Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

tư liệu khai phá Nam Bộ, phần 2


1. Từ Chiêu Anh Các đến Trí Đức học xá

Hà Tiên, vùng đất nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, vẫn luôn được xem là vùng đất mới trong tiến trình khai phá và mở rộng lãnh thổ về phía Nam của dân tộc ta. Nhưng truy nguyên từ những cứ liệu lịch sử xa xưa, chúng ta thấy nơi đây cũng đã từng tồn tại một nền văn minh Óc Eo rực rỡ khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI. Đến thế kỷ thứ XIII, những người Khmer bắt đầu định cư ở vùng này và thế kỷ thứ XVII là thế kỷ mà những lưu dân người Việt, người Hoa đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất Hà Tiên (lúc này có tên là Mang Khảm và thuộc Chân Lạp). Những bước đi đầu tiên ấy đã để lại trong lịch sử văn học Việt Nam tên tuổi của tao đàn Chiêu Anh Các. Truyền thống văn học đất Hà Tiên, qua mấy trăm năm, đến đầu thế kỷ XX lại vụt sáng lên bởi tên tuổi của một ngôi trường, một thi xã thời hiện đại: Trí Đức học xá.
I. Từ Tao đàn Chiêu Anh Các...
Góp công khai phá nên mảnh đất Hà Tiên, phải kể đến những người thuộc dòng họ Mạc, đặc biệt là tên tuổi của Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích. Mạc Cửu sinh năm 1655 tại phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), không chịu thuần phục nhà Thanh nên rời quê hương tìm đến vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp. Mạc Cửu đã có công tổ chức lưu dân khai phá, mở mang đất đai, thành lập thương cảng, đẩy mạnh buôn bán với các nước, đồng thời giữ gìn vững chắc cương thổ vùng đất mới. Đến thời Mạc Thiên Tích (con của Mạc Cửu), thì không những mảnh đất này càng trù phú hơn, phát triển hơn nữa về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, mà còn phát triển cả về văn hóa. Việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các là một trong những thành tựu rực rỡ của Mạc Thiên Tích trong quá trình xây dựng của vùng đất Hà Tiên. 
Chiêu Anh Các là nơi tập hợp những văn nhân nho sĩ, là nơi giảng sách, bình văn, truyền bá Nho học và sáng tác thơ ca. Cụ thể hơn, Tao đàn Chiêu Anh Các trước hết là nơi xướng họa, ngâm đề thơ văn; thứ đến, đó là nơi mang chức năng giống như văn miếu, thờ Khổng Tử, tứ phối và thập nhị hiền; cuối cùng, Chiêu Anh Các còn là một nhà nghĩa học, dạy cho học trò không lấy học phí. Quãng thời gian hoạt động của Tao đàn Chiêu Anh Các là từ năm 1736 đến năm 1770.
Công lao đối với việc phát triển văn hóa ở vùng đất Hà Tiên - Kiên Giang của Mạc Thiên Tích được Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi nhận "Người Hà Tiên bắt đầu biết học hành là từ lúc đó"(1) và như đánh giá của giáo sư Bùi Duy Tân thì "Đây là một Hội đồng có tính chất tư vấn bên cạnh hệ thống chính quyền ở Hà Tiên, đảm nhiệm nhiều hoạt động trong và ngoài lãnh vực văn hóa giáo dục. Bộ phận sáng tác văn học của Chiêu Anh Các có tính chất một thi xã, một Tao đàn, kết hợp hoạt động của nghĩa thục với việc ngâm vịnh, xướng họa, in sách lưu hành ở địa phương và sang cả Hoa Nam, Trung Quốc"(2). Điểm đặc sắc của dòng họ Mạc ở Hà Tiên là bên cạnh nghiệp võ hiển hách, họ còn xây dựng được một nghiệp văn cũng không kém phần rực rỡ. Vì vậy, nhà thơ Đông Hồ - một người con tài danh của đất Kiên Giang cho rằng trong sách vở ngày xưa, Hà Tiên còn có tên gọi là "Văn hiến quốc" và có câu thơ:
Từ phú tăng hoa Văn hiến quốcVăn chương cao ngật Trúc bằng thành (3) 
Những văn nhân nho sĩ tham gia Tao đàn Chiêu Anh Các cho đến nay vẫn chưa có con số khẳng định chính xác. Các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học sử đành bằng lòng với một con số ước lượng có thể từ 32 đến trên 70 người, gồm cả người Việt và người Minh Hương (tức là người Trung Hoa nhập cư). Tác phẩm quan trọng bậc nhất của Tao đàn Chiêu Anh Các là Hà Tiên thập vịnh cảnh khắc in năm 1737. Ngoài ra Tao đàn Chiêu Anh Các còn có các tác phẩm chữ Hán khác: Thụ Đức hiên tức cảnh; Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vị tập... nhưng hầu hết đã thất truyền do những thăng trầm, loạn lạc của lịch sử. 
Sáng tác chữ Nôm có tập thơ nhan đề là Hà Tiên quốc âm thập vịnh. Đông Hồ sưu tầm được tại Hà Tiên và đổi thành Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm mười đoạn thơ lục bát gián thất và Đường luật bát cú, tổng cộng 422 câu thơ liên ngâm, nội dung có phần giống với Hà Tiên thập vịnh cảnh bằng chữ Hán. 
Tao đàn Chiêu Anh Các, được lập nên từ mảnh đất mới khai phá vùng cực nam của tổ quốc, nơi mà trước đây dấu ấn của người Việt và nền văn hóa Việt còn rất thưa thớt, đã thực sự là một trong những bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng và hình thành nền văn hóa của người Việt trên đất Nam bộ.
"Ý nghĩa của thơ văn Chiêu Anh Các không chỉ ở tình cảm lạc quan của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống một vùng đất mới khai phá; thơ văn vịnh cảnh, vịnh vật của các thành viên thi xã này còn có ý nghĩa như là việc đồng hóa về mặt văn hóa đối với một vùng đất mới mà trước đó chưa thuộc về người Việt, chưa in dấu văn hóa người Việt"(4). Đây là một nhận định khái quát được tầm vóc quan trọng của những hoạt động văn hóa, văn học của Tao đàn Chiêu Anh Các. 
Tác phẩm chủ yếu của Tao đàn Chiêu Anh Các là hai tập thơ: Hà Tiên thập vịnh cảnh bằng chữ Hán và Hà Tiên quốc âm thập vịnh bằng chữ Nôm. So sánh nội dung hai tác phẩm, chúng ta thấy Hà Tiên quốc âm thập vịnh là sự diễn Nôm những bài chữ Hán trong Hà Tiên thập vịnh cảnh. Lý giải điều này thật ra không khó khăn. Chữ Nôm đã từ Đàng Ngoài theo chân những lưu dân vào Đàng Trong và vào đến tận đất Hà Tiên. Họ Mạc ở Hà Tiên đang tiến hành công cuộc mở mang bờ cõi, cần có những bài thơ, bài văn ca ngợi, cổ động, tuyên truyền cho vùng đất mới, thu hút đông đảo người đến khai phá. Người khai phá ở đây là người Việt, thậm chí đa phần là người Việt nông dân. Nếu thơ văn sáng tác thuần bằng chữ Hán thì phạm vi phổ biến sẽ thu hẹp lại trong giới nho sĩ, không đến được với người dân đang cần có những tiếng nói khuyến khích, động viên trong những ngày đầu đi mở cõi. Đầu óc nhìn xa trông rộng của dòng họ Mạc đã nhìn ra điều đó. Chủ trương của Mạc Thiên Tích dùng chữ Nôm để sáng tác là để tạo đà cho công cuộc quân sự, kinh tế của mình. Do vậy, những thơ văn của Tao đàn Chiêu Anh Các còn lưu lại được cho thấy nội dung chính là miêu tả phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất Hà Tiên.
Tao đàn Chiêu Anh Các là một hiện tượng văn hóa mới xuất hiện ở một vùng đất mới. Xét trên phương diện nghệ thuật, những thành tựu của Tao đàn Chiêu Anh Các không mấy thua kém văn học Đàng Ngoài lúc ấy đang hồi phát triển rực rỡ nhất. Hơn nữa, với sự giao lưu thơ văn với những thi nhân Trung Quốc, Tao đàn Chiêu Anh Các thực sự là một hoạt động văn hóa ít nhiều mang tầm vóc quốc tế. Với những hoạt động của mình, Tao đàn Chiêu Anh Các mà chủ soái Mạc Thiên Tích đã đặt nền móng cho tiến trình phát triển văn hóa ở vùng đất Kiên Giang và xứng đáng được nằm trong số những người mở đầu cho lịch sử văn chương Nam bộ. Công cuộc khai phá mở đất của con người ở đây, nói một cách hình tượng, gần như đồng nghĩa với công cuộc mở mang văn hóa.
II... đến ngôi trường Trí Đức học xá...
Ghi nhận những đóng góp của Tao đàn Chiêu Anh Các, chúng ta thấy có những sách sử cũ như: Thanh văn hiến thông khảo (1747) của những nhà chép sử Trung Hoa; Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn; Kiến văn tiểu lục (1777) của Lê Quý Đôn; Hà Tiên trấn, Hiệp trấn Mạc thị gia phả (1818) của Vũ Thế Dinh; Gia Định thành thông chí (1820 - 1841) của Trịnh Hoài Đức; Đại Nam liệt truyện tiền biên (1852) của Quốc sử quán triều Nguyễn... đều có nhắc đến vai trò văn hóa nổi bật của Tao đàn. Trong các sách nghiên cứu hiện đại, có những câu chữ khẳng định rằng Tao đàn Chiêu Anh Các đã có ảnh hưởng lớn đến nền văn học viết Nam bộ suốt mấy trăm năm sau đó. Khoảng gần một trăm năm sau khi Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời, trên đất Nam Bộ có Gia Định tam gia thi với ba tác giả: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh. Những truyền thuyết đẹp đẽ và bi thảm xung quanh dòng họ Mạc là nguồn cảm hứng cho nữ sĩ Mộng Tuyết viết nên thiên tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái cơ trong chậu úp, xuất bản tại Sài Gòn năm 1961.     Là người con của đất Hà Tiên, nhà thơ Đông Hồ đã nặng lòng với di sản văn chương của những bậc tiền nhân. Cùng mang nguồn gốc là người Minh Hương (dòng họ Đông Hồ Lâm Tấn Phác có lẽ đặt chân lên mảnh đất Hà Tiên cùng thời với Mạc Cửu), ảnh hưởng của Tao đàn Chiêu Anh Các trước hết được thấy rõ ở ngay bút hiệu Đông Hồ. Đông Hồ là tên của một trong mười cảnh đẹp ở Hà Tiên: Đông Hồ ấn nguyệt. Đông Hồ cũng là người có công trong việc giới thiệu những áng thơ của Tao đàn Chiêu Anh Các bằng chữ quốc ngữ và phổ biến trên sách báo. Đầu tiên là trên Nam Phong tạp chí từ năm 1926. Năm 1970, một năm sau ngày thi sĩ qua đời, cuốn Văn học miền Nam - Văn học Hà Tiên được ra mắt bạn đọc. Tấm lòng của thi sĩ được nhà nghiên cứu Hoài Anh ghi nhận: "Nếu không có công sức Đông Hồ đưa thơ Chiêu Anh Các ra ánh sáng và giải thích bình luận cặn kẽ thì những áng thơ này dẫu không chịu số phận mai một thì cũng khó lòng được phổ biến rộng rãi như vậy. Có thể nói Đông Hồ là "tri kỷ", "tri âm" của Mạc Thiên Tích và nói như Nguyễn Du thì đó là cái tính "dị đại tương liên" (khác đời mà thương nhau)" (5). Phải chăng tình "tri kỷ" "tri âm" vượt thời gian ấy đã khiến cho Đông Hồ ấp ủ và quyết tâm xây dựng Trí Đức học xá, một hình mẫu hiện đại của Tao đàn Chiêu Anh Các ngày xưa?
Nhắc đến Đông Hồ, hầu hết những sách phê bình nghiên cứu văn học (Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long...), ngoài những dòng tiểu sử trang trọng, bao giờ cũng kèm theo lời ghi nhận: Ông là người thành lập Trí Đức học xá. Điều ấy chứng tỏ vai trò cũng như ảnh hưởng một thời của Trí Đức học xá trên mảnh đất Hà Tiên nói riêng và văn học miền Nam nói chung.
Thời gian hoạt động của Trí Đức học xá từ 1926 đến 1934. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê thì buổi khai giảng đầu tiên của Trí Đức học xá vào ngày 30 tháng 10 năm 1926. Khi ấy thầy giáo Đông Hồ mới hai mươi tuổi và bài diễn văn của ông đọc ngày 19 tháng 11 năm 1926 tại học xá vạch rõ mục đích của học xá là khai trí tiến đức và dạy chữ quốc ngữ, truyền thụ nền quốc văn dân tộc. Mục đích ấy, chúng ta đã thấy ngay từ tên gọi Trí Đức của ngôi trường.    Nữ sĩ Mộng Tuyết trong tập hồi ký Núi Mộng gương Hồ cho chúng ta biết về Trí Đức học xá: "Ông mở nhà nghĩa học trên bờ Đông Hồ lấy tên là Trí Đức học xá, tự mình làm trưởng giáo, chủ trương chuyên dạy toàn tiếng Việt, luôn luôn cổ động và khuyến khích cho học trò và bè bạn tin tưởng ở tương lai Việt ngữ. Trường này dụng ý theo lối giáo dục Đạo học, sống gần thiên nhiên như nhà tịnh xá Santiniketan của thi hào R. Tagore của Ấn Độ.    Trường mở cả lớp hàm thụ để cho học trò ở xa Hà Tiên cũng có thể tập luyện tiếng Việt, cho nên trong mấy năm đã gây được ảnh hưởng ở miền Nam" (6).
Những công việc mà Trí Đức học xá thực hiện là rất có ý nghĩa nếu so sánh với chương trình tiểu học Pháp - Việt, được nói đến trong Quy chế chung về ngành giáo dục Đông Dương (còn gọi là Học chính tổng quy) do toàn quyền Albert Sarraut ra nghị định ban hành năm 1917. Bậc tiểu học Pháp - Việt gồm năm lớp, đặc biệt chú trọng dạy tiếng Pháp, hạn chế dạy chữ Nho, trong đó hai lớp cuối cấp việc giảng dạy phải hoàn toàn dùng tiếng Pháp.
Trí Đức học xá thường dạy vào ban đêm, mùa hè thì có lớp ban ngày, có khi vào mùa thi cử phải tạm ngưng dạy vì khi ấy học trò phải tập trung vào học tiếng Pháp theo chương trình chính khóa của trường. Vào những dịp lễ tết, trường tổ chức hội họp có diễn thuyết, có ngâm thơ, tiệc trà, tổ chức đưa học trò đi thăm lăng, đi trèo núi, đi chơi bãi biển. Đông Hồ tự tay sửa từng bài văn, mua tập vở phát cho học trò và khuyến khích họ chép vào đấy những bài văn đã được thầy tận tâm sửa chữa.
Tác giả bài diễn thuyết đọc tại Hội Nam Kỳ Khuyến học Sài Gòn ngày 11 tháng 7 năm 1933 nói về Trí Đức học xá, đặc biệt nhấn mạnh cái tình của Đông Hồ đối với sự nghiệp truyền bá quốc văn:
"Trí Đức học xá là một cái trường tư thục chỉ chuyên dạy quốc văn, dạy tại chỗ cũng có, mà dạy bằng thư cũng có, mục đích của các ông là muốn hưởng ứng theo cái phong trào quốc văn ở ngoài Bắc, mà cổ động cho người ta biết dùng nó mà làm việc cho xã hội quốc gia
Ông Đông Hồ mỗi khi biên thư cho tôi đều dùng một thứ giấy có in một cây bút lông, một quản bút sắt, xéo qua bốn chữ Trí Đức học xá và một bài thi ở kế bên rằng:
Ríu rít tiếng chim kêuCha truyền con nối theo
Huống là tiếng mẹ đẻ
Ta có lẽ không yêu?
Phải, ông yêu tiếng mẹ đẻ, ông thương tiếng mẹ đẻ, ông coi nó là cái quốc túy, 
ông nhận ra nó là cái quốc hồn, mà nghĩa vụ của ông là phải yêu mến thiết tha, thành tâm phụng sự lấy nó vậy." (7)
Với mục đích, tôn chỉ như vậy của ngôi trường nên chúng ta kHông ngạc nhiên khi biết rằng ngôi trường thường bị nhà cầm quyền đương thời nghi kỵ, theo dõi, gây khó khăn cho việc giảng dạy. Trường cũng đã từng phải tạm ngưng giảng dạy ba lần. Năm 1934, Trí Đức học xá chính thức đóng cửa sau tám năm hoạt động.
Trong số những học trò của Trí Đức học xá ngày ấy, nữ sĩ Mộng Tuyết, là người thành công hơn cả. Có thể xem Trí Đức học xá là vườn ươm cho nữ sĩ Mộng Tuyết gom góp nên những bài văn nhỏ đăng trên Nam Phong tạp chí, thành tập Bông hoa đua nở. Cũng từ đây, tên tuổi của Trí Đức học xá được biết đến từ Nam ra Bắc.
Trí Đức học xá đóng cửa, nhưng truyền thống của Trí Đức học xá vẫn được Đông Hồ tiếp tục gây dựng. Tuần báo Sống mà Đông Hồ chủ trương năm 1935 tại Sài Gòn cũng nối tiếp công việc của Trí Đức học xá, mở mục "Trong vườn Trí Đức" tiếp tục làm công việc giảng tập văn chương và đăng tải những bài văn hay từ các nơi gửi về.
Từ 1964 đến khi qua đời ông là giảng viên của trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy môn Văn học miền Nam trong chứng chỉ Văn chương Quốc âm.
Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét rằng việc Đông Hồ dạy cho Đại học Văn khoa là để nối lại "cái tình duyên đã lỡ làng" hơn ba mươi năm trước. Ông như sống lại với nguồn cảm hứng đã bắt nguồn từ Trí Đức học xá năm xưa. Học trò quấn quít xung quanh thầy Đông Hồ và những hồi ức của sinh viên Văn khoa thường có chung nhận xét: Đông Hồ là người thầy tài hoa, yêu quý sinh viên, không chỉ giảng dạy về văn chương mà còn dạy về cung cách lễ nghĩa, hành xử ở đời, đúng với hàm nghĩa hai chữ Trí Đức mà ông tâm niệm. Hai chữ Trí Đức là tôn chỉ, là nguyên tắc sư phạm trong cuộc đời thầy giáo Đông Hồ. Những giây phút cuối cùng của cuộc đời ông là những giây phút ông đứng trên bục giảng. 
Đông Hồ đã cùng với nữ sĩ Mộng Tuyết, người bạn đời - người bạn thơ, xây dựng nên những tờ báo, nhà xuất bản, thư quán, cũng không ngoài mục đích phụng sự nền quốc văn dân tộc, nhưng Trí Đức học xá và trường Đại học Văn khoa thuở nào mới chính là nơi mà tấm lòng, tâm huyết của Đông Hồ thể hiện sâu sắc nhất và cũng là nơi ông gặt hái được những điều ông từng kỳ vọng ban đầu.
Đông Hồ thường được biết đến như một nhà thơ, nhà biên khảo nghiên cứu văn học, hoạt động văn hóa, nhưng ông còn là một nhà giáo, một người thầy. Những gì ông đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, mở mang dân trí là đáng trân trọng và đáng được ghi nhận.



CHÚ THÍCH
(1)    Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao Tự Thanh dịch, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H., 1995, tr. 243.
(2)     Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1999, tr. 588.
(3)     Xem Đông Hồ, Văn học miền Nam - Văn học Hà Tiên, Xuat bản Quình Lâm, S., 1970, tr. 32.
(4)     Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường, Từ điển văn học Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, H., 1995, tr. 57.
(5)    Nhiều tác giả, 250 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 1986), Sở Văn hóa thông tin Kiên Giang xuất bản, 1987, tr. 237.
(6)     Mộng Tuyết. Núi Mộng gương Hồ, tập I, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 37.
(7)    Dẫn theo tạp chí Xưa và Nay, số 69B, tháng 11 năm 1999, tr.35

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét