Văn Năm, 2002, trang 54, 55.
174 Theo Huỳnh Lứa (Chủ biên), 1987, Sđd, trang 124
175 Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỉ XVII, XVIII, XIX, NXB KHXH, trang 177.
176 Nguyễn Khắc Đạm, 1962, Vai trò của Nhà nước về vấn đề khai hoang trong lịch sử Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 39/1962, trang8).
177Đại Nam thực lục, tập XI, trang 290 thì đến năm 1832 Nhà nước vẫn chưa thu thuế, Nguyễn Văn Quế tâu: “Đồn Châu Đốc, tỉnh An Giang do các viên bảo hộ trước đây đã nhiều lần chiêu tập dân cư đến khai khẩn ruộng đất từ hơn 20 năm nay, chưa định ngạch thuế…”. Năm đó, Minh Mạng lại tiếp tục cho miễn thuế thêm ba năm nữa, rồi đến khi hết hạn ba năm, vua lại cho miễn thuế thêm một năm nữa.
178 Lê Văn Năm, 2002, Sđd, trang 55.
179 Tiên Đàm, 1941, Việc khẩn hoang ở Nam Kì dưới triều Nguyễn, Tạp chí Tri tân, số 21, 31/10/1941, trang 496.
180 Nguyễn Hữu Hiệp, 2003, Kinh Vĩnh Tế - từ ý tưởng đến hiện thực, tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 60/2003, trang 6.
182 Bùi Thị Tân, 2007, Triều Nguyễn và công cuộc khai hoang lập làng ở Nam Bộ, Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, Tạp chí Xưa và nay – NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản, TP.HCM, trang 103.
184 Lê Văn Năm, 2002, sđd, trang 53.
185 Sơn Nam, 1958, Sđd, trang 66, 67.
186 Sơn Nam, 1958, Sđd, trang 67.
187 Dẫn lại Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1994, trang 147.
188 Theo Huỳnh Lứa (chủ biên), 1987, Sđd, trang 130
190 Theo Lê Văn Năm, 2002, sđd, trang 54.
191 Tiên Đàm, 1941, Việc khẩn hoang ở Nam Kì dưới triều Nguyễn, Tạp chí Tri tân, số 21, 31/10/1941, trang 496.
193 Lê Quốc Sử, 2004, Sđd, trang 637.
194 Lê Quốc Sử, 2004, Sđd, trang 638.
195 Mạc Đường, 1982, Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỉ XV đến thế kỉ XIX, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1982, trang 42.
196 Lê Văn Năm, 2002, Sđd, trang 53.
197 Nguyễn Khắc Đạm, 1962, Vai trò của Nhà nước về vấn đề khai hoang trong lịch sử Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 39/1962, trang 12.
198 Sơn Nam, 1958, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn hoá Á Châu số 6/1958, trang 54.
199 Thạch Phương – Đoàn Tư (chủ biên), Địa chí Bến Tre, NXB KHXH, Hà Nội, 1991, trang 167.
200 Theo Bùi Thị Tân, 2007, Triều Nguyễn và công cuộc khai hoang lập làng ở Nam Bộ, Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, Tạp chí Xưa và nay – NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản, TP.HCM, trang 101.
202 Nguyễn Công Bình – Lê Xuân Diệm - Mạc Đường, 1990, Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, NXB KHXH, trang 39.
205 Huỳnh Lứa (chủ biên), 1978, Sđd, trang 198.
206 Theo Thạch Phương – Đoàn Tư (chủ biên), Sđd, trang 199, 200.
207 Theo Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh, NXB TP. HCM, 1994, trang 158, 149.
208 Theo Huỳnh Lứa (Chủ biên), 1978, Sđd, trang 135, 136.
209 Theo Thạch Phương – Đoàn Tư (chủ biên), sđd, trang 200.
211 Theo Đại Nam nhất thống chí, tập hạ (An Giang – Hà Tiên), Nha Văn hóa Sài Gòn xuất bản, 1973, trang 42.
213 Trương Ngọc Tường, Nghề làm cau khô và trầu rang truyền thống ở Mỹ Tho, Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, NXB Trẻ, 2002, trang 07.
214 Huỳnh Lứa (chủ biên), 1978, Sđd, trang 145.
215 Nguyễn Đình Đầu, “Từ buổi đầu, kinh tế Nam Bộ đã gắn liền nội thương với ngoịa thương, Nam Bộ đất và người, tập VI, NXB TH TP. Hồ Chí Minh, 2008, trang 168.
216 Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Nghề thủ công truyền thống ở Nam Bộ, bộ sư tập Bùi Văn Quế - Muôn nẻo Sài Gòn xưa qua sách báo, tập 4,trang 1143a.
217 Nguyễn Thị Hậu, “Đất và người Bến Tre”, Nam Bộ đất và người, tập VI, NXB TH TP.HCM, 2008, trang 16.
220 Huỳnh Lứa, 2000, Sđd, trang 109.
222 Theo Lê Văn Năm, 1988, Sản xuất hàng hóa và thương nghiệp ở Nam Bộ thế kỉ XVII – nửa đầu thế kỉ XIX, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3+4/1988, trang 36, 37.
223 Nguyễn Đình Đầu, 1999, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kì lục tỉnh, NXB Trẻ, TP. HCM, trang 109.
224 Nguyễn Đình Đầu, 1999, Sđd, trang 128.
226 Hoài Anh, Tục thờ cúng ở miền Nam trước đây, ……???? trang 334.
227 Sơn Nam, 1997, Sđd, trang 32.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét